Số lần đọc/download: 317 / 69
Cập nhật: 2024-10-26 20:43:01 +0700
Chương 4
X
uân về đến nhà, lơ đãng vất áo, mũ trên chiếc ghế và ngả mình nằm xuống giường. Cuộc vui mà chàng dự từ buổi tối đã đem đến cho chàng mệt nhọc và chán nản. Cảm giác ấy đêm nào chàng cũng thấy, từ khi đã ngót một năm nay. Xuân bắt đầu chơi bời. Nhất là từ khi vợ chàng giận dỗi về quê, thì chàng lại thấy buồn bực và khó chịu hơn nữa.
Hôm nay, chàng đã từ chối lời mời đến ăn cỗ của bà Hai, chắc có Trường đi thay mình. Ở sở ra, Xuân đi thẳng đến nhà mấy người bạn vẫn cùng họp mặt. Theo một lệ quen; Xuân và bọn bạn hữu lại rủ nhau đi tìm những thú vui ở nhà hát ả đào, hay ở mấy tiệm khiêu vũ. Đến khuya lắm mới cùng nhau về, ngủ vật vờ một giấc để rồi sáng hôm sau lại vào sở làm.
Xuân tối nay về sớm hơn mọi lần. Đến nhà, chàng chưa thấy mẹ và hai em về. Ngọn đèn con leo lét vẫn để ở giữa bàn, Xuân không muốn vặn to lên nữa. Chàng quằn quại trên giường cố nhắm mắt ngủ, nhưng không ngủ được.
Đã lâu nay, Xuân sống trong một sự khó chịu, mình lại tự giận dỗi với mình. Tâm trạng ấy có từ ngày Xuân được đi làm ở Hà Nội. Trước kia, ở nhà quê, khi còn là một cậu học trò, chàng muốn sống một đời giản dị và yên lặng lắm. Lúc bấy giờ, Xuân chỉ có một mục đích học thế nào để thi đỗ.
Chàng là người con cả trong gia đình, vậy bổn phận chàng là phải đi làm để lấy tiền giúp đỡ mẹ và các em đi học. Con đường chàng phải theo đã vạch sẵn. Và Xuân thấy trong tâm can mẹ bao nhiêu là hy vọng, cả ở những người thân thuộc chung quanh bao nhiêu là mong ước, khiến chàng phải hết sức để khỏi làm cho mọi người bị thất vọng vì chàng.
Xuân tự coi là thuộc hẳn về gia đình, chàng không có nghĩ ngợi tính toán riêng về tương lai của chàng mà chỉ tính toán những việc ích lợi chung cho cả nhà. Làm thế, Xuân thấy mình hy sinh cho bổn phận.
Thêm nữa, sự hy sinh đó đối với chàng thật là cao thượng, và sự biết mình theo đuổi một việc phải, làm cho Xuân thấy tự cao và giúp thêm can đảm cho chàng trong những lúc khó khăn chán nản.
Đến khi lên Hà Nội đi làm, Xuân bắt đầu giao thiệp với những bạn bè cùng sở, và bởi họ, bước vào một xã hội ăn chơi xa hoa khác hẳn hoàn cảnh cũ của chàng. Trong xã hội này người ta chỉ nghĩ đến những lạc thú riêng, người nào cũng chỉ nghĩ đến mình mà thôi. Lòng ích kỷ của họ to đến đỗi họ lấy làm ngạc nhiên khi thấy người ta có thể thiệt về phần mình để làm sung sướng cho người khác được.
Mấy người mà Xuân chơi thân đều là con cái nhà giầu có. Họ không phải đi làm để nuôi nhà; nhưng chính cha mẹ đã chạy chọt cho họ một chỗ làm để lấy danh tiếng. Họ tiêu pha chơi bời quá cái số tiền lương mà họ kiếm được, có khi phải lấy thêm ở nhà nữa. Cũng có một hai người không phải nhà giầu có, nhưng họ không vì thế mà không phung phí. Số lương tháng vừa đủ cho họ mua vui.
Xuân bị lôi kéo vào trong vòng trụy lạc ấy. Chàng dần dần bắt đầu tự hỏi tại sao chàng lại phải đi làm khó nhọc cho người khác. Nếu không phải đem tiền về nhà, thì chàng sẽ được hưởng thú bao nhiêu! Xuân cho thế là một sự bất công mà chàng phải chịu. Chàng thường thèm thuồng so sánh đời chàng với đời của mấy người bạn cùng sở, và ân hận thấy mình kém họ đủ mọi đường.
Thỉnh thoảng, chàng lại nghĩ, cho những cuộc chơi bời vui thú riêng của mình là không phải. Nhưng, những lúc ấy, không có ai giúp đỡ và khuyến khích cả. Nếu chàng tỏ ý rụt rè về sự đóng góp tiền để đi chơi, thì các bạn chàng lại dùng lời chế giễu. Trái lại, khi chàng tỏ ý không cần gì gia đình cả, thì người ta tán thành và kính phục nữa.
Dần dần, Xuân cũng theo những ý nghĩ ích kỷ ấy. Chàng cho cái thích của mình là cần hơn cả, lạc thú của mình là trụ cột của cuộc đời. Điều cốt là làm thế nào đạt được những sở thích đó; trong mắt chàng chỉ có sự thỏa thích của chàng mà thôi. Thế rồi Xuân trở nên một người khác hẳn; cậu thanh niên chăm chỉ và giầu lòng hy sinh là Xuân lúc hai mươi tuổi, cứ mỗi ngày một xa dần, và hình ảnh ấy cứ mờ dần trong trí nhớ chàng.
Sự thay đổi ghê gớm ấy, thực ra, bắt đầu từ lúc Xuân không tự tin ở mình nữa. Bây giờ chàng chỉ tin vào người khác, chỉ nghe theo những câu chỉ bảo của người khác. Việc này chàng thấy dễ dàng hơn.
Tuy vậy, Xuân không dám công nhiên nói những ý nghĩ ấy. Một mối do dự hoài nghi vẫn còn lởn vờn trong tâm trí chàng. Đôi khi thoáng qua một ý nghĩ khác khiến chàng bứt rứt, nhưng chàng vẫn không ngừng những cuộc chơi bời. Chàng muốn cứ theo hẳn lòng ích kỷ của mình; nhưng khi về nhà thấy mẹ buồn rầu lo nghĩ, một chút hối hận lại đến ám ảnh chàng. Vì thế Xuân thành ra băn khoăn khó chịu. Sau mỗi bận đi chơi về, cùng với sự mệt nhọc, cảm giác ấy lại càng rõ rệt hơn.
Không ngủ được, Xuân nhỏm dậy bắc ghế ra ngoài hè ngồi hóng mát. Chàng lấy làm lạ rằng mẹ và hai em chưa về: “Chắc ăn cỗ xong còn ở lại nói chuyện”. Xuân nói thế rồi thử tưởng tượng cảnh náo nhiệt và đông đúc ở nhà bà Hai. Trái lại, căn nhà vắng và tối tăm trong giờ này làm chàng buồn bã. Chàng muốn có người nào bên cạnh an ủi và vuốt ve chàng.
Chàng nghĩ đến vợ, thở dài. Vợ chàng về quê đã bốn, năm tháng nay rồi, mà Xuân cũng không viết thư gọi ra, như hai lần trước. Tại sao lại giận dỗi bỏ về? Xuân tự đặt câu hỏi ấy, và trong trường hợp này, chàng tìm câu trả lời dễ dàng lắm: bao nhiêu lỗi chàng đổ cả cho vợ. Xuân trách vợ đã làm hỏng cả một đời mình, bởi cái lẽ giản dị là đã bằng lòng làm vợ chàng. Khi chàng vừa mới thi đỗ xong, mẹ chàng liền hỏi Dung, Xuân đã bằng lòng vì chàng coi sự lấy vợ là một bổn phận trong gia đình. Chàng không quen biết Dung và từ khi Dung về làm dâu, hai vợ chồng vẫn sống với nhau một cách điều hòa như những đôi vợ chồng khác, nghĩa là không có một chút tình gì cả. Xuân không yêu Dung; chàng cũng chưa hề biết yêu là gì nữa.
Bây giờ, Dung là một bó buộc mà có lẽ chàng phải chịu suốt đời. Xuân lại tức tối: giá đến bây giờ mà chàng vẫn chưa có vợ! Chàng sẽ tự do lựa chọn một thiếu nữ xinh đẹp và giầu - nhất là giầu - chàng sẽ không phải sống cái đời nghèo nàn của một người làm công xoàng, chỉ những khó khăn và thiếu thốn. Xuân thấy mấy người bạn chàng đều lấy được vợ sang trọng và giầu có, mà thèm muốn cái địa vị của họ.
So sánh, chàng lại càng chán Dung hơn nữa. Dung là cô gái con nhà nề nếp, nhưng nghèo. Nàng có lẽ cũng hết sức yêu chồng, nhưng yêu theo một cách kín đáo của một cô gái quê; nàng hiểu yêu là phải giữ gìn chồng và trông nom nhà cửa, chính cái cách yêu ấy Xuân không thích một tý nào và lấy làm khó chịu. Mỗi khi ở những cuộc hội họp về, nhìn thấy vợ ăn mặc lôi thôi và sơ sài - Dung cũng như người vợ khác, cho sự trang điểm khi đã có chồng rồi là một thói lẳng lơ - Xuân lại bực mình và nghĩ đến những thiếu nữ tươi tắn lộng lẫy mà chàng đã gặp. Từ đấy, chàng lại càng đi chơi, không hỏi han gì đến vợ. Dung ngỏ lời can gián một cách vụng về: trong gia đình xảy ra luôn những cuộc cãi nhau, ngày một đào sâu thêm cái hố đã chia rẽ hai người.
Để vợ đi, Xuân nhận thấy mẹ chàng và ở các em một ý trách móc chàng không phải. Nhưng đã lâu, Xuân không quan tâm đến những ý nghĩ của người trong nhà nữa.
Một bóng người ở đầu phố đi lại khiến Xuân chú ý. Nhận ra Trường, Xuân yên lặng đợi em đến. Trông thấy anh, Trường hơi ngạc nhiên, vì không mấy khi thấy anh về sớm thế; nhưng Trường không để lộ ra nét mặt. Điềm nhiên, chàng vào trong nhà bắc ghế ra ngồi cạnh.
- Mẹ chưa về cơ, chú? Đằng bà Hai chắc hôm nay có cỗ sang trọng lắm.
Trường đáp:
- Vâng, rất đông người ăn. Bà ta có nhắc anh sao không đến. - Trường lại hỏi: “Mà sao anh không đến ăn cỗ?”.
Xuân không trả lời, ngả đầu dựa vào thành ghế nhìn trời. Không biết bàn chuyện gì nữa. Trường vẩn vơ nói:
- Hôm nay, trời đã dễ chịu, anh nhỉ. Bớt nóng hơn mấy hôm trước.
- Ừ.
Hai anh em lại yên lặng, một sự yên lặng nặng nề và đầy ý nghĩa. Trường cảm thấy có một sự ngượng nghịu giữa hai người. Bao giờ cũng thế chàng nhận ra rằng anh em một nhà không nói chuyện với nhau được lâu và niềm nở như bạn. Có lẽ vì biết rõ nhau lắm, nên không có gì nói với nhau nữa. Trường rất dễ dàng nói chuyện với một người bạn thân, nhưng trước mặt anh, chàng tự nhiên ngượng không nói được. Thành thử Xuân và Trường chỉ nói những câu đâu đâu trong khi ở hai người đều sôi nổi những ý nghĩ và tư tưởng muốn giãi bày cho nhau biết.
Trường đưa mắt nhìn anh; chàng thấy Xuân có vẻ mệt nhọc. Nét mặt cau có, hai vầng mắt thâm quầng bởi thức khuya nhiều. Đôi mắt trước kia nhanh nhẹn, bây giờ trở nên lờ đờ, và thỉnh thoảng yên hẳn lại, như đang say đắm trong một hình ảnh nào. Trường buồn rầu tưởng đến những hình ảnh không hay mà Xuân giữ trong trí nhớ.
Chàng thấy với Xuân, càng lớn lên lại càng xa cách nhau. Từ khi Xuân đi làm đến giờ, hai anh em không thân mật như trước nữa. Những lúc ngỏ nỗi lòng cho nhau càng ít đi, mà những ý nghĩ, những tư tưởng người nào giữ riêng cho người ấy càng nhiều lên.
Trường tiếc những ngày còn bé, hai người cùng đi học một trường tư nhỏ ở trong làng. Không có một điều gì, hai anh em không nói cho nhau biết. Cha mất sớm, mà nhà thì nghèo, thường bị các bạn học khác chế giễu hay khinh bỉ, nên Xuân và Trường càng nép vào nhau để tự vệ và an ủi. Sự nghèo hèn càng thắt chặt tình thân ái giữa hai người; hai anh em không những yêu mến nhau như anh em ruột một nhà, mà còn thân mật với nhau như một đôi bạn.
Sự thay đổi của Xuân gần đây, Trường cũng nhận thấy. Nhưng chàng cố không nghĩ đến, bởi vì chàng tự xét không có quyền chỉ trích người anh. Chàng chỉ buồn rầu và đau đớn khi thấy anh mỗi ngày một đi xa gia đình. Nhiều khi nghe mẹ phàn nàn về Xuân, rồi rơm rớm nước mắt, Trường thấy nghẹn ngào bực tức như người khó thở trong buồng kín. Lúc ấy, Trường giận anh lắm, giận vì anh đã làm cho mẹ không được vui lòng. Rồi nỗi giận mất đi, nhường chỗ cho một sự ân hận và sự lo nghĩ của cái tình đầm ấm giữa mẹ con.
Trường cũng biết rằng Xuân đã chịu nhiều nỗi thiệt thòi mất mát. Lúc còn trẻ thơ, Xuân đã phải nhường nhịn rồi. Trường còn nhớ những lúc mẹ đi đâu xa về; hai anh em sung sướng lục thúng quà của mẹ để tìm bánh trái hay đồ chơi, Trường bao giờ cũng được cái đồ chơi đẹp hơn; Xuân cố nhìn quà của em để so sánh thì mẹ lại nói: “Con nhớn, phải nhường cái đẹp cho em chứ”. Và không biết tại sao, Trường nhận thấy rằng Xuân không được mẹ yêu bằng mình và em Lan.
Rồi đến tuổi biết lo nghĩ, Xuân chỉ cắm đầu vào học, không một lúc nào dám rời bỏ quyển sách để chơi bời. Có lẽ cái trách nhiệm của Xuân nặng nề quá, nên tuy còn trẻ mà Xuân cũng đã hiểu biết bổn phận của mình. Và bây giờ anh Xuân tựa như đã già nhiều, cằn cỗi hơn, nhưng háo hức những cuộc chơi bời như cây khô thèm nước, bởi vì trước kia anh không được sung sướng mấy.
Tất cả những ý nghĩ ấy lộn xộn trong óc Trường. Quãng đời ngây thơ lúc còn bé hiện lên trong trí nhớ, và một tình cảm thương mến đối với anh dồn đến tâm hồn chàng. Trường muốn nói cho anh biết niềm yêu mến và kính trọng ấy, nhưng không tìm được câu gì, chàng đành yên lặng cũng ngửng lên nhìn vòm trời quang trên cao: mảnh trăng đã lặn, mấy ngôi sao phía bắc lấp lánh sáng trên dãy mái nhà.