Số lần đọc/download: 200 / 10
Cập nhật: 2019-12-06 09:02:15 +0700
Người Ta Làm Giầu Bằng Cách Nào
O
làng nọ, có một người nông dân nghèo. Anh ta không làm sao mà khấm khá lên được, mặc dù đã nai lưng ra làm quần quật và tiết kiệm từng đồng xu một. Cái nghèo cứ ngồi lù lù ở trong nhà, có cầm gậy đuổi cũng không ra.
Một hôm, thánh Pi-e có việc phải đi qua làng ấy để lên thượng giới. Biết tin thánh dừng ngựa cạnh hàng cơm đầu làng để cho ngựa ăn, bà con trong làng đổ xô đến. Ai cũng muốn nhờ thánh chuyển giùm lời cầu xin lên thượng đế. Anh nông dân nghèo nọ cũng nhờ thánh hỏi hộ trên ấy xem, vì sao anh ta cứ nghèo rớt mùng tơi, mặc dù đã làm lụng rất cần cù và sống rất đúng mực. Lần đầu, thánh từ chối; công chuyện lu bu quá, ngài làm sao nhớ được! Anh nông dân nghèo cứ rưng rưng nước mắt nài xin mãi, cuối cùng thánh cũng thương tình. Ngài cởi bộ yên cương bằng vàng trên mình ngựa ra đưa cho anh ta, rồi bảo:
― Ngươi cầm lấy, giữ cẩn thận cho ta đến lúc ta về. Lên đến thượng giới, thấy ngựa không yên cương, ta sẽ nhớ đến ngươi và những điều mong muốn của ngươi. Khi nào ta về ngang qua đây, ngươi nhớ mà đem ra trả.
Nói xong, thánh Pi-e lên đường. Anh nông dân đem cất bộ yên cương vào nhà kho rồi ngày đêm ngóng chờ tin tức.
Xong công việc ở thượng giới, thánh Pi-e sửa soạn ra về. Xem đến ngựa, thấy ngựa không yên, ngài sực nhớ chuyện người nông dân, liền quay vào hỏi thượng đế xem vì sao người ấy nghèo đến thế, mặc dù anh ta cũng hay lam hay làm và có đạo đức.
― Có gì đâu, y nghèo vì y không biết lừa đảo ― Thượng đế bảo ― Cả đời y chẳng gạt ai, chẳng lấy của ai cái gì thì làm sao mà giầu lên được.
Thánh Pi-e nghe xong, lên đường ra về. Thoáng thấy bóng ngài từ xa, người nông dân đã chạy đến đón. Anh ta nóng ruột quá, không chịu được nữa rồi. Thánh Pi-e nhận ra anh ta ngay. Ngài quát:
― Mang yên ngựa ra đây cho ta mau. Ta còn phải đi xa đây.
― Nhưng thượng đế bảo vì sao tôi cứ khốn khó mãi thế? ― Trước khi chạy đi lấy yên cương, anh ta còn cố hỏi lại cho thỏa nỗi băn khoăn bấy lâu.
― Vì ngươi không phải là kẻ lừa đảo ― Thánh trả lời ― Thôi, mang yên cương ra đây cho ta, mau lên!
Vốn không phải là thằng ngu, người nông dân hiểu rằng, không nên bỏ lỡ cơ hội áp dụng cái bài học người ta vừa dạy. Giả bộ ngạc nhiên, anh ta hỏi lại:
― Cái gì? Bộ yên cương nào? Tôi làm gì có.
― Lại còn thế nữa? Ngươi quên rồi sao? Trước khi lên thượng giới, ta gởi ngươi bộ yên cương còn gì nữa. Chạy đi lấy về đây mau!
― Chắc ngài gởi ai, chứ không phải gởi tôi đâu!
Thánh đang vội, thời giờ đâu mà cãi vã với cái thằng này. Ngài đành phẩy tay bỏ đi. Thế là bộ yên cương bằng vàng lọt vào tay người nông dân ngon ơ.
Y nghĩ bụng: « Ta phải làm tiếp một cú nữa mới được ». Thế rồi y đi tìm lái buôn, mặc cả bán món đồ. Hai bên cò kè mãi, cuối cùng ngã giá bộ yên cương là một trăm quan và một con bò. Một trăm quan thì lái buôn đưa trước, con bò thì khi nào nó ở ngoài đồng về sẽ dắt đến. Sau khi nhận bò sẽ giao hàng.
Chiều tối hôm ấy, người lái buôn dắt bò đến, đòi lấy bộ yên cương. Anh nông dân nói tỉnh bơ:
― Không đời nào tôi đổi bộ yên cương lấy mỗi con bò đâu!
― Sao lại mỗi con bò? Tôi chẳng đã đưa cho anh một trăm quan trước rồi sao?
― Một trăm quan nào? Anh đưa bao giờ? Ai nhìn thấy? Thôi, anh dắt bò cút đi cho tôi được yên.
Người nông dân vớ được một trăm quan. Nhưng lần này ăn không được ngon như lần trước. Lái buôn kiện y ra tòa. Tòa nhận đơn rồi định ngày xử.
Ngày xử án đã đến. Sáng hôm ấy người nông dân ra ngồi lỳ ngoài quán. Người ta thấy vậy mới hỏi tại sao không ra tòa. Y thủng thỉnh đáp:
― Áo sống không có, ra tòa nỗi gì.
Một người bèn cởi cái áo cánh đang mặc đưa cho y:
― Đây, tôi cho anh mượn.
Mặc áo xong, y vẫn cứ ngồi im. Người ta lại hỏi vì sao không đi. Y đáp:
― Bà con không thấy tôi chẳng có giầy dép gì à? Ra tòa mà đi chân đất được sao?
Một người cởi ủng đưa cho thằng láu cá:
― Thì đây, lấy ủng tôi đi tạm một lúc.
Mang ủng rồi, y vẫn ngồi như cũ, không hề nhúc nhích. Lần này thì y bảo mũ lông không có. Chỉ đến khi người ta cho mượn mũ rồi, y mới chịu cất bước.
Ba người cho y mượn đồ bảo nhau:
― Chúng mình đi xem tòa xử thế nào đi.
Họ đi đến công đường.
Ra đến tòa, người lái buôn kể lại tất cả sự việc, rồi xin tòa lấy lại cho y một trăm quan. Đến lượt mình, anh nông dân chối hết, không nhận một điều gì cả.
― Thưa ngài chánh án ― Y nói ― Tôi là người bất hạnh vô chừng. Ai cũng muốn lột được da tôi mới hả. Tôi làm cho người ta, vậy mà bản thân không có tí gì. Người ta muốn làm gì tôi thì làm. Thậm chí cái áo trên người tôi, người ta cũng định lột. Tỷ như cái nhà ông này chẳng hạn, ông ta sẵn sàng nói cái áo tôi đang mặc đây không phải là của tôi mà là của ông ta cho mà xem.
Y lấy tay chỉ người đã cho y mượn áo ở quán rượu.
Người này kêu ầm lên:
― Đúng, cái áo này đúng là của tôi!
― Ngài chánh án thấy chưa? ― Tên láu cá tiếp tục ― Còn cái người bên cạnh y kia, sẵn sàng lột đôi ủng của tôi cho mà xem.
Y lấy tay chỉ người chủ thực sự của đôi ủng. Người này la lớn:
― Đúng là đôi ủng ấy của tôi, thưa ngài chánh án.
― Ngài thấy chưa? ― Tên lừa đảo chớp lấy thời cơ ― Còn người thứ ba trong số ấy chắc chắn sẽ rất vui sướng được lột cái mũ trên đầu tôi cho mà xem.
Y chỉ vào người đã cho y mượn mũ.
― Mày nói cái gì vậy? Cái mũ chính là của tao chứ còn ai nữa?
Viên chánh án bị lừa, tuyên bố rằng: « Giữa ban ngày ban mặt mà người ta đã đồng tâm cướp bóc của người nông dân này ». Ngài ra lệnh đuổi cổ tên lái buôn và ba kẻ nọ, rồi xử cho bị cáo trắng án. Thế là từ chỗ tay không, bây giờ y đã có đủ thứ: bộ yên cương bằng vàng, một trăm quan, rồi áo, mũ, ủng.
Từ đó, y bắt đầu giàu lên bằng cách đi lừa cả thiên hạ.