Số lần đọc/download: 8898 / 96
Cập nhật: 2017-05-25 16:41:41 +0700
Trung Trung Đỉnh
C
ũng chẳng nhớ quen thân anh Đỉnh từ lúc nào, hình như từ năm 1987, khi mình lên trại viết Suối Hoa. Một hôm thấy anh xách con Thảo lên trại, nói chúng mày cho tao ở với. Anh chẳng nói thêm gì nhưng thằng Tín (Nguyễn Trọng Tín) nói anh Đỉnh có chuyện buồn. Mình hỏi sao, nó nói đú má... cạy được răng ông này khó lắm.
Anh Kim Lân nói chúng mày động viên thằng Đỉnh chút, tội. Mình hỏi sao, Kim Lân nói nó sắp bỏ vợ rồi.
Anh Kim Lân thì thân anh Đỉnh lắm, còn quá anh em ruột, khi nào anh Kim Lân buồn, gọi điện nói Đỉnh ơi tao buồn là anh Đỉnh lại lóc cóc chạy đến liền. Cái vụ li hôn của anh Đỉnh, anh Kim Lân tất tả ngược xuôi ra sức cứu vãn nhưng không thành, nói tao nói trung ương nghe mà vợ chồng thằng Đỉnh không nghe.
Về sau thì biết anh Đỉnh thân quen có đến cả mấy tiểu đoàn, thượng vàng hạ cám đủ hết. Hỏng cái xe có mấy thằng đàn em lo, làm cái nhà có chục đàn em xung phong giúp không công, vào quán rượu nào cũng thấy mấy ông mặt mày hầm hố gọi đại ca đại ca. Anh nói thằng này sửa đồng hồ, thăng này bán bia ôm, thằng này võ sư, thằng này Sơn Đông mãi võ giang hồ khách... nghe ù tai.
Anh Công Khế mỗi lần ra Hà Nội, nhậu đâu thì nhậu, sao rồi cũng có một lần ngồi nhậu với anh Đỉnh trước khi lật đật bay vô Sài Gòn. Anh Vũ Trọng Kim vừa ra Hà Nội nhậm chức Bí thư thứ nhất TW Đoàn ngày trước, ngày sau đã nói ông Đỉnh đâu rồi, kiếm ông nhậu chơi đi. Một hôm còn thấy anh Đỉnh ngồi với một ông to lắm, ôm vai hót cổ, nói ông ông tôi tôi, say lên còn vọc chim ông ấy, cười khe khé, mình thấy mà thất kinh.
Ấy là người khác giới, còn văn nghệ sĩ thì vô thiên lủng, mình gặp ai cũng thấy anh Đỉnh đã thân quen ngươì này lâu lắm rồi, kể cả những người xa lắc xa lơ, bên Tàu bên Mĩ, mình chưa kịp nghe danh anh đã quen thân rồi. Hay!
Anh Đỉnh quen thân ai cũng rất tự nhiên, tuồng như không cần một cố gắng nào. Chỉ gặp nhau vài lần rồi người kia tự khắc có nhu cầu kết thân, cứ chơi bời thân thiết vui vẻ thôi chẳng để làm gì. Anh chẳng lợi dụng ai mà cũng chẳng ai lợi dụng anh.
Ngườì nho nhỏ xâu xấu, quyền hành không có, tiền bạc không, tài cán cũng không sáng chói để người ta nể phục, thế mà hễ anh gặp ai là người đó muốn quen thân. Lạ!
Không kể anh quen thân cả chục buôn dân Gia Rai, mỗi lần anh về thăm, dân coi anh như già làng trưởng bản, quí trọng vô cùng. Anh đã từng uống máu ăn thề với dân, uống hết bát to máu trâu, lấy cây củi than đỏ rực đặt ngang ngực, thịt cháy xèo xèo, mắt nảy đom đóm, miệng vẫn cười tươi. Bây giờ vẫn còn nguyên một cái sẹo to đùng ở ức ngực. Chơi tận tình đến thế chỉ có anh là một. Tài!
Cứ lẩm nhẩm tính cả cuộc đời, mỗi người thân phải dành chí ít là chục ngày cho họ thì anh Đỉnh phải sống được chừng 200 tuổi mới có đủ thời gian để giao du, đừng nói là viết lách.
Thế mà anh ra sách ầm ầm, toàn tiểu thuyết không, sợ thế. Mới xong bộ ba tiểu thuyết Ngược chiều cái chết, Tiễn biệt những ngày buồn, Ngõ lỗ thủng, quay đi quay lại đã thấy anh ra Lạc rừng, ẵm cái giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, tiền tiêu chưa hết đã thấy ra Sống khó hơn là chết rồi. Kinh!
Bảo Ninh nói cha Đỉnh sống khó hơn chết thật, hầu bạn đã bạc mắt, lại còn hết lo con bà này đến lo con bà kia, rồi viết sách viết siếc, thủ trưởng thủ triếc... thôi thôi chết quách đi sướng hơn.
Anh Đỉnh cười khì khì, nói tôi đâu phải như ông, sách một cuốn, vợ một bà thế mà lo quắn đít. Tôi nộp thuế cho vợ đầy đủ nhất Hội Nhà văn nhé, có thua thì thua Đoàn Tử Huyến thôi chứ quyết không thua ai.
Đã đến kì tóc bạc da mồi, nghe nói nộp thuế cho vợ thằng nào cũng ớn, anh Đỉnh gần sáu chục tuổi đầu vợ bắt nộp thêm thuế giá trị gia tăng anh cũng không ngán. Phục!
Anh có tính sợ con, hằm hè đâu thì hằm hè, về nhà con lườm cái là thè lưỡi rụt cổ, không dám ho he. Thằng Cún bảy tuổi mải xem ti vi, anh muốn nhắc nó học mà đi vô đi ra năm lần bảy lượt, thỉnh thoảng liếc nó cái, nói khẽ Cún ơi, rụt rè như nhân viên gọi thủ trưởng khi ông đang mắc bận. Thằng Cún quay lại nhăn mặt, nói con xem xong hoạt hình này đã. Anh rụt cổ thè lưỡi nói ừ thôi thôi thôi, bố nhất trí liền.
Một hôm anh gọi điện ầm lên nói đến ngay đến ngay không tao chết giờ, tao sắp tự tử đây này. Mấy thằng ba chân bốn cẳng chạy đến, hỏi sao, anh khóc nói con Thảo nó giận tao hu hu con Thảo nó giận tao. Tưởng nó giận gì hóa ra nó dỗi tí, sang nhà dì nó ngủ lại, thế mà cuống cà kê, làm như trời sắp sập đến nơi.
Anh nói thạo tiếng Gia Rai, còn soạn cả bài hát tiếng Gia Rai làm huyện đội ca, khi nào anh hát cái bài huyện đội ca ấy thì cầm chắc là anh say. Nhưng ngoại ngữ thì dốt cực, không phải dốt mà không biết tí gì. Mình cũng dốt ngoại ngữ nhưng anh Đỉnh còn tệ hơn.
Thỉnh thoảng ngồi với mấy ông Tây, nghe bạn bè nói lia xia, anh cứ ngồi ngơ ngơ như bò đội nón, nghe người ta cười thì rối rít hỏi nó nói cái gì mà cười… nó cười cái gì mà cười.
Cái số anh này thế mà may, đi Nga học trường Gorki ba tháng, trong tay có cuốn hội thoại Việt Nga. Muốn nói câu gì thì chỉ vào câu Việt rồi đưa cho người Nga, người Nga lại chỉ vào câu Nga đưa lại cho anh để anh nhìn sang câu Việt. Thế mà thông suốt cả. Còn tán được em Nga chân dài miên man, ngực to bằng cái rổ, đã đời.
Đi Mĩ, thằng Sơn (Nguyễn Thanh Sơn) soạn cho cả một cuốn sổ nhỏ hội thoại Việt Mĩ. Tại sân bay bà Dạ (Lâm Thị Mỹ Dạ) lạc mất đâu tìm không ra. Anh cuống lên, đến gặp một thằng Mĩ, muốn xin nó vào tổng đài sân bay a lô hỏi bà Dạ đang ở đâu. Nhưng trong cuốn hội thoại của thằng Sơn không có trường hợp này, anh nói bừa: For me a lô... For me a lô... thế mà thằng Mĩ cũng hiểu, hi hi.
Nhưng sự đời không thể may mãi được. Một hôm anh về nhà thằng Nguyên (Phạm Xuân Nguyên) nằm vật ra sàn nhà cười khà khà, nói tao biết tiếng Nga rồi, thằng Nguyên hỏi biết sao, anh vênh mặt lên nói ban-sôi-a pi-zờ-đa đe-vu-sờ-ka là chào em xinh đẹp.
Thằng Nguyên nói ai dạy anh thế, anh vênh mặt lên nói tao biết chứ ai dạy. Thằng Nguyên nói ngu ơi, người Nga không ai nói thế, nhưng đó là cô gái bướm to. Anh tái mặt nói thôi chết cha rồi, tao vừa nói với bà nhà văn Nga, hèn gì mặt bà đỏ rực... tao lại tưởng được tao khen đẹp bà ấy sướng, ngu thế không biết.