Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Le Tambour
Số lần đọc/download: 3285 / 95
Cập nhật: 2017-04-06 08:38:11 +0700
Klepp
V
ậy là tôi đang ở trong hành lang với một mớ tóc vàng nhạt trong ví. Trong một giây, tôi thử sờ mớ tóc qua lần da thuộc, qua lần lót của áo vét, qua áo gi-lê, sơ-mi và may-ô; nhưng tôi đã quá mệt mỏi và cái kiểu tự thỏa mãn tình dục một cách buồn bã ấy khiến tôi không nhận ra rằng vật báu của mình chang là gì khác hơn những thứ rơi rụng mắc lại ở một chiếc lược.
Chỉ đến lúc đó Oskar mới tự thú nhận với mình rằng hắn đã định tìm những thứ thuộc một loại hoàn toàn khác. Điều tôi thực sự muốn là bằng chứng về sự hiện diện của bác sĩ Werner đâu đó trong phòng Xơ Dorothea, dù chỉ là một lá thư hay một trong những chiếc phong bì mà tôi quá biết. Tôi chẳng tìm thấy gì cả. Đến cả một cái phong bì cũng không, nói chi đến một tờ giấy có chữ viết trên đó. Oskar thú thật rằng hắn đã lấy từng cuốn tiểu thuyết trinh thám trên ngăn để mũ xuống, giở từng tờ, tìm những dòng đề tặng và những thẻ đánh dấu trang. Tôi cũng tìm xem có tấm ảnh nào chăng, vì Oskar biết phần lớn các bác sĩ ở Bệnh viện Marien, đành rằng chỉ biết mặt chứ không biết tên - nhưng không có tấm ảnh nào của bác sĩ Werner cả.
Có vẻ như bác sĩ Werner chưa hề biết phòng của Xơ Dorothea hoặc nếu y đã từng đến thì cũng không lưu lại được dấu vết gì. Oskar có đủ mọi lý do để hài lòng. Chẳng phải tôi có thuận lợi lớn so với bác sĩ Werner đó sao? Chẳng phải việc không có dấu vết gì của y là bằng chứng xác thực là quan hệ giữa bác sĩ và nữ y tá chỉ giới hạn trong phạm vi bệnh viện, có nghĩa mang tính thuần túy nghề nghiệp và nếu như có gì mang tính cá nhân giữa họ, thì đó chỉ là đơn phương?
Tuy nhiên, lòng ghen của Oskar vẫn đòi có một cái cớ nào đó. Cho dù một dấu vết nhỏ nhất của bác sĩ Werner sẽ là một đòn choáng váng đối với tôi, nó cũng sẽ đồng thời đem lại cho tôi một niềm thoả mãn bội phần lớn hơn so với cuộc phiêu lưu nhỏ, ngắn ngủi của tôi trong tủ áo.
Tôi không nhớ tôi đã trở về phòng mình như thế nào. Tuy nhiên, tôi nhớ là có nghe thấy một tiếng ho giả vờ cốt để lôi kéo sự chú ý, từ đằng sau cửa phòng me-xừ Münzer ở cuối hành lang. Cái xừ Münzer này là gì đối với tôi? Tôi chẳng đang bù đầu với Xơ Dorothea đó sao? Đâu phải lúc bận mình thêm với xừ Münzer này - ai mà biết cái gì ẩn giấu đằng sau cái tên ấy? Và như vậy Oskar không để tai đến tiếng ho mời chào ấy, hay đúng hơn, tôi không hiểu người ta muốn gì tôi, và chỉ đến khi về phòng rồi, tôi mới vỡ nhẽ ra là cái tay Münzer ấy, con người hoàn toàn xa lạ chẳng có nghĩa gì đối với tôi ấy, đã ho để nhử tôi đến phòng y.
Tôi phải thừa nhận điều này: hồi lâu, tôi đâm tiếc là đã không phản ứng với tiếng ho đó, vì phòng tôi dường như bỗng trở nên quá chật đồng thời lại quá lớn đến nỗi một cuộc trò chuyện, dù gượng gạo và buồn tẻ nhất, với xừ Münzer ho giả vờ, ắt cũng làm cho tôi thấy dễ chịu. Nhưng tôi không thể huy động can đảm để thiết lập một quan hệ muộn mằn - chẳng hạn tôi có thể ra hành lang dắng một tiếng ho đáp lại - với cái tay ở đằng sau cánh cửa cuối hành lang. Tôi thụ động nộp mình cho những góc cạnh tàn nhẫn của cái ghế bếp. Như bất cứ khi nào ngồi vào ghế, tôi cảm thấy bồn chồn không yên. Tôi cầm một cuốn sách tham khảo về y học ở giường lên, rồi lại ném cuốn sách đắt tiền ấy xuống đất thành một xấp giấy nhàu nát và đến bên bàn nhấc lấy món tặng phẩm của Raskolnikov - cái trống. Tôi cầm nó trong tay nhưng tôi không thể xuống dùi cũng như Oskar không thể trút xuống cái mặt tròn láng sơn trắng những giọt nước mắt khả dĩ đem lại cho tôi chút nguôi dịu phi tiết tấu.
Đến đây, tôi có thể khởi đầu một tiểu luận về sự ngây thơ bị đánh mất, một so sánh giữa hai Oskar - chú bé đánh trống mãi mãi ba tuổi và gã gù không giọng, không nước mắt, không trống. Nhưng như vậy sẽ là một sự đơn giản hóa quá đáng và không đúng sự thật: ngay từ thời kỳ đánh trống, Oskar đã nhiều lần đánh mất rồi lại thu hồi sự ngây thơ của mình, hoặc giả chờ cho nó mọc trở lại, vì sự ngây thơ có thể ví với một loại cỏ sum suê - hãy thử nghĩ về những bà nội bà ngoại ngây thơ đã từng là những hài nhi hằn học, bỉ ổi - không, không phải những suy nghĩ phi lý về sự ngây thơ và sự ngây thơ bị đánh mất đã làm Oskar nhảy bật lên từ chiếc ghế bếp: không, chính tình yêu của tôi đã ra lệnh cho tôi đặt cái trống lại chỗ cũ mà không đánh và rời khỏi phòng, hàng lang và căn hộ để hối hả đến Trường Mỹ thuật mặc dầu cuối chiều mới đến giờ hẹn của tôi với Giáo sư Kuchen.
Khi Oskar loạng choạng ra khỏi phòng, bước vào hành lang, cố tình mở cửa ra vào căn hộ thật ầm ĩ, tôi để một lúc nghe ngóng phía cửa phòng xừ Münzer. Không thấy tiếng ho. Xấu hổ, kinh tởm, vừa no đến chán ngấy vừa đói cuồng, vừa chán sống vừa khát khao sống, tôi gần như muốn oà khóc khi rời khỏi căn hộ và ngôi nhà ở phố Jiilicher -Strasse.
Mấy ngày sau, tôi thực hiện một kế hoạch bao lâu ấp ủ mà tôi đã gạt bỏ nhiều lần đến nỗi giờ đây nó được chuẩn bị kỹ đến từng chi tiết. Hôm ấy, tôi có cả một buổi sáng rảnh rỗi. Mãi đến ba giờ, Oskar và Ulla mới phải ngồi mẫu cho Raskolnikov. Tôi sẽ là Ulysse khi trở về tặng nàng Penelope một cái bướu, hẳn là đã mọc lúc nào đó trong khi chu du cùng trời cuối đất. Tôi đã hoài công thuyết phục gã họa sĩ từ bỏ cái ý này. Trong một thời gian, gã đã khai thác thành công các thần và á thần Hy Lạp, và Ulla cảm thấy hoàn toàn thoải mái với các đề tài thần thoại. Tôi đành nhượng bộ và để cho người ta vẽ mình thành Vulcan, thành Pluton cùng với Proserpine và cuối cùng, chiều nay, là một chàng Ulysse gù. Nhưng vì tôi quan tâm nhiều hơn đến những sự kiện ban sáng, nên Oskar sẽ không kể cho quý vị nghe Nàng Thơ Ulla-Penelope nom như thế nào. Thay vào đó, xin thưa:
Sáng hôm đó, yên tĩnh ngự trị trong căn hộ Zeidler. Con Nhím đang trên đường cùng với những cái tông-đơ của mình, Xơ Dorothea đi làm ca ngày và đã rời nhà từ sáu giờ sáng, và bà Zeidler hãy còn nằm trên giường khi thư từ đến vào lúc sau tám giờ một chút.
Tôi lập tức điểm qua một lượt. Không có gì cho tôi: Maria viết từ hai hôm trước. Nhưng ngay từ cái liếc mắt đầu tiên, tôi đã phát hiện ra ngay một cái phong bì đóng dấu bưu điện thành phố và mang tự dạng không thể lẫn được của bác sĩ Werner.
Trước hết, tôi trả bức thư lại với những bức khác gửi cho ông Münzer và bà Zeidler, quay về phòng và chờ đến khi bà Zeidler ra cửa, mang cho ông Münzer bức thư của ông ta, vào bếp rồi trở lại phòng ngủ của mình và đúng mười phút sau rời căn hộ vì ngày làm việc của bà ở Công ty Mannesmann bắt đầu từ chín giờ.
Để cho an toàn, Oskar vẫn đợi và chỉ sau khi mặc quần áo rất đủng đỉnh, đánh móng tay với vẻ hết sức bình tĩnh (thực ra là tự diễn với mình), mới quyết định hành động. Tôi vào phòng bếp, đặt một siêu nhôm đổ nước đầy đến nửa lên cái bếp ga lớn nhất trong ba cái, mở ga hết cỡ nhưng giảm dần khi nước bắt đầu sôi. Rồi thận trọng giữ sao cho ý nghĩ thật sát với hành động, tôi bước tới trước phòng Xơ Dorothea, lấy bức thư mà bà Zeidler đã nhét một nửa xuống dưới cánh cửa lắp kính mờ, quay về phòng bếp và thận trọng giơ mặt sau bì thư lên hơi nước sôi cho đến khi có thể bóc ra không xuy xuyển chút nào. Khỏi phải nói là Oskar đã tắt ga trước khi mạo hiểm giơ bức thư của bác sĩ Werner lên trên siêu nước.
Tôi không đọc thư của tay thày thuốc ở trong bếp, mà về nằm dài trên gường đọc. Thoạt đầu tôi hơi thất vọng vì cả câu chào mở đầu "Dorothea thân mến" lẫn công thức kết thúc "Với tình cảm chân thành" đều không rọi chút ánh sáng nào vào mối quan hệ bác sĩ - nữ y tá này.
Đọc hết bức thư, tôi cũng không thấy một từ âu yếm thật sự nào. Bác sĩ Werner tỏ ý tiếc là hôm trước đã không nói chuyện được với Xơ Dorothea mặc dù y đã trông thấy nàng từ cửa khu điều trị riêng cho nam giới. Vì những lý do mà bác sĩ Werner không rõ, Xơ Dorothea đã quay đi khi thấy y nói chuyện với Xơ Beata - bạn thân của Dorothea, như chúng ta còn nhớ. Bác sĩ Werner chỉ xin được giải thích: cuộc nóì chuyện của y với Xơ Beata hoàn toàn chỉ có tính chất chuyên môn. Xơ Beata là người sôi nổi, nhưng, như Xơ Dorothea biết đấy, y bao giờ cũng hết sức giữ khoảng cách. Việc đó không phải là dễ, Dorothea chắc cũng hiểu thế vì nàng còn lạ gì tính Beata. Có nhiều lần Xơ Beata không hề giấu giếm tình cảm của mình mà y không bao giờ đáp lại. Câu cuối thư là thế này: "Xin hãy tin tôi, cô có thể thoải mái ghé chỗ tôi bất cứ lúc nào." Mặc dù cái giọng khách sáo lạnh lùng của câu này gần như là kênh kiệu, tôi không mấy khó khăn để nhìn thấu gan ruột bác sĩ Werner và nhận ra tờ giấy này thực sự là cái gì: một bức thư tình.
Tôi nhét trả lá thư vào phong bì như cái máy. Quên mọi ý thức vệ sinh sơ đẳng, tôi thè lưỡi nhấp ướt nắp phong bì mà có lẽ Werner cũng đã liếm. Rồi tôi phá lên cười. Vừa cười vừa lần lượt vỗ trán, vỗ chỏm đầu một lúc, tôi mới mở cửa ra hành lang và nhét nửa lá thư xuống dưới cửa phòng Xơ Dorothea.
Tôi vẫn đang ngồi xổm với một hay hai ngón tay còn đặt trên bức thư, thi có tiếng xừ Münzer ở cuối hành lang, ông ta nói chậm và nhấn giọng như đọc chính tả. Tôi có thể nghe rõ từng chữ một: "Thưa ông hảo tâm, ông có thể mang cho tôi ít nước được không?"
Tôi đứng dậy. Tôi thoáng nghĩ rằng chắc ông ta ốm. Nhưng rồi tôi lập tức hiểu ra rằng người đàn ông đằng sau cánh cửa không ốm, rằng Oskar vớ lấy cái ý ấy chỉ cốt có cớ để mang nước đến cho ông ta mà thôi.
Thoạt đầu, tôi định mang chỗ nước vẫn còn ấm đã giúp tôi bóc bức thư của bác sĩ Werner. Nhưng rồi tôi đổ số nước đã dùng ấy vào bồn rửa, vặn nước mát vào siêu và mang cả siêu lẫn nước tới cánh cửa mà đằng sau đó có tiếng người kêu tôi và kêu nước, mà có lẽ chỉ kêu nước mà thôi.
Oskar gõ cửa, bước vào và vấp ngay phải cái mùi rất đặc trưng của Klepp. Bảo cái mùi này chua chua, tức là bỏ qua tính đậm đặc và dịu ngọt của nó. Không khí bao quanh Klepp chẳng có gì chung với, chẳng hạn, cái mùi dấm của phòng Xơ Dorothea. Nói nó chua-ngọt cũng sai. Cái tay Münzer này, hay Klepp, như về sau tôi gọi hắn, cái con người to béo, lười nhác nhưng không phải không hoạt động, dị đoan, mau đổ mồ hôi, hàng tháng không tắm nhưng chưa đến độ cù bơ cù bất này, cái tay thổi sáo và cla-ri-nét cho dàn nhạc jazz này mà bao giờ cũng có chuyện này hay chuyện khác ngăn không cho chết, phải hắn ta đã và bây giờ vẫn đang có cái mùi của một thây ma không ngừng hút thuốc lá, mút kẹo bạc hà và ăn tỏi. Dạo ấy, hắn đã phả ra cải mùi như vậy, bây giờ hắn vẫn phả ra và thỏ ra cải mùi ấy. Những ngày thăm bệnh nhân, hắn đến tôi, mang theo niềm vui sống và ý thức về sự phù du cùng với cái mùi ấy như một cơn lũ tràn ngập không gian, đến nỗi ngay sau khi Klepp rối rít chào tạm biệt, hứa sẽ đến nữa và rời khỏi phòng là Bruno phải mở toang mọi cửa ra vào và cửa sổ.
Giờ đây, Oskar nằm bẹp giường. Bữa ấy, trong căn hộ Zeidler, tôi thấy Klepp đang vui vẻ thối rữa trên những dư tàn của một cái giường. Cách hắn một với tay - tôi quan sát - một cái đèn cồn kiểu cổ nom rất ba-rốc, khoảng mười hai, mười ba gói mì spaghetti, mấy hộp dầu ô-liu, mấy tuýp xốt cà chua, một ít muối thô và ướt gói trong giấy báo và một két bia mà hóa ra là có nhiều chai âm ấm. Hắn nằm đái vào những chai bia không, rồi, như hắn tâm sự với tôi khoảng một giờ sau, lại đậy nắp những cái chai xanh xanh mà dung lượng cũng ngang ngang dung lượng của hắn và phần lớn đều đầy đến miệng. Để tránh mọi hiểu lầm phát sinh từ những cơn khát đột ngột, hắn để riêng những chai đó sang một bên, thận trọng phân biệt chúng với những chai bia còn xứng đáng được gọi là thế. Mặc dù có vòi nước máy trong phòng - với chút ít tinh thần sáng tạo, hắn có thể đái vào bồn rửa - hắn quá lười, hay đúng hơn, quá bận rộn với bản thân, để đứng dậy, để rời cái giường mà hắn đã tốn bao công phu chỉnh đi chỉnh lại cho vừa với người hắn, và để thay nước mới vào xoong spaghetti của mình.
Vì Klepp - tôi muốn nói Münzer - bao giờ cũng cẩn thận nấu mì spaghetti trong cùng một lượng nước ấy, một lượng nước dùng đun đi đun lại, càng ngày càng đặc quánh mà hắn giữ như giữ con ngươi của mắt, nên thường khi hắn có thể, với sự giúp đỡ của số chai bia dự trữ, nằm dài bốn ngày liền hoặc hơn thế. Tình hình chỉ trở nên gay cấn khi nào nước dùng spaghetti của hắn đã cạn thành một thứ cặn nhầy dinh dính mặn chát, cố nhiên khi đó, Klepp có thể để mình đói đến chết, nhưng vào những ngày ấy, hắn lại thiếu cơ sở tư tưởng cho loại ứng xử này; hơn nữa, khổ hạnh của hắn được phân định từng chu kỳ bốn-năm ngày một. Nếu không, bà Zeidler, người thường mang thư đến cho hắn hay một xoong spaghetti lớn hơn, có thể dễ dàng giúp hắn càng độc lập hơn với thế giới bên ngoài.
Vào cái hôm Oskar vi phạm bí mật thư tín, Klepp đã nằm độc lập trên giường được năm ngày, cặn nước dùng spaghetti của hắn đã đủ dính để dán áp-phích trên đường phố. Đó là tình cảnh hắn khi hắn nghe thấy bước chân phân vân của tôi ngoài hành lang, bước chân đầy bận tâm về Xơ Dorothea và thư từ giao dịch của nàng. Nhận thấy lần trước Oskar đã không phản ứng gì với tiếng ho giả vờ, hôm tôi mở bức thư tình đam mê một cách lạnh lùng của bác sĩ Werner, hắn bèn ném giọng mình vào cuộc và nói: " Thưa ông hảo tâm, ông có thể mang cho tôi ít nước được không?"
Và tôi lấy cái siêu, đổ nước ấm đi, vặn vòi cho nước chảy vào đầy nửa siêu, rồi thêm một tí nữa và mang nước mới đến cho hắn vớ tư cách là "ông hảo tâm" như hắn gọi. Tôi tự giới thiệu: Matzerath, thợ đẽo đá và khắc chữ trên đá.
Cũng lịch sự như ai, hắn cất nửa người trên lên vài độ, xưng danh là Egon Münzer, nhạc công jazz, nhưng đề nghị tôi cứ gọi là Klepp, vì cha hắn đã mang cái tên Münzer trước hắn rồi. Tôi rất thông cảm với yêu cầu này: tôi thích người ta gọi tôi là Koljaiczek hơn, hay đơn giản là Oskar. Tôi giữ cái tên Matzerath hoàn toàn là vì khiêm nhường. Năm thì mười họa tôi mới quyết định xưng là Oskar Bronski. Do đó, tôi không khó khăn gì để gọi cái gã trai to béo nằm dài ấy - mới nhìn tưởng ba mươi, nhưng thực ra còn trẻ hơn - bằng cái tên mộc mạc là Klepp. Còn hắn thì gọi tôi là Oskar vì không vặn lưỡi để phát âm Koljaiczek được.
Chúng tôi trò chuyện, mới đầu đều cố sao cho thoải mái và bám lấy những đề tài phù phiếm nhất. Hắn có tin, tôi hỏi, vào sự tiền định không? Có. Hắn có tin rằng tất cả mọi người phải chết không? Có, hắn cảm thấy chắc chắn là tất cả mọi người cuối cùng đều phải chết, nhưng hắn không dám chắc rằng ai cũng phải được sinh ra. Hắn tin chắc rằng bản thân hắn sở dĩ sinh ra là do một lầm lẫn nào đó. Một lần nữa, Oskar lại cảm thấy một mối đồng cảm với hắn. Cả hai chúng tôi đều tin có trời, nhưng khi Klepp nói "trời", hắn cười khẩy một tiếng và gãi gãi bên dưới tấm mền đắp: rõ ràng là ngay từ bây giờ, ở dưới trần, Klepp tiên sinh đã mưu tính những trò tinh quái mà hắn sẽ thực hiện ở trên trời. Khi bập vào đề tài chính trị, hắn bỗng trở nên say sưa; hắn đọc vanh vách tên của khoảng ba trăm gia đình quý tộc Đức mà hắn sẵn sàng giao ngay toàn bộ nước Đức vào tay họ, chỉ trừ miền Hanover mà Klepp hào hiệp nhượng cho Đế chế Anh Cát Lợi. Khi tôi hỏi hắn ai sẽ cai quản nơi trước kia là Thành phố Danzig Tự Do, hắn nói xin lỗi, hắn chưa bao giờ nghe nói về nơi ấy, nhưng ngay cả như thế, vẫn có thể đề cử một vị bá tước vùng Berg, thuộc dòng dõi gần như trực hệ - hắn có thể bảo đảm vậy - của chính Jan Wellem. Cuối cùng, (trước đó, chúng tôi đã thử định nghĩa khái niệm về sự thật và đã tiến triển rõ rệt) nhờ khéo léo xen vào vài câu hỏi, tôi được biết Klepp tiên sinh đã là khách trọ của vợ chồng Zeidler từ ba năm nay. Chúng tôi tỏ ý tiếc là đã không gặp nhau sớm hơn. Tôi nói đó là lỗi tại Con Nhím đã không thông tin cho tôi đầy đủ về vị khách trọ nằm lì ở giường, cũng như ông ta chẳng nói gì về Xơ Dorothea, ngoài một điều là có một nữ y tá ở đằng sau cánh cửa lắp kính mờ.
Oskar không muốn ngay từ đầu đã bắt me-xừ Münzer tức Klepp chia sẻ những điều phiền muộn của mình. Cho nên tôi không hỏi gì về người, nữ y tá. Thay vì, tôi hỏi Klepp về chính hắn: "Nhân nói đến y tá," tôi nói, "ông có ốm không đấy?"
Một lần nữa, Klepp nhấc mình lên một độ, nhưng khi thấy rõ là mình sẽ không bao giờ đạt đến vuông góc, hắn lại buông mình xuống và nói riêng với tôi lý do thật sự khiến hắn nằm lì ở giường: hắn đang cố khám phá xem sức khỏe của mình là tốt, trung bình hay kém. Hắn hy vọng vài tuần nữa là có thể xác định nó vào loại trung.
Thế rồi điều đó xẩy đến. Đó chính là điều tôi sợ, nhưng hy vọng rằng một cuộc trò chuyện dài và lan man có thể giúp tôi tránh khỏi. "A, ông bạn thân mến, ông vui lòng ăn với tôi đĩa mì spaghetti chứ?" Làm sao mà từ chối được! Chúng tôi ăn spaghetti bằng nước mới tôi mang đến. Tôi những muốn đem cái xoong nấu mì của hắn ra bồn rửa kì cọ cho thật sạch, nhưng tôi sợ, không dám hé răng. Klepp xoay nghiêng người và lặng lẽ nấu với những động tác chắc chắn của một kẻ mộng du. Khi mì đã chín, hắn gạn hết nước sang một cái hộp không lớn rồi hầu như không thay đổi tư thế nửa người trên, với tay xuống gầm giường lôi ra một cái đĩa bết mỡ và cặn xốt cà chua. Sau một thoáng lưỡng lự, hắn lại với tay xuống gầm giường, moi ra một tờ báo vo viên lau qua cái đĩa, rồi lại ném tờ báo vào gầm giường. Hắn hà hơi vào cái đĩa còn nhờn như để thổi đi nốt một hạt bụi cuối cùng và sau rốt, với một cử chỉ học đòi quý phái, đưa cho tôi món ăn kinh tởm nhất tôi từng thấy và mời Oskar thưởng thức.
"Tiền chủ hậu khách," tôi nói. Nhưng vô phương, hắn là một ông chủ hoàn hảo. Sau khi đưa tôi một chiếc cùi-dìa và một chiếc dĩa nhờn đến nỗi dính cả vào ngón tay tôi, hắn chất lên đĩa tôi một tảng mì tướng, bên trên đó, với một cử chỉ quý phái khác, hắn bóp thêm một con giun xốt cà chua đóng tuýp, cuối cùng, rưới dầu hộp lên toàn bộ mớ lầy nhầy đó. Bản thân hắn thì ăn luôn ở xoong. Hắn pha dầu và xốt cà chua vào phần của mình, rắc hạt tiêu, rồi trộn đều lên và ra hiệu cho tôi cũng làm thế. "Ôi, ông bạn thân mến," hắn nói khi tất cả đã sẵn sàng, "tôi xin lỗi vì không có pho-mát Parma. Dù sao cũng chúc ông ngon miệng."
Cho đến hôm nay, Oskar vẫn không thể hiểu được làm sao tôi có thể gom đủ can đảm để sử dụng cùi dìa và dĩa của hắn. Thật kỳ kạ, tôi lại thấy món spaghetti ngon. Thực tế, món spaghetti của Klepp từ đó trở thành một chuẩn mực nấu ăn để tôi làm căn cứ đánh giá mọi thực đơn bày ra trước mặt tôi.
Trong khi ăn, tôi đã kín đáo quan sát khá kỹ căn phòng của người nằm lì. Điểm hấp dẫn chủ yếu là một cái lỗ ống khói để ngỏ, ngay dưới trần, qua đó gió lọt vào phòng như một hơi thở đen. Có hai cửa sổ và bên ngoài, gió ào ào. Có vẻ như đây chính là những luồng gió đã thốc những đám mây mồ hóng qua ống khói lò sưỏi, xâm nhập căn phòng và phủ lên đồ đạc. Vì đồ đạc chỉ có cái giường ở giữa và mấy tấm thảm cuộn lại, phủ giấy gói hàng nên có thể nói chắc rằng trong phòng không có gì bị nhuốm đen hơn chiếc khăn trải giường xưa trắng bốp, cái áo gối dưới đầu Klepp và một cái khăn mặt mà Klepp bao giờ cũng vớ lấy phủ lên mặt mỗi khi gió xua một đám mây mồ hóng vào phòng.
Cả hai cửa sổ, giống như những cửa sổ phòng khách nhà Zeidler, đều nhìn ra phố Julicher- Strasse, hay chính xác hơn, nhìn ra vòm lá xanh của cây hạt dẻ đứng trước cửa nhà. Bức hình duy nhất trong phòng là tấm ảnh màu chụp nữ hoàng Anh Elisabeth, có lẽ cắt từ một tờ họa báo hàng tuần. Dưới tấm ảnh, những chiếc kèn túi treo ở một cái móc, mà mô-típ trang trí Xcốt-len vẫn còn có thể nhận ra dưới lớp mồ hóng. Trong khi tôi ngắm tấm ảnh màu, mà lòng nghĩ không phải đến Elisabeth và Philip của bà, mà là đến Xơ Dorothea tội nghiệp bị giằng xé giữa Oskar và bác sĩ Werner, thì Klepp cho tôi biết hắn là một người ủng hộ trung thành và nhiệt tình của Hoàng gia Anh và vì thế đã theo một lớp kèn túi do các nhạc công của một trung đoàn Xcốt-len thuộc Quân đội Chiếm đóng Anh; tình cờ thế nào Elisabeth lại là đại tá ở trung đoàn này, khiến hắn càng có lý do để nhận những nhạc công kia là thày. Klepp đã thấy bà trên phim thời sự mặc váy ngắn Xcốt-len, đang điểm binh trung đoàn này.
Kỳ lạ thay, đến đây, con người Chính giáo trong tôi bắt đầu ngọ nguậy. Tôi nói tôi không tin là Elisabeth biết gì về âm nhạc kèn túi, chêm vào một đôi câu về việc hành hình tàn bạo và bất công đối với Mary Stuart theo Chính giáo, và tóm lại, muốn để Klepp hiểu rằng, theo ý kiến tôi, thì Elisabeth điếc nhạc.
Tôi chờ đợi một cơn thịnh nộ của anh chàng bảo hoàng này. Nhưng hắn mỉm một nụ cười kẻ cả và đề nghị tôi giải thích: liệu tôi có cơ sở để vỗ ngực là người có thẩm quyền về âm nhạc?
Một hồi lâu, Oskar nhìn Klepp trừng trừng. Vô tình, hắn đã làm xòe một tia lửa trong tôi và từ đầu tôi tia lửa ấy vọt sang cái bướu. Cứ như thể tất cả những cál trống xưa tả tơi, kiệt quệ của tôi đã quyết định tiến hành một cuộc Phán Xét Cuối Cùng cho riêng chúng vậy. Cả ngàn cái trống tôi đã ném vào đống đồng nát và cái trống tôi đã chôn ở nghĩa trang Saspe bỗng hồi sinh, lại trỗi dậy, tráng kiện; âm vang của chúng tràn ngập cả người tôi. Tôi bật dậy khỏi giường, xin Klepp thứ lỗi cho một lát thôi và lao ra khỏi phòng. Vượt qua cánh cửa lắp kính mờ của Xơ Dorothea - nửa bức thư vẫn thò ra - tôi chạy về phòng mình, nơi cái trống Raskolnikov tặng tôi hồi gã vẽ bức "Madonna 49" đang đợi tôi. Tôi vớ lấy trống và cặp dùi. Tôi quay lại hoặc bị lái quay lại, rời phòng, lao nhanh qua căn phòng cấm, bước vào căn bếp spaghetti của Klepp như một kẻ viễn du trở về nhà. Tôi ngồi xuống giường và, không đợi yêu cầu, đặt cái hình trụ tròn sơn trắng-đỏ của mình vào tư thế. Mới đầu cảm thấy hơi lóng ngóng, tôi xoay xoay đôi dùi một lúc, làm vài động tác nhỏ trên không. Rồi nhìn xuyên qua một gã Klepp ngỡ ngàng, tôi buông một đầu dùi xuống mặt trống như thể hú họa và ôi chao! trống đáp lại Oskar, và Oskar đưa chiếc dùi thứ hai vào cuộc. Tôi bắt đầu chơi, kể lại mọi chuyện theo trình tự: bắt đầu là lúc bắt đầu.
Con bướm giữa hai bóng điện dóng trống báo giờ tôi ra đời.
Cầu thang hầm kho mười sáu bậc, tùng, tùng, tùng, cú ngã trong buổi sinh nhật lần thứ ba đã thành huyền thoại của tôi.
Thời khóa biểu của trường Pestalozzi, tùng các các.
Tháp Công Lý, các tùng tùng. Tôi ngồi cùng cái trống dưới những khán đài chính trị.
Lươn, hải âu, những tiếng đập thảm ngày Thứ Sáu Thánh.
Cỗ áo quan của mẹ tội nghiệp, thuôn đằng chân.
Bản saga về cái lưng đầy sẹo của Herbert Truczinski.
Khi tôi bắt vào chủ đề cuộc phòng thủ Sở Bưu Chính Ba Lan, tôi nhận thấy một chuyển động ở đầu giường: khẽ liếc mắt, tôi thấy Klepp ngồi dậy, lấy một cây sáo gỗ kỳ cục từ dưới gối, đặt lên môi và thổi lên những âm ngọt ngào và phi phàm và hoà hợp với tiếng trống của tôi đến nỗi tôi có thể dẫn Klepp đến nghĩa trang Saspe giới thiệu với Leo Schugger và sau khi Leo Schugger kết thúc điệu nhảy của anh ta, Klepp giúp tôi làm cho bột sủi của mối tình đầu của tôi sủi bọt vì hắn; thậm chí tôi còn dẫn Klepp vào tận rừng sâu của bà Lina Greff; tôi khiến cái máy - đánh trống của Greff-Rau-Quả với vật đối trọng bảy mươi lăm kí chơi khúc kết hoành tráng của nó; tôi hoan nghênh Klepp đến Đoàn văn công tiền tuyến Bebra, làm cho Jêxu nói và đánh trống, buộc Störtebeker cùng các chiến hữu Quét Bụi của gã lao từ cầu nhảy xuống - và Lucy ngồi bên dưới. Tôi để đàn kiến và đám lính Nga chiếm cái trống của tôỉ. Nhưng tôi không đưa Klepp trở lại nghĩa trang Saspe khi tôi vứt cái trống xuống huyệt sau Matzerath, mà bắt vào chủ đề chính bất tận của tôi: những cánh đồng khoai tây Kashubes dưới mưa tháng mười, bà ngoại tôi ngồi với bốn chiếc váy; và thiếu chút nữa, tim Oskar biến thành đá khi tôi nghe thấy mưa tháng mười tí tách từ cây sáo của Klepp khi mà dưới mưa và bốn tầng váy, sáo của Klepp phát hiện ra Joseph Koljaiczek người-phóng-hỏa và ca mừng việc thụ thai mẹ tội nghiệp của tôi.
Chúng tôi chơi mấy giờ liền. Sau một số biến tấu trên chủ đề ông ngoại tôi chạy trốn trên những bè gỗ, chúng tôi, mệt lử nhưng sung sướng, kết thúc cuộc hoà nhạc của mình bằng một khúc tụng ca, một khúc ca nói lên niềm hy vọng rằng có lẽ một phép màu nào đó đã cứu thoát người phóng hoả.
Trước cả khi nốt cuối cùng rời hắn cây sáo, Klepp nhảy bật lên khỏi chiếc giường ấm của mình. Những mùi thây ma theo hắn, nhưng hắn mở toang cửa sổ, nhét giấy báo vào cái lỗ ống khói, xé nát bức ảnh của nữ hoàng Anh Elisabeth, tuyên bố kỷ nguyên bảo hoàng đã chấm dứt, vặn nước vào bồn rửa mặt và tắm: phải, Klepp tắm, chẳng có gì mà hắn sợ không dám gột đi. Đây không phải là tắm đơn thuần, mà là một cuộc tẩy rửa. Và khi kẻ tẩy rửa thôi dội nước và đứng trước mặt tôi trần truồng, mập mạp, ròng ròng, dương vật thỗn thện lệch lẹo, và phây phây sức trẻ, nhấc tôi lên, nhấc bổng tôi lên - vì Oskar trước nay vẫn nhẹ cân - khi hắn phá lên cười và tiếng cười vút lên trần nhà, thì tôi hiểu rằng không phải chỉ cái trống của Oskar vươn dậy từ cái chết, mà cả Klepp cũng hồi sinh. Và chúng tôi chúc mừng nhau và hôn lên má nhau.
Cùng hôm ấy - đến tối, chúng tôi ra ngoài uống bia nhắm dồi tiết với hành - Klepp đề xuất ý kiến là chúng tôi nên cùng nhau lập một ban nhạc jazz. Tôi đề nghị để tôi suy nghĩ một thời gian, nhưng Oskar thì đã quyết định từ bỏ những hoạt động ngồi mẫu và đẽo đá để trở thành người chơi bộ gõ trong dàn nhạc jazz.