One’s first love is always perfect until one meets one’s second love.

Elizabeth Aston

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 70
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 53: Moutet Phân Trần
rong một bức thư đề ngày 19/8 (dường như trả lời một công hàm của Cao ủy), Bộ trưởng Marius Moutet giải thích quan điểm của mình cho ông đô đốc:
“Vấn đề cơ bản là chúng ta nhất trí với nhau về nội dung và nội dung đó tôi quan niệm nó như sau:
“Ngày 6/3 vừa qua, Ngài đã ký kết với ông Hồ Chí Minh một bản hiệp định, bản hiệp định đó là cơ sở của chính sách chúng ta. Chúng ta đòi phải triệt để tôn trọng nó như chính chúng ta cũng phải tôn trọng...
“Đương nhiên là bảng kê khai vô số những vụ vi phạm nguyên tắc về phía người dân Việt Nam, nếu không phải là chính những người lãnh đạo, có thể là rất dài; và sẽ là rất tốt nếu kèm theo những hồ sơ có đầy đủ những chứng cứ làm bằng. Nhưng phải nắm chắc xem có phải là chúng ta đang tìm những lý do để cắt đứt hay chúng ta tin tưởng thật sự rằng chính sách căn cứ trên những hiệp định đã thỏa thuận là cái chính sách mà chúng ta phải thi hành.
“Dĩ nhiên, với những sự đổi thay trong tương quan lực lượng, chúng ta rất có thể khôi phục lại một cách đơn thuần và giản đơn chủ quyền toàn vẹn của Pháp ở Đông Dương; nhưng chúng ta đã chọn một con đường khác và tôi nghĩ rằng chúng ta nên kiên trì con đường đó, vì lợi ích dân tộc và quốc tế. Bắt tay vào công việc và thực hiện bằng con đường hợp tác sẽ không phải chuyện dễ dàng; tuy nhiên, những khó khăn này nhất định sẽ nhỏ hơn so với những khó khăn nảy sinh do một cuộc chinh phục mới dai dẳng, tốn kém về mọi mặt, luôn luôn phải đương đầu với quân du kích khi ẩn khi hiện.
“Người ta cũng có thể nghĩ đến việc thay thế một chính phủ khác. Giải pháp này sẽ không kém bề nguy hiểm. Cả thế giới đã hiểu được qua bài học của Hitler và quân Nhật thế nào là các chính phủ bù nhìn và đã vĩnh viễn lột trần bộ mặt của chúng.
“Chúng ta đã lựa chọn Hồ Chí Minh để điều đình và tôi tin chắc ông Hồ là người duy nhất đại diện cho một quyền lực dù có hạn chế đi chăng nữa, vẫn là một quyền lực đang tồn tại. Ngày nào mà ông ta khẳng định rằng chính là từ chúng ta mà ông ta rút ra được cái sức mạnh cơ bản của mình, thì ông ta sẽ bắt buộc phải hành động thẳng thắn và nghiêm túc.
“Tôi biết chắc chắn rằng về tất cả những điểm này chúng ta chưa hoàn toàn nhất trí. Tôi chưa bao giờ tin vào những câu chuyện bép xép của những kẻ lên án Ngài, trên báo chí hoặc những nơi khác, là đã theo đuổi một chính sách cá nhân...
“Dù các đại biểu Việt Nam có mạnh dạn lên, vì cảm thấy mình được một bộ phận dư luận công chúng ủng hộ và tìrn cách áp đặt những giải pháp của họ cho chúng ta chăng nữa, thì đó cũng là chuyện tất nhiên thôi; và chính đó sẽ là cơ hội để chỉ ra cho họ thấy được giới hạn của các nhượng bộ của chúng ta và có thể nói là để dồn họ vào chân tường; chúng ta sẽ nói rõ cho họ hiểu rằng chúng ta không sẵn sàng lùi bước trước những thủ đoạn của họ hoặc trước một chính sách hăm dọa mà một vài sự kiện bất trắc ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ[52] có thể là một trong những yếu tố. Cái chính sách ấy có thể dẫn tới sự đoạn giao và chúng ta cần phải tránh.
“Trong bầu không khí như vậy, chúng ta có thể nào quan niệm đi đến được một hiệp định trọn vẹn với phái đoàn Việt Nam? Tôi nghĩ rằng không và chúng ta đành phải bằng lòng với những kết quả khiêm tốn nhưng nó đánh dấu một bước tiến bộ rõ rệt và nghiêm túc trong sự triển khai hiệp định mồng 6 tháng 3. Rồi chúng ta khởi động sự hợp tác chung và để cho thời gian làm công việc của nó và nếu sự hợp tác tiến hành đúng mức thì lúc đó chúng ta có thể soạn thảo những hiệp định. Nhưng trước hết, phải tạo ra một bầu không khí hòa dịu, có nghĩa là, ở Pháp và nhất là ở Đông Dương, chấm dứt những lời tuyên truyền và những hành động bạo lực; Chủ tịch Hồ Chí Minh phải bằng những lời tuyên bố công khai xác nhận sự cần thiết phải tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho sự hợp tác, đòi chấm dứt ngay mọi kiểu tuyên truyền chống Pháp và tuyên bố rằng mọi hành vi bạo lực chống người Pháp hoặc chống những người thân Pháp phải được coi như những hành vi chống bản thân Chính phủ Việt Nam.
“Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chấp nhận văn bản một lời tuyên bố sẽ đọc, có thể chính tôi đọc, tại Hội nghị Fontainebleau đã được họp lại; về phía ông Hồ Chí Minh cũng vậy, ông cũng sẽ phải đọc một lời tuyên bố đã được chấp nhận trước và công việc đàm phán sẽ tiếp tục trên cơ sở một bản ghi nhớ xác định quan điểm căn bản của chúng ta.
“Dĩ nhiên, sẽ còn tồn tại hai điều chướng ngại đáng kể là, một mặt, sự cần thiết phải nói đến chữ “độc lập” và mặt khác, phải quy định ngày giờ cùng điều kiện tiến hành trưng cầu dân ý tại Nam Kỳ...
“Tôi phải gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi biết rằng chính là vì hai điểm cơ bản này mà ông sẽ bàn bạc lại với tôi. Ông Hồ muốn có một Ủy ban liên kiểm hỗn hợp - là điều, mà theo suy nghĩ của tôi, có ý nghĩa là sự từ bỏ một nửa chủ quyền của chúng ta và tất nhiên trước mắt chúng ta không thể nào chấp nhận... Ngay từ hôm đầu, tôi đã chỉ ra công khai rằng, về điểm mấu chốt của việc trưng cầu dân ý, tôi chỉ có thể chấp nhận bao giờ nhân dân được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến của mình, có nghĩa là bao giờ trật tự đã được lập lại chính sách khủng bố đã chấm dứt và các cơ quan quyền lực hợp pháp đã được ổn định trở lại. Tôi đã nói và tôi kiên trì ý kiến của tôi...
“Tôi cho rằng điều tốt nhất rõ ràng là làm sao lập lại được những cơ quan chính quyền địa phương và để cho chính nhân dân Nam Kỳ sẽ bỏ phiếu thừa nhận Chính phủ Nam Kỳ. Bởi vậy tôi không vội vàng ấn định thời hạn trưng cầu dân ý, mà ngược lại thì có. Ta phải tìm ra một công thức nào mà chúng ta vừa không từ bỏ chủ quyền lại vừa làm cho nhân dân có được cái cảm tưởng là mình có thể phát biểu nguyện vọng một cách hoàn toàn tự do, không như vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa, tôi tin rằng họ sẽ bỏ phiếu tán thành sự thống nhất Nam Kỳ vào Việt Nam, không hơn không kém.
“Cần phải làm rất nhiều để có được một cuộc trưng cầu dân ý phù hợp với chế độ tự trị...”
• Đi đến một tạm ước
Những nhận xét của phái đoàn Việt Nam đưa ra cũng như bản “chống dự thảo” ngày 20/8, đánh dấu một sự cố gắng hòa hợp, một sự tìm kiếm, một sự thỏa hiệp, nhưng trước sau vẫn bị chi phối bởi một ý chí độc lập không ai chối chãi được. Họ nêu gương các nước tự trị trong khối Liên hiệp Anh để làm một căn cứ chứng minh rằng lợi ích của nước Pháp nằm trong sự công nhận nền độc lập của Việt Nam. Bức công hàm của Việt Nam cũng đề cập tới sự cần thiết phải quy định thời hạn cho cuộc trưng cầu dân ý tại Nam Kỳ.
Vậy là phái đoàn Việt Nam đưa ra một bản ghi nhớ “trên cơ sở bản dự án của Pháp” và đề cập đến một “nghị định thư giải quyết những quan hệ giữa nước Pháp và nước Việt Nam trong lúc chờ đợi việc ký kết một hiệp ước vĩnh viễn”.
“Để kết luận, vì Việt Nam và Pháp đã từng chịu đựng nhiều đau thương rồi, hai bên cần thiết phải trở lại với công việc. Muốn vậy, hai chính phủ cần phải làm dịu bớt tinh thần dân chúng bằng một hiệp định mà theo ý chúng tôi, phải được thực hiện trên ba mục tiêu:
1. Cứu vãn lấy những lợi ích kinh tế, văn hóa và quân sự của Pháp tại Việt Nam
2. Bảo đảm nền độc lập của Việt Nam trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp.
3. Giải quyết vấn đề Nam Kỳ bằng cách ấn định thời hạn cuộc trưng cầu dân ý, cũng như những thể thức thành lập và làm việc của một Ủy ban hỗn hợp phụ trách cuộc trưng cầu dân ý.
“Bởi vì nếu mỗi bên, Pháp cũng như Việt Nam, biết và biết đúng, cái gì có thể thuộc về mình trên thực tế cũng như trên pháp lý, thì thế cân bằng sẽ thực hiện được, trật tự xã hội sẽ nhanh chóng và tất yếu sẽ được ổn định trên toàn lãnh thổ... Hai dân tộc chúng ta cần hợp tác thân ái với nhau như anh em để bình phục trở lại sau bao nhiêu năm đau khổ.
“Nói tóm lại, nước Pháp và nước Việt Nam phải nhanh chóng đi đến ký kết một bản hiệp định cụ thể và chính xác về những vấn đề sống còn đã được định nghĩa trên đây. Những lời hứa hẹn chung chung và những bản tuyên bố vô hiệu đều là những lời nói suông và lâu ngày nó sẽ làm nản lòng nhân dân cả hai dân tộc”.
Bản ghi nhớ của Việt Nam gồm 14 điều, bắt đầu như sau:
“1. Chính phủ Pháp thừa nhận nước Cộng hòa Việt Nam là một nước tự do mà nền độc lập sẽ được tuyên bố trong thời hạn ba năm kể từ ngày ký bản hiệp định này.
2. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tham gia vào các tổ chức của Liên bang Đông Dương trong những điều kiện sẽ được quy định nhất trí giữa nước Pháp, nước Việt Nam và những thành viên khác của Liên bang. Liên bang sẽ quản lý và phối hợp những lợi ích có tính chất kinh tế, tài chánh hoặc kỹ thuật...”
Ngay từ ngày 21/8, tổng thư ký mới của Ủy ban Liên bộ Đông Dương (Cominindo)[53] Pierre Messmer, chuyển cho Bidault bức giác thư của Việt Nam. Quan điểm hai bên, Messmer nói, vẫn rất khác nhau và bây giờ đây phải đặt Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trách nhiệm của mình. Ngày 22, một bản báo cáo của Max André gửi Bidault cũng tán dương quan điểm dùng sức mạnh[54].
Hai công hàm này khẳng định rằng ông Hồ phải chấp nhận bức giác thư của Pháp. Nếu ông Hồ từ chối thì theo Max André, đó sẽ là lý do để bế mạc cuộc hội nghị “bằng một bản thông báo chỉ rõ những quan điểm của hai bên và nguyên nhân bất đồng”. Về phía Pignon, cũng xác định, trong một công hàm gửi cho bộ trưởng của mình:
“Những đề nghị chứa đựng trong bản ghi nhớ của phái đoàn Việt Nam hoàn toàn không thể chấp nhận. Nó là một bước lùi so với những quan điểm đã đưa ra tại Đà Lạt và cả ở Fontainebleau của phái đoàn Việt Nam...
“Nếu Chính phủ Pháp thừa nhận, mặc dầu có thời hạn, nền độc lập của Việt Nam, thì sau này Chính phủ không còn được phép bảo vệ, trong lĩnh vực kinh tế cũng như trong các lĩnh vực ngoại giao, quân sự và văn hóa cho những quan điểm cơ bản của nước Pháp mà chúng ta muốn đưa vào văn bản hiệp ước nhằm bảo đảm cho sự trường cửu của sự nghiệp nước Pháp tại Viễn Đông”...
Với Pignon, quyền ngoại giao tự do của Việt Nam sẽ “rất nguy hiểm cho tương lai,... không thể ăn khớp với tổ chức Liên hiệp Pháp theo như khuôn khổ mà chúng ta có thể hy vọng thành lập”. Pignon chỉ trích “ý định của Việt Nam muốn giữ lấy việc quản lý thuế quan, có nghĩa là chống lại việc thành lập một Liên bang Đông Dương vững chắc”; ông ta chỉ trích còn nặng nề hơn nữa cái dự án của Việt Nam giao việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý cho một tiểu ban hỗn hợp và ông kết thúc:
“Một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lại thiết kế một cảnh trí sân khấu cho chúng ta sử dụng. Hình như vẫn cần thiết phải làm cho ông biết một cách thật cụ thể rằng chúng ta không có ý định chấp nhận một thứ thị trường lừa bịp như vậy
• Những băn khoăn hoài nghi
Dù sau, Chính phủ Pháp cũng không thống nhất ý kiến và do dự. Tối ngày 23/8, Bidault cử chính Pignon đến gặp ông Hồ Chí Minh để trình bày quan điểm không chính thức của Chính phủ. Lúc trở về, Pignon không thể nêu lên được “một dấu hiệu cụ thể nào về những ý định đích thực của người đối ngoại với mình”.
Sau đó, nghỉ họp vài hôm. Người ta cảm thấy cả hai bên đều có chút phân vân, tự hỏi mình nên theo con đường nào và nên có những quyết định nào. Hay che giấu sự thất bại dưới một bản “tuyên bố thân thiện chung” mang tính chất xoa dịu và trấn an dư luận quần chúng của nhân dân hai nước?
Pignon không nghĩ thế. Ngày 28/8, trong một công hàm gửi J. Boissier, cố vấn về các vấn đề Đông Dương của Georges Bidault, ông ta gợi ý đề nghị với Hồ Chí Minh ký kết những hiệp định hạn chế giải quyết một vài vấn đề cấp bách. Gợi ý được Bidault và Moutet chấp nhận; rồi ngày 31, phái đoàn Việt Nam cũng chấp nhận trên nguyên tắc.
Moutet bèn thông báo cho đô đốc d’Argenlieu bằng một bức thư cá nhân:
“Vì những sự bất trắc nghiêm trọng vừa xảy ra tại Nam Kỳ cũng như ở Bắc Kỳ và cũng vì sự chống đối có hệ thống của bọn khủng bố đối với việc thiết lập các kỳ hào địa phương, chúng tôi đã quyết định thay đổi quan điểm và đặt Chủ tịch Hồ Chí Minh trước một ngã ba đường: Hoặc ký kết một hiệp định đánh dấu một bước tiến so với hiệp định 6/3 và chuẩn bị cho một sự hợp tác Việt - Pháp trên những cơ sở mới; hoặc là đình chỉ hội nghị với tất cả mọi hậu quả đi kèm.
“Để tránh khỏi một chuyện bất trắc có thể xảy ra như vậy tôi mong muốn chúng ta sẽ có thể kiên trì đến cùng chính sách thỏa thuận đã được bắt đầu ngày 6/3 và cuộc hội nghị Fontainebleau (tuy không phải là người có sáng kiến tổ chức, nhưng tôi luôn luôn bảo vệ cho hội nghị này) trở lại bàn đàm phán của nó. Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dầu có những quan điểm chính trị khác, đối với tôi vẫn là con người mang đầy đủ tư cách hơn cả để lãnh đạo một Chính phủ.
“Chúng tôi đã cử ông Pignon và ông Laurentie tới gặp ông Hồ để điều đình về một công hàm mới mà chúng tôi đã chuyển miệng đến cho ông.
“Một sự đình chỉ hội nghị có thể mang lại những hậu quả đáng sợ trong tình hình hiện nay. Mọi tin tức đều chỉ ra cho tôi thấy tình thế của chúng ta hiện nay chẳng sáng sủa gì cho lắm... Tại Nam Kỳ, những nhóm khủng bố tổ chức rất có chiều sâu, đang tạo ra một bầu không khí hoàn toàn bất ổn định sau cuộc xâm nhập rồi lại rút lui của quân đội ta. Tất cả những chuyện đó yêu cầu chúng ta phải có một chính sách khôn khéo.
“Quân đội Đông Dương, 85.000 người, phải được tăng cường nếu tình thế trở nên nghiêm trọng. Điều này sẽ không khỏi gây khó khăn tại Hội đồng Quốc phòng tối cao và tại tiểu ban Quân đội.
“Hình như đúng là Việt Nam đang đầu cơ những khó khăn này của chúng ta... Dù Việt Nam có tự gây ảo ảnh cho mình chăng nữa, thì tôi cho rằng luôn luôn kiên trì con đường hiệp định vẫn là điều khôn ngoan.
“Trong mọi trường hợp, hãy kịp thời báo cáo cho tôi biết về sự an ninh của tình thế của ngài trong trường hợp cuộc hội nghị có thể bị đình chỉ. Chúng ta sẽ làm tất cả để tránh điều không hay xảy ra và tôi không nghĩ rằng Việt Nam mong muốn chuyện đó. Tuy nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể có những người thân cận hoặc do hoàn cảnh mà trở thành không thức thời”.
Bức công hàm Pháp, do Pignon soạn thảo ngày 1/9 và được Moutet duyệt y, bày tỏ nguyện vọng rằng những cuộc trao đổi quan điểm sẽ dẫn tới “việc ký kết những hiệp định giới hạn và tạm thời về những vấn đề đòi hỏi, vì quyền lợi cả hai bên, phải có một giải pháp cấp bách” và phải “bình thường hóa những quan hệ của người Pháp sống tại Việt Nam với các nhà chức trách và nhân dân Việt Nam”. Về việc ký kết một hiệp ước vĩnh cửu, nước Pháp chỉ đặt ra một điều kiện tiên quyết: chấm dứt “tình trạng đang thi hành đối với những người và những tài sản của Pháp trong những vùng lãnh thổ do nước Việt Nam DCCH kiểm soát... Tình trạng này giờ đây không cho phép Chính phủ Pháp tiếp tục một cách bổ ích việc nghiên cứu sâu vào nội dung những yêu cầu của nước Việt Nam DCCH đưa ra”. Bức công hàm này được chuyển cho phái đoàn Việt Nam ngày 2; và chính phái đoàn Việt Nam, để tránh một sự định chỉ hội nghị, cũng đang đi vào con đường ấy.
Ngày 3/9, Moutet và Pignon được Hồ Chí Minh tiếp, họ trao cho ông Hồ bức công hàm đề ngày 2/9; sau khi tóm tắt lại “phương pháp biện chứng”, bức công hàm kết luận:
“Mặc dù có những ý kiến bất đồng, dường như nổi bật lên, qua những cuộc hội kiến mà mấy ngày gần đây, Ngài Chủ tịch nước Việt Nam DCCH đã có nhã ý trao đổi với phái đoàn Chính phủ Pháp, cái khả năng có thể có một mảnh đất thỏa thuận, cho phép nối lại cuộc đàm phán Fontainebleau mà cả hai bên đều mong muốn, trên những cơ sở sau đây:
“a) Đã thỏa thuận rằng hai bên ký kết phải tránh không được làm trở ngại tiến trình cuộc đàm phán bằng cách coi việc giải quyết vấn đề này hay vấn đề kia như một điều kiện tiên quyết, có nghĩa là nó sẽ chi phối cách giải quyết toàn bộ các vấn đề đặt ra cho các nhà đàm phán nghiên cứu.
“b) Từ đó, cũng thỏa thuận rằng, hai bên đều phải chấp nhận những cố gắng song song để đi đến một sự hiểu biết và hòa hợp.
“Trên cơ sở đó, Chính phủ Pháp sẵn sàng nối lại những cuộc đàm phán Fontainebleau. Cùng với những vấn đề được đề nghị đưa ra xem xét trong bản ghi nhớ của phái đoàn Pháp (ngày 14/8, sẽ ghi thêm, đúng như mong muốn của Ngài Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đã được dự kiến trong hiệp định sơ bộ 6/3; dĩ nhiên phía Chính phủ Pháp vẫn dứt khoát kiên trì một đòi hỏi mà Chính phủ đã nhiều lần đặt ra là ổn định trước trật tự công cộng, và sẽ không cam kết gì về ngày tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.
“Nếu những đề nghị này được Ngài Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận thì có thể bàn đến việc công bố cho công chúng biết rằng Hội nghị Fontainebleau đã được nối lại, bằng một bản. tuyên bố chung của hai chính phủ.
“Trong mọi tình huống, Ngài Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ không thể không thấy được rằng tình thế hiện nay không thể kéo dài và Chính phủ Pháp đã từng góp nhiều công sức vào việc làm cho hai bên hiểu biết lẫn nhau, giờ đây đang chờ đợi một câu trả lời cụ thể”.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)