Love gives light even in the darkest tunnel.

Anonymous

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 30
ừ lâu ta đã nghe những truyền thuyết về con rắn kỳ nổi tiếng cùng nọc tuyệt độc của nó. Ở nông thôn, người ta thường gọi nó là Rồng Ngũ Bộ vì người ta cho rằng người hay con thú bị nó cắn sẽ chết trước khi đi được năm bước chân. Những người khác lại nói ít có cơ may thoát được nó nếu đi cách nó chưa tới năm bước. Chắc nó đã làm ra đời câu tục ngữ: "Con rồng mạnh nhất không thắng được con rắn trên mặt đất". Tất cả đồng thanh nói rằng nó khác hẳn với các con rắn độc khác. Ngay rắn hổ mang bành, nguy hiểm đến thế nào, cũng dễ dàng bị người làm cho sợ. Khi nó mổ, ta phải dướn đầu lên càng cao càng tốt rồi vươn thằng người mà hét to để khủng bố nó. Khi gặp nó, có thể rất dễ dàng tự bảo vệ bằng cách ném một cái gì vào cạnh nó. Nếu không có gì để ném thì chỉ cần quăng giầy hay mũ của mình rồi lỉnh đi vào lúc con rắn tấn công các thứ kia, ngỡ đang có chuyện với con mồi. Nhưng khi gặp rắn kỳ thì trong mười trường hợp đến tám hay chín là nó tấn công trước khi người có thì giờ trông thấy nó.
Trong các vùng núi miền nam An Huy, ta đã nghe những chuyện gần như huyền thoại về con rắn này. Nó có khả năng bài binh bố trận và đánh dấu lãnh thổ của nó bằng một cái sợi còn mảnh hơn tơ nhện. Nếu một con vật chạm vào đó, nó tấn công ngay, nhanh như chớp. Ở đâu có con rắn này thì sống ở đó lưu hành mọi loại thần chú. Nếu đọc thầm các thần chú này sẽ có một quyền lực che chở, nhưng người dân miền núi không truyền chúng cho người lạ. Khi đi chặt cây, họ quấn xà cạp hay mang giầy cao cổ làm bằng vải thô. Người dân ở huyện lỵ ít quen thuộc với núi non, đã kể cho ta những điều còn đáng sợ hơn nữa: những con rắn đó cắn được cả giầy da và họ khuyên ta mang theo thuốc chống nọc độc dù trong thực tế nó chẳng có mấy hiệu lực với rắn kỳ.
Trên đường từ Đồn Khê đến An Khánh, qua Thạch Đài, ta đã gặp trong quán ăn nhỏ gần trạm xa đường dài một nông dân bị cụt một bàn tay. Anh kể cho ta rằng chính anh đã chặt nó sau khi bị rắn kỳ cắn. Chắc anh là người duy nhất sống sót được với vết cắn này. Anh đội một cái mũ rơm mềm vành hẹp, theo hình mũ lễ hội, loại mũ mà nông dân đội bôn ba bến sông, đội thứ mũ này phần lớn là những người từng trải. Ta gọi một bát mì ống trong cái quán ăn mở dưới một tấm bạt trắng. Ngồi đúng trước mặt ta, anh cầm đũa bằng tay trái, hoa hoa không ngừng trước mặt ta cái mẩu cụt của cánh tay phải. Thắc mắc, ta nói chuyện với anh, nhìn rõ rằng anh có thể tán gẫu:
- Ông anh, anh có thấy phiền gì nếu kể cho tôi anh đã bị thương như thế nào không? Tôi trả tiền mì cho anh.
Anh kể anh vào núi tìm cây kỷ.
- Cây gì?
- Cây kỷ. Chữa được bệnh ghen. Mụ vợ tôi ghê gớm lắm. Hễ một người đàn bà nào chuyện với tôi là mụ sẵn sàng quăng cho luôn một cái bát vào mặt tôi ngay. Tôi muốn cho vợ tôi uống nước cây kỷ.
- Một thứ thuốc không nghiêm chỉnh ư?
- Không, anh cười phì nói. Dưới chiếc mũ rơm, mồm anh ngoác ra để lộ chiếc răng vàng. Anh pha trò đùa tôi.
Anh nói họ là cả một đoàn người đi đốn cây làm than củi. Hồi ấy thương nghiệp chưa được hưng thịnh như bây giờ, đốn cây lấy gỗ nhất định phải bán cho đội sản xuất, không thì phạm pháp, anh lại không muốn phạm pháp mà còn muốn kiếm tiền thế là đi làm than hoa. Nhưng cũng phải biết xoay xỏa. Đác biệt phải tìm cây thanh cương trắng vỏ vì than lấy từ cây này có một mầu xám bạc, khi ta gõ vào nó kêu vang lên tiếng trong. Một gánh than này ngang tiền hai gánh than thường. Ta để anh nói tùy thích, dẫu gì ta chỉ mất có tiền một bát mì.
Anh kể rằng anh đi đầu, mang búa rìu. Các bạn cùng đi còn ở đằng sau tán chuyện, hút thuốc. Anh vừa cúi xuống thì cảm thấy từ gan bàn chân bốc lên một luồng khí lạnh. Anh nghĩ hỏng to đến nơi rồi. Anh nói cái người này lúc ấy chẳng khác gì chó, một con chó lẻ ngửi thấy mùi báo hoa là không dám đi lên nữa mà chỉ cứ còn kêu tại chỗ như mèo. Lúc đó, hai cẳng anh đến mềm oặt theo. Gã trai tráng cứng rắn nhất gặp phải con rắn kỳ cũng chẳng có hy vọng. Huống chi anh lại chính mắt trông thấy con rắn cuộn tròn trên một tảng đá trong búi gai, đầu ngỏng lên, thân thì thu lại thành một khối thịt chắc nịch. Nói lâu, làm nhanh, anh vung rìu lên nhưng chỉ trong nháy mắt, anh cảm thấy nơi cổ tay lạnh buốt, một cơn run rẩy lan khắp người như khi bị điện giật. Một tấm màu đen ngòm lướt qua trước mặt anh. Mặt trời sầm tối, tim anh lạnh ngắt và anh thôi nghe thấy tiếng gió, tiếng chim, tiếng côn trùng, chẳng còn nghe thấy gì nữa. Bầu trời ảm đạm bỗng hóa sầm sì, mặt trời, cây cốt tất cả đều phóng ra toàn ánh sáng lạnh lẽo. Anh nhận thấy đầu óc vẫn còn hoạt động và anh phải làm nhanh, không được chết, anh còn một cơ may, thế là anh bèn lấy rìu chặt phăng luôn cổ tay. Đoạn anh lập tức ngồi sụp xuống, bấu chặt lấy mạch máu của cánh tay cụt. Máu vọt ra trên các tảng đá, chạm vào đá, máu nhạt ngay màu, biến thành những bọt bong bóng vàng nhạt. Sau đó bạn nghề đưa anh về làng, mang theo cả cái bàn tay đứt lìa, đen sạm, đầy những mảng tím bầm. Cánh tay còn lại cũng đen. Khi dùng cạn hết các thuốc thang của dược học Trung Hoa chống rắn độc cắn, mới coi là nóng lại được.
- Cái nhà anh này, anh thật là quyết đoán đấy.
Anh nói nếu anh do dự một chút thôi, hay vết cắn ở trên cao hơn một ít, anh đã chết.
- Mất một bàn tay đổi lấy cái sống, đáng lắm, đúng không? Ngay con bọ ngựa cũng có khả năng trút bỏ đôi càng khi nó không thể gỡ càng ra được cơ mà.
- Đấy là côn trùng.
- Thế nào? Con người lại không bằng côn trùng ư? Con cáo sa bẫy cũng có thể gặm đứt cẳng để thoát thân, con người không thể kém tinh khôn hơn con cáo.
Anh đặt một tờ mười nguyên lên bàn, từ chối tiền mì ta trả, nói bây giờ anh đã được buôn bán, chắc kiếm không ít hơn một người đọc sách như ta.
Trong suốt hành trình, ta đã điều tra về con rắn này, cuối cùng thì đã trông thấy nó trên đường đưa tới núi Phạn Tịnh. Chúng đang bị phơi khô, cuộn tròn trên mái trạm mua bán của thị trấn có cái tên là Mân Hiếu hay Thạch Trường. Nom chúng giống với lời mà Liễu Tông Nguyên, viên quan đời Đường miêu tả: "nền đen điểm trắng". Chúng là nguyên liệu quý cho y học Trung Hoa, làm ra một phương thuốc tốt để thư giãn gân cốt và hoạt huyết, khu trừ phong thấp, trị cảm lạnh. Đó là loại hàng đắt tiền thu mua với giá cao, nhiều người dũng cảm luôn liều mạng tìm bắt.
Liễu Tông Nguyên đã gọi con rắn này là "đáng sợ hơn hổ". Đả kích chế độ hà khắc, ông nói nó còn khủng khiếp hơn hổ. Ông là quan thích sử, còn ta, ta là một người bình thường. Làm quan chắc ông phải bận tâm đầu tiên đến các sự bất hạnh trên thế gian. Ta đi trong cõi đời, ta chỉ bận tâm đến sự tồn tại của ta.
Chỉ nhìn những con rắn khô cuộn bó lại là chưa đủ với ta. Ta muốn tìm thấy một con sống, học cách nhận ra chúng để tự bảo vệ chống lại chúng.
Cuối cùng ta đã thấy hai con ở chân núi Phạn Tịnh, vương quốc rắn độc, tại một trạm kiểm soát của khu bảo tồn tự nhiên, thu hồi lại từ tay một người vào núi bắt trộm rắn, nhốt trong chuồng lưới sắt và ta đã có thể ngắm nhìn tường tận.
Tên khoa học của chúng là phúc xà nhọn môi. Hai mẫu vật này dài một mét, không to bằng cổ tay người, có một khấu đuôi rất nhỏ. Người chúng phủ đầy hoa văn tam giác nâu sẫm và xám xen nhau không rõ rệt lắm cho nên còn một tên gọi khác, "rắn bàn cờ". Nhìn bề ngoài không thấy được tính hung ác của nó. Thu mọp thân hình lại ở trên một hòn đá trên núi, chúng nom giống như một hòn đất. Khi quan sát gần, cái đầu hình tam giác mầu nâu xỉn, cái mồm nhọn mọc thêm một mẩu vẫy giống lưỡi câu ở đầu cùng, đôi mắt thảm đạm đã đem lại cho chúng một vẻ hài hước mà lại tham tàn, cái vẻ không tránh khỏi cứ gợi đến một vai hề trong Kinh kịch. Chúng không trông vào thị giác để dò mồi. Giữa mồm và mắt chúng có một cái lỗ, đó là cơ quan nhạy cảm với nhiệt độ, đặc biệt với tia hồng ngoại, nhờ thế chúng có thể thấy được nhiệt độ thay đổi tới một phần hai mươi độ ở trong vòng ba mét chung quanh. Chỉ cần một con vật có thân nhiệt cao hơn thân nhiện chúng xuất hiện quanh quẩn là chúng liền có thể phát giác và tấn công. Các chi tiết này về sau một chuyên gia về rắn cắn ở khu bảo tồn tự nhiên mới tiết lộ với ta, khi ta vào dẫy núi Vũ Di.
Cũng con đường ta đi ấy, ở thượng lưu sông Thân, nhánh của sông Nguyên, nước sông Cẩm Giang không bị ô nhiễm mà chảy mạnh. Nước sông cứ trong vắt như vậy, đặc biệt trong. Trẻ trâu thả mình cho dòng nước cuốn dạt thẳng tới bãi sông dưới xuôi nữa vài trăm mét rồi mới dừng lại. Tiếng chúng truyền lại lanh lảnh.
Dưới vệ đường, một cô gái trẻ trần truồng tắm sông, thấy chiếc xe khách đi ngang qua, nàng đứng thẳng lên như một chiếc cò trắng, quay đầu lại rồi ngẩn mãi ra nhìn. Dưới nắng trưa cháy bỏng, ánh sáng phản quang trên nước chói lóa. Các cái đó dĩ nhiên chẳng dính dáng gì tới con rắn kỳ.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn