Số lần đọc/download: 5079 / 54
Cập nhật: 2015-11-29 02:17:59 +0700
Chương 20: Gác Quan Minh
L
ỗ Ân lập tức ý thức được rằng, những cao thủ mà ông đã gặp, kẻ sau cao cường hơn kẻ trước. Kẻ trấn giữ hành lang cũng là một cao thủ hiếm thấy, chắc chắn ông không đỡ nổi ba chiêu của hắn. Nhưng đối phương lại không xuống tay hạ sát, chỉ đánh bay cây đao trên tay ông, khóa hết mọi chiêu thức, chặn đứng đường tiến lui của ông, chỉ chừa lại con đường dẫn tới bờ ao.
Lỗ Ân đã biết cái ao rất đáng sợ, nếu bị ép đến đó, chắc chắn sẽ phải đón nhận một kết cục thê thảm. Nhưng đó là kết cục như thế nào? Ông không biết! Kết cục đó thê thảm đến đâu? Tiếng kêu rú bất chấp tính mạng của Người Đao khi nãy và ánh mắt khiếp đảm còn hơn nhìn thấy cái chết của gã đã nói lên tất cả.
Lỗ Ân trong tay đã không còn đao, cao thủ trước mặt cũng không có đao. Cao thủ không có đao, nhưng chân tay của hắn chẳng khác gì đao búa, Lỗ Ân không thể chống đỡ nổi.
Mặc dù dải da cá trên tay trái của Lỗ Ân đã xoay tít như chong chóng, nhưng đối thủ vẫn tìm ra được kẻ hở để thò tay qua, đầu ngón tay gõ nhẹ vào hổ khẩu của Lỗ Ân. Dải da cá đang bay lượn như cây nhuyễn tiên chợt biến thành con rắn chết, bắn văng ra ngoài hành lang.
Hai bàn tay mạnh như đao búa dồn dập đánh tới như vũ bão, đôi chân cứng khỏe như hươu nai liên tục nhảy trái thụp phải. Lỗ Ân không thể chống nổi thế tấn công, không thể lách qua bộ pháp của hắn, ông phải lui liền mấy bước, cơ thể đã ở trên lan can của hành lang.
Cao thủ đột ngột nhảy bật lên, tay chân cùng đánh ra một lượt. Trước một đòn như vậy, chắc chắn Lỗ Ân sẽ bị đánh văng đến tận thảm cỏ bên bờ ao.
Nhưng Lỗ Ân đã dự tính được điều này. Nếu đã dự đoán trước mà còn bị dính đòn, đó chỉ là sai lầm của kẻ không hiểu võ công. Bởi vậy, khi gã cao thủ vừa thủ thế còn chưa kịp bật lên, ông đã kịp nhảy lên trước. Nhưng bị phong tỏa bởi chiêu thức của đối phương, ông không hề có nhiều phương hướng để lựa chọn, chỉ còn một lối là nhảy ra ngoài lan can. Nên ông quyết định nhảy về đoạn trước của hành lang.
Lỗ Ân nhảy bật lên, vòng qua một cây cột có găm thanh đao của ông, nhảy sang đoạn hành lang phía trước. Khi thân hình bắt đầu hạ xuống, ông nhanh chóng đưa tay phải chộp lấy viền hoa bên dưới mái hiên của đoạn hành lang phía trước, cả cơ thể treo lơ lửng trên không trung.
Đúng vậy, ông đã dùng tay phải. Vì khi nãy ông đứng quay mặt vào bên trong hành lang, sau khi vòng qua cột trụ, nghiêng người nhảy về phía trước, thì chỉ có thể dùng bàn tay phải để chụp lấy viền hoa, cũng là bàn tay đã bị sai khớp khi phá Vô ảnh tam trùng tráo.
Thân người ông treo lơ lửng dưới mái hiên, do đang đà xoay về phía trước, nên cơ thể tiếp tục xoay tròn. Chỉ nghe cổ tay bị sái kêu “rắc” một tiếng, Lỗ Ân rú lên buông tay phải ra, đúng lúc cơ thể theo đà xoay trở lại, như một bao gạo lớn đập thẳng cánh tay vào cây cột trụ mà ông vừa vòng qua. Toàn bộ hành lang rung lên bần bật.
Cú tung người của gã cao thủ đã đánh hụt, gã lập tức thu thế dừng lại, đứng vững trên thành lan can của hành lang. Gã hơi nghiêng người nhìn, vừa nhìn thấy Lỗ Ân rơi phịch xuống đất. Khi nãy, gã cao thủ đã nấp ở nơi kín đáo quan sát Lỗ Ân phá khảm giết người. Ông bị thương chỗ nào, điểm yếu ở đâu, gã đều đã biết rõ. Vì vậy, gã vừa liếc mắt đã biết ngay, ông đang đau đớn tột độ là vì trong lúc cùng đường đã phải dùng đến bày tay bị thương. Gã định chờ khi Lỗ Ân trong lúc hoảng loạn tiếp tục tung ra chiêu thức sai lầm, khi đó, gã sẽ dễ dàng quăng ông ra khỏi hành lang.
Vẻ mặt Lỗ Ân vô cùng đau đớn, hai chân khó khăn lắm mới đứng vững được, mặc dù tốc độ không chậm, nhưng có thể nhận ra, cơn đau đớn đã khiến động tác của ông trở nên rối loạn. Vừa mới đứng thẳng, bàn tay trái của ông đã tạo thành hình kiếm, đánh thẳng đến trước bụng của gã cao thủ đang đứng trên lan can.
Theo lý mà nói, hành vi hợp nhất đối với Lỗ Ân lúc này chính là tiếp tục tiến về phía đầu hành lang để tránh né, mau chóng định thần lại rồi mới tiếp tục trận giằng co trên hành lang. Thế nhưng, vừa mới ngã một cú trời giáng, ông đã lập tức ra đòn tấn công đối thủ. Điều này, cũng thật đúng ý gã cao thủ, hai tay gã lập tức khóa chặt tay trái của Lỗ Ân, rồi hai tay cùng quật mạnh, cả cơ thể Lỗ Ân bị quăng vụt ra khỏi hành lang, kéo theo một vòi máu bắn tung.
Với một người đã kinh qua bao trận tử chiến đẫm máu như Lỗ Ân, càng rơi vào cảnh ác liệt cùng đường, đầu óc lại càng minh mẫn. Lúc tung mình nhảy lên không trung, ông đã tính toán trước góc độ bám tay, lợi dụng sức nặng của cơ thể và quán tính của đà xoay, nhanh chóng kéo được khớp xương cổ tay bị trật trở về vị trí. Sau đó ông thả cho cơ thể va mạnh vào cột hành lang, cũng là để chấn thanh đao đang cắm trên cột, khiến thanh đao bị nới lỏng khỏi vết chém.
Lỗ Ân tiếp tục xuất chiêu bằng một tay, đây là điều gã cao thủ chờ đợi. Cao thủ nhấc ông lên quăng ra phía ngoài, đây cũng là điều mà Lỗ Ân đang chờ đợi. Khi cơ thể vừa bay đi, tay phải của Lỗ Ân đã kịp chụp lấy thanh đao trên cột, nhẹ nhàng rút nó ra. Đao đã trong tay, ông không chém cũng không đâm, mà chỉ nhân theo đà quăng của gã cao thủ, lướt nhẹ mũi đao qua cổ họng của gã.
Cao thủ đến lúc chết cũng không hiểu bàn tay phải của Lỗ Ân đã hoạt động được từ bao giờ, cũng không hiểu ông lấy được đao từ lúc nào. Cả hai người cùng ngã ra ngoài hành lang một lượt. Gã cao thủ tuy ngã ở gần, nhưng không bao giờ còn đứng lên được nữa. Còn Lỗ Ân bị bắn tít ra xa, lập tức lăn đi một vòng rồi bật ngay dậy, xoay người lao vụt vào trong hành lang. Lỗ Thịnh Nghĩa chạy sát theo sau, cả hai người cùng xông đến trước cửa căn lầu nhỏ.
Khi chạy qua hành lang, Lỗ Ân tiện tay nhấc luôn cái sọt cầm theo. Ông không dừng lại trước gác Quan Minh, mà men theo hành lang sát mép nước đến trước căn lầu nhỏ, đứng trên thèm đá, cảnh giác quan sát kỹ lưỡng xung quanh, đặc biệt là ao nước màu xanh đen nơi con quái vật vừa nhảy xuống.
Lỗ Thịnh Nghĩa ngậm con dao khắc vào trong miệng, hai ngón tay trỏ xoay chuyển cực nhanh, chớp mắt đã mở được nút thắt Đuôi chó hai dơi trên cánh cửa, rồi đẩy nhẹ một cái, cánh cửa lặng lẽ mở ra không một tiếng động. Xem ra cánh cửa này thường xuyên được đóng mở, nên trục cửa đã bị mài trơn nhẵn. Lúc này Lỗ Thịnh Nghĩa và Lỗ Ân đã hình thành tư thế một trước một sau, một trong một ngoài hô ứng.
Lỗ Thịnh Nghĩa đã mở được cửa, nhưng không lập tức tiến vào, mà lấy từ trong hòm ra một quả cầu, khẽ đặt trên mặt đất. Đây là quả cầu tìm dốc được sử dụng trong công phu Định cơ của nhà họ Lỗ, làm bằng đất nung, ngoài tròn trong rỗng, ruột chứa thủy ngân. Khi đặt nó lên mặt đất, nó sẽ lăn theo những chỗ nghiêng dốc mà mắt thường không nhận ra được.
Quả cầu tìm dốc lăn chầm chậm trên sàn gỗ cũ kỹ chạy thẳng đến chiếc ghế thái sư ở giữa nhà. Lỗ Thịnh Nghĩa phán đoán rằng, vệt lăn của quả cầu có lẽ không phải là khảm diện, chắc hẳn có người thường xuyên đi từ cửa tới ghế thái sư, lâu ngày khiến mặt sàn bị giẫm mòn và lõm xuống tạo nên một đường như vậy.
Nếu là khảm diện, chắc chắn sẽ không thể thường xuyên có người đi lại, trừ phi là cố tình làm cho nền nhà lõm xuống. Nói theo ngôn ngữ của nghề khảm tử, đó là “móc vàng treo ngược”, hay còn gọi là khảm diện “mời ngài vào vò”.
Lỗ Thịnh Nghĩa thận trọng quỳ xuống quan sát kỹ lưỡng bề mặt sàn gỗ. Mặt sàn vô cùng cũ kỹ, quả thực là sự cũ kỹ do năm tháng tạo ra, chứ không phải là cố tình làm giả. Như vậy, có thể loại trừ khả năng là “móc vàng treo ngược”. Mặc dù như vậy, nhưng ông vẫn tỏ ra hết sức thận trọng, đi đúng theo vết lăn của quả cầu tìm dốc, tiến đến ghế thái sư.
Quả cầu tìm dốc dừng lại bên dưới chiếc ghế thái sư, chứng tỏ phía dưới ghế thái sư chính là vị trí trũng nhất, cũng cho thấy chiếc ghế này thường xuyên có người ngồi.
Lỗ thịnh nghĩa không cần nghĩ ngợi, lập tức ngồi lên chiếc ghế. Ông muốn biết người thường xuyên ngồi trên chiếc ghế muốn quan sát thứ gì.
Từ vị trí này, chỉ có thể nhìn thấy một phần ao nước và bờ ao. Còn những cảnh tượng khác trong vườn, cho dù có nhìn thấy cũng không được rõ ràng. Quan sát một lát, Lỗ Thịnh Nghĩa liền cúi xuống nhặt quả cầu dưới gầm ghế lên, rồi đặt nó xuống phía trước ghế chừng một bước. Quả cầu lăn một vòng tại chỗ, sau đó lăn về phía cánh cửa nhỏ có chấn song hoa lồng ô kính dẫn đến thềm đá.
Lỗ Thịnh Nghĩa bèn bám theo quả cầu. Trước tiên, ông dừng lại một lát ở chỗ quả cầu vừa lăn một vòng tròn, sau đó tiến về phía cánh cửa nhỏ. Cánh cửa chỉ khép hờ. Lỗ Thịnh Nghĩa nhặt quả cầu lên, đưa tay khẽ đẩy vào cánh cửa, rồi bước lên thềm đá.
Lỗ Ân vẫn đang đứng trên thềm đá. Ông ta không còn cảnh giác quan sát xung quanh nữa, mà đang chăm chú ngắm nghía đôi câu đối treo trên hai cột trụ ở hai bên cánh cửa nhỏ, ánh mắt và thần thái hết sức tập trung.
Chữ trên câu đối được khảm trai, lấp lánh ánh sáng mờ mờ của xà cừ. Nội dung rất đơn giản rõ ràng, vế trên viết: “Bổng thủy tẩy ngọc ngẫu”; vế dưới viết: “Đề trúc bạt kim liên”(1).
Vừa nhìn thấy đôi câu đối, Lỗ Thịnh Nghĩa bỗng ngẩn người ra. Mặc dù chỉ vẻn vẹn mười chữ, nhưng dường như trong đó còn ẩn chứa một huyền cơ khó đoán.
Lỗ Thịnh Nghĩa còn chưa nghĩ ra được điều gì, đã nghe thấy Lỗ Ân lẩm bẩm mấy tiếng: “Gác Quan Minh”. Ông dõi theo hướng nhìn của Lỗ Ân, đó chính là tấm hoành phi dưới mái của lầu trên. Đôi lông mày đang nhíu lại của Lỗ Ân đột nhiên giãn ra, ông ta lập tức bước nhanh vào trong căn lầu. Ông không thận trọng lần theo quỹ đạo của quả cầu như Lỗ Thịnh Nghĩa, dường như ông đã biết rõ trong căn lầu không hề có khảm diện, nên sải bước đi thẳng lên lầu trên.
Lỗ Thịnh Nghĩa không hề ngạc nhiên trước hành động của Lỗ Ân, cũng không đi theo lên lầu, mà ông chầm chậm ngồi thụp xuống, nhìn ra mặt ao.
“Bổng thủy tẩy ngọc ngẫu; đề trúc bạt kim liên”, đây có lẽ là cảnh tượng vào mùa hè. Ông đang suy nghĩ, đang tưởng tượng. Ông thấy như mình quay lại ngồi trên chiếc ghế thái sư, trước mắt là mặt ao rợp kín lá sen, đài sen. Một vài cô gái trẻ tay áo xắn cao chân để trần, ríu rít ngồi bên thềm đá rửa ngó, bóc sen.
Không đúng. Nếu như ở bên thềm đá, nơi này đã phủ kín một lớp lá sen dày, làm sao có thể vớt nước lên được? Chỗ để lấy nước không phải ở trước thềm đá.
Lỗ Thịnh Nghĩa ngẩng đầu nhìn về phía đông của ao, ở đó có thi thể của nhân khảm Vô ảnh tham trùng tráo. Sau khi bị giết chết, nhân khảm tiếp tục bị quả cầu lửa màu đỏ thiêu cháy, rơi xuống dưới ao. Lúc này, một nửa cơ thể đang nhô lên trên mặt nước. Đây là hiện tượng không bình thường, trừ khi ở dưới nước có vật gì đang đẩy cái xác lên.
Nhưng là vật gì? Trong ao, ngoài con quỷ nước quái đản mà ông vừa trông thấy, còn có thêm thứ gì nữa?
Lỗ Ân chạy thẳng lên lầu trên, quả nhiên ông không gặp phải một khảm diện nào. Có điều khi sắp đặt chân lên lầu trên, ông đã giảm tốc độ lại, chuyển cái sọt về trước che chắn trước ngực. Ông e rằng trên lầu có mai phục, vì trên đó từng xuất hiện người đàn bà ma quái mang mặt nạ ly miêu, còn phóng ra thứ ám khí rực lửa định tập kích ông.
Lỗ Ân vừa ló đầu lên trên, đã lập tức rụt lại. Chỉ trong khoảnh khắc đấy, ông đã quan sát được toàn bộ lầu trên. Không một bóng người.
Lỗ Ân đi hẳn lên trên, ở đây quả nhiên hết sức trống trải, nhưng không phải là hoàn toàn. Cả gian lầu chỉ có duy nhất một chiếc giường gỗ gụ theo kiểu đời Minh. Sự tồn tại của chiếc giường đã nằm trong dự liệu của Lỗ Ân, vì chỉ có từ đấy mới lần ra được manh mối mà ông muốn tìm kiếm.
Lỗ Ân mở toang tất cả cửa sổ trên lầu, sau đó ông ngồi khoanh chân trên giường. Viên lâm ở Cô Tô có một kiểu kiến trúc gọi là “phủ nguyệt” (cúi đầu ngắm trăng), tức là xây một căn lầu, hoặc đình, hoặc mái hiên ở một vị trí thích hợp, kết cấu mở thông bốn mặt, dùng để ngắm trăng. Vì vậy mới có câu “trăng thanh gió mát không tốn tiền mua”. Nhưng tại sao lại gọi là “phủ nguyệt”? Vì khi ngắm trăng không cần phải ngẩng đầu lên trời cho mỏi cổ. Trăng để ngắm không phải trăng trên trời, mà là trăng dưới nước. Bố cục kiến trúc vô cùng khéo léo, chỉ cần ngồi yên một chỗ, hơi cúi đầu là ngắm được vầng trăng phản chiếu xuống mặt nước cạnh lầu.
Căn gác này là gác Quan Minh, không biết có phải là ngắm được cả mặt trăng và mặt trời hay không? Hay là có ý gì khác? Nhưng mặc kệ nó có ý nghĩa ra sao, Lỗ Ân đã hiểu rất rõ, thứ mà mình đang muốn quan sát là cái gì.
Lỗ Ân vẫn ngồi trên giường, chỉ hơi di chuyển một chút, vì ở vị trí ban nãy ông phát hiện ra điều gì đó bất thường. Nhưng ông không rời khỏi chiếc giường, ông tin chắc phán đoán của mình là chính xác. Vì ông đã hiểu được ngụ ý của câu đối “Bổng thủy tẩy ngọc; đề trúc bạt kim liên”. Mặc dù câu đối miêu tả cảnh tượng hái ngó sen, nhưng thực chất lại ám chỉ cảnh phòng the của nam nữ. Vừa diễn cảnh phòng the vừa ngắm nhật nguyệt, còn có thể là ở đâu? Chắc chắn chỉ có thể là ở trên giường trong gác Quan Minh.
Lỗ Thịnh Nghĩa cũng đã hiểu được đôi câu đối. Vế trên viết “bổng thủy”, là có Thủy; “ngọc ngẫu” ngọc là đá, đá thuộc Thổ, có Thổ. Vế dưới viết “đề trúc”, trúc thuộc Mộc, có Mộc; “kim liên”, có Kim. Câu đối này có Kim, Mộc, Thủy, Thổ, còn thiếu Hỏa; mặc khác, khung cảnh miêu tả trong đôi câu đối, bốn hành đều không tách rời ao, phải chăng dưới ao có ẩn tàng Hỏa?
“Gác Quan Minh”, dường như bên tai Lỗ Thịnh Nghĩa lại vẳng lên tiếng lẩm bẩm của Lỗ Ân. Đúng vậy, được Hỏa sẽ sáng. Nhìn thấy ánh sáng, sẽ có được Hỏa(2). Đối phương trước kia chẳng phải là trộm Hỏa mà được Minh hay sao?
Tại sao hai cái xác cháy đen của nhân khảm lại không bị chìm xuống? Hẳn là dưới nước có một cái lồng cố định. Tuy rằng diện tích mặt ao khá lớn, xây lồng dưới đấy là một việc rất khó tưởng tượng, nhưng với gia thế và thực lực của đối phương, có chuyện gì mà không làm được. Cái lồng chắc hẳn không phải là kín mít, mà sẽ có cửa. Nếu không, họ làm sao có thể quan sát được ánh sáng, lấy được Hỏa?
Vậy cửa nằm ở đâu? Có lẽ chính là chỗ con quỷ nước vừa rơi xuống khi nãy, cũng tức là phần rìa mép của vị trí vẫn có thể lấy nước sau khi mặt ao đã bị phủ kín bởi lá sen. Lỗ Thịnh Nghĩa đã biết điểm đó ở đâu, vì lúc nãy, ông đã nhìn thấy vị trí con quỷ nước lao xuống.
Lỗ Ân không nhìn thấy con quỷ nước lao xuống ao, lúc đó ông còn đang quỳ gục trên đất nôn thốc nôn tháo. Có lẽ ông cũng biết phía dưới mặt nước có một chiếc lồng, nhưng ông đã biết trong nước có một cánh cửa. Ông đã nhìn thấy cánh cửa đó rõ ràng chuẩn xác hơn cả Lỗ Thịnh Nghĩa.
Cuối cùng, ông đã tìm ra vị trí chính xác. Ông đã thay đổi phương hướng, chuyển xuống đuôi giường nhìn về phía đầu giường. Đây có lẽ là phương hướng và góc độ thích hợp khi đôi nam nữ giao hoan trên giường. Và thế là, ông đột ngột nhìn thấy mặt trăng, và cũng thấy cả mặt trời; nhật nguyệt chính là minh(3).
Lỗ Ân nhanh chóng chạy từ trên gác xuống thềm đá để quan sát, nhưng từ góc độ này lại không nhìn thấy trăng sao gì nữa. Cũng may ông đã nhớ được vị trí, nên ông nhìn chằm chằm về hướng đó. Và hướng đó cũng chính là hướng mà Lỗ Thịnh Nghĩa đang nhìn.
Lỗ Thịnh Nghĩa đã biết, nơi đó có Hỏa và có cả quỷ nước. Trong hai thứ đó, có một thứ ông muốn lấy được trong chuyến đi này, còn một thứ suốt đời này ông cũng không bao giờ muốn gặp lại. Hơn nữa, nhìn vào rất nhiều hiện tượng, có thể thấy được rằng bên dưới mặt ao chắc chắn đã được bố trí vô số khảm diện quái đản khó lường. Nhất là làn nước xanh thẫm đến bất thường, chỉ nhìn đã thấy đầu óc xây xẩm. Trước kia, dưới một làn nước rất khó nhìn xuyên qua như thế này, ông đã gặp phải vách Bách anh.
Lỗ Ân cũng biết, nếu như thông tin ông có được không sai, nếu như phán đoán và phân tích của ông chuẩn xác, thì ở đó cũng có thứ mà ông muốn. Nhưng ông cũng hiểu rõ, để lấy được thứ đó hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng. Trong nước có những khảm diện và quái vật rất khó đối phó. Mặc dù ông chưa nhìn thấy quỷ nước, nhưng ông đã cảm nhận được sự khủng khiếp và gớm ghiếc của nó ở một khoảng cách rất gần.
Cả hai người đều không nói tiếng nào, tựa như hai cây cột mới mọc trên thềm đá. Mặt ao vô cùng tĩnh lặng, khu vườn cũng rất yên ắng, hai người trên thềm đá cũng im lặng tuyệt đối. Nghe rõ cả tiếng gió Bắc lao xao cành lá, lay động mặt ao. Một phiến lá khô vàng chợt rơi xuống từ một ngọn cây rất cao bên bờ ao, xoay tít, lượn vòng, chao qua trước mặt hai người, nhẹ nhàng và bất lực chạm xuống mặt nước xanh đen.
“Keng!”
Từ mặt ao vọng lên một âm thanh kinh động, tựa như lớp băng phủ kín mặt sông đột nhiên nứt toác, giống như nhũ băng lơ lửng trên vách núi ngàn trượng đột ngột gãy rời.
“Uỳnh! Phụt!”
Từ cánh cửa hình mặt trăng dưới nước bỗng nhiên bọt nước phun trào, vọt lên một cột nước rộng bằng mặt bàn cao cả mét. Lỗ Thịnh Nghĩa và Lỗ Ân đều giật mình kinh ngạc, chẳng lẽ chiếc lá khô vừa rụng xuống lại có uy lực ghê gớm đến thế?
Chú thích
(1) Có nghĩa là: vốc nước rửa ngó ngọc, nâng trúc nhổ sen vàng.
(2) “Quan Minh” có nghĩa là nhìn ánh sáng. “Minh” có nghĩa là ánh sáng, đồng thời cũng ám chỉ triều Minh.
(3) Trong Hán tự, chữ “nhật” (日) là mặt trời; chữ “nguyệt” (月) là mặt trăng, hai chữ này ghép với nhau sẽ thành chữ “minh” (明), nghĩa là sáng cũng có nghĩa là nhà Minh.