Làm tốt thì tốt hơn là nói giỏi.

Benlamin Franklin

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 64
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1514 / 42
Cập nhật: 2016-06-20 21:01:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 27: Cuộc Xung Đột Ý Kiến Giữa Nguyễn Trãi Với Lương Đăng
ừa lên ngôi Hoàng đế được một thời gian, Lê Lợi đã quyết định chế nhã nhạc riêng cho triều đại của mình. Công việc khó khăn này được giao cho quan Hành khiển là Nguyễn Trãi. Nhưng, mãi đến bốn năm sau ngày Lê Lợi mất, Nguyễn Trãi cũng chỉ mới có thể dâng cho vua Lê Thái Tông (1434 - 1442) bản vẽ của những chiếc khánh đá là một trong những nhạc cụ buộc phải có mà thôi. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 35 - b và 36 - a) chép:
“Hành khiển Nguyễn Trãi dâng bản vẽ những chiếc khánh đá và tâu Vua (Lê Thái Tông) rằng:
- Kể ra thì đời loạn trọng võ, thời bình trọng văn. Nay quả rất đúng là phải chế ra các loại lễ nhạc. Nhưng, (nhạc) phải có gốc mới đứng, phải có văn mới hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc vậy. Thần vâng chiếu soạn nhạc, dám đâu không dốc hết sức ra mà làm, nhưng vì học thuật thì nông cạn, chỉ sợ thanh luật chẳng được hài hòa. Cúi xin bệ hạ thương yêu và nuôi nấng muôn dân, khiến cho mọi xóm thôn không còn tiếng oán hờn buồn khổ, như thế mới giữ được gốc của nhạc.
Vua khen ngợi và tiếp nhận rồi sai thợ đá ở huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kính Chủ để làm khánh.”
Nhưng, ngay khi thợ đá đang làm khánh, vua Lê Thái Tông lại sai Lương Đăng cùng hợp sức với Nguyễn Trãi để chế định nhã nhạc Ý kiến của hai người trong lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau. Nguyễn Trãi thấy không thể dung hòa được bèn xin thôi làm công việc vốn rất phức tạp này. Cũng sách trên (tờ 38 a - b và tờ 39 - a) viết:
"Tháng 5 (năm Đinh Tị, 1437 - ND), Hành khiển Nguyễn Trãi tâu vua rằng:
- Mới rồi, bọn thần và Lương Đăng cùng hiệu định nhã nhạc, song, cách của thần không giống với cách của Lương Đăng, nay thần xin trả lại công việc được vua sai làm.
Trước, Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định ra quy chế về mũ áo nhưng chưa kịp thi hành. Đến đây, Lương Đăng dâng thư, đại ý nói như sau:
- Kể về lễ thì có đại triều và thường triều. Đại triều gồm có những lễ như tế trời, tế cáo ở thái miếu, ngày khánh tiết, ngày chính đán... Trong những ngày đó, Hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, ngồi ở ngai báu, còn như trăm quan thì mặc triều phục, đội mũ chầu. (Tuy cũng thuộc đại triều) nhưng những ngày mồng một hoặc ngày rằm thì Hoàng đế mặc áo bào màu vàng, đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan cùng mặc công phục, đội mũ phốc đầu, lễ thường triều gồm có những lễ còn lại. Trong những ngày đó Hoàng đế mặc áo bào màu vàng, đội mũ Xung Thiên, ngồi sập vàng, còn như bá quan thì mặc thường phục cổ tròn, đội mũ sa đen. Về nhạc thì nhạc đại triều dùng cho tế Giao, tế Miếu, tế Ngũ Tự hoặc giả là khi cứu Mặt Trời, Mặt Trăng (khỏi nhật thực và nguyệt thực). Nhạc thường triều và nhạc cửu tấu dùng khi đại yến. Đại để nhạc dùng trong cung mỗi lễ một khác, không thể nhất loạt như nhau. Về Lỗ Bộ đại giá cũng vậy. Xe kiệu thì có đại lộ, tượng lộ, mã lộ, kiệu chín rồng và kiệu bảy rồng... nhanh chậm có khác nhau. Về nghi trượng thì có kim qua, phủ, việt, chàng, phướn, tinh kì, mao tiết, chương phiến và long ngũ phượng. Số ngựa đóng vào xe và số người theo hầu cũng đều có quy định cụ thể. Nói chung là nhiều thứ, thần không thể chép ra đây hết được.
Thư ấy dâng lên, Vua lại sai Lương Đăng định ra các quy chế. Đăng vâng mệnh làm và dâng lên những quy chế về mũ, áo và nhạc. Đại để, quy chế của Đăng và của Trãi phần nhiều khác nhau, trọng lượng và số lượng khác nhau đã đành, cả đến cách trình bày cũng khác. Vì lẽ đó, Trãi xin thôi việc này. Vua theo lời tâu của Đăng mà làm.”
Lời bàn: Với Nguyễn Trãi, đến cả nhã nhạc cũng phải hợp với lòng dân và hợp với sức dân, niềm vui của triều đình phải thực sự là niềm vui chung của trăm họ. Khi chép sự kiện này vào bộ sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 17, tờ 3) các sử gia thời Nguyễn đã có lời phê rất đúng rằng: “Lời tâu này (của Nguyễn Trãi - ND) tuy đã nói đúng được cái gốc của nhạc nhưng nếu thi hành thì khó đấy.”
Lê Thái Tông và Lương Đăng sợ khó chăng? Dấu ấn của những năm chiến tranh gian khổ trong hai con người này đã mờ nhạt. Gấm vóc nhung lụa đã tạo cho họ một lối nghĩ khác, một cái tình cũng rất khác đối với dân. Nguyễn Trãi xin thôi việc cùng với Lương Đăng soạn nhã nhạc là phải lắm. Một khi Vua đã có ý không tin dùng nữa, bàn thêm phỏng có ích gì?
Nguyễn Trãi không muốn bàn cãi thêm, ắt cũng muốn dành lời bàn cho hậu thế đó thôi.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 5