Hãy biến vết thương lòng thành những bài học có ý nghĩa.

Oprah Winfrey

 
 
 
 
 
Tác giả: Thạch Lam
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 74
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 317 / 69
Cập nhật: 2024-10-26 20:43:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ã hai hôm bà Nhì ở nhà con rể. Nhận được thư của Trinh nói con ốm, bà tất tả lên ngay, để đến nơi thấy Trinh ngồi khóc bên cạnh giường đứa bé, Mai vẫn chưa khỏi, lại có phần ốm nặng thêm. Trinh lo sợ và thương con, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Nàng trông mong Trường không thấy về; trong căn phòng vắng. Trinh tự thấy trơ trọi và bé nhỏ quá; nàng vội nghĩ đến mẹ; và gửi thư nhắn bà Nhì lên trông nom chăm sóc đứa trẻ giúp nàng. Cả ngày hôm ấy nàng đợi mẹ như hồi còn nhỏ có sự buồn bực gì, nàng đợi mẹ đi cân gạo về để được vài lời an ủi. Bà Nhì đến vừa cất tiếng hỏi:
- Cháu nó làm sao thế, con?
Trinh chưa đáp đã chạy lại gục vào lòng bà khóc nức nở. Nàng không giữ được nước mắt nữa, cứ để cho tự nhiên chảy trên gò má. Nàng khóc như ngày bé vẫn khóc trong lòng mẹ, và bao nhiêu nỗi uất ức đắng cay nàng phải chịu bấy lâu nay trào lên cổ họng nàng.
Bà Nhì đứng lặng nhìn Trinh khóc, bàng hoàng.
Bà đã tưởng rằng khi gả cho Trường, Trinh sẽ được sung sướng. Tiếng khóc của con bây giờ khiến bà bối rối. Bà sẽ nâng Trinh lên, dìu nàng đến cạnh giường.
- Làm sao thế, Trinh? Con đừng khóc nữa.
Trinh gạt nước mắt nhìn mẹ. Nàng thấy trên mặt bà Nhì hiện bao nhiêu vẻ xót thương. Đôi mắt hiền từ của bà đầy lệ và những vết răn trên trán giờ rõ rệt và sâu thêm. Trinh chợt nghĩ rằng mẹ mình đã quá đau đớn, đã chịu khổ nhiều quá trước kia, và bây giờ khi thấy con gái yêu của bà không được sung sướng. Trinh vội nén ngay sự thổn thức lại trước nỗi khổ đau của mẹ. Nàng không muốn mẹ phải phiền não vì mình nữa, đời của mẹ nàng đã là một bài học vô cùng nhẫn nại cho nàng. Trinh cố mỉm cười một nụ cười yếu ớt và qua nước mắt, trả lời bà Nhì:
- Cháu nó ốm, con lo quá.
Nàng không dám nói những nỗi khổ của nàng phải chịu vì thái độ của Trường. Trinh phải nói thác rằng vì Mai ốm mà nàng buồn rầu. Nàng kể tiếp cho mẹ nghe:
- Cháu nó mệt đã hơn tuần lễ nay rồi, mẹ ạ. Con cho uống bao nhiêu mà vẫn không khỏi.
Bà Nhì nhìn nàng rồi sẽ lắc đầu. Bà biết tâm sự của Trinh, không phải khóc vì con ốm. Những lần đến chơi đã lâu, bà đã đoán được sự bất hòa giữa hai vợ chồng. Bà hiểu rằng Trường có lúc hối hận vì lấy nàng, và trách vợ đã là một trở lực trên bước đường tiến thủ của mình. Bà biết đó là một sự vô lý và không công bằng, nhưng bà không oán hận Trường bao giờ cả. Bà không hề có nghĩ phần lỗi về phần ai, bà chỉ thương Trinh vì thấy con khổ mà thôi.
Nhưng bà cũng không đả động gì đến chuyện ấy. Thấy Trinh đã nín khóc, bà chỉ hỏi:
- Cháu đâu con?
Trinh đưa mẹ đến giường Mai nằm. Đứa bé vẫn ngủ, đầu ngả trên chiếc gối bông trắng, mái tóc dài xõa xuống mặt. Mai trông ẻo lả và yếu ớt quá. Bà Nhì để tay lên trán đứa trẻ, lo lắng:
- Đầu nó hãy còn nóng lắm.
- Thưa mẹ, vâng. Cháu nó đến chiều là lại lên cơn sốt.
Hai mẹ con cùng ngồi xuống. Bà Nhì đưa mắt nhìn quanh gian buồng sơ sài và lạnh lẽo, ngập ngừng một lát rồi khẽ hỏi Trinh:
- Nhà con đâu mà bây giờ chưa về?
Trinh nhìn đồng hồ, trả lời:
- Mới có mười một giờ, nhà con cũng sắp về đấy ạ.
Bà Nhì thực thà bảo:
- Cậu đi làm về trễ thế cơ à?
Trinh nói dối:
- Vâng. Có khi bận việc phải ở lại làm cả buổi trưa mới được nghĩ. Độ rày ở sở nhiều công việc lắm.
Nàng vừa nói vừa nghĩ không biết bây giờ Trường ở đâu, và hôm nay không biết chàng có về nhà không, hay lại đi biệt như mọi hôm. Trong lúc này, nàng vừa mong lại vừa sợ Trường về. Nàng sợ khi thấy bà Nhì, Trường lại tỏ vẻ không bằng lòng như mấy lần trước.
- Nhà con vẫn cứ bảo con viết thư mời mẹ và em Bích lên chơi cho vui, nhưng con chắc mẹ bận buôn bán chẳng lên luôn được.
Nàng thở dài. Sự săn sóc ấy có đã lâu lắm rồi, từ lúc mới lấy nhau. Hồi ấy Trường luôn luôn hỏi thăm tin tức mẹ và em nàng. Hễ có ngày nào nghĩ là Trường lại cùng nàng trở về An Lâm. Hai vợ chồng lại cùng chơi vui vẻ ở góc vườn, vun xới khóm cây mọc bên giàn hoa lý, và cùng nhau đi ven bờ sông Tiên ra tận cánh đồng cỏ rộng.
Song những ngày sung sướng đã không trở lại. Từ lúc Trường bỏ học ra ở riêng, từ lúc nghèo nàn đến ảm đạm cái gia đình bé nhỏ, thì thái độ Trường khác hẳn. Nàng thấy chồng lo nghĩ và buồn bực cho đến gần đây, sự lãnh đạm của Trường khiến nàng bắt đầu sống những ngày đau đớn.
Nàng nhớ lại tất cả quãng đời ấy, lòng rối loạn. Trước mặt mẹ, nàng ấp úng muốn nói rõ cái ý định một hôm chán nản đã vụt đến trong trí nàng. Trinh muốn thưa với mẹ cùng trở về An Lâm, để trả lại tự do cho Trường. Nàng muốn hy sinh hạnh phúc của nàng để Trường được sung sướng, sự sung sướng ấy không phải chính tay nàng được gây nên. Nhưng Trinh không dám ngỏ thẳng ý ấy ngay với mẹ. Nàng nói thác:
- Mẹ ạ, hay cho cháu nó về quê có lẽ sẽ chóng khỏi. Vì ở trên này chật hẹp và không có đủ chỗ thoáng khí. Con sợ vì thế mà cháu nó bị ốm lâu.
Bà Nhì ngẫm nghĩ một lát, rồi có vẻ lo ngại đáp:
- Con nói cũng phải. Nhưng con về thì ở trên này ai trông nom nhà cửa. Để cậu ấy ở một mình à?
Trinh bất giác trả lời chua chát:
- Con tưởng không hề gì. Nhà con lại thích ở một mình hơn là ở với vợ con.
Bà Nhì nhìn Trinh yên lặng. Trinh thấy hình như đôi mắt hiền từ của mẹ soi thấu tâm hồn nàng. Nàng cúi đầu xuống, với tay kéo lại chăn đắp cho con.
Một lát, bà Nhì cất tiếng dịu dàng, cái tiếng nói ngọt ngào và êm như ru mà Trinh hằng được nghe thấy luôn hồi còn nhỏ, khi nàng có lỗi gì mà bà sắp khuyên bảo. Nàng nhớ lại giọng nói ấy và cảm động.
- Con không nên nghĩ thế. Bây giờ con về, rồi cậu ấy nghĩ thế nào? Mẹ chắc con có điều gì giận nhau với chồng con hẳn.
Trinh ngồi yên không đáp. Bà Nhì nói tiếp:
- Vợ chồng thì thế nào chả có khi bất hòa, con ạ. Con cũng không nên lấy thế làm nghĩ ngợi. Với lại con tưởng nếu về An Lâm, chồng con không nhớ thương con sao? Người ta có khi gần nhau thì giận dữ, nhưng xa nhau lại nhớ. Con nên nhẫn nại, và hết lòng thương con, thương chồng, thế nào rồi chẳng có ngày hai con lại yêu mến nhau như cũ.
Những lời khuyên giản dị ấy ở mẹ nói ra có một mãnh lực khiến Trinh nao nao trong dạ. Nàng tủi thân muốn khóc, những tiếng nức nở như sắp ở tận sâu trong lòng nàng đưa lên; nhưng cùng một lúc nàng thấy sự bình tĩnh êm dịu đến tràn vào tâm hồn. Nước mắt đầy lên khóe mắt nàng, nhưng Trinh cảm thấy là những giọt nước mắt nhẹ và trong. Nàng ngửng đầu nhìn ra ngoài; ánh sáng của mảnh trời lóe qua hàng lông mi ướt những tia loáng thắm màu rực rỡ. Hình như nỗi đau khổ đã bớt đè nặng đi trên vai nàng.
Mai trở mình rồi ngồi dậy với tay gọi mẹ.
Trinh ẵm con vào lòng, khẽ ru cho ngủ. Hai mẹ con không nói chuyện gì nữa. Bà Nhì mang cái thúng khâu ra gần chỗ cửa sổ sáng, giở những áo rách của Mai vá lại.
Trong căn phòng yên lặng, sự yên lặng như đứng lại của một buổi trưa. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ thong thả đều đều nghe rõ rệt, rồi bỗng nhiên, phím chẩm cầm trong đồng hồ bắt đầu buông ra những tiếng đàn lanh lảnh như từng giọt khẽ rơi xuống dòng nước của một cái suối non. Trinh thôi không hát; nàng lắng nghe khúc đàn du dương, tuy nàng đã nghe nhiều lần, nhưng không lần nào vang động trong lòng nàng như lần này. Nàng ẵm chặt con vào lòng, cái nóng ấm của đứa trẻ truyền sang người nàng như một cảm giác khoan khoái và dễ chịu. Trinh cúi nhìn con, lại nhớ đến Trường, vì con chàng giống chàng như đúc, cũng hàng lông mi dài che mắt và đôi lông mày vòng cung, đã nhiều lần giận dữ nhíu lại khiến nàng lo sợ. Tự nhiên Trinh thấy nổi dậy trong lòng những tình yêu mến mà nàng tưởng đã chìm xuống tâm hồn; nàng nghĩ đến Trường không biết bây giờ chàng ở đâu? Sao chàng không về để nàng được săn sóc và an ủi chàng, để chia sẻ cho chàng cái ấm cúng nàng thấy trong lòng? Trinh tự trách mình sao đã có ý muốn bỏ Trường mà đi; nàng nhìn mẹ và cảm ơn thầm bà Nhì đã khéo ngăn cản nàng.
Trinh kéo vạt áo ủ lại cho con. Mai cựa quậy nhưng vẫn nhắm mắt không tỉnh dậy. Tay đứa bé đưa lên nắm chặt tay mẹ. Trinh cúi xuống áp má vào trán con; nàng ngồi như thế với những kỷ niệm từ xa xôi dĩ vãng trở lại trong trí nàng.
Bà Nhì bỗng dừng kim chỉ, ngừng tay như đang có một ý nghĩ thoáng qua. Bà nhìn Trinh, toan nói một câu gì, nhưng lại thôi. Bà cúi xuống lục những mụn vải, vuốt kim trên mái tóc đã bạc, rồi lại cặm cụi vá những chiếc áo cũ của cháu.
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập