When you're young, you want to do everything together, when you're older you want to go everywhere together, and when you've been everywhere and done everything all that matters is that you're together.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Marina Fiorato
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Glassblower Of Murano
Dịch giả: Thiên Nga
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1363 / 19
Cập nhật: 2015-09-15 07:34:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 38: Người Theo Dõi Trong Bóng Tối
hi Corradino Manin nhìn những ngọn đèn của San Marco lần cuối cùng, Venice bên kia phà với chàng dường như là một chòm sao vàng óng trong màn đêm nhung xanh thẫm. Bao nhiêu ô cửa trong số những ô cửa đó, điểm trang kinh thành của chàng như những viên đá quý, mà chàng đã làm ra bằng chính đôi tay mình? Giờ đây chúng lấp lánh ánh sao soi đường chàng cuối cuộc hành trình của đời chàng. Dẫn lối cho chàng cuối cùng cũng trở về quê nhà.
Khi con thuyền chạy vào San Zaccaria chàng không nghĩ – một lần này thôi – là mình có thể diễn tả cảnh này trong thủy tinh bằng một pulegoso với vàng lá và đá da trời nóng ra sao, mà là chàng sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy khung cảnh dấu yêu này nữa. Chàng đứng trước mũi thuyền, hình chạm đầu mũi thuyền lấm tấm nước biển, nhìn sang trái về Santa Maria della Salute, dõi mắt nhìn cái khối mái vòm trắng lờ mờ hiện ra trong màn đêm trong vẻ tinh khôi của nó. Người ta đã đặt móng cho ngôi nhà thờ lớn vào năm 1631, năm Corradino chào đời, để cảm tạ Đức Mẹ Đồng Trinh đã cứu thành khỏi Trận dịch. Tuổi thơ và thời trai trẻ của chàng đã sánh bước với công trình đang dần thành hình. Giờ nó đã hoàn thành, năm chàng chết. Chàng chưa từng được thấy sự rõ ràng trọn vẹn của nó dưới ánh sáng ban ngày, và giờ thì sẽ không bao giờ nữa. Chàng nghe thấy một người chèo traghetto thê lương mời khách khi băng qua Kênh Lớn. Chiếc thuyền đen của ông gợi nhớ một chiếc gondola đưa tang. Corradino rùng mình.
Chàng cân nhắc xem có nên gỡ cái mặt nạ bauta trắng ra không ngay khi chân chàng đặt lên bờ. Một khoảnh khắc nên thơ – một cử chỉ cao cả khi chàng trở về Serenissima.
Không, mình cho là còn một việc nữa mình phải làm trước khi họ tìm thấy mình.
Chàng cài kín chiếc áo choàng đen trên vai chống lại cái sương mù tăm tối và đi qua Piazzetta dưới lớp che của chiếc mũ ba sừng và bauta. Bộ trang phục tabarro truyền thống, đen từ đầu đến chân trừ chiếc mặt nạ trắng, phải giúp chàng đủ vô danh để kéo dài thời gian chàng cần. Bản thân cái bauta, một phiến mặt nạ ma quái hình thù như cái xuổng của phu đào huyệt, có cái mũi ngắn và cằm dài có thể biến đổi giọng của chàng một cách kỳ quái nếu chàng phải nói. Chẳng mấy lạ là, chàng nghĩ, cái mặt nạ vay mượn tên nó từ chữ "baubau", "ác quỷ" mà các ông bố bà mẹ cầu khấn để làm mấy đứa con lang thang của họ khiếp sợ.
Theo thói quen do mê tín, Corradino đi nhanh qua giữa hai cây cột San Marco và San Teodoro vươn lên, trắng và đối xứng, vào màn đêm. Vị Thánh và con quái vật đứng trên đỉnh trán tường của hai cây cột chìm trong bóng tối. Nấn ná lại đây là xui xẻo, vì các tội nhân bị hành quyết giữa hai cột này – bị treo bên trên hoặc chôn sống ở dưới. Corradino làm dấu thánh giá, tự nhận ra mình, và mỉm cười. Còn vận rủi nào nữa có thể xảy đến cho chàng? Ấy thế mà chàng vẫn rảo bước.
Vẫn còn một tai họa có thể làm hỏng mình: bị ngăn cản không hoàn thành được việc cuối cùng.
Khi chàng bước vào Piazza San Marco, chàng nhận thấy tất cả những gì đã từng thân quen và yêu dấu đều nhuốm một vẻ độc ác và đe dọa. Dưới ánh trăng sáng, bóng Campanile là một thanh gươm đen chém qua quảng trường. Đám bồ câu đang đậu ngủ như những bóng ma ác ý vụt vào mặt chàng. Từng hàng cổng vòm tối mò vây quanh quảng trường – ai núp trong bóng tối của chúng? Những cánh cửa lớn của Basilica đang mở; Corradino nhìn thấy ánh nến lập lòe từ bên trong nhà thờ rực vàng. Chàng ấm lòng lên trong phút chốc – một đảo ánh sáng giữa khung cảnh đe dọa này.
Có lẽ vẫn chưa quá muộn nếu bước vào nhà thờ này, trông cậy vào lòng tốt của các Cha và tìm nơi ẩn náu?
Nhưng những kẻ tìm kiếm chàng cũng chu cấp cho nơi linh thiêng trang hoàng ngọc quý cất giữ cốt xương quắt queo của vị Thánh xứ Venice này, và lát những bức tường bằng tranh khảm vô giá lấp lánh mà giờ đây đang tỏa ánh nến vào đêm. Trong đấy chẳng thể nào có chố nương thân cho Corradino. Không có lòng khoan dung.
Thế rồi quá Basilica và dưới vòm Torre dell’Orologio chàng bước vội, tự cho phép mình liếc nhìn một lần nữa cái mặt đồng hồ khổng lồ, nơi đêm nay dường như những con thú dị thường trong cung hoàng đạo đi quanh trong một điệu nhảy long trọng hơn. Một vũ điệu chết chóc. Sau đó Corradino không còn tự dằn vặt mình nữa bằng những cái nhìn sau chót mà dán mắt xuống mặt đường lát đá dưới chân. Ngay cả điều đó cũng không cho chàng sự thảnh thơi. Vì chàng chỉ có thể nghĩ đến mỗi một thứ là tác phẩm thủy tinh tessere đẹp đẽ mà chàng vẫn làm; nấy chảy những mẩu thủy tinh không đều lại với nhau, mọi hình dáng và sắc thái, trước khi thổi toàn thể ấy thành một cái lọ kỳ diệu mỏng manh và muôn màu như một cánh bướm.
Mình biết mình sẽ không bao giờ còn chạm đến thủy tinh nữa.
Khi chàng bước vào Merceria dell’Orologio, mấy người bán hàng xén đang gói ghém chỗ ngồi thường lệ chuẩn bị cho đêm. Corradino đi ngang một người bán đồ thủy tinh. Hàng hóa của ông bày như đá quý trên quầy. Trong trí tưởng tưởng của chàng, những chiếc cốc nhỏ và những món đồ thủ công bắt đầu rực hồng và hình dạng của chúng bắt đầu thay đổi – chàng gần như lại có thể cảm thấy sức nóng của lò nung, và mùi lưu huỳnh và Silic. Từ thuở nhỏ những cảnh tượng và mùi vị ấy đã luôn trấn an chàng. Giờ đây ký ức dường như một điềm báo về lửa ngục. Vì chẳng phải địa ngục là nơi những kẻ phản phúc bị đày xuống sao? Người xứ Florence, Dante, đã nói rõ về chủ đề này. Corradino – như Brutus và Cassius và Judas – có bị Lucifer ngấu nghiến không, nước mắt Ma vương lẫn trong máy chàng khi chàng bị xé xác ra từng mảnh? Hay có lẽ, như những kẻ phản phúc phản bội lại gia đình mình, chàng sẽ bị giam cầm vĩnh viễn trong "...un lago che per gelo avea di vetro e non d’acqua sembiante... một cái hồ đóng băng, trông giống như thủy tinh hơn là nước." Corradino nhớ lại lời của nhà thơ và gần như mỉm cười. Phải, một sự trừng phạt xứng hợp – thủy tinh đã là sự sống của mình, sao lại không thể là cái chết cho mình nữa?
Không, nếu như mình làm việc cuối cùng này. Không, nếu mình được xá tội.
Với một sự cấp bách khác chàng thình lình đi ngoặt lại như đã tính rồi băng qua mấy cây cầu hẹp và con hẻm hay calle quanh co dẫn về lại Riva degli Schiavoni. Đó đây những bàn thờ được đặt trong góc nhà – ngọn lửa được để ý thắp đều đặn và rọi sáng gương mặt Đức Mẹ.
Mình không dám nhìn vào mắt Đức Mẹ, vẫn chưa đâu.
Cuối cùng những ánh đèn ở Viện mồ côi tại Ospedale della Pietà cũng hiện gần lại và khi chàng nhìn thấy ánh nến ấm áp, chàng cũng nghe thấy tiếng nhạc của những cây đàn viôn.
Có lẽ đó là con bé đang chơi – mình ước gì là vậy – nhưng mình sẽ chẳng bao giờ biết được.
Chàng đi ngang qua tấm lưới sắt mà không liếc nhìn vào trong rồi đập cửa. Khi cô hầu lại gần với cây nến trong tay thì chàng không chờ thị tra hỏi mà rít lên: "Cha Tommaso – nhanh nhanh lên!" Chàng biết cô hầu – một người đàn bà trẻ cau có, lầm lì thích gây khó dễ. Nhưng đêm nay giọng chàng có cái vẻ cấp bách đế độ cả thị cũng quay đi ngay và chẳng mấy chốc vị linh mục bước ra.
"Thưa ông?"
Corradino mở chiếc áo choàng và tìm thấy cái bầu da đựng vàng Pháp. Chàng đã đút vào trong bầu cuốn sổ giấy da, để con bé biết mọi chuyện đã ra sao và một ngày kia, có lẽ, sẽ tha thứ cho chàng. Chàng liếc thật nhanh quanh con hẻm lờ mờ - không, không có ai đến gần đủ để nhìn thấy chàng.
Họ không được biết là con bé có cuốn sổ.
Bằng một giọng nhỏ không ai khác nghe thấy được trừ vị linh mục chàng nói: "Thưa Cha, con trao Cha số tiền này để lo cho mấy đứa trẻ mồ côi ở Pietà." Chiếc mặt nạ biến đổi giọng nói của Corradino như ý chàng. Vị linh mục định cầm lấy cái túi với một hình thức cám ơn thường lệ, nhưng Corradino rụt tay lại cho đến khi Cha buộc phải nhìn vào mắt mình. Một mình Cha Tommaso phải nhận ra chàng là ai. "Cho bọn trẻ mồ côi." Corradino lại nói, nhấn mạnh.
Cuối cùng, vị linh mục cũng nhận ra. Cha lật bàn tay cầm cái túi lên và nhìn kỹ mất đầu ngón tay – phẳng lì không có vân tay. Cha định nói nhưng đôi mắt phía sau mặt nạ lóe lên một lời cảnh cáo. Đổi ý, Cha nói, "Cha sẽ bảo đảm là chúng sẽ nhận được nó," và rồi, tuồng như Cha đã biết, "cầu Chúa phù hộ cho con." Một bàn tay ấm và một bàn tay lạnh siết lấy nhau giây lát rồi cánh cửa khép lại.
Corradino đi tiếp, chàng không biết đi đâu, cho đến khi chàng đã xa hẳn Viện mồ côi.
Thế rồi, cuối cùng, chàng gỡ chiếc mặt nạ ra.
Mình có nên đi mãi cho đến khi họ tìm thấy mình không? Chuyện đó sẽ xảy ra như thế nào?
Tức thì, chàng biết mình nên đi đâu. Đêm tối sẫm lại khi chàng đi qua những con đường, những con kênh thì thầm lời vĩnh biệt khi vỗ sóng lên những calle, và giờ thì cuối cùng Corradino đã nghe thấy tiếng bước chân sau lưng theo sát. Cuối cùng chàng đến được Calle della Morte – con đường chết – và dừng lại. Những bước chân cũng dừng theo. Corradino nhìn ra mặt kênh và, không quay lại, nói "Leonora có được an toàn không?"
Khoảng dừng dường như bất tận – sóng vỗ, sóng vỗ - rồi một giọng hết sức khô khốc đáp.
"Có. Ngươi có được lời hứa của Hội đồng Tổng trấn rồi."
Corradino thở ra yên lòng và chờ màn chót.
Khi con dao đi vào lưng chàng, chàng cảm nhận được cái đau giây lát sau khi điều nhận ra khiến chàng mỉm cười. Cái tinh tế, cái sáng rõ đi cùng khi lưỡi dao luồn vào giữa xương sườn chàng chỉ có thể có nghĩa một điều. Chàng bắt đầu cười lớn. Đây là sự thi vị, cái trớ trêu chàng đã tìm kiếm trên bến tàu. Quả là một thằng ngốc, tự lãng mạn hóa mình, tự cho mình là một người hùng trong vở kịch và nỗi thương tâm trong sự hy sinh sau chót của mình. Suốt thời gian rồi chính họ mới là người trù tính màn chót với một cảm giác sân khấu như thế, về cái gì là phù hợp, một sự ra đi kiểu Carnevale thú vị. Một sự ra đi kiểu Venice. Họ đã dùng một con dao găm thủy tinh – thủy tinh Murano.
Rất có thể là một trong những cái chính mình làm ra.
Chàng cười dữ hơn nữa cùng với hơi thở cuối. Chàng cảm thấy cái vặn xoáy sau chót từ con dao của kẻ sát nhân để làm gãy tách con dao ngay ở chuôi, cảm thấy da mình khép lại sau lưỡi dao để chừa lại chỉ một vết sướt vô hại tại điểm dao đi vào. Corradino quăng mình xuống nước và ngay trước khi chàng xé mặt nước thì chàng nhìn đôi mắt của chính mình trong hình phản chiếu lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời. Chàng nhìn thấy một thằng điên đang cười cái chết của chính hắn. Khi chàng chìm xuống dưới đáy sâu giá lạnh, mặt nước khép lại đằng sau thân xác chàng để không chừa lại gì ngoài một vết sướt vô hại tại điểm dao đi vào.
Từ trong những bóng tối ở Calle della Mortem Salvatore Navarro – thợ cả mới của xưởng ở Murano – đứng nhìn, kinh hoàng. Chàng đã được một mật vụ của Hội đồng cho biết thời gian và địa điểm này và được dặn phải có mặt chứng kiến hình phạt. Chỉ mới đây thôi hay tin về cái chết của người tiền nhiệm của mình là Giacomo del Piero ở Piombi, chàng không dám chối từ. Khi chàng nhìn thấy cái chết của Corradino Manin vĩ đại, một người chàng đã kính trọng từ những ngày chàng hãy còn là một garzon, chàng biết mình đang ở đây như một nhân chứng. Rằng người ta muốn chàng về Murano và thuật lại tất cả những gì chàng đã nhìn thấy.
Và rằng chàng, và tất cả những thợ thổi thủy tinh khác qua chàng, đang được cảnh báo.
Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano - Marina Fiorato Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano