Số lần đọc/download: 9981 / 102
Cập nhật: 2014-11-20 13:49:29 +0700
Hồi 39 - Hồng Kinh Luợc Mê Gái Xin Hàng
N
gười đẹp khuyên can an ủi mãi Hồng kinh lược mới thôi khóc. Ông thở dài nói:
- Việc đã đến nước này thực chẳng còn mong gì nhiều! Có điều lạ là thuốc độc uống vào mà sao không chết chớ?
Lời nói này khiến cho người đẹp lúc đó đang rúc đầu vào lòng ông, cất tiếng cười khanh khách. Hồng kinh lược ngạc nhiên hỏi tại sao thì nàng vội lấy tấm khăn hồng che miệng, vừa cười vừa nói:
- Thuốc độc đâu mà thuốc độc? Sâm đó, ông ơi! Thiếp thấy kinh lược đã đói quá đến không chịu nổi, cầu sống chẳng được mà cầu chết cũng không xong nên mới cho kinh lược uống sâm thang để tiếp sức cho đó! Sâm này vốn là loại sâm tốt do bộ lạc Cát Lâm tiến cống. Sâm thang này uống vào, dù có nhịn ăn đến sáu, bảy ngày trời cũng vẫn sống. Thế là từ nay kinh lược không chết được nữa đâu nhé.
Nói xong, nàng lại cười lên khanh khách, tiếng cười giòn tan mà êm tai lạ thường, khiến bất cứ ai khó tính đến đâu cũng không thể giận nàng được. Hồng kinh lược nghe nàng nói một hồi, mặt lúc thì hồng lên, lúc lại trắng bệch ra. Quả nhiên, ông thấy tinh thần càng ngày càng khoái sảng hơn, trong lúc đó người con gái lại ghé miệng sát tai ông thì thầm thiết tha:
- Kinh lược đại nhân ơi! Thiếp vẫn thấy kinh lược nên đầu hàng là phải! Vừa là để bảo toàn tính mệnh, vừa chẳng mất địa vị phong hầu, các bà, các dì ở nhà khỏi cảnh lạnh lùng cô độc mà lại không phụ tấm lòng thiếp đã hết mình khuyên giải và an ủi kinh lược…
Nói tới đây, người đẹp bỗng ngồi phắt dậy, một tay nâng cao mớ tóc mai cho cặp mắt xinh đẹp tình tứ đủ chỗ liếc sang Hồng kinh lược như để dò xét, cặp má đã hổng lại càng hồng thêm. Nàng cúi thấp dần xuống, đưa hẳn đôi má sát vào má ngài. Hồng kinh lược đến lúc này mắt đã đỏ ngầu, chứng tỏ sự rối loạn cùng cực trong lòng ông. Ông vội thu góp tinh thần và ý chí còn lại, nhẩy vọt xuống đất, quát một tiếng lớn rồi bảo:
- Ngươi là con dâm phụ nơi đâu dám tới đây để dụ hoặc lão phu?
Người đẹp nghe đoạn chẳng luống cuống chút nào, ngồi xếp bằng cạnh giường, đưa tay vào bọc lấy ra một chiếc ấn vuông bằng vàng, ném vào lòng viên kinh lược họ Hồng. Hồng kinh lược lượm lên xem, bỗng thần sắc biến cải,đôi chân ông mềm đi như bún. Ông vội, quỳ xuống đất, trước mặt người đẹp, dập đầu liên hồi mà nói:
- Ngoại thần tội đáng chết. Mong ơn cao này của nương nương, ngoại thần tình nguyện đầu hàng, xin được làm kẻ hầu hạ nương nương trước phượng giá thì may lắm?
Nguyên lại trên chiếc kim ấn có khắc hai hàng chữ, một hàng chữ Mãn và một hàng chữ Hán. Hàng chữ Hán có sáu chữ "Tỷ báu của cung Vĩnh Phúc". Hồng kinh lược đến lúc đó mới biết người con gái ngồi trên giường mình chính là người đẹp số một miền quan ngoại và cũng là đệ nhất quý phụ đất Mãn Châu: Hiến Trang Văn hoàng hậu. Hồng kinh lược vẫn không thôi dập đầu lia lịa, miệng cầu mong tha tội. Văn hậu thò cánh tay trắng như ngọc ra, kéo Hồng kinh lược từ dưới đất lên giường cùng ngồi. Lúc đó, kinh lược họ Hồng mới chú ý tới y phục của bà thì thấy bà vận một bộ áo váy kỳ bào màu hồng thắm, có giải vàng óng ánh. Chính bộ áo vừa đẹp vừa quý phái này đã bị nước mắt nước mũi ông làm hoen ố một mảng lớn. Ông càng cảm thấy xấu hổ khó coi. Ông lại bò rạp xuống giường, dập đầu mãi. Nhưng rồi từ đó kẻ tò mò không còn nghe được hai người nhỏ to trò chuyện gì nữa…
Chẳng mấy chốc trời sáng, Hồng kinh lược đang mơ màng bỗng giật mình tỉnh dậy. Ông nhìn quanh thì không thấy người con gái đẹp tối qua nữa. Ông bàng hoàng, bâng khuâng như người đang trong giấc mộng. Quả thật việc này khó hiểu vô cùng đối với ông. Bỗng bốn đứa cung nữ từ ngoài vào đem nước rửa mặt cho ông, rồi dâng lên một nồi cháo yến. Bên ngoài đưa vào một số danh thiếp. Rồi Duệ Quận Vương, Đa Nhĩ Cổn, Trịnh Thân Vương Tế Cáp Lãng, Túc Quân Vương Hào Cách, Bối lặc Nhạc Thác, Bối Tử La Thác, Đại học sĩ Hy Phúc, Cương Lâm, Mai Lặc Chương Kinh, Lãng Tăng Cơ, tất cả đều đích thân lại bái vọng. Đa Nhĩ Cổn nói:
- Hoàng thượng mười phần mong nhớ kinh lược. Thế nào cũng xin mời kinh lược vào cung bệ kiến.
Một lát sau, trong cung có lệnh truyền ra. Tuyên chiếu đưa vào quán. Hồng kinh lược bốn bên đầu được hót tóc cẩn thận, chỉ để lại một lọn tóc trên đỉnh, tết thành bím nho nhỏ, dài dài. Ông mặc bộ áo hồng đính hoa của hoàng đế ân thưởng, đường bệ bước ra khỏi quán, trèo lên ngựa. Phía sau có một bọn bối lặc, đại thần tháp tùng, rầm rầm rồ rộ kéo vào Đại Thanh môn.
Ngoài cửa lúc đó đã có bọn hàng tướng nhà Minh như Tổ Đại Thọ, Đổng Hiệp, Tổ Đại Lạc, Tổ Đại Bật, Hạ Thừa Đức, Cao Huân, Tổ Trạch Viễn, đứng chờ từ trước. Khi thấy Hồng kinh lược tới, cả bọn đều tiến lên đón, sau đó cùng theo gót họ Hồng qua cửa Đại Thanh, vào điện Đốc Cung, rồi điện Cần Chánh. Hai bên điện, ngự quân đứng thành hàng, uy nghiêm. dũng mãnh. Hồng kinh lược quỳ xuống trước điện, làm lễ "Tam quy cửu khấu", miệng tung hô: Hoàng đế vạn tuế!
Hành lễ xong, Thái Tông hoàng đế tuyên triệu Hồng Thừa Trù lên điện. Phía trái ngai vàng, có đặt một chiếc bàn sơn son thiếp vàng, trên bày một hồ lô vàng, một chén vàng, bình vàng đựng nước, một lư hương, hai thẻ nhang thơm. Đằng sau, có bốn tên thị vệ đứng hầu, mình mặc bộ áo màu xanh lục, thắt đai vàng, đầu đội lương mão.
Thái Tông hoàng đế đưa tay cho họ Hồng ngồi xuống. Ngài hỏi về chính giáo, lễ chế, về phong tục quần chế, rất tỉ mỉ, cẩn thận. Hồng Thừa Trù trả lời từng điểm rành mạch, lưu loát. Hai người trò chuyện bàn bạc đến mấy tiếng đồng hồ, lúc đó hoàng đế mới hồi cung.
Một đạo thánh chỉ truyền xuống, phong Hồng kinh lược là Nội viện Đại học sĩ, được ban yến ngay tại Sùng Chính điện.
Từ đó về sau, Thái Tông hoàng đế thường vì quốc gia đại sự, truyền triệu Hồng kinh lược học sĩ tiến cung. Văn hậu cũng ngồi một bên. Khi thấy Văn hậu, Hồng học sĩ bò rạp mình xuống đất, miệng xưng tội thần, và dập đầu đôi ba lần tỏ vẻ cung kính đến cùng độ. Văn hậu thấy vậy, chỉ mỉm cười, không nói câu gì.
Bởi vì hậu có công khuyên Trù đầu hàng, nên Thái Tông hoàng đế cũng biệt đãi bà. Nhiều lúc chính ngài chỉ Hồng học sĩ mà bảo là:
- Hồng học sĩ hàng hậu chứ thực chẳng phải hàng trẫm.
Thế là mọi người đều phá lên cười. Tuy nói vậy chứ thực ra người ta đã thấy có điểu khác lạ trong tâm hồn của nhà vua. Nghĩa là sau khi họ Hồng đầu hàng thì Thái Tông hoàng đế cũng nhạt tình với Văn hậu. Văn hậu cũng đoán biết rõ tâm ý nhà vua cho nên trong lòng bà, nỗi oán hận càng ngày càng tăng mà không biết thổ lộ cùng ai. Bà chỉ còn biết đem Vương Cao, Đặng Khoá Tử, hai người bầu bạn với bà, vào rừng săn bắn giải khuây.
Có một hôm, giữa lúc đi săn về, Văn hậu gặp Duệ vương Đa Nhĩ Cổn. Hậu cho gọi Cổn tới trừng mắt nhìn Vương nói:
- Lão Cửu! Mạnh giỏi chứ? Tại sao mấy hôm nay không vào cung?
Đa Nhĩ Cổn làm bộ ngạc nhiên nói:
- Trời! Cung cấm là nơi nào mà thần dám tự tiện? Không có lệnh truyền triệu đâu dám vào?
Văn hậu nghe Cổn nói chẩu mỏ xì một tiếng, vừa cười vừa mắng yêu Cổn:
- Rõ nỡm chưa! Lại còn làm bộ ngớ ngẩn với bà! Người đã là em rể ta, lại còn là em chồng ta thì còn gì mà phải giữ lễ với tiếng!
Nói xong, Văn hậu lấy roi ngựa khẽ đập một cái vào đầu Duệ vương, nói tiếp:
- Thằng khùng kia, cút đi cho rảnh mắt bà!
Duệ vương cúi đầu xá, rồi dắt ngựa quay đi, tai còn nghe Văn hậu dặn thêm ở phía sau:
- Ngày mai không vào cung, coi chừng đôi giò của ngươi nghe không?
Đa Nhĩ Cổn lúc đó đã nhảy lên lưng ngựa, nghe hậu nói vậy định quay ngựa lại. Cũng lúc đó, Cổn bỗng thấy hai đầu ngựa đã tiến lên, đi song hàng với con ngựa của hậu, bên trái là ngựa của Vương Cao, bên phải là ngựa của Đặng Khoá Tử.
Ba người vừa đi vừa tỏ vẻ thân mật, có những cử chỉ khiến Cổn đâm nghi. Bất giác một nỗi hờn ghen xông lên tận đỉnh, Cổn tự nhủ:
- Hai con rận lạc! Vô phúc cho tụi mày rồi! Đợi sáng mai, ta sẽ lượm hết tụi mày đi!
Ngày hôm sau, Đa Nhĩ Cổn quả nhiên vào cung tìm gặp ông anh thì thầm cho biết câu chuyện bọn Vương Cao hôm qua. Thì ra Thái Tông hoàng đế đã lâu cũng có lòng nghi bọn Cao rồi. Trước đó mấy hôm, khi vào cung Vĩnh Phúc ngài thấy ở một nơi xa, hoàng hậu đang cùng Đặng Khoá Tử ôm nhau. Nhưng ngài cho rằng mình mắt hoa trông nhầm, nên cũng bỏ đi không nói tới. Nào ngờ hôm nay nghe Cổn mách, ngài nhớ lại chuyện hôm trước mà lòng càng nghi già, và cuối cùng thì tin là thật. Ngài đột nhiên cả giận, tự nhủ: hai thằng lưu manh nếu để ở trong cung thì còn ra thể thống gì nữa, nhân dịp này nên lượm chúng đi cho xong.
Ngài tức tốc hạ lệnh thị vệ vào cung truyền gọi Vương Cao và Đặng Khoá Tử. Văn hậu giữa lúc đang cùng Cao, Tử đùa giỡn, thấy lệnh gọi, vội hỏi sự thể nhưng bọn cung nữ đều không ai rõ chuyện. Cao và Tử đành theo thị vệ ra bệ kiến Thái Tông, quỳ xuống dập đầu lạy. Thái Tông không nói chẳng rằng, chỉ đưa một lệnh tiễn cho Đa Nhĩ Cổn lôi bọn Cao ra ngoài thành chém đầu tức khắc. Đến khi Văn hậu được tin thì đã trễ, không có cách gì cứu nổi. Nhưng sau đó bà đã rõ rằng Cổn vì yêu mình nên đã giết bọn Cao. Từ đó Văn hậu không còn có bầu bạn, lòng những âu sầu.
Thái Tông hoàng đế hồi đó, có chuyện lôi thôi với Triều Tiên, thành thử ngài bận bíu suốt ngày, lúc nào cũng cùng với bọn bối lặc, đại thần bàn tính việc chinh phạt. Hoàng hậu vì thế càng cảm thấy lạnh lẽo đơn chiếc.
Tại sao Thái Tông hoàng đế phải xuất binh chinh phạt Triều Tiên? Câu chuyện xảy ra như sau: Vua Triều Tiên là Nhân Tổ, phản đối việc tôn hiệu Thái Tông. Đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ nhì là chuyện khuyên Triều Tiên nên đầu hàng. Khi Hàn thị, phi tử của Nhân tổ chết, Thái Tông hoàng đế sai Anh Nga Nhĩ Đại, Mã Phúc Thái đi điếu rồi nhân dịp khuyên Nhân Tổ đầu hàng xưng thần. Tổ không những đã không chịu hàng, lại còn mai phục quân sĩ ở khách quán định ám sát sứ thần của Đại Thanh. Đại và Thái may thoát chết chạy về, kể hết mọi nội cho Thái Tông nghe. Nhà vua cả giận, lập tức điểm đủ mười vạn người ngựa, cùng bọn bối lặc, đại thần ngự giá thân chinh đi đánh Triều Tiên.
Văn hoàng hậu được tin hoàng đế đích thân xuất sư, bèn nghĩ ra một chuyện. Bà chờ khi hoàng đế bãi chầu về cung, liền tự mình tới gặp. Văn hậu bèn hỏi:
- Bệ hạ xuất chinh phen này giao cho ai làm giám quốc?
Thái Tông nói:
- Trẫm đã đem mọi việc triều chính giao cho Hồng học sĩ. Y tuy mới về hàng nhưng thực có thể ỷ cậy được. Còn mọi việc trong cung cấm thì đã có hậu chủ trương. Hậu hãy chiếu theo cung cách biện lý như lần trước, khi trẫm xuất quân đánh Phủ Thuận.
Văn hậu nghe xong, liền tâu:
- Lần này không thể chiếu theo cách biện lý của lần trước được! Bởi vì thần thiếp gần đây bệnh liên miên, không thể chịu đựng được tân khổ. Xin bệ hạ cử một người thân tín giám quốc thì hơn.
Thái Tông hoàng đế tỏ vẻ do dự, lát sau mới nói:
- Tìm ai làm được giám quốc bây giờ? A Mẫn, Mảng Cổ Nhĩ Thái cũng đều bệnh cả rồi!
Văn hậu nghe xong cười nhạt nói:
- Bệ hạ cho hai người đó là những người đáng trông cậy ư? Riêng thần thiếp thì thì lại rất sợ họ đó!
Thái Tông hoàng đế ngạc nhiên hỏi:
- Hai người đó thế nào?
Văn hậu đáp:
- Bệ hạ sắp xuất quân. Hai người đó ra thế nào cứ xin bệ hạ tới hỏi xem. Tóm lại thiếp vẫn phải xin bệ hạ cử người giám quốc thì lúc đó thiếp mới chắc được hoàn toàn vô sự.
Thái Tông hoàng đế vì trong lòng còn bận nhiều việc nên cũng chẳng muốn hỏi cho ra lẽ, ngài chỉ nói:
- Nhưng cử ai được bây giờ?
Bỗng Văn hậu bật người lên như, cái lò xo, vội nói:
- Có rồi! Có rồi! Đa Nhĩ Cổn! Bệ hạ đã chẳng thường ca tụng hắn có lòng trung nghĩa là gì? Hơn nữa, hắn lại là em rể của thần thiếp. Nếu để hắn giám quốc, nhất định chẳng có chuyện gì xảy ra. Hắn cũng có thể trông coi cả mọi việc trong cung cấm, khiến thẩn thiếp khỏi nghi kỵ lo âu.
Thái Tông hoàng đế nghe xong, vỗ tay nói:
- Ừ phải! Trẫm quên khuấy mất tên Lão cửu đó nhỉ! Cho gọi hắn vào ngay.
Bọn cung nữ được lệnh, ba chân bốn căng chạy đi. Chẳng mấy chốc Đa Nhĩ Cổn đã vào cung. Thái Tông hoàng đế giao cho Cổn làm giám quốc tại kinh đô, đồng thời đề phòng A Mẫn, Mãng Cổ Nhĩ Thái. Ngài còn dặn dò mọi việc đến năm, ba lần rồi mới ra khỏi cung, nhẩy lên ngựa, hối thúc quân mã lên đường thẳng tới địa giới Triều Tiên…