The longer you wait for something, the more you appreciate it when you get it, because anything worth having is definitely something worth waiting.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Günter Grass
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Le Tambour
Dịch giả: Dương Tường
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: phuc quan Nguyen
Số chương: 47
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3285 / 95
Cập nhật: 2017-04-06 08:38:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Trong Tủ Áo
in đừng tưởng rằng cả đời Oskar chỉ toàn duyên nợ với các nữ y tá. Nói cho cùng, tôi có nghề chuyên môn của tôi. Tôi phải nghỉ việc khắc chữ bia mộ vì học kỳ hè ở Trường Mỹ thuật đã bắt đầu. Một lần nữa, Ulla và tôi lại nhận được những khoản thù lao hậu hĩnh cho việc ngồi yên cho các sinh viên mỹ thuật lột tả bằng những phương pháp cũ hay mới và theo con mắt nhìn tinh tường hay mù loà của họ. Nhiều người triệt phá sự tồn tại khách quan của chúng tôi, gạt bỏ và phủ nhận chúng tôi, phủ lên mặt giấy hay mặt toan những đường nét, hình tứ giác, hình xoáy trôn ốc, tạo những mô-típ giấy phủ tường trong đó có đủ mọi thứ trừ Oskar và Ulla, hay căng thẳng và bí ẩn; họ đặt cho những thứ nhố nhăng ấy những cái tên rất kêu như: Bện ngược lên, Tụng ca trên Thời gian, Màu Đỏ trong Không Gian Mới.
Cái cách này được các sinh viên trẻ chưa biết vẽ nét đặc biệt ưa chuộng. Chúng tôi may mắn hơn trong tay những người bạn cũ ở xưởng của Kuchen và Maruhn, chưa kể hai sinh viên hàng đầu Ziege và Raskolnikov.
Trong quãng đời trần thế của mình, Nàng Thơ Ulla tỏ ra rất thích nghệ thuật ứng dụng. Lankes đã bỏ nàng, nhưng trong niềm say mê đối với những hoa văn giấy phủ tường mới, nàng mau chóng quên anh ta. Nàng cho những sáng tạo trang trí trừu tượng của một hoạ sĩ đứng tuổi tên Meitel là rất dễ thương, ngộ nghĩnh, xinh xẻo, tuyệt vời và thậm chí sang trọng. Nàng lập tức đính hôn với Meitel, con người đặc biệt thích những hình khối ngòn-ngọt dìu-dịu như kiểu những quả trứng lễ Phục sinh, nhưng thôi cái đó chả đáng kể. Từ đó đến nay, nàng còn có nhiều dịp đính hôn khác. Và bây giờ - như nàng thông báo hôm kia, khi đến thăm tôi - một lần nữa, nàng lại đang ở ngưỡng cửa của cái mà bao giờ nàng cũng gọi là một quan hệ nghiêm túc và lâu bền.
Vào đầu học kỳ, Ulla chỉ muốn làm mẫu cho những "khuynh hướng mới" - một kích thích tố mà Meitel, tay họa sĩ trứng-Phục-sinh, tiêm cho nàng; quà đính hôn ông ta tặng nàng là một mớ thuật ngữ mà nàng đem ứng dụng những khi trò chuyện về nghệ thuật với tôi. Nàng nói về tương quan, chòm sao, điểm nhấn, phối cảnh, cấu trúc hạt, quá trình hòa quyện, hiện tượng xói mòn. Nàng vốn hằng ngày chỉ ăn chuối và nước cà chua, mà lại nói nào là tế bào nguyên sinh, nào là những nguyên tử màu mà trên đường đi phẳng năng động của chúng, đã tìm thấy được thế tự nhiên trong trường lực của chúng, nhưng không dừng lại ở đó; không, chúng vẫn tiếp tục và vân vân... Đó là cái giọng điệu nàng dùng khi trò chuyện với tôi trong những giờ nghỉ hoặc khi chúng tôi thi thoảng ra phố Ratinger- Strasse làm một tách cà phê. Ngay cả khi màn đính hôn của nàng với tay họa sĩ trứng-Phục-sinh đã kết thúc, ngay cả khi, sau một đợt giao tình chớp nhoáng với một cô gái đồng tính luyến ải, nàng bắt bồ với một sinh viên của Kuchen và trở lại với thế giới khách quan, nàng vẫn duy trì cái mớ từ vựng ấy, mà để vận dụng nó, khuôn mặt nhỏ bé của nàng căng thẳng đến nỗi hai nếp nhăn hồ như cuồng tín hằn sâu hai bên khoé miệng nàng.
Đến đây, tôi phải thừa nhận rằng cái ý vẽ Nàng Thơ trong trang phục nữ y tá cùng với Oskar không phải hoàn toàn là của Raskolnikov. Sau "Madonna 49", gã đưa chúng tôi vào "Bắt cóc nàng Europa" trong đó tôi là con bò tót. Ngay sau "Bắt cóc" là đến "Hề chữa bệnh cho nữ y tả."
Chính một chữ của tôi đã nhóm lửa cho trí tưởng tượng của Raskolnikov bùng cháy. Mặt lầm lầm, tóc đỏ, bộ dạng nham hiểm, gã vừa rửa bút vẽ vừa ngẫm ngợi. Nhìn chằm chằm vào Ulla, gã bắt đầu nói về phạm tội và chuộc tội. Đến đây tôi khuyên gã vẽ tôi như là hiện thân của phạm tội và Ulla như là hiện thân của chuộc tội. Vẻ phạm tội nơi tôi thì rành rành rồi, tôi nói. Còn Chuộc Tội, tại sao lại không mặc cho nàng như một nữ y tá?
Nếu bức tranh tuyệt hảo này về sau mang một cái đầu đề khác, sai lạc, thì đó là việc của Raskolnikov. Bản thân tôi thì muốn gọi nó 1à " Cám dỗ" vì tay phải tôi đang riết chặt và xoay một quả đấm cửa, mở cửa một căn phòng trong đó Nữ Y Tá đang đứng. Hoặc giả có thể là "Quả đấm cửa", vì nếu ai đề nghị tôi nghĩ hộ một cái tên mới cho sự cám dỗ thì tôi sẽ khuyên dùng chữ "quả đấm cửa”, bởi vì những cái núm lồi lên ấy ở những cánh cửa là để làm gì nếu không phải để cám dỗ chúng ta, bởi vì cái quả đấm ở cánh cửa lắp kính mờ của phòng Xơ Dorothea chính là bản thân sự cám dỗ đối với tôi bất cứ lúc nào. Con Nhím đang trên đường, Xơ Dorothea ở bệnh viện và bà Zeidler ở công ty Mannesmann.
Bấy giờ, Oskar bèn ra khỏi căn phòng có cái bồn tắm của mình, tiến đến phòng Xơ Dorothea và nắm lấy quả đấm cửa.
Cho đến khoảng giữa tháng sáu - mà hầu như ngày nào tôi cũng thử làm vậy - cánh cửa vẫn cưỡng lại tôi. Tôi đã bắt đầu nghĩ rằng công việc của Xơ Dorothea đã khiến nàng ngăn nắp đến nỗi tôi nên từ bỏ hy vọng là có lúc nào đấy, nàng lãng đi không khoá cửa. Và chính vì thế mà, một hôm khi cánh cửa mở ra dưới sức đẩy của tôi, phản ứng đần độn, như máy của tôi là đóng nó lại.
Trong mấy phút, Oskar đứng ngây đuỗn trong một bộ da trở nên quá chật, bối rối trước bao ý nghĩ linh tinh nhất khiến hắn hầu như không cách nào sắp xếp lại cho rành mạch được.
Chỉ sau khi tôi chuyển những ý nghĩ của mình sang một luồng khác - Maria và người yêu của nàng, Maria có bồ, bồ cho nàng một bình cà-phê, tối thứ bảy anh ả đến vui chơi ở Apollo, Maria gọi bồ là ông trong giờ làm việc vì bồ là sếp, là chủ nhân của cửa hàng nơi nàng làm việc - chỉ sau khi xem xét Maria và bồ của nàng dưới nhiều góc độ khác nhau, tôi mới tạo được chút trật tự trong đầu óc tội nghiệp của mình... và mở cánh cửa lắp kính mờ.
Trước đó, tôi đã hình dung là căn phòng này không có cửa sổ vì chẳng bao giờ phần trên trong mờ của cửa vào để lộ chút dấu vết gì của ánh sáng ban ngày. Với tay sang bên phải, hệt như ở phòng tôi, tôi thấy công-tắc đèn. Chiếc bóng điện bốn mươi oát thừa đủ cho cái khoang nhỏ xíu không đáng gọi là phòng này. Tôi hơi rầu lòng khi đối diện với tượng bán thân của mình trong gương. Tuy hình ảnh lộn trái của hắn chẳng có gì hay ho, Oskar vặn không né ra: hắn đang bị hút hồn bởi những đồ vật trên bàn trang điểm trước tấm gương.
Có những vệt xanh-đen ở lớp men trắng của bồn rửa mặt. Mặt bàn, với lỗ khoét để gắn bồn xuống cho vừa khít đến thành, cũng có khuyết tật. Góc bên trái khuyết một miếng và miếng khuyết ấy nằm trên mặt bàn dưới tấm gương, phô với gương những đường vân của nó. Những vệt keo bong trên gờ nâu chứng tỏ một cố gắng vụng về nhằm gắn lại mảnh vỡ. Những ngón tay thợ đẽo đá của tôi bỗng thấy ngứa ngáy. Tôi nghĩ đến chất mát-tít do Korneff làm lấy có thể biến những miếng cẩm thạch vỡ vụn thành những phiến bền vững thích hợp để làm đẹp mặt tiền của những cửa hàng thịt lớn.
Khi những ý nghĩ quen thuộc đó đã làm tôi quên đi cái hình ảnh méo mó tệ hại của tôi trong gương, tôi có thể gọi tên cái mùi xộc vào mũi tôi ngay khi bước vào phòng.
Đó là dấm. Sau này, và lại mới cách đây mấy tuần, tôi biện hộ cho cái mùi chua loét ấy bằng cách đoán chừng là hôm trước, chắc Xơ Dorothea gội đầu và đã pha dấm vào nước gội. Tuy nhiên, chẳng có chai dấm nào trên bàn trang điểm. Tôi cũng không phát hiện thấy dấm trong bất kỳ chai lọ nào có dán nhãn khác. Hơn nữa, tôi thường tự hỏi, lẽ nào Xơ Dorothea lại phải cầu kỳ xin phép Zeidler đun nước trong bếp rồi lại mang về phòng mình để gội đầu trong khi bệnh viện có đầy vòi hoa sen và buồng tắm hảo hạng? Tuy nhiên, cũng có thể là nữ y tá trưởng hoặc ban quản trị bệnh viện đã cấm các nữ y tá dùng một số thiết bị vệ sinh ở trong bệnh viện; có lẽ Xơ Dorothea quả đã buộc phải gội đầu ở cái bồn tráng men này, trước cái gương xảo trá này.
Tuy không có chai dấm nào, nhưng lại có rất nhiều chai lọ khác trên mặt bàn đá. Một gói bông và một gói khăn vệ sinh đã dùng hết nửa khiến Oskar hết muốn tìm hiểu xem những cái lọ nhỏ kia đựng những gì. Nhưng tôi vẫn cho rằng trong đó chẳng có gì khác ngoài những thứ mỹ phẩm thông thường hoặc pom-mát vô hại.
Xơ Dorothea đã cắm cái lược trong bàn chải tóc. Tôi phải so đo một lúc rồi mới quyết định rút nó ra xem cho kỹ. Thật may là tôi đã làm thế, vì chính lúc này, Oskar khám phá ra điều quan trọng nhất: tóc nàng màu vàng, có lẽ là vàng tro, nhưng ta không thể rút ra kết luận vội vàng từ những sợi tóc chết mắc vào một cái lược. Chỉ cần nói Xơ Dorothea tóc vàng là đủ.
Thêm vào đó, số tóc mắc giữa những răng lược nhiều đến phát sợ, nó mách tôi rằng Xơ Dorothea bị bệnh rụng tóc; điều này hẳn khiến nàng rất buồn. Chắc là tại cái mũ y tá của nàng, tôi nghĩ bụng, nhưng tôi không lên án nó, bởi lẽ làm sao một bệnh viện có thể vận hành tốt được nếu không có những chiếc mũ y tá?
Dù cái mùi dấm có khó chịu đến mấy đối với Ọskar, việc Xơ Dorothea bị rụng tóc, vẫn chỉ khuấy lên trong tôi một tình cảm duy nhất: tình yêu pha lẫn với thương cảm, ân cần. Đặc điểm của tâm trạng tôi lúc đó là tôi nghĩ ngay đến nhiều loại thuốc mọc tóc mà tôi đã nghe giới thiệu và tôi nhất quyết kiếm cho Xơ Dorothea một vài thứ trong số đó ngay khi gặp cơ hội đầu tiên. Mơ tới cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa chúng tôi sẽ diễn ra dưới một bầu trời mùa hè ấm áp giữa cánh đồng lúa dập dờn, tôi bứt những sợi tóc mồ côi khỏi cái lược, xếp thành một túm, buộc lại với nhau. Tôi thổi sạch chút bụi và gầu, rồi thận trọng cất vật báu của mình vào một ngăn ví sau khi rốc bỏ những gì để trong đó từ trước.
Cất ví vào túi áo xong, tôi mới nhấc cái lược lên - vừa rồi tôi phải để nó trên mặt bàn vì hai tay đều bận - giơ lên ánh sáng của ngọn điện trần, xem xét hai hàng răng, bên to thưa bên nhỏ dày, và nhận thấy thiếu hai cái răng nhỏ. Tôi không cưỡng nổl sự cám dỗ lấy móng ngón trỏ tay trái gại lên đầu những răng to và trong khi chơi nghịch thế, Oskar vui thích thấy óng lên mấy sợi tóc mà hắn cố tình để lại nhằm tránh mọi nghi ngờ.
Cuối cùng tôi cắm lại chiếc lược vào bàn chải và rời bàn trang điểm để khỏi quá thiên lệch. Trên đường tới giường Xơ Dorothea, tôi vấp phải một cái ghế trên đó có vắt một chiếc xú-chiêng - đã giặt nhiều đến sờn và bạc cả mép, tôi nhận xét.
Oskar không có gì ngoài hai nắm tay để làm căng đầy hai chỗ lõm. Không vừa. Quá cứng, quá gân guốc, chúng xa lạ và khổ sở trong hai cái bát úp ấy mà tôi vui lòng dùng cùi-dìa xúc ngày này qua ngày khác để tìm hiểu xem chúng đựng cái gì; tôi cũng sẵn sàng chấp nhận thi thoảng nôn oẹ một chút, bởi vì món gì ăn quá nhiều chả làm cho dạ dày óc ách, nhưng sau khi nôn lại thấy dịu ngọt, dịu ngọt đến nỗi khiến người ta khao khát được nôn - nôn như là dấu ấn của tình yêu.
Tôi nghĩ đến bác sĩ Werner và rút hai nắm tay ra khỏi xú-chiêng. Nhưng rồi bác sĩ Werner biến mất và tôi có thể đến gần chiếc giường của Xơ Dorthểa. Vậy ra đây là giường của nàng! Đã bao lần Oscar thử cố hình dung ra nó và đây, nó cũng chỉ là thứ cấu trúc xấu xí bằng gỗ, sơn màu nâu, y hệt cái khung gỗ làm nền cho những giờ nghỉ ngơi, hoặc đôi khi mất ngủ của tôi. Điều tôi vẫn thường ước cho nàng là một cái giường kim loại sơn trắng với những núm đồng, một cái khung nhẹ bỗng chứ đâu phải cái vật cồng kềnh vắng mọi hơi thở của tình yêu này. Không động cựa, đầu nặng như chỉ, trống vắng đam mê, thậm chí không còn sức mà ghen, tôi đứng một lúc nhìn cái ban thờ của giấc ngủ này. Rồi tôi ngoảnh đi để khỏi phải nhìn thêm cái hình ảnh ghê tởm ấy. Không bao giờ Oskar có thể hình dung Xơ Dorothea với những giấc ngủ của nàng trong nấm mồ gớm ghiếc này.
Tôi quay về bàn trang điểm, có lẽ với ý định mỏ thử những lọ mà tôi đoán là đựng pom-mát. Nhưng trên đường đi, cái tủ áo ra lệnh cho tôi phải chú ý đến kích thước của nó, ghi nhận nước sơn của nó là nâu đen, theo dõi đường chỉ của nó và cuối cùng, mở nó ra; vì ở đâu lại có thứ tủ áo không đòi hỏi được mở ra?
Không có khóa; hai cánh cửa tủ được ngoắc hờ vào nhau bằng một cái đinh bẻ cong; tôi xoay đứng nó lên và lập tức, không cần tôi giúp thêm, hai cánh tủ bung ra với một tiếng thở dài, cho tôi một tầm nhìn rộng đến nỗi tôi phải bước lùi lại để nhìn được bao quát toàn bộ. Oskar không muốn đắm vào những chi tiết như ở bàn trang điểm, cũng không muốn để thành kiến ảnh hưởng đến nhận định như trong trường hợp cái giường. Không, hắn quyết hiến mình cho cái tủ áo đã dang rộng hai tay đón hắn với cái tươi mát của Ngày Đầu cuộc Sáng Thế.
Tuy nhiên, Oskar, nhà thẩm mỹ thâm căn cố đế, không thể hoàn toàn dẹp mọi phê phán: một cha man rợ nào đã cưa chân tủ một cách vội vàng, làm mặt gỗ vỡ toác nhiều mảnh và đặt biệt cái tủ bị xước mặt xuống sàn.
Bên trong tủ cực kỳ ngăn nắp. Bên phải có ba giá gỗ sâu chất đầy quần áo lót và blu - trắng, hồng và xanh nhạt mà Oskar đoán chắc là rất bền màu. Hai cái túi vải sơn màu đỏ và xanh lá cây treo ở phía trong cửa bên phải, một cái đựng những bít tất bị tuột chỉ, cái kia đựng những đôi Xơ Dorothea đã mạng lại. Tôi cảm thấy những đôi bít tất này chất lượng cũng ngang ngửa với những đôi mà ông chủ và bồ của Maria tặng nàng, nhưng dệt dày hơn và bền hơn. Bên trái treo những bộ đồ đồng phục nữ y tá hồ bột trắng bóng, ở ngăn đựng mũ, phía trên cùng, đẹp và giản dị, dăng hàng một loạt mũ mềm nữ y tá mỏng mảnh, tránh xa những bàn tay bất cẩn. Tôi chỉ liếc qua đám quần áo dân sự xếp bên trái chồng đồ lót. Những đồ rẻ tiền chọn một cách đại khái xác nhận hy vọng thầm kín của tôi: Xơ Dorothea không mấy quan tâm đến bộ phận trang phục này của mình. Cũng một cảm giác tương tự toát ra từ ba bốn cái mũ hình chậu cài hoa giả, vứt thành một chồng lộn xộn bên cạnh những mũ mềm, nom như một chiếc bánh ga-tô làm hỏng. Ngăn đựng mũ cũng có mươi mười hai cuốn sách gáy màu dựa vào một hộp giày đựng đầy len vụn.
Oskar phải bước lại gần hơn và nghiêng nghiêng đầu mới đọc được đầu đề sách. Tôi lấy lại tư thế đầu thẳng đứng với một nụ cười rộng lượng: vậy ra Xơ Dorothea của chúng ta đọc tiểu thuyết trinh thám, về khu vực dân sự của tủ quần áo, nói chừng nấy là đủ rồi. Bị những cuốn sách dụ dỗ đến gần, tôi không lùi bước; trái lại, tôi rúc đầu vào tủ và thôi cưỡng lại ý muốn càng lúc càng tăng là thuộc về nó, trở thành một bộ phận của tủ quần áo, nơi Xơ Dorothea trao gửi một phần không nhỏ sự hiện diện hữu hình của mình.
Tôi thậm chí không cần phải xê dịch đôi giày gót bằng ở sàn tủ, đã đánh bóng kỹ và đang chờ được ra ngoài. Như để mời tôi vào, mọi vật trong tủ được xếp gọn đến nỗi Oskar có thể náu vào giữa mà không làm nhàu một thứ gì. Khấp khởi đầy chờ đợi, tôi luồn vào và ngồi xổm đó.
Tuy nhiên, mới đầu, tôi chưa thấy yên trí lắm. Oskar cảm thấy như bị đồ đạc xung quanh và cái bóng điện theo dõi. Muốn thời gian mình lưu lại nơi này được thân mật hơn, tôi cố đóng cửa tủ lại. Điều đó đâu có dễ, chốt cài mòn dơ, hai cánh không chịu đóng lại tử tế. Ánh sáng vẫn lọt vào, nhưng không đủ để quấy rối tôi. Mùi trở nên tập trung hơn. Một mùi sạch sẽ, cũ kỹ, không còn là mùi dấm mà là mùi một thứ sản phẩm chống sâu mọt nào đó, một mùi dễ chịu.
Oskar làm gì khi hắn đã ngồi trong tủ áo? Hắn gục đầu vào bộ đồng phục gần nhất của Xơ Dorothea; điều đó mở ra mọi khía cạnh đời sống. Tay trái tôi, có lẽ nhằm tìm một cái gì để ngả người dựa vào, quài ra đằng sau, qua mớ quần áo dân sự, chệch hướng, chới với, chộp vội lấy một cái gì nhẵn mượt và dẻo, và cuối cùng - vẫn giữ cái vật nhẵn mượt - thấy một thanh chống ngang dùng để đỡ ván sau của tủ, nhưng cũng sẵn sàng đỡ tôi luôn thể. Tay đã rảnh, tôi đưa nó ra đằng trước xem nó tìm thấy cái gì đằng sau tôi.
Tôi thấy một cái dây lưng da đen, nhưng trong bóng tối nhập nhoạng như thế này, người ta có thể dễ dàng nhầm tưởng một cái gì khác là một cái dây lưng. Nó cũng có thể là một cái gì hoàn toàn khác, một cái gì cũng nhẵn mượt và dài, một cái gì tôi đã thấy trên đập chắn sóng ở Neufahrwasser hồi lên ba khi còn là thằng bé đánh trống bất trị; mẹ tội nghiệp của tôi mặc chiếc măng-tô mùa xuân màu xanh nhạt với lớp vải phủ ngoài màu quả mâm sôi, Matzerath mặc ba-đờ-xuy nâu, Jan Bronski áo cổ nhung, Oskar đội mũ lính thuỷ với dải băng thêu dòng chữ vàng S.M.S.Seidlitz; ba-đơ-xuy và áo cổ nhung nhảy từng bước thoăn thắt đằng trước hai mẹ con, mẹ đi giày cao gót không nhảy được từ hòn đá này sang hòn kia đến chỗ lão cửu vạn ngồi dưới chân nhà đèn tín hiệu với sợi dây phơi quần áo và cái bao khoai tây đầy muối và những gì ngọ nguậy.
Nhìn thấy cái bao và sợi dây phơi, chúng tôi hỏi lão già ngồi dưới chân nhà đèn tại sao lão lại câu bằng một sợi dây phơi quần áo, nhưng cái lão già người vùng Neufahwasser hay Brösen này chỉ cười và nhổ bã thuốc nâu lầy nhầy xuống nước, miếng bã thuốc cứ nhấp nhô tại chỗ bên đập chắn sóng cho đến khi một con hải âu đớp lấy mang đi; bởi vì một con hải âu sẵn sàng đớp bất cứ cái gì dưới ánh mặt trời, không như chị bồ câu kén cá chọn canh, càng không như một nữ y tá – chẳng lẽ người ta có thể ăn bất kỳ cái gì trắng dưới một cái mũ rồi ném vào một cái tủ áo, như thế chả hóa ra đơn giản lắm sao? Và với những gì đen cũng vậy, bởi vì hồi ấy tôi không sợ mụ phù thuỷ Đen độc ác, tôi ngồi không chút sợ hãi trong tủ áo, rồi lại không phải trong tủ áo, mà là trên đập chắn sóng ở Neufahrwasser cũng không chút sợ hãi, một đằng tôi cầm một chiếc dây lưng da đen, đằng kia lại là một cái gì khác cũng đen và trơn nhưng không phải một chiếc dây lưng. Vì tôi đang ở trong tủ áo, nên tôi tìm cái để so sánh, bởi tủ áo buộc người ta phải so sánh, gọi mụ phù thuỷ Đen bằng tên của mụ, nhưng hồi đó, mụ chả có nghĩa gì đối với tôi, tôi đi quá xa trên đề tài trắng, hầu như không thể phân biệt một con hải âu với Xơ Dorothea, tuy nhiên tôi loại trừ bồ câu, cả đực lẫn cái, và những thứ dớ dẩn như thế khỏi ý nghĩ của tôi, nhất là vì đó không phải là dịp lễ Ngũ tuần, mà là ngày Thứ Sáu Thánh khi chúng tôi đến Brösen rồi đi tiếp ra đập chắn sóng - vả lại, làm gì có bồ câu ở đập chắn sóng, nơi lão cửu vạn người Neufahrwasser ngồi với cái dây phơi của lão, ngồi và nhổ bã thuốc. Và khi lão cửu vạn người Brösen kéo sợi dây cho đến lúc sợi dây dừng lại và chỉ rõ tại sao kéo nó ra khỏi dòng nước lợ của sông Mottlau lại khó nhọc đến thế, khi mẹ tội nghiệp của tôi vịn tay lên vai và cổ áo nhung của Jan Bronski, vì mặt mẹ tái xanh đi như phó-mát xanh, vì mẹ muốn bỏ đi nhưng vẫn phải nhìn lão cửu vạn ném cái đầu ngựa xuống những hòn đá, nhìn những con lươn nhỏ xanh màu nước biển chui ra khỏi cái bờm ngựa và lão kéo những con to hơn đen hơn ra khỏi đầu ngựa. Ai đó xé toạc một cái giường nệm lông chim, nhưng đó chỉ là một cách khác để nói là lũ hải âu ào xuống và bắt đầu, bởi vì cái giống hải âu, khi có ba bốn con là có thể dễ dàng làm gọn một con lươn nhỏ, con to thì hơi khó. Lão cửu vạn banh miệng con ngựa ra, ấn một miếng gỗ vào giữa hai hàm răng, làm cho con ngựa cười và luồn cánh tay lông lá vào rờ rẫm và dấn thêm vào, như tôi trong tủ áo, và lôi ra hai con lươn một lúc, như tôi trong tủ áo vừa lôi ra một chiếc dây lưng. Lão quăng chúng lên không trước khi quật chúng vào đá cho đến khi mẹ tội nghiệp của tôi tháo hết bữa ăn sáng của mình, bao gồm cà-phê sữa, lòng trắng và lòng đỏ trứng, một ít mứt và mấy miếng bánh mì trắng. Bữa điểm tâm thịnh soạn đến nỗi bọn hải âu liền nghiêng cánh xuống thấp một tầng nữa và đâm bổ - đó là chưa kể những tiếng kêu và việc hải âu có con mắt hung tinh mang họa thì ai cũng biết. Không ai đuổi chúng đi được, huống hồ là Jan Bronski vốn sợ hải âu chết khiếp, chỉ biết giơ cả hai tay che cặp mắt xanh. Chúng cũng chẳng thèm để ý đến tiếng trống của tôi mà cứ nhồi nhét trong khi tôi giận dữ đồng thời cũng phấn hứng tạo ra nhiều tiết tấu mới trên trống. Nhưng mẹ tội nghiệp của tôi thì chả thiết gì nữa, mẹ đang quá bận: mẹ nôn khan, nôn khan hoài mà không ói thêm được gì, mẹ có ăn gì mấy đâu vì mẹ đang tìm mọi cách để giảm cân, một tuần hai lần đến tập thể dục ở Hội Phụ Nữ, nhưng không ăn thua vì mẹ vẫn ăn giấu và quyết tâm của mẹ bao giờ cũng có những lỗ hổng. Còn cái lão người Neufahrwasser, khi tất cả những người có mặt đều tưởng đã xong, không còn gì nữa, thì lão, bất chấp mọi lý thuyết, lại lôi ra một con lươn cuối cùng từ tai con ngựa. Con này mình đầy vữa trắng bỏi nó đã xục xạo óc con ngựa. Nhưng lão cửu vạn quay tít nó cho đến khi những mảnh vữa rụng hết, cho đến khi con lươn phô lớp láng bóng của nó và lấp lánh như một cái dây lưng bằng da thật. Điều tôi muốn nói là Xơ Dorothea thắt một cái dây lưng hệt như vậy khi nàng mặc đồ dân sự đi chơi, không đeo huy hiệu Chữ Thập Đỏ.
Chúng tôi lên đường về nhà mặc dù Matzerath muốn nán lại chờ một con tàu Phần Lan một nghìn tám trăm tấn đang vào cảng. Lão cửu vạn bỏ cái đầu ngựa lại đập chắn sóng. Lát sau, con ngựa chuyển sang màu trắng và bắt đầu kêu. Nhưng nó không kêu như ngựa, mà kêu như một đám mây trắng phàm ăn đang xà xuống một cái đầu ngựa. Như vậy càng hay, vì bây giờ người ta không phải trông thấy con ngựa nữa mặc dù vẫn có thể hình dung ra cái gì ở bên dưới đám mây trắng đang lồng lộn điên cuồng kia. Con tàu Phần Lan cũng chuyển hướng chú ý của chúng tôi; nó chở gỗ và gỉ như cái hàng rào ở nghĩa trang Saspe. Nhưng mẹ tội nghiệp của tôi chẳng buồn quay lại nhìn con tàu Phần Lan cũng như đám hải âu. Mẹ đã quỵ hẳn. Mặc dầu trước kia, mẹ không những chơi trên dương cầm mà còn hát "Bay đi, hải âu bé bổng, hãy bay tới Heligoland", từ giờ mẹ sẽ không bao giờ hát bài đó hoặc bất cứ bài nào khác nữa. Mới đầu, mẹ không chịu ăn cá nữa, nhưng rồi bỗng nhiên mẹ xoay ra ăn rất nhiều cá, cá to cá béo, nhiều đến nỗi một hôm, mẹ không muốn, không thể ăn thêm gì nữa, ớn tất cả, ớn lươn và ớn sống, đặc biệt là ớn người, có lẽ ớn cả Oskar nữa; dù thế nào đi nữa, từ một người ham ăn chơi không từ bỏ một cái gì, mẹ bỗng trở nên thanh đạm, tiết chế và yêu cầu chôn mình ở Brenntau. Tôi đã thừa hưỏng ở mẹ sự kết hợp của hai nét cá tính đó: xả láng và thanh đạm. Tôi muốn đủ mọi thứ, nhưng không có thứ gì mà tôi không nhịn được, trừ lươn xông khói; dù đắt đến đâu, cũng phải kiếm bằng được, tôi không thể sống thiếu chúng. Một ngoại lệ thứ hai là Xơ Dorothea mà tôi chưa từng trông thấy, mà cái dây lưng da của nàng chưa thực sự làm tôi say mê - vậy mà tôi không tài nào dứt mình ra khỏi nó được, nó bất tận, nó nhân bội lên, và với bàn tay còn rảnh, tôi cởi khuy quần để làm sáng lại hình ảnh của Xơ Dorothea đã bị con tàu buôn Phần Lan và đám lươn lúc nhúc làm nhòa đi.
Cuối cùng, với sự giúp đỡ của đàn hải âu, Oskar rũ bỏ được sự ám ảnh của con đập chắn sóng và tìm lại được thế giới của Xơ Dorothea giữa những bộ đồng phục để không nhưng vẫn hấp dẫn của nàng. Nhưng khi, rốt cuộc, tôi có thể thấy nàng trước mặt và phân biệt được vài nét, thì đột nhiên cửa tủ mở toang với một tiếng kẹt, ánh đèn làm tôi loá mắt khiến tôi phải cố gắng mới không làm bẩn chiếc blu treo gần tôi nhất.
Chỉ cốt để tạo một sự chuyển tiếp, một sự thư giãn sau những phút ở trong tủ áo mà tôi không ngờ lại căng thẳng đến thế, tôi bèn làm cái điều bao năm nay tôi không làm: tôi gõ mấy nhịp, không lấy gì làm xuất sắc, trên vách sau khô khốc của tủ. Rồi tôi chui ra, soát lại bên trong một lần nữa và yên trí rằng mình đã không gây lộn xộn gì, kể cả cái dây lưng cũng vẫn giữ nguyên độ bóng; không, có một vài vết mờ mờ cần hà hơi lên và cọ đi trước khi, một lần nữa, cái dây lưng lại trở thành một vật có thể gợi đến những con lươn một lão cửu vạn bắt được trên đập chắn sóng ở Neufahwasser nhiều năm trước đây.
Tôi, Oskar, ngắt dòng điện khỏi cái bóng bốn mươi oát đã theo dõi tôi suốt cuộc đến thăm và ra khỏi phòng Xơ Dorothea.
Cái Trống Thiếc Cái Trống Thiếc - Günter Grass Cái Trống Thiếc