Nguyên tác: On The Road
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2023-06-22 21:34:15 +0700
[4]
Đ
ám phụ nữ kéo xuống nhà và tất cả lên xe đi chơi đêm, một lần nữa lại phải đẩy xe xuôi phố. “Hi hô! Đi thôi!” Dean kêu lên và mọi người nhảy lên băng sau, cái xe lạch xạch chạy đến khu Harlem thu nhỏ trên phố Folsom.
Trong đêm ấm áp, điên rồ, bọn tôi ra khỏi xe, nghe thấy một giọng kèn saxo man rợ cất lên, cứ “II-Ya! II-Ya! II- Ya!” hòa lẫn với tiếng vỗ tay theo nhịp, tiếng người la hét, “Tiếp đi, tiếp đi, tiếp đi!” Dean lao xe qua phố, ngón tay cái vẫn chổng lên trời, vừa đi vừa hét, “Chơi đi, các chiến hữu, chơi luôn!” Một đám người da màu đóng bộ dành cho đêm thứ Bảy đang reo hò phía trước. Đây là một hộp đêm nhỏ có sàn rải đầy mùn cưa và một sân khấu nhỏ chen chúc các nhạc công, đầu đội mũ, phải giương kèn trên đầu khán giả mà thổi, một nơi điên rồ; các em hàng cũng điên rồ lượn lờ quanh, đôi lúc chỉ khoác áo choàng tắm, chai rượu va chạm nhau lanh canh. Phía trong cùng, trên một hành lang tối om, vượt qua dãy toa lét ướt lép nhép, một nhóm đàn ông và đàn bà đứng tựa lưng vào tường uống spodiodi gồm vang poóctô trộn whisky ngô rẻ tiền và khạc nhổ bừa bãi. Tay saxo đội mũ đang trong trạng thái ứng tác kỳ thú, lặp lại điệp khúc trầm bổng từ “II-ya!” đến âm điệu phá cách hơn “II-đe-li-ya!” cứ thế hòa điệu cùng tiếng trống dồn dập của một tay trống da đen có cái cổ to như cổ bò, gã này bất cần mọi thứ, chỉ quan tâm đến mỗi cái dàn trống của gã, đập, gõ, đập. Âm nhạc cuồng nhiệt, tay saxo đã tạo nên điều đó và mọi người đều biết chính gã tạo nên điều đó. Dean ôm lấy đầu, chen chúc trong đám đông như đang phát điên. Tất cả mọi người đang cổ vũ tay saxo cứ giữ mãi đoạn đó, họ la hét với những đôi mắt như điên dại, gã lại đứng thẳng lên sau cú gập người lấy hơi rồi lại chùng người xuống, tiếp tục khúc nhạc trong tiếng hò hét thán phục. Một phụ nữ da đen gầy nhẳng cao lênh khênh đang lắc lư chạm đống xương của cô ta vào cây kèn của gã, gã chẳng quan tâm, cứ thế thúc cây kèn vào cô ta, “Ii! ii! ii!”
Mọi người ai nấy đều lắc lư theo nhạc và rống lên. Galatea và Marie, bia trong tay, đứng trên ghế nhảy chồm chồm. Từng tốp da đen từ ngoài đường chen nhau ùa vào. “Cứ thế đi, anh bạn!” một gã gào lên như còi tàu, đến ở cuối Sacramento cũng phải nghe thấy. Dean cũng tức thời rống lên theo “Hú!” Hắn xoa ngực, xoa bụng, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Gã đánh trống đẩy tiếng trống xuống thật thấp rồi dồn dập tăng nhịp và cường độ lên bằng đôi dùi hay chết người của gã. Một gã to béo nhảy lên bục biểu diễn, làm cái bục lún xuống và kêu cót két. “Yo!” Tay piano lướt trên phím đàn bằng cả mười ngón tay xòe rộng, tạo ra những hợp âm nhanh trong lúc gã saxo vĩ đại đó lấy hơi cho một cao trào mới - những hợp âm kiểu kinh kịch Trung Quốc khiến từng đường dây thớ gỗ của cây piano rung chuyển. Rồi từ trên bục, tay saxo nhảy xuống, đứng giữa đám đông, vung kèn ra bốn hướng thổi, mũ sụp xuống mắt; ai đó đội lại mũ cho gã. Gã ngả người ra sau, lại nghỉ lấy hơi, giậm chân xuống sàn và tung ra những nốt trầm khàn, rồi lại lấy hơi, nâng kèn lên thổi những giai điệu thanh thoát, mênh mông, xé tan bầu không khí. Dean đang đứng ngay trước mặt gã, mặt nghiêng xuống gần sát bàn kèn, tay vỗ nhịp, mồ hôi rỏ tong tong lên phím kèn, gã nhìn thấy, thế là gã thổi vào tiếng kèn một tràng cười dài như điên dại, và mọi người cũng cười theo, lắc lư người liên tục. Cuối cùng tay saxo quyết định lên đến đỉnh điểm, gã quỳ mọp xuống, ngân dài mãi một nốt đô chói tai trong khi mọi thứ như vỡ toác hết và khán giả gào thét mỗi lúc một to thêm. Tôi nghĩ bụng, bọn cớm từ đồn gần nhất sắp ập đến bây giờ. Dean rơi vào trạng thái thôi miên. Gã thổi saxo không rời mắt khỏi hắn, gã đã tìm được một tên khùng không những hiểu mà còn quan tâm và muốn hiểu thêm, thêm nữa, và hai người họ bắt đầu biểu diễn cùng nhau, mọi âm thanh đều phát ra từ cây kèn, không còn lời nói nữa, chỉ còn tiếng la hét và tiếng kèn bổng trầm hết cung bậc. Gã thử mọi tư thế, đưa kèn lên, xuống, sang bên, ngược, ngang, nghiêng ba mươi độ, bốn mươi độ, cuối cùng gã ngã ngửa hẳn vào vòng tay ai đó, bỏ cuộc, và mọi người xô đẩy nhau hò hét “Đúng thế, đúng thế! Đúng thế này rồi!” Dean lấy khăn tay lau mồ hôi.
Rồi tay saxo lại lên bục, yêu cầu trống đánh chậm lại, buồn rầu nhìn qua khung cửa mở và bắt đầu cất giọng hát bài “Close Your Eyes”. Không khí chùng xuống trong vòng một phút. Tay saxo mặc một cái áo vest da rách nát, sơ mi màu tía, đi đôi giày thủng và cái quần ống côn nhàu nát. Gã chẳng quan tâm. Trông gã giống như Hassel da đen. Cặp mắt to màu nâu đượm buồn, gã hát chậm rãi, với những quãng nghỉ dài đầy suy tư. Nhưng khi hát đến điệp khúc thứ hai, gã lại bốc lên, giật mic nhảy khỏi bục và cúi gập xuống. Để lên được một nốt gã phải chạm được mũi giày rồi đứng thẳng dậy, gã hát quá nhiệt tình đến nỗi lảo đảo vì hết hơi, chỉ kịp lấy lại sức cho đoạn ngân dài chậm rãi tiếp theo. “Âmmm nhạc, nổiiii lên!” Gã ngửa mặt lên trần, tay vẫn cầm mic. Gã lắc lư, gã đu đưa. Rồi gã nghiêng người, gần như úp mặt vào mic. “Hãy biến những giai điệu này thành giấc mơ của các điệu nhảy” - gã lại nhìn ra ngoài phố, môi trề ra vẻ ghê tởm rồi nhếch mép kiểu Billie Holiday - “trong khi chúng ta chuẩn bị tình tự” - gã khật khưỡng sang hai bên - “Kỳ nghỉ của tình yêuuu” - gã nhìn tất cả rồi lắc đầu vẻ chán chường mỏi mệt - “Sẽ biến nó thành như thếếế” - mọi người chờ đợi xem như thế là thế nào; gã gầm lên “OK.” Piano đến đoạn hợp âm. “Nào các bạn, giờ hãy nhắm mắt lạiii, và thưởng thứccc” - miệng gã rần rật, gã nhìn chúng tôi, Dean và tôi, bằng nét mặt như đang nói là, Này, chúng ta đang làm trò khỉ gì trên cái thế giới ảm đạm u sầu này? - rồi gã kết thúc bài hát, chính vì thế nên cần phải có đoạn rào đón công phu đó, trong lúc gã rào đón mọi thư từ gửi đến Garcia* có thể đi vòng quanh thế giới mười hai lần mà vẫn kịp tới nơi, nhưng thư thế thì có quái gì khác chứ? bởi ở đây chúng tôi chỉ quan tâm tới dàn nhạc và chính bản thân cuộc đời thảm hại đang khô héo, co rúm như quả mận khô giữa những con phố nhung nhúc người, nên gã nói và hát lên điều đó, “Close... your...” rồi gầm lên muốn vỡ trần phòng - “E-y-y-y-yes” - sau đó lảo đảo rời khỏi bục, đến ngồi ở một góc phòng, ngồi ủ ê. Gã ngồi giữa một đám người nhưng chẳng để ý gì đến họ. Gã cúi đầu xuống và khóc. Gã thật là vĩ đại.
Dean và tôi đến gần để bắt chuyện gã. Bọn tôi mời gã ra xe. Ngồi trong xe, gã chợt kêu lên, “Phải! tôi thích quậy nhất trên đời! Ta đi đâu đây?” Dean cứ nhảy chồm chồm trên ghế, cười như điên. “Rồi sẽ biết! rồi sẽ biết!” Tay saxo nói, “Thằng con trai tôi sẽ lái xe đưa ta đến chỗ Jamson’s Nook, tôi phải hát ở đấy. Trời ơi, tôi sống là để hát. Đã hai tuần nay tôi hát bài ‘Close Your Eyes’ - tôi không muốn hát bài nào khác. Hai ông định đi đâu thế hử?” Bọn tôi nói cho gã hay là hai ngày nữa bọn tôi sẽ đi New York. “Lạy Chúa, tôi chưa được đến đó bao giờ, người ta nói đó là một thành phố hàng khủng nhưng tôi sống ở đây cũng chẳng có gì phải phàn nàn cả. Tôi có vợ rồi, các ông hiểu đấy.”
“Thế ư?” Dean nói, sáng mắt lên. “Thế người yêu dấu đêm nay đâu?”
“Ý ông là sao?” gã nhìn xéo hắn một cái. “Tôi vừa nói đã lấy nàng làm vợ, phải thế không?”
“Tất nhiên, tất nhiên,” Dean nói. “Hỏi để biết thôi mà. Có thể nàng cũng có bạn gái? hay là chị em gái? Tiệc tùng, ông hiểu chứ, tôi đang tìm kiếm một bữa tiệc.”
“Ôi dào, tiệc tùng làm quái gì, cuộc đời này quá buồn, mất thì giờ tiệc tùng làm chi,” gã lại cụp mắt nhìn ra đường. “Cục cứt! Đêm nay tôi chả còn một xu, mà tôi cũng cóc cần.”
Bọn tôi quay trở lại hộp đêm rủ thêm người. Bọn con gái ngán ngẩm xuống xe đi bộ tới Jamson’s Nook khi Dean và tôi cứ thay nhau cố rú ga mà cái xe chỉ kêu ầm ầm rồi nảy lên nẩy xuống. Làm thế nào thì nó cũng vẫn ì ra nhất định không chạy. Chúng tôi thấy một cảnh hỗn độn trong quầy bar: một tay hippy da trắng đồng tính mặc sơ mi chim cò đang hỏi tay trống to con liệu gã có thể ngồi chỗ đó được không. Mấy tay nhạc công nhìn gã nghi ngờ. “Ông biết chơi nhạc chứ?” Gã õng ẹo nói có. Cánh nhạc công nhìn nhau rồi nói, “Tốt tốt, đàn ông phải thế, tuyệt!” Thế là tay lẹo cái ngồi xuống dàn trống, ban nhạc bắt đầu những nhịp dồn dập dứt khoát còn gã làm rung mặt trống bằng một đôi dùi mềm ngớ ngẩn, cổn lắc lư trong cơn đê mê tự mãn không mang lại điều gì có ý nghĩa ngoài việc người ta gọi thêm quá nhiều trà, đồ ăn nhanh, đồ uống lạnh để tìm kiếm sự kích thích ngu ngốc. Nhưng gã bất cần. Gã sung sướng cười với hư vô và giữ nhịp, cho dù chỉ nhẹ nhàng, bằng sự tinh tế của điệu bebop, tạo nên một nền nhạc như tiếng cười khúc khích, như tiếng gió rì rào cho những giai điệu blues mạnh mẽ, chát chúa mà ban nhạc vẫn đang chơi như không hề có gã. Tay trống da đen cổ bò to con ngồi đợi đến lượt mình. “Thằng cha kia đang làm quái gì thế?” gã nói. “Chơi nhạc!” tay pêđê đáp. “Nhạc cái mẹ gì!” gã lại nói. “Cứt thật!” rồi ghê tởm nhìn ra chỗ khác.
Vừa hay con trai gã thổi saxo mò đến; một thằng nhóc da đen ăn mặc đỏm dáng, lái chiếc Cadillac to đùng. Bọn tôi bèn nhảy hết vào đấy. Nó cúi xuống tay lái và cho xe phóng chồm lên, chạy qua thành phố Frisco, không đậu lại lần nào, cứ bảy mươi dặm một giờ lao trên đường đông mà không đụng vào ai, nó lái xe cực giỏi. Dean rất khoái. “Phải thán phục thằng nhóc này, trời ạ! nhìn cách nó ngồi không cần động đậy mà vẫn quất cái xe phóng như điên xem... Ôi, cứ việc phới lên, không cần đậu lại làm gì cả...” Chợt thằng nhóc đánh vô lăng ở một chỗ rẽ và phanh két lại trước cửa quán Jamson’s Nook. Một cái taxi cũng đỗ xịch. Trong xe bước ra một một thầy tu da đen, gã ném một đô vào tay tài xế, kêu lên, “Chơi đi!” rồi chạy vào hộp đêm, lảo đảo lao đến quầy rượu tầng một, hét “Chơiđichơiđichơiđi!”, lảo đảo lên tầng hai, gần như úp mặt xuống đất, xô cửa ngã vào phòng biểu diễn jazz, tay bám vào mọi thứ bám được cho khỏi ngã, luôn mồm hét, “Chơi đi, chơi cho tôi xem nào, chơi!” Đó chính là gã da đen lùn chơi kèn saxo mà Dean nói từng sống với bà hắn, cũng như Tom Snark, cứ ngày ngủ đêm chơi nhạc, thổi hàng trăm điệp khúc trước khi gã quyết định phải đòi lại công bằng, và những gì gã đang làm là thế này đây.
“Y hệt Carlo Marx!” Dean gào lên kích động.
Đúng thế. Thằng nhóc từng sống cùng với bà, chơi saxo alto, có đôi mắt tròn long lanh, bàn chân nhỏ, cong queo, cẳng chân mảnh khảnh; và gã nhảy múa trên đôi chân đó cùng cây kèn, mắt không rời khán giả (những người chỉ đang cười nhạo trên độ chục bàn nước, trong một căn phòng chưa đầy bốn mươi mét vuông trần thấp), cứ liên tục như thế. Đầu óc gã rất đơn giản. Điều khiến gã thích thú chỉ là nỗi ngạc nhiên khi nghe được biến thể mới của một điệp khúc. Gã luôn miệng hết “ta-tup-tade-rara... ta-tup-tade-rara,” nhắc đi nhắc lại, nhịp chân, mỉm cười, hôn cây kèn, lại đến “ta-tup-II-da-de-dera-RUP! ta-tup-II-da-de-dera-RUP!” Đối với gã và với bất cứ ai nghe thấy, đó là tất cả những khoảnh khắc có nụ cười và được thấu hiểu. Tiếng kèn của gã trong như tiếng chuông, cao vút, thuần khiết, gã thường chĩa thẳng vào chúng tôi mà thổi từ khoảng cách nửa mét. Dean đứng trước gã, lãng quên cả thế giới, cúi đầu, ngón tay đan vào nhau, cả cơ thể nhún nhảy trên gót chân, và mồ hôi, mồ hôi luôn thấm đẫm cái cổ áo sờn của hắn, chảy xuống đến tận chân. Galatea và Marie đang ở đây, mất năm phút mới thấy họ. Chà, đêm Frisco, tận cùng lục địa, tận cùng những nghi ngờ, hỡi mọi nỗi hồ nghi và xử sự xuẩn ngốc, bye bye mi. Lampshade đang bê khay bia vừa đi vừa gào rú; mọi việc hắn làm đều theo nhịp điệu; hắn hét lên với em phục vụ, “Này, em yêu em yêu, tránh đường tránh đường, anh Lampshade đang đến đây,” gã lăng bia qua đầu nàng, lao qua cánh cửa xoay vào bếp, nhảy với hội đầu bếp rồi trở ra, mồ hôi như tắm. Tay kèn ngồi hoàn toàn bất động ở một góc bàn, không đụng vào đồ uống trước mặt, đăm đắm nhìn không khí, tay buông thõng hai bên chạm cả xuống sàn, chân xòe rộng như hai cái lưỡi thè ra, toàn thân run lên trong tột cùng mệt mỏi và u buồn ám ảnh. Đó là tất cả những gì về gã: một kẻ tự hành xác mình hàng tối và để mặc người khác kết liễu gã trong đêm. Mọi thứ vần vũ quanh gã như một đám mây. Và tay kèn bé bỏng của bà, gã Carlo Marx bé bỏng đó, cứ nhịp chân nhảy múa như khỉ với cây kèn của gã, thổi hai trăm điệp khúc blues, khúc sau cuồng nhiệt hơn khúc trước, chẳng hề có dấu hiệu kiệt sức hay cạn nhiệt tình. Cả phòng run lên.
Một tiếng đồng hồ sau, ở góc phố 4 và phố Folsom, tôi và Ed Fournier, lại một tay kèn nổi tiếng của San Francisco đứng đợi trong lúc Dean đi phôn cho Roy Johnson mang xe đến đón. Bọn tôi chỉ nói chuyện, chẳng có gì xảy ra ngoài việc cả hai cùng nhìn thấy một cảnh vô cùng kỳ lạ và điên khùng. Đó là Dean. Hắn muốn cho Roy địa chỉ của quán nên mới bảo Roy giữ máy một chút cho hắn chạy ra ngoài nhìn lại biển, mà để làm thế hắn phải vượt qua đám lộn xộn nhốn nháo suốt quầy bar dài toàn dân say xỉn mặc may ô trắng và xuống phố. Hắn làm thế, bò dưới đất như Groucho Marx, đôi chân đưa hắn ra khỏi quán nhanh đến kỳ lạ, như xuất quỷ nhập thần, vẫn với ngón tay cái băng bó chổng lên trời đêm, hắn ra giữa đường, đảo mắt xới tung mọi thứ cao hơn đầu hắn để tìm cái biển. Bóng tối khiến hắn chẳng thấy rõ cái gì, thế là hắn loanh quanh mệt lử đến chục lần trên đường, ngón cái chổng lên, lặng lẽ, hoang mang, lo lắng, một kẻ đầu bù mang theo ngón tay cái băng bó chổng ngược như một con ngỗng trời lớn, cứ quay cuồng trong bóng đêm, tay kia vẫn không rút ra khỏi túi quần. Khi ấy Ed Fournier đang nói, “Đi đến đâu tôi cũng thổi một khúc thật hay nhưng nếu người ta không thích nó thì tôi cũng chịu thôi. Này, nói xem, chiến hữu của ông là một con mèo hoang, cứ nhìn hắn đằng kia kìa” - và chúng tôi cùng nhìn. Sự im lặng vĩ đại vẫn bao trùm mọi nơi khi Dean thấy cái biển và chạy vội về quán. Cứ như bằng đôi chân của ai đó khác, hắn lướt qua quầy bar nhanh đến nỗi mọi người phải kinh ngạc nhìn hai lần mới thấy hắn. Một lát sau Roy Johnson xuất hiện, cũng nhanh chóng như thế. Dean lại lướt qua phố vào xe, vẫn không một tiếng động. Chúng tôi lại lên đường.
“Roy này, tôi biết là tại bọn tôi nên vợ ông cằn nhằn ông nhiều lắm, nhưng bọn tôi lại phải đến ngay ngã tư phố 46 và phố Geary trong vòng ba phút nữa, nếu không thì mọi việc hỏng bét. E hèm! (húng hắng ho) Sáng ra Sal và tôi phải đi New York rồi, đây là đêm cuối cùng của bọn tôi ở đây. Tôi biết là ông sẽ không ngại đâu.”
Không, Roy Johnson không ngại gì hết; hắn chỉ vượt mọi đèn đỏ mà phóng lên để làm vừa lòng chúng tôi. Bình minh, hắn về nhà đi nằm. Dean và tôi cuối cùng gặp một gã da đen tên là Walter, kẻ gọi một lô rượu, xếp thành một dãy dài và nói, “Vang spodiodi đây!” rồi lần lượt uống một ngụm poóctô, một ngụm whisky, rồi lại một ngụm poóctô nữa. “Poóctô đúng là lớp vỏ tuyệt diệu cho thứ whisky dở tệ đó!” gã thốt lên.
Xong việc gã lại mời chúng tôi về nhà gã làm thêm chai bia nữa. Nhà gã ở cuối Howard, về đến nơi thì vợ gã đã đi ngủ. Nhà có ngọn đèn duy nhất ở ngay trên đầu giường. Phải trèo lên một cái ghế để tháo bóng đèn ra trong khi vợ gã vẫn nằm đó, mỉm miệng cười; Dean làm việc này, gã nháy mắt chào nàng. Nàng hơn Walter chừng mười lăm tuổi và là người đàn bà hiền dịu nhất đời. Lại phải kéo dây điện qua giường. Nàng vẫn mỉm cười, mỉm cười, không hề hỏi một câu xem Walter đã đi đâu, bây giờ là mấy giờ, không hỏi han gì hết. Cuối cùng chúng tôi dòng dây điện vào trong bếp, ngồi quanh cái bàn mọt, vừa uống bia vừa nói chuyện. Bình minh. Đã đến lúc phải ra đi; lại kéo dây trở lại phòng ngủ và lắp lại bóng điện. Vợ Walter vẫn mỉm cười, mỉm cười trong khi chúng tôi làm những trò ngớ ngẩn ấy. Nàng không nói dù chỉ một câu.
Ra đến ngoài, Dean nói, “Ông thấy chưa, luôn có một phụ nữ đích thực dành cho ông. Không một lời nói nặng nề, không một lời phàn nàn, không cố thay đổi ông; chồng nàng có thể mặc sức trở về nhà vào bất cứ giờ nào trong đêm, kéo theo bất kỳ ai, cứ việc vào trong bếp mà uống bia nói chuyện rồi rút bất cứ lúc nào. Thế mới là đàn ông ra đàn ông, và đó mới chính là lâu đài của hắn.” Hắn chỉ về phía khu nhà. Chúng tôi lảo đảo bước đi. Đêm cuồng nhiệt đã đến hồi kết. Một xe tuần tra cứ bám rì rì theo sau bọn tôi một cách ngờ vực qua vài dãy nhà. Hai thằng mua một túi bánh rán ở phố 3 và vừa đi vừa nhai bánh trong con phố ảm đạm, nghèo nàn. Một gã to con, cặp kính cưỡi trên mũi, áo quần tươm tất cùng đi tới với một gã da đen đầu đội mũ lưỡi trai như dân lái xe tải. Một cặp kỳ dị. Một cái xe tải lớn đi ngang qua, gã da đen chỉ vào nó một cách kích động, cố gắng diễn đạt tình cảm gì đó. Gã to con da trắng nhớn nhác nhìn quanh và đếm tiền. “Đích thị là Old Bull Lee rồi!” Dean cười hinh hích. “Mải mê đếm tiền và hớt hải nhìn quanh trong khi thằng kia chỉ quan tâm đến xe tải và những gì hắn biết.” Chúng tôi đi theo họ một lúc.
Những cánh hoa thanh sạch phiêu trong gió, chỉ là những khuôn mặt mệt mỏi trong bình minh nước Mỹ nhạc jazz.
Chúng tôi cần ngủ một giấc. Đến nhà Galatea Dunkel thì không ổn rồi. Dean quen một người hãm phanh tàu hỏa, tên là Ernest Burke, gã vẫn sống chung với bố trong một phòng khách sạn ở phố 3. Trước đây, hắn quan hệ rất tốt với hai bố con nhà này, nhưng sau thì đâm hục hặc. Ý tưởng của bọn tôi là tôi sẽ cố thuyết phục họ đồng ý cho hai thằng ngủ tạm trên sàn nhà. Thật là kinh khủng. Tôi phải nhờ điện thoại một nhà hàng bán đồ ăn sáng. Ông già trả lời điện thoại một cách nghi hoặc. Ông nhớ tôi qua những điều thằng con ông kể lại. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông xuống tận sảnh mở cửa cho vào. Đây chỉ là một khách sạn cũ vắng khách ở Frisco. Chúng tôi lên lầu và ông già còn tốt đến mức nhường cho bọn tôi hẳn cái giường. “Đằng nào tôi cũng phải dậy rồi,” ông nói rồi xuống bếp pha cà phê. Ông kể lại những chuyện thời ông làm việc trên tàu khiến tôi nhớ đến bố mình. Tôi không ngủ mà thức nghe ông kể chuyện. Dean thì chẳng thèm bận tâm, hắn đi đánh răng, lăng xăng khắp phòng, luôn miệng, “Vâng, đúng vậy,” bất kể ông nói gì. Cuối cùng chúng tôi cũng ngủ. Sáng bạch, Ernest về và chiếm lấy giường, chúng tôi phải dậy thôi. Ông già Burke chải chuốt chuẩn bị đến một cuộc hẹn với bồ nhí tuổi sồn sồn. Ông diện vào bộ com lê vải tuýt màu xanh, đội mũ kếp mềm, cũng bằng vải tuýt xanh luôn, lại còn gài thêm một bông hoa lên ve áo.
“Mấy ông già hãm phanh và lãng mạn này sống cuộc đời buồn tẻ nhưng lại sôi nổi theo cách của họ,” tôi nói với Dean trong toa lét. “Ông già thật tử tế khi cho chúng ta ngủ nhờ.”
“Ờ, ờ,” Dean nói, chẳng buồn nghe đâu. Hắn chạy vội ra ngoài để kiếm xe ở phòng du lịch. Tôi thì phải đến nhà Galatea Dunkel để lấy hành lý. Nàng lại đang ngồi khoanh chân dưới đất trước cỗ bài.
“Ừm, tạm biệt Galatea, tôi hy vọng mọi sự đều tốt đẹp cả.”
“Khi nào Ed quay về, đêm nào tôi cũng sẽ đưa anh ấy đến chỗ Jamson’s Nook để anh ấy no chán sự điên khùng. Anh thấy thế được không, Sal? Tôi chả biết làm cách nào khác.”
“Quẻ bói ra sao?”
“Con át pích rất xa anh ấy. Nhưng con cơ thì theo anh trung thành - con Q cơ vẫn đứng một góc. Anh có nhìn thấy con J pích này không? Dean đấy, anh ấy vẫn quanh quẩn đâu đây.”
“Tốt thôi, một tiếng nữa chúng tôi sẽ đi New York.”
“Một ngày nào đó Dean sẽ tiếp tục lên đường và sẽ không bao giờ còn trở về nữa.”
Nàng đồng ý cho tôi tắm gội và cạo râu nhờ, rồi tôi chào tạm biệt, xách đồ đạc xuống nhà và gọi một cái taxi loại rẻ tiền ở Frisco, loại taxi đi theo lộ trình cố định, có thể đi đến bất cứ ngã tư nào mà chỉ mất khoảng mười lăm xu, tha hồ nói chuyện cười đùa như xe riêng nhưng phải ngồi chen chúc như đi xe buýt. Phố Mission ngày cuối tôi ở Frisco giống như một công trường xây dựng khổng lồ, trẻ con chạy nhảy giữa đường, những người da đen lũ lượt đi làm về, bụi, tiếng ồn đủ loại, một thành phố ồn ã và sống động bậc nhất nước Mỹ. Trên đầu, bầu trời xanh trong vắt, mặt biển mờ sương rì rào, đêm đến vẫn không ngừng cuộn sóng càng kích thích con người muốn thêm thức ăn cho thể xác và cảm giác mạnh cho tinh thần. Tôi chẳng hề muốn ra đi khi vừa mới nán lại đây khoảng sáu mươi tiếng đồng hồ kỳ lạ. Cùng với Dean khùng, tôi lao qua thế giới mà chẳng nhìn thấy gì. Đến chiều chúng tôi đã trên đường tới Sacramento, lại một lần nữa miền Đông thẳng tiến.