A good book should leave you... slightly exhausted at the end. You live several lives while reading it.

William Styron, interview, Writers at Work, 1958

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 67
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1600 / 43
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lời Chú Cuối Sách
Để bạn đọc đỡ mất công tra cứu, chúng tôi viết thêm phần Lời chú cuối sách. Với phần này, chúng tôi cố gắng giải nghĩa một cách gọn gàng mà đầy đủ những khái niệm ngày nay không còn thông dụng nữa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý rằng, tất cả những lời giải nghĩa dưới đây chỉ phù hợp với khung lịch sử nước ta trong hai thế kỉ XVI và XVII. Những con số đặt trong ngoặc đơn, nằm sát ngay sau các khái niệm được chú thích là số thứ tự của các giai thoại trong sách này.
AI LAO (31): Tên vương quốc cổ. Nay, lãnh thổ của vương quốc này thuộc về Lào.
ÁI TỬ (08): Tên đất, cũng là tên sông. Sông Ái Tử chảy qua tỉnh Quảng Trị. Sát sông này có xã tên là Ái Tử. Xưa, Ái Tử từng được chọn làm nơi đặt thủ phủ chung cho cả hai trấn là Thuận Hóa và Quảng Nam.
AN NAM ĐÔ THỐNG SỨ TI (18): Cơ quan thống trị, chịu trách nhiệm về mọi vấn đề của xứ An Nam. An Nam là từ chỉ nước ta, vốn có từ thời Đường (năm 679) còn như Đô thống sứ ti là từ chỉ chung triều đình của nhà Lê. Lúc này, Trung Quốc không chính thức thừa nhận vua Lê nên mới phong vua Lê làm Đô thống sứ và gọi triều đình của vua Lê là An Nam Đô thống sứ ti.
AN THANH HẦU NGUYỄN KIM (01): Ông Nguyễn Kim, tước Hầu, có hiệu là An Thanh. Xưa, tước bao giờ cũng ghép với hiệu và để ở sát ngay sau hiệu.
ÁN SÁT ĐỀ HÌNH SỨ TI (16): chức đứng đầu cơ quan trông coi về xét xử và án kiện của một khu vực rộng lớn gồm hai hoặc nhiều địa phương, do triều đình (đây nói triều đình nhà Minh) lập ra.
BẮC TRIỀU (02): Chỉ triều Mạc, mở đầu là Mạc Đăng Dung. Lúc này, nhà Mạc chiếm giữ chủ yếu là vùng phía Bắc nước ta nên sử cũ thường gọi nhà Mạc là Bắc triều.
BINH BỘ HỮU THỊ LANG (40): Trong các bộ của triều đình xưa, đứng đầu là chức Thượng thư, sau chức Thượng thư là hai chức Tả và Hữu thị lang. Chức Tả bao giờ cũng lớn hơn chức Hữu. Như vậy chức Binh bộ Hữu thị lang là chức đứng hàng thứ ba trong bộ Binh, sau chức Thượng thư và chức Tả thị lang.
BÌNH AN VƯƠNG (21): Tước Vương, hiệu hai chữ là Bình An. Đây chỉ Trịnh Tùng (1570 - 1623). Tước luôn đi đôi với hiệu và để ở sát ngay sau hiệu, nhưng, trong cùng một tước, hiệu càng ít chữ thì thứ bậc của tước càng cao hơn.
BỒI TỤNG (60), (62): Chức quan sau chức Tham tụng. Thời này có sự lẫn lộn giữa chức và quyền. Thực ra, Tham tụng và Bồi tụng lúc này là quyền, không phải chức. Chúa chọn viên quan nào đó xét thấy có thể đảm đương được việc điều hành công việc chung của các bộ, thì trao quyền Tham tụng, đồng thời cử một số viên quan khác, trong đó có người được làm Bồi tụng, để phụ giúp công việc chung. Quyền của Tham tụng và Bồi tụng rất lớn, không khác Tể tướng và Á tướng bao nhiêu.
BỒI TỤNG, CHỨC LỄ BỘ TẢ THỊ LANG (54): Viên quan giữ chức Tả thị lang của bộ Lễ (là chức lớn thứ hai sau chức Thượng thư của bộ Lễ) được trao quyền làm Bồi tụng.
CAI ĐỘI (34): Chức võ quan, đứng đầu một đội quân. Chúa Nguyễn chia quân thành các dinh, đứng đầu mỗi dinh có chức Chưởng dinh, trong mỗi dinh lại có nhiều đội, đứng đầu mỗi đội có chức Cai đội.
CAI HỢP (31): chức quan có vị thế tương tự như là phó của chức Cai đội.
CẤP SỰ TRUNG (80): Trong triều đình lúc này, dưới cấp bộ còn có hai cơ quan trực thuộc là Khoa và Tự. Quan được giữ chức Cấp sự trung là quan làm việc ở các Khoa, thường có hàm Chánh bát phẩm.
CON ĐỎ (54): nguyên nghĩa là con mới sinh ra, sắc da còn đỏ, âm Hán Việt của từ này là xích tử. Sách Đại học (một trong Tứ thư) có nói đến cửu thường (chín điều tâm niệm của quân tử), trong cửu thường có Tử thứ dân (nghĩa là thương dân như con), và khi phân tích vế Tử thứ dân, sách này cũng nói rõ là phải Bảo xích tử (nghĩa là phải thương như thương đứa trẻ sơ sinh). Nho gia từ đó gọi dân là con đỏ.
CON HỒNG CHÁU LẠC (10): Chỉ chung nhân dân nước ta. Tổ tiên ta vẫn coi mình là dòng dõi Lạc Hồng, cho nên nói con Hồng cháu Lạc cũng tức là nói chung toàn thể nhân dân nước ta.
CÔNG BỘ HỮU THỊ LANG (40): Chức quan hàng thứ ba trong bộ Công, sau chức Thượng thư và chức Tả thị lang của bộ này.
CÔNG BỘ TẢ THỊ LANG (18): chức quan đứng hàng thứ hai của bộ Công, sau chức Thượng thư của bộ này.
CÔNG KHOA CẤP SỰ TRUNG (29): Chức quan làm việc ở Công Khoa. Ở dưới các bộ của triều đình lúc này là các Khoa và các Tự. Công Khoa là Khoa của bộ Công.
CƠ TỬ (25): Tên một viên quan có tài của Chu Vũ Vương (Trung Quốc cổ đại).
CUNG CHẤN (50): Trong bát quái, chấn là phương đông. Cung chấn ở đây chỉ vòm trời phía đông.
CỬA KHUYẾT (04): ở phía nam của hoàng thành thường có một cửa lớn, trên cửa có lầu. Cửa ấy gọi là cửa khuyết, cũng tức là cửa quyết. Lầu ấy gọi là lầu khuyết hay lầu quyết. Đây là nơi ban bố mọi mệnh lệnh của triều đình cho thiên hạ hay.
CHU THƯ (25): sách (của Trung Quốc) thời nhà Chu.
CHU VŨ VƯƠNG (25): Tức Tây Bá Phát, vị vua đầu tiên của nhà Chu, người đã giết vua Trụ tàn bạo của nhà Ân (cũng tức là nhà Thương). Nhà Chu là một trong tam đại (Hạ, Thương, Chu) của Trung Quốc cổ đại.
CHÚC SƠN (40): Cũng tức là Chúc Động, tên một xã thuộc huyện Chương Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây.
CHƯỞNG CƠ (28): Chức võ quan cao cấp nhất của các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong.
CHƯỞNG DINH (26): Chức quan (thường là võ quan) đứng đầu một dinh. Dinh là đơn vị hành chánh địa phương lớn nhất của xứ Đàng Trong. Mỗi dinh cũng là một đơn vị quân đội. Chức Chưởng dinh cũng đồng thời là chức đứng đầu đơn vị quân đội này.
CHƯỞNG GIÁM (27): Tên chức quan, chức này thường được dùng để ban cho người đứng đầu một Khoa của một bộ nào đấy.
CHƯỞNG TƯ LỄ GIÁM (45): Chức quan đứng đầu bộ phận trông coi về việc hành lễ ở bộ Lễ.
DA CHÂU (05): Cũng tức là châu Quan Da, nay thuộc Thanh Hóa.
ĐẤT MÂN (42): Vùng đất này thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Lúc này, vì bị nhà Thanh tấn công, triều đình nhà Minh phải bỏ kinh thành mà chạy về Phúc Kiến.
ĐOAN VŨ HẦU (04): Tước Hầu, hiệu là Đoàn Vũ. Đây chỉ tước của Lê Cập Đệ.
ĐÔ ĐỐC (26): Chức võ quan cao cấp, ngang với các hàm Thái tử Thái sư, Thái tử Thái phó và Thái tử Thái bảo của văn quan. Đô đốc có hai viên là Tả và Hữu, cùng có hàm tòng Nhất phẩm.
ĐÔ ĐỐC ĐỒNG TRI (49): chức võ quan cao cấp, ở dưới chức Đô đốc thường có hàm tòng Nhị phẩm.
ĐÔ THỐNG SỨ (18): Tên quan chức của nhà Minh, nhưng đây lại là chức vụ mà nhà Minh phong cho vua Lê, coi vua Lê cũng chỉ như một viên quan của nhà Minh mà thôi.
ĐÔ THỐNG TI (42): Chỉ triều đình nước ta. Đô thống ti Lê Hựu là triều đình Lê Hựu (tức triều đình vua Lê Chân Tông: 1643 - 1649).
ĐỐC ĐỒNG (56): Chức quan trông coi việc xét xử, án kiện ở các trấn. Những quan có hàm từ Ngũ phẩm đến Tứ phẩm đều có thể được trao chức này.
ĐỐC THỊ (49): Quan trông coi các vấn đề về biên cương ở các trấn tiếp giáp với nước ngoài. Những người có hàm tử Tứ phẩm đến Tam phẩm đều có thể được trao chức này.
ĐỐC CHIẾN (50): chức võ quan. chỉ đặt ra trong khi có chiến trận. Chức này lớn nhỏ tùy quy mô của chiến tranh, đại để, nhiệm vụ của Đốc chiến là đốc thúc quân sĩ theo đúng mệnh lệnh mà chiến đấu.
ĐỐC SUẤT (56): Chức võ quan, chỉ đặt ra khi có chiến trận, đại để cũng gần giống như Đốc chiến.
ĐỐC TRẤN (58): chức Võ quan được bổ nhiệm làm người đứng đầu của một trấn.
ĐÔNG CÁC ĐẠI HỌC SĨ (16): Học sĩ làm việc ở Đông Các thì gọi là Đông Các Học sĩ. Quan Đông Các Đại học sĩ là quan có hàm lớn nhất trong số các quan làm việc ở Đông Các, quan này thường có hàm từ tòng Tứ phẩm trở lên.
ĐỒNG TRI ĐÔ ĐỐC, TƯỚC THỤY QUẬN CÔNG (55): Chức quan dưới chức Đô đốc, tước Quận công, hiệu là Thụy. Chức Đồng tri Đô đốc thường do văn quan nắm giữ.
GIA ĐỊNH (61): Tên đất. Tên đất này bắt đầu có kể từ năm 1698, dùng để chỉ vùng tương ứng với miền Đông Nam Bộ ngày nay, nhưng rồi dần dần, được dùng để chỉ toàn bộ Nam Bộ. Năm 1832, nhà Nguyễn chia Nam Bộ làm sáu tỉnh, gọi là Nam Kì Lục tỉnh. Trong số sáu tỉnh này, có tỉnh Phiên An. Năm 1836, tỉnh Phiên An đổi gọi là tỉnh Gia Định. Thời Pháp, Gia Định là tên một tỉnh nhỏ mà cơ quan đầu não của tỉnh này đặt ở khu vực quận Bình Thạnh (thành phố Hồ Chí Minh) ngày nay.
HẠC HẢI (31): Tên bãi cát ở Quảng Bình.
HÀN LÂM HỌC SĨ (42): Học sĩ làm việc tại viện Hàn Lâm. Thường thì các học sĩ đều là Tiến sĩ.
HÁN TUYÊN ĐẾ (42): Vị Hoàng đế thứ bảy của nhà Tiền Hán (Trung Quốc), làm vua từ năm 73 trước Công nguyên đến năm 49 trước Công nguyên.
HIẾN SÁT (31), (35): Viên quan chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của quan lại từ cấp trấn trở xuống, đồng thời, trông coi các việc xét xử và án kiện của các trấn. Quan Hiến sát thường có hàm Chánh lục phẩm.
HÌNH TÀO THAM PHÁN (18): Chức vụ của triều đình Triều Tiên, chưa rõ cụ thể như thế nào. Tuy nhiên, có thể suy đoán rằng, sử cũ đã chọn một chức vụ tương đương ở nước ta cho viên sứ giả người Triều Tiên này. Nếu suy đoán này đúng, thì Hình tào Tham phán tương đương với chức đứng đầu cơ quan bộ Hình nhưng lại làm việc trong phủ chúa. (Bộ Hình của triều đình chỉ tồn tại trên danh nghĩa chứ không có vị trí gì, tất cả công việc của bộ Hình thực chất là do Hình tào của phủ chúa đảm trách).
HIỆU THẢO (63): Chức quan lo việc đọc lại để kiểm tra độ chính xác của các văn kiện. Mỗi một Khoa đều có chức quan này. Hiệu thảo làm việc dưới quyền chỉ huy của các quan Cấp sự trung.
HY TÔNG HIẾU VĂN HOÀNG ĐẾ (29): Miếu hiệu được truy tôn của Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635).
HOÀNG GIANG (22): Tên sông ở Hà Nam.
HỒ XÁ (08): Tên đất ở Quảng Bình.
HỒ GẶP GIÓ, RỒNG GẶP MÂY (02): Dịch từ câu Hổ tùng phong, long tùng vân, ý nói cơ may đã đến.
HỘ KHOA CẤP SỰ TRUNG (40), (49): Chức quan Cấp sự trung làm tại Hộ Khoa. (Xem thêm: Cấp sự trung)
HUÂN VƯƠNG (20): Vị vương tước có công lao. Đây chỉ chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623), tước Bình An Vương.
KẺ NÔNG TANG (42): Kẻ làm ruộng và trồng dâu, đây ý muốn chỉ những người có địa vị thấp hèn trong xã hội cũ.
KINH ẤP (10): Cũng tức là kinh đô. Đây chỉ Thăng Long.
KINH BẮC (40): Tên trấn. Trấn Kinh Bắc xưa có đất đai đại để tương ứng với vùng Hà Bắc cũ.
LAI QUẬN CÔNG (04): Tước Quận công, hiệu là Lai. Đây chỉ tước của Phan Công Tích.
LẠI BỘ HỮU THỊ LANG (35): Chức vụ ở hàng thứ ba của bộ Lại, sau Thượng thư và Tả thị lang.
LẠI BỘ HỮU THỊ LANG (35): Chức vụ đứng hàng thứ hai của bộ Lại, sau Thượng thư.
ANH VŨ ĐIỆN ĐẠI HỌC SĨ, HÀM THIẾU BẢO, KIÊM THÁI TỬ THÁI BẢO, CHỨC LẠI BỘ THƯỢNG THƯ (18): Quan đứng đầu bộ Lại (đây chỉ bộ lại của Trung Quốc), được phong hàm Thiếu bảo, lại kiêm thêm cả hàm Thái tử Thái bảo (tức là kiêm giữ những hàm lớn nhất trong hệ thống các hàm thuở xưa), cũng là bậc Đại học sĩ của điện Anh Vũ (vinh quang dành riêng cho những người được tôn là bậc hiền tài của triều đình).
LỄ KHOA CẤP SỰ TRUNG (49): Quan Cấp sự trung, làm việc tại Lễ Khoa. (Xem thêm: Cấp sự trung)
LÔI DƯƠNG (05): Tên huyện. Huyện này nay thuộc Thanh Hóa.
LŨY PHẬT CƯƠNG (39): Tên một chiến lũy ở phía Bắc sông Gianh (Quảng Bình). Lũy này do quân Trịnh đắp nên.
LƯƠNG QUẬN CÔNG (04): Tước Quận công, hiệu là Lương.
MINH LINH (33): Tên đất, nay thuộc Quảng Bình.
NAM TRIỀU (02): Tức triều Lê nhưng thực quyền lúc đầu nằm trong tay Nguyễn Kim, sau đó lại nằm trong tay Trịnh Kiểm (là con rể của Nguyễn Kim) và con cháu của Trịnh Kiểm. Sở dĩ gọi là Nam triều vì lúc này, triều Lê mới được dựng lại, chỉ chiếm được vùng phía Nam, còn vùng phía Bắc thì vẫn do triều Mạc (Bắc triều) nắm giữ.
NỘI GIÁM (21): Quan Thái giám, làm việc dưới quyền của quan Tổng thái giám, chuyên lo giúp việc chủ yếu trong nội phủ.
NỘI TÀN (38): Tên chức quan thời chúa Nguyễn, phẩm hàm tương đối cao, tuy nhiên, công việc và vị trí cụ thể như thế nào, hiện vẫn chưa rõ.
NỘI THỦY (34): Tên đơn vị quân đội. Số lính của mỗi quân thường hay thay đổi, tuy nhiên, đại để thì mỗi quân gồm có từ 2 thuyền trở lên, mỗi thuyền vẫn thường có khoảng 500 người.
NỘI VIỆN THỊ ĐỘC (58): Tên chức quan của nhà Minh. Những người có hàm từ Chánh ngũ phẩm trở lên đều có thể được hổ nhiệm giữ chức này.
NÔNG CỐNG (05): Tên một huyện ở Thanh Hóa.
NÚI ĐÂU MÂU (33): Tên núi ở Quảng Bình, gần cửa Nhật Lệ.
NÚI TRƯỜNG DỤC (31): Tên núi ở Quảng Bình.
NHA GIANG (22): Tên sông đổ ra cửa Đại Yên (hay cửa Liêu) ở Nam Hà cũ.
NHA ÚY NỘI TÁN (30): Chức võ quan cao cấp của chúa Nguyễn, được quyền hầu cận và bàn việc quân cơ với chúa.
NHÂN MỤC (27): Tên chợ, cũng là tên làng, tục gọi là làng Mọc, nay là xã Nhân Chính, ngoại thành Hà Nội.
NHẬT LỆ (33): Tên sông, cũng là tên cửa biển ở Quảng Bình.
NGỌC CUNG CẦU (42): Chưa rõ điển tích, chỉ biết cả câu này ý nói phải thực hiện đúng phận sự của mình.
NGÔ - VIỆT (42): Nước Ngô và nước Việt, hai nước nhỏ ở Trung Quốc thời Xuân Thu. Đây chỉ đất xưa của nước Ngô và nước Việt, nơi vua nhà Minh đang bôn tẩu tới để lánh nạn và mong hưng phục cơ nghiệp cho mình.
NGÙ (19): Vật trang sức, thường có hình cầu, dưới có dính tua đủ màu.
PHỤ QUỐC CHÍNH (42): Chức tự phong của Trịnh Tráng. Với chức đó, Trịnh Tráng có danh nghĩa lớn là giúp vua trị nước, nhưng thực chất, Trịnh Tráng đã nắm hết mọi quyền bính trong tay.
PHỔ QUẬN CÔNG (4): Tước Quận công, hiệu là Phổ.
QUYỂN THỦ (Lời trích ở trang đầu của sách): Quyển mở đầu.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư gồm có: 1 quyển thủ, 5 quyển ngoại kỉ (giới thiệu lịch sử nước ta từ đầu đến Ngô Quyền), 10 quyển bản kỉ (giới thiệu lịch sử nước ta từ Ngô Quyền đến hết thời Lê Lợi), 5 quyển bản kỉ thực lục (giới thiệu lịch sử nước ta từ Lê Thái Tông đến hết thời Lê Cung Hoàng) và 7 quyển bản kỉ tục biên (giới thiệu lịch sử nước ta từ nhà Mạc đến giữa thế kỉ XVII), tổng cộng 28 quyển.
Quyển thủ là quyển giới thiệu lời tựa, lời biểu dâng sách, phàm lệ và mục lục.
SAO BẮC ĐẨU (50): Là chòm sao ở phía Bắc, gồm có 7 vì sao, cho nên cũng gọi là chòm Thất tinh.
SAO CHẨN (50): Tên của một ngôi sao trong Nhị Thập Bát Tú.
SAO KHÔI (50): Tên một ngôi sao trong số 7 ngôi sao Bắc Đẩu.
SÔNG TAM CHẾ (51): Tên sông ở Hà Tĩnh.
SỞ - THỤC (42): Tên hai nước chư hầu ở Trung Quốc thời Xuân Thu. Đây chỉ vùng đất từ tỉnh Tứ Xuyên sang phía Đông, giáp với Phúc Kiến, vốn là đất của nước Thục và nước Sở cũ.
TẢ THỊ LANG BỘ BINH (65): Chức vụ hàng thứ hai sau Thượng thư của bộ Binh.
TẢ GIANG BINH TUẦN ĐẠO (16): Chức vụ của nhà Minh đặt ra khi cử quan đi kiểm tra tình hình ở phía tả ngạn sông Trường Giang.
TẢ TƯỚNG TIẾT CHẾ THỦY BỘ CHƯ BINH (40): Chức Tả tướng, nắm giữ quyền chỉ huy tất cả các dinh quân, thủy cũng như bộ. Chức này chỉ có Tả mà không có Hữu, chỉ dành riêng cho chúa mà thôi.
TÀM CHÂU (5): Tên đất, nay thuộc Thanh Hóa.
TÁN LÍ (40): Chức quan giúp việc cho các quan trấn thủ ở các xứ. Sau, chức này bị bãi bỏ, chỉ khi nào xuất quân đi xa mới đặt chức Tán lí, để giúp việc cho chủ tướng mà thôi. Hết việc phải xuất quân, chức Tán lí đương nhiên bị bãi bỏ.
TÀO THÁO (31): Tên nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc thời Tam Quốc. Lúc đầu, Tào Tháo chỉ là quyền thần thời Hán Hiến Đế sau, Tào Tháo cùng Lưu Bị và Tôn Quyền cùng tranh hùng, tạo ra cuộc hỗn chiến Tam Quốc (Ngụy, Thục và Ngô). Đến khi con của Tào Tháo là Tào Phi cướp ngôi vua của nhà Hán, Tào Tháo được truy tôn là Vũ Đế.
TAM TI (31): Ba cơ quan cùng trông coi việc nước ở một trấn. Tam ti gồm: Thừa ti (trông coi về hành chính và thuế khóa), Hiến ti (trông coi về tư pháp, xét xử và án kiện), Đô ti (trông coi về quân sự).
TÂY DƯƠNG (31): Chỉ chung các nước phương Tây. Lúc này, thực dân phương Tây đang tìm cách bành trướng.mạnh mẽ sang phương Đông.
TẤT ĐỒNG (47): Vùng đất tiếp giáp giữa Hà Tĩnh với Quảng Bình ngày nay.
TIÊN KHẢO (21): Người cha đã khuất. Trịnh Tùng là con thứ của Trịnh Kiểm, mà Trịnh Kiểm thì đã mất (năm 1569), nên Trịnh Tùng gọi Trịnh Kiểm là tiên khảo.
TIỀN BỘ DINH, QUỲNH QUẬN CÔNG (22): Chức quan chỉ huy dinh Tiền Bộ, tước Quận công, hiệu là Quỳnh.
TIẾT CHÊ (10): Người đứng đầu lực lượng vũ trang.
TIẾT CHẾ SINH QUỐC CÔNG (22): Người đứng đầu lực lượng vũ trang, tước Quốc công, hiệu là Sinh. Đây là chức hiệu tự xưng, không phải chức hiệu chính thức của nhà nước.
TÔN VÕ TỬ (34): Cũng tức là Tôn Võ hay Tôn Tử, nhà binh pháp nổi tiếng của Trung Quốc thời cổ đại.
TỔNG BINH (31): Chức võ quan đứng đầu lực lượng vũ trang của một xứ nào đó.
TƯỚNG THẦN LẠI (31): Chức quan chuyên lo việc thuế khóa.
TRẤN THỦ (36): Người đứng đầu một trấn.
TRUNG ĐẠO (47): Quân đội xưa thường chia làm năm đạo (hoặc năm dinh hay năm quân), gồm: Tả, Hữu, Tiền, Hậu và Trung. Vậy, Trung Đạo là một trong năm đạo quân đương thời của chúa Nguyễn.
THÁI BẢO (02): Một trong Tam thái (Thái sư, Thái phó và Thái bảo). Tuy nhiên, đây chỉ là vinh hàm ban riêng cho đại thần, không phải là thực hàm.
THÁI BỘC TỰ KHANH (49): Chức quan đứng đầu một Tự trong triều đình. (Xem thêm: Cấp sự trung). Chức này thường có hàm từ Ngũ phẩm trở lên.
THÁI TỂ HƯNG QUỐC CHIÊU HUÂN TĨNH CÔNG (21): Tước và hiệu của Nguyễn Kim.
THÁI THƯỜNG TỰ KHANH (18), (40): Tên chức quan làm việc trong các Tự của triều đình. (Xem thêm Cấp sự trung)
THAM CHÍNH (35): Chức quan ở địa phương cấp trấn, sau chức Trấn thủ, thường có hàm Tứ phẩm.
THAM ĐỐC (6): Chức quan giúp việc cho quan Trấn thủ ở các trấn.
THAM TỤNG, LỄ BỘ THƯỢNG THƯ, KIÊM ĐÔNG CÁC ĐẠI HỌC SĨ, THIẾU
BẢO, TUỚC YÊN QUẬN CÔNG (53): Chỉ chức tước của Phạm Công Trứ. Ông có tước Quận công, hiệu là Yên, hàm Thái bảo, là Thượng thư bộ Lễ, kiêm coi Đông Các Viện, lại được giao giữ chức Tham tụng.
THANH ỨNG (47): Đây nói tạo ra sự hỗ trợ khi cần thiết cho nhau.
THANH TƯƠNG (8): Tên đất ở Quảng Bình.
THIÊM ĐÔ NGỰ SỬ (21): Tên chức quan làm việc ở Ngự Sử Đài, dưới quyền của Đô ngự sử, chức này thường dùng những người có hàm chánh Ngũ phẩm.
THỔ TI VÂN NAM (56): Chức quan trông coi đất Vân Nam của Trung Quốc.
THUYỀN ĐỊCH CẦN (34): Thuyền là đơn vị quân đội xưa, nếu đầy đủ thì mỗi thuyền có chừng 500 người. Địch Cần là tên riêng của đơn vị quân đội (thuyền) này.
THỰ VỆ (6): Tên chức quan Vệ là vệ quân (thường có quân số tương đương với một thuyền). Mỗi vệ có chức Chưởng vệ (là chức đứng đầu) và chức Thự vệ (là chức phó, giúp việc cho Chưởng vệ).
THƯỢNG PHỤ (3): Tiếng tôn xưng, đây chỉ Trịnh Kiểm.
THƯỢNG SƯ TÂY VƯƠNG (53): Tước và hiệu Trịnh Tạc tự phong cho mình vào tháng 9 năm 1659.
THƯỢNG TƯỚNG THÁI QUỐC CÔNG (4): Chức Thượng tướng, tước Quốc công hiệu là Thái. Đây chỉ Trịnh Kiểm.
VẠN TƯỢNG (31): Tên tiểu vương quốc. Lãnh thổ của vương quốc này nay thuộc Lào.
VĂN CHỨC (36): Tên chức quan, chưa rõ cụ thể ra sao.
VĂN PHONG HẦU (4): Tước Hầu, hiệu là Văn Phong
VỊ DƯƠNG HẦU (4): Tước Hầu, hiệu là Vệ Dương.
VIỆC THỔ MỘC (38): Chỉ việc xây cất.
VIÊN KÌ TRƯỞNG (34): Người chịu trách nhiệm chính trong việc cầm cờ hiệu của quân đội xưa.
VƯƠNG MÃNG (31): Viên quyền thần dưới thời Ai Đế nhà Tây Hán. Năm 8, Vương Mãng cướp ngôi nhà Tây Hán, lập ra nhà Tân. Nhà Tân tồn tại từ năm 8 đến năm 25.
XỨ ĐÀNG TRONG (24): vùng đất do chúa Nguyễn cai quản, gồm từ sông Gianh trở vào.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 6