Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Chương 51
T
rên bờ sông dựng đứng, mặt trời chiều phóng những tia sáng nghiêng nghiêng xuống trước miếu Bạch Đế. Dưới chân dốc dựng đứng, nước sông cuộn xoáy, từ xa đã nghe thấy tiếng ầm ầm của nước. Trước mặt ta vách đá của Quỷ Môn quan dựng lên như bị vạc một nhát dao. Nếu tì vào lan can sắt nhìn xuống dưới, có thể phân biệt một đường phân cách giữa nước trong leo lẻo và lấp lánh của con sông nhỏ cùng dòng nước hung dữ ngầu bùn của Trường Giang.
Ở bờ bên kia, một người đàn bà mang dù tím đi bên sườn núi giữa cỏ cây, trên một con đường nhìn không thấy leo đến tận đỉnh của ngọn núi đá dựng ngược. Người ấy đi lên rồi biến mất. Chắc có người sống trên đỉnh núi.
Những tia nắng vàng rợi ẩn vào sau núi, lập tức hai bờ hẻm sông tối sầm lại. Những ngọn đèn đỏ dùng làm hiệu báo cho tàu thuyền móc là là mặt nước lần lượt thắp sáng. Một con tàu ba boong từ thượng lưu sông đi đến, đầy người đứng ngắm phong cảnh. Tiếng rống trầm trầm của còi tàu vang mãi trong hẻm đá.
Người ta nói rằng trận đồ Bát Quái mà Gia Cát Lượng bày ở lũy đá giữa sông là nằm ở nơi sông con gặp Trường giang, bên kia Quỷ môn quan. Ta đã nhiều lần vượt cửa quan này bằng tàu và tất cả mọi người trên boong đều chỉ trỏ vào một cái gì, vờ như trông thấy nó nhưng ta không bao giờ có thể nhận ra, ngay cả hôm nay, từ cổ thành Bạch đế ở bờ sông. Lưu Bị đã gửi gắm đứa con trai duy nhất ở đây nhưng ai có thể biết liệu các câu chuyện kể lại trong các tiểu thuyết lịch sử là có thật hay không?
Trong miếu Bạch đế, trên các bệ đá, tượng thánh thần bị đánh đổ đã được thay bằng các tượng mới bằng đất sét bôi màu, thứ tạo hình minh họa những biến cố lịch sử cho ra một trường diện sân khấu; ngôi miếu này không còn giống với một thứ gì nữa.
Ta vòng quanh miếu, đến sau một khách sạn mới xây. Tất cả chung quanh chỉ là núi trọc, lưa thưa vài bụi cây. Ở lưng dốc, vẫn thấy lờ mờ những vết tích bức tường bán nguyệt vậy bọc của một cổ thành thời Hán. Nó phải dài đến vài cây số. Ông giám đốc văn hóa địa phương đã chỉ cho ta thấy. Nhà khảo cổ này phấn khích một cách chân thành đối với công việc của ông. Ông giải thích rằng ông xin các cơ quan chính phủ hữu quan tài trợ cho việc bảo tồn các di tích này: theo ý ông, cứ để cho chúng trong trạng thái hoang tàn man dại này lại tốt hơn. Nếu tiền được tháo khoán thì nhiều phần người ta lại xây các đình tạ, cao ốc sặc sỡ rồi sẽ mở khách sạn làm cho phong cảnh biến chất mất.
Ông cho ta xem một con dao đá, hơn bốn nghìn năm, nhẵn và bóng như ngọc. Cán dao có chọc một lỗ, chắc để buộc vào thắt lưng. Trên hai bờ Trường Giang, đã phát hiện nhiều công cụ đá mài tinh xảo và đồ gốm đỏ có từ thời đá muộn. Cũng đã tìm thấy những vũ khí bằng đồng trong một cái hang ở bờ sông. Ông giải thích cho ta rằng sau Quỷ môn quan, trong một cái hang nằm gần vách đá nghe đồn Gia Cát Lượng đã giấu tác phẩm về binh pháp của ông, ở đó hai người, một câm một gù vừa mới hạ chiếc quan tài treo cuối cùng xuống. Nó đã vụn tan thành bụi. Hai người thu xương để bán như bán xương rồng cho các hiệu thuốc đông y, các hiệu thuốc này kiểm nghiệm xong liền báo với công an. Cuối cùng công an đã tìm ra người câm; mới đầu họ không lấy được tin tức gì ở hắn, nhưng sau vài cái tát, hắn đã dẫn công an tới nơi, men theo vách đá trên một con tàu nhỏ rồi hắn cho công an thấy tài nghệ leo trèo của hắn. Nơi đây, còn lại vài mẩu ván gỗ chắc là vết tích của một mộ phần thời Chiến Quốc. Chiếc quan tài có vẻ như chứa vài vật bằng đồng nhưng không thể còn cho biết nay chúng đã thành ra như thế nào nữa.
Trong phòng triển lãm của trung tâm văn hóa, có thể xem những con xa dệt vải bằng gốm trang trí hoa văn tròn đỏ đen. Những hình vẽ này gần giống với cá âm dương, đại khái chắc cũng vào thời kỳ của những con xa đã tìm thấy ở Khuất Gia Lĩnh dưới hạ lưu Trường giang thuộc Hồ Bắc. Chúng lâu đã bốn nghìn năm. Khi chúng quay, Rỗng và Đầy lần lượt hiện ra, quay tròn rồi lại bắt đầu, tức là hiện ra Thái Cực đồ của Đạo giáo 1. Ta tưởng tượng ra rằng đây là sự xuất hiện cổ xưa nhất của biểu tượng này, gốc gác phát tích của các nguyên lý triết học về hiện hữu, từ tác phẩm Kinh dịch đến Đạo giáo: âm dương bổ túc cho nhau, lệ thuộc lẫn nhau giữa hạnh phúc và bất hạnh. Các khái niệm đầu tiên của loài người là đẻ ra từ hình ảnh rồi gắn với âm thanh và cuối cùng thì với ngôn ngữ, lúc đó nghĩa mới xuất hiện.
Ban đầu một vật liệu lạ đã tình cờ rơi vào một con xa bằng đất đang nung. Chắc người đàn bà quay con xa đã nhận ra cái vận động biến hóa xoay tròn rồi lại mở đầu lại. Người đàn ông gắn nghĩa vào biến hóa đó có tên gọi là Phục Hi. Nhưng dĩ nhiên chính là người đàn bà đã cho Phục Hi sự sống, óc thông minh, cái người đàn bà sáng tạo ra sự thông minh của con người có tên gọi là Nữ Oa. Người đàn bà đầu tiên có tên Nữ Oa và người đàn ông đầu tiên có tên gọi Phục Hi thật ra là ý nghĩa về sự liên kết giữa đàn ông và đàn bà.
Với cái mình rắn và đầu người, như đã được hình dung ra như thế trên các viên gạch đời Hán, và như đã từng xuất hiện trong các truyền thuyết, trong các quan hệ giao hợp của ông với Nữ Oa, Phục Hi là hiện thân của các xung lực tính dục của người nguyên thủy. Người ta đã biến hai người từ con thú man dại thành linh quái rồi nâng lên các vị thần thủy tổ, sự hóa thân mang tính bản năng đơn giản của ham muốn tính dục và tiếng kêu của đời sống.
Vào thời kỳ ấy, cá nhân không tồn tại, người ta không phân biệt cái "tôi" và "mi". Cái "tôi" xuất hiện đầu tiên, do sợ chết; cái vật lạ không phải là "tôi" sau mới biến ra thành cái mà người ta gọi là "mi". Lúc đó con người còn chưa có khả năng biết sợ bản thân, nhận thức về bản thân chỉ đến duy nhất từ đối phương. Từ việc chiếm hữu hay bị chiếm hữu, bị hàng phục hay đi hàng phục mới xác nhận được hắn trong cuộc sinh tồn của hắn. "Hắn", cái người thứ ba không quan hệ trực tiếp với "ta" và "mi" chỉ được tách biệt ra dần dần. Sau đấy cái "ta" đây mới phát hiện ra cái "hắn" kia đều tồn tại khác với mình, ý nghĩa về "ta" và "mi" đều căn cứ vào "hắn" mà có. Trong cạnh tranh sinh tồn với kẻ khác, con người nhạt quên dần đi cái tôi bị vùi như hạt cát trong thế giới to lớn, phong phú, hỗn tạp.
Ta làm được gì cho phần còn lại của đời ta? Đó là câu hỏi ta tự đặt ra khi nghe trong đêm yên tĩnh tiếng nước chảy mơ hồ của con sông. Ra bờ nước nhặt các quả cân bằng đá mà ngư dân ở Đại Khê dùng khi kéo lưới ư? Ta có một hòn cuội tròn bị chọc thủng ở giữa nhờ một lưỡi rìu bằng đá. Một người bạn cho ta cách đây hai ngày, trên thượng lưu Vạn huyện. anh nói vào mùa nước cạn, có thể nhặt những hòn cuội như thế ở bờ sông. Bùn tích lại và lòng sông cao dần lên mỗi năm. Hơn nữa, người ta dự định xây một con đập ở đầu ra của hẻm núi. Khi con đê to lớn hợm hĩnh đó được xây cất lên rồi, bức tường thuộc cổ thành đời Hán sẽ bị chìm trong đáy nước. lúc đó việc thu thập các di vật của viễn cổ sẽ còn ý nghĩa nào nhỉ?
Ta luôn đi tìm ý nghĩa nhưng rút cục ý nghĩa là cái gì? Ta có thể ngăn họ khi họ xây con đập làm bia kỷ niệm hoành tráng kia tức là khi phá mất hồi ức của chính bản thân họ không? Ta chỉ có thể tiến hành những tìm tòi về cái "tôi" của bản thân ta, hạt cát tí hon. Ta chỉ có thể viết một cuốn sách về "tôi" không cần biết nó có được ra mắt hay không. Và viết thêm hay bớt đi một quyển sách thì cái đó có nghĩa gì? Nền văn hóa bị họ phá đi, liệu sẽ có thành thiếu vắng không? Mà con người có thật sự cần đến văn hóa không? Và văn hóa là cái gì?
Trời vừa hửng ta đã dậy để đáp chuyến tàu thủy nho nhỏ. Những chiếc xà lan nước ngập mấp mé kia đang xuôi vun vút theo dòng. Giữa trưa thì đến núi Vu Sơn, núi Các mụ Phù thủy, nơi vua Hoài vương nước Sở đã nằm mộng giao cấu với tiên nữ. Ta nhìn thấy đàn bà trong các phố của huyện lỵ không có gì là hấp dẫn. Trái lại, trên tàu thủy, một nhóm bảy tám đứa trai và gái giọng đặc sệt Bắc Kinh, quần ống loe mang đàn ghi ta điện và một dàn trống, đang cười nói lơi lả, đầy vẻ bất cần đời. Chúng kiếm ra tiền nhờ chơi vài điệu nhạc thời thượng và nhạc disco (lúc này nhạc rock còn bị cấm) và như chúng tự tậm sự với ta thì chúng đang làm cho hai bờ sông này chết mê chết mệt đấy.
Trong các niên biểu viết trên da trâu đã rách khuyết về huyện chí có ghi:
"Thời Đường Nghiêu, núi Vu Sơn lấy tên từ Vũ Hàm. Vũ Hàm là thầy thuốc có y thuật rộng lớn của đế Nghiêu, ra đời trong một gia đình đại quan, chết như một quý thần, lãnh địa của ông là quả núi mà ông đã đem lại cho nó cái tên" (Xem phú về núi Vu Hàm, Quách Phác).
"Thời Ngu Thuấn, Điển cổ về đế Thuấn chỉ ra: núi Vu Sơn vẫn ở khu vực Kinh, Lương".
"Thời nhà Hạ, đế Vũ chia nước ra làm chín châu, núi Vu Sơn vẫn ở khu vực Kinh, Lươmg".
"Thời nhà Thương, trong Tụng ca về nhà Thương, chín lần chiếm, chín lần vây, có ghi: các vùng có Vu Sơn không khác với thời nhà Hạ".
"Thời nhà Chu, Vu là đất của Quỳ Tử Xuân Thu, nước Dung vào mùa thu năm thứ ba mươi sáu đời Hỉ Công, người của Sở diệt Quỳ, sáp nhập với Sở, núi Vu Sơn bèn thành một phần của Sở".
"Thời Chiến Quốc, nước Sở gồm quận Vu. Trong Chiến Quốc sách, đọc thấy: Tô Tần cảnh tỉnh Sở Uy vương như sau: phía nam là quận Vu. Trong Quất địa chí đọc thấy: Vu ở cách Quỳ một trăm dặm về phía đông, sau gọi là Nam quận ấp".
"Thời Tần, sử ký, chương Tần bản kỷ nói: vào năm thứ ba mươi, vua Chiêu Tương chiếm quận Vu của Sở; cải nó thành quận Vu của Nam quận".
"Thời hậu Hán, Kiến An, tiên chúa đổi làm quận Nghi Đô rồi năm 25, Tôn Quyền đặt nó vào quận Cổ Lăng, Tôn Hưu của Ngô lại đặt nó vào quận Kiến Bình".
"Thời nhà Tấn, lúc đầu lấy huyện Vu làm biên giới giữa Ngô và Sở, do đô úy quận Kiến Bình cai quản, rồi nó vào nằm trong huyện Bắc Tỉnh. Vào năm thứ tư đời Hàn Bình, đô úy đã được đổi làm quận Kiến Bình, lại đặt ra huyện Nam Lăng".
"Đời Tống, Tề, Lương không thay đổi".
"Thời hậu Chu, năm đời Nguyên Hòa, huyện Vu thuộc về quận Kiến Bình rồi lại đặt huyện Giang Lăng".
"Đời Tùy, đầu triều vua Khai Hoàng, bỏ quận thay bằng huyện Bạch, Vu Sơn thuộc về quận Ba Đông".
"Đời Đường và Ngũ đại nó thuộc về châu Quỳ".
"Đời Tống thuộc lộ Quỳ Chân".
"Đời Nguyên, như cũ".
"Đời Thanh, năm thứ chín đời vua Khang Hi, Đại Xương bị xóa, nhập vào huyện Vu Sơn".
"Phế thành ở cách năm mươi dặm về phía nam".
"Nhà sư Phúc tử, Vỏ lúa mì, tên Văn Không, tự Nguyên Nguyên, người Phủ Cát tại Giang Tây đã dựng am tại sườn bắc núi Trị Đông. Ngồi nhập định ở giữa núi. Trong vòng bốn mươi năm giác ngộ, chỉ ăn trấu của lúa mì, do đó có biệt danh. Lâu sau này, khi ông đã biến mất, trong núi không người, dân trong núi ở đằng trước trông thấy ánh sáng lấp lánh ở trong am ba năm".
"..."
"Truyền thống nói rằng con gái Xích hoàng đế, Dao Cơ, chết khi đi trên sông nước, đã được chôn trên sườn núi về phía mặt trời mọc, một ngôi miếu thần nữ đã được xây cho nàng, phù thủy nam nữ nhảy múa ở đấy mà làm cho các đấng thần linh giáng xuống"....
"Trấn An Bình ở về phía nam huyện 90 dặm... (mất mấy chữ), những trấn ghi trên đây đến nay đã đổ nát, từ khi quân lính nhà Minh đốt cháy, nhà cửa ở các làng đổ nát, dân đa số từ các tỉnh khác đến và tên đã bị thay đổi từng thời..."
Đến nay, các thôn trấn đó có còn tồn tại hay không?
--------------------------------
1 Nền tảng uyên nguyên của vũ trụ, thái cực đồ của Đạo giáo được thể hiện bằng hình vẽ âm dương, một trắng, một đen, mỗi cái mang một vòng tròn của mầu sắc đối lại với nó.