That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 158 / 9
Cập nhật: 2020-06-24 21:51:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Sự Tích Vịnh Hạ Long
ào một ngày đẹp trời nào đó, trên chiếc thuyền buồm hoặc trên một con tàu nhỏ, chúng ta đi thăm vịnh Hạ Long. Biển Hạ Long mùa xuân, mùa hè hay mùa thu đều đẹp. Bầu trời xa rộng, mặt vịnh phẳng lặng xanh biếc, trong đến mức nhìn rõ cả những đám rong rập rờn dưới đáy nước… Thuyền ta lướt đi. Gió mát thổi lộng. Những đảo đá lần lượt hiện trước mắt ta muôn dáng hình kỹ lạ. Tiếng chim hải âu vỗ cánh, tiếng những bầy vẹt biển kêu vang trên các vách đá và hang sâu. Thuộc đủ tên các đảo lớn nhỏ, họa chăng chỉ có các bác dân chài đã sống cả đời trên vùng vịnh tuyệt đẹp này. Người đưa ta đi thăm Hạ Long - anh phụ trách trại hè, chị hướng dẫn viên công ty du lịch hay bạn nhỏ người Quang Ninh - sẽ chỉ cho ta: kia là Đèo Bụt, đây là Vũng Oản, phía xa mờ kia là đảo Tuần Châu, rồi Ông Võ, Bái Tử Long… Những tên nghe sao ngộ nghĩnh, lạ lùng! Những tên đã có từ lâu đời ấy, do đâu mà có?
Ngày xưa, khi trái đất mới hình thành, trên trái đất mới chỉ có biển, rừng rậm, đầm lầy, đời sống con người còn sơ khai mông muội. Cuộc sống đầy những lo âu, khiếp sợ trước thiên nhiên bí hiểm và dữ dằn. Bấy giờ, vùng vịnh này là nơi chứa biết bao nhiêu tai họa. Trên rừng đâu đâu cũng gặp thú dữ; dưới biển, khắp nơi loài thủy quái hoành hành. Chúng gây ra bão tố sóng lớn cuốn đi cửa nhà, nhấn chìm bè máng, cây cối ruộng đồng bị vùi sâu dưới nước. Trên cõi trần nơi nào cũng tràn ngập lời khóc than ai oán.
Khi ấy ở cõi trời lại vô cùng bình yên nhàn tản. Các vị thần tài ba trên thiên đình chẳng biết làm gì, suốt ngày chỉ đi dự yến tiệc, vui chơi, múa hát. Trong các vị thần tài ba ấy, có nữ thần Rồng, sau khi chán mọi cuộc vui, thần về nhà truyền lại phép thuật cho đàn con. Dạy hết phép rồi thần lại cảm thấy trong lòng chán nản, suốt ngày đóng cửa chả đi đâu. Thấy mẹ buồn phiền, đàn con xúm lại hỏi han:
- Mẹ ơi, sao mẹ buồn thế? Có phải tại chúng con không vâng lời mẹ, hoặc chúng con học chẳng chuyên cần làm cho mẹ buồn không?
- Không, không phải tại các con đâu, chẳng qua mẹ hay nghĩ ngợi vẩn vơ đấy thôi.
- Mẹ nghĩ gì, mẹ có thể nói cho chúng con biết được không?
- Các con muốn nghe thì mẹ sẽ nói, nhưng chắc rằng các con chẳng thể nào làm cho mẹ vui hơn được. Các con biết đấy, mẹ là một trong những vị thần tài ba ở thiên đình. Nhung mẹ biết dùng cái tài ấy để làm gì trên cõi trời nhàn tản này? Và khi đã không dùng đến thì có tài cũng như không. Người ta sống sung sướng khi biết mình làm được những điều có ích. Trên cõi này moi người đều bị nhấn chìm, mờ nhạt trong những cuộc vui muôn thuở. Từ xưa tới nay và từ nay về sau vĩnh viễn chẳng có gì thay đổi. Thế mà Ngọc Hoàng thượng đế và các thiên thần đều bất tử, vậy thì sẽ thấy chán ngán đến mức độ nào! Có cái gì, có hành động nào chứng minh là ta vẫn đang sống? Mẹ luôn bị giày vò về những điều như thế. Mẹ luôn muốn rằng mẹ làm được điều gì có ích để chứng tỏ mình đang sống. Bởi vậy mẹ đã truyền lại phép thuật cho các con và khi các con đã học hết phép thuật của mẹ rồi thì mẹ chẳng còn biết làm gì nên lại buồn. Và chính các con, các con sẽ dùng phép thuật ấy làm việc gì nào?
Khi ấy, một trong số các con của thần Rồng nảy ra ý muốn mẹ cùng đàn con chu du một chuyến xuống cõi trần cho khuây khỏa.
Mẹ con thần Rồng bay qua một vùng eo biển, thấy gió dữ nổi lên. mặt biển ầm ầm bão tố. Nhìn xuống thấy muôn loài thủy quái đang hà hơi, phù phép, xô đẩy mặt biển lên cao muôn trượng. Cây cối nhà cửa bị nhận chìm và cuốn trôi đi. Nhưng con người không chịu khuất phục. Con người gan góc chống lại bão tố và sóng dữ. Vũ khí trong tay con người hồi đó còn rất thô sơ, chỉ có dao đá, rìu đá, những thân cây vạt nhọn, những con thuyền độc mộc mỏng manh.
Cuộc chiến đấu giữa thiên nhiên và con người thời xưa thật không cân sức. Biết bao mạng người phải làm mồi cho các loài thủy quái. Sau mỗi kỳ dông bão, những người còn sót lại tìm cách bám víu những mỏm núi cao ẩn tránh. Cuộc sống muôn vàn cơ cực. Tiếng khóc than của người lay động tới mấy tầng mây.
Cảm phục sự gan góc của con người, thương xót nỗi khổ đau của con người, thần Rồng vội vàng cùng các con bay về trời tâu với Ngọc Hoàng mọi chuyện và xin với Ngọc Hoàng cho thần xuống trần để cứu giúp con người. Ngọc Hoàng bằng lòng cho thần Rồng đi, nhưng người dặn là sau khi xong việc phải trở lại trời ngay…
Thần Rồng xuống vùng vịnh, một mình chống chọi với muôn loài thủy quái. Thần phải rút vẩy của mình ra để làm hàng ngàn gươm đao, thành lũy. Cuộc chiến rất ác liệt. Cuối cùng thần Rồng đã thắng. Mực nước hạ xuống, mặt vịnh lại bình yên. Nhưng muôn loài thủy quái vẫn ẩn dưới lòng biển sâu chưa chịu khuất phục, chúng chỉ chờ khi nào thần Rồng về trời là lại nổi lên hoành hành.
Biết vậy, thần Rồng quyết ở lại để trấn vùng vịnh, mặc dù suốt ngày đêm, không lúc nào thần nguôi nhớ đàn con yêu dấu.
Nghe tin thần Rồng vì quá gắn bó với con người mà ở lại hạ giới, Ngọc Hoàng nổi giận. Người sai ông Bụt mang theo bên mình phẩm oản và một cây gậy. Oản để ăn cho thêm sức mạnh mà thuyết phục thần Rồng về, còn gậy để đề phòng những tai ương bất trắc. Đường từ trên trời xuống cõi trần xa đằng đẵng. Xuống tới nơi, mỏi chân, ông Bụt liền đặt cái gậy lên hai đầu gối ngồi nghỉ. Mỗi ngày ông móc một hạt xôi trong lòng phẩm oản để ăn, vừa ăn vừa thuyết phục thần Rồng về trời. Cho đến khi phẩm oản đã rỗng hết ruột, thần Rồng không những khăng khăng không chịu về mà còn tìm cách thuyết phục lại ông Bụt:
- Ông Bụt ơi, tôi biết rằng tôi ở lại đấy là có tội với Ngọc Hoàng. Nhưng nếu tôi về trời thì tôi có làm được gì đâu, chẳng qua để chứng tỏ là có thêm một người ở dưới quyền trị vì của Ngọc Hoàng. Còn ở đây tôi giúp cho con người tránh khỏi bao tai ương, cực khổ. Chính điều ấy đã làm cho tôi vui và cảm thấy mình được sống thực sự. Xin ông hãy về tâu với Ngọc Hoàng cho tôi ở lại trần thế này.
Xúc động trước việc làm và lý lẽ sâu xa của thần Rồng, lại thương thần Rồng phải một mình chống chọi với muôn loài thủy quái, ông Bụt liền quyết định ở lại cùng thần Rồng cứu giúp con người. Ông ném phẩm oản rỗng xuống biển làm thành một cái vũng cho thuyền bè tránh gió trong những ngày biển động. Còn ông, ông lên rừng, ngồi trên một đèo để trấn loài hùm beo ma quái.
Nghe tin ông Bụt cũng không về trời nữa, Ngọc Hoàng càng nổi giận lôi đình. Người cho rằng ông Bụt quá nhu nhược, nên đã bị thần Rồng lôi kéo, mua chuộc. Ngọc Hoàng liền sai ông Võ xuống trần. Ông này sức mạnh hơn người, oai phong lẫm liệt. Ông chưa tới nơi đã nghe tiếng ông quát vang lên như sấm sét. Thần Rồng không hề nao núng, bình tình mang lý lẽ của mình ra thuyết phục ông Võ. Trước những lời chân thành, ông thấy ân hận suýt nữa đã trị tội một vị thần tài giỏi và tốt bụng như vậy. Ông Võ cũng xin ở lại cùng với thần Rồng. Ông đứng chống kiếm quay ra phía biển để trấn áp muôn ngàn sóng dữ.
Thấy các thần xuống hạ giới đều không chịu trở về, Ngọc Hoàng không phái ai đi nữa. Người cho rằng mọi nguyên nhân chống lại ý trời đều do thần Rồng. Người bèn giam đàn con của thần Rồng lại để trừng phạt người mẹ láo xược, không bao giờ cho mẹ con gặp nhau nữa. Nhưng không ngờ đàn con của thần Rồng đã được mẹ truyền cho phép thuật, đã vượt được ngục của nhà trời, bay lang thang khắp nơi đi tìm mẹ. Ngọc Hoàng bèn hóa phép giáng sương mù mịt không cho mẹ con thấy được nhau. Đàn con thần Rồng đành phục xuống biển xa mà khóc than, gọi mẹ. Biết rằng chẳng thể nào ngăn cấm được tình mẹ con, Ngọc Hoàng cuốn màn sương mù lại và truyền lệnh tha tội cho tất cả các vị thần đã ở lại trần gian. Ông Võ dẫn lối cho đàn con thần Rồng tìm đến mẹ.
Miền vịnh từ đấy đã bình yên. Nhưng người dân vùng này vẫn lo âu, sợ có ngày các vị thần trở về trời thì mặt đất lại bị biết bao tai ương đe dọa. Ho làm lễ tạ các thần và cầu xin các thần ở lại mãi mãi với con người. Thần Rồng thấy dân vịnh còn lo âu, bèn đặt hạt ngọc quý của mình xuống vịnh tặng cho người để làm tin. Dân cả vùng vui mừng mở hội lớn đón ngọc. Hàng vạn thuyền bè chở đất đá đến để lấp lên viên ngọc, giữ cho ngọc khỏi trôi đi, giữ cho lòng tin của con người còn lại vĩnh viễn. Nơi lấp ngọc ấy bây giờ đã thành một hòn đảo - gọi là đảo Thần Châu.
Từ đấy nhân dân vùng này đặt tên cho vịnh là vịnh Hạ Long để ghi nhớ ngày thần Rồng xuống. Tất cả những tên như Đèo Bụt, Vũng Oản, Ông Võ, Bái Tử Long… cũng từ đấy mà có. Dân gian truyền tụng truyền thuyết vê các vị thần, cũng là cách ghi nhận công lao của ông cha ta xưa, những người đã khai phá vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, đem lại bình yên, hạnh phúc để chúng ta có đất và biển Hạ Long giàu đẹp hôm nay.
Cái Tết Của Mèo Con Cái Tết Của Mèo Con - Nhiều Tác Giả Cái Tết Của Mèo Con