Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Chương 33
T
ừ huyện Giang Khẩu, đầu nguồn Cẩm Giang, càng ngược sông Thái Bình lên thì núi hai bên bờ càng trở nên hùng vĩ. Qua khỏi trại Phồn Khê có người Hán, người Thổ gia và người Mèo trú ngụ, là vào khu bảo tồn tự nhiên. Ở đây các dẫy núi xanh rờn bắt đầu sáp nhau, lòng sông thắt hẹp lại và sâu tối. Trạm kiểm soát ở sông Hắc Loan, một tòa nhà nho nhỏ bằng gạch một tầng gác nằm ở trong cùng một vực sông. Trạm trưởng là một người trung niên, cao, đen nhẻm và gầy khô. Hai con rắn ta thấy chính là do ông thu về từ tay một gã săn bắn trộm xa lạ với địa phương. Ông giải thích với ta rằng trên hai bờ sông. Ông giải thích với ta rằng trên hai bờ sông, rắn kỳ đặc biệt nhiều, ở trong đám lá đay dại Apocynum venetum ấy.
- Ở đấy là vương quốc rắn kỳ, ông nói.
Nhờ loài rắn ấy mà khu rừng á nhiệt đới rậm rạp lá này mới được bảo tồn ở trạng thái gần như nguyên thủy cho tới tận ngày nay.
Là lính rồi là cán bộ, ông đã đi nhiều nhưng bây giờ ông chẳng nhúc nhích nữa. Mới đây ông vừa từ chối một chức trưởng công an và trưởng trạm trồng trọt của khu bảo tồn. Ông thích ở lại đây một mình, trông coi cái dẫy núi mà ông đã đem lòng yêu mến này.
Theo lời ông, năm năm trước, vẫn có hổ đến vồ trộm bò ở trong thôn nhưng bây giờ chẳng còn ai thấy dấu vết chúng nữa. Năm ngoái, ông đã tịch thu một con báo bị dân núi giết rồi gửi nó đến văn phòng quản trị ở huyện. Người ta đã ngâm xương nó vào anhydride thạch tín để giữ nó như một mẫu vật rồi đem niêm phong lại. Nhưng qua ống thoát nước và cửa sổ, một thằng ăn trộm đã vào phòng và lấy nó. Bán như xương hổ để ngâm rượu, xương này được coi là đem lại tuổi thọ.
Ông nói với ta rằng ông không phải nhà bảo vệ môi sinh cũng không phải nhà nghiên cứu. Ông chỉ là người coi giữ núi từng ở cái trạm này từ ngày xây dựng nó. Trên cái gác nho nhỏ của ông có nhiều phòng, có thể tiếp đón nhiều chuyên gia đến từ mọi nơi hoặc để điều tra hoặc để thu thập mẫu vật.
Vai trò của ông là làm cho họ sinh hoạt được thuận tiện ở đây.
Ta thấy rõ ông không vợ không con.
- Đàn bà là cái sự rất phiền, ông nói.
Thế là ông lại kể thời ông là lính, trong Cách mạng văn hóa, đàn bà cũng đại náo lắm, có một cô tự vệ mười chín tuổi từng theo lớp huấn luyện quân sự và là tay súng giỏi của tỉnh. Trong lúc vũ đấu, cô đi vào núi với trung đội cô, một cây súng của cô lần lượt bắn hạ năm chiến sĩ mà trung đội cô bao vây. Đại đội trưởng của những người bị giết hạ lệnh bắt sống cô. Hết đạn, cuối cùng cô đã bị bắt.
Khi ông phụ trách nhân sự ở một mỏ than nho nhỏ, công nhân cũng đánh nhau bằng dao bằng kiếm vì một người đàn bà. Vậy là ông đã chứng kiến quá nhiều rắc rối vì đàn bà. Ông đã lấy vợ nhưng rồi bỏ nhau và ông chẳng muốn nghe nói đến hôn nhân nữa.
- Anh có thể đến đây mà viết lách. Chúng ta có thể uống rượu với nhau. Bữa nào tôi cũng uống, không nhiều, chỉ chút ít.
Một nông dân đi qua cây cầu làm bằng thân cây bắc ở trước cửa nhà. Anh ta cầm một xâu cá. Chủ nhà của ta chào rồi ra hiệu cho anh ta lại gần, giải thích rằng ông đang có khách.
- Tôi sẽ làm món cá rán cay với vừng, đi với rượu là vừa hay.
Ông nói nếu muốn ăn thịt tươi, ông có thể bảo nông dân đi chợ. Ở cái xóm gần nhất, cách hai chục dặm, có một cửa hàng nho nhỏ bán rượu và thuốc lá. Đậu phụ càng hay được ăn, nhà nông dân nào làm đậu phụ đều dành cho ông một phần. Ông cũng nuôi vài con gà. Trứng và gà không thành vấn đề.
Đang trưa dưới chân núi xanh rờn, ta uống rượu với ông, nhắm món cá cay với vừng và món thịt muối.
- Đúng là cuộc đời của thần tiên, ta nói.
- Thần tiên hay không thì muốn gì ở đây cũng yên tĩnh êm ả, không có nhiều chuyện phiền lòng. Công việc tôi cũng đơn giản, đây lên núi duy nhất có một con đường và nó đi qua ngay trước mắt tôi, tôi làm trọn nhiệm vụ coi núi là xong.
Trên huyện ta nghe nói khu bảo tồn tự nhiên ở sông Hắc Loan này được giữ gìn tốt nhất. Ta nghĩ đó là nhờ thái độ nhân sinh đạm bạc của ông. Theo lời ông, nông dân ở đây với ông đều là chơi được. Mỗi mùa xuân, một lão nông lại mang đến cho ông một túi con rễ khô.
- Anh nhai một đoạn rễ này khi vào núi, rắn sẽ tránh anh. Ở đây rắn kỳ nguy hiểm tới tính mạng.
Vừa nói ông vừa đứng lên đi vào trong phòng lấy ra một túi giấy đầy cỏ, mở ra cho ta một cái rễ cỏ nâu. Ta hỏi cỏ gì, ông nói không biết tên, ông cũng chẳng hỏi. Đây là một mật dược tông truyền. Người miền núi có quy tắc của họ.
Theo ông, để đến Kim Đỉnh, ngọn núi chính, đi về phải mất ba ngày. Phải mang gạo, dầu, muối, trứng và một ít rau cùng đậu phụ. Qua đêm trên núi, ta chỉ có thể ngủ trong hang, trước đây đã có vài cái chăn bông ở đó để các nhà khoa học đến đó nghiên cứu dùng, vì ở núi gió thổi mạnh, trời rất rét, cần phải có chăn. Rồi ông nói ông sắp đến làng xem có tìm được ai để có thể lên đường ngay hôm nay. Rồi ông đi, bằng lối cầu độc mộc.
Ta làm một vòng trong vực sông. Ở chỗ cạn, nước sông chảy hoạt. Nó lấp lánh dưới nắng nhưng trong các góc râm, nó sầm sì và êm ả, xem vẻ đang tàng trữ vô vàn các mối hiểm ác. Trên bờ cây cỏ sum suê gần như quá quắt, một mầu xanh tựa hồ đen, cây cối toát ra một hơi ẩm làm cho người ta lo sợ: có thể tưởng tượng ra nơi đây nhung nhúc và rắn. Ta sang bờ bên kia, đến lượt ta cũng qua lối cầu độc mộc. Một xóm nhỏ có năm sáu ngôi nhà gỗ cao cũ kỹ nép mình ở sau rừng, các tường vách bằng ván, xà kèo đều đen đi vì quá ẩm do mưa nhiều.
Xóm nhỏ yên tĩnh, không một tiếng người. Các cửa nhà đều mở toang, trên các bao lơn không lan can, cỏ khô, nông cụ và những gỗ, tre. Ta định ghé vào một nhà để xem thì thình lình một con chó vện xám đen hầm hè lao vào ta, sủa dữ tợn. Ta vội vã lùi ra sau rồi trở về bên kia cầu gỗ, ngửa mặt ngắm nhìn núi đồ sộ màu xám xanh phơi trong nắng, ở đằng sau tòa nhà nho nhỏ của trạm kiểm soát.
Đằng sau ta vang lên tiếng cười của đàn bà. Quay lại ta thấy một phụ nữ đi qua cầu sang, tay hoa hoa một đòn gánh trên cuộn khoanh một con rắn to dài chừng thước rưỡi thước tám, đuôi ngọ nguậy. Rõ ràng chị ra hiệu cho ta đến gần sông. Chị hỏi:
- Này! Có mua rắn không?
Chẳng hề hấn, chị hi hí cười, đoạn một tay kẹp chặt cổ con rắn, một tay chìa cho ta cái đòn gánh có con rắn uốn khúc giẫy. May sau, trưởng trạm kịp thời xuất hiện, ông lớn tiếng gọi chị ta:
- Về đi! Nghe thấy không? Về mau!
Người đàn bà miễn cưỡng lùi lại đến cầu rồi ngoan ngoãn bỏ di.
- Chị ta dở người. Cứ thấy người lạ là y rằng bày ra một cái mẹo cái trò gì đó.
Ông đã tìm được một người nông dân giúp ta gồng gánh và chỉ đường. Anh còn phải xếp đặt việc riêng ở nhà, sau sẽ chuẩn bị rau gạo cho nhiều ngày. Ta có thể đi trước, anh sẽ đuổi theo. Người miền núi thạo đường, người hướng dẫn sẽ mau chóng bắt kịp ta cùng với thức ăn cái uống. Chỉ có một đường mòn, ta không thể lầm được. Xa nữa, cách bảy tám dặm, là khu vực mỏ đồng từng được khai thác chút ít rồi bỏ không đã khá lâu. Nếu như không thấy anh ta đến, ta vẫn có thể nghỉ ngơi tại đó được.
Ông cũng khuyên ta để lại cái xắc lưng, người nông dân sẽ mang cho ta. Rồi ông cho ta một cây gậy nó sẽ tránh cho ta phải mất sức leo dốc và cho phép ta đuổi rắn. Cuối cùng, ông dặn ta nhai một ít rễ cây ông đã cho. Ta chào ông, ông giơ tay vẫy ta rồi quay người đi. Cái đầu cá trê, bộ mặt đen và gầy, phủ đầy một bộ râu mới mọc của ông biến mất.
Và bây giờ, ta không thể không nhớ ông, nhớ cái thái độ đạm bạc của ông đối với cuộc đời. Ta cũng nhớ bờ sông tối sầm, ở phía bên kia cây cầu, những căn nhà gỗ đen sì ở xóm nhỏ, con chó hầm hè với bộ lông xám vện, người đàn bà đùa với con rắn trên đầu đòn gánh; tất cả cái đó hình như hiển thị ra cho ta một điều gì đó, hệt như quả núi khổng lồ ở sau căn gác nhỏ kia, ta cho rằng nó vẫn mang nhiều ý vị hơn thế nhưng ta không thể hiểu thấu được nghĩa của nó mà thôi.