Nguyên tác: Peste Et Choléra
Số lần đọc/download: 1280 / 46
Cập nhật: 2017-05-20 08:52:16 +0700
Biển
T
hỉnh thoảng, những vết thương cũ trong trận chiến với Thục lại trở đau, cái vết giáo đâm vào mạng sườn và ngón tay cái bị phạt đứt. Chân ông không còn đứng vững được nữa. Ông ngồi trên cái ghế bập bênh. Không phải vì thế mà ông có thể lì ra đó chẳng làm gì. Ở góc thật sâu của bộ não già nua vang lên câu nói của Pasteur như một mệnh lệnh: “Ngày nào không làm việc, tôi thấy như thể mình vừa phạm tội ăn cắp.” Ông vừa nảy ra một ý, ý cuối cùng. Quan sát thủy triều lên xuống.
Ông sẽ chấm dứt cuộc đời hạnh phúc của kẻ cô độc trong sự giản đơn của ngày tháng và sự hiếu kỳ khôn thỏa. Đó chính là Kant ở Konigsberg nhưng không gặp vấn đề với đám cây đoạn hay lũ bồ câu nhà hàng xóm. Ông là chủ cả vùng đất và khung cảnh. Từ sân hiên của ngôi nhà lớn vuông vắn, về phía tay trái, cửa sông và núi thoải dần về mé nước, bên phải là hàng cây số bờ biển. Đây chính là vị trí lý tưởng để nghiên cứu thủy triều lên xuống, đúng cái góc vuông của cửa sông hợp với biển. Ông chép lại các thông số mặt trăng và đo mực nước cạn, các hệ số, mực nước cao, cho cắm những cái thang chia độ xuống giữa dòng nước, treo đèn trên đó. Ngồi trên cái ghế bập bênh, quyển sổ mở sẵn trên đùi, ông dùng ống nhòm đi biển quan sát những tia sáng trong đêm.
Đô đốc Decoux, toàn quyền của xứ Đông Dương bị xâm chiếm, rút về Đà Lạt, gửi đến cho ông lịch thiên văn của hải quân. Ông ta đang buồn chán, Decoux ấy. Đã rời cung điện Puginier ở Hà Nội để không còn phải chứng kiến tụi samurai diễu hành trong thành phố. Ông ta và nội các của mình chạy lên đóng ở Lang Bian Palace ngay phía trước Hồ. Với một vị đô đốc thì một cái hồ là quá nhỏ, đáng cảm thấy nhục nhã. Trong khi những quả bom nổ ở khắp nơi trên hành tinh, những xe tăng Đồng Minh đã chiếm lấy Koufra rồi tiến về phía Bắc, các phi công cảm tử lao thẳng xuống các tàu khu trục Mỹ, Hồng quân xuyên thủng mặt trận Đức và tiến vào Ba Lan, Pétain bị nhốt lại ở khách sạn Parc de Vichy thì Decoux ở Lang Bian Palace, Đà Lạt, ngay trước cái Hồ. Sự vĩ đại của nước Pháp bị rút giảm về những thành phố nghỉ dưỡng của nó giống như những người bệnh chán nản choàng áo tắm màu trắng và đi dép lê, bên dưới trần nhà thạch cao. Phải nghĩ ra việc mà làm.
Decoux cho phá các đường pháo và những trang trí theo phong cách Belle Époque ở Palace. Ông ta đòi phải làm như vậy ở Nhà hát Sài Gòn, quảng trường Francis-Garnier, sau này sẽ trở thành trụ sở Quốc hội. Phải chấm dứt cái thứ ẽo uột cổ hủ chắc hẳn lấy cảm hứng từ lũ Do Thái hoặc Tam điểm này, cái thứ sẽ lôi tuột nước Pháp xuống đáy vực nếu không có ngài Thống chế. Ông ta muốn thay bằng các góc chặt chẽ, giản dị, ảm đạm, khổ hạnh như sở thích của người Đức. Chính những thất thường của Lịch sử và sự mù quáng này sẽ đưa nước Pháp, mười năm sau đó, đến chỗ trang hoàng và mở rộng sân gôn Đà Lạt trong khi đang diễn ra trận Điện Biên Phù. Bởi vì Bộ Tham mưu tính là sau chiến thắng mình tha hồ mà hưởng thụ. Đà Lạt, thành phố không tưởng, được dựng lên trên trang giấy xanh lục hoang vắng của Lang Bian, từng một thời người ta định biến thành thủ đô của toàn cõi Đông Dương, giờ trở thành một hòn đảo nhỏ cả đến người Nhật cũng không mấy quan tâm. Viên đô đốc đi theo các hành lang của khách sạn, vận bộ quân phục trắng chỉn chu tuy có thể chỉ cần mặc pyjama. Ông ta lo lắng về kho dự trữ rượu cônhắc và sâmbanh, chúng sẽ phải được ném xuống đáy hồ khi có tên samurai đầu tiên xuất hiện. Như là người ta đánh đắm một con tàu để không phải giao nộp nó vào tay kẻ thù. Ông biết Toulon và Mers el-Kébir. Nhưng mãi mà bọn Nhật không chịu đến.
Chuyện ấy sẽ xảy tới trong vòng hai năm nữa, sáu tháng trước Hiroshima, sáu tháng sau khi giải phóng Paris, các đội quân cùa Hirohito, tháo chạy trên mọi mặt trận, sẽ điên cuồng tấn công vào các trại lính Pháp, họ đã chờ đợi đối phương từ 5 năm rồi và đã lơi lỏng canh gác từ rất lâu. Quân Nhật sẽ thảm sát cánh quân sự và nhốt giới dân sự vào các trại. Lúc này, các nhân viên bản địa, ban ngày thì rất vâng lời, đêm đến thì cung cấp thông tin cho Việt Minh. Bọn họ lục thùng rác đựng giấy tờ và phòng làm việc của đô đốc, tìm được bức thư cuối cùng của Yersin, báo cho quân du kích là tụi đế quốc đang nghiên cứu thủy triều ở Nha Trang, có lẽ là đang chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ.
Vài hôm trước khi qua đời, Yersin cảm ơn viên đô đốc nước ngọt (Tác giả có châm biếm là đô đốc thì phải đi biển, mà ông Decoux này lại loanh quanh luẩn quẩn chết gí một xó) đã gửi các lịch biểu cho mình. Đáy là bức thư cuối cùng của ông. “Tôi sẽ tự cho phép mình cung cấp cho ngài các kết quả những quan sát này dưới dạng bảng biểu chừng nào tôi đã tập hợp được đủ số lượng.” Người ta sắp kỷ niệm sinh nhật thứ tám mươi của ông. Ông rất ngờ là sau lưng mình họ đang chuẩn bị một buổi lễ nào đó. Giữa các buổi quan sát bằng ống nhòm cùng người trợ lý Trần Quang Xê, ông dịch các tác giả Hy Lạp. Tác phẩm duy nhất in sau khi ông qua đời không phải là một tự truyện: Jacotot sẽ chọn một cái nhan đề kiểu hậu - Rimbaud mà cánh Pasteur rất khoái: Các biểu đồ mực thủy triều quan sát được ở Nha Trang, thực hiện theo các ghi chép của bác sĩ Yersin trước nhà ông ở Nha Trang. Anh gửi nó đến Tập san của Hội nghiên cứu Đông Dương.
Vào lúc nửa đêm, rồi sáu giờ sáng, sau đó là sáu giờ tối, Yersin ghi chép những gì quan sát được và viết đầy vào một quyển sổ giờ đang nằm ở nhà bảo tàng nhỏ bé tại Nha Trang. Đôi khi ông ngủ thiếp đi. Đầu óc ông đã hơi lơ mơ. Thường thì lúc chết người ta hay bị đau. Ông đã thấy điều đó tại các bệnh viện. Ông bồng bềnh trong tiếng sóng biển. Trên boong một con thuyền Normandie hay trong một cabin hạng nhất, đồ đạc bằng đồng hoặc gỗ đánh vécni của tàu Oxus, tàu Volga hay tàu Saigon. Những đợt sóng đen chầm chậm trào dâng như tiếng thì thầm. Nước mặn vỗ vào cửa sông, hòa vào với nước ngọt. Một cơn ngủ thiu thiu và rồi ông nhẹ nhàng chìm đắm vào một nỗi buồn kỳ khôi đang nổi lên như mặt biển. Đôi khi là một câu của Pasteur. “Chủ yếu là nhờ các hoạt động lên men và cháy chậm mà mọi thứ gì từng sống hoàn thành được quy luật tự nhiên về tan rã và quay trở về trạng thái khí.”
Giờ đây ông đang biến thành chất liệu của những giấc mộng (Hình ảnh “Chất liệu của những giấc mộng” (nguyên văn “l’etoffe des songes”) có lẽ được tác giả lấy từ một câu của Shakespeare: “Chúng ta và những giấc mộng của chúng ta được làm ra từ cùng một chất liệu”). Những người dân chài thắp đèn, chèo thuyền đi ra biển. Nếu có ai bị thương người ta sẽ tiêm vắcxin chống uốn ván cho anh ta, vắcxin đang có sẵn trong tủ lạnh. Ngày mai cá bóng loáng trên nước đá và tôm bật tanh tách dưới đáy giỏ. Những tia sáng nhảy nhót trên biển hoặc sau mí mắt ông. Ông vừa nảy ra một ý mới. Ngày mai ông sẽ ăn tôm hoặc xơi rễ bồ công anh (Nguyên văn “Manger les pissenlits par la racine” (ăn rễ bồ công anh), tiếng lóng, có nghĩa là chết). Ông tự hỏi chẳng biết mình đã nghĩ đến việc trồng thử nghiệm bồ công anh ở Hòn Bà hay chưa. Giờ đây ý nghĩ của ông hơi rối, một cơn lụt chậm rãi, nước đen và tiếng thì thầm của thủy triều bên dưới vòng tròn trắng của mặt trăng. Nước dâng lên chạm cầu chì trong xưởng điện của ông. Sẽ phải tắt cầu dao, phải đứng dậy, rời cái ghế bập bềnh. Không sao mà làm nổi. Chập điện, lửa lóe lên. Một mạch máu nổ tung trong óc. Khi ấy là một giờ đêm. Ánh sáng đã tắt…