Số lần đọc/download: 1915 / 94
Cập nhật: 2015-11-21 06:32:31 +0700
Chương 28: Người Từ Nhà Tù Ra
Đ
ào Kinh bước những bước chân đầy tự tin từ trại tù ra.
Tới ngã ba con đường nhựa, Kinh cảm nhận như chỉ có mỗi mình Kinh đang sống thực, còn tất cả người xe nườm nượp hối hả trên đường kia họ đang mơ. Kinh nhìn lại lần cưối cùng bức tường rào thép gai cao ngất của khu trại cải tạo Đồng Mây. Nơi đây Kinh đã thừa thời gian ngồi ngẫm nghĩ lại đời mình. Nơi đây Kinh đã thấm đủ nỗi đắng cay uất ức. Vĩnh biệt nhà tù và cũng cảm ơn nhà tù đã bao bọc đời Kinh bằng bức tường rào thép cao ngất kia. Bao năm được tôi luyện và sống cách biệt với thế giới bên ngoài, Kinh khôn hơn và vỡ ra nhiều điều mà xưa nay Kinh lầm lẫn mê muội.
Kinh vừa đi vừa suy tính những kế hoạch đã nung nấu từ những ngày đói khát trong ngục tối. Ra tù Kinh phải quyết độc lập tự chủ, không để bất kỳ kẻ nào sai khiến nữa. Kinh sẵn sàng làm bất kỳ việc gì, kể cả đi hót rác đổ phân để có tiền. Cuộc đời này phải có tiền, có nhiều tiền mới mở mặt ra được. Nhà tù đã tôi luyện kinh có được đức tính kiên nhẫn. Từ giờ phút này, Kinh sẽ thực hiện biện pháp “ba không” Không nói -Không nghe- Không tin- Kinh sẽ không tin bất kỳ ai...
Con đường rải nhựa bốc hơi nóng rừng rực, những chiếc xe chở than chạy rùng rùng, bụi cuộn bay mù mịt. Kinh thản nhiên bước từng bước, coi đất trời nắng mưa bụi bặm chẳng là gì. Đời Kinh đã trải qua quá nhiều bụi bặm. Nằm trong ngục tối lâu, Đào Kinh không còn khái niệm về thời gian của trời đất. Lúc này đi giữa thành phố người xe hối hả, Kinh lại cảm nhận như chỉ có mỗi mình Kinh đang tỉnh, còn thiên hạ thì mê man cuống cuồng như những thằng điên. Làm sao mà họ lại cứ vội vàng hối hả thế kia? Kinh ngơ ngác như lạc vào nơi nào khác lạ chứ không phải cái thành phố mà Kinh đã từng từ đó vào tù. Đường ngang ngõ dọc của thành phố rộng ra, nhà cao tầng mọc lên lộng lẫy. Kinh lần về xóm Hoa Kiều, nơi Kinh còn có gian nhà của gia đình người Hoa cho Kinh trước ngày Kinh bị bắt. Ngay đến con đường vào xóm Hoa Kiều, Kinh cũng không còn nhận ra. Kinh phải đứng lại một lúc để xác định vị trí ngôi nhà thờ trên núi Đạo để căn lối vào xóm người Hoa. Đúng lối ngõ xưa đây mà ngôi nhà đã bay biến đâu mất. Trên nền cũ của ngôi nhà người Hoa đã mọc lên ngôi nhà cao ba tầng lộng lẫy sơn màu vàng rực. Trước cửa nhà là mảnh vườn trồng hoa hồng lẫn hoa dơn trắng nõn. Kinh đẩy cổng bước vào chợt sững lại bởi chú chó lừng lững như con bê đứng giữa sân gầm gừ nhìn Kinh. Nó nghĩ đích thị Kinh là thằng kẻ trộm. Một phụ nữ bế con nhỏ nhúng nhính đôi bầu vú căng đầy bước ra mở to cặp mắt sắc lẹm nhìn Kinh ngỡ ngàng. Kinh đứng ngây không nói được lời nào.
- Ông là ai?
- Tôi là Kinh đây.
- Ông đến nhà tôi có việc gì?
- Đã bảo tôi là Kinh! Đây là đất nhà tôi mà.
- Ông có điên không đấy.
Người phụ nữ một tay ôm con một tay đẩy Kinh ra cổng.
- Tôi là là Đào Kinh...Kinh ấp úng.
- Ông có là giời cũng mời ông ra khỏi nhà tôi. Gia đình tôi đã ở đây bao năm nay, đất đai nhà cửa tôi có giấy tờ nhà nước cấp hẳn hoi nhá. Ông đừng vớ vẩn.
- Chị cho tôi hỏi thăm con Măng.
- Thôi thôi, ông lầm lẫn mất rồi. Tôi không biết con Măng con Mực nào hết. Mời ông đi cho.
Kinh lại dò lần sang cụ già hàng xóm xưa để hỏi cho rõ sự tình. Kinh không ngờ cụ già cũng suy sụp nhanh vậy. Mắt cụ đã mù, tai lại điếc không còn nghe, không còn nhìn thấy gì nữa. Mọi người trong xóm không ai còn nhận ra Kinh. Kinh cuốc bộ ra cửa hàng ăn uống số Một tìm con Măng. Lại một lần nữa Kinh ngơ ngác, cửa hàng ăn uống số Một xưa cũng biến bay mất. Nơi đây đã thành khu trung tâm thương mại bán buôn sầm uất. Cả cái thành phố này không ai còn biết Kinh là ai. Kinh sà vào quán nước của một ông già bên vỉa hè hút nhờ điếu thuốc lào. Lần này có chết đói Kinh cũng không thèm nhờ vả Trần Tăng nữa. Kinh không muốn về quê trong cảnh tình khốn khó này. Biết tìm vợ chồng con Măng ở đâu? Cái con bé rõ bạc bẽo. Từ ngày Kinh vào tù, nó đi thăm Kinh có hai lần rồi lặn mất tăm. Lần đầu nó vào thăm khóc lóc, thương Kinh. Kinh đã tin, bảo nó chỗ giấu tiền và vàng để nó chạy cho Kinh được ra tù sớm. Lần sau vào thăm Kinh, nó lại bảo không tìm thấy tiền vàng đâu. Thế đấy. Chỗ giấu tiền vàng trong nhà, ngoài Kinh ra có ai biết đâu. Nó an ủi Kinh chịu khó cải tạo cho tốt để chóng được ra tù, sau này về ở với vợ chồng nó. Rõ con này còn lọc lõi hơn cả thằng bố Trần Tăng nó. Kinh hút một điếu thuốc lào, ngửa cổ nhả khói lim dim mắt nhìn lên bầu trời xanh, nhìn thiên hạ đang hối hả cuống cuồng qua lại trước mắt Kinh. Cụ già bán nước thi thoảng lại liếc trộm gương mặt dữ tợn của Kinh, một gương mặt đang âm mưu toan tính chuyện gì to lớn lắm.
- Anh không phải người vùng này đúng không? Bất chợt cụ già hỏi.
- Cụ đoán đúng đấy.
- Tôi biết ngay, nhìn anh có gì bức bách lắm.
- Cụ lại đoán đúng. Tôi đang muốn giết người mà không biết giết ai đây.
- Nhà anh lại đùa.
- Tôi không đùa- Kinh nói- Cụ cứ tưởng tượng một thằng đi tù mười năm về, nhà cửa mất hết, lại bị đuổi ra đường không chốn nương thân, có lẽ hắn phải tìm giết một ai đó để lại được vào tù hớ hớ.
Cụ già cười hở cả cái miệng rộng không còn chiếc răng nào. Cụ nhìn Kinh vồn vã rót cốc nước chè ủ trong giành còn bốc hơi nóng đưa cho Kinh.
- Mời anh xơi nước, trông nhà anh có tướng giết người đấy. Tôi bảo cho mà biết nhá, giết người chẳng khó chi. Cái khó là giết ai? Ai là kẻ đáng phải giết?
- Tôi cảm ơn và bái phục cụ. Cụ qủa là người chí tình. Tôi đang băn khoăn lẫn lộn, chẳng còn biết ai là người thân, ai là kẻ thù. Tôi chào cụ tôi đi.
Kinh lang thang ra bến tầu thuỷ, hi vọng gặp người quen. Kinh ngạc nhiên nhìn bảng thông báo tầu chạy ra biên giới xuất phát mười giờ đêm nay, ai cũng có thể mua được vé dễ dàng. Nằm trong tù Kinh đâu biết tuyến giao thông Miền Đông từ lâu người dân đã được đi lại bình thường. Kinh mừng quá mua ngay một vé, hy vọng ra được biên giới tìm gặp lại nàng Mai. Những năm đói khổ trong tù Kinh luôn mơ tưởng tới những tháng ngày hạnh phúc bên người đàn bà Trung Quốc. Ra được biên giới Kinh sẽ về lại ngôi nhà của gia đình nàng Mai ở gần bến sông. Chắc bây giờ thằng Thụân con trai nàng Mai đi bộ đội đã được về rồi. Gặp lại Kinh chắc nó mừng lắm. Kinh sẽ lại cùng nó làm ăn buôn bán như xưa. Chiếc thuyền của nàng Mai để lại, trước ngày vào tù, Kinh đã kịp sửa chữa giao cho thằng Tráng, cậu con trai ở xóm Hoa Kiều đưa sang Hải Phòng để tránh công an thu giữ làm tang vật trong vụ Kinh tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài. Bây giờ thì không biết thằng Tráng phiêu bạt nơi đâu. Khổ thân cái thằng, đùng một cái mất cả cha lẫn mẹ, chẳng còn biết mình là ai. Liệu cậu ta còn giữ được chiếc thuyền ấy đến bây giờ?
Phấn khởi mua được chiếc vé tầu, Kinh vào quán cơm gọi đủ các món ăn thoả thích, bõ những ngày đói khổ trong tù. Mãi mười giờ đêm tầu mới chạy, Kinh vào nhà chờ, nằm ra ghế đánh một giấc rõ say. Khi tỉnh dậy Kinh đã thấy người chờ tầu ngồi chật kín xung quanh. Kinh nhận ra ai cũng lấm lét nhìn mình ái ngại. Họ tưởng Kinh là dân bụi nên để yên cho ngủ. Kinh ái ngại ngồi dậy, một bé gái nhẩy tót vào cạnh Kinh.
- Bác nằm mãi rồi, giờ đến lượt cháu. Bé gái nói.
- Thuỳ, con đừng hỗn. Lại đây ngồi với mẹ. Người phụ nữ mắng con, mắt nhìn Kinh thăm dò.
- Cứ để cháu nằm đây. Xin lỗi, tôi mệt quá nằm chiếm hết chỗ của mọi người. Kinh cười thân thiện, nhích ra một bên nhường chỗ cho cô bé.
- Cháu chỉ nằm chơi thôi mà bác. Mẹ cháu bảo khi nào xuống tầu ngủ ngon hơn.
- Mẹ cháu nói đúng đấy. Mười giờ đêm tầu chạy, ngủ một giấc đến sáng là tới bến.
- Bác thông thạo đường này nhỉ- Người phụ nữ vắn véo làm thân, bác đi tầu mà chả có đồ đạc gì, lát nữa nhờ bác mang xuống tầu giúp em mấy thứ nhé. Em về quê ngoại các cụ cho cứu đói mấy chục cân gạo.
- Cô về xã nào ngoài đó?
- Em về Thanh Xuân.
- Tôi cũng về Thanh Xuân đây.
- Thế thì may quá. Bác giúp Em.
Đến giờ nhà tầu đón khách, Kinh vác giúp hai mẹ con người phụ nữ bao gạo xuống tầu trước. Kinh nhận cho hai mẹ con chị phụ nữ chỗ ngồi cạnh cửa sổ cho thoáng mát. Kinh không ngờ bây giờ người ta lại đổ ra biên giới đông vậy. Các hàng ghế người ngồi chen chúc không thừa nghế nào. Kinh bảo chị phụ nữ ngồi nhận chỗ để Kinh chen xuống quầy căng tin hút liền hai điếu thuốc lào thấy người khoan khoái. Kinh mua bốn chiếc bánh mỳ dúi cho chị phụ nữ và bé gái mỗi người một chiếc.
- Bánh ngon lắm, hai mẹ con ăn cho nóng. Đi tầu cứ phải ăn no.
Bé gái nhìn Kinh cười thân thiện. Chị phụ nữ e ngại nhận chiếc bánh từ tay Kinh cảm động.
- Cảm ơn anh. Không có anh giúp đỡ mẹ con tôi không biết xoay xở thế nào.
Con tầu rùng rùng nổ máy tu lên hồi còi dài rời bến. Kinh nhìn qua ô cửa khoang tầu, những ngọn đèn trên phố lung linh mờ dần. Con tầu lao vào màn đêm mênh mông. Sóng ràn rạt mạn tầu, từng đốm lân tinh sáng lấp lánh bắn tung toé lên khỏi mặt nước đen sẫm. Từ lâu lắm Kinh mới có được cảm giác ấm lòng như lúc này. Qua bao thăng trầm cuộc đời, mỗi lần kinh trắng tay thì lại găp được sự đồng cảm của đàn bà. Các cụ xưa đã nói, “đen bạc đỏ tình” Có lẽ tại cái mặt Kinh chỉ khi nào hết tiền đói rách thì trông mới hiền đi làm đàn bà mủi lòng. Ngày còn khốn khó đi làm thuê cho gia tộc Hoàng Kỳ Bắc, Kinh đã được nàng Cam yêu mến. Kinh yêu nàng Cam đến ngẩn ngơ mụ mẫm cả người, nàng bảo sao Kinh cũng nghe. Chỉ từ khi Trần Tăng khoác cho cái áo cốt cán, Kinh vênh vang được ít ngày thì nàng Cam lại phản bội Kinh. Kinh Bắt quả tang Trần tăng ngủ với nàng Cam mà Kinh vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Khi thất thế trơ trọi một mình, nghe trẻ con đặt vè mỉa mai khinh rẻ thì Kinh lại được nàng Mai thuyền chuối cưu mang. Khi cuộc đời có chút hương vị, nàng Mai lại bỏ Kinh mà đi để Kinh bơ vơ một mình. Và ngay lúc này, sau khi đã ngồi tù mười năm, Kinh lại đang được người đàn bà ngồi cạnh nhìn bằng ánh mắt thân thiện. Cô bé gái đã ngủ trong lòng Kinh vô tư.
- Anh ở xóm mấy Thanh Xuân?
- Tôi ở xóm hai.
- Anh nghĩ gì mà căng thẳng thế?
- Chẳng có chuyện gì.
- Thế mà tôi ngỡ anh đang gặp chuyện khó khăn. Trong đời ít nhiều ai cũng có lần gặp khó khăn- Người phụ nữ nói- Điều quan trọng người đó có vượt qua được không. Mỗi lần vượt qua mình lại có thêm kinh nghiệm sống.
- Chị nói đúng quá, chắc chị cũng đã gặp khó khăn nhiều.
- Lần khó khăn nhất trong đời tôi bị chồng mang đi đứa con ba tuổi về bên kia. Và tôi đã phải đi bước nữa với người đàn ông khác. Anh ấy cũng bị chị vợ chạy về bên ấy bỏ lại đứa con còn bé tẹo cho anh ấy nuôi. Con bé thật đáng yêu. Nó đang nằm trong lòng anh đấy. Con bé coi tôi như mẹ đẻ của nó vậy. Đàn ông các anh thân một mình sống dễ, đàn bà chúng em khó khăn lắm.
- Chị nói thế cũng chưa đúng, đàn ông không có bàn tay đàn bà cũng chẳng súng sướng gì.
- Quá nửa đêm, Kinh thiếp đi ở trạng thái nửa mê nửa tỉnh cạnh người phụ nữ mới quen. Lòng Kinh dịu lại ấm áp lạ lùng. Trong mơ, Kinh lẫn lộn nàng Mai chính là người phụ nữ này. Chợt có bàn tay êm ái nắm cổ tay kinh lay nhẹ, tỉnh dậy Kinh thấy con tầu đang từ từ vào bến. Nắng buổi sớm chiếu qua ô cửa khoang tầu hắt lên khuôn mặt người phụ nữ hồng rực. Lúc này Kinh mới nhận ra vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ ngồi cạnh Kinh suốt đêm qua. Kinh lay gọi cô bé còn đang ngủ say trong lòng Kinh dậy.
- Cả đêm qua chị không ngủ sao?
- Tôi có thói quen mỗi lần đi tầu khó ngủ lắm- Chị nói- đưa tay đỡ đứa trẻ ngồi dậy.
Con tầu đã cập bến, mọi người rục rịch thu xếp đồ đạc xuốg tầu. Kinh vác bao gạo trên vai giúp chị phụ nữ. Chiếc xe khách đã đón sẵn trên bến, Kinh nhẩy lên xe nhận chỗ cho chị phụ nữ. Đường từ bến tầu về Thanh Xuân còn mười tám cây số nữa, những ai về thị trấn đều phải lên chiếc xe này. Sự ân cần của Kinh làm chị phụ nữ cảm động. Chiếc xe khách về tới thị trấn, chị phụ nữ nói:
- Cảm ơn anh đã gíup mẹ con tôi, chỉ còn vài cây số nữa, mời anh về nhà tôi chơi.
- Bác về nhà cháu, mẹ cháu luộc khoai mời bác ăn. Bé gái nũng nịu cầm tay Kinh, miệng cười rõ tươi.
Câu nói thật thà ngô nghê của bé gái, Kinh không nỡ từ chối. Kinh lại vác bao gạo lên vai cùng hai mẹ con chị phụ nữ đi dọc bờ sông xuôi về Thanh Xuân. Qua cơn biến động của cuộc chiến tranh biên giới, thị trấn đã bị san bằng địa. Dân tình đi sơ tán giờ đã trở về đất cũ đang hối hả xây dựng lại nhà cửa theo quy hoạch đô thị mới. Con đường chạy dọc bờ sông được mở rộng như đường thành phố. Những ngôi nhà cao tầng đang xây còn ngổn ngang gạch cát. Tới cửa nhà chị phụ nữ, Kinh đặt bao gạo xuống quan sát xung quanh mới nhận ra nơi này cũng chỉ cách nhà nàng Mai chừng vài ba trăm mét. Người phụ nữ mở cửa mời Kinh vào nhà.
- Tiếng quen chị từ hôm qua, vẫn chưa biết tên chị.
- Xin lỗi, tôi cũng đoảng quá chưa hỏi cả tên anh.
- Tôi tên là Kinh.
- Còn tôi là Duyên, cháu gái đây tên là Thuỳ. Bố cháu giờ này ra chợ Cá rồi. Tôi đi luộc khoai anh ăn nhé.
- Tôi phải đi, cám ơn chị. Giờ thì tôi chẳng cần giấu chị làm gì, tôi là thằng ở tù mười năm vừa được ra thì gặp chị.
Chị Duyên ngỡ ngàng nhìn Kinh.
- Hoá ra anh cũng đã qua những năm tháng khó khăn. Mười năm ở tù chẳng dễ dàng gì. Tại sao từ tối qua anh không dám nói điêù này.
- Chị mà biết tôi là thằng ở tù ra, liệu chị có dám chịu để tôi giúp không?
Chị Duyên cười gượng, con thuỳ ôm chân Kinh, hỏi:
- Bác Kinh ơi, đi tù có vui không bác?
Kinh cười trước câu hỏi ngu ngơ của đứa trẻ.
- Đi tù là phạm tội cháu hiểu chưa. Lớn lên cháu sẽ biết.
- Vậy bác đã phạm tội gì?
- Thuỳ, con không được hỗn nào.
- Trẻ con mà chị. Cứ để cháu nó tự nhiên. Bác mắc tội đã giúp nhứng người trốn đi nước ngoài cháu ạ.
- Mẹ đẻ cháu cũng trốn đi nước ngoài đấy bác ạ.
- Cháu học cho giỏi, thế nào cũng có ngày mẹ đẻ cháu được về thăm cháu. Thôi bác đi đây, chào hai mẹ con.
Kinh bước ra ngõ còn quay lại vẫy tay chào hai mẹ con chị Duyên. Qua một ngày tự do đầu tiên sau mười năm ngồi tù, Kinh thấp thỏm tìm về ngôi nhà của gia đình nàng Mai xưa. Vừa bước vào ngõ, Kinh đã nhìn thấy người đàn ông gầy guộc, mắt hom hem ngồi bó những cành thanh hao khô làm chổi. Thấy Kinh, người đàn ông hấp háy đôi mắt đầy gỉ vàng khè đùn ra hai bên sống mũi sần sùi. Mấy con gà con đói ăn dạn dĩ nhào vào đống thanh hao tìm mổ những con nhện con dán rúc trong đống thanh hao khô.
- Chào anh, Kinh nói, tôi là người quen cậu Thuận nhà ta. Cậu Thuận đi bộ đội đã về chưa hả anh?
- Về rồi, đang ở trong nhà đấy.
Kinh bước vào trong nhà, cả ba gian nhà vắng lạnh hôi mốc. Trong góc nhà có mỗi chiếc giường ọp ẹp trống trơn được trải chiếc chiếu rách trơ cả giát. Kinh rờn rợn nhìn lên ban thờ nhận ra bức ảnh ông nội thằng Thuận đang nhìn Kinh chằm chặp với ánh mắt căm hờn. Chẳng nhìn thấy thằng Thuận đâu, Kinh giật mình linh cảm có điều gì gờn gợn chạy ra sân.
- Cháu Thuận không thấy có trong nhà anh ạ?
- Anh không nhìn thấy nó sao, Nó đang ngự trên ban thờ với ông nội nó đấy thôi. Người đàn ông lạnh lùng nói, nó đã chết rồi mà anh không biết sao? Nó chết mà chưa kịp chụp ảnh để thờ nên anh không biết là phải. Từ ngày nó chết lúc nào nó cũng ở nhà với tôi không còn phải đi đâu hết. Nó rất yêu ông nội nó nên anh chả rủ được nó đi nữa đâu. Mẹ nó đã bỏ chúng tôi đi mất tăm mất tích rồi. Quân khốn kiếp, chúng tràn sang giết chết tươi thằng bé đang đóng quân trên đồn Pò Hèn. Nó giết thăng bé còn đang trong giấc ngủ say. Bây giờ thì nó không phải đi đâu nữa. Anh ở huyện đội đến phải không? Anh còn định rủ rê nó đi nữa sao?
Người đàn ông nói lảm nhảm mãi làm Kinh sợ hãi. Đúng anh ta đã bị điên. Không hiểu anh ta bị điên vì mất con hay vì ở tù lâu ngày qúa nên quẫn trí.
Kinh lang thang ra bến sông. Gió lộng lên từng đợt sóng lăn tăn, dòng sông vẫn lặng lẽ trôi như ngày nào. Hai bên bờ Thanh Xuân và Tầm Dương tầu thuyền đỗ san sát. Mùi tanh nồng từ những khoang thuyền vừa từ biển vào chất đầy cá cua tôm mực. Người mua kẻ bán nhốn nháo tranh giành nhau mối hàng. Kinh bước xuống bến ngó ngiêng, biết đâu trong số tầu thuyền lớn nhỏ kia lại có cả con thuyền của nàng Mai xưa. Con thuyền ấy đã làm thay đổi cuộc đời Kinh từ thằng nông dân chân làng Đoài trở thành thằng phản quốc phải đi tù mười năm liền. Trước khi vào tù Kinh đã kịp nhắn lại cho bà Cháo khi nào thuyền về bến phải bảo thằng Tráng đưa thuyền sang Hải phòng trốn, đừng để công an bắt. Kinh đi dọc bến, chẳng nhận ra con thuyền nào của nàng Mai xưa. Từ ngày vào tù, Kinh không nhận được tin tức của thằng Tráng, chẳng biết nó có còn giữ nổi con thuyền của nàng Mai? Mặt trời đã lên cao, một vài chiếc thuyền đã bán xong hàng nổ máy rời bến. Một chiếc tầu cá từ hướng khơi về muộn đang lừ lừ lao vào bến. Mấy mẹ buôn cá chầu chực trên bến nhao nhao xuống tầu tranh nhau từng lồ cá. Có tiếng la ó rít lên giận dữ của người đàn bà buôn cá. Bà ta ngoa ngoắt chửi tất cả đứa nào con nào mua tranh mua cướp hết phần bà. Bà giậm chân bành bạch mắt trợn lên như muốn đâm thủng con tầu này cho chìm xuống sông, cho chết hết cả lũ người làm ăn buôn bán không biết điều nhường nhịn bà.
- Cha tiên sư bố chúng mày, bà ta gào lên, bà đã chờ ở bến suốt từ sáng, giờ về tay không thì húp nước đái mà sống được sao.
Từ giọng nói đến hình dáng của bà ta, Kinh nhận ra đúng bà Cháo, mẹ của cái Muôi cái Muỗng cái Thìa làng Đoài. Từ trên bờ, Kinh phi như bay xuống tầu. Tất cả người nhà tầu và những người buôn cá ngỡ ngàng nhìn Kinh. Nhanh như chớp, Kinh tóm chiếc đinh ba của nhà tầu dùng để xiên cá giơ lên khua khoắng như một vị anh hùng hảo hán.
- Tất cả các người hãy nghe đây, Kinh tuyên bố, bà này là chị gái của ta, từ nay các người hãy nhớ mà cư xử tử tế, kẻ nào muốn mang được hàng lên khỏi đây hãy bước qua xác thằng này.
- Ôi chú Kinh, chú đã về rồi hả? Nhận ra Kinh, Bà Cháo reo lên sung sướng. Mọi người ơi, đây là chú em tôi vừa ở tù ra đấy. Bà Cháo tự hào như thể Đào Kinh đi tù về là một chiến tích oai hùng.
- Cùng cảnh áo ngắn đi làm ăn với nhau sao các người cư xử bất công vậy. Mặt kinh hằm hằm quát: Tất cả hãy nghe đây, ai muốn làm ăn yên ổn lâu dài ở bến này, từ nay phải sống với nhau cho tử tế.
Lời tuyên bố hùng hồn của Kinh qủa nhiên có tác dụng, nhà tầu cử một người đứng ra dàn xếp san sẻ chia đều hàng cho bà Cháo. Viên thuyền trưởng còn mời Kinh vào ca-bin uống nước.
- Cám ơn đại ca đã xử êm cho vụ này. Đối với những kẻ không biết điều cứ phải “rắn” như đại ca mới trị nổi.
Nghe giọng nói nặng, ồm ồm của viên thuyền trưởng, biết rõ là dân vùng biển quen ăn sóng nói gió, Kinh thể hiện tính hảo hán bắt tay thuyền trưởng.
- Tôi xử vậy cũng là lẽ công bằng.
- Anh em đâu, dọn cơm rượu mời đại ca. Chúng ta cạn ly mừng ngày đại ca tự do, mừng cuộc hội ngộ tình cờ này.
Kinh uống say, trong cơn hưng phấn Kinh ngoắc tay viên thuyền trưởng tầu cá.
- Còn sống ở đây, Thằng Đào Kinh này hứa sẽ đảm bảo sự bình an tuyệt đối cho người anh em trên con tầu này. Các anh em có việc gì cần, cứ cho gọi Đào Kinh này sẵn sàng sống chết vì nhau.
Ăn uống no say, Kinh ngủ một giấc trong phòng thuyền trưởng. Có tiếng con gái cười rinh rích, Kinh tỉnh dậy ngỡ ngàng nhận ra cả ba cô con gái nhà bà Cháo, cái Muôi, cái Muỗng cái Thìa đứng sững trước mặt Kinh.
- Mẹ cháu bảo chúng cháu xuống đây rước chú về. Cả ba cô con gái bà Cháo mừng ríu rít đón chào Kinh. Kinh nghe ba đứa con gái bà Cháo nói mà mát cả gan ruột, quên khuấy cả chuyện chúng đã đổi tên là cái Mây cái Mẫn cái Thuần từ lâu. Kinh vênh vang với viên thuyền trưởng.
- Anh nhìn ba cô cháu tôi hồi này xinh gái lại còn trẻ hơn cả ngày xưa đấy.
- Chú giới thiệu chúng cháu với các anh nhà tầu đi. Mây rỉ tai chú Kinh nói nhỏ. Thời buổi này làm ăn phải nhanh nhạy, chú giới thiệu chúng cháu với các anh nhà tầu đi.
Kinh cười hơ hớ, giới thiệu ba cô cháu với nhà tầu.
- Tôi xin giới thiệu với các chàng trai thuỷ thủ, tôi có ba cô cháu gái, cô nào cũng xinh đẹp. Cô cả đây tên là Lại thị Mây, còn cô thứ hai tên là Lại thị Mẫn, cô thứ ba tên là Lại thị Thuần, cả ba cô xin được hân hạnh làm quen với các chàng trai nhà tầu. Hẹn lần sau gặp lại. Bốn chú cháu tôi xin chào những người anh em tốt bụng. Giờ chú cháu tôi phải về.
- Chúng em chào các anh nhà tầu, Mây nói, Khi nào rỗi mời các anh lên nhà chơi. Chúng em ở khu chợ Mới đầu cầu.
Viên thuyền trưởng tiễn bốn chú cháu Kinh lên bến, hẹn lần sau gặp lại. Lên tới đường phố, cả ba cô cháu quây lấy Kinh ríu rít.
- Nghe mẹ cháu kể về chú xử vụ sáng nay, chúng cháu cười đứt ruột, Mây nói, Không ngờ chú Kinh hồi này lại đầu mấu vậy.
- Thời thế nó thế, mình phải thế, Kinh nói, gặp mẹ các cháu trong tình cảnh sáng nay chú chưa kịp hỏi han chuyện gì. Chúng mày biết vợ chồng con Măng giờ ở đâu không?
- Chạy theo bố Tăng nó về Hà Nội rồi. Con Mây nói, giờ chú nhắc đến nó làm gì. Chú bây giờ cứ về ở với chúng cháu.
- Mẹ con chúng mày ra đây từ khi nào?
- Chú cứ về chỗ chúng cháu sẽ biết. Chuyện dài lắm. Bây giờ gặp được chú ở đây là mừng rồi.
- Đã đứa nào biết tin tức của chồng con bên kia chưa?
- Chúng nó về bên ấy lấy vợ hết cả rồi chú ạ.
- Chúng lấy vợ bên ấy cũng là phải thôi. Cô Mai của chú chắc cũng đã lấy chồng, Kinh buồn bã nói.
- Chúng cháu nghe nói cô Mai lấy ông chồng bên ấy già lắm, nhưng lại giàu có, Mây nói, sau ngày chú vào tù, mẹ con chúng cháu điêu đứng, ngôi nhà của chú bị họ niêm phong mẹ con chúng cháu lại phải lang thang ra đường. Con Măng bảo chính quyền họ tịch thu ngôi nhà ấy vì chú đã làm ăn phi pháp. Nhưng cháu lại nghe người ta bảo vợ chồng con Măng đã bán ngôi nhà ấy tếch về Hà Nội ở rồi. Mẹ con cháu phải sống lang thang không nhà cửa mấy năm liền. Thú thực với chú, chúng cháu phải đi làm điếm để sống qua ngày.
- Mọi chuyện cũ thôi không nói nữa, Kinh nắm chặt cổ tay cái Mây, chú cháu ta sẽ làm lại từ đầu.
Ba cô cháu gái dẫn Kinh về dãy nhà dựng tạm trong khu chợ Mới bên cầu Kiều Long. Khu nhà lợp mái tôn lụp sụp, xung quanh chỗ quây bằng cót ép, chỗ ghép bằng gỗ hòm mìn, chỗ lại bưng bằng phên tre chắp vá loang lổ. Dãy nhà được ngăn thành nhiều ô nhỏ cho các hộ kinh doanh thuê. Trong mỗi ô các chủ tận dụng tối đa mọi phương thức kinh doanh kiếm lời. Người vừa làm nhà ở, vừa mở quầy bán vải, quần áo Trung Quốc đủ loại; Có người lại làm dịch vụ căt tóc gội đầu, sơn sửa móng tay, kinh doanh karaoke và chứa cả gái mại dâm. Các cuộc hẹn hò bán mua tình ái diễn ra thâu đêm suốt sáng. Kinh có cảm giác trong mỗi ô kia là một cảnh đời, một số phận đầy bí ẩn. Ba chị em Mây thuê hai ô liền nhau phía ngoài sát bờ sông. Hai ô được ngăn riêng làm bốn ngăn nhỏ như ngăn chuồng ngựa để làm phòng chứa gái. Mỗi ngăn đặt chiếc đệm xuống nền đất ẩm thấp nhưng có đầy đủ gối ga chăn màn tiện cho việc sinh hoạt của khách làng chơi. Trong các ngăn lúc nào cũng sực nức mùi nước hoa rẻ tiền. Từ ngày mở khẩu, khách bình dân từ Trung Quốc sang làm ăn đông như đi hội. Họ đi về trong ngày nên nháo nhào lao vào các ổ điếm bình dân vừa tiện vừa rẻ, hàng lại chất lượng hơn cả những nơi sang trọng. Thi thoảng mấy chị em Mây cũng vớ được một vài ông khách sộp đi tìm lạc thú ngu ngơ lạc vào khu chợ.
- Chú cứ ở đây với chúng cháu. Mây nói, và dẫn Kinh vào một trong bốn ngăn“chuồng ngựa” Ngăn này hiện giờ chưa có khách, cháu mới tống khứ một con bé về quê vĩnh viễn bởi nó là con ngựa bất kham không thuần được. Chú ở đây rồi sẽ khối việc để chú làm. Đời sống hiện đại chẳng cần nấu nướng gì sất, đến bữa đi ăn cơm bụi. Còn đi vệ sinh tắm rửa, chú ra sau nhà tha hồ tự do, cháu đã quây kín xung quanh bằng cót ép chẳng ai nhìn thấy của chú, hớ hớ chỉ giời và đất thấy thì chẳng sao. Nước sông chúng cháu gánh lên chú dùng thoải mái. Đêm khuya, chú có thể ra sông tắm tiên được. Lúc nào có nhu cầu giải trí, chú sang ngó ba ngăn bên cạnh, ưng đứa nào cho chú dùng miễn phí, của nhà nuôi được. Mách trước cho chú, con Lan ở ngăn số một trắng nõn nà, gái Tuyên Quang vùng chiến khu cách mạng sịn đấy. Ngăn số hai là con Như, dáng đẹp người mẫu thời trang ở thành phố Hoa Phượng Đỏ trôi ra đây, con bé biết ăn chơi sành điệu chiều khách hết mình. Còn ngăn số ba là con Thơm, thuộc loại chân quê, chắc như cơm nắm, bướm đỏ hồng như cua gạch, mới từ đồng chiêm trũng Hà Nam ra được vài tuần, móng tay còn hơi bùn đất. Tất cả chúng nó cháu đảm bảo hơn hẳn nàng Mai người tình Trung Hoa của chú, hơn hẳn cô Cam làng Đoài nhà mình. Bao năm nay chúng cháu bôn ba với đời, hiểu hết gan ruột đàn ông các chú, chẳng ông nào là không thích gái đẹp. Chúng cháu bây giờ thuộc diện gái già hoa héo chẳng thằng nào nó thèm ngó nghiêng nữa. Cũng giống như cầu thủ bóng đá í, hết thời phải biết chuyển sang làm nghề huấn luyện viên dạy dỗ đào tạo lớp trẻ, giúp đỡ đàn em kiếm miếng cơm. Khổ thân chúng nó, ở nhà cấy cày quần quật quanh năm vẫn đói rách.
Mây ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế quay, vừa nói vừa tỉa lông mày, đích thị là mụ Tú Bà mắt xanh mỏ đỏ. Mây mặc áo mỏng tang hở nách trễ cổ, lộ rõ đôi vú nhúng nhính. Chiếc vắy ngắn cũn mầu hồng của Mây để lộ những đường gân xanh nhằng nhịt trên làn da mai mái của căp đùi nhăn nhão. Kinh ngỡ ngàng trước sự cay độc đến lạnh lùng và tàn nhẫn của con Mây. Con Mẫn vừa ra ngoài một chốc đã dẫn về bốn người đàn ông Trung Quốc. Trong số bốn người có một lão già trông hom hem và một người to cao đầu trọc lốc mặt bè bè sống mũi tẹt mắt lại xếch, trông dị tướng. Con Thuần lầm lỳ ít nói nằm thưỡn trong nhà, khi có khách nó nhanh nhẹn ra pha nước mời khách rõ khéo. Con Thuần khẽ “ới” một tiếng, từ ba ngăn “chuồng ngựa” ba cô gái ăn vận giống diễn viên múa bước ra, miệng cười e ấp làm duyên vây quanh bốn người khách. Cứ như thể trời xếp đặt đâu vào đấy. Loáng cái, ba cô gái đã dắt ba người đàn ông Trung Quốc về ba ngăn riêng biệt của mình. Còn lại một lão già ngồi trơ ra, con Mẫn bảo ông ta chờ để nó gọi hàng từ nơi khác đến. Lão già xua tay không cần. Mắt lão nhìn chằm chặp vào Mây đang ngồi vắt vẻo trên ghế. Lão ta nói mấy câu bằng tiếng Hoa. Con Mẫn cười hơ hớ.
- Chị Mây kìa, lão ta thích chịđấy, lão bảo sức lão yếu rồi, chẳng còn làm nên trò trống gì nữa. Lão theo bọn trẻ vào đây vớt vát cho vui tuổi già. Lão chỉ cần người có tình cảm như chị Mây, biết chiều chuộng lão cho giãn nở gân cốt thôi.
Hết phòng, con Mẫn vén tấm màn gió bảo lão ta chui vào chính cái ngăn chung của ba chị em. Mây úp sấp chiếc gương xuống bàn mỉa mai:
- Hoá ra vẫn còn kẻ thích dùng đồ cổ, Chú cứ ngồi đây trông nhà để cháu cho lão già Trung Quốc này ra bã một trận.
Mây chui vào phía sau tấm màn gió, Kinh ngồi lặng nghe trong mơ hồ tiếng rên xiết, tiếng cười rúc rích rung lên từng cơn. Tiếng rên đập vào các vách ngăn mỏng manh với những thân phận con người cũng mỏng manh trong những gian nhà chia ngăn của chị em cái Mây.
- Chú ở đây vài bữa là quen ngay mà. Con Mẫn tưng tửng- Mấy năm chú ngồi tù phí phạm bao sức lực. Giờ chú phải chịu khó ăn uống bồi dưỡng lấy lại sức sống để trả thù cho những ngày “chết” trong tù.
- Con bé này cũng thạo đời gớm nhỉ.
- Cháu nói không đúng sao, thời buổi này mọi thứ đều đảo ngược. Mình sống hiền lành tử tế lại bị người đời bắt nạt xem thường. Kẻ sống bất chấp liều mình lại được nể trọng. Về đất này mà không liều như chú sáng nay thì bị nó vặt cổ sớm. Chú trông ba đứa con gái cháu dắt về đây thì thấy, con bé Tuyên Quang hồi mới ra, ngô nghê như nghé, giờ đã thạo đủ các ngón nghề. Thi thoảng cũng gặp đứa rất khó thuần dưỡng, nhưng khi nó đã chịu khuất phục, lại thu lợi nhiều hơn cả. Kinh nghiệm cho thấy, những đứa khó thuần đều là đứa “chất lượng cao” Khách Tầu nhiều thằng tinh lắm, chả ăn tạp như khách nội địa mình đâu. Bọn nó thích gái quê hơn loại bóng bẩy õng ẹo phố phường. Khoản đi sưu tầm gái quê, con Thuần nhà cháu giỏi hơn chúng cháu nhiều. Mấy thằng Tầu xì vừa rồi là do con Thuần nó chài được bảo cháu dắt về đấy. Đất này câu được các chú “Khách” là lời nhất. Nhân dân tệ có giá hơn Việt Nam đồng chú hiểu không.
Con Mẫn thao thao đủ chuyện làm ăn. Bên kia tấm cót ngăn số một có tiếng khóc tấm tức. Con Mẫn chửi:
- Mẹ cái thằng đầu trọc dê cụ, nó lại lên cơn nghiến ngấu con Lan Tuyên Quang đấy mà.
Có tiếng xô cửa, con Lan trần như nhộng mặt mày hoảng loạn ôm quần áo chạy vụt ra lối bờ sông. Thằng đầu trọc cũng trần trụi lồng lên đuổi theo con Lan giữa thanh thiên bạch nhật. Kinh lao ra tóm cổ thằng đầu trọc lôi vào nhà đấm vào mặt nó một cái, nó hộc lên nồng nặc mùi rượu nằm quay lơ ra giữa nhà. Cái của nợ của nó vẫn cương lên bần bật. Con Mẫn chửi toáng lên:
- Thằng khốn kiếp, nó lại uống thuốc kích dục quá liều rồi, đến bò cũng khômg chịu nổi cơn cuồng dâm của nó.
- Chị Mẫn chị Mong ơi, em chết mất.
Con Lan khóc gào từ bờ sông chạy về. Một vệt máu đỏ thẫm vương trên lối mòn theo dấu chân con Lan vào nhà tắm. Cả xóm chợ quây quanh gian nhà ba chị em Mây. Mắt vằn đỏ những tia máu, Kinh phanh áo tóm con dao sáng loáng cài trên vách cót ngăn vung lên:
- Các người muốn gì? Sướng lắm hay sao mà nhòm. Ai thích xem vào đây cho xem.
Mọi người xô nhau chạy tán loạn. Khu chợ Mới qua cơn náo loạn. Từng ô ngăn, từng quầy hàng trở lại sinh hoạt bình thường. Kẻ bán người mua lại hối hả. Đào Kinh nửa nằm nửa ngồi ngất ngư trên chiếc ghế bạt nhìn ra cửa ngẫm nghĩ sự đời. Mỗi môt giờ, mỗi một ngày qua đi, trong mỗi ô quầy dựng tạm kia, lại có thêm những bí mật của một kiếp người. Kinh đang dâng trào cảm xúc thì một người đàn ông dắt hai đứa trẻ đứng sững trước cửa nhìn Kinh chằm chặp.
- Thằng Sáng hả? Đúng thằng Sáng rồi! Chúng mày ơi, Sáng nó dẫn con nó về đây này.
Cả ba chị em Mây chạy nhào ra cửa. Mây khóc nức nở ôm cả hai đứa trẻ vào lòng.
- Ôi thằng Trong thằng Trung của mẹ. Dì Mẫn dì Thuần ơi, hai cháu dì đã về đây này. Anh Sáng ơi, sao mãi bây giờ anh mới về?
- Mấy tháng nay anh thường xuyên dắt các con đi tìm em khắp mọi nơi, Sáng Thanh minh.
Mẫn, Thuần sững sờ xúc động nhìn cảnh anh rể trở về.
- Anh về bên ấy có gặp chồng con em không? Thuần hỏi.
- Hai dì ơi, anh có về bên ấy đâu. Ngày ấy anh sợ chị phải đi lại nhiều lộ tung tích của anh và các cháu nên anh đành phải nói dối là về bên kia. Sự thực anh đưa hai cháu trốn biệt vào rừng làm ăn sinh sống tới ngày nay. Giờ anh đã thành dân bản rồi, có nhà có rẫy trồng cấy chăn nuôi gà lợn chẳng thiếu thứ gì. Bao năm nay anh và các cháu chỉ nhớ bà, nhớ chị và các dì thôi.
- Gặp được nhau thế này là tuyệt vời rồi. Đào Kinh nói, cái Thuần đi ra bến tìm mẹ mày về, hôm nay ta sẽ làm bữa cơm liên hoan. Mẹ kiếp sóng gió mãi cũng có ngày yên bình. Biết đâu thằng chồng cái Mẫn cái Thuần nay mai cũng mò về.
- Không có chuyện ấy đâu chú ơi, Mẫn nói, chồng cháu và chồng cái Thuần về bên kia dứt khoát đã lấy vợ khác rồi, làm sao mà giữ được như anh Sáng.
- Bây giờ dì đã có hai thằng cháu cưng của dì đã về, đứa nào tình nguyện ở với dì nào? Mẫn ôm thằng Trong thằng Trung vào lòng, Dì không ngờ các cháu đã lớn bằng ngần này...
***
Kinh mê đi trong vòng tay nàng Mai, người đàn bà Tầu có thân hình tròn lẳn, đôi mắt một mí, hàng mi dày cong vút. Sau cuộc loạn ly, nàng đã bỏ đi, đến nay đã mười ba năm. Sau mười ba năm, nàng Mai không gìa mà lại đẹp ra, nước da thắm hồng, dáng vẻ sang trọng quí phái hơn. Kinh không còn tin nàng lại chính là người đàn bà thuyền chuối năm xưa đã đưa Kinh thoát khỏi cuộc sống tăm tối ở làng Đoài. Kinh xúc động trút hết nỗi lòng với nàng Mai:
- Em có biết em bỏ anh mà đi, đời anh đã lang thang khắp nơi tìm em quên ăn quên ngủ. Không có em đời anh chịu bao cay đắng.
- Em đâu muốn thế.
- Nghe nói em đã lấy chồng bên ấy giàu có lắm phải không?
- Đúng thế.
- Em ở bên ấy có hạnh phúc không?
- Em cũng không biết mình có hạnh phúc không. Ông ấy giàu có lại rất tốt với em. Nghĩa là ông ấy cho em tất cả nhưng em lại không sao cho ông ấy được đứa con trai để nối dõi tông tổ nhà ông ấy. Em gặp lại anh thế này là em đã phản bội ông ấy. Cũng như ngày xưa em đến với anh, em đã phản bội anh chồng cũ của em trong những ngày anh ấy ngồi tù.
- Em đã gặp lại chồng cũ em chưa?
- Vừa sang đây đã lăn trong vòng tay anh thế này, mặt mũi nào gặp lại người ta nữa. Giá như thằng Thuận còn sống... Em bây giờ chẳng mang lại hạnh phúc cho ai nữa rồi, kể cả với anh và hai ông chồng của em. Em đã không còn khả năng sinh con. Nghĩ mà thương ông chồng người Tầu của em ở bên kia, ông ấy có tất cả mà hoá ra chẳng có gì, tiền bạc của nả thì nhiều mà trắng tay về tình. Cả em bây giờ cũng trắng tay về tình. Niềm hi vọng duy nhất của em vào thằng Thuận, em lại cho nó tình nguyện đi bộ đội ngày ấy, giờ nó chết mất xác rồi.
- Tại anh đến với em nên thằng Thuận mới tình nguyện đi bộ đội. Kinh xót xa.
- Nó không đi, chả lẽ cứ trốn mãi dưới thuyền được sao.
- Bố Thằng Thuận ở tù ra giờ thành người ngẩn ngơ rồi em biết không. Bữa anh mới ra tù, hy vọng về gặp lại thằng Thuận, thấy ông ấy ngồi bó chổi thanh hao, trông ông ấy tàn tạ lắm. Anh hỏi cháu Thuận đâu, ông ấy bảo nó đang ở trong nhà, anh vào trong nhà chẳng có ai... Thôi em đừng khóc nữa. Số kiếp đã thế rồi.
- Anh biết không, Nàng Mai thủ thỉ, mỗi đêm nằm bên ông chồng già giàu có, chẳng hiểu sao em toàn nghĩ đến bố con thằng Thuận. Lạ thế, có lẽ linh hồn thằng Thuận linh thiêng hiện về oán trách em đã bỏ bố con nó mà đi. Anh biết đấy, Em đã là dâu xứ này chẳng ai muốn bỏ đất này đi. Cho dù bố thằng Thụân đi tù bao nhiêu năm em vẫn còm cõm làm ăn buôn bán ngược xuôi nuôi con, nuôi bố chồng cho đến ngày gặp anh em mới ngả lòng. Khi về bên kia, thân em bơ vơ không được ông già ấy cưu mang thì giờ em đã mục xương rồi. Thú thực với anh ông chồng già của em cũng dễ thương và đa tình lắm. Mấy năm đầu chúng em sống rất hạnh phúc, nhưng rồi mãi em chẳng sinh cho ông ấy được đứa con, ông ấy buồn lắm. Em thì hy vọng vào thằng Thuận, Không ngờ Thằng Thụân lại chết Trên đồn Pò Hèn. Đêm đến em cứ thấy nó hiện về trong mơ, mắt nó lóng lánh căm hờn. Nó bị chết oan trong cái đêm quân đội Trung Quốc bất ngờ đánh sang Việt Nam tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng bộ đội biên phòng trên đồn Pò Hèn. Và điều làm em kinh hoàng nhất anh biết chuyện gì không? Chính ông chồng em lại là lính tập kích đánh sang đồn Pò Hèn đêm ấy đấy. Và biết đâu, chính ông ấy lại là kẻ giết thằng Thuận con em.
- Cũng chả trách ông ấy được, bổn phận của người lính phải cầm súng. Bất kể cuộc chiến tranh nào cũng phải đổ máu. Bất kể người lính nào cũng phải giết người, càng giết được nhiều người thì công trạng càng lớn.
- Từ ngày em đi anh vẫn sống một mình sao?
- Mười ba năm xa em, mười năm anh phài ngồi tù. Trở lại đất này với hai bàn tay trắng, giờ có được căn phòng này cho riêng mình, anh đã phải bỏ bao công sức làm thuê cho mấy mẹ con bà Cháo suốt hai năm liền với đủ mọi công việc. Ban ngày đi chợ cá với bà Cháo, đêm về làm bảo vệ nhà hàng cho chị em nhà cái Mây. Mai ơi, giờ gặp lại được em, anh sẽ không để em đi đâu nữa. Hãy sống với anh, em vẫn luôn là người đàn bà anh khao khát. Chị em con Mây nuôi cả lũ gái làm nghề bán dâm, chúng chỉ cần tiền thôi. Cả đời anh chỉ khao khát cái tình. Em là người đã cho anh cái tình, suốt đời anh không quên được em. Anh đã có những mối hàng làm ăn rất tốt. Anh sẽ bán căn phòng này cho chị em con Mây, em về với anh, anh sẽ mua mấy gian nhà cấp bốn gần khu chợ Mới, chúng ta sẽ làm ăn buôn bán như ngày xưa.
- Không được đâu anh ơi, em đã mang quốc tịch Trung Quốc rồi. Nhưng điều đó cũng không quan trọng, mong ước duy nhất của em lúc này phải cưới cho ông chồng em cô vợ nhỏ, cô vợ nhỏ này phải do em chọn, cô ta phải là người có tình có nghĩa, phải biết sinh cho ông ấy đứa con trai. Lần này em sang đây cũng chính vì lẽ đó. Anh có thể giúp em?
- Anh sẽ bảo chị em cái Mây chúng giúp em, Kinh xúc động ôm nàng Mai vào lòng, hôn lên mái tóc dài còn thơm mùi dầu gội của nàng, ông chồng Trung Quốc của em cần có đứa con nối dõi tông đường, còn anh chỉ cần có em thôi. Em là người đàn bà tốt nhất thế gian này. Em lo tìm vợ mới cho chồng, còn anh thì đang phải bơ vơ một mình.
Nàng Mai vuốt ve tấm lưng trần của Kinh.
- Anh hồi này ăn nói khôn ra nhiều đấy, chịu khó làm ăn, em sẽ giúp. Cứ có nhiều tiền, anh sẽ có khối gái trẻ đẹp. Chỉ sợ lúc đó nhìn thấy em lại ngoảnh mặt làm ngơ. Nếu anh giúp em làm tròn bổn phận với ông chồng già của em, em sẽ bảo ông ấy đền đáp anh xứng đáng. Ông ấy giàu có muốn cho em tất cả mà em thì chả cho ông ấy được gì. Anh cố giúp em tìm cho ông ấy một người phụ nữ tốt về sống với ông ấy có tình có nghĩa, thế là em đã hoàn thành bổn phận của em với ông ấy.
- Cám ơn em! Em cứ nằm nghỉ, anh phải đi có việc, lát nữa anh về. Kinh xiết chặt đôi bàn tay nàng Mai rồi vùng dậy nhìn đồng hồ đã chín giờ. Kinh lao vào nhà tắm mở vòi sen cho nước phun thẳng vào mặt mát lạnh. Mọi ngày giờ này Kinh đã ở ngoài bến với bà Cháo. Hôm nay được con Mây chiếu cố để Kinh dậy muộn. Từ phòng tắm ra thấy nàng Mai đã ngủ ngon giấc, Kinh đứng lặng nhìn tấm thân trần trắng ngộn của nàng Mai nổi rõ những đường nét gợi cảm làm Kinh xốn xang. Cả đêm qua nàng đã thức trắng với Kinh sau bao ngày xa cách. Kinh mặc quần áo chốt cửa xuống phòng khách.
- Cô Mây dặn cháu mời ông bà sang nhà hàng Biển Đông ăn sáng. Con bé giúp việc nói.
Kinh điện ra bến cho bà Cháo. Tiếng bà Cháo riết róng: Cậu không ra bọn thằng Tuấn Đen nó đang làm loạn ở bến, chúng chặn hết hàng của mình rồi. Kinh xoa dịu:
- Bà chị bữa nay cứ để mặc cho bọn chúng làm vua một ngày, rồi em sẽ cho chúng biết lễ độ, giờ mời bà chị về nhà hàng con Mẫn ăn sáng với chúng em đã.
Tíêng bà Cháo lại lu loa:
- Tôi biết ngay mà! Con Mai lại hút hết hồn vía cậu rồi.
- Thì đã sao, Kinh cười khung khục, mười mấy năm chúng em mới lại gặp nhau.
- Cứ ở nhà mà hú hí với nhau đi, cậu để việc này tôi lo. Bà Cháo cúp máy, Kinh bước vào gian sép, lũ gái điếm hoạt động cả đêm nằm ngủ ngả ngốn, đùi vế trắng nhễu nhạo. Kinh vào phòng cô chủ Mẫn. Mẫn đang uống cà phê một mình, thấy Kinh liền nhấc điện thoại gọi lễ tân mang cà phê cho Kinh.
- Cái thằng tình nhân của mày bữa nay đi đâu mà ngồi uống một mình hả?
- Cháu vừa tống khứ nó đi rồi, tiếc quái gì loại chó dái ấy! Chú tính, cả đêm nó nằm với mình, sáng ra vừa chạy nhoáng ra chợ về, cháu đã bắt gặp nó lôi con bé Loan vào bậy bạ ngay trên giường của cháu, cháu điên tiết định đuổi tuốt cả hai đứa. Nhưng nghe con Loan khóc lóc van xin chịu phạt một tháng không lương nên cháu tha. Phải công nhận con bé Loan là đứa trẻ và xinh gái nhất, đuổi nó cũng tiếc. Với lại hoàn cảnh nó thật đáng thương, mẹ mất, bố nghiện ngập bắt nó phải làm điếm để có tiền cho ông ta hút hít. Rõ khốn nạn thế. Đã mấy lần ông bố mò tới đây bắt con Loan phải đưa tiền mới chịu về.
- Bữa sau thằng bố nó mò tới đây mày bảo chú, chú sẽ tẩn cho ông ta một trận cho chừa đi. Kinh nỏi giận, nói, nhưng thôi chuyện đó để sau, hôm nay chú bàn với mày chuyện quan trọng hơn. Chú tính kỹ rồi, chú muốn mua mấy gian nhà cấp bốn gần chợ Mới cho tiện nhập hàng. Chú trả lại căn phòng của chú cho cháu. Chỉ có cháu sử dụng căn phòng của chú là tiện lợi, người khác chẳng ai dám vào đây mà mua. Mày trả chú bao nhiêu cũng được.
- Cháu hiểu rồi, Mẫn cười, chú lại sĩ với cô Mai không dám ở chung với bọn gái điếm chứ gì?
- Không hẳn thế, mấy gian cấp bốn ấy sau này sẽ có giá cháu hiểu không? rồi mày sẽ thấy. Còn chuyện này nữa, mày xem có đứa nào tử tế giới thiệu cho cô Mai. Chuyện hệ trọng lắm. Cô Mai muốn hỏi vợ cho ông chồng người Tầu.
- Cô Mai muốn làm thế để rảnh rang về Việt Nam ở hẳn với chú đúng không? Mẫn cong cớn cười hơ hớ, ôi cao cả và lãng mạn làm sao.
- Mày chỉ suy diễn, Kinh thanh minh, ông chồng người Tầu của cô Mai chưa có con trai, mà cô Mai thì không còn sinh đẻ được nữa, hiểu chưa.
Mẫn cười ngặt nghẽo:
- Chú xem con Loan đấy, vừa trẻ lại xinh.
- Được con bé Loan thì tốt rồi, chỉ sợ con bé không ưng.
- Cứ cho nó nhiều tiền đứa nào chả ưng.
- Thôi được, mày thăm dò nó giúp chú, giờ chú đi ăn sáng đã.
Kinh về phòng, nàng Mai vẫn ngon giấc với dáng nằm gợi cảm, Kinh cúi xuống hôn nhẹ lên môi nàng. Mai tỉnh giấc dang đôi tay vít cổ Kinh đổ sập xuống thân hình mềm mại của nàng.
- Thôi mà, dậy đi ăn sáng, anh đói rồi.
- Ăn sáng xong anh đưa em về gặp bố thằng Thuận để em nói với ông ấy vài lời tạ tội và thắp cho thằng Thuận nén hương.
Kinh và Mai bước vào nhà hàng Biển Đông của con Mẫn. Mẫn ríu rít gọi nhân viên bê ra hai bát phở và hai chai bia Hà Nội tiếp Kinh và Mai
- Cô Mai hồi này trẻ đẹp hơn cả ngày xưa, Mẫn khen. Sang bên ấy cô có gặp anh Triệu chồng cháu không?
- Cô không găp, đất nước bên ấy rộng lớn, với lại ngày ấy táo tác mỗi người một quê, lại lo làm ăn sinh sống tối tăm mặt mũi chẳng còn biết đến ai. Giờ sang đây thấy các cháu làm ăn khá giả cô mừng.
- Chúng cháu được như ngày nay cũng nhờ công sức của chú Kinh đấy. Chúng cháu đang có dự định mở nhà hàng nữa ở bến xe mới, cô về bên này làm ăn với chúng cháu cho vui. Chú Kinh lúc nào cũng mong ngóng cô về.
- Em không thể tưởng tượng bữa con Mẫn nó tiễn thằng Triệu về bên ấy nó phải chịu đau đớn tới mức nào đâu, Kinh nói, cùng một lúc mất chồng, mất luôn đứa con vừa mới sinh. Ngày ấy tưởng nó không trụ nổi. Được thằng chồng bây gìơ giỏi giang làm ăn tính toán đâu ra đấy.
- Cô còn nhớ cô út nhà cháu không, Mẫn nói, tới gìơ nó vẫn chưa chịu lấy chồng. Nó bảo lấy chồng, biết đâu thằng chồng nó ở bên kia tìm về thì sao. Chúng cháu nghĩ đã mười mấy năm chắc người ta đã lấy vợ rồi, tuổi xuân con gái có thì biết chờ tới bao giờ. Gán ghép cho nó mấy đám, nó cặp kè vài bữa bảo chẳng thằng nào được như thằng chồng người Tầu của nó. Cái con bé thế mà chung tình,
Mẫn kể đủ mọi chuyện với cô Mai. Kinh phải nhắc Mẫn để cho cô Mai về Thanh Xuân thăm chồng cũ, đến tối cô cháu tha hồ tâm sự.
Kinh và Mai cùng đi bộ dọc con phố bờ sông về Thanh Xuân. Dòng sông vẫn lặng lẽ như xưa. Hình bóng con thuyền chuối năm nào còn chấp chới trong tâm tưởng của Kinh và nàng Mai.
- Ngày ấy em bỏ đi, Kinh nói, mình anh đã không sao giữ nổi con thuyền của chúng mình. Kể cả cái thằng anh tin tưởng giao cho nó con thuyền đưa đi tránh nạn trước lúc anh bị bắt, không biết giờ này nó phiêu bạt nơi đâu. Cái thằng cũng đáng thương, đùng một cái mất cha mất mẹ bơ vơ một mình. Trước lúc bước xuống tầu ra đi mẹ nó mới dám nói với nó sự thực nó là đứa con mang dòng máu Việt. Nó phải ở lại Việt Nam một mình để đi tìm bố đẻ.
Mải nói chuyện với Mai, Kinh đi qua ngõ nhà hai mẹ con người đàn bà có tên là Duyên tình cờ gặp trên chuyến tầu ngày đầu tiên Kinh ra tù. Đứa bé gái vẫn còn nhận ra Kinh, nó sung sướng reo lên gọi mẹ. Người đàn bà từ trong nhà bước ra mời Kinh và Mai vào nhà chơi.
- Chị cháu ở quê mang ra nhiều khoai lắm. Bé gái nhanh nhảu khoe. Mẹ đi luộc khoai mời bác ăn khoai.
- Cô bé tốt bụng của bác, Kinh nói. Cháu vẫn còn nhớ nợ bác bữa khoai luộc cơ đấy. Mới có vài năm mà trông cháu lớn và xinh ra bao nhiêu. Chú quên cả tên cháu rồi.
- Cháu tên là Thuỳ, cháu ứ xinh bằng chị gái cháu. Con bé nói, chị gái cháu ở quê ra đây đi làm, may quần áo đẹp cho cháu đây này.
Kinh và Mai vào nhà, chị Duyên đon đả rót nước mời khách. Căn nhà tuềnh toàng trống trơn. Có tiếng nói run rẩy từ gian trong.
- Con Loan đấy à? Sao mãi tới hôm nay mới vác xác về, định bỏ ông chết đói hay sao hả?
Chị Duyên vội chạy vào nói khẽ nhưng giọng đầy uất ức.
- Không phải con Loan về, đây là khách của tôi đến chơi.
Giọng người đàn ông lại rên lên.
- Cô mà cũng có bạn đến chơi cơ à. Cô đi tìm ngay con Loan về cho tôi.
Người đàn bà nén lòng cố lấy giọng bình thản.
- Hai bác thông cảm, nhà em bây giờ yếu rồi, chẳng còn làm được gì, bức bách chửi vợ mắng con suốt ngày đến khổ.
- Tôi vừa nghe chồng cô bảo con gái cô đi làm gì chưa về. Kinh hỏi.
- Chẳng giấu gì hai bác, ông ấy mắng con Loan, nó là đứa con riêng của ông ấy. Chị Duyên nói, mẹ nó mất rồi, đang ở với ông bà nội trong quê, ông ấy bắt nó ra đây đi làm kiếm tiền cho ông ấy rượu chè cờ bạc suốt ngày.
Người đàn ông giọng lè nhè từ sau tấm cót ép gian trong bước ra:
- Mẹ Kiếp, cô nói xấu gì tôi hả. Thế gian này sao cứ sinh ra rặt loại đàn bà nói xấu chồng.
Kinh giật mình nhận ra người đàn ông chính là Ba Sẹo chuyên vật vờ ngoài bến cá với đủ trò lừa bịp ai cũng kiềng mặt. Ba Sẹo sững sờ nhận ra Kinh ấp úng chữa ngượng:
- Tưởng Ai, hoá ra anh Kinh-Kinh kính nể hà hà... Ông cũng quen vợ tôi à? Ông thấy đấy, cuộc đời thật khốn nạn, lúc khoẻ mạnh thằng này xá chi gian khổ xông pha, giờ ốm yếu ngồi đây trông chờ ăn nhờ vợ con nhục như chó. Ôi cái con bé Loan khốn kiếp đã tháng nay nó không thèm vác cái mặt về nhà. Trong ngày hôm nay mà cô không nhắn con Loan mang tiền về cho tôi là tôi đốt cái nhà này... tôi đốt.
Kinh bất ngờ áp sát vào Ba Sẹo nói:
-Tôi không ngờ cậu là chồng cô Duyên đây. Chính Cậu mới là thằng chồng khốn kiếp, nể cô Duyên tôi không tẩn cho cậu một trận như hồi đầu năm ở bến cá cậu còn nhớ không. Từ rầy tôi cấm cậu không được o ép vợ con. Tôi cấm! Kinh quay sang nói với vợ Ba Sẹo, tôi nghe vợ chồng cô vừa nói tới con bé Loan, có phải nó có chiếc răng khểnh xinh xinh làm ở khách sạn Biển Đông không??
- Đúng là nó đấy, tôi bảo nó về quê chịu khó làm ruộng, kiếm tấm chồng yên phận nhưng bố nó cứ bắt nó ở đây tìm việc làm. Anh bảo ở đất này thì kiếm được việc gì ngoài cái nghề làm ca ve.
Bé Thuỳ níu tay Kinh hỏi:
- Ca ve là gì hả bác, bao giờ cháu lớn bằng chị Loan bác xin cho cháu đi làm ca ve bác nhé.
- Cháu cố học cho giỏi sau này làm cô giáo chứ. Kimh quay sang nói với Ba Sẹo:
- Thằng Kinh này nói nghiêm túc, cậu đừng có giở trò côn đồ ra với vợ con nữa, hãy tu tỉnh làm người tử tế, chị Duyên và con Loan nó sẽ cư xử tốt với cậu. Thôi chào chị Duyên, chào cô bé Thuỳ tốt bụng nhá.
Kinh xoa đầu bé Thuỳ, nắm tay kéo Mai ra khỏi nhà chị Duyên. Kinh không ngờ người đàn bà tốt bụng như chị Duyên lại làm vợ Ba Sẹo, và con bé Loan đang làm điếm ở khách sạn Biển Đông nhà cái Mẫn lại là con gái Ba sẹo.
Về gần tới nhà người chồng cũ của Mai, Kinh nói:
- Mai ơi, anh đã tìm cho ông chồng người Tầu của em một cô gái tuyệt vời rồi. Phải cứu cô ta, và phải cứu lấy gia tộc nhà chồng em khỏi tuyệt tự. Được con bé Loan về làm vợ, thì ông chồng em cứ gọi là mê tít, con bé Loan vừa trẻ vừa đẹp đang ở nhà con Mẫn í.
- Liệu nó có dám về bên ấy? Nàng Mai nói.
- Hoàn cảnh nó khốn cùng đến thế, thà lấy thằng chồng già còn hơn là đi làm điếm.
Kinh nhận ra từng bước chân Mai bối rối khi bước vào lối ngõ ngôi nhà cũ của mình năm xưa. Ngôi nhà vẫn hoang vắng tàn tạ. Người chồng cũ của nàng Mai không thấy ngồi bó chổi thanh hao như lần trước. Cánh cửa mở, Kinh bước theo Mai vào nhà. Anh chồng Mai nằm đắp chăn tới cổ, mắt lờ đờ nhìn mà như chả nhìn gì. Anh ta khẽ rên lên yếu ớt. Nàng Mai đứng sững gữa nhà. Bất chợt nàng ôm mặt khóc tấm tức chạy tới chiếc giường hạnh phúc của nàng năm xưa. Chiếc giường đã tàn tạ dẹo dọ theo năm tháng.
- Em là Mai về thăm anh đây, anh có nhận ra em không?
Mắt người chồng ngơ ngác. Mai đến trước ban thờ thắp nén hương và đứng mãi nhìn tấm ảnh thờ người bố chồng, nhớ lại hình bóng thằng Thụân năm xưa.
- Thụân ơi, mẹ và bác Kinh về với con đây. Con tha tội cho mẹ, mẹ đâu có ngờ cuộc đời lại ra nông nỗi này. Nàng Mai chếnh choáng ngồi thụp xuống nền nhà khóc sụt sùi. Kinh đỡ nàng Mai đến ngồi cạnh người chồng đang nằm trên giường rên hừ hừ. Nàng cuống cuồng lật chăn lần tìm bàn tay gầy guộc run rẩy của chồng. Trong ánh mắt đờ đẫn dài dại của người chồng bỗng rỉ ra những ngấn nước. Chồng nàng có lẽ đã nhận ra nàng, anh ta khẽ cựa mình, Nàng Mai đỡ anh ta ngồi dậy. Anh ta vẫn bị ám ảnh bởi những câu nói cứ lặp đi lặp lại như lần trước:
- Thằng Thuận nó về rồi đấy! Nó đấy...trên ban thờ đấy.
- Ôi anh ơi, em là Mai, vợ anh đây. Anh không nhận ra em sao?
- Người này là Mai, mẹ thằng Thuận? Ông chồng ngơ ngác.
- Đúng, em là mẹ thằng Thuận đây.
Nàng Mai không ngờ bố thằng Thuận lại tàn tạ đến thế. Mai còn đang xúc động bối rối bên người chồng cũ thì có đôi trai gái tung tăng bước vào tự giới thiệu là đoàn viên thanh niên được phân công chăm sóc những gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Cô gái nhanh nhảu đi nấu cơm, cậu con trai lấy chiếc khăn mặt vắt trên đầu giường mang ra bể nước giặt rồi mang vào lau mặt cho bố Thuận.
- Cám ơn các cháu! Các cháu tốt quá. Mai xúc động nói.
- Đây là nhiệm vụ của chúng cháu, cậu con trai nói, và cũng là chính sách của nhà nước đối với các gia đình thương binh liệt sĩ. Các bác là thế nào với bố của liệt sĩ Thuận ạ.
- Bác là mẹ đẻ của liệt sĩ Thuận đây.
- Bác là mẹ đẻ của liệt sĩ Thuận? À, chúng cháu biết rồi. Nhưng bác đã đi lấy chồng khác đúng không? Cô gái từ ngoài cửa vào nói dửng dưng.
- Đúng thế, Nàng Mai nói, nhưng cũng do hoàn cảnh bắt buộc các cháu ạ.
- Cháu hiểu rồi, nhưng theo chế độ chính sách, bác đã đi lấy chồng khác thì không còn được là mẹ liệt sĩ nữa.
- Bác hiểu rồi, bác chỉ đến thăm ông ấy thôi.
Mai nói với cô gái mà mắt vẫn nhìn chăm chăm vào bố thằng Thuận đang run rẩy trên giường. Đúng! cô gái nói đúng, nàng bây giờ không còn gì ràng buộc với người đàn ông này nữa rồi. Nàng đã đi lấy chồng khác, mang quốc tịch khác hơn mười năm nay. Đứa con trai duy nhất của nàng với người đàn ông này đã chết. Và biết đâu nó chết lại do chính người chồng mới của nàng bắn nó trên đồn Pò Hèn năm xưa. Cuộc đời sao nghiệt ngã, mọi luật lệ, mọi quy định đều do con người đặt ra, và mọi biến cố cũng do con người gây nên, nhưng thực tề liệt sĩ Thuận vẫn do nàng Mai đẻ ra, đó là tình mẫu tử, tình máu mủ ruột rà, đó là công lao to lớn của người mẹ nuôi đứa con mình khôn lớn...
Đào Kinh nhìn Nàng Mai rũ rượi bước ra khỏi ngôi nhà người chồng cũ. Nàng không còn gì trong ngôi nhà này, kể cả chồng, cả con nàng...