Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Chương 47
T
a đi trên một đường núi u tối và vắng lặng. Giữa chừng, mưa rơi, mới đầu nhè nhẹ và cảm thấy mưa trên mặt, nói cho đúng ra là dễ chịu, rồi càng ngày càng nặng, buộc ta phải chạy, đầu tóc áo quần ướt hết. Ta leo vội lên một cái hang ta nhìn thấy ở bên trên con đường. Củi gỗ đã được chất đống cẩn thận ở đó. Trần khá cao, hơi nghiêng vào một góc. Một tia sáng lọt vào trong hang. Ta đi lên bằng những bậc đá đẽo gọt sơ sài. Một bếp lò làm bằng đá xếp lên nhau đang đỡ lấy một cái nồi. Tia sáng đi qua khe đá bên trên bếp.
Ta quay lại. Đằng sau ta, có người ngồi trên một khung gỗ làm giường đang đọc sách. Ta ngạc nhiên nhưng không dám quấy rầy anh ta. Ta đành nhìn mưa xam xám qua các khe hở của đá. Trời mưa quá nặng hạt, ta không thể lại lên đường thật rồi.
- Đừng ngại, anh nghỉ lại ở đây. Anh ta té ra nói trước, đặt sách xuống.
Tóc anh ta dài buông xuống vai. Anh ta mặc bộ quần áo xám quá rộng. Anh ta trạc ba mươi tuổi.
- Anh là đạo sĩ trong núi này à?
- Chưa đâu, tôi chặt củi cho miếu Đạo giáo, anh trả lời.
Trên giường có một số tạp chí Tiểu thuyết nguyệt san đang mở ra.
- Anh cũng thú cái này à?
- Trôi thời gian ấy mà, anh ta trả lời lơ mơ. Anh bị ướt rồi, hãy lau người đi.
Anh ta múc nước nóng ở trong nồi ra đổ vào thau rồi đưa cho ta một chiếc khăn mặt.
Ta cảm ơn rồi đàng hoàng cởi trần ra. Lau rửa xong ta cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
- Chỗ này hay quá! Ta nói, ngồi xuống một khúc gỗ ở trước mặt anh ta. Anh ở cái hang này à?
Anh giải thích rằng anh quê ở làng dưới chân núi nhưng anh ghét tất cả thiên hạ, anh và chị dâu, hàng xóm và cán bộ làng xã.
- Họ chỉ tiền. Trong quan hệ con người, chỉ nói có được với thua và xem trọng đồng tiền, anh ta nói. Tôi đã cắt hết liên hệ với họ.
- Anh đốn củi cho tu viện để kiếm sống ư?
- Tôi xuất gia đã gần một năm nhưng họ vẫn chưa nhận tôi.
- Tại sao?
- Đạo trưởng già muốn xem tôi có thật lòng và kiên tâm hay không.
- Rồi sau sẽ nhận anh?
- Đúng.
Vậy là anh ta tin chắc mình tâm thành.
- Sống một mình lâu trong cái hang này có ngán không? Ta hỏi và lại liếc nhìn vào tờ tạp chí văn học.
- Tôi được yên ổn và thoải mái hơn ở làng, anh đáp bình thản, không có vẻ như thấy rằng ta quấy rầy. Vả lại hằng ngày tôi có bài học, anh nói thêm.
- Bài học loại gì đấy anh?
- Anh lấy ở dưới chăn ra một bản in đá Huyền môn nhật khóa, Các bài học hằng ngày của đạo sĩ.
- Hai ngày vừa qua không chặt được củi, tôi chỉ có đọc tiểu thuyết, sau đó, thấy mắt ta đặt vào tờ tạp chí mở ra ở trên giường anh giải thích.
- Các cuốn tiểu thuyết này có cản trở anh học không?
Ta muốn thỏa trí tò mò.
- Ồ, ở đó người ta chỉ kể chuyện thường tình giữa đàn ông đàn bà, anh cười đáp. Anh giải thích rằng anh đã học hết trung học phổ thông và anh đã nghiên cứu văn học. Những lúc rỗi, anh đọc sách.
- Thật ra cuộc đời cũng giống như thế thôi.
Ta không dám hỏi xem anh đã lấy vợ chưa cũng như tìm hiểu các bí mật của người đi tu. Mưa gõ bên ngoài nhưng cái tiếng động đều đều ấy lại dễ chịu.
Ta không nên quấy quả anh hơn nữa, ta bèn ngồi gần anh mà không động đậy. Cả hai người qua một lúc lâu như thế, đầu óc rỗng không, chìm vào trong tiếng nhạc của mưa.
Ta không biết mưa tạnh lúc nào. Khi tỉnh ra, ta đứng lên để lên đường và cảm ơn người chủ hang.
- Cảm ơn, làm cái gì cũng đều là một thứ cơ duyên.
Đó là ở trong dãy núi Thanh Thành.
Sau này, trước một ngôi chùa đá trên một bãi bồi nhỏ giữa sông Trường Giang, ta gặp một nhà sư, đầu cạo trọc, mặc áo cà sa đỏ thắm. Ông chắp hai tay trước Phật pháp, quỳ gối khấu giập đầu xuống đất. Những người qua đường quây tròn lại nhìn ông. Không vội vã, niệm kinh xong, ông cởi tấm pháp y, nhét nó vào trong một cái túi giả da màu đen, cầm lấy chiếc ô cán cong dùng làm gậy chống rồi đi. Ta theo một lát, và khi đã vượt qua khỏi đám đông tò mò, ta liền hỏi ông:
- Sư phụ, xin phép, tôi có mời sư phụ một chén trà được không? Tôi muốn hỏi sư phụ vài vấn đề về Phật pháp.
Ông nhận lời, không khỏi khẽ thở dài một cái.
Mặt gầy, người đầy tinh thần, ông chỉ quá năm chục. ông đi nhanh nhẹn, ống quần xắn lên. Ta phải rảo bước để bắt kịp.
- Sư phụ, xem vẻ sư phụ đang làm một chuyến đi dài.
- Trước tiên tôi đi Giang Tây thăm vài vị sư già rồi đi nhiều nơi khác nữa.
- Tôi cũng là người đi một mình, sống biệt lập với thế gian nhưng tôi không được ngoan cường và chân thành như sư phụ, sư phụ mang ở trong lòng một mục tiêu thiêng liêng.
Ta cần tìm những chữ chính xác để làm ông xúc động.
- Thật ra chân chính hành giả, người đi xa đích thực thì không có mục đích nào hết. Làm được như vậy mới là người đi xa tột cùng.
- Sư phụ có phải người vùng này không? Làm chuyến đi này chắc là sư phụ có ý li biệt quê hương phải không ạ?
- Quê hương gia cư của người quy y quy pháp là ở bốn bể, vốn không có cái gọi là quê.
Ông làm cho ta câm nín. Ta mời ông uống trà trong công viên. Ta chọn một nơi yên tĩnh, cách biệt, để mời ông ngồi. Ta hỏi pháp danh của ông rồi ông và ta trao đổi tên họ. Ta giữ im lặng.
Chính ông cất tiếng đầu tiên.
- Thích cái gì xin anh cứ hỏi, người xuất gia không có gì là không thể nói với mọi người.
Ta bèn đi thẳng vào đích:
- Tôi muốn biết tại sao sư phụ lại xuất gia đi tu? Nếu như hỏi không có điều gì phương ngại.
Ông cười khe khẽ, uống một ngụm trà sau khi nhè nhẹ thổi gạt đi các cánh trà nổi trên mặt bát, rồi ông nhìn thẳng vào ta:
- Anh không phải là một người đi du lịch bình thường, có một nhiệm vụ trong người chứ?
- Không, dĩ nhiên tôi không có điều tra nào phải làm, chỉ là thấy sư phụ nhanh nhẹn như thế, tôi ngưỡng mộ. Tuy tôi không có mục tiêu nào rõ rệt nhưng cứ là không thể từ bỏ được.
- Từ bỏ cái gì? Ông hỏi, vẫn với nụ cười dìu dịu.
- Thế gian.
Cả hai cùng bật cười.
- Nói bỏ thì bỏ được mà, ông nói sảng khoái.
- Thực tế đúng là thế thật, ta nói, gật gật đầu. Nhưng tôi muốn được biết sư phụ làm thế nào mà bỏ được.
Ông quả đã kể lại cho ta nghe tất cả câu chuyện, không giấu giếm.
Ông nói lúc mười sáu tuổi đang học trung học phổ thông, ông đã thoát ly tham gia cách mạng, đánh du kích một năm ở trong núi. Mười bảy tuổi trở về thành phố cùng đại quân, tiếp quản một ngân hàng và ông đã thừa sức làm một người lãnh đạo. Nhưng ông lại cứ muốn học y. Tốt nghiệp y rồi ông được cử làm cán bộ ở sở y tế thành phố nhưng ông lại khăng khăng muốn thành bác sĩ. Sau đó ông đã va vấp với bí thư đảng tại bệnh viện, bị khai trừ khỏi đảng, bị chụp cái mũ "phần tử phái hữu" và đưa về nông thôn làm ruộng. Cuối cùng ông đã trở thành thấy thuốc trong vài năm khi ở quê ông, công xã nhân dân lập một bệnh viện. Trong thời gian đó, ông đã lấy một cô gái nông thôn và có liền ba con với người này. Ai bảo rồi ông sẽ tin vào chúa? Hay tin một hồng y giáo chủ dòng Franciscain đến thăm Quảng Châu, ông đã làm hẳn một chuyến đi để tìm hiểu ở chính hồng y ý nghĩa thực sự của đạo Cơ Đốc. Kết quả: không những ông không gặp được hồng y mà còn bị nghi là muốn tiếp xúc với người nước ngoài, mối nghi này đã trở thành tội trạng kết án ông. Bị đuổi khỏi bệnh viện công xã, ông tiếp tục một mình học y học Trung Quốc rồi kiếm kế sinh nhai bằng cách trà trộn với đám du thủ du thực cùng lang băm. Một hôm, ông thình lình nhận ra rằng không thể lọt vào đạo Cơ Đốc phương Tây vậy thì tốt nhất là quay về với truyền thống cha ông rồi sau đó đoạn tuyệt dứt khoát với gia đình. Kể từ ngày ấy, ông xuống tóc làm sư. Ông kết luận câu chuyện bằng một trận cười giòn tan.
- Sư phụ có còn nghĩ tới gia đình không?
- Họ có thể tự lo lấy cho họ mà.
- Sư phụ thật sự không quản ngại gì đến họ cả à?
- Các đệ tử cửa Phật không biết đến lo sợ lẫn oán hận.
- Người nhà có ghét sư phụ không?
Ông nói ông không muốn biết. Ông ở chùa đã nhiều năm thì anh con trai cả đến gặp để báo cho ông rằng ông đã được minh oan hoàn toàn. Nếu ông trở về, ông sẽ được hưởng đãi ngộ của lão cán bộ và lão cách mạng, có thể làm lại nghề y, truy lĩnh một khoản tương đương với lương của ông đã bị cắt mất trong nhiều năm bị cải tạo. Ông nói ông không cần một xu nào, ở nhà cứ việc chia nhau tiền ấy. Vì đây là một quan hệ nhân quả, không nên để người nhà ông thành nạn nhân công toi của một sự bất công với ông. Sau đó anh con trai không trở lại và gia đình ông mất hẳn tăm hơi ông.
- Bây giờ sư phụ sống chỉ bằng những của bố thí trên đường đi thôi sao?
Ông giải thích rằng con người ta đang trở nên xấu đi, nhà chùa xin bố thí không được nhiều bằng ăn mày. Ông sống chủ yếu bằng nghề y nhưng để làm việc đó, ông mặc quần áo dân thường để không làm hại đến hình ảnh của người cửa Phật.
- Liệu cửa Phật có bỏ qua cho các đệ tử xoay sở như thế không?
- Đức Phật sống ở trong lòng anh.
Ta tin chắc rằng ông đã tới chỗ rũ bỏ được các dằn vặt nội tâm, ông có vẻ hoàn toàn êm ả. Ông sắp đi xa, ông sung sướng về việc đó.
Ta hỏi đi đường ông ăn ở thế nào. Ông nói trong các chùa, ông chỉ việc cho xem giấy chứng nhận hòa thượng là được tiếp nhận. Nhưng hiện nay ở đâu đâu điều kiện cũng xấu, sư không nhiều, tất cả lao động là để tự nuôi mình thế nên người ta không cho phép ông ở lại lâu vì chẳng còn ai cúng đường chùa. Chỉ các chùa lớn nhận chút ít trợ cấp gần như vô nghĩa của chính phủ mà thôi. Dĩ nhiên ông không có ý làm nặng thêm gánh của các vị sư khác. Ông nói ông có tâm hồn của hành giả, người đi đường, ông đã đi đến nhiều núi nổi tiếng. Ông cảm thấy sức khỏe hoàn hảo, có thể đi được cả vạn dặm nữa.
- Tôi có xem được cái giấy chứng nhận sư không?
Ta có cảm tưởng nó sẽ có ích cho ta hơn cái thẻ hội nhà văn.
- Có gì là bí mật đâu, Phật môn không thần bí, mở ra cho mọi người mà.
Ông lấy ở trong ngực ra một tờ giấy to gấp lại có in hình Phật Như Lai ngồi tĩnh tọa trên một ngai hình hoa sen, đầu ngẩng cao, một dấu son vuông to tướng đóng vào đó. Có cả pháp danh của bậc sư phụ đã cạo đầu và cho ông thụ giới. Cuối cùng ghi chương trình tu luyện cùng cấp bậc của ông, pháp chủ, vậy là ông có thể giảng dậy kinh Phật và chủ trì các việc Phật.
- Một hôm nào đó, biết đâu tôi có thể sẽ theo chân sư phụ, ta nửa đùa nửa thật nói.
- Đó là có duyên rồi, ông đáp rất chân tình. Rồi đứng lên, chắp tay lại chào ta.
Ông đi rất nhanh. Ta theo ông một lúc nhưng ông đã mau chóng mất hút vào trong đám đông người qua đường. ta hiểu rằng các phàm căn, cội rễ trần tục của ta chưa đứt đoạn.
Sau đó, trước chùa Quốc Thanh, dưới chân núi Thiên Đài, trước tòa tháp xá lị có từ đời Tùy, trong khi ta đang xem một dòng bia súc tích thì vô tình nghe thấy một cuộc chuyện trò.
- Con nên về với bố, một tiếng đàn ông nói ở phía sau bên kia tường gạch.
- Không, bố đi đi, một người đàn ông khác đáp lại, giọng trong trẻo hơn.
- Nếu không vì bố mà về thì hãy nghĩ đến mẹ con.
- Bố cứ bảo mẹ rằng con rất khỏe.
- Chính mẹ con bảo bố đến đấy, mẹ con ốm.
- Bệnh gì?
- Cứ kêu đau dạ dày.
Anh con trai không nói gì nữa.
- Mẹ con nói là bố mang cho con đôi giầy.
- Con có giầy rồi.
- Đây là giầy thể thao mà con vẫn thèm để đánh bóng rổ.
- Đắt lắm đấy! mua làm gì?
- Đi thử xem!
- Ở đây con không chơi bóng rổ, con không đi giầy này, bố mang về đi. Không ai mang loại giầy này ở đây đâu mà.
Đang là buổi sáng, chim hót líu lo rất vui trong rừng. Giữa tiếng chiêm chiếp của sẻ, một con chim hót lên một tràng dụ dỗ, nhưng nó ẩn trong đám lá ken dầy của cây bạch quả, không biết nó đậu ở cành nào. Rồi các con ác là choang choác đến. Đằng sau ngôi chùa gạch là im lặng. Ngỡ mọi người đã đi, ta vòng ra sau. Ta bèn phát hiện ra một người trẻ tuổi, đầu ngẩng cao đang nghe chim hót; đầu anh ta đã cạo trọc nhưng chưa có sẹo hương châm. Anh ta mặc một áo ngắn của sư; duyên dáng, mặt hồng hào, chưa có nước da vàng ủng của các sư khổ hạnh lâu ngày. Bố anh có dáng một nông dân, cũng đầy sức lực, ông cầm ở tay một đôi giầy bát két mới đế trắng, vạch đỏ và lơ mà ông vừa lấy ở trong hộp ra. Ta đồ chừng đây là một ông bố muốn ép con lấy vợ. Anh thanh niên kia rồi có thụ giới không?