Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Le Tambour
Số lần đọc/download: 3285 / 95
Cập nhật: 2017-04-06 08:38:11 +0700
Trên Phòng Tuyến Đại Tây Dương
V
ới pha vừa kể, thực tình tôi chỉ muốn giúp ông thôi. Nhưng Schmuh, chủ nhân và linh hồn của Hầm Hành, không thể tha thứ cho tôi về cái khúc độc tấu trống đã biến những khách xộp của ông thành một lũ trẻ bi bô, vui nhộn, tè ra quần rồi khóc vì tự làm ướt quần, tất cả không cần đến hành.
Oskar cố thông cảm với ông. Làm sao ông có thể không sợ sự cạnh tranh của tôi khi mà khách hàng của ông bắt dầu gạt sang bên những củ hành truyền thống để hò Oskar, hò cái trống của Oskar vì tôi có thể dùng trống làm sống lại thời thơ ấu của từng người trong bọn họ, bất kể già yếu đến đâu?
Trước đó, Schmuh mới chỉ đuổi các nữ nhân viên coi phòng vệ sinh. Giờ thì đến lượt toàn bộ ban nhạc Bộ Ba Sông Rhine. Thay thế bọn tôi, ông thuê một tay vĩ cầm đi rong mà nếu dễ đãi một chút, người ta có thể coi như một gã Di-gan.
Nhưng khi, do việc đuổi chúng tôi, nhiều người trong số những khách hàng trung thành nhất dọa bỏ hẳn Hẩm Hành, Schmuh phải chấp nhận một thoả hiệp: tay vĩ cầm chơi mỗi tuần ba lần, còn chúng tôi mỗi tuần có ba buổi biểu diễn với giá được nâng lên theoo yêu cầu của bọn tôi: hai mươi DM một đêm. Ngoài ra còn có những khoản “puốc-boa” hậu hĩnh. Oskar bắt đầu có một sổ Tiết Kiệm và vui thích thấy tiền lãi tăng lên.
Cuốn số tiết kiệm ấy giúp tôi ra khỏi cảnh túng thiếu rất đúng lúc vì sau đó, Tử Thần đến cướp đi ông Ferdinand Schmuh của chúng tôi, có nghĩa là cả việc làm và thu nhập của chúng tôi luôn.
Tôi đã kể là Schmuh thường đi bắn chim sẻ. Đôi khi ông đưa bọn tôi đi cùng trong chiếc Mercedes cho chúng tôi xem ông bắn. Mặc dầu thỉnh thoảng có mâu thuẫn do cái trống của tôi liên can cả đến Klepp và Scholle vì họ đứng về phe tôi, quan hệ giữa Schmuh và các nhạc công của ông vẫn là hữu hảo cho đến khi, như tôi đã thông báo, cái chết xen vào giữa chúng tôi.
Chúng tôi lên xe. Như thường lệ, bà vợ của Schmuh lái. Klepp ngồi cạnh bà, Schmuh ngồi giữa Oskar và Scholle, đặt cây súng ngang đùi, thi thoảng lại ve vuốt nó. Chúng tôi dừng lại ngay trước khi đến Kaiserswerth. Những hàng cây hai bên bờ sông Rhine: cảnh trí đã sẵn. Vợ Schmuh ngồi lại trong xe, giở một tờ báo ra đọc. Klepp đã mua sẵn ít nho khô, nhai tóp ta tóp tép rất đều đặn. Scholle, vốn trước khi thành nhạc công ghi-ta đã từng là sinh viên khoa gì gì đó, nhớ được bài thơ nào về sông Rhine là đem ra ngâm ráo. Quả thực con sông cũng đang kỳ thơ mộng: ngoài những con thuyền như thường thấy, những vòm lá ven bờ xoã tóc dập dềnh về phía Duisburg và quên bẵng lịch mùa vẫn dang hè đã sớm ngả màu thu. Nếu thi thoảng cây súng của Schmuh không lên tiếng, buổi chiều này ở mé dưới Kaiserwerth có thể gọi là êm ả thanh bình.
Khi Klepp ăn hết chỗ nho khô và chùi tay vào cỏ, Schmuh cũng bắn xong. Bên cạnh mười một nắm lông đang lạnh dần, ông đặt nắm thứ mười hai - hãy còn phập phồng, như ông nhận xét. Nhà thiện xạ đã bắt đầu bọc gói những con mồi lại - không hiểu vì lý do bí hiểm gì, bao giờ Schmuh cũng mang chúng về nhà - thì một con chim sẻ đậu xuống một gốc cây bị sóng đánh giạt vào bờ cách chỗ chúng tôi không xa. Con chim lông xám này nom rất nghênh ngáo, rõ ra là một bản mẫu tiêu biểu của loài sẻ, đến nỗi Schmuh không thể đừng được: xưa nay không bao giờ bắn quá mười hai con sẻ trong một buổi chiều, giờ đây ông giường súng bắn con thứ mười ba- đáng lẽ ông không nên làm thế.
Sau khi ông đặt con thứ mười ba cạnh mười hai con trước, chúng tôi quay về chiếc Mercedes đen và thấy bà Schmuh đã ngủ. Scholle và Klepp lên ghế sau. Tôi đã sắp ngồi vào cùng họ nhưng lại thôi. Tôi đang muốn đi dạo một tí, tôi nói. Tôi sẽ đáp xe điện, khỏi cần lo cho tôi. Và thế là họ phóng xe đi, Oskar không đi cùng họ hoá ra là khôn.
Tôi chậm rãi bước. Tôi không phải đi xa. Có một quãng đường vòng đang sửa. Cạnh đó là một hố sỏi thấp hơn mặt đường độ bảy mét. Và dưới đáy hố sỏi, chiếc Mercedes đen nằm chổng bốn bánh lên trời.
Mấy người thợ làm việc ở hố sỏi đã lôi ba người bị thương và xác Schmuh ra khỏi xe. Xe cấp cứu đang trên đường tới. Tôi tụt xuống hố săn sóc những người bị thương một lát, loáng một cái giày tôi đã đầy sỏi. Mặc dầu đang đau, họ vẫn hỏi dồn tôi, nhưng tôi không nói cho họ biết là Schmuh đã chết. Cứng đơ và như thể ngỡ ngàng, ông trân trân nhìn bầu trời gần như phủ đầy mây. Tờ báo gói mẻ săn đã văng ra khỏi xe. Tôi đếm được mười hai con sẻ, nhưng không tìm thấy con thứ mười ba. Tôi vẫn còn đang tìm nó khi chiếc xe cấp cứu lựa đường xuống hố sỏi.
Tình trạng bà Schmuh, Klepp và Scholle không có gì nghiêm trọng lắm: những vết bầm, mấy cái xương sườn gãy. Khi tôi vào bệnh viện thăm Klepp và hỏi hắn do đâu mà xảy ra tai nạn, hắn kể cho tôi nghe một câu chuyện kỳ lạ: Khi xe đi ngang hố sỏi, rất chậm vì đường xấu, thì hàng trăm, có khi là hàng nghìn, con sẻ từ các hàng rào, bụi rậm và vườn cây ăn quả ào ra phủ một bóng lớn mênh mông lên chiếc Mercedes, đâm sầm vào kính đằng trước và làm bà Schmuh hoảng hồn. Chỉ bằng sức mạnh của mình, chim sẻ đã gây ra tai nạn và cái chết của Schmuh.
Tùy quý vị muốn nghĩ thế nào về câu chuyện của Klepp thì nghĩ. Riêng Oskar thì không tin lắm, nhất là khi đưa đám Schmuh ở Nghĩa trang phía Nam, gã chẳng thấy có nhiều chim sẻ hơn hồi gã tới đây dựng bia mộ mấy năm trước. Khi tôi cùng với những người đưa đám đi theo linh cữu, đầu đội chiếc mũ cao thành thuê, tôi thoáng thấy Korneff ở Khu Chín đang dựng một tấm bia đi-o-rit cho một mộ đôi cùng với một người giúp việc mà tôi không biết. Khi linh cữu Schmuh qua chỗ Korneff trên đường tới Khu Mười mới được quy hoạch, ông thợ làm bia mộ ngả mũ theo đúng quy định của Nghĩa trang, có lẽ vì cái mũ cao thành, ông không nhận ra tôi; nhưng thấy ông xoa xoa gáy, tôi chắc là mấy cái nhọt đang chín hoặc đã chín nẫu.
Ôi, những đám ma! Tôi đã buộc phải đưa quý vị đến biết bao nghĩa trang! ở một đoạn nào đó, thậm chí tôi đã nói: những đám ma nhắc ta nhớ đến những đám ma khác. Thôi được, tôi sẽ không kể dài dòng về đám tang Schmuh cũng như về những suy tư hồi cố của Oskar lúc đó. Chỉ cần nói rằng đó là một đám tang bình thường, đàng hoàng và không có gì bất thường xảy ra. Điều duy nhất thực sự cần phải kể là sau khi chôn Schmuh xong - bà vợ goá đang nằm bệnh viện, nếu không, chắc cũng còn thêm chút ít nghi thức nữa - một ông tiến đến bên tôi và tự xưng là Tiến sĩ Dösch.
Ông Tiến sĩ Dösch này điều hành một hãng hoà nhạc nhưng không phải là chủ hãng, ông là một khách hàng thường xuyên của Hầm Hành, ông nói với tôi. Tuy tôi không bao giờ để ý đến ông, nhưng ông đã có mặt hôm tôi biến toàn thể khách hàng của Schmuh thành một bày trẻ bi ba bi bô hạnh phúc. Thực tế, bản thân Dösch, như ông tâm sự với tôi, cũng đã gặp lại niềm hạnh phục trẻ thơ dưới ảnh hưởng tiếng trống của tôi và ông đã quyết chí làm một cú lớn với cái mà ông gọi là “ngón nghề búa bổ” của tôi. ông đã được phép đề xuất với tôi một hợp đồng “búa bổ”; tại sao tôi không ký ngay tại chỗ? Bên ngoài lò hoá thân hoàn vũ nơi Leo Schugger đeo găng trắng (ở Düssendorf, anh ta mang tên Wilhem-Nhớt-Dãi) đang đợi những người đi đưa đám, Ts Dösch rút ra một tờ giấy ghi rõ là, đổi lại những khoản chi trả kếch sù, người ký tên dưới văn bản, sau đây gọi là “Oskar Trống”, cam đoan sẽ biểu diễn độc tấu tại những nhà hát lớn trước những cử tọa từ hai đến ba nghìn người. Dösch vô cùng thất vọng khi tôi nói là không thể ký ngay lập tức. Lý do tôi viện ra là cái chết của Schmuh. ông Schmuh, tôi nói, rất gản gũi thân thiết với tôi, tôi không thể ngay lập tức nhận làm việc với một người khác khi ông vừa nằm xuống mồ, xác chưa kịp lạnh, tôi cần có thòi gian để suy nghĩ, có thể tôi sẽ làm một chuyến đi ngắn đâu đó. Khi nào trở về, tôi sẽ tìm Ts Dösch và lúc đó có thể tôi sẽ ký cái tờ giấy mà ông gọi là hợp đồng đó.
Tuy nhiên, mặc dù không ký hợp đồng ngay tại nghĩa trang, tình hình tài chính của Oskar vẫn buộc gã phải nhận một khoản ứng trước mà Ts Dösch bỏ vào một. chiếc phong bì kèm theo tấm danh thiếp và kin đáo đưa cho tôi bên ngoài nghĩa trang, nơi ông đậu xe.
Và tôi chuẩn bị chuyến đi thật, thậm chí tôi còn tìm được một công ty du lịch nữa. Thực tình, tôi những muốn có Klepp cùng đi, nhưng Klepp đang nằm nhà thương, thậm chí không cười được với bốn cái xương sườn gãy. Tôi cũng muốn rủ Maria đi cùng, nhưng đang kỳ nghĩ hè, nàng sẽ phải mang theo cả bé Kurt. Vả lại, nàng còn đang cặp với lão chủ Stenzel, mà ít lâu nay Kurt đã gọi là bà Stenzel.
Cuối cùng, tôi đi với Lankes. Quý vị hắn còn nhớ y với tư cách là trung sĩ Lankes và đôi ba lần là vị hôn phu của Nàng Thơ Illla. Khi, với số tiền ứng trước và cuốn sổ tiết kiệm đút túi, tôi đến xưởng họa của anh ta ở phố Sittarder, tôi hy vọng sẽ gặp Ulla, bạn cùng ngồi mầu với tôi dạo trước; tôi nghĩ có thể mời nàng đi cùng.
Ulla có ở đó. Ngay từ cửa, nàng đã thông báo: bọn em vừa đính hôn. Được hai tuần rồi. Chuyện với Hänschen Krages không ổn, nàng buộc phải cắt đứt. Tôi có biết Hänschen Krages không?
Không, Oskar nói, rất tiếc là gã không biết vị hôn phu cũ của Ulla. Rồi Oskar đưa ra đề nghị hào phóng của mình, nhưng trước khi Ulla kịp nhận lời thì Lankes, từ xưởng họa nhảy ra, đã tự đề cử mình vào vai trò bạn đồng hành với Oskar, chẳng những thế còn bợp tai Nàng Thơ trường túc vì tội không chịu ở nhà khiến nàng thất vọng oà khóc.
Tại sao Oskar không bảo vệ ý kiến của mình? Tại sao gã không đứng về phe Nàng Thơ nếu quả gã muốn đưa nàng đi cùng? Cho dù triển vọng của một chuyến ngao du với Ulla bên cạnh, Ulla thanh mảnh, Ulla lông vàng rơm loăn xoăn, có hấp dẫn đến mấy, tôi vẫn sợ một sự chung đụng quá gần gũi với một Nàng Thơ. Thà cứ giữ một khoảng cách với các Nàng Thơ, tôi tự nhủ, còn hơn để nụ hôn của các Nàng Thơ trở thành thói quen như một đồ gia dụng. Thôi cứ đi cùng Lankes là khôn ngoan hơn, y sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với Nàng Thơ của mình khi nàng định hôn y.
Chẳng phải bàn cãi gì nhiều về nơi đến của chúng tôi: dĩ nhiên là Normandie, còn chỗ nào khác nữa? Chúng tôi sẽ thăm lại các công sự giữa Caen và Cabourg, vì đó là nơi chúng tôi đã gặp nhau trong chiến tranh. Khó khăn duy nhất là việc xin Visa.
Lankes là tay đá xi-măng. Trong việc vung vãi mầu - cũng phải nói rõ rằng đó là loại sơn rẻ tiền hoặc nhiều khi đi xin được - lên những tấm toan chuẩn bị sơ sài, y hoang phí bao nhiêu, thì trong việc tiêu tiền, dù là tiền đồng hay tiền giấy, y lại bủn xỉn bấy nhiêu. Hút thuốc luôn miệng, nhưng không ai thấy y mua lấy một điếu thuốc lá. Một thi dụ điển hình về tính hà tiện có hệ thống của y: hễ có ai cho một điếu thuốc, hắn lại móc ở túi quần trái ra một đồng mười pfennig; giơ lên một thoáng ra ý công nhận, rồi bỏ sang túi quần phải nhập bọn với những đồng khác - số lượng bao nhiêu tuỳ theo thời gian trong ngày. Như tôi đã nói, y hút suốt ngày và một hôm, đang lúc hồ hởi, y tâm sự với tôi: “Mỗi ngày mình tiết kiệm được khoảng hai mark chỉ nhờ hút thuốc.”
Năm ngoái, Lankes mua được một lô đất bị bom ở Wersten bằng tiền tiết kiệm cách ấy, có nghĩa nhờ những điếu thuốc lá của bạn bè và người quen cho.
Đó, cái tay Lankes đồng hành với Oskar đến Normandie là như thế. Chúng tôi đáp xe lửa - một chuyến tốc hành. Cả như Lankes thì cứ làm cái bài vẫy xe đi nhờ cho gọn. Nhưng vì y là khách của tôi và tôi là người trả tiền, nên y đành nhượng bộ. Chúng tôi đi ngang qua những hàng dương đằng sau đó là những đồng cỏ có hàng rào bao quanh. Những chị bò nâu và trắng đem lại cho cảnh đồng quê cái vẻ của một tờ quảng cáo sô-cô-la sữa, mặc dầu nêu nhằm mục đich quảng cáo thì lẽ ra phải xoá đi đấu vết tàn phá của chiến tranh. Các thôn làng, kể cả làng Bavent, nơi tôi đã mất Roswitha của tôi, vẫn đang còn rất hoang tàn.
Từ Cabourg, chúng tôi đi bộ dọc bãi biển đến cửa sông Orne. Trời không mưa. Đến gần Le Home, Lankes- nói: “Chúng ta đến nhà rồi, anh bạn. Cho mình xin một điếu nào”. Vừa chuyển đồng tiền từ túi nọ sang túi kia, y vừa vươn cái đầu sói của mình về phía một trong những công sự phòng thủ còn nguyên vẹn giữa những cồn cát. Một tay dài nghêu xách hành trang của mình gồm ba-lô, giá vẽ lưu động và cả Chục cái khung, tay kia y kéo tôi về phía các khối bê-tông. Hành lý của Oskar chỉ có một chiếc va-li và cái trống.
Ngày thứ ba ở trên bờ Đại Tây Dương - trong hai ngày qua, chúng tôi đã dọn sạch cát tràn vào bên trong Dora-7 cũng như những vết tích gớm ghiếc của các cặp trai gái dùng nơi này làm giường chiếu ái ân và đặt túi ngủ cùng một cái hòm vào đó - Lankes mang về từ bãi biển một con cá thu to tướng, quà của mấy người đánh cá thưởng công cho y đã vẽ chiếc thuyền của họ.
Do việc chúng tôi vẫn gọi cái lô cốt này là Dora-7 nên cũng chẳng có gì là lạ nếu Oskar vừa làm cá vừa nghĩ đến Xơ Dorothea. Gan và tinh dịch cá phun đầy cả hai bàn tay tôi. Trong khi đánh vẩy, tôi quay mặt ra ánh sáng, khiến Lankes có cơ hội làm một bức ký họa bằng thuốc nước. Chúng tôi ngồi phía sau lô-cốt, khuất gió. Nắng tháng tám rọi xuống vòm mái bê-tông. Tôi lấy tỏi ướp cá. Bụng cá, nơi một lát trước là tinh dịch và gan ruột, tôi nhồi bằng hành, phó-mát và húng tây; nhưng tôi không vứt tinh dịch và gan đi vì đó là miếng ngon. Tôi nhét cả hai vào giữa hàm cá, chèn một quả chanh để giữ cho miệng cá mở to. Lankes đi thám thính một vòng. Y biến vào trong Dora-4, Dora-3 và cứ thế tiếp tục suốt lượt. Lát sau, y trở về, mang theo nhiều ván gỗ và mấy cái hộp lớn bằng các-tông. Các-tông y giữ để vẽ, còn ván dùng làm củi đốt.
Giữ lửa thường xuyên cũng chả khó gì: bãi biển đầy những thanh củi rều khô nhẹ như bấc bị sóng đánh giạt vào, đổ bóng thành nhiều hình thù khác nhau. Tôi đặt lên trên đống than nóng một mảng chấn song ban-công mà Lankes đã tháo dỡ từ một biệt thự bỏ không bên bãi biển. Tôi lấy dầu ô-liu tẩm cá rồi đặt lên mảng chấn song nóng cũng được rưới dầu trước. Tôi vắt chanh lên mình cá xèo xèo và để nó chín từ từ - nướng cá là không bao giờ nên hấp tấp.
Bàn ăn của chúng tôi là một tấm các-tông lớn đặt lên mấy cái xô. Chúng tôi có dĩa và đĩa đầy dủ. Để cho Lankes đỡ sốt ruột - y cứ lượn quanh con cá như một con hải âu đói mồi - tôi vào lô-cốt lấy trống ra. Đặt trống vững chãi trên cát, tôi hoà cùng gió, biến tấu trên những âm thanh của sóng vỗ bờ và nước triều dâng. Đoàn văn công tiền tuyến của Bebra đến thị sát bê-tông. Từ Kashubes đến Normandie, Felix và Kitty, hai diễn viên nhào lộn, xoắn vào nhau thành những nút hết cởi ra lại thắt vào trên nóc lô-cốt và cất giọng ném vào trong gió một bài thơ mà hai câu điệp khúc của nó, ngay giữa chiến tranh, đã báo trước một thời kỳ êm ấm tiện nghi sẽ đến:
Sống giữa bê-tông thép gai
Vẫn mơ về chốn lâu đài
Kitty ngâm bằng cái giọng vùng Saxe và Bebra, nhà thông thái của tôi, đại úy của Đội Tuyên Truyền, gật đầu tán thưởng; và Roswitha, người đẹp Địa Trung Hải Raguna của tôi, xách chiếc giỏ pich- ních lên, bày dồ ăn trên nóc Dora-7; và cả trung sĩ Lankes cũng ăn bánh mì trắng của chúng tôi, uống ca-cao của chúng tôi và hút thuốc lá của đại uý Bebra...
“Này!” Lankes kéo tôi từ quá khứ trở về. “Này, Oskar! Giá mình có thể vẽ cậu đạt như tiếng trống của cậu! Cho mình xin một điếu.”
Tôi ngừng trống, cho người bạn đồng hành một điếu thuốc, xem xét con cá và thấy là đã chín tới: hai mắt trắng và trong như nước. Tôi chậm rãi vắt một quả chanh cuối cùng lên khắp mình cá không bỏ sót một chỗ nào; lớp da ngoài ửng đều một màu nâu ngon lành, trừ mấy chỗ nứt.
“Tớ đói ngấu,” Lankes nói, nhe hai hàm răng dài nhọn vàng khè và vung cả hai nắm tay, như con vượn, đấm vào ngực qua lần áu sơ-mi kẻ ô.
“Đầu hay đuôi?” tôi hỏi và đặt con cá lên một tờ giấy sơn trải trên tấm các-tông thay vì khăn bàn.
“Cậu khuyên tớ thế nào?” Lankes giập thuốc lá và vứt đầu mẩu đi.
“Với tư cách là bạn,” tôi nói, “cậu nên lấy khúc đuôi. Với tư cách là đầu bếp, mình chỉ có thể khuyên cậu lấy khúc đầu. Mặt khác, nếu mẹ mình (bà ấy trùm ăn cá) ở đây lúc này, bà sẽ bảo: Cậu Lankes ạ, hãy lấy khúc đuôi rồi cậu sẽ biết mình được cái gì. Một mặt nữa, bác sĩ thường hay khuyên bố mình...”
“Tớ không quan tâm đến bác sĩ,” Lankes nói, vẻ hoài nghi.
“Bác sĩ Hollatz khuyên bố mình bao giờ cũng nên ăn đầu cá thu.”
“Vậy thì tớ sẽ lấy khúc đuôi. Tớ thấy là cậu đang tung hỏa mù cho tớ hoang mang.”
“Càng bở cho Oskar. Đầu chính là cái mình khoái nhất.”
“Được, đã thế, tớ sẽ lấy khúc đầu.”
“Khổ thân Lankes, cậu thấy khó chọn quá, hả?” tôi nói.”Thôi được, khúc đầu phần cậu, mình lấy cái đuôi vậy.” Tôi hy vọng cuộc đối thoại của chúng tôi chấm dứt ở đây.
“Ê, này,” Lankes nói. “Tớ đoán là tớ đã thắng cậu một không.”
Oscar thừa nhận là Lankes đã thắng gã một không. Phải, tôi biết y sẽ ăn không ngon phần của mình nếu không biết chắc rằng y đã thắng tôi một không, bởi đó mới là gia vị thiết yếu. Tôi gọi y là đồ ma-lanh ma cuội, đồ con hoang may mắn, rồi chúng tôi bắt đầu đả.
Y vớ lấy khúc đầu. Tôi vắt nốt miếng chanh còn lại lên lớp thịt trắng của khúc đuôi; nó tở ra và mấy củ tỏi mềm như bơ rời ra.
Vừa mút kiệt từng chiếc xương, Lankes vừa liếc nhìn tôi và khúc đuôi cá. “Cho mình nếm thử phần đuôi của cậu tí.” Tôi gật đầu, y nếm và có vẻ phân vân mãi cho đến khi Oskar nếm thử một miếng đầu cá và một lần nữa khẳng định rằng như thường lệ, Lankes bao giờ cũng giành được miếng béo bỏ nhất.
Chủng tôi nhắm vang Bordeaux đỏ với cá. Tôi hơi tiếc: giá trong tách uống cà-phê của chúng tôi lúc này là vang trắng thì hơn. Lankes gạt phắt đi, hồi y là một trung sĩ ở Dora-7 này, bọn y chả bao giờ được uống gì khác ngoài vang đỏ. Cả đến khi cuộc đổ bộ bắt đầu cũng vẫn thế. “Chao, lúc ấy, bọn này xỉn hết! Kowalski, Scherbach và cả thằng bé Leuthold đều chẳng nhận thấy có gì không ổn. Bây giờ bọn nó cùng nằm cả ở một nghĩa trang, phía bên kia Cabourg ấy. Mạn kia, gần Arromanches, là quân Anh, còn ở khu vực chúng tôi là bọn Canada, có đến hàng triệu tên. Bọn mình chưa kịp ngoắc dây đeo quần lên, chúng đã xuất hiện, miệng nói: uHao a íu?"
Lát sau, y vừa nhổ xương cá vừa vung dĩa: “Này, cậu có đoán được mình gặp ai ở Cabourg hôm nay không? Herzog, trung uý Herzog, cái thằng điên mà các cậu gặp trong chuyến thị sát ấy. Cậu còn nhớ hắn ta không?”
Cố nhiên là Oskar có nhớ trung uý Herzog. Vừa tiếp tục ăn, Lankes vừa kể cho tôi hay là năm nào Herzog cũng trở lại Cabourg mang theo bản đồ và dụng cụ đo đạc vì ý nghĩ về những công sự này làm hắn mất ngủ. Hắn cũng dự định ghé qua Dora-7 để đo đạc một chút.
Chúng tôi vẫn còn đang ăn - dần dần xương sống cá đã lộ ra - khi trung uý Herzog xuất hiện. Quần soóc kaki thò hal bắp chân mập, giày ten-nít, một túm lông ngực lộ ra qua cổ sờ-mi lụa để mở. Dĩ nhiên là chúng tôi vẫn ngồi. Lankes giói thiệu tôi là Oskar, bạn thời bình và chiến hữu thời chiến của y, và gọi Herzog là trung uý về hưu Herzog.
Viên trung uý về hưu lập tức thị sát Dora-7. Hắn bắt đầu từ ngoài và Lankes không phản đối gì. Herzog ghi đầy những bảng kê và quan sát cảnh quan đất và biển bằng một cái ống nhòm. Rồi hắn vuốt ve những lỗ châu mai của Dora-6 một lúc, âu vếm như mân mó vợ mình. Khi hắn ngỏ ý muốn thị sát bên trong Dora-7, biệt thự của chúng tôi, nhà nghỉ hè của chúng tôi, Lankes không chịu: “Herzog này, ông mắc chứng gì thế? Mà cứ quanh quẩn lọ mọ với đám bê-tông này? Nếu là mười năm trước thì còn là thời sự, chứ giờ thi passé [1] rồi.”
“Passé” là từ ưa thích của Lankes. Y có thói quen chia mọi sự trên đời làm hai loại: thời sự và passé. Nhưng viên trung úy về hưu thì không cho cái gì là passé cả; theo hắn, các báo cáo, tường trình còn chưa rõ ràng, nhiều con số cần được đinh chính lại, con người cần phải luôn luôn xác định lại mình trước sự phán xét của Lịch sử và chính vì thế nên hắn muốn thị sát bên trong Dora-7. “Lankes, tôi hy vọng là tôi đã nói rõ để anh hiểu.”
Bóng Herzog đổ vắt qua “bàn ăn” với món cá của chúng tôi. Hắn định đi vòng qua chúng tôi để tới cửa vào lô- cốt mà phía trên vẫn còn mang những trang trí bằng bê-tông do bàn tay sáng tạo của trung sĩ Lankes.
Nhưng Herzog không đi quá được “bàn ăn” của chúng tôi. Đứng phắt dậy, tay vẫn nắm dĩa nhưng không dùng đến nó, Lankes đẩy trung uý về hưu Herzog ngã sóng soài trên cát. Rồi lắc đầu, tiếc bữa ăn bị gián đoạn, Lankes túm lấy áo sơ-mi của viên trung uý, lôi sềnh sệch đến chân cồn cát, để lại một vệt rất thắng, và ném hắn xuống đó. Hắn biến khỏi tầm mắt tôi, nhưng ngán thay, tôi vẫn nghe thấy tiếng hắn. Hắn thu nhặt những dụng cụ đo đạc mà Lankes ném theo và vừa đi khỏi vừa lầm bầm rủa, gọi hồn mọi bóng ma lịch sử bị Lankes vứt bỏ coi là passé.
‘Hắn tuy là một thằng điên nhưng không phải hoàn toàn không có lý,” Lankes nói. “Nếu bọn này không quá say xỉn khi bắt đầu nổ súng thì chưa biết chuyện gì sẻ xảy ra với bọn lính Canada kia.”
Tôi chỉ còn biết gật đầu đồng tình: ngay ngày hôm trước, tôi đã vớ được trong một cái mai cua rỗng một bằng chứng lịch sử hùng hồn - một chiếc khuy từ một bộ quân phục Canada. Mừng như bắt được một đồng tiền cổ quý hiếm, Oskar cất biến chiếc khuy vào trong ví.
Mặc dù ngắn ngủi, cuộc đến thăm của trung uý Herzog đã gợi lại nhiều kỷ niệm. “Cậu có nhớ không, Lankes, khi đoàn văn công của bọn mình đến thăm công sự bê-tông của cậu, chúng ta đã cùng ăn điểm tâm trên nóc lô-cốt? Gío thổi nhè nhẹ, y như hôm nay. Và đột nhiên, có sáu, bảy nữ tu sĩ đi bắt cua giữa đám “măng tây Rommel” và cậu được lệnh phải “dọn sạch” bãi biển và cậu đã chấp hành bằng một cây súng máy.”
Phải, Lankes nhớ (y vẫn mút xương). Thậm chí y còn nhớ tên nhiều người trong đó: Xơ Scholastica, Xơ Agneta... y mô tả cô nữ tu mới có khuôn mặt hồng hào nhỏ nhắn với rất nhiều đen bao quanh. Bức chân dung y dựng lên sinh động đến nỗi nó che lấp một phần - nhưng chỉ một phần thôi - hình ảnh, luôn hiện diện trong trí tôi, của một nữ y tá và nữ tu không thuộc cộng đồng giáo sĩ: Xơ Dorothea của tôi. Mấy phút sau - tôi chưa ngạc nhiên đến mức gọi đây là một phép mầu - một nữ tu sĩ trẻ từ mạn Cabourg băng qua các cồn cát đi về phía chúng tôi. Khuôn mặt hồng nhỏ nhắn với rất nhiều đen bao quanh, không cách nào lẫn được.
Nàng che nắng bằng một chiếc dù đen giống như loại các ông già thường mang. Cong cong phía trên mắt nàng một vành lưỡi trai bằng xe-lu-lô-ít màu xanh dữ dằn như kiểu các đạo diễn phim ở Hollywood thường mang. Có ai đó giữa những cồn cát gọi nàng, vẻ như có nhiều nữ tu khác ở quanh đây. “Xơ Agneta!” người kia gọi. “Xơ Agneta, Xơ đang ở đâu?”
Và Xơ-Agneta nhỏ nhắn mà chúng tôi có thể nhìn thấy bên trên chiếc xương sống cá, trả lời: “Em ở đây, Xơ Scholastica. Chỗ này không có gió.”
Lankes cười toét miệng và đắc trí gật cái đầu chó sói của y cứ như thể chính y đã làm nên cuộc diễu hành Thiên Chúa Giáo này, như thể không gì trên đời này có thể làm y sửng sốt vậy.
Nữ tu sĩ trẻ chợt trông thấy chúng tôi và dừng sững lại bên lô-cốt. “Ôi!” khuôn mặt hồng hồng ngớ ra, để lộ hai hàm rãng hoàn hảo tuy có hơi nhô ra.
Lankes ngoảnh đầu và cổ nhưng thân mình vẫn không động đậy: “Thế nào, Xơ đi dạo đấy ư?”
Câu trả lời đến rất nhanh: “Tu viện chúng tôi mỗi năm ra bờ biển một lần. Nhưng với tôi, đây là lần đầu tiên. Trước đây tôi chưa bao giờ thấy đại dương. Thật rộng lớn biết bao!”
Điều đó thì quả là không thể phủ nhận. Cho đến nay, tôi vẫn coi những lời nàng mô tả đại dương là duy nhất chính xác.
Lankes đóng vai chủ nhân, xắn vào phần cá của tôi một miếng mời nàng: “Xơ có thử một chút cá nướng không? Vẫn còn nóng mà.”
Tôi ngạc nhiên thấy y nói tiếng Pháp lưu loát thế và Oskar cũng thử năng lực ngoại ngữ của mình: “Không việc gì phải lo. Hôm nay là thứ sáu mà.”
Nhưng ngay cả việc nhắc khéo đến luật lệ dòng tu của nàng cũng không khích được cô gái khéo giấu mình trong bộ đồ tu hành quyết định chia sẻ bữa ăn với chúng tôi.
“Trước nay các ông vẫn ở đây đấy ư?” nàng tò mò hỏi. Nàng thấy cái lô-cốt của chúng tôi đẹp và hơi ngồ ngộ. Nhưng rồi chẳng may, bà mẹ nhất và năm nữ tu khác, tất cả đều dù đen và vành lưỡi trai xanh, xuất hiện trên đỉnh cồn cát. Agneta chạy vội đi. Theo tôi hiểu qua những tiếng gắt gỏng ngắt đoạn bởi ngọn gió đông, thì nàng bị mắng té tát và bắt trở lại khuôn phép.
Lankes mơ màng. Y đưa chiếc dĩa lộn ngược vào miệng và trân trân nhìn đám người dập dờn trên cồn cát. “Đó không phải những nữ tu mà là những chiếc thuyền buồm.”
“Thuyền buồm thì phải trắng chứ,” tôi cãi.
“Đó là những thuyền buồm đen.” Cãi lý với Lankes không phải là dễ. “Mé ngoài cùng bên trái là thuyền đô đốc. Agneta là một thuyền hộ tống cao tốc. Trời thuận gió. Đội hình hàng dọc. Từ lá buồm tam giác nhỏ phía trước cho đến cột đằng lái, cột chính, cột giữa, cột đằng mũi, tất cả đều căng buồm, hướng tới chân trời và nước Anh. Thử nghĩ coi: sáng mai, bọn Anh thức dậy, nhìn ra cửa sổ và thấy gì? Hai mươi lăm ngàn nữ tu sĩ, tất cả đều rợp cờ. Và đây, loạt súng đầu tiên...”
“Một cuộc chiến tranh tôn giáo mới,” tôi đỡ lời y. Thuyền đô đốc, tôi gợi ý, nên đặt tện là Mary Stuart hay De Valera, hay hơn nữa là Don Juan. Một Armada [2] mới, cơ động hơn trả thù cho Trafalgar. Khẩu hiệu xung trận là “Giết sạch bọn Thanh giáo!” và lần này thì bọn Anh không có sẵn một Nelson [3]. Hãy bắt đầu cuộc đổ bộ. Anh Quốc không còn là một cái đảo.
Cuộc trò chuyện trở nên quá chính trị đối với Lankes. Y ngắt lời tôi:
“Này, các mụ nữ tu nổ máy đi thắng rồi.”
“Căng buồm, ” tôi sửa lại.
Dù nổ máy hay căng buồm thì họ cũng đang dập dờn trôi về phía Cabourg, tay giương dù che nắng. Chỉ có một người tụt lại sau một tí chút, cúi xuống nhặt một vật gì rồi lại bỏ đấy. Phần còn lại của hạm đội từ từ lướt đi ngược chiều gió về phía những phế tích của khách sạn bãi biển.
“Có vẻ như nàng bị hỏng bánh lái hoặc không nhổ neo dược,” Lankes vẫn níu giữ những hình tượng hàng hải của mình. “Này, hình như là Agneta, con thuyền hộ tống nhỏ cao tốc.”
Dù là thuyền hộ tống hay gì gì nữa, đó cũng đích thị là Agneta; nàng nữ tu mới đang tiến về phía chúng tôi, vừa đi vừa nhặt vỏ ốc biển và ném đi một số.
“Xơ nhặt cái gì ở đằng ấy đấy?” Lankes thừa thấy là nàng đang nhặt gì.
“'Vỏ ốc biển,” nàng phát âm mấy tiếng đó rất rõ và lại cúi xuống.
“Xơ được phép làm thế ư? Đó chẳng phải là những của cải trần tục sao?”
Tôi đỡ lời Xơ Agneta: “Cậu lầm rồi, Lankes. Vỏ ốc biển chẳng có chi là trần tục cả.”
“Dù thế nào đi nữa, bất kể từ đất hay từ biển mà ra, chúng cũng vẫn là của cải, mà đã là nữ tu sĩ thì không được có của cải. Nghèo nàn, nghèo nàn và nghèo nữa, đó là phận của các nữ tu. Tôi nói có đúng không Xơ?”
Xơ Agneta mỉm cười: “Tôi chỉ nhặt mấy cái cho vườn trẻ thôi. Bọn trẻ rất thích chơi vỏ ốc biển. Chúng chưa được ra bờ biển bao giờ.”
Agneta đứng cạnh cửa vào lô-cốt và ném một tia nhìn vụng trộm kiểu nữ tu vào bên trong.
“Xơ thấy căn nhà nhỏ của chúng tôi thế nào?” tôi hỏi, cố làm thân. Lankes thì trực tiếp hơn: “Xơ vào đi, ngó cái biệt thự của chúng tôi một cái. Sẽ không tốn một xu nhỏ nào đâu.”
Đôi giày mũi nhọn của nàng ngọ nguậy dưới chiếc váy dài, hất tung cát để gió tiếp tay rắc lên con cá của chúng tôi. Phần nào mất tự tin, nàng nhìn chúng tôi và cái “bàn ăn” đặt giữa chúng tôi bằng cặp mắt rõ ràng là màu nâu nhạt. “Làm vậy chắc chắn là không phải phép.”
“Thôi nào, Xơ,” Lankes gạt phắt mọi lời phản đối của nàng và đứng dậy. “Có một điểm quan sát thú vị. Xơ có thể nhìn thấy toàn bộ bãi biển qua những lỗ châu mai.”
Nàng vẫn tần ngần. Giày nàng, tôi chợt nghĩ, chắc đầy cát. Lankes khoát tay về phía cửa vào. Họa tiết bê-tông của y hắt bóng sắc nét giàu tính trang trí.
Có lẽ cử chỉ mời mọc ân cần của Lankes đã khiến nàng quyết định vào. “Nhưng chỉ một phút thôi nhé!” Và nàng tót vào trong lô-cốt trước cả Lankes. Y chùi tay vào quần - một động tác diển hình của họa sĩ - và ném về phía tôi một lời dọa dẫm trước khi biến mất: “Liệu hồn, đừng có lấy đi miếng nào ở phần cá của tớ đấy.”
Nhưng Oskar đã đầy một bụng cá rồi. Tôi rời “bàn ăn”, buông thả mình vào gió cát và tiếng gầm gào của biển. Tôi lấy chân khều cái trống lại và nương tiếng trống tìm cách thoát ra khỏi cái cảnh quan bê-tông này, cái thế giới công sự này, cái loại “rau” gọi là măng tây Rommel này.
Thoạt đầu, với chút ít thành công, tôi thử đề tài tình yêu. Một thời, tôi cũng đã từng yêu một xơ. Nói cho rành, không phải một nữ tu mà là một nữ y tá, Xơ Dorothea. Nàng ở trọ trong căn hộ của Zeidler, đằng sau một cánh cửa lắp kính mờ. Nàng rất đẹp nhưng tôi không bao giờ nhìn thấy nàng. Hành lang nhà Zeidler tối quá. Một tấm thảm xơ dừa xen vào giữa hai chúng tôi.
Sau khi theo chủ đề này dến đoạn kết lỡ dở trên tấm thảm xơ, tôi thử chuyển mối tình đầu của tôi với Maria thành tiết tấu, đem phủ lên bê-tông như một loài dây leo mọc nhanh. Nhưng lại thấy Xơ Dorothea hiện ra, xen vào mối tình của tôi với Maria. Một mùi axít cácbôlíc từ biển thổi vào, những con hải âu mặc đồng phục nữ y tá vẫy tôi, mặt trời cứ một mực lấp lánh như một chiếc huy hiệu Chữ Thập Đỏ.
Nói thật tình, Oskar lấy làm mừng khi tiếng trống của gã bị ngắt quãng. Xơ Scholastica, tức mẹ nhất, trở lại với năm nữ tu kia. Nom họ mệt mỏi, dù ngả nghiêng thiểu não. “Ông có thấy một nữ tu nhỏ bé đâu không? Cô ta mới tu, còn trẻ măng, trước đây chưa từng thấy biển bao giờ. Chắc han cô ta bị lạc. Xơ Agneta, Xơ ở đâu?”
Tôi chẳng còn cách nào khác là chỉ cho hạm đội nhỏ này xuôi gió về phía cửa sông Orne, Arromanches và cảng Winston, nơi người Anh đã cướp giật của biển cái hải cảng nhân tạo này. Làm sao có đủ chỗ cho tất cả bọn họ trong lô-cốt được. Trong một thoáng, tôi phải thừa nhận vậy, tôi đã muốn làm cho Lankes ngã ngửa với cuộc đến thăm bất ngờ của họ, nhưng rồi tình bạn, sự ghê tởm, sự hiểm độc, tất cả hòa làm một, đã xui tôi chỉ ngón tay cái về phía cửa sông Orne. Các nữ tu sĩ tuân theo ngón tay cái của tôi và dần dần biến thành sáu vệt đen bồng bềnh xa dần trên ngọn cồn cát. Tiếng họ rền rĩ gọi “Xơ Agneta, Xơ Agneta” vẳng đến tôi càng lúc càng hòa lẫn với gió để rồi cuối cùng chỉm lịm trong cát.
Lankes ra trước. Lại cái động tác điển hình của họa sĩ: chùi tay vào quần. Y xin tôi một điếu thuốc, đút vào túi áo sơ-mi và nhào tới con cá đã nguội lạnh. “Cái trò này nó kích thích con tì con vị,” y vừa nói vừa liếc trộm, đả sang khúc đuôi là phần của tôi. Rồi y nằm ềnh ra dưới nắng.
“Cô ta lúc này hẳn là đang khổ sở lắm,” tôi lên giọng kết tội, nhấm nháp hai tiếng khổ sở.
“Làm sao? Có cái gì mà phải khổ sở?”
Lankes không thể quan niệm được cái cách cải thiện quan hệ con người của y lại có thể làm ai khổ sở.
“Giờ cô ta đang làm gì?” tôi hỏi vậy nhưng thực bụng lại muốn hỏi y một điều khác.
“Khâu vá,” Lankes nói, khoa dĩa làm hiệu. “Làm toạc án cô ta chút xíu, bây giờ cô ta phải vá lại. ”
Cô nàng vá áo bước ra khỏi lô-cốt. Lập tức nàng giương dù và líu lô vui vẻ, tuy nhiên tôi cảm thấy có chút căng thắng nào đó. “Góc nhìn thật tuyệt. Thấy toàn bộ bãi biển và cả đại dương nữa.”
Nàng dừng lại bên tàn dư của con cá.
“Tôi ăn được không?”
Cả hai chúng tôi cùng gật đầu.
“Không khí biển làm người ta mau đói,” tôi động viên nàng. Nàng gật đầu, gỡ cá bằng đôi bàn tay sần đỏ, nứt nẻ vì công việc nặng nhọc ở tu viện và tống đầy miệng. Nàng ăn nghiêm trang, vẻ tập trung đăm chiêu, như thể vừa nhai cá vừa nghiền ngẫm về một cái gì nàng vừa nếm trải trước khi ăn cá.
Tôi nhìn mé dưới mũ trùm đầu của nàng. Nàng đã để cái vành lưỡi trai xanh kiểu ký giả lại trong lô-cốt. Những giọt mồ hôi nhỏ, bằng nhau trằn trặn, sắp hàng trên vầng trán nhẵn mịn của nàng; đóng khung trong chiếc mũ trùm trắng hồ bột, vầng trán ấy có một vẻ gì hao hao giống Đức Mẹ Đồng Trinh. Lankes lại xin một điếu thuốc tuy y chưa hút điếu trước. Tôi vứt cho y cả gói. Trong khi y nhét ba điếu vào túi áo sơ-mi và cắm một điếu thứ tư lên miệng, Xơ Agneta quay người, vứt chiếc dù ra xa rồi chạy lên cồn cát - đến lúc đó, tôi mới nhận thấy nàng đã cởi giày từ lúc nào không biết - và biến về phía sóng xô bờ.
“Cứ để cô ta chạy,” Lankes lên giọng tiên tri nói. “Rồi cô ta sẽ trở lại hoặc có thể sẽ không trở lại.”
Tôi chỉ có thể ngồi yên được một lúc nhìn Lankes hút thụốc. Rồi tôi trèo lên nóc lô-cốt phóng mắt nhìn ra bãi biển. Nước triều đã dâng lên ngập gần hết bãi biển, chỉ còn chừa lại một khoảng rất nhỏ.
“Thế nào?” Lankes hỏi.
“Nàng đang cởi quần áo.” Y chỉ moi được ở tôi có thế. “Có lẽ nàng định bơi một chút cho mát.”
Tôi thấy tắm vào lúc triều lên thế này là nguy hiểm, nhất là ngay sau khi ăn. Nàng đã lội đến đầu gối; lưng cúi về phía trước, nàng dấn mỗi lúc một sâu. Vào cữ này, nước hắn là chẳng ấm áp gì, nhưng hình như điều đó không làm nàng bận tâm Nàng bơi, nàng bơi giỏi, nhiều kiểu khác nhau và bố nhào qua những con sóng.
“Cứ để cô ta bơi, còn cậu hãy xuống khỏi cái lô-cốt ấy di.” Tôi ngoái lại đằng sau và thấy Lankes nằm xoài trên cát, phì phèo hút thuốc. Cái xương sống cá trấn ngự “bàn ăn”, trắng lấp lánh dưới nắng.
Khi tôi nhảy xuống, Lankes mở đôi mắt hoạ sĩ và nói: “Lạy Chúa, một bức tranh tuyệt vời! Nữ Tu Sĩ Lúc Triều Dâng.”
“Đồ quái vật,” tôi quát. “Ngộ nhỡ nàng chết đuối thì sao?”
Lankes nhắm mắt lại: “Thì ta gọi nó là: Nữ Tu Sĩ Chết Đuối.”
“Và nếu nàng trở lại và phục xuống dưới chân cậu?”
Mắt mở to, gã họa sĩ mần tuồng: “Thì cả nàng lẫn bức tranh sẽ được đặt tên là Nu Tu Sĩ Sa Ngã.”
Với y, bao giờ cũng là cực này hay cực kia, đầu hay đuôi, chết đuối hay sa ngã. Y lấy hết thuốc lá của tôi, ném viên trung uý về hưu khỏi cồn cát, ăn phần cá của tôỉ, dẫn một cô gái nhỏ dành cho Chúa vào bên trong một cái lô-cốt, và trong khi nàng còn đang bơi ngoài biển, khua bàn chân to cục mịch phác thảo hàng loạt tranh trong không khí. Thậm chí y còn đặt sẵn tên và định khổ trước: Nữ Tu Sĩ lúc Triều Dâng, 260cm X 160cm, Nữ Tu Sĩ Chết Đuối, Nữ Tu sĩ Sa Ngã, Hai Mươi Lăm Nghìn Nữ Tu Sĩ. Nữ Tu Sĩ ở Trafalgar. Nữ Tu Sĩ Đánh Bại Tử Tước Nelson. Nữ Tu Sĩ Chống Chọi với Gió. Nữ Tu Sĩ trước Gió. Rất nhiều đen; trắng lem nhem và xanh lạnh. Cuộc Đổ Bộ hay Man Rợ, Huyền Bí, Chán Ngắt.
Và khi chúng tôi trở về vùng Rhine, Lankes đã thực sự bắt tay vào vẽ những bức tranh đó, khổ thấp-rộng ngang hoặc cao-hẹp ngang. Y vẽ hàng loạt nữ tu sĩ, kiếm được một tay lái tranh rất mê tranh nữ tu sĩ, triển lãm bốn mươi ba bức về đề tài này, bán được mười bảy bức cho các nhà sưu tầm, doanh nghiệp, bảo tàng và một người Mỹ. Một số nhà phê bình nghệ thuật thậm chí còn cho là có thể ví y, Lankes, với Picasso.
Chính thành công của Lankes đã thuyết phục tôi phải lục tìm tấm danh thiếp của Ts Dösch, ông bầu hoà nhạc, bởi lẽ không phải chỉ có nghệ thuật của Lankes là kêu gào đòi bánh mì. Đã đến lúc Oskar, nghệ sĩ trống lên ba, cũng phải chuyển những kinh nghiệm thời chiến cũng như thời tiền chiến thành những đồng tiền vàng loẻng xoẻng của thời hậu chiến.
Chú thích:
[1] Tiếng Pháp: thời đã qua, quá khứ, dĩ vãng.
[2] Hạm đội Tây Ban Nha tấn công Anh Quốc.
[3] Tử tước Horatio Nelson (1758-1805), đô đốc hải quân Anh, một trong những danh tướng vĩ đại của nước nàv. Chiến công hiển hách nhất của ông là trận thủy chiến ở mũi biển Trafalgar thuộc bờ biển Tây Nam Tây Ban Nha (21-10-1805) trong dó ông đã đánh bại hạm đội Tây Ban Nha và hạm dội Pháp, đem lạt quyền bá chủ trên biển cho hải quân Anh. Ông đã hy sinh oanh liệt trong trận thắng lịch sử này.