Số lần đọc/download: 13190 / 450
Cập nhật: 2015-03-02 12:48:56 +0700
Phần IV - Thời Dân Chủ
( Đúng lý, tôi phải gọi phần này là Thời Đảng Trị ( chuyên chính) vì ngày nay ở Trung Hoa cũng như ở khắp các nước khác tự xưng là Dân Chủ, dân không thực sự làm chủ; họ chỉ bầu lên một cách tự do hay bị bắt buộc một đảng và chính đảng đó mới trị dân, nhiều khi ngược hẳn nguyện vọng của dân.
Danh từ dân chủ sai, nhưng nó thông dụng quá rồi, khó bỏ được.
Đời Tống cũng đã có hai đảng tân và cựu thay nhau lên cầm quyền, nhưng vẫn là theo sự chỉ định của nhà vua, chưa thật là Đảng trị hay đảng Quốc Dân và đảng Cộng Sản ngày nay )
LỜI NÓI ĐẦU
Thế kỷ XVIII Âu Châu cho Trung Hoa là nước văn minh nhất thế giới, thế kỷ sau họ gọi Trung Hoa là con sư tử ngủ, chính Napoléon cũng bảo "Khi Trung Hoa cựa mình thức dậy thì thế giới sẽ rung động" ( Quand la Chine s éveillera, le monde tremblera). Qua đầu thế kỷ chúng ta, Trung Hoa đã thức dậy; từ cách mạng 1911 tới nay mới được bảy chục năm thời gian này còn ngắn quá trong lịch sử loài người thế giới chưa rung động nhưng cũng đã ngạc nhiên và ngài ngại.
Khi ngủ thì họ ngủ cả ngàn năm mà khi thức dậy thì họ tiến rất mau: từ một nước quân chủ chuyên chế, mới đầu họ chỉ muốn tiến thành một nước quân chủ lập hiến; ý đó chưa kịp thực hiện thì họ đã nhảy một bước nữa, thành một nước Cộng Hòa Dân Chủ, đồng thời lại có một phe muốn thành lập một nước Cộng sản; trong khoảng hai chục năm hai phe tranh giành nhau và tới 1949 thì phe Cộng sản thắng. Như vậy là chỉ trong bốn chục năm, Trung Hoa, về chính trị, đã " mới " nếu không muốn gọi là " tiến " hơn Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nhật... Tôi nói về " chính trị ", vì về kinh tế, kỹ nghệ, văn hóa... họ vẫn còn lẹt đẹt.
Hiện nay họ nhận thấy nhược điểm đó, nên đã có ý chuyển hướng, không ai dám kiên đoán về tương lai của họ cả.
Vì có hai phe tranh hùng : phe Quốc Đảng và phe Cộng Sản, tức phe Tưởng Giới Thạch và phe Mao Trạch Đông, nên việc chép sử thời nay khó được minh bạch biến cố rất nhiều, tác động lến cả hai phe, chép riêng về phe Quốc Dân Đảng trước rồi mới phe Cộng Sản thì vô nghĩa, tôi phải chép chung lịch sử của hai phe tới năm 1949, cho vào chương II, nhan đề là thời Dân Quốc ; chương III chép về thời Cộng Sản ( 1) Thời này phe Tưởng chỉ chỉ còn giữ được đảo Đài Loan, tồn tại được nhờ sự x che chở của Mỹ, không có ảnh hưởng gì cả. Còn chương I tôi dành cho những vận động của Tôn Văn, « cha của Cách Mạng «, và sự thành lập hai đảng Quốc và Cộng.
Nói khó khăn lớn nhất là việc kiếm và lựa tài liệu. Viết về các triều đại thời Quân Chủ, tài liệu chúng tôi kiếm được không nhiều : dăm ba bộ sử Trung Hoa và khoảng mười cuốn của Pháp, Anh, Mỹ. Đại khái thì sự nhận định của các tác giả tuy có khác nhau, nhưng không đến nổi mẫu thuẫn nhau . Do đó việc lựa chọn tương đối dễ.
Trái lại, về thời hiện đại, sách Trung Hoa, ngoài vài cuốn giao khoa của phe Dân Quốc chép rất vắn tắt, tới năm 1949 thôi, không có gì cả, còn sách của người Âu thì viết rất nhiều, không sao đọc hết được, nếu kể cả những bài báo, những tập phóng sự, hồi ký, du ký. Mà càng nhiều lại càng khó lựa, khó biết được sự thật ở đâu. Ví dũ vụ Tưởng Giới Thạch bị bắt cóc ở Tây An, mỗi tác giả chép một khác, tới bây giờ vẫn còn có điều bí ẩn.
Vì vậy để lựa chọn cho đỡ lầm, tôi tự đặt bốn tiêu chuẩn dưới đây :
1- Tin các học giả hơn các phóng viên, chính khách, nhất là khi các học giả đó không theo Cộng thuộc vào các nước Trung lập trong chiến tranh Quốc Cộng.
2- Lựa sách theo sự hướng dẫn của các học giả có uy tín, như của Lucien Blanco trong mục Biographie annotée ( Les origines de la Révoluction Chinoise Gallimard).
3- Khi có hai thuyết khác nhau của những học giả đáng tin thì tôi dẫn cả hai ;
4- Từ năm 1950 chính quyền cách Mạng ( Cộng Sản ) của nước ta theo sát đường lối, chính sách, tổ chức giống của Trung Hoạ tôi chỉ thấy « công xã nhân dân «, « cách mạng văn hóa » của họ là không truyền qua ta). Vậy cuốn nào viết về xã hội Trung Quốc, mà có nhiều điểm giống với xã hội của ta thì cuốn đó đáng tin ( chẳng hạn cuốn La Chine devant l’échec của Fernand Gigiou Flammarion 1962 mà tôi cho là có giá trị mặc dầu ít người nhắc tới )
Chép sử thì không ai có thể hoàn toàn khách quan được chỉ có thể thành thực được thôi. Chỉ ghi lại những việc xảy ra, không tìm hiểu nguyên nhân, không khen, không chê, thì theo tôi, không phải là viết sử. Có những giá trị tinh thần mà chúng ta phải tôn trọng, phải bênh vực, trái lại thì phải chê. Có như vậy mới la thành thực với người đọc và với chính mình.
N. H. L
( Các sách Hán đều gọi chế độ của Tưởng Giới Thạch là Trung Hoa Dân Quốc ; của Mao Trạch Đông là Trung Hoa nhân dân Cộng Hòa Quốc. Các sách Pháp, Mỹ thì gọi là Trung Hoa Quốc Dân Đảng ( Chine du KouôMin Tang ) hay Trung Hoa Cộng Hòa ( République Chinoise) và Trung Hoa Nhân Dân ( Chine Populaire) hay Trung Hoa Cộng Sản ( Chine Communiste). Lộn xộn quá. Tôi dùng tên Dân Quốc ( Tưởng ) và Cộng Sản ( Mao ) cho gọn và dể nhớ