Số lần đọc/download: 317 / 70
Cập nhật: 2024-10-26 20:43:01 +0700
Chương 3
C
ậu Bình bước lên sập, lại gần bàn thờ thay hương. Một lát người nhà bà Hai lễ mễ bưng mấy mâm cỗ ra, những mâm cỗ đầy, bát đĩa chồng chất lên nhau hai, ba từng, mà người ta vẫn dọn ngày giỗ Tết trong những nhà sang trọng.
Các câu chuyện bỗng ngừng cả lại. Mọi người đều yên lặng chờ đợi. Ông Cửu vội vàng ngồi lui vào trong góc sập, thu gọn điếu và ấm chén sang một bên, để chỗ cho đầy tớ đặt mâm xuống. Ông làm những công việc ấy với vẻ thân mật của người nhà, tự tay sửa sang lại mâm cỗ, đặt lại những món ăn, hay gọi lấy thêm các cốc chén. Vừa làm ông vừa lên tiếng gọi những ông cụ khác đến ngồi cùng mâm.
Bọn nhà quê rụt rè và lúng túng. Họ không biết ngồi vào đâu, cứ để mặc bà chủ và cậu Bình xếp đặt. Còn tôi và bọn cùng tuổi thì đã ngồi riêng ở quanh một bàn; không một người nào để ý đến mâm cỗ bày trước mặt. Sơn và Hiệp mải cúi đọc một mẩu báo họ lượm được trên mặt tủ; cậu Tiến dựa đầu vào thành ghế nhìn lên trần. Còn riêng Trường, hơi lo lắng vì sắp đến lúc phải nói những câu mời mọc hay vô phép các bà và các người hơn tuổi. Chàng đã tưởng chỉ có bọn trẻ ngồi ăn với nhau, dễ chịu hơn. Nhưng chàng thấy bà Hai gọi một người đứng tuổi trong bọn nhà quê đến gần ghé tai thì thầm, rồi người ấy lại bàn Trường, kéo ghế ngồi xuống:
- Tôi xin ngồi đây thừa tiếp các ông.
Bọn Chương cùng quay lại, nhưng không ai trả lời. Trên sập, ông Cửu cùng với các ông cụ khác đã bắt đầu nhắm rượu: Trường đưa mắt nhìn mọi người rồi cầm đũa.
Một lát ngượng nghịu yên lặng trên bữa tiệc, ai nấy nhìn nhau, người nọ đợi người kia đứng dậy mời. Bà chủ đã chực sẵn gần bàn, hai tay xoa vào nhau một cách khoan khoái; và ngắm nghía kỹ càng mâm cỗ xem có thiếu thức gì không.
Chương tỏ ra mình là người lịch thiệp nhất, thong thả đứng dậy quay lại phía các bà nói mấy câu “thất lễ” rất lúng túng, nhưng được cái cũng không ai để ý. Bà Hai đến sát bàn, xếp lại mấy cái đĩa:
- Xin mời các cậu cứ tự nhiên đi cho. Đây là bữa ăn xoàng thôi mà.
Bà vừa cười vừa nói, nhưng ai cũng biết bà chẳng tin vào lời mình một chút nào.
- Kìa, các cậu uống rượu đi!
Bà giục luôn hai, ba câu. Trường cầm cốc lên, nhưng cũng phải đặt xuống, hai ba lần đợi, mọi người mới cùng bắt đầu ăn.
Bên mâm các bà ngồi, tiếng mời mọc nhau tíu tít. Bà Hai lăng xăng chạy đi chạy lại, nhìn mâm này mâm khác. Một bà khách gọi với:
- Thôi bà chủ ngồi lại đây ăn với chúng tôi chứ. Cô Hảo đâu, bảo cô ra ngồi ăn một thể.
- Không, không, mời các bà cứ xơi đi, cháu nó sẽ ăn sau.
Nhưng bà Phán không bằng lòng:
- Lại còn vẽ ăn sau với ăn trước, thế nào cũng bảo cô ấy ra đây.
Quay lại phía các bà khác, bà phán thêm, có ý khoe khoang hộ:
- Chính tay cô ấy làm lấy cả đấy. Vậy phải để cô ấy ngồi ăn một thể, có phải không các bà?
Các bà đều tán thành theo, từ bà phán Ty còn dở bận trông nom và giữ tay đứa con lên ba ngồi bên cạnh. Bà Hai ra vẻ lưỡng lự một lát lấy lệ, rồi quay vào phía trong, cất tiếng gọi âu yếm:
- Hảo đâu ra ăn một thể con.
Bà bảo Tuyết:
- Con vào gọi chị con ra đi. À mà còn cô Lan đâu? Sao con không mời cô ra xơi cơm?
Tuyết đáp:
- Thưa đẻ, chị con ở trong nhà. - Rồi nàng nhanh nhẹn đi vào.
Một lát, cô Hảo từ buồng trong, vén màn e lệ bước ra. Lan theo sau, vừa đi vừa lau tay ướt vào vạt áo. Các bà vội vàng dẹp chỗ, thi nhau mời: “Cô ngồi đây, ngồi đây”. Bà phán Ty nói đùa:
- Cô ngồi đây để chúng tôi khen cô làm khéo chứ.
Cô Hảo đưa mắt nhìn mẹ, rồi vén áo khép nép ngồi ghé lên cạnh sập. Nàng cúi đầu quay sang mâm cỗ, hơi đỏ mặt và không dám trông ra phía ngoài. Trường lặng yên nhìn. Dáng điệu e thẹn của Hảo, chàng nhận thấy là tại vì có chàng ở đây. Sự đó khiến chàng cảm thấy khoan khoái lòng tự ái.
Khi quay mặt lại, chàng thấy Tiến cũng đang đăm đăm nhìn Hảo một cách chăm chú, mắt để yên không chớp. Trường cho nhìn soi mói như thế là vô lễ, và lòng ghét Tiến chàng thấy càng tăng lên. Tất cả các cử chỉ của Tiến làm chàng khó chịu: vẻ lãnh đạm, đài các, và nhất là nét mặt kiêu kỳ, dáng điệu ẻo lả của Tiến, Trường không ưa một chút nào. Chàng nhìn bàn tay trắng nổi gân xanh của Tiến như muốn nắm thật mạnh cho đau.
Tiếng đũa Trường để dằn xuống mâm làm Tiến quay lại: bốn mắt thoáng gặp nhau; Trường thấy mắt Tiến sáng lên, như hàm một ý thử thách.
Bữa tiệc gần tàn. Người nào cũng hơi say, nên ăn uống một cách thực thà và nhanh chóng hơn. Những vẻ lễ phép giữ gìn không còn nữa. Ông Cửu cười nói luôn miệng và đang kể cho bạn ngồi cùng mâm nghe mấy bài thơ nôm mà ông đã được dân làng cử ra làm khi có các quý quan trên tỉnh về khánh thành nhà hộ sinh.
Trường ăn rất ít, nhìn mâm cỗ đầy với các món ăn kiểu cách, chàng đã thấy ngán từ trước. Chàng buông đũa, ngồi nhìn mọi người.
Bà Hai nét mặt cũng hân hoan như lúc mang lê, táo đến mừng chàng thi đỗ. Bà luôn luôn mời mọc và gắp đồ ăn vào bát các bà khách, thỉnh thoảng lại đút miếng giò cho đứa bé con bà Ty. Còn cô Hảo ngồi quay lại nên Trường chỉ nhận thấy cái lưng thon, mái tóc lưỡi trai đen nổi bật trên cái cổ trắng và xinh xắn.
Đèn nến vẫn sáng trưng trên bàn thờ, khói hương bốc lên nghi ngút. Tiếng ồn ào, mùi hương thơm và ánh đèn sáng bỗng khiến Trường nhớ đến những ngày giỗ ở quê nhà, sau khi cha chàng mất đi. Nhà nghèo nên cỗ bàn sơ sài, để trên một cái án thư đã mục nát và xiêu vẹo làm bàn thờ. Trường không hiểu tại sao mẹ chàng lại cứ muốn mời đủ họ hàng đến ăn cỗ. Biết bao nhiêu nỗi nhục nhã mà mẹ chàng đã phải chịu! Bởi vì những người sang và giàu có trong họ làm kiêu mời mọc mãi mới chịu đến.
Trường nhớ rất rõ rệt những cử chỉ kiêu hãnh của các anh em họ hàng, con những người giàu có kia. Khi ăn cỗ bọn họ chê bai những thức ăn mà mẹ chàng và Lan đã thức suốt đêm hôm trước làm ra. Tuy bọn anh em đó toàn trẻ tuổi, chưa biết giữ gìn lời nói, và Trường cũng mới có mười ba tuổi, chàng đã cảm thấy đau xót và uất ức trước những lời chế giễu.
Khi khách khứa đã ra về hết rồi. Trường thấy mẹ và em gái trân trọng vun vén những thức ăn còn lại để dành đến ngày mai. Tất cả cái nghèo nàn khốn khổ của gia đình chàng lúc chàng còn thơ nổi lên trong trí nhớ Trường theo những kỷ niệm buồn rầu ấy.
Tiếng bà Hai mời đồ nước làm Trường trở lại hiện tại. Trước mặt chàng đã thấy bày ra la liệt những quả tốt tươi, những bát sứ đựng chè và thạch ướp nước đá. Sự sung túc của nhà bà Hai và sự khéo léo của cô Hảo như hiển hiện trong những thức ăn sang trọng và lịch sự đó.
Trường lặng yên quan sát những người họ hàng nhà quê; chàng thấy mắt họ sáng lên trước những thức ăn tráng miệng, mà có lẽ cả một đời họ ít khi được ăn đến. Họ cầm những quả lê, táo đưa lên ngắm nghía một cách thích thú. Tuy vậy họ hình như không muốn ăn; Trường đoán họ có ý muốn dành phần đem về nhà để vợ con cùng được hưởng. Chàng bỗng thương hại và mỉm cười trong miệng, khi nhớ đến thái độ của chàng lúc còn bé ở quê nhà, được đứng ngoài nhìn trộm một bữa cỗ sang trọng bên họ ngoại. Đứa trẻ con là Trường lúc bấy giờ giương to mắt nhìn những thức ăn lạ và quý bày trên bàn, một cách thèm thuồng. Nó tưởng rằng, trong đời nó, có lẽ không bao giờ được nếm những cao lượng mỹ vị như thế...
Nhưng bây giờ Trường nhìn hoa quả, bánh trái một cách dửng dưng, vì biết đó chỉ là một thức ăn, và cái giá trị miếng ăn đối với chàng không to nữa.
Chung quanh chàng, vẻ mãn nguyện đều biểu hiện trên nét mặt mọi người. Người nào cũng say và no nê; tiếng nói chuyện chỉ lâm râm, thì thào như họ sợ làm náo động cái thời khắc nghĩ ngơi quan trọng sau bữa ăn. Trường nghe rõ tiếng chép miệng, và tiếng cọ xát của chiếc tăm ông Cửu lia trên hai hàm răng đen nhánh của ông vén môi chìa hẳn ra ngoài.
Tiến đứng dậy trước nhất, báo hiệu giờ ra về. Trường cũng vội vàng xin phép bà Hai; chàng nóng muốn xa lánh những bộ mặt đỏ gay kia để đi ra ngoài. Chàng cũng muốn tránh khỏi phải đưa mẹ và em cùng về nhà, để khỏi phải nghe những câu chuyện về gia đình mà lúc này chàng không muốn để tâm đến.
Cơn gió mát ngoài phố làm Trường dễ chịu. Đêm đã khuya, nhưng ở phố này vẫn còn nhiều người đi lại, và trên hè người ta nằm ngồi ngổn ngang trên chõng hay trên chiếu trải đất. Nhà bà Hai ở phố Bắc Ninh, Trường qua góc phố Hàng Vôi ra đến hồ.
Một mảnh trăng mờ chiếu sáng trên các chòm cây đen. Mặt hồ, về phía xa, hơi lăn tăn gợn sóng dưới luồng gió nhẹ; còn gần bờ, nước trong và sâu yên lặng như một tấm gương; bóng chiếc cầu và đền Ngọc Sơn trắng in lộn xuống, rõ rệt và huyền ảo như một lâu đài trong các chuyện thần tiên.
Trường nhìn những dãy nhà san sát quanh hồ, những mái xám lẫn với nền trời. Đằng xa về bên kia, chàng nhận thấy những ánh đèn lấp lánh ở một hiệu còn mở cửa. Trên đường một vài cái xe thong thả đi, và thỉnh thoảng một đứa trẻ bán quà bước rảo, tiếng rao lanh lảnh làm vang động cái yên tĩnh của ban đêm.
Trường cũng bước nhanh về nhà. Quang cảnh của phố xá khiến chàng vui vẻ. Hà Nội đối với chàng vẫn có một cảm tình thân mật. Trường thấy mình sống theo một nhịp với sự hoạt động mà chàng đoán thấy ở chung quanh.