Số lần đọc/download: 491 / 27
Cập nhật: 2019-12-06 09:23:40 +0700
30 - Được Phong Làm Lưỡng Quốc Trạng Nguyên
K
hi tới kinh đô nhà Thanh, quả như lời vua Lê chúa Trịnh đã đoán, sứ thần các nước như Cao-ly, Nhật-bản, Tây hạ cũng lục tục kéo sang. Vua Ung-Chính nhà Thanh thấy các chánh sứ đều là các tay văn học cả, nên mở một cuộc thi, thi chung với các quan văn Tàu để thử xem hơn kém, nhưng lạ nhất là chỉ phát bút nghiên giấy mực mà không phát đầu bài. Sứ thần các nước đều ngơ ngác nhìn nhau và lạ hơn nữa là lúc làm bài cứ có một viên quan nhỏ vừa đánh trống thúc giục, vừa chốc chốc lại chỉ tay lên trời.
Quỳnh không biết làm sao, liền lấy bút khoanh tròn lia lịa trên giấy, nguệch ngoạc bậy bạ, gọi cho có viết rồi đem nộp, và nộp trước hơn ai. Nộp xong, Quỳnh đi xem các quan Tàu viết lách ra sao, mới hay đầu bài ra Thơ trống vần thiên. (Cổ thi thiên vận) mà cử chỉ của viên quan văn đánh trống là cả một ám hiệu. Nhanh trí khôn, Quỳnh đánh cắp hết ý thơ và nghĩ sẵn một bài để bụng. Khi các quyển đệ lên, vua Tàu đích thân chấm các bài dự thí. Vua Ung-Chính thấy bài của sứ giả nước ta, đọc không được, truyền thị vệ gọi Quỳnh đến hỏi; Quỳnh quỳ tâu: « Đó là lối chữ thảo riêng của nước Nam, nếu hoàng đế đọc không được, hạ thần xin viết lại đàng hoàng ».
Vua Ung-Chính chấp thuận, Quỳnh viết lại thành bài thơ bằng chữ Hán như sau:
Bình diện thế tương liên.
Nội không hề ngoại viên.
Uy gia thiên lý địa;
Thanh động cửu trùng thiên.
Nghĩa là:
Mặt bằng thế liền nhau.
Trong rỗng mà ngoài tròn.
Oai vang nghìn dặm đất.
Tiếng động chín tầng trời.
Bài của Quỳnh vừa hay, vừa rõ là cái trống, lại vừa có hùng khí, nên vua Ung-Chính khen giỏi, chấm cho đỗ đầu, sắc phong làm « Lưỡng quốc Trạng nguyên » tức Trạng nguyên của cả hai nước Tàu và ta, rồi đó lại ban cho áo mũ cân đai, thẻ bài cùng vàng bạc châu báu. Cống-Quỳnh thành Trạng-Quỳnh từ đó. Thật là vinh dự, chẳng những chỉ riêng cho Quỳnh mà còn cho cả nước nhà nữa.