You know you've read a good book when you turn the last page and feel a little as if you have lost a friend.

Paul Sweeney

 
 
 
 
 
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 54
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2340 / 219
Cập nhật: 2016-06-09 04:36:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25: Làm Bài Tập Hộ Con
àm bài tập hộ con, không phải là bố mẹ giúp con trẻ gian lận trong việc học; mà là dùng lí trí để đối kháng với một số sai lầm trong giáo dục, bằng phương pháp bất đắc dĩ, giúp con trẻ có được nhiều thời gian tự do hơn, để trẻ sống vui vẻ hơn, đồng thời dạy cho trẻ biết đối mặt một cách thực sự cầu thị với việc học. Đó là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ niềm hứng thú trong học tập của trẻ.
Sau khi Viên Viên đi học cấp một, về cơ bản chúng tôi áp dụng thái độ “không quản” đối với việc làm bài tập của cô bé. Hàng ngày cô giáo giao cho làm bài tập gì, cô bé làm ra sao, chúng tôi đều không hỏi, cũng không kiểm tra, tất cả đều để cô bé tự sắp xếp. Trong vấn đề hoàn thành bài tập về nhà, Viên Viên cũng không khiến chúng tôi phải lo lắng, cô bé luôn luôn rất tự giác. Nhưng sau một thời gian, cô bé bắt đầu tỏ ra chán làm bài tập, phàn nàn rằng một chữ mới tại sao phải viết những ba dòng, và chữ mới của bài này hôm kia đã viết một lần, hôm qua viết thêm một lần, hôm nay lại phải viết thêm một lần nữa. Một hôm, khi cô bé lại tỏ ra bực bội trong lúc làm bài tập, tôi liền quay sang tìm hiểu nội dung bài tập ngày hôm đó của cô bé, cảm thấy có một số thứ thực sự không cần phải viết, hoặc là không cần phải viết nhiều như vậy. Ví dụ chữ mới, cô giáo thường lấy “dòng” làm đơn vị để giao bài cho học sinh, gần như không lấy “số chữ” làm đơn vị để bố trí bài tập. Hơi một tí là hai dòng, ba dòng, thậm chí năm dòng.
Tôi tin rằng một đứa trẻ nếu muốn ghi nhớ một chữ thì cũng không cần phải viết nhiều lần như vậy. Và thế là tôi liền bàn với Viên Viên, con đến lớp gặp cô giáo và nói, liệu có thể căn cứ vào tình hình của mình, tự mình quyết định một chữ nên viết mấy lần thì viết, nếu như con không muốn nói, mẹ sẽ đến gặp cô giáo để nói. Nghe thấy vậy Viên Viên liền lắc đầu. Trực giác của cô bé mách bảo rằng, cô giáo sẽ không đồng ý.
Hiện nay có người kêu gọi nên bố trí loại bài tập cá tính hóa cho học sinh cấp một và cấp hai, nhưng gần như không có giáo viên nào làm như vậy. Không chỉ vì như thế sẽ khá rắc rối, mà còn vì rất nhiều người cho rằng không nên làm như vậy. Nếu học sinh nào dám nói với giáo viên rằng em đã nắm hết được các nội dung này, có thể viết ít đi một chút. Chắc chắn giáo viên sẽ nói, mọi người học cùng một lớp, tại sao em lại được làm ít bài tập - học tập là khổ dịch chứ không phải là phúc lợi, viết ít tức là “được hời” rồi - quan niệm rác rưởi này đã bị rót vào đầu con trẻ như vậy, đồng thời cũng ăn sâu vào quan niệm của học sinh. Nếu quả thực có một giáo viên nào đó đồng ý cho một học sinh nào đó viết ít đi, các học sinh khác cũng sẽ đứng lên phản đối, tại sao lại chiếu cố cho bạn ấy.
Tôi hiểu được nỗi khó xử của Viên Viên, cũng nghĩ rằng như thế thực sự phi thực tế. Đây không phải là vấn đề của một môn học, thực hiện sẽ vô cùng khó khăn, rất bất tiện. Tôi nghĩ một lát, rồi hỏi Viên Viên, có phải những chữ này con đều nhận biết được hết rồi, cũng viết được hết rồi không, cảm thấy không cần phải viết nhiều lần như vậy đúng không? Cô bé trả lời vâng. Tôi nói: “Thế thì con đừng nhìn sách nữa, mẹ sẽ đọc cho con viết. Chỉ cần viết đúng, viết một lần là được, nếu viết không đúng, thì viết ba lần, còn lại mẹ sẽ viết thay cho con, như thế có được không?”.
Thấy tôi nói như vậy, Viên Viên liền nhìn tôi bằng ánh mắt phức tạp, vừa tỏ ra bất ngờ vừa có vẻ nghi ngờ, cô bé không tin lời tôi nói lắm. Trái tim nhỏ bé của cô bé chắc chắn đang do dự, làm như thế có đúng không, như thế có phải là làm điều giả dối không?
Tôi hiểu được ánh mắt của con gái, liền nói một cách khẳng định và bình thản: “Như thế không sao hết, học bài mục đích là để nắm được bài, cô giáo bắt viết nhiều lần như vậy không phải là để các con nắm được bài đó sao, chỉ cần con nắm được rồi, thì không phải viết nhiều như vậy nữa, con bảo thế có đúng không?”. Viên Viên cảm thấy tôi nói có lý, nhưng cô bé vẫn lo lắng, nói: “Nếu như cô giáo phát hiện ra là mẹ viết, cô sẽ phê bình con”. Tôi nói: “Mẹ sẽ cố gắng viết theo chữ của con, gần như là có thể viết được giống con, chắc là cô giáo sẽ không phát hiện ra đâu. Hay là hôm nay chúng ta thử xem?”.
Viên Viên vừa hào hứng lại vừa hơi ngại ngùng gật gật đầu.
Bài tập môn ngữ văn ngày hôm đó tổng cộng phải viết tám chữ mới, mỗi chữ mới viết hai dòng. Trong mấy chữ mới này chỉ có một chữ mới Viên Viên không biết viết, cô bé liền viết chữ này ba lần, những chữ còn lại đều chỉ viết một lần. Lượng bài tập ban đầu là một trăm sáu mươi chữ, giờ biến thành mười một chữ - nhẹ nhàng hơn biết bao. Tôi phát hiện ra rằng, khi viết mười một chữ này, Viên Viên viết rất cẩn thận, đặc biệt là chữ mà cô bé không biết viết đó, chăm chú viết ba lần. Tôi tin rằng với sự nghiêm túc, chăm chú như vậy, ba lần là đủ cho cô bé ghi nhớ cách viết của chữ này. Còn lại đều do tôi dựa theo nét chữ của Viên Viên và viết thật cẩn thận, cố gắng không để cô giáo phát hiện ra điều gì bất thường.
Tôi phát hiện ra rằng, người lớn viết láu rất nhẹ nhàng, viết một lúc là được một đoạn dài. Nếu viết từng nét từng nét một, cũng mất khá nhiều công sức. Hơn nữa nếu chữ của bạn khá đẹp, nhưng lại muốn viết xấu đi một chút, giống như chữ của trẻ con, thật không dễ dàng chút nào.
Từ đó trở đi tôi thường xuyên làm bài tập hộ con. Mỗi lần con viết phần nào, phần nào còn lại do tôi viết, chuyện này nhất thiết phải do con tự quyết định, tôi không bao giờ phán đoán thay cho Viên Viên. Làm như vậy, một là có thể để con tự kiểm tra mình, hai là để cô bé sẵn lòng ghi nhớ những gì cần ghi nhớ, vì cô bé nắm được càng nhiều nội dung trong bài học, thì bài tập phải làm càng ít.
Thời gian đầu bố Viên Viên cũng không đồng ý để tôi làm như vậy, sợ tôi làm hộ bài tập cho con sẽ làm hư con gái, khiến con hình thành nên tư tưởng ỷ lại. Tôi nói không lo, với những gì mà tôi hiểu về Viên Viên, chắc chắn cô bé sẽ không lấy những bài tập mà mình chưa nắm vững ra cho tôi làm. Những nội dung mà cô bé để tôi làm thay chắc chắn là phần mà cô bé cho rằng mình không cần thiết phải viết. Con trẻ có quan niệm thiện ác, và bản tính của con người là hướng tới cái thiện né tránh cái ác. Một đứa trẻ có trái tim trong sáng, có lòng tự trọng, chắc chắn sẽ không thể lợi dụng ý tốt của người khác để làm những điều giả dối.
Thực tế quả đúng là như vậy, kể từ khi tôi bắt đầu làm bài tập thay cho Viên Viên, cô bé càng ngày càng thoải mái trong chuyện làm bài tập. Tâm lý thoải mái rồi, cô bé lại càng tự giác hơn. Tất cả những bài tập đòi hỏi cô bé phải bỏ ra thêm một chút thời gian là hoàn thành, thông thường cô bé sẽ không nhờ tôi giúp. Cô bé không bao giờ vì nổi tính lười mà bố trí “bài tập” cho tôi. Điểm này tôi cảm nhận được trong quá trình giúp con. Chính vì thế mặc dù tôi “giúp” con gái đến tận khi cô bé lên lớp bảy, nhưng số lần giúp cũng không nhiều lắm. Theo như tôi nhớ, ngoài giai đoạn đầu ra, sau này gần như mỗi học kỳ trung bình chỉ giúp ba, bốn lần.
Tôi phát hiện ra rằng, làm bài tập hộ con không những không xấu, mà còn có rất nhiều cái lợi.
Trước hết là không để bài tập làm khó con, không để con trẻ cảm thấy đi học là một điều khổ sở, bảo vệ niềm hứng thú đối với việc học cho con trẻ; thứ hai là để cô bé biết rằng, học tập là chuyện cần phải thực sự cầu thị nhất, vừa không phải là để gây khó dễ cho mình, cũng không phải là để a dua theo người khác, điều này khiến cô bé làm việc thực tế hơn, cũng sẽ hiệu quả hơn; ngoài ra, để cho cô bé được giải phóng khỏi bài tập, có nhiều thời gian rỗi rãi hơn để làm những việc mà mình thích.
Viên Viên không hề bỏ bẵng chuyện đọc sách ngoài giờ học, thời cấp hai còn bỏ ra rất nhiều thời gian để chơi điện tử, viết trộm tiểu thuyết. Sau khi vào cấp ba, mặc dù việc học rất bận, nhưng vẫn không gián đoạn việc đọc sách ngoài, thậm chí còn đọc cả tiểu thuyết phiên bản tiếng Anh, đọc truyện tranh - những việc này đều chiếm không ít thời gian của cô bé, nhưng cô bé vẫn hoàn thành được bài tập các môn học một cách bình thường, thành tích học tập cũng không tồi. Có người thắc mắc, làm sao cô bé lại có nhiều thời gian như thế? Tôi nghĩ, điều này có liên quan với việc ngay từ nhỏ cô bé đã nắm bắt được cách nhìn nhận việc nào là quan trọng, việc nào không quan trọng, biết dựa vào tình hình thực tế của mình để điều chỉnh kế hoạch học tập. Và việc đọc sách ngoài nhiều lại đem lại sự tiến bộ về mặt kiến thức và trí tuệ cho cô bé, khiến lực học của cô bé ngày càng tốt hơn, học càng thoải mái, hiệu quả hơn. Tóm lại, cô bé luôn điều hòa rất tốt hai công việc tự học và hoàn thành bài tập cô giáo giao, bước vào một vòng tuần hoàn tốt. Đây là điều hạnh phúc hơn nhiều so với những đứa trẻ bị bài tập làm hỏng khẩu vị học, bài tập chỉ nửa tiếng đồng hồ là làm xong nhưng lại kéo dài đến hai tiếng đồng hồ.
Ở đây, tôi muốn nhắc nhở các bậc phụ huynh rằng, khi con trẻ còn đang ở trong giai đoạn học tiểu học, cấp hai, cấp ba, đặc biệt là giai đoạn tiểu học, nhất thiết phải chú ý để con trẻ có được thời gian hoạt động tự do, không nên để những việc như làm bài tập, học đàn, học thêm… chiếm hết quỹ thời gian của trẻ. Hàng ngày, cần phải cho trẻ có thời gian tự do, để chúng có thể tự mình sắp xếp. Nhà giáo dục người Liên Xô Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky cho rằng, giống như không khí là cái không thể thiếu đối với sức khỏe, đối với học sinh, thời gian tự do là yếu tố không thể thiếu. Chỉ khi không để học sinh dành toàn bộ thời gian cho việc học tập, để lại rất nhiều thời gian có thể tự do chi phối, học sinh này mới có thể học tập một cách thuận lợi. Thời gian của học sinh bị các loại bài tập chiếm càng nhiều, thời gian để trẻ có thể suy nghĩ về những vấn đề có liên quan trực tiếp với việc học sẽ càng ít, vậy thì khả năng gánh nặng quá lớn, tụt hậu trong việc học của trẻ sẽ càng lớn(1).
_______________
(1) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.69.
Ở đây cần nhắc nhở rằng, “thời gian tự do” tuyệt đối không thể dùng để xem ti vi, ti vi là một sự trói buộc khác, đối với con trẻ thực sự là một cách tiêu khiển xấu. Thời gian này có thể để trẻ đọc sách, tìm bạn để chơi, hoặc chạy bộ, chơi bóng, chơi cờ cùng bố mẹ. Bất kỳ hoạt động nào có lợi cho sự phát triển về thể chất hoặc tâm lý của trẻ đều tốt.
Làm bài tập hộ con là một hành động không bình thường, chắc chắn sẽ có rất nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng như bố của Viên Viên.
Thực ra điều này phản ánh người lớn có sự ngộ nhận về mặt nhận thức đối với con trẻ. Họ không tin rằng bản tính của con trẻ là hướng thiện, tư duy của họ có một tiền đề sai lầm, cho rằng con trẻ không có khả năng tự kiểm soát, nếu tách khỏi sự giám sát của người lớn, cho trẻ thoải mái tự do, con trẻ sẽ hoàn toàn mất kiểm soát, sẽ sa đọa. Còn có bậc phụ huynh nói, con tôi không giống như con chị, con tôi rất láu cá, nếu như làm bài tập hộ nó một lần, từ sau không biết nó sẽ lấy ra bao cái cớ để nhờ tôi viết hộ.
Nếu quả thật con bạn thể hiện ra như vậy, thì vấn đề không bắt nguồn từ việc bạn làm bài tập hộ con, cũng không phải là bản tính của trẻ, mà là trong thời gian dài trước đó, bố mẹ sống với con và để xảy ra một số vấn đề gì đó. Vấn đề của mỗi gia đình không giống nhau, nhưng tính chất khác nhau không nhiều, chắc chắn đều do phụ huynh thao tác không đúng, làm tổn hại đến lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ, thường xuyên tạo ra những chuyện khiến trẻ cảm thấy có lỗi, khiến trẻ không học được cách tự tôn trọng mình, nên trẻ mới càng ngày càng giống một kẻ lưu manh, hàng ngày chỉ để tâm đến những việc xấu.
Một đứa trẻ từ đầu đến cuối luôn luôn được tôn trọng, chắc chắn phải là một người biết tự tôn tự yêu mình, chắc chắn trẻ sẽ không thể lợi dụng lòng tốt của bố mẹ để làm bất kỳ việc gì khiến chúng cảm thấy xấu hổ.
Giáo dục nằm trong từng chi tiết nhỏ. Chuyện làm hộ con bài tập chính là một trong hàng triệu chi tiết nhỏ xảy ra trong quá trình bố mẹ sống chung với con, nếu xử lý không khéo trong từng chi tiết, kết quả có thể sẽ hoàn toàn ngược lại. Trình độ xử lý chi tiết được quyết định bởi phương châm giáo dục của bố mẹ.
Có một vị phụ huynh, con anh đã học lớp bốn, bình thường luôn không thích làm bài tập, một mặt phụ huynh cảm thấy cô giáo giao quá nhiều bài tập, mặt khác lại luôn sợ con học không chắc, ngày ngày kiểm tra gắt gao bài tập của con. Tôi kể cho anh nghe chuyện làm bài tập hộ con, về nhà anh cũng làm theo.
Con anh không thích nhất là môn tiếng Anh, anh liền chuẩn bị giúp con môn học này. Anh nói với con rằng, những từ mới tiếng Anh này không cần phải viết mười lần theo yêu cầu của cô giáo, những từ nào con biết viết, chỉ viết một lần, từ nào không biết thì viết ba lần. Thế là con anh liền viết ba lần những từ chưa biết viết, những từ còn lại chỉ viết một lần. Vì thế con trẻ rất phấn khởi.
Một lát sau, anh lại đến thử tài con, muốn xem xem những từ vừa nãy chưa biết viết, viết ba lần đã nhớ được chưa. Kết quả, vẫn có hai từ con không viết được. Anh có phần bực, nói vừa mới viết xong tại sao lại quên nhanh như vậy, và thế là liền bắt con viết hai từ này mỗi từ mười lần. Con trẻ có vẻ không vui, nói không phải bố bảo chỉ cần viết ba lần đó sao, tại sao lại biến thành mười lần. Con trẻ không thắng nổi người lớn, đành phải hậm hực viết mười lần.
Một lát sau, phụ huynh lại đến kiểm tra, từ mới vừa viết xong con lại viết sai. Anh rất tức giận, không kìm chế được nữa liền vặn hỏi con, hai từ mới này con đã viết mười mấy lần rồi, tại sao vẫn chưa nhớ được? Mỗi từ viết thêm hai mươi lần nữa!
Lúc này tâm lý con trẻ đã chống đối. Anh không thèm quan tâm đến suy nghĩ của con, nghĩ nó đã viết hơn hai mươi lần, kiểu gì cũng phải nhớ được. Một điều khiến anh không thể ngờ được là, một lát sau đến kiểm tra, con anh vẫn không viết được. Anh vô cùng giận dữ, cảm thấy không thể lý giải, trong lúc máu nóng bốc lên đầu liền yêu cầu cậu con mỗi chữ viết năm mươi lần, nói không tin là nó không nhớ được.
Con trẻ không chịu nghe, như thế tính ra, lượng bài tập còn lớn hơn so với lượng bài tập ban đầu mỗi từ viết mười lần. Vì thế mà hai bố con cãi nhau một hồi. Đến nước này, việc làm bài tập hộ con còn tệ hơn là không làm.
Sau khi chuyện đã xảy ra anh liền kêu ca với tôi rằng, phương pháp của chị không thích hợp với con tôi. Con tôi không hiểu biết như con chị, con chị hiểu được tấm lòng của bố mẹ, con tôi không làm được điều đó.
Có thật là con trẻ không giống nhau hay không? Không phải!
Tôi thẳng thắn nói với anh rằng, chuyện này không thể trách riêng con trẻ được. Thực ra, trước hết là anh không tạo dựng được lòng tin đối với cách làm này. Ngay từ lúc đầu anh đã thiếu thành ý, anh chỉ muốn dùng phương pháp này để thử thái độ của con thì đúng hơn là anh muốn giúp con. Thử xem con mình có được như con người khác không, phụ huynh vừa thay đổi phương pháp là trẻ sẽ theo kịp ngay. Chính vì thế sau khi anh giúp con hoàn thành bài tập, liền muốn kiểm tra xem con đã nhớ được hay chưa. Đồng thời, trong tiềm thức, anh coi việc mình làm bài tập hộ con là một ân huệ đối với trẻ, yêu cầu con phải dùng một kết quả khiến người khác phải hài lòng để báo đáp mình ngay lập tức, con đã phụ lòng mong mỏi của anh, không ghi nhớ, anh liền tức giận, tiếp sau đó lại sử dụng thủ đoạn trừng phạt, bắt con viết hết lần này đến lần khác. Ý nguyện làm bài tập hộ con ban đầu của anh là để con thoát khỏi nỗi khổ của bài tập bất hợp lý, nhưng cuối cùng lại biến bài tập thành một “cực hình”. Như thế, hành vi của anh trước sau đã mâu thuẫn với nhau, con bị anh thao túng không biết đâu mà lần. Cậu bé không những càng thấy chán học, mà còn phẫn uất trước hành vi của phụ huynh. Cậu bé càng không thích học, càng không chịu nghe lời bố mẹ.
Vị phụ huynh này trong thời gian ngắn rất khó chấp nhận lời phân tích và phê bình của tôi đối với anh, vẫn khăng khăng nói, con tôi không giống như con chị, con chị chăm chỉ, thích hợp với phương pháp này; thằng con tôi không chịu để tâm, không thích hợp với phương pháp này.
Tôi nói, đúng là con anh không giống con tôi. Trong thời gian dài vừa qua, con anh đã phải giãy giụa khổ sở dưới sự áp bức của bài tập và sự giám sát của bố mẹ, cậu bé đã quen với việc đối lập với bài tập, đối lập với bố mẹ. Hiện giờ đột nhiên bố mẹ thay đổi cách làm, nếu không làm tốt công tác tư tưởng, chắc chắn con trẻ sẽ có phần không quen, thiếu lòng tin vào việc học, cũng không dám chắc là học một lát sẽ nắm được ngay. Anh buộc phải có lòng kiên nhẫn để khắc phục tâm lý cho trẻ, đợi trẻ dần dần thay đổi.
Vị phụ huynh này vẫn nói với giọng rất bực bội rằng, nhưng sao thằng con tôi lại ngu như vậy, tại sao viết nhiều lần như thế mà vẫn không nhớ? Tôi thấy nó vẫn không chịu chuyên tâm trong việc học!
Tôi nói, một từ mới viết mấy chục lần vẫn không nhớ, đây thực ra không liên quan gì đến việc con trẻ ngu hay không, mà liên quan đến tinh thần của trẻ. Cảm giác chán ghét sẽ chặn đứng mọi con đường của trí nhớ. Rất nhiều đứa trẻ nhìn bề ngoài rất thông minh lanh lợi, tại sao cứ vào lúc học lại đần độn đến mức khó tin, nguyên nhân chính là nằm ở đây. Nhìn từ bề ngoài, những đứa trẻ này thực sự không chuyên tâm vào việc học, nhưng việc con trẻ chuyên tâm hay không, không phải tự nhiên mà có. “Chuyên tâm” cũng cần phải có một số nền tảng để phát triển, cũng cần có một quá trình trưởng thành và tích lũy. Kể cả là người lớn, muốn “chuyên tâm” vào một cái gì đó, tiền đề cũng buộc phải là không chán ghét, không bài xích cái đó. Làm sao một người có thể vừa ghét một việc, lại vừa “chuyên tâm” với nó được?
Tôi thấy vị phụ huynh này không lên tiếng nữa, dường như đang suy nghĩ điều gì đó, liền tiếp tục nói với anh, trước hết anh phải làm cho con trẻ không chán ghét việc học, dần dần tạo dựng được lòng tin và cảm hứng đối với việc học, sau đó mới nói được đến chuyện chuyên tâm hay không chuyên tâm. Con anh đã học lớp bốn, vấn đề chán học đã được tích tụ rất lâu rồi, chính vì thế cải tạo cũng sẽ là một quá trình tương đối dài, trẻ càng ở khối lớp trên thì quá trình này càng dài. Bố mẹ nhất thiết phải có lòng kiên trì, trẻ đã mất ba năm để hình thành nên thói xấu, anh muốn dùng ba ngày để thay đổi là điều không thể.
Tôi kiến nghị vị phụ huynh này nên thay đổi một cách làm khác, chỉ đơn thuần là bắt tay từ việc giảm bớt gánh nặng học hành cho trẻ, giúp đỡ chỉ đơn thuần là giúp đỡ, không kèm theo bất kỳ điều kiện gì khác; đừng vì bố mẹ đã giúp rồi, liền yêu cầu con trẻ nhất thiết phải nắm được toàn bộ các từ mới học trong ngày hôm đó. Cho phép con được tạm thời không biết một số điều, cho phép con được mắc lỗi trong bài tập. Là bố mẹ, nhất thiết phải hiểu con. Đối với chuyện hai từ mới đó viết rồi mà vẫn không tự viết ra được, thực ra lúc này trong lòng con trẻ rất xấu hổ, rất tự ti. Bố mẹ phải thấu hiểu suy nghĩ của con, nói với con rằng đừng sốt ruột, không biết có thể viết thêm hai lần nữa, nếu vẫn chưa nắm được, thì tạm thời để mặc nó đôi ngày rồi tính sau, cứ từ từ. Sau đó thông qua những biểu hiện và qua bài tập của trẻ tìm thấy những cái có thể biểu dương, khẳng định trẻ, ví dụ khen ngợi trẻ làm bài tập sạch sẽ hơn bình thường, nói tỉ lệ câu làm đúng trong bài tập nhiều hơn bình thường, tóm lại để trẻ luôn cảm nhận được niềm vui trong học tập, như thế dần dần sẽ giúp trẻ bớt chán ghét việc học.
Làm bài tập hộ con, không phải là bố mẹ giúp con trẻ gian lận trong việc học; mà là dùng lí trí để đối kháng với một số sai lầm trong giáo dục, bằng phương pháp bất đắc dĩ, giúp con trẻ có được nhiều thời gian tự do hơn, để trẻ sống vui vẻ hơn, đồng thời dạy cho trẻ biết đối mặt một cách thực sự cầu thị đối với việc học. Đó là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ niềm hứng thú trong học tập của trẻ.
Chính vì thế trước hết trong lòng phụ huynh phải hoàn toàn tiếp nhận chuyện này, sau đó mới làm. Nếu trong lòng bạn thiếu thành ý, vẫn cảm thấy lăn tăn, cảm thấy có lỗi, thì khi bạn làm bạn sẽ truyền tải cho trẻ một tín hiệu không tốt, để trẻ cảm thấy đây là điều có tội. Chắc chắn bạn không thể giấu được sự băn khoăn của bạn trước mặt con trẻ, trẻ em nhanh nhạy hơn cả rada, qua ánh mắt, giọng nói của bạn có thể nắm bắt được mọi thái độ chân thực của bạn.
Hồi học tiểu học, Viên Viên về nhà kể cho tôi nghe một chuyện rất buồn cười.
Có một bạn gái phát hiện ra vở viết môn Ngữ văn của một bạn trong lớp mỗi dòng chỉ có tám chữ, còn vở của mình một dòng có mười chữ, liền về nhà than thở rằng, mẹ của các bạn khác biết cách mua vở, sao lúc mua mẹ không để ý xem mỗi dòng có mấy chữ. Mẹ cô bé nói mẹ biết chứ, lúc mua người bán hàng còn hỏi mua loại vở một dòng có tám chữ hay mười chữ, mẹ liền mua cuốn một dòng có mười chữ, không phải là để con viết thêm hai chữ càng nhớ lâu đó sao.
Viết thêm hai chữ, bố mẹ cho rằng như thế là có lợi, con trẻ lại nghĩ là bị thiệt. Viên Viên nói có bạn đã phản ánh với cô giáo vấn đề này, yêu cầu những bạn viết loại vở bài tập một dòng tám chữ cũng phải viết theo số lượng mỗi chữ mười lần, nhưng cô giáo cảm thấy như thế có hai chữ phải viết xuống dòng dưới, các dòng sẽ rất lộn xộn, không thẳng hàng thẳng lối, vì thế vẫn viết theo số dòng. Rất nhiều bạn trong lớp Viên Viên vì thế mà phải mất rất nhiều công sức để tìm loại vở một dòng có tám chữ - con trẻ bị ép đến mức phải dành nhiều công sức cho những chuyện như thế này.
Ba nghìn năm về trước, Khổng Tử đã đưa ra chủ trương “dạy học theo năng khiếu”. Gần như tất cả các nhà giáo dục vĩ đại của Trung Quốc và nước ngoài đều đưa ra chủ trương căn cứ vào từng trường hợp, dạy học theo nhiều phương pháp khác nhau. Nhưng trong các hoạt động giáo dục thực tế trong nhà trường, đặc biệt là trong trường tiểu học, cấp hai, cấp ba, rất ít khi thấy thầy cô giáo nào không áp dụng phương pháp đồng loạt trong vấn đề bài tập. Phương pháp đồng loạt này tương đối đơn giản, không mất nhiều thời giờ, nhưng các em buộc phải đau khổ tiếp nhận do bị cùng một khuôn mẫu tạo ra. Đây là một vấn đề rất lớn trong giáo dục tiểu học, cấp hai, cấp ba của Trung Quốc hiện nay, nhưng nhiều năm qua lại vẫn đường hoàng tồn tại, rất ít giáo viên hoặc phụ huynh quan tâm đến sự bất cập của nó.
Chúng ta không thể yêu cầu xã hội tạo cho mỗi học sinh một phương pháp giáo dục hoàn mĩ; nhưng với tư cách là phụ huynh, chúng ta phải có trách nhiệm tạo cho con em mình một môi trường giáo dục tốt nhất. Nếu các bậc phụ huynh có cách nào để con trẻ được giải phóng khỏi gánh nặng bài tập nặng nề, đương nhiên là sẽ tốt hơn. Ví dụ thông qua sự cố gắng của mình, thúc đẩy nhà trường tiến hành cải cách giáo dục; hoặc thông qua một sự ảnh hưởng nào đó, thúc đẩy giải quyết các chính sách. Nếu không làm những điều này, làm bài tập hộ con cũng là một cách đem lại hiệu quả rất rõ rệt.
Nhìn từ bề ngoài, “làm bài tập hộ con” là một một biện pháp bất đắc dĩ, thực ra quan trọng hơn là một ý thức giáo dục, một lối tư duy. Tức là trong việc học của con trẻ, bố mẹ nên áp dụng thái độ thực sự cầu thị, giúp con trẻ khắc phục một số khó khăn. Mỗi em học sinh sống trong một mái trường khác nhau, gặp các giáo viên khác nhau, sẽ có những khó khăn khác nhau. Không có phương pháp nào là thích hợp chung cho tất cả các em, nhưng nhất định phải có một số phương pháp có hiệu quả. Chỉ cần bạn giúp trẻ một cách thực sự cầu thị, tự nhiên sẽ nảy ra rất nhiều biện pháp tốt
Điều cuối cùng mà tôi muốn nhắc nhở các bậc phụ huynh là, cho dù dùng biện pháp gì, bạn đều phải chú ý, không nên biến lợn lành thành lợn què, đừng vì sự bất cẩn của mình mà gây rắc rối cho trẻ. Ví dụ làm bài tập hộ con bị cô giáo phát hiện, khiến cô giáo phản cảm, nhìn trẻ bằng một con mắt khác, như thế thực sự là lợi bất cập hại.
Lưu ý đặc biệt
Mỗi lần con viết phần nào, phần nào còn lại do tôi viết, chuyện này nhất thiết phải do con tự quyết định, tôi không bao giờ phán đoán thay cho Viên Viên.
Con trẻ có quan niệm thiện ác, và bản tính của con người là hướng tới cái thiện né tránh cái ác. Một đứa trẻ có trái tim trong sáng, có lòng tự trọng, chắc chắn sẽ không thể lợi dụng ý tốt của người khác để làm những điều giả dối.
Khi con trẻ còn đang trong giai đoạn học tiểu học, cấp hai, cấp ba, đặc biệt là giai đoạn tiểu học, nhất thiết phải chú ý để con trẻ có được thời gian hoạt động tự do, không nên để những việc như làm bài tập, học đàn, học thêm… chiếm hết quỹ thời gian của trẻ. Hàng ngày, cần phải cho trẻ có thời gian tự do, để chúng có thể tự mình sắp xếp.
Một từ mới viết mấy chục lần vẫn không nhớ, đây thực ra không có liên quan gì đến việc con trẻ ngu hay không, mà liên quan đến tinh thần của trẻ. Cảm giác chán ghét sẽ chặn đứng mọi con đường của trí nhớ. Rất nhiều đứa trẻ nhìn bề ngoài rất thông minh lanh lợi, tại sao cứ vào lúc học lại đần độn đến mức khó tin, nguyên nhân chính là nằm ở đây.
Con trẻ có chuyên tâm hay không, không phải tự nhiên mà có. “Chuyên tâm” cũng cần phải có một số nền tảng để phát triển, cũng cần có một quá trình trưởng thành và tích lũy. Kể cả là người lớn, muốn “chuyên tâm” vào một cái gì đó, tiền đề cũng buộc phải là không chán ghét, không bài xích cái đó. Làm sao một người có thể vừa ghét một việc, lại vừa “chuyên tâm” với nó được?
Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt - Doãn Kiến Lợi Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt