My test of a good novel is dreading to begin the last chapter.

Thomas Helm

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 67
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1600 / 43
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 29: Chúa Trịnh Đã Chuẩn Bị Khai Chiến Với Chúa Nguyễn Như Thế Nào?
ăm 1558, sau nhiều phen khéo léo vận động, Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông (1556 - 1573) và chúa Trịnh Kiểm (1545 - 1569) cho trấn thủ ở xứ Thuận Hóa. Từ đó, cơ nghiệp riêng của họ Nguyễn bắt đầu được gây dựng. Tuy nhiên, suốt thời Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) và cả chặng đầu của thời Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635), quá trình gầy dựng cơ nghiệp riêng này được tiến hành một cách âm thầm và bí mật. Chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623) đã nhận ra khá rõ mọi điều, nhưng chưa kịp tìm ra kế sách đối phó thì mất. Ngay sau khi lên nối nghiệp, chúa Trịnh Tráng (1623 - 1657) quyết chí đưa quân vào Nam để đánh họ Nguyễn. Vấn đề còn lại chỉ là tìm danh nghĩa hành quân cho cuộc tấn công này nữa mà thôi. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 31, tờ 22 và 23) cho biết việc chúa Trịnh Tráng chuẩn bị khai chiến với chúa Nguyễn Phúc Nguyên như sau:
"Trước đây (trước năm Đinh Mão, 1627 - ND), Tráng sai Công Khoa Cấp sự trung là Nguyễn Hữu Bản, phụng mệnh đem sắc chỉ của Nhà vua vào Thuận Hóa để truy thu tô thuế của xứ này từ năm Giáp Tí (1624) trở về trước và đón Hy Tông Hiếu Văn Hoàng đế (tức Nguyễn Phúc Nguyên - ND) về Đông Kinh (tức Thăng Long - ND). Vương thượng (cũng chỉ Nguyễn Phúc Nguyên - ND) thấy thế, liền cười mà nói với Hữu Bản rằng:
- Đây chẳng qua là ý riêng cua họ Trịnh chớ Hoàng đế là bậc nhân từ, lẽ đâu lại ghét bỏ dòng dõi cống thần đến thế.
Nói rồi, khoản đãi Hữu Bản rất trọng hậu và cho về.
Đến đây, Tráng muốn đem quân đánh Thuận Hóa nhưng lại sợ không có cớ rõ ràng, bèn lập mưu sai Lê Đại Dụng, phụng mệnh Nhà vua, đem tờ sắc dụ vào, bảo phải cho con em về chầu, đồng thời đòi nộp ba chục thớt voi, ba chục chiếc thuyền đi biển để sung vào cho đủ số cống phẩm dâng nhà Minh. Vương thượng lại cười và nói:
- Thể lệ cống nạp nhà Minh chỉ có vàng tốt và kì nam mà thôi. Nay họ Trịnh muốn lấy thêm phần ngoại lệ, tôi đâu dám vâng mệnh. Vả lại, hiện nay tôi đang lo sửa sang binh khí, tu bổ việc phòng bị nơi biên cảnh, đợi vài năm nữa hãy vào chầu Vua cũng không có gì đáng gọi là muộn cả.
(Lê) Đại Dụng về tâu lại nhưng lời nói trên, Tráng bèn hạ lệnh cho bọn Nguyễn Khải, Nguyễn Danh Thế làm tướng tiên phong, đem năm ngàn quân đến đóng ở Hà Trung, Tráng thân dẫn đại binh cùng tiến. Nhân đấy, Tráng đưa Vua cùng đi, nói là đi tuần du để xem xét phong tục tập quán các nơi. Quân thủy bộ (của họ Trịnh) xuất phát.
Về phần mình, Vương thượng hạ lệnh cho Tôn Thất Vệ làm Tiết chế, quan văn là Nguyễn Hữu Dật chịu trách nhiệm quan sát tình hình, đồng thời, thống lãnh bộ binh đi chống cự. (Vương thượng) lại còn hạ lệnh cho Hoàng tử là Trung đem thủy binh đi tiếp ứng. Quân hai bên đóng dinh trại đối diện với nhau.
Tướng bên quân Trịnh là Lê Khuê đem kị binh xông vào cướp trận địa, bị đại bác bắn lại, chúng sợ mà rút lui. Bấy giờ, Nguyễn Khải cho dàn trận ở phía Bắc sông Nhật Lệ. Nhân đêm tối lại có thủy triều lên, quân ta bắn súng để uy hiếp, khiến quân Trịnh hoảng hốt mà rối loạn đội ngũ. Trịnh Tráng bất ngờ cho quân tới tiếp ứng, thế quân Trịnh rất mạnh. Ta cho voi ra đánh chặn, quân Trịnh tan vỡ, bị giết rất nhiều. Nguyễn Hữu Dật và Trương Phúc Gia bàn mưu với nhau, nói phao lên rằng:
- (Ở kinh đô), bọn Trịnh Gia và Trịnh Nhạc đang sắp nổi loạn.
Tráng nghe tin ấy, lòng lấy làm ngờ, lại nhân vì thua luôn mấy trận, bèn rút quân về."
Lời bàn: Hai lần sai sứ đi, trước thì đòi truy thu thuế, sau thì đòi cống phẩm, đành là họ Trịnh rất cần cái cớ cho mình, song cả hai cái cớ của họ Trịnh sao mà khó nghe quá. Hai lần Nguyễn Phúc Nguyên vừa cười vừa đáp lời sứ giả, sử không chép rõ tiếng cười ấy vang xa đến cỡ nào, nhưng ắt hẳn là đủ để vang thấu đến tim gan Trịnh Tráng đó thôi.
Trịnh Tráng tự biết xuất chinh là sự chẳng hay, cho nên mới nói dối vua Lê là đi tuần du thiên hạ để xem xét phong tục tập quán các nơi. Kẻ đã dối vua thì không còn có thể trung thực với bất cứ ai nữa. Ôi, cuộc tuần du để xem xét phong tục tập quán các nơi do Trịnh Tráng tổ chức mới đáng sợ làm sao!
Vua Lê đã bao phen bị bắt làm bình phong, che chở cho những hành vi của chúa Trịnh, đến đây lại thêm một lần bị bắt làm bình phong nữa, kể cũng đáng thương, nhưng, biết làm sao được, cổ kim nào thiếu những kẻ là... nạn nhân của chính họ.
Chúa Trinh Tráng đã quen thói dối Vua, cho nên, dễ dàng tin ngay rằng, thiên hạ thế nào chẳng có kẻ dối chúa. Thoáng nghe tin Trịnh Gia và Trịnh Nhạc sắp nổi loạn. Trịnh Tráng đã vội lui quân ngay. Đời vẫn thế, kẻ cả tin luôn tuôn là kẻ đa nghi đó thôi.
Thương thay, những kiếp người đắm chìm trong thời loạn, một khi những kẻ nhân danh quyền chăn dân để xua dân vào cuộc chém giết lẫn nhau, thì chẳng còn sự vô phúc bạc phước nào tệ hại hơn nữa.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 6