Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Chương 63
T
a đã có ý đi đến núi Long Hổ để thăm cái thiên động, động lên trời của Đạo giáo kia, nhưng khi xe lửa qua Quý Khê, ta đã do dự bước xuống. Lối đi của cái toa ngột ngạt, muốn ra được cửa lên xuống phải len lách giữa các hành khách. Phải vã mồ hôi nhiều phút đồng hồ để đi được tới đó. Ta may mắn tìm được một chỗ gần cửa sổ, ở giữa toa, và trên cái bàn con con trước mặt ta, một tách trà đặc đang ngấm. Khi tàu từ từ chuyển bánh rời khỏi ga, ta còn do dự.
Những cái xóc đã lấy lại tiết tấu đều đặn và trên bàn con các nắp tách lại bắt đầu kêu lanh canh. Một làn gió hơi man mát thổi vào mặt ta. Ta buồn ngủ nhưng không tài nào ngủ được. Những chuyến tàu qua lại đất nước này đầy chật người, ngày cũng như đêm. Ở bất cứ ga nào, người ta cũng chen nhau lên, chen nhau xuống. Mọi người vội vã mà chẳng biết vì sao. Ta không ngại sửa câu thơ của Lý Bạch: "Đi đường còn khó hơn lên trời." Chỉ người nước ngoài có ngoại tệ và những người gọi là lãnh đạo đi lại bằng tiền Nhà nước ở trong các toa giường nằm là có thể hưởng đôi chút lạc thú của sự đi lại. Ta thì luôn phải tính xem có thể tiếp tục cuộc hành trình này bao nhiêu lâu nữa với cái số tiền ít ỏi còn lại với ta. Từ lâu, tiền nong của ta đã bốc hơi và ta sống bằng nợ trả dần. Biên tập viên hào hiệp của một nhà xuất bản đã ứng trước cho ta vài trăm nguyên nhuận bút của một quyển sách mà ta không biết có được xuất bản một ngày nào đó không. Ta cũng không biết ta sẽ viết nó nữa không nhưng ta đã tiêu mất nửa tiền ứng. Thật ra đó gần như là một tặng phẩm vì không ai có thể biết vài năm sau nữa ra sao. Tóm lại, ta cố hết sức mình tránh ở khách sạn và cố tìm ra những nơi trọ không mất tiền, nếu không thì càng rẻ càng tốt. Mặc dù thế, ta đã để lỡ dịp đi Quý Khê, trong khi một cô gái đã mời ta đến đó ở tại gia đình cô.
Ta đã gặp nàng trong khi chờ tàu ở bến. Hai bím tóc con con,hai má đỏ rực, vẻ linh hoạt và hai con mắt tinh nhanh, nàng có vẻ như được giữ nguyên vẹn cái sự hiếu kỳ đối với thế giới hỗn độn này. Ta hỏi nàng đi đâu, nàng đáp nàng đi Hoàng Thạch. Ở cái thành phố đầy bụi xám xịt, không khí bị bão hòa vì khói đen kịt của những nhà máy thép ấy thì có cái thú vị gì để xem chứ nhỉ? Nàng đi thăm cô. Còn ta, ta đi đâu? Nàng hỏi lại ta câu đó. Ta nói ta không có mục đích rõ rệt, ta đi đó đi đây. Nàng mở to tướng đôi mắt ra rồi hỏi ta làm nghề gì. "Đầu cơ", ta nói. Nàng cố nhịn cười. Nàng không tin. Ta lại hỏi:
- Tôi có vẻ một gã bịp không?
Nàng lắc.
- Không chút nào.
- Theo cô, tôi có vẻ là gì?
- Em không biết nhưng muốn gì cũng không phải là kẻ bịp.
- Tốt, thế vậy thì tôi là một người lang thang.
- Những người lang thang cũng không xấu.
Nàng nói với một vẻ chắc tin trong giọng nói. Ta tán thành quan điểm của nàng:
- Nói chung người lang thang rất tốt. Thường những người nghiêm túc mới là kẻ bịp.
Nàng không giữ được bật cười, tựa như bị ai cù, đây là một cô gái vui tính.
Nàng nói có lẽ nàng cũng thích đi lang thang khắp nơi nhưng bố mẹ nàng không thích. Họ chỉ cho phép nàng đi thăm cô. Họ đã báo trước rằng hễ nàng tốt nghiệp là nàng lập tức phải đi làm, rằng đây là những ngày nghỉ hè cuối cùng của nàng, nàng cần phải tranh thủ cho tốt. Ta thấy thương cảm. Nàng thở dài:
- Thật ra em rất muốn đi Bắc Kinh. Tiếc là em không quen ai ở đấy mà bố mẹ thì không muốn em đến đấy một mình. Anh là ng Bắc Kinh?
- Nói tiếng Bắc Kinh không nhất định là người Bắc Kinh nhé. Tuy sống ở đấy nhưng tôi thấy cuộc sống ở đấy ngột ngạt.
- Kìa, tại sao vậy? Nàng hoàn toàn kinh ngạc.
- Người quá đông, sống quá chật. Hơi vô ý một tẹo là bị một người nào đó giẫm ngay phải gót.
Nàng bĩu môi. Ta lại hỏi nàng:
- Cô ở đâu?
- Ở Quý Khê.
- Chỗ có núi Long Hổ đấy phải không?
- Chỉ còn một quả núi hoang, chùa bị phá từ lâu rồi.
Ta nói chính là ta muốn tham quan quả núi hoang đó, nhưng nơi càng không người tới ta càng thích đến.
- Để bịp được người khác? Nàng hỏi, nghịch ngợm.
Ta chỉ có thể cười mà đáp lại:
- Tôi muốn thành đạo sĩ Đạo giáo.
- Không có ai để tiếp cận anh đâu. Các sư ngày xưa đã bỏ đi hay là chết cả. Anh không thể trú ở đó. Tuy thế, phong cảnh ở đây rất đẹp. Chỉ cách huyện lỵ có hai mươi dặm, có thể đi bộ đến, em với bạn bè đã đến đấy chơi. Nếu anh thật muốn đến đó, anh có thể đến ở nhà em, bố mẹ em rất hiếu khách.
Nàng có vẻ nghiêm túc.
- Nhưng cô phải đi Hoàng Thạch mà bố mẹ cô thì không biết tôi.
- Khoảng mười ngày em sẽ trở về. Anh sẽ không lang thang nữa.
Khi hai người chuyện trò, phà cập bến.
Qua cửa xe lửa, ta thấy nổi lên xa gần ở chân trời những quả núi xam xám. Dẫy Long Hổ chắc là ở đằng sau đó. Chắc những quả núi ấy là Vách đá Cô tiên. Một giám đốc Viện bảo tàng, gặp trong chuyến đi, đã cho ta xem những bức ảnh của vách đá. Trong những hang khoét vào sườn vách đá, bên trên con sông, người ta đã phát hiện ra những quan tài treo, đấy là quần thể mộ táng của nước Việt đại cổ, có từ thời Chiến quốc. Những người chỉnh lý đã tìm thấy một trống dẹt sơn then và một cây đàn cổ bằng gỗ dài gần hai mét có mười ba dây, như các lỗ trên cán dài đã cho thấy. Nhưng cho dù đi đến núi Long Hổ ta cũng không nghe được tiếng trống tùng tùng của các ngư phủ cùng những hợp âm trong trẻo và mênh mang của huyền cầm này.
Vách đá Cô tiên xa dần rồi khuất hẳn. Lúc xuống tàu, hai người chia tay nhau, trao đổi tên và địa chỉ.
Ta uống một tách trà. Cảm thấy nỗi nhớ tiếc chua chát sót lại. Có thể một ngày nào đó nàng đến gặp ta, và cũng có thể không. Cuộc gặp gỡ bèo nước này đã cho ta một niềm vui nhất định. Ta không thể đeo đuổi một cô gái ngây thơ chất phác như thế, đúng hơn là ta không thể yêu thật sự được một người đàn bà. Tình yêu, cái đó quá nặng, ta muốn sống nhẹ nhõm, vui vẻ, không phải gánh vác trách nhiệm. Hôn nhân và tất cả những phiền hà cùng oán giận của hôn nhân quá ư là mệt người. Ta trở thành ngày một xa cách, không ai còn có thể làm cho máu nóng của ta sôi lên. Ta nghĩ ta đã già, chỉ còn vài hứng thú không đáng coi là tò mò vậy mà cũng chẳng thiết tìm cách đạt tới kết thúc. Kết thúc ấy không khó hình dung ra, tựu chung đều là nặng nề cả. Ta thích la cà nơi này nơi kia, không để lại dấu vết. Trong thế giới bao la này có quá nhiều người, quá nhiều chốn đến như thế nhưng ta không có một chỗ nào cắm rễ, yên một cái tổ, gặp dặt hàng xóm đã gặp, nói dặt những lời đã nói, chào anh hoặc anh đi đâu đấy rồi lại rúc vào cái mớ bòng bong nhỏ mọn của cuộc đời thường ngày. Trước khi đi làm cho các cái đó thành ra bất di bất dịch, ta đã ớn ngán. Ta biết ta đã hết phương chữa trị rồi.
Ta cũng đã gặp một nữ tu Đạo giáo trẻ tuổi. Một vẻ tươi mát mang một dấu ấn trong trắng bát ngát toát ra từ khuôn mặt đẹp đoan trang với nước da trắng mịn, từ thân người vươn thẳng khoác chiếc áo dài rộng. Nàng để ta ở trong một buồng cho khách, tại một bên cánh của đạo quán; sàn nhà cũ kỹ để lộ ra mầu gỗ ban đầu và những thớ gân. Gian phòng thật sạch sẽ, chăn đệm trên giường tỏa ra một mùi vải vóc mới giặt hồ. Ta đã được ở như thế tại Thượng Thanh Cung.
Mỗi sáng, nàng đem cho ta một thau nước nóng để rửa ráy, pha cho ta một tách trà xanh và chuyện trò với ta. Tiếng nàng cũng dịu như trà mới hãm, nàng nói cười duyên dáng, tự nhiên. Tốt nghiệp trung học phổ thông, nàng tự nguyện xin thi làm đạo cô nhưng ta không dám hỏi tại sao nàng rời bỏ gia đình.
Trong nhà tu Đạo giáo này, một chục tiểu, gái và trai, đã được tuyển chọn, tất cả ít nhất đều có trình độ giáo dục trung học phổ thông. Vị chủ trì viện là một người cao lớn, giọng sáng, bước đi vững vàng, hơn tám mươi tuổi. Ông đã đi lại không tính đếm xuể trong nhiều năm để thương lượng với chính quyền địa phương và các cơ quan nhiều cấp khác nhau, và đã tập hợp lại nhiều đạo sĩ già mất hút trong núi để cuối cùng thành lập tu viện ở núi Thượng Thanh. Trẻ già, tất cả nói năng tự do thoải mái với ta. Và như người nữ tu nói: "Ai ai ở đây cũng yêu anh." Nhưng nàng nói "ai ai" chứ không nói bản thân nàng.
Nàng bảo ta thích ở lại bao lâu thì ở. Nàng cũng nói Trương Đại Thiên họa sĩ nổi tiếng cũng đã sống ở đây nhiều năm. Ta đã xem một tượng Lão Tử bằng đá ông làm trong ngôi miếu Hiên Viên dành cho Phục Hi và Thần Nông bên cạnh miếu Thượng Thanh. Sau đó ta được biết các nhà thơ Đạo giáo nổi tiếng cổ xưa như Phan Trường Sinh đời Tấn, Đỗ Đình Quang đời Đường đã sống làm ẩn sĩ và viết các tác phẩm của mình ở nơi đây. Ta không là ẩn sĩ, ta còn muốn ăn ở bếp ăn của con người. Ta không thể nói được rằng ta ở lại đây vì ta yêu vẻ tự nhiên và đoan trang của người đàn bà này, ta chỉ nói ta yêu cái êm ả của tu viện nơi đây.
Khi ra khỏi phòng, ta đi vào gian sảnh lớn kiểu cổ, bày toàn những bàn bằng gỗ nam mộc, ghế bành có tay và bàn trà. Trên tường treo những bức thư họa, những hoành phi ở trên các đỉnh cột thực tế là những tranh khắc gỗ được bảo tồn lại. Nàng nói ta có thể đọc và viết ở đây, khi mệt ta có thể dạo chơi trong mảnh sân vuông con con đằng sau miếu. Ngoài sân những cây trắc bách diệp giữa cỏ xanh thăm thẳm, trên những hòn đá ở mặt ao chạy một làn rêu xanh nhạt. Sáng chiều, qua rèm gỗ chạm trổ ở các cửa sổ, ta nghe thấy tiếng nói cười của các đạo cô. Ở đây không phải là cái không khí ngột ngạt vì nghiêm ngặt và cấm đoán của các tu viện Phật giáo, mà đúng hơn là một không khí thanh thoát và một mùi hương bao trùm.
Ta cũng yêu cái yên tĩnh và trang trọng của mảnh sân bên trong của ngôi miếu vào lúc hoàng hôn, khi những người dạo chơi đã tản đi hết. Ta đến ngồi lên ngưỡng cửa bằng đá ở chính giữa cổng lớn của ngôi miếu để ngắm bức tranh bằng sứ ghép một con gà trống. Trong phòng lễ, các câu đối tô điểm cho bốn cây cột ở chính giữa. Các câu đối ở ngoài thì đề như thế này:
"Từ Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật", "Con người theo các đạo của Đất, Đất theo các đạo của Trời, Trời theo các đạo của Đạo, Đạo theo cái đạo của chính nó."
Đúng câu nhà thực vật học già nói với ta khi ở trong rừng nguyên thủy.
Còn các câu ở hàng cột trong:
"Nhìn mà không xem, nghe mà không tỏng, ngươi sẽ đạt tới hư không và thanh thoát, đẹp thay, hiếm thay, hiếm sao! Ở tại đây có ba vùng trời: trời ngọc, trời cao và trời cực đỉnh".
"Nắm lấy mở đầu, tìm ra chìa mở, tất cả rõ ràng, ngươi sẽ phát hiện ra đạo trời, đạo đất, đạo người".
Vị chủ trì giải thích cho ta nghĩa của các câu đối đó:
- Đạo là gốc của muôn loài, cũng là phép điều hành muôn loài. Chủ thể và khách thể tôn trọng lẫn nhau, thì hòa làm một. Cái gốc, là hiện hữu trong không-hiện hữu và không-hiện hữu trong hiện hữu, hai cái thống nhất thì vũ trụ quan và nhân sinh quan đạt tới một. Những người Đạo giáo lấy sự thanh tịnh làm nguyên tắc cơ bản, lấy vô vi làm thực thể, lấy tự nhiên làm cái sử dụng, lấy trường thọ làm chân lý nhưng trường thọ lại cần vắng cái tôi. Đấy các nguyên tắc của Đạo giáo nói đại khái là như thế.
Trong khi ông nói với ta, con trai con gái đứng vây quanh. Một đạo cô trẻ còn quàng một cánh tay lên vai một chàng trai, đầy vẻ chăm chú thơ ngây. Ta không biết liệu ta có thể đạt tới trạng thái xóa đi cái tôi, yên bình và không dục vọng này không.
Một tối, cơm xong, trẻ già, trai gái quây quần trong sân miếu để thi thổi vào một con ếch bằng gốm to hơn con chó cho nó kêu lên. Người thì thổi vang lên được, người thì không. Không khí náo nhiệt một lúc lâu rồi họ giải tán để làm những việc buổi tối. Ta còn lại một mình, ngồi trên ngưỡng cửa, đăm đăm nhìn mái miếu không hề có một thứ trang trí đồ sộ và hãi hùng của những rồng, rắn, rùa và cá.
Những mái cong với đường nét thuần khiết nổi bật lên nền trời. Phía sau, rừng cây vươn vút, lặng lẽ đung đưa trong gió chiều. Một im lặng hoàn toàn dâng lên trong giây lát. Tuy vậy, vẫn có cảm giác nghe thấy một tiếng vi vu trong veo từ đâu đến không biết. Nó bình thản kéo dài rồi nhẹ nhàng biến đi. Ở cửa miếu, tiếng suối dưới cây cầu đá dâng lên, tiếng rì rào của gió đệm trong khoảnh khắc lúc đó hình như chảy ra từ chính tim ta.