Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Chương 61
N
gười bạn học cùng lớp ngày xưa của ta, từ hơn mười năm nay ta chưa gặp lại, cho ta xem bức ảnh anh ấy ở ngăn kéo ra. Anh ở bên một người không thể xác định được tuổi và phái. Anh nói đấy là một người đàn bà. Họ đang ở trong vườn rau, trước ngôi miếu đổ nát. Anh hỏi ta có biết tiểu thuyết Hoang giang nữ kiếp không.
Ta hẳn là nhớ chứ: bộ tiểu thuyết võ hiệp nhiều tập mà một bạn đọc giấu ở nhà và mang đến trường tiểu học khi ta còn là học sinh phổ thông trung học. Loại tiểu thuyết này bị cấm ngặt. Những sách cổ như Mười ba hiệp khách và bảy thanh kiếm, Nga mi kiếm hiệp truyện, thập tam muội, nếu là bạn của người có sách thì mới có thể đem sách về nhà, bằng không phải đọc gấp trong lớp,sách giấu trong ngăn bàn.
Ta cũng nhớ rằng lúc nhỏ hơn, ta có một loạt truyện tranh liên hoàn Hoang giang nữ hiệp, không may ta đã bị mất một ít vì chơi bi thua và ta đã buồn suốt một dạo.
Ta cũng nhớ rằng quyển sách này, Thập tam muội hay Nữ hiệp khách nào đó, đã ảnh hưởng đến sự khêu dậy tình dục của ta, cái mà lúc đó ta hoàn toàn không hay biết. Chắc đó là một loạt tranh liên hoàn từ cửa hiệu sách cũ. Trong tranh có bông hoa đào bị cuồng phong cuốn đi và ở bên dưới, người ta giải thích rằng vào một đêm giông tố buồn thảm đã xảy ra chuyện này chuyện kia. Ẩn nghĩa là "nữ kiếm khách" đã bị một tên lưu manh bắt mất, tên này dĩ nhiên cũng nắm vững các nghệ thuật binh đao. Ở trang tiếp sau, "nữ hiệp khách" giơ tay chào sư phụ Võ Lâm và tập luyện để có được chiêu bí quyết của phi kiếm rồi chỉ còn nghĩ đến việc thỏa lòng rửa hận, cô ta đã lại tìm thấy kẻ thù, bằng đầu mũi kiếm khóa chặt đầu hắn lại không cho động đậy. Nhưng thình lình, nổi cơn thương cảm không thể giải thích, cô ta chỉ chặt của hắn một cánh tay, cho hắn lành mạng sống.
- Cậu có nghĩ là còn các nữ hiệp không? Anh bạn học ngày xưa hỏi ta.
- Đó là cái người trong ảnh này ư?
Ta không biết anh có đinh đùa không.
Trông ảnh, anh bạn ta, thân hình đò sộ, cặp kính, bộ đồng phục của cán bộ địa chất, vẻ đơn giản, lương thiện của anh cứ luôn khiến người ta nghĩ đến con mọt sách có tên là Pierre trong Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoi. Khi ta đọc tiểu thuyết này, anh bạn ta còn rất gầy, nhưng bộ mặt tròn xoe của anh toát lên lòng nhân từ, với cặp kính luôn móc vào đầu mũi, có phần nào hơi giống các chân dung của Pierre trong sưu tập các tác phẩm của Tolstoi, do một họa sĩ Nga minh họa. Trên bức ảnh, "nữ hiệp" đứng dưới vai anh, ăn mặc như một phụ nữ nong dân, tấm áo hai vạt, giầy lính bằng cao su chòi lên khỏi gấu quần, đôi mắt bé nằm trên khuôn mặt không rõ là đàn ông hay đàn bà, tóc cắt sát mang tai theo kiểu nữ cán bộ nông thôn, chỉ dẫn duy nhất về phái tính, "nữ hiệp" không giống chút nào hết với những nữ hiệp đánh nhau trong các truyện kỳ tinh võ hiệp, các tranh khắc gỗ và tranh liên hoàn, với cái vẻ võ bị mà tấm thân bó chặt trong tấm thắt lưng rộng bản đã đem lại cho họ.
- Đừng có đánh giá thấp cô ấy, cô ấy rất cao thủ trong thuật quyền cước đao kiếm đó, cô ấy hạ thủ dễ như nhổ cỏ vậy.
Anh nói nghiêm túc.
Trên đường từ phía đông đến Chu Châu, xe lửa bị trễ. Phải dừng lại ở một ga nhỏ, chắc là chờ cho chuyến tốc hành trước mặt đi qua. Tên ga lập tức làm ta đến người bạn học đang làm việc ở đây, trong đội khảo sát địa chất. Ta đã bặt tin anh từ hơn mười năm nay. Năm ngoái, tuy tổng biên tập một tạp chí có gửi đến cho ta bản thảo một bài viết của anh, địa chỉ đề trên phong bì chính là cái tên ga dọc ở trên ke. Ta không có trong người địa chỉ của anh nhưng ta nghĩ rằng trong một huyện bé như thế này, chắc không có nhiều đội khảo sát địa chất. Ta sẽ tìm hỏi chẳng khó khăn gì. Vậy là ta lập tức xuống tàu. Anh là một người bạn tốt thời thơ ấu. Những cái tốt thì hiếm trong cõi trần này. Có hạnh phúc nào lớn hơn là bất chợt đến thăm một người bạn tốt không?
Từ Trường Sa đên, ta đổi tàu ở Chu Châu. Thoạt đầu, ta không nghĩ dừng lại ở đây vì ta không có họ hàng lẫn bè bạn. Ở đây không có cả dân ca lẫn cổ vật để thăm dò và ta đã lang thang suốt một ngày bên bờ sông Tương Giang. Chỉ sau đó, ta mới hiểu ra rằng ta chẳng có việc gì làm ngoài việc tìm kiếm ấn tượng mà xét cho cùng thì cũng vô vị.
Từ Bắc Kinh ta mang theo chăn đệm như một kẻ tị nạn, để tới cái vùng núi mà ta đã từng đến để "được cải tạo lại" trong một Trường cán bộ mùng 7 tháng Năm cách đây mười hai, mười ba năm. Thời ấy, quan hệ giữa đồng sự cùng một cơ quan không ngừng náo noạn bởi các phong tròa chính trị rất căng thẳng. Tất cả hô khẩu hiệu, bảo vệ đến chết phái nhóm của mình, không ngừng sợ bị đối thủ hạ sát. Không ai lại nghĩ tới một "chỉ thị tối cao" mới sẽ ra lệnh cho đại diện quân đội đến đóng trong các cơ quan văn hóa và mọi người bất kể phái nhóm nào đều phải hạ phóng xuống nông thôn.
Ta là một kẻ tị nạn ngay từ lúc sinh ra. Mẹ ta nói rằng mẹ sinh ta giữa trận bom. Kính phòng đẻ của bệnh viện được bảo vệ bằng các băng giấy để phòng chống hơi bom. May mắn mẹ đã thoát khỏi bom và ta ra đời lành lặn. Nhưng ta không biết khóc. Ta chỉ cất tiếng kêu đầu tiên khi bác sĩ đỡ đẻ phát cho ta một cái vào mông. Đấy, có lẽ đó là điều tiên định, ta sẽ phải chạy trốn suốt đời. Ta đãn quen với cảnh đó, ta đã học được cách tìm ra đôi chút lạc thú trong không gian trống vắng ở giữa các thời kì hỗn loạn. Khi mọi người ở lại trên xe, ngồi trên chăn đệm chờ đợi, ta đã nhờ người coi hộ hành lý rồi như một con chó lạc, ta la cà vào trong các đường phố của thành phố. Ta còn gặp lại một đối thủ ngoan cố chống lại phái nhóm của ta trong một quán ăn. Thời ấy, thịt lợn có khẩu phần, mỗi người được phát hai, ba lạng tem phiếu gần nửa cân thịt lợn mỗi tháng. Ta nghĩ rằng hắn cũng muốn như ta ăn một phần thịt. Trong quán này, quả nhiên thực đơn có mỗi món thịt chó nấu với ớt, ai ai cũng gọi một suất. Cùng chia sẻ chung số phận, cùng ngồi vào một bàn, không nói không rằng mỗi bên gọi rượu tới. Cùng nhau uống và ăn thịt chó cứ như cuộc đấu tranh giai cấp không thương xót chẳng tồn tại nữa, cứ như chẳng ai là kẻ thù của ai. Nhưng dĩ nhiên hắn và ta không ai đề cập đến chuyện chính trị. Thật ra ở bàn này có quá nhiều việc người ta có thể nói đến, dù đó là con phố cổ, giấy quyến có mùi rơm rạ có thể mua được ở đây, vải vóc dệt tay địa phương mà người ta có thể mua không cần phiếu vải, trà cũng bán không tem phiếu và lạc rang ngũ vị hoàn toàn bói không ra ở Bắc Kinh. Hắn và ta đều mua lạc nhắm với rượu. Chính là những kỷ niệm nho nhỏ vô nghĩa ấy đã đẩy ta dừng lại ở đây cả một ngày, khi ta đổi tàu ở Trường Sa đi Chu Châu. Trong trường hợp này, ta chả có lý do bào mà không đi gặp người bạn tốt từ bé của ta; tại sao không cho anh ta niềm vui bất ngờ chứ?
Ta giữ giường nằm trong khách sạn gần ga xép và đế túi xắc ở đấy. Nếu như không gặp bạn, ta vẫn có thể làm một giấc ở khách sạn, chờ đáp chuyến tàu sáng đầu tiên.
Trong quán đêm nho nhỏ, ta ăn một bát cháo đậu xanh, nó làm tan đi đôi chút mệt nhọc. Ta đến hỏi thăm một cán bộ đang nằm hóng mát trên chiếc ghế bành trước phòng tiếp tân để xem ở đây có tổ khảo sát địa chất nào không. Ông ta lập tức ngồi thằng lên khẳng định rằng có, cách đây hai dặm, thoạt nhiên ông nói như vậy, không, ba dặm, à quá lắm năm dặm. Đầu cái phố này, ở chỗ không còn đèn đường, rẽ vào một cái ngõ, đi qua những thửa ruộng rồi một con sông con, một cái cầu. Phía bên kia, không xa lắm, có mấy ngôi nhà gác kiểu hiện đại, hoàn toàn biệt lập, đấy tổ khảo sát địa chất ở đấy.
Ra khỏi thị trấn, trời đêm hè lấm tấm sao sáng. Khắp nơi vẳng lên tiếng ếch nhái. Ta đi cả vào những vũng nước nhưng chẳng để ý, chỉ nghĩ tới chuyện tìm lại anh bạn. Cuối cùng vào quãng nửa đêm, ta gõ vào cửa nhà anh trong bóng tối.
- Kìa thằng quỷ! Anh kêu lên sung sướng. Anh to béo, thân hình đồ sộ. Mặc soóc, mình trần, anh nện vào ta những nhát quạt cói đang cầm trong tay, làm cho ta có được tý gió. Đây cũng là một thói quen giữa bạn học, đập vào vai nhau. Thời xưa, ta bé nhất lớp, các bạn gọi ta là "Tiểu quỷ", thằng nhỏ. Bây giờ hiển nhiên ta là "lão quỷ", lão già.
- Cậu ở đâu ra?
- Ở dưới đất.
Ta cũng sung sướng như điên.
- Mang rượu, à không, dưa hấu tốt hơn trời nóng quá, anh bảo vợ.
Đó là một người đàn bà khỏe mạnh, đầy vẻ lương thiện. Chị chắc là người nơi đây. Chị chỉ cười, không nói câu nào. Rõ ràng dù đã lậ gia đình anh vẫn không để mất tính nết dễ thương ngày xưa của anh.
Anh hỏi xem ta có nhận được bản thảo anh gửi không, anh bảo anh đã đọ các tác phẩm của ta xuất bản những năm qua. Anh nghĩ chắc đó là ta nên nên anh đã gửi bản thảo của anh đến ban biên tập một tạp chí từng đăng một trong các bài báo của ta, nhờ chuyển cho ta.
Anh giải thích rằng anh viết cái thứ ấy vị thấy ngứa ngáy tay, anh không nhịn được. Một quả bóng thăm thú, đại khái vậy.
Ta còn nói gì được với anh đây? Tiểu thuyết của anh kể chuyện một đứa bé ở nông thôn cháu của một địa chủ già. Ở trường, các bạn học coi nó không ra gì, ngày ngày nó nghe thầy giảng cần phải vạch rõ mặt kẻ thù giai cấp. Thằng bé nghĩ rằng mọi bất hạnh chung quy đều do ông nó, lão già ốm đau kia mà nên, nó đã pha một thứ hoa dại độc, thứ hoa người ta phải vứt đi khi cắt cỏ cho lợn. Sáng sớm, vào lúc các loa phóng thanh phát đi bài ca Đông phương hồng để gọi nông dân đi làm, thằng bé thấy ông nó chết, nằm lăn dưới đất, mồm đầy máu đen. Anh tả tâm trạng của đứa bé đang nhìn cái thế gian khó hiểu này bằng con mắt của một đứa trẻ nông thôn. Ta đã đưa bản thảo này cho một biên tập viên quen biết. Ông ta đã trả lại không cần các thủ tục thường dùng trong giới văn học khi trả lại bản thảo. Tác phẩm đó không thuộc dòng chính thống: tình tiết không được gia công, quan niệm chung của tác phẩm không cao, tính cách nhân vật không đủ nổi hoặc tác phẩm không được điển hình, không, đơn giản ông ta bảo ta rằng viết tốt đấy nhưng tác giả đi quá xa và không bao giờ lãnh đạo lại cho xuất bản. Ta chỉ có thể nói rõ với ông ta rằng tác giả làm việc ở nông thôn với tư cách nhà khảo sát địa chất, quen các đường mòn trên núi nhưng các ranh giới người ta áp đặt cho giới văn học thì không biết.
Ta thẳng thắn kể lại với anh tất cả chuyện đó.
- Này vậy thì các ranh giới ấy là gì? Anh hỏi, vẻ như lạc lõng đi qua cặp kính. Anh vẫn luôn giống với con mọt sách tên là Pierre. Mới đây báo chí chẳng đã lại khẳng định lại tự do sáng tác và sự cần thiết cho văn học được miêu tả hiện thực đấy ư?
- Chính là vì cái hiện thực con mẹ nó ấy mà tớ gặp sự phiền phức và bây giờ đang ở đây đấy, ta bảo anh.
Anh phá lên cười:
- Cũng con mẹ nó nốt cả cái chuyện về "Hoang giang nữ hiệp" kia nữa đấy.
Anh cầm lấy bức ảnh cất vào ngăn kéo.
- Mình biết cô ấy khi mình sống trong ngôi miếu đổ nát để làm việc khảo sát. Suốt một ngày cô ấy nói cho mình hay các thứ việc của cô ấy. Mình đã ghi đầy một sổ tay. Cái ấy là kinh nghiệm của cô ấy.
Anh lấy sổ tay trong ngăn kéo ra và dư dứ nó về phía ta:
- Thừa viết một quyển sách mà tên tớ đã nghĩ rồi, sẽ là Ghi chép ở môi miếu đổ nát.
- Không phải tên của một tiểu thuyết võ hiệp.
- Dĩ nhiên không phải. Nếu cậu thú vị, cứ cầm và liếc qua xem. Cái này có thể làm vật liệu cho một tiểu thuyết được.
Rồi anh cất sổ tay vào trong ngăn kéo, bảo vợ:
- Cuối cùng thì em cứ mang rượu ra đi.
- Đừng nói với tớ chuyện viết tiểu thuyết nữa, ta nói. Bây giờ tớ cũng chẳng xuất bản nổi cả những thứ tớ đã đước xuất bản rồi. Cứ thấy tên mình là người ta trả lại bản thảo.
- Anh cũng thế, tốt nhất là lo lắng tử tế đến việc địa chất của anh chứ viết cái gì à? Vợ anh mang rượu lên, cắt lời anh.
- Thế thì cậu bây giờ làm cái gì? Kể tớ nghe!
Anh đầy bận tâm với ta.
- Tớ đi lênh đênh đây đó để trốn việc kiểm tra. Tớ đã đi nhiều tháng rồi. Khi tai tiếng yên đi, tớ sẽ thử quay về. Nếu tình hình xấu hơn tớ sẽ tìm một chỗ để vù. Muốn gì cũng không để bị đưa tới trại cải tạo lao động như một con cừu ngoan ngoãn, như những kẻ "phái hữu" những năm năm muơi.
Chúng tôi cười vang.
- Tớ sẽ kể cho cậu một chuyện vui, đồng ý không? Anh hỏi. Tơ ở trong một đơn vị được các nhà cầm quyền ra lệnh phải tìm các mỏ vàng. Có ai ngờ được rằng giữa núi non chúng tớ lại vớ được một người rừngkhông chứ?
- Cậu nói đùa. Cậu thấy tận mắt?
- Không chỉ thấy, mà chúng tớ còn bắt sống nó! Vài đứa chúng tớ đi tìm một lối tắt trong núi để về kịp trại trước đêm tối. Một cánh rừng dưới núi đã bị đốt và trồng ngô. Trong nương, vàng hoe cả, chúng tớ thấy một cái gì động đậy, chắc là thú rừng. Vì an toàn nên chúng tớ được vũ trang khi vào những chốn như thế này. Chúng tớ nghĩ ngay tới lợn lòi. Chúng tớ không tìm thấy vàng nhưng vận may dẫu sao cũng đã mỉm cười sắp mang được thịt về. Vài người bèn vây cái chỗ động đậy lại nhưng con vật kia chắc đã nghe thấy chúng tớ vì nó phới vào phía rừng.. Chắc là vào quãng ba giờ chiều. Mặt trời ngả về tây nhưng lũng vẫn còn sáng. Khi con vật kia bắt đầu động đậy, đầu nó liền ló ra ở giữa các cây ngô. Và thế là chúng tớ phát hiện ra ở đấy một người rừng tóc phủ xuống vai! Tất cả bọn tớ đều nhìn thấy nó. Đều kích động đến cực điểm mà reo to lên: "Người rừng! Người rừng!" "Không để nó đi mất!" một người kêu to và nổ súng. Cả năm họ làm trong núi nên hiếm có dịp bắn. Họ giải ức chế mà. Phấn khởi làm cho hăng lên, họ chạy, reo, bắn. Cuối cùng họ buộc được nó đi ra. Trần truồng như nhộng, tay giơ cao, nhưng nó bị vất ngã đỏ kềnh ra đất. Nó chỉ đeo một cặp kính buộc vào sau đầu bằng một sợi dây. Mắt kính tròn xoe đã hỏng, như kính mài mờ.
- Chuyện bịa! ta nói
- Thật hoàn toàn đấy! Vợ anh từ trong buồng nói vọng ra. Chị vẫn chưa ngủ.
- Có muốn bịa cũng không bịa được với cậu. Bây giờ cậu là tiểu thuyết gia rồi.
- Tiểu thuyết gia thật phải là anh này, ta nói với vợ anh. Anh này là một tay kể chuyện bẩm sinh. Ngày xưa, trong lớp chúng tôi không ai vượt được anh ấy ở lĩnh vực này đâu, hễ mở miệng là ai cũng há hốc ra nghe. Tiếc là tiểu thuyết của anh ấy bị bóp chết từ trong trứng trước khi được thấy mặt trời.
Ta không khỏi không cảm thấy có phần thương bạn.
- Anh ấy như thế đấy. Anh ấy chỉ nói như thế vì có anh ở đây thôi; bình thường, anh ấy không nói quá một câu, chị vợ nói từ trong buồng.
- Em nghe thôi! Anh bảo vợ.
- Nói tiếp đi! Anh thật sự kích thích cơn tò mò của ta.
Anh uống một ngụm rượu để lấy lại nhuệ khí.
- Nhóm chúng tớ lại gần, lột kính của nó đi rồi lấy nòng súng đẩy nó ngã. Họ nghiêm giọng hỏi: "Nếu mày là người sao mày lại lần trốn?" Run lên cầm cập, nó không ngừng rên rỉ. Một người trong đám đánh khẽ vào đầu nói một cái và dọa: "Nếu mày cứ chơi tiếp trò quỉ trò ma thì tao bắn mày!" Lúc ấy, nói bật khóc nức nở nói rằng nó trốn ở một trại cải tạo ra và không dám quay trở lại đó nữa. Người ta không hỏi nó phạm tội gì. Nó nói nó là "phần tử hữu phái". "Nhưng phần tử phái hữu từ lâu đã được phục hồi minh oan rồi cơ mà, các bạn cùng đi với tớ kêu lên, sao không tở về?". Hắn giải thích rằng gia đình hắn không dám giữ hắn và hắn đã trốn ở trong rừng. "Gia đình ở đâu?" tụi tớ lại hỏi. "Ở Thượng Hải". Bọn bạn cùng đi với tớ kêu to lên: "Gia đình nhà mày là lũ đểu à! Tại sao không giữ mày lại?". Hắn nói họ sợ liên quan. Tất cả bèn la ầm: "liên quan là cái gì chứ? Phần tử phái hữu đã được bồi thường hết tất cả rồi, bây giờ nhà nào cũng sôi sục mong có được lấy một phần tử hữu phái đấy!". Họ còn hỏi hắn: "Thế mày có bị hâm hâm không đấy?". Hắn nói không, chỉ cận thị nặng. Tất cả mọi người thế là bò lăn ra mà cười.
Vợ anh cũng bật cười ở buồng bên.
- Chỉ có cậu mới kể được cái chuyện này, ta nói và không thể nhịn được cười. Từ khá lâu chưa bao giờ ta vui thế này.
- Hắn bị chụp mũ "phái hữu" năm 1957, năm 1958 bị đưa đến một nông trại ở Thanh Hải để lao động cải tạo. Năm 1960, nạn đói nổ ra, chẳng còn cái gì để ăn. Người phù hết cả, sắp chết, hắn trốn về Thượng Hải. Hắn ẩn trong nhà hắn hai tháng, người nhà hắn nhất quyết buộc hắn phải quay về trại vì lúc ấy khẩu phần ngũ cốc của ai cũng không đủ ăn. Làm sao họ giấu hắn lâu ở trong nhà được? Thế là hắn lại lên đường phiêu lưu mạo hiểm vào trong núi, nơi hắn đã sống hơn hai chục năm trời. Mọi người hỏi làm sao hắn sống sót được thì hắn trả lời năm đầu một gia đình nông dân miền núi đã nhận hắn. Hắn giúp họ kiếm củi, làm vài việc đồng ruộng. Sau đó, hắn nghe nói ở công xã nhân dân dưới kia sắp đi điều tra về hắn, hắn bèn trốn vào xa hơn nữa. Hắn sống sót nhờ gia đình kia lén giúp đỡ hắn, mang cho hắn diêm, muối, dầu. Tại sao mà hắn lại thành "phái hữu"? Hắn giải thích rằng ở trường đại học, hắn nghiên cứu về giáp cốt văn, những chữ bói toán trên mai rùa. Thời ấy, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, trong một cuộc thảo luậ hắn đã nói ra vài lời dại dột về tình hình lúc đó. "Đứng lên nào, bọn mình nói, theo chúng tao, mày sẽ đi làm tiếp cá nghiên cứu về chữ mai rùa của mày!". Nhưng hắn khăng khăng cự tuyệt, nói rằng hắn phải thu hoạch nương ngô vì đó là dự trữ lương thực cả năm của hắn, hắn sợ lợn lòi xéo nát cả nếu hắn đi. Tất cả bọn cùng kêu lên: "Để cho lợn lòi chúng nó ỉa yên cái thân chúng nó đi!" Hắn muốn đi lấy quần áo. Tất cả kêu lên: "Ở đâu?" "Ở trong một cái hangm chân vách đá". Khi trời không rét, hắn không mặc. Một người cho hắn cái áo để hắn quấn quanh người. Rồi đưa hắn về trại.
- Hết!
- Ừ, anh nói. Nhưng tớ đã tưởng tượng ra một cái kết khác, có lẽ không đúng.
- Cứ nói xem.
- Hôm sau, sau khi ăn uống no nê và ngủ ngon lành, thức dậy thì thình lình hắn bật khóc nức nở. Không thể hiểu hắn làm sao. Mọi người hỏi. Vừa khóc như mưa, giữa những tiếng nức nở hắn chỉ nói được một câu. "Nếu tôi biết đời này còn có người tốt như thế này, tôi đã không phải chịu đựng vô ích các bất công những năm vừa qua!".
Ta muốn cười nhưng không cười ra được.
Trong kính anh bạn ta lóe lên một ánh cười tai quái.
- Kết ấy thừa, ta nói sau một lúc suy nghĩ.
- Tớ cố ý thêm cái đó vào, anh thừa nhận, đặt kính lên bàn.
Ta phát hiện ra cái ánh tai quái ta ngỡ đọc thấy trong con mắt anh đúng ra là vẻ buồn. Khi anh đeo kính, thì là một con người khác, với diện mạo vui vẻ và đơn giản. Trước đây ta chưa thấy anh ở cái dạng không đeo kính này.
- Cậu có muốn ngả lưng một tý không, anh hỏi ta.
- Tớ chẳng vội, lúc này tớ chưa buồn ngủ.
Qua cửa sổ, đã thấy những ánh sáng đầu tiên của ban mai. Bên ngoài, cái nóng đã tiêu tan và một cơn gió mát nổi lên.
Anh kê cho ta một cái chõng tre còn anh thì dùng giường gấp. Rồi anh tắt đèn.
- Cậu nên biết thời ấy, trong phong trào, họ đã điều tra về tớ và chính cái tổ bắt người rừng kia rồi lại đã bắt giam tớ. Suýt nữa họ đã bắt chết tớ, đạn đi sượt da đầu, coi là mạng tớ nó lớn. Ngoài sự đó ra thì họ là người tử tế cả.
- Đấy là cái hay trong chuyện người rừng của cậu đấy. Nó vui trong khi thật ra thì con người là cực kỳ tàn ác. Cậu không nên viết ra tất cả.
- Chuyện cậu nói ra nó là tiểu thuyết, chuyện tớ nói ra là cuộc đời. Thật tình tớ không tài nào viết được tiểu thuyết.
- Hễ nói có rận là mọi người đều muốn đi bắt rận, chỉ sợ nếu như bản thân là rận thì sẽ ra làm sao đây?
- Ngộ nhỡ tất cả mọi người đều không đi bắt?
- Thị sợ cũng bị bắt nốt.
- Nhưng cậu đấy, chính cậu cũng không chịu đi bắt cơ mà?
- Thì rồi sẽ lại bị bắt mất thôi.
- Chính vì thế mà cứ phải lăn lộn giang hồ trên đường phải không?
- Bây giờ cũng đã khá ra tý chút rồi phải không? Nếu không đâu tớ dám đến nhà cậu nhà cậu uống rượu với cậu? Đã đi làm người rừng từ lâu rồi.
- Tớ cũng sẽ chẳng giữ cậu ở nhà tớ. Hay là cả hai cùng đi làm người rừng?
Anh ngồi trên giường gấp, cuời bò ra.
- Cái kết kia ấy, dẹp đi vẫn là hay hơn, đến lượt anh nói, sau một lúc nghĩ ngợi.