Số lần đọc/download: 317 / 70
Cập nhật: 2024-10-26 20:43:01 +0700
Chương 6
A
n cơm xong, Xuân sửa soạn sắp đi. Chàng đã mặc quần áo sẵn sàng, nhưng vẫn đi lại trong buồng như lưỡng lự. Có lẽ lần nầy là lần đầu chàng mới cảm thấy rõ rệt sự lãnh đạm của mình đối với gia đình. Chàng muốn không đi chơi nữa, muốn ở lại để hưởng cái thú sum họp dưới ngọn đèn buổi tối. Xuân thấy nét mặt buồn rầu của vợ khi chàng mặc quần áo. Chàng cố tưởng tượng cái êm đềm, đằm thắm của cảnh sum họp, mà chàng vẫn thường thấy ở nhiều gia đình khác.
Vừa lúc ấy, Trường mở cửa bước vào.
Bà Phán thấy con mừng rỡ. Bà nhìn Trường ân cần hỏi:
- Con ở đằng nhà lại đấy à? Đã ăn cơm chưa?
Trường ngồi xuống ghế, đáp:
- Đã, con ăn rồi. - Và quay lại phía anh chàng hỏi:
- Anh đi chơi bây giờ?
Xuân trả lời không rõ:
- À... có lẽ.
- Hôm nay ở rạp Bờ Hồ có chiếu phim hay lắm.
Xuân quay lại, đứng dựa lưng vào tường, đáp:
- Chớp bóng thì chán chết. Tôi chả đi xem bao giờ cả.
Trường không nói gì. Chàng nghĩ muốn khuyên anh nên đi xem chớp bóng, hay đi dự những cuộc giải trí không có hại như thế, nhưng không phải lúc nói nên Trường lại thôi. Bà Phán và Dung cũng yên lặng, nghĩ ngợi.
Chỉ có Lan vui vẻ vỗ hai tay vào nhau réo mừng:
- Phải đấy. Phim ảnh tối nay hay lắm, anh Xuân đi và cho chúng tôi xem với. Chị Dung cũng đi nhớ?
Dung cũng vội vàng nói:
- Tôi chả đi đâu, tôi cũng không thích xem chớp bóng.
Nàng hiểu ý Lan muốn nói Xuân với nàng cùng đi xem, như vợ chồng những gia đình khác. Nhưng đã lâu lắm Xuân không cùng đi đâu với nàng nữa. Dung sợ bây giờ Xuân lại bằng lòng đưa nàng đi; không phải nàng không thích, nhưng tự Xuân không mời nàng, và nếu có nghe theo lời Lan, nàng cũng không muốn có những sự ép buộc như thế. Nàng đã bị đau khổ nhiều lần rồi, nên bây giờ Dung tự kiêu trong cái lãnh đạm của mình.
Bà phán nhắc nhở mọi người quay trở lại mối lo nghĩ của bà:
- Cô Lan thì cái gì cũng thích xem. Nhưng tiền đâu mới được chứ?
Lan đang vui bỗng buồn ngay nét mặt lại, cúi xuống mân mê cây vỏ trong âu trầu, hai môi mím chặt. Đôi mắt trong và ngây thơ của Lan đã nghiêm nghị, và trên vầng trán sáng sủa của em, Trường nhận thấy thoáng qua một sự lo nghĩ.
Khi mẹ nói đến tiền, Trường sực nhớ đến cái mục đích của mình khi về thăm nhà. Chờ lúc mọi người không ai để ý, chàng ra hiệu cho chị rồi đứng dậy bước ra phía cửa. Dung theo ra, Trường hỏi nhỏ:
- Thế nào chị? Chị đã nói với mẹ hộ em chưa?
Dung lắc đầu đáp:
- Chưa, vì tối biết hôm nọ mẹ cũng chả có. Tôi đã hỏi vay riêng mấy người chị em bạn cho chú, nhưng không được.
Trường lưỡng lự rồi hỏi:
- Anh ấy có tiền chưa?
- Có rồi.
- Thế bây giờ chị nói với mẹ cho em đi.
Dung quay lại gần bà phán cúi xuống nói thì thầm. Mẹ Trường gật đầu vẫy chàng lại gần:
- Con đợi một lát mẹ đưa cho.
Trường vâng lời ngồi xuống ghế, trước mặt mẹ. Xuân gấp quyển sách mà từ nẫy chàng vẫn để xem trên mặt tủ, rồi như người mới quyết định, chàng đi lại bên mắc áo lấy mũ.
Bà phán nhìn theo con, ngập ngừng. Xuân ra gần đến cửa, bà mới gọi:
- Này... anh...
Xuân quay lại, hơi phật ý, đôi lông mày cau lại.
- Cái gì ạ?
- Anh đưa tiền cho tôi, còn cho em nó mượn bây giờ.
Xuân lẳng lặng thò tay vào túi áo lấy tập giấy bạc. Chàng đếm riêng ra một tập, bỏ chỗ còn lại vào túi, rồi để tập bạc trên bàn, trước mặt Trường. Bà phán với tay cầm lấy, ngửng nhìn hỏi Xuân:
- Chỗ này là bao nhiêu đây?
- Hơn ba chục.
Bà phán để tập giấy bạc xuống bàn dịu dàng nói:
- Anh đưa thế này sao đủ tiêu. Tiền nhà, tiền ăn, trăm thứ tiền đều trông vào anh cả, mà chừng này thì sao đủ.
Xuân tỏ vẻ khó chịu, không nói gì. Bà phán tiếp:
- Đã mấy tháng nay, anh đều đưa thế này cả. Anh tiêu gì mà nhiều thế?
Yên lặng một lát, bà thêm: “Anh không biết nghĩ một chút nào cả”.
- Không biết nghĩ! - Giọng Xuân trở nên gắt gỏng - Mẹ bảo không biết nghĩ thế nào nữa. Con cũng phải có những món cần tiêu chứ, số tiền còn lại đây vị tất đã đủ.
Không đợi Xuân nói hết, bà phán lớn tiếng:
- Anh tiêu gì, tiêu chơi bời, tiêu hát xướng ấy có phải không? Tôi còn lạ gì những món cần tiền của anh nữa.
Xuân không đáp, đút hai tay vào túi quần, đi đi lại lại trong phòng. Bước chân của chàng mỗi lúc một gấp và nhanh thêm.
Không khí trong nhà trở nên nặng nề và khó chịu. Hai mẹ con lại sắp cãi nhau vì tiền, như nhiều lần khác đã xảy ra. Dung và Lan sợ hãi, ai nấy đều cúi mặt xuống, cùng ước mong cho cuộc đối đáp chóng xong nhưng không dám ngăn cản. Trường ngồi yên lặng, lòng đau đớn vì mẹ và anh đã mất cái tình thân thiết của mẹ con. Chàng thầm trách anh đã không biết chiều lòng mẹ. Tuy vậy, chàng muốn lòng yên tĩnh để tránh khỏi dự vào việc buồn rầu ấy. Trường thong thả cầm quản bút nguệch ngoạc trêp bìa quyển sách trước mặt.
Chàng muốn xin mẹ thôi đi, nhưng bà phán cứ nói, như muốn trút hết cả những nỗi tấm tức trong lòng.
- Anh chỉ biết nghĩ đến mình anh thôi. Vợ con anh ở nhà anh không nhìn gì đến, con anh nó ốm anh cũng mặc, chỉ đi chơi bời suốt ngày đêm, rồi đem tiền cung phụng cho người khác. Anh không biết mấy tháng nay tôi đâm công mắc nợ bao nhiêu. Nhưng anh cần gì.
Xuân vung tay giận dữ, bước tới mở cửa, quay lại gắt:
- Ồ, bà nói tôi khó chịu lắm. Không để cho người ta yên một chút nữa! - Chàng sập cửa đến rầm một cái, bước vội ra ngoài.
Ngòi bút trong tay Trường sướt mạnh trên giấy, mực bắn tung cả vào áo. Chàng cầm quản bút lên xem, cố nói một cách bình tĩnh như không để ý đến những sự vừa xẩy ra:
- Thôi xong, gẫy mất ngòi bút rồi.
Lan đến gần Trường cúi xuống nhìn:
- Anh làm hỏng mất ngòi bút của em rồi còn gì. Bắt đền anh đấy.
Hai anh em nói những câu vơ vẩn đâu đâu. Trường không dám nhìn về phía mẹ. Bà phán ngồi yên không động đậy, vẻ mặt buồn rầu. Mấy giọt nước mắt lặng lẽ chảy trên đôi má đã hóp lại vì lo nghĩ.
Trường thấy mỏi mệt và chán nản trong tâm hồn. Chàng khẽ đứng dậy, bước ra cửa.
Dung theo sau, giữ chàng lại ngoài hè, đưa mấy tờ giấy bạc:
- Chú không cầm về mà tiêu à?
Trường lắc đầu:
- Không cần nữa, chị ạ. - Chàng ngăn Dung bảo: “Thôi chị vào đi”, rồi rảo bước đi mau khuất trong bóng tối.