Số lần đọc/download: 4133 / 54
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Hồi 27 - Vương Thái Thái Vợ Chồng Rẫy Lộn;
B
à Thẩm đến hỏi bà Vương. Sau khi bà Vương nhận lời, bà Thẩm trở về nói với chồng rằng bà Vương đã bằng lòng. Hôm sau, Quy đến hỏi tin, Thẩm Thiên Phù đem việc ấy nói lại với Quy một lượt:
- Nhà tôi đã đến nói đầu đuôi câu chuyện với cô ta. Cô ta bằng lòng chết đi rồi! Nhưng chúng tôi nói với cô ta rằng ông ta không còn cha mẹ, cho nên không nên để bà Bão thân hành đem lễ vật đến hỏi. Ngày mai, ông đưa cho nhà tôi bốn cái đồ trang sức trên đầu để đem đến chỗ cô ta. Khi nào chọn được ngày lành tháng tốt là có thể đưa cô dâu về nhà thôi!
Quy nghe xong, về nhà nói với mẹ vợ:
- Cô ta trong tay có mấy trăm lạng bạc. Cái đó có thực. Có điều cô ta tính tình không tốt, sợ sau này làm khổ chồng. Nhưng thôi! Đó là việc của hai người, mặc kệ họ.
Bà Bão cũng bằng lòng nói:
- Cái thừng ấy cứng đầu cứng cổ lắm. Cần phải có một người vợ cay nghiệt một chút thì mới trị nổi.
Sau khi bàn định lấy Vương thị xong, bà gọi Đình Tỷ đến bảo đi mời Thẩm Thiên Phù và Kim Thứ Phúc để làm mối. Đình Tỷ nói:
- Nhà ta là con nhà tầm thường thì chỉ nên lấy con gái nhà nghèo. Đem cái của ấy về nhà rất dễ sinh cãi cọ lôi thôi.
Bà Bão mắng cho một trận:
- Đồ ngu, đồ vô phúc! Rõ thật là con nhà nghèo! Cứ mở miệng là nói đến nghèo. Sau này mày cũng đến chết nghèo thôi! Trong nhà nó có bao nhiêu rương hòm. Mày lấy nó về thì trong phòng bày biện cũng đẹp mắt đi chứ! Rõ thật là đồ ngu, không biết cái gì cả!
Đình Tỷ bị mắng một trận không dám nói năng gì nữa, chỉ còn cách nhờ Quy đưa mình đến nhà ông mối.
Quy nói:
- Mẹ đã chịu khó như thế mà anh không mở miệng cám ơn lấy một câu! Nếu còn nói ra nói vào, thì con cũng không hơi đâu mà giúp nữa.
Bà Bão nói với con rể:
- Nó có biết cái gì đâu! Mày không nên chấp về việc ấy làm gì!
Sau đó Quy mới chịu cùng Đình Tỷ đến nhà hai ông mối.
Hôm sau, họ làm một tiệc rượu mời hai ông mối đến nhà ăn. Vì Bão Đình Tỷ phải đi theo ban tuồng cho nên Quy ở nhà tiếp khách. Bà Bão đưa ra bốn cái đồ trang sức trên đầu bằng vàng và bốn cái bằng bạc của người vợ trước của Bão Đình Tỷ giao cho Thẩm Thiên Phù đem đến cho bà Vương. Thẩm Thiên Phù bỏ bốn cái vào túi còn bốn cái thì giao cho bà Thẩm đưa đến. Sau khi bà Vương đã nhận, ngày đưa dâu định vào ngày mười ba tháng mười. Sáng ngày mười hai, bốn cái hòm, bốn cái tủ, bao nhiêu chậu thau đồ thiếc, hai cái giường lớn được đem đến trước. Hai người đầy tớ gái đi kiệu theo sau. Đến nhà Bão, nhìn thấy bà Bão, họ không hiểu bà ta là ai nhưng không dám hỏi. Sau khi đã bày biện đồ đạc chỉnh tề ở trong phòng, hai người ngồi đợi ở đấy. Hôm sau, vợ Quy đi kiệu đến. Ở đấy đã có vợ Kim Thứ Phúc và vợ Tiền Mặt Rỗ đợi đón cô dâu. Đến chiều, kiệu cô dâu đến với bốn cặp đèn lồng và đuốc. Cô dâu, chú rể vào phòng đọc những lời theo nghi lễ, lại trước đuốc hoa và uống rượu hợp cẩn. Việc đó không cần phải nói nhiều.
Đến canh năm, lúc phải ra nhà thờ lạy tổ tiên, cô dâu mới biết mình có mẹ chồng và tức giận vô cùng. Cô ta chỉ cúi đầu lạy mấy cái ra vẻ bực tức, chứ không dâng trà, không đưa giày cho mẹ chồng gì hết. Lạy xong, cô liền vào buồng. Hai người đầy tớ gái chốc chốc lại ra xin nước mưa để pha trà cho “bà chủ”, xin than để đốt hương cho “bà chủ”, rồi lại chạy xuống bếp bảo nấu điểm tâm, nấu cháo để đem lên cho “bà chủ”. Họ cứ luôn luôn chạy đi, chạy lại trong nhà, miệng thì cứ “bà chủ thế này”, “bà chủ thế kia”. Bà Bão nghe vậy nói:
- Ta là bà chủ ở đây! Gọi cô ta bằng bà là không được, phải gọi là cô dâu.
Hai người đầy tớ chạy vào phòng kể lại điều đó cho “bà chủ”. “Bà chủ” giận chết ngất.
Sáng ngày thứ ba, gia đình họ Bão mời mấy bà vợ những người hát tuồng đến. Theo tục lệ ở Nam Kinh, ai mới làm dâu thì đến ngày thứ ba cũng phải xuống bếp nấu một món ăn để cầu may. Món ăn này nhất định phải là cá, có ý nghĩa “giàu sang có thừa”(1). Con cá thì nhà họ Bão đã mua rồi, nồi nước sôi đã sôi ở bếp nhưng khi mời cô dâu xuống bếp nấu thì “bà” Vương nhất định không chịu, cứ ngồi yên như phỗng. Người vợ của Tiền Mặt Rỗ vào phòng nói:
- Cái đó không được! Nay chị đã về làm dâu nhà người ta thì chị phải theo quy củ nhà người ta chứ!
“Bà” Vương nén giận, không nói gì, cởi áo gấm, mặc áo làm bếp chạy xuống bếp, cầm con cá trong tay lấy dao cắt ba bốn cái rồi cầm đuôi ném vào trong nồi nước sôi. Vợ Tiền Mặt Rỗ đang ngồi bên cạnh nồi nhìn “bà” Vương làm cá, bị nước sôi bắn vào cả mặt, cái áo đoạn nhị thể thêu kim tuyến ướt đẫm hết. Thị giật nẩy mình kêu lên: “Thế là thế nào!” Và vội vàng lấy khăn tay lau mặt. Bà Vương ném dao xuống, bỏ chạy vào phòng. Đến chiều, khách đến ăn tiệc, cô dâu cũng không chịu ra tiếp.
Sang ngày thứ tư, Đình Tỷ vào phòng mặc áo quần trước khi đi theo ban hát để diễn đêm. “Bà” Vương thấy chồng mình mấy hôm nay vẫn mang một cái mũ hình miếng ngói chứ không phải là cái mũ sa, trong bụng ngờ chồng mình không phải đỗ cử nhân. Thấy chồng đội mũ đi ra, bà Vương hỏi:
- Anh đi đâu mà đi đêm hôm như thế?
Đình Tỷ trả lời:
- Đi kiếm ăn.
Và đi ngay. Bà Vương trong lòng càng ngờ vực “ông ta làm nghề gì? Hay là đi tính sổ sách ở hiệu chăng? ” Đến canh năm sáng rõ, Đình Tỷ mới trở về. Bà Vương hỏi:
- Tối qua anh tính sổ sách gì ở ngoài hiệu mà suốt đêm như thế?
- Nào có hiệu hiếc gì đâu! Tôi là trùm một ban hát, vừa mới đem ban hát đi diễn đêm về đấy thôi.
Bà ta không nghe câu ấy thì thôi, chứ đã nghe câu ấy thì khí tức xông lên chẹn cả tim. Bà thét lên một tiếng, ngã lăn ra, nghiến chặt hai hàm răng, bất tỉnh nhân sự. Đình Tỷ hoảng hốt bảo hai người đầy tớ gái đổ nước gừng. Đổ mất nửa ngày bà Vương mới tỉnh dậy, vừa khóc vừa kêu gào, nằm lăn ra đất, đầu bù tóc rối, bứt tóc bứt tai. Rồi lại muốn bò lên đình giường, khóc rống lên và hát những điệu hát tuồng. Thì ra, vì tức giận quá thị đã phát điên. Bà Bão và con gái sợ hãi chạy vào, thấy cơ sự như vậy vừa bực mình lại vừa buồn cười. Đang lúc ồn ào thì bà Thẩm chạy đến, tay cầm hai gói điểm tâm đưa vào phòng để mừng. Nhưng vừa mới bước vào phòng, vợ Đình Tỷ trông thấy liền chạy đến nắm lấy. Thị kéo Thẩm đến trước thùng cứt, mở nắp thùng ra bốc lên một nắm cứt trát ngay lên mặt, lên miệng bà Thẩm. Bà Thẩm mặt mũi bị trát đầy cứt, hôi thối vô cùng. Mọi người kéo hai người ra. Bà Thẩm chạy ra ngoài lại bị bà Bão chỉ vào mặt mắng cho một trận. Bà Thẩm hết sức bực mình, chỉ còn cách đi lấy nước rửa mặt, rồi lủi thủi ra cửa, đi thẳng về nhà.
Khi mời thầy thuốc đến, thầy thuốc bảo: - Đó là vì có nhiều đờm. Chính khí bị hư, phải dùng nhân sâm, hổ phách.
Mỗi tễ thuốc tốn năm đồng cân bạc. Từ đó thị đau liên miên suốt hai năm. Bao nhiêu quần áo, đồ trang sức trên đầu đều tiêu hết nhẵn. Hai người đầy tớ gái cũng bán đi nốt.
Quy bàn với bà Bão và vợ: - Hắn là đồ con nuôi không làm nên công việc gì. Hắn lại sống với cái con điên ấy làm cho cả nhà ầm ĩ. Nếu cứ để thế này mãi thì nhà cửa ruộng vườn của ta cũng không đủ để mua nhân sâm và hổ phách cho nó ăn đâu! Bây giờ làm thế nào? Chi bằng chúng ta đuổi quách hắn đi. Hắn có đi khỏi nhà này, chúng ta mới có thể sống yên tĩnh, kiếm ăn qua ngày được.
Bà Bão nghe theo lời con gái và con rể đuổi vợ chồng Đình Tỷ phải đi khỏi nhà. Đình Tỷ hoảng hốt nhờ hai người láng giềng là Vương Vũ Thu và Trương Quốc Trọng nói giúp. Trương Quốc Trọng và Vương Vũ Thu chạy sang nói:
- Thưa cụ! Cụ làm thế không được đâu! Ông cụ nhà ta đã nuôi anh ta làm con nuôi. Hơn nữa, anh ta lại giúp cụ nhà ta trong việc làm ăn đã mấy năm nay. Lẽ nào cụ lại đuổi anh ta đi như thế?
Bà Bão liền nói đầu đuôi, kể tội Đình Tỷ bất hiếu như thế nào, vợ anh ta không hiền như thế nào và nói:
- Tôi nhất định không thể nào giữ anh ta ở đây được nữa! Nếu anh ta muốn ở đây thì tôi chỉ còn cách mang con gái, và rể đi để cho anh ta ở một mình!
Hai người kia thấy không thể can ngăn bà Bão được nữa chỉ còn cách nói:
- Bà muốn đuổi đi thì cũng phải cho anh ta ít vốn để làm ăn sinh sống chứ! Đuổi đi tay không như thế này thì hai vợ chồng sống làm sao được?
Bà Bão trả lời:
- Xưa kia nó đến đây tay không chỉ có con người trần trụi với mấy sợi tóc vàng hoe trên đầu. Tôi nuôi ăn lớn lên như thế, lại cưới cho nó hai người vợ. Ông cha của nó chết đã lấy mất bao nhiêu tiền của tôi. Tôi đã không bắt nó trả tiền thì thôi các ông lại còn bắt tôi đưa tiền cho nó nữa sao?
Hai người nói:
- Tuy vậy bà đã “làm ơn thì cũng làm ơn cho chót”. Bà phải thương đến anh ta một chút chứ!
Họ nói đi nói lại mãi cho đến khi bà ta phải hứa cho người con nuôi hai mươi lạng bạc để hắn đi nơi khác. Đình Tỷ cầm lấy bạc mà khóc, nước mắt chảy ròng ròng. Vài hôm sau, Đình Tỷ đến ở một gian nhà Vương Vũ Thu đã dọn cho mình ở sau tiệm buôn của y. Vì chỉ có hai mươi lạng bạc trong tay, Đình Tỷ không lập được một ban hát, không biết dùng vào việc gì, cho nên dần dần ăn hết nhẵn cả số tiền. Khi tiền đã gần hết thì vợ Đình Tỷ cũng đành phải thôi không dùng nhân sâm và hổ phách nữa. Bệnh cũng không phát, thị chỉ ngồi ở nhà vừa khóc vừa mắng, hết ngày này sang ngày khác.
Một hôm, Đình Tỷ ở phố về thấy Vương Vũ Thu chạy đến chào hỏi:
- Anh có người anh nào ở Tô Châu không?
- Cha tôi chỉ có một mình tôi là con, không có anh em nào nữa.
- Tôi không hỏi gia đình họ Bão đâu! Tôi muốn hỏi gia đình họ Nghê ở Tam Bài lâu kia!
- Vâng, tôi có mấy người anh, nhưng cha tôi nói với tôi rằng cha tôi đã đem bán đi tất cả lúc còn nhỏ. Và sau đó thế nào thì tôi không hề biết. Tôi không bao giờ nghe nói có người anh nào ở Tô Châu cả.
Vừa rồi, có một người đến tìm khắp nơi. Ông ta đến nhà bà Bão ở bên cạnh và nói với bà Bão rằng ông Nghê đi tìm người em thứ sáu của ông. Thấy bà Bão không nói năng gì, ông ta lại đến đây. Tôi nghĩ rằng ông ta tìm anh đấy. Ông có phải người con thứ sáu trong gia đình không?
- Vâng, tôi là con thứ sáu.
- Vì không tìm thấy anh, nên ông ta đi đâu đấy một lát, chốc nữa chắc chắn ông ta sẽ trở lại. Tại sao ông không ngồi trong hiệu này đợi một lát?
Quả nhiên một lát sau người kia đến tìm. Vương Vũ Thu nói:
- Đây chính là ông Nghê thứ sáu. Ông đến đây có việc gì?
Người kia lấy ở trong thắt lưng một tờ thiếp đỏ đưa cho Đình Tỷ xem. Đình Tỷ cầm tờ giấy đọc. Tờ giấy viết:
“Người con nuôi của ông Bão Văn Khanh ở cửa Thủy Tây trước tên là Nghê Đình Tỷ chính là con thứ sáu của ông Nghê Trương Phong phụ thân của tôi. Tôi là Nghê Đình Châu. Nếu tìm thấy em tôi thì đưa ngay đến công quán cho tôi được gặp, rất gấp!”
Đình Tỷ reo lên:
- Đúng rồi. Hoàn toàn không sai một ly! Ông là ai?
- Tôi tên là A Tam làm việc với ông anh của ông.
- Anh tôi bây giờ ở đâu?
- Ông cả hiện nay làm việc ở nha môn quan tuần vũ Tô Châu, mỗi năm được một nghìn lạng bạc. Ông cả bây giờ đang ở công quán. Nếu ông là người con thứ sáu thì xin mời đến đấy với tôi để gặp ông cả.
Đình Tỷ mừng rỡ đi theo A Tam đến công quán ở cầu Hoài Thanh. A Tam nói:
- Ông Sáu! Mời ông vào tiệm trà ở bờ sông ngồi đợi một lát tôi đi tìm ông cả đến.
A Tam ra đi, Đình Tỷ ngồi đợi một lát thấy A Tam trở lại với một người lạ, đầu đội mũ vuông, mình mặc áo hoa thâm, chân đi giày đen đế trắng, để râu ba chòm và trạc độ năm mươi. Người này vừa bước vào tiệm trà thì A Tam chỉ Đình Tỷ: “Đây là ông Sáu!” Đình Tỷ vội vàng chạy đến chào. Người kia nắm chặt lấy Đình Tỷ và kêu lên:
- Người em thứ sáu của tôi đây rồi! Đình Tỷ cũng kêu lên!
- Anh ơi!
Hai người ôm nhau khóc nức nở một hồi rồi cùng ngồi xuống. Nghê Đình Châu nói:
- Em ơi, khi nhà họ Bão nhận em làm con nuôi thì anh ở Bắc Kinh cho nên anh không biết gì về việc ấy cả. Từ khi anh hai mươi tuổi, anh làm mạc khách và làm việc trong các nha môn. Ở tỉnh nào anh cũng tìm các em, nhưng không bao giờ thấy. Năm năm trước đây, khi anh cùng đi với một ông tri huyện đến Quảng Đông nhậm chức, đến Tam Bài Lâu, anh nghe một người láng giềng già ngày trước nói rằng em đã được nhà họ Bão nuôi làm con nuôi và cả cha mẹ chúng ta đều đã mất...
Nói đến đấy Đình Châu dừng lại khóc. Đình Tỷ nói:
- Cái việc nhà họ Bão...
Nghê Đình Châu ngắt lời:
- Em để anh nói hết đã. Mấy năm nay anh may mắn được cụ Cơ đối đãi thật là tử tế, mỗi năm trả cho ngàn lạng bạc. Mấy năm trước, cụ ở Sơn Đông với anh. Năm nay cụ về làm tuần vũ Tô Châu. Vì Tô Châu là quê hương, cho nên anh vội vàng đến đây tìm em. Anh muốn đem số tiền dành dụm bấy lâu để mua một nhà ở Nam Kinh và đưa chị từ Bắc Kinh về cùng ở. Như thế là anh em ta lại cùng sống chung một nhà. Này em, em đã có vợ chưa?
- Thưa anh em đã có vợ rồi.
Đình Tỷ kể lại đầu đuôi từ khi mình được nhận làm con nuôi ông Bão đối đãi tốt như thế nào, người vợ đầu họ Vương mình lấy ở nha môn Hướng tri phủ đã chết và lần thứ hai lấy vợ rồi bị bà Bão đuổi ra khỏi nhà như thế nào. Đình Châu nói:
- Không hề gì. Hiện nay thím ở đâu?
- Chúng em thuê một cái phòng của ông láng giềng ở sát vách nhà bà Bão.
- Anh em ta trở về nhà một tí rồi chúng ta bàn tính công việc.
Sau khi trả tiền trà, hai người cùng trở về hiệu buôn của Vương Vũ Thu. Vương ra chào. Đình Tỷ mời anh vào nhà sau, vợ Đình Tỷ chạy ra chào bác. Bấy giờ thị ăn mặc như tất cả mọi người đàn bà thường vì bao nhiêu áo quần trang sức đều đã đem đi bán hết. Nghê Đình Châu lấy ở trong túi ra bốn lạng bạc đưa cho Đình Tỷ để làm lễ gặp mặt. Nhìn thấy một ông bác thể diện như thế, vợ Đình Tỷ mất hết cả buồn rầu liền thân hành bưng trà lên. Đình Tỷ cầm chén trà mời anh. Nghê Đình Châu uống xong một chén trà nói:
- Này em! Bây giờ anh phải trở về công quán một lát rồi sẽ trở lại nói chuyện với em. Em cứ ở nhà đợi anh!
Đình Châu nói xong đi ra, Đình Tỷ bàn bạc với vợ:
- Chốc nữa anh lại, chúng ta phải làm một bữa ăn ra trò để mời anh. Bây giờ phải mua một con vịt, mấy cân thịt, một con cá và nhờ ông Vương làm hộ bốn đĩa đồ ăn.
Vợ nói:
-Thôi đi! Mình là người không biết gì hết! Mình tưởng một người ở nha môn quan tuần vũ đến đây mà lại nghĩ đến việc ăn thịt vịt với thịt lợn của mình à? Nhất định là ăn cơm xong rồi anh mới đến. Anh không thèm để ý gì đến bữa ăn của ta đâu. Bây giờ cứ cân lấy ba mươi sáu phân bạc đến hiệu bán kẹo mua mười sáu đĩa kẹo thật ngon và đi mua vài chai rượu “Bách hoa”, như thế là được!
- Phải đấy!
Bão bèn cân bạc rồi lấy tiền mua kẹo và rượu mang về nhà. Chiều hôm ấy, quả nhiên có một cái kiệu đến trước nhà đi đầu có hai cái đèn lồng đề chữ “Tuần vũ bộ viện”. A Tam đi theo sau. Người anh của Đình Tỷ đã đến. Đình Châu xuống kiệu nói với em:
- Này em! Anh hiện nay mới đến ở trọ không có gì, chỉ mang theo có bảy mươi lạng bạc.
Đình Châu sai A Tam lấy ở trong kiệu ra số bạc từng gói một đưa cho Đình Tỷ. Đình Châu nói:
- Em cứ cầm lấy số tiền này. Đến ngày mai anh phải về Tô Châu với cụ Cơ. Anh muốn em tìm cho anh một cái nhà, tìm càng chóng càng tốt, giá từ hai trăm đến ba trăm lạng trở lại. Sau khi vợ chồng đến ở đấy rồi em phải thu xếp hành lý đi đến nha môn ở Tô Châu. Anh sẽ nói với cụ Cơ đưa cho em tất cả số tiền lương một năm nay của anh là một ngàn lạng bạc. Em sẽ đem số tiền ấy về Nam Kinh làm vốn hoặc mua sản nghiệp để sinh sống.
Đình Tỷ nhận số tiền và giữ anh ở lại uống rượu. Trong khi uống rượu, hai người kể lại cảnh cha mẹ, anh em tan tác, nói rồi lại khóc, khóc rồi lại nói. Đến canh hai, Đình Châu mới ra về.
Hôm sau, Đình Tỷ bàn với Vương Vũ Thu gọi một người mối nhà đến để tìm một cái nhà. Từ đó về sau, người xung quanh biết rằng ông Nghê Đình Châu hiện nay làm ở nha môn quan tuần vũ đã đến tìm em, nên đều gọi Bão Đình Tỷ là ông Nghê mà không gọi là ông Bão nữa, và cũng đối đãi với Đình Tỷ một cách kính nể. Còn bà Vương thì chẳng cần phải nói. Độ nửa tháng sau, người mối nhà tìm được một cái nhà có ba phòng và sân xung quanh ở đường họ Thi cầu Hạ Phù. Đó là nhà của Thi ngự sử. Thi ngự sử vắng nhà, muốn cho thuê với giá hai trăm hai mươi lạng bạc. Sau khi đã làm giấy tờ xong, Đình Tỷ trả tiền trước hai mươi lạng và chọn ngày tốt đến ở nhà mới. Hôm ấy bà con đều đem lễ vật đến mừng. Cả Quy cũng đem đồ lễ đến tặng. Bấy giờ Quy trong lòng chỉ lo lắng làm sao nối lại mối tình xưa. Đình Tỷ mời khách khứa uống rượu hai ngày, chuộc lại một số áo quần và đồ trang sức vợ đã đem cầm. Bấy giờ bà Vương lại cảm thấy khó ở. Cứ hai ngày lại mời thầy thuốc đến một lần. Mỗi ngày tiêu mất tám đồng cân tiền thuốc. Cứ thế số tiền bảy mươi lạng bạc kia cũng dần dần tiêu tan hết.
Đình Tỷ thu thập hành lý đến Tô Châu tìm anh, nhưng vì thuyền đi ngược gió cho nên phải cắm sào ở phía bắc bờ sông. Thuyền đi một đêm đến Nghi Trưng, dừng ở bến Hoàng Nê. Gió lại càng lớn, không thể qua sông được, Đình Tỷ lên bờ uống trà và ăn điểm tâm. Bỗng nhiên gặp một người thiếu niên đầu đội mũ vuông mình mặc áo màu ngọc thạch, chân đi giày đỏ cứ nhìn Đình Tỷ từ đầu đến chân và hỏi:
- Ông có phải là chú Bão không?
Đình Tỷ kinh ngạc nói:
- Tôi là Bão. Tên ông là gì, tại sao ông lại gọi tôi bằng chú?
- Có phải ông lấy con gái ông Vương ở nha môn Hướng tri phủ ở An Khánh không?
- Đúng! Tại sao ông biết?
- Tôi lấy cháu gái gọi ông Vương bằng ông. Như thế không phải ông là chú tôi sao?
Đình Tỷ mỉm cười nói:
- Thôi mời ông vào tiệm uống trà với tôi đi!
Hai người bèn bước vào một tiệm trà bảo pha trà và đưa đến một món thịt Nghi Trưng. Đình Tỷ hỏi:
- Ông tên là gì?
- Tôi họ Quý. Chú không nhận được tôi sao? Khi tôi thi tú tài ở phủ, chú làm người đi tuần tra, cho nên tôi biết. Sau đó ông thân của chú có đến ăn cơm ở nhà tôi. Chú quên rồi sao?
- À! Thế ra ông Quý Vi Tiêu con cụ Quý Thủ Bị. Nhưng tại sao sau đấy ông lại lấy cháu nội ông Vương?
- Khi cụ Hướng đổi đi nơi khác, ông Vương không đi theo mà ở lại An Khánh. Sau đó, ông nhạc tôi làm điển lại. Những người thân sĩ ở An Khánh đều kính trọng ông nhạc tôi, cho là nhà tu nhân tích đức, vì vậy gia đình tôi hỏi con gái ông ấy cho tôi.
- Tốt lắm! Thế ông cụ ở nhà vẫn mạnh khỏe chứ?
- Thầy tôi mất đã ba năm nay.
- Ông đến đây có việc gì?
- Nhân có ông Tuân làm Diêm Vận Sứ là bạn đồng khoa với cha tôi, năm ông ta thi văn thì cha tôi thi võ cho nên tôi đến đây thăm ông ta. Còn chú thì đi đâu?
- Tôi đi Tô Châu thăm một người bà con.
- Bao giờ chú về?
- Độ hai ngày nữa.
- Khi trở về nếu chủ rảnh thì mời chú đến Dương Châu chơi. Chú cứ tìm địa chỉ của cháu trên danh sách học sinh ở cửa trường thì sẽ thấy.
- Thế nào tôi cũng đến.
Hai người chia tay. Đình Tỷ thuê thuyền đi Tô Châu, đến cửa Xương Môn vừa lên bờ thì gặp A Tam, người đầy tớ của anh mình.
Nhân phen này khiến cho:
Vinh hoa phú quý, rõ ràng một chốc thành không;
đường sá bôn ba, may mắn bỗng dưng tụ hội.
Muốn biết A Tam nói gì với Đình Tỷ hãy xem hồi sau phân giải.
Chú thích
(1) Tiếng Trung Quốc chữ “ngư” là cá và “dư” là thừa đọc giống nhau.