Love is like a butterfly, it settles upon you when you least expect it.

 
 
 
 
 
Tác giả: Thạch Lam
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 74
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 317 / 69
Cập nhật: 2024-10-26 20:43:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ung ngồi khâu bên chiếc ghế gần cửa sổ. Tay nàng đưa mũi kim một cách uể oải, thỉnh thoảng ngừng lại để trông đứa con đùa nghịch ở góc buồng. Tiếng cười nói vui vẻ của bọn học trò đi qua phố nhắc Dung nghĩ đến thì giờ. Nàng ngẩng lên nhìn đồng hồ lẩm bẩm.
- Hơn mười một giờ rồi. Sao chưa thấy về.
Rồi nàng lại yên lặng. Vì Dung nhận ra rằng câu ấy nói vì thói quen mà thôi: nàng không mong đợi ai. Bây giờ nàng thấy thản nhiên trong lòng khi nghĩ đến chồng, và sự đó làm cho nàng buồn rầu.
Sau bốn tháng ở quê bà phán đã về đón nàng lên. Dung mừng rỡ đem con ra Hà Nội. Nhưng khi thấy Xuân đối với nàng vẫn lãnh đạm như trước, Dung chán nản như đã ao ước một cái gì mà thất vọng. Rồi nàng cũng khuây khỏa dần, các cuộc đời lại đi như thường, với những cái bận rộn và lo nghĩ hằng ngày. Buổi sáng hôm ấy, gió lạnh đầu mùa đem đến cho nàng nỗi nhớ tiếc những ngày vui đã qua. Nàng gọi thằng Sinh tới, lấy chiếc áo dạ cũ mặc cho con. Nàng thấy trong lòng lạnh lẽo, ruột như thắt lại khi nghĩ đến mình không có ai yêu mến nữa. Tất cả quãng đời từ nhỏ hiện ra trong trí nhớ nàng.
Dung nhớ lại lúc còn ở nhà, nàng sống cuộc đời giản dị và bình tĩnh của một cô gái nhà nền nếp ở vùng quê. Cha nàng là một ông tú, suốt ngày chỉ xem sách. Dung nhớ rõ không bao giờ nàng được lên nhà trên, một căn nhà gạch năm gian mà không rụt rè sợ hãi. Lúc nào nàng cũng thấy cha nghiêm nghị ngồi trên sập, bên cạnh chồng sách cao. Hình như căn nhà đó là một thế giới dành riêng cho đàn ông, đàn bà con gái không được bước chân vào. Nàng không thấy ông tú tỏ vẻ âu yếm quý mến nàng bao giờ; chỉ mấy đứa em trai nàng là được ông săn sóc đến.
Nhưng mẹ nàng là một người đàn bà rất vui vẻ và hiền từ. Bao nhiêu công việc trong nhà, bà trông nom quán xuyến cả, và không thấy bà than phiền về sự khó nhọc bao giờ. Dung yêu mến mẹ và lúc nào cũng chỉ quanh quẩn bên chân mẹ như con chim còn non. Hình ảnh mẹ lúc nào cũng phảng phất trong trí nhớ Dung, như hình ảnh một sự đằm thắm, thân yêu mà nàng không được hưởng nữa.
Rồi đến năm về nhà chồng, những ngày sống bên cạnh Xuân, một người chồng nàng không hiểu, và thấy lúc nào cũng như băn khoăn lo nghĩ về một sự gì. Nàng biết mình không có lỗi, nhưng cứ thấy mỗi ngày Xuân một lãnh đạm với nàng. Cho đến gần đây, hai người hình như không còn liên lạc gì với nhau.
Dung buồn rầu thở dài. Nàng dừng kim, bỏ tấm vải vào thúng khâu rồi quay ra gọi con:
- Sinh, đừng nghịch nữa. Lại đây với mẹ.
Đứa bé bỏ đồ chơi trên đất, đến gần Dung áp má vào tay mẹ. Nàng xoa đầu con, nghĩ ngợi. Cuộc đời nàng chán nản quá! Những buổi thức khuya mong đợi Xuân, những hôm cãi nhau, sự khó nhọc nuôi con, trông nom chúng như người vú già. Tất cả những công việc nhỏ mọn và ngày này qua ngày khác nàng vẫn làm. Và Dung nghĩ đến bao nhiêu người vợ khác cũng như nàng, cũng buồn rầu, lo nghĩ vì những cái nhỏ mọn, vì một cuộc đời không có gì vui vẻ và sung sướng.
Tiếng người nói ngoài cửa làm Dung giật mình. Nàng xua đuổi những ý nghĩ lan man, rồi nhanh nhẹn đứng dậy. Dung chỉ còn là một người đàn bà nhẫn nại và yên phận; nàng sắp sửa xuống bếp để trông nom cơm nước thì nghe tiếng xe đỗ ngoài cửa. Bà phán và Lan bước vào, mỗi người mang một bọc lớn. Người phu xe theo sau, nặng nề đặt xuống thềm một cái thúng đậy vĩ buồm.
Dung vội vàng chạy ra đón:
- Thưa mẹ, mẹ đã đi chợ về.
Bà phán không trả lời, đi vào để cái bọc trên bàn, rồi quay ra chỉ cái thúng:
- Chị bảo nó cất vào trong nhà, khiêng khéo kẻo không giập mất cả đấy.
Rồi nhìn đồng hồ, bà cụ hỏi:
- Anh ấy bây giờ chưa về cơ à?
Dung buồn rầu đáp:
- Thưa mẹ chưa. Dễ thường hôm nay lại không ăn cơm nhà.
Muốn nói chuyện khác, nàng ngoảnh lại hỏi Lan:
- Mua làm gì nhiều hoa quả thế, cô?
- Chị không biết ư? Hôm nay là giỗ đấy. Với lại còn để đem biếu bà Hai nữa.
Mẹ Trường đang xếp cẩn thận những quả hồng ra đĩa, ngửng lên nhìn con dâu nói thêm:
- Vừa để biếu vừa để làm lễ sêu cho em nó một thể. Hôm nay nó cũng sắp ở trong trường ra đấy.
Dung nhìn mấy đĩa hồng, bất giác mỉm cười. Nàng nhớ lại những đĩa hồng mà bà phán đã đem lại nhà nàng trước kia, khi sắp xin cưới nàng. Bao nhiêu sêu tết, lễ nghi như thế để đi đến một cuộc nhân duyên buồn rầu như cuộc nhân duyên bây giờ! Vậy mà trước kia nàng đã để biết bao hy vọng vào đó. Dung nghĩ đến những chị em bạn nàng, khi đến chơi đã nhìn những quà biếu đó một cách ganh tị, tựa như đấy là cái biểu hiện của một sự vui mừng nhất trong đời người con gái.
Trông Lan khéo léo xếp đặt hoa quả, Dung hỏi đùa:
- Còn cô Lan nữa. Bao giờ thì có người mang quà đến biếu?
Lan e thẹn, đôi má hồng hào, đưa tay vén mấy sợi tóc trên trán, và trả lời:
- Chị chỉ hay nói đùa em thôi.
Nhưng câu hỏi của Dung đã thoáng gợi trong trí nàng một nỗi mơ màng. Lan tự nhiên thấy bâng khuâng trong lòng một ước mong vớ vẩn không đâu.
Hai chị em đang nói chuyện thì Trường bước vào. Chàng đã phải xin phép về, vì mẹ chàng bắt thế, tuy bà phán đã nói vì nhà có giỗ nhưng Trường cũng đoán biết vì có sự gì khác nữa. Mấy đĩa hồng bày trên bàn khiến chàng hiểu ngay. Trường khó chịu khi nghĩ đến mẹ chàng đã sắm những thức ăn mà không nói cho chàng biết. Bà phán thấy con về chỉ vui vẻ hỏi:
- Sao con về sớm thế? Buổi chiều không phải học à? - Và bà chỉ vào mấy đĩa hồng, khoe:
- Con xem những quả hồng xinh đẹp này. Thật là nhất chợ, mẹ phải mặc cả mãi mới mua được đấy.
Lan nói chen vào:
- Giá không cần đến, thì chả phải mua đắt đến thế, mẹ nhỉ?
Trường yên lặng ngồi xuống ghế. Chàng muốn nói câu gì để tỏ ý không bằng lòng của mình nhưng lại thôi. Chàng thấy mẹ vui vẻ và như sung sướng khi nghĩ đến chuyện nhân duyên của chàng, nên chàng không dám làm cho mọi người thất vọng. Thật ra, chưa lúc nào chàng nghĩ hẳn rằng sẽ từ chối lấy cô Hảo. Chàng không biết có nên từ chối không, nhưng chàng cũng chưa bao giờ tỏ ý bằng lòng hẳn. Cũng như mấy năm về trước, chàng không muốn nghĩ gì đến việc ấy cả.
Nhưng bây giờ Trường nhận ra rằng cứ yên lặng, tức là bằng lòng. Mẹ chàng sẽ cứ tự nhiên như lúc này tuần tự lo việc vợ chồng cho chàng. Trường nhớ lại, buổi trước khi vào học, chàng đến chơi nhà bà Hai. Sự tiếp rước niềm nở và quá kính trọng của bà, vẻ thân mật của Bình khi nói chuyện với chàng, cho đến cả sự e lệ, thẹn thò của Hảo, lúng túng và ngượng nghịu khi thấy chàng bước vào, tất cả những cử chỉ đó đều tỏ rõ cho Trường biết cái địa vị mà người ta muốn chàng nhận lấy. Cảm tưởng của chàng lúc ấy lại là một sự vui thích khi thấy gia đình bà Hai săn sóc, ân cần đến mình thế. Lòng tự kiêu nảy nở trong lòng chàng, Trường thấy mình hơn người khi được một bà giầu có, có cô gái đẹp như Hảo để ý. Ý nghĩ đó khiến Trường tự nhiên giao thiệp với gia đình bà Hai như chàng sẽ sắp làm rể bà ta vậy. Nhưng Trường vẫn có cái cảm giác ràng buộc mình.
Trường lại nghĩ đến Trinh, đến căn vườn nhỏ đầy hoa cỏ bên bờ sông Tiên. Chàng thấy trong lòng rung động một mối tình mến yêu tha thiết. Ái tình của chàng đối với Trinh trong sạch và đằm thắm quá, không có một sự gì có thể ngăn trở được. Chàng tưởng nếu bây giờ chàng ngỏ ý hỏi Trinh làm vợ, thì ý muốn đó rất tự nhiên; không có gì đáng tội lỗi trong đó cả. Trường như thấy đôi mắt hiền từ của bà Nhì nhìn mình, tấm lòng tốt vô hạn và êm dịu của bà thấm thía vào tâm. Chàng can đảm nhìn, rồi hỏi:
- Những hồng này mẹ mua để biếu bà Hai à?
Bà phán cười, nhưng không nhìn con, đáp:
- Phải, để đem biếu với để sêu vợ cho anh một thể đấy.
Trường có vẻ ngạc nhiên:
- Cho con? Mẹ hỏi ai thế?
Bà phán chưa kịp trả lời, Dung đã nhìn Trường vừa cười vừa nói:
- Chú lại còn vờ hỏi ai nữa.
Rồi nói đùa:
- Cô Hảo trông xinh đấy chứ, chú nhỉ?
Trường lặng thinh không đáp, ngẫm nghĩ. Bà phán đã xếp các thứ hoa quả lên mặt tủ, quay lại bảo:
- Thôi chị Dung sửa soạn hộ tôi những cái này. Còn về nhà làm cỗ nữa thì vừa.
- Vâng, con sẽ đi ngay.
Lan khẩn khoản nói với mẹ: “Mẹ cho con đi với nhé!”, rồi không đợi bà Phán trả lời, nàng vui vẻ như đứa trẻ được quà nắm lấy áo Dung và giục: “Vào sửa soạn đi, chị”.
Dung nhìn em, âu yếm mắng:
- Thế hãy vào dọn cơm ăn đã. Làm gì mà vội vàng thế?
Trường nhìn đồng hồ, hỏi chị:
- Gần mười hai giờ rồi. Không đợi anh Xuân về ăn một thể, hử chị?
Bà phán quay ra gắt:
- Cứ ăn trước đi. Đợi thì biết bao giờ cậu ấy mới về.
Câu gắt rơi vào một sự yên lặng ngượng nghịu. Không ai nói gì. Những ý nghĩ băn khoăn đều ám ảnh mọi người. Dung lặng lẽ đưa mắt nhìn Trường, rồi kéo Lan đi vào trong nhà.
Khi hai chị em đã đi khuất, Trường ngẩng lên nhìn mẹ. Chàng nhận thấy trên nét mặt mẹ một vẻ buồn rầu. Một vài nét răn nổi ngay trên trán, dưới mái tóc đã sắp bạc. Trường lại nhận thấy nét mặt của mẹ chàng đã quen khi bà có sự gì lo nghĩ. Trường biết mẹ đương đau khổ lắm, vì Xuân vẫn cứ đi chơi bời như trước, không thiết gì đến nhà cửa. Nhưng không phải sự ấy làm mẹ chàng buồn; bà cụ buồn vì thấy Xuân không nghe lời mình, và mẹ con bây giờ thành không có liên lạc, quan hệ với nhau nữa. Trường cũng biết như thế.
Chàng giận anh và tự nhiên thấy trong lòng nao nao một tâm tình thương mẹ. Trường nghĩ đến những ngày xa xôi về trước, trong cái dĩ vãng nghèo nàn và thảm đạm hồi chàng và Xuân hãy còn nhỏ, ở An Lâm, đến những buổi chiều tối buồn sầu trong một căn hàng nhỏ, khi các nhà hàng xóm đã lên đèn, mà mẹ chàng còn lo nghĩ, cúi mình trên chiếc bàn tính cũ.
Bà phán bỗng dịu dàng bảo con:
- Chiều hôm nay con ra sớm về cúng nhé. Mẹ đã mời bà Hai và bà Cửu lại chơi đấy. - Một lát, bà nói thêm. “Cả cô Hảo và cậu Bình cũng đến”.
Trường cúi mặt xuống, đáp:
- Nhưng thưa mẹ... - Tiếng chàng trở nên run run, nhưng... việc cô Hảo đối với con làm gì mà cần vội thế? - Trường khẽ thở dài. Chàng định tỏ ý từ chối, mà lại thành một câu khác hẳn.
Bà phán ngồi xuống cái ghế trước mặt con, thong thả bảo:
- Con bảo còn vội gì nữa, bây giờ con đã ngoài hai mươi tuổi, mà mẹ cũng đã già rồi. Mẹ chỉ muốn lo liệu cho con sớm ngày nào hay ngày ấy.
Bà nhớ đến buổi nói chuyện với bà Hai trong khi Trường về quê; bà Hai đã ngỏ ý cho cưới ngay vì không có dịp nào tốt hơn nữa, với lại vì cô Hảo có một bà cô đã già lại hay ốm đau luôn, nếu để lâu sợ lại phải chờ đợi thêm. Mẹ Trường bằng lòng, và cả hai bà đều muốn việc ấy chóng xong.
Nhưng bà Phán không đem những sự ấy nói cho Trường biết. Việc cưới cô Hảo cho con là một việc bà mơ ước đã từ lâu và coi như là đã quyết định rồi. Không bao giờ bà hỏi xem Trường có bằng lòng hay không, hay thấy cần phải dò xét những tính tình của con đối với cô Hảo. Trong cuộc hôn nhân này, bà thấy có lợi, và bà tin chắc rằng Trường không có lẽ gì từ chối.
Thấy con yên lặng nghĩ ngợi. Bà phán lại hỏi:
- Con nghĩ thế nào? - Nhưng không đợi Trường đáp, bà tiếp thêm, nói sang chuyện khác:
- Bà Hai thật là người tử tế. Tuy nhà ta nghèo, nhà bà ấy giầu mà bà ta vẫn không quên lời hứa. Tháng trước đã có em bà phán Ty hỏi, nhưng bà Hai không nhận lời.
Trường toan đáp “Kể bà ấy nên nhận lời là phải. Tiện sắp làm tham biện còn gì nữa” vì chàng biết bà Hai có quý mến mình cũng bởi chàng là học sinh Cao đẳng. Nhưng chàng lại thôi, không muốn trái ý mẹ.
Trường đẩy ghế đứng dậy, đến gần bên cửa sổ trông ra ngoài. Trong óc chàng băn khoăn bao nhiêu ý nghĩ. Trường nhận thấy nếu lấy cô Hảo, chàng sẽ làm cho tất cả mọi người được vừa lòng nhất là mẹ chàng. Trường cũng nhận thấy cái tương lai rực rỡ mà cuộc nhân duyên ấy sẽ đem đến cho mình, sự giầu có sang trọng mà gia đình chàng đã theo đuổi bao nhiêu lâu.
Nhưng hình ảnh Trinh hiện ra trước mắt chàng với tất cả vẻ dịu dàng âu yếm của đôi mắt đen trong. Trường thấy sôi nổi trong người lòng hăng hái và yêu đời của tuổi trẻ. Lúc bấy giờ không có gì quan hệ đáng để ý nữa ngoài lòng yêu của chàng.
Trường nhớ lại rõ rệt cái đêm sáng trăng cuối cùng ở An Lâm. Đêm ấy, Trinh đã ngả mình trong cánh tay chàng với bao nhiêu là tình yêu tha thiết và chân thật. Lòng tin cẩn ngây thơ của cô thiếu nữ chất phác đã làm chàng cảm động. Lần đầu chàng hiểu cái giá trị của những tính tình thanh cao và tốt đẹp. Bên cạnh những cái quý báu Trường thấy rung động trong lòng, những sự ham muốn về gì giầu sang, danh giá, đối với Trường chỉ là những cớ kiêu ngạo, nhỏ nhen.
Chàng quay lại định nói rõ những ý nghĩ ấy với mẹ, nhưng bà phán đã vào trong nhà từ lúc nào rồi. Trên mặt tủ mấy đĩa hồng ngay ngắn bày bên cạnh các hoa quả khác. Trường nhìn những qua hông đó, tự nhiên mỉm cười. Những thứ đó như biểu hiện các lễ nghi trong xã hội. Cái hạnh phúc người ta xây dựng chỉ là cái hình bóng bề ngoài, một sự sắp xếp và cân nhắc khéo léo. Không có một chút gì thân mật. Trường nghĩ đến cuộc hôn nhân của mình, sự giao thiệp của chàng đối với bà Hai và cô Hảo từ trước đến nay.
Chàng lại đến gần cửa sổ, áp trán vào chấn song. Gió lạnh nhè nhẹ thổi bay mái tóc xõa xuống trán. Trường vui vẻ ngước mắt nhìn lên. Trời cao trong xanh thẳm như phản chiếu những ý nghĩ băn khoăn của chàng.
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập