Số lần đọc/download: 50092 / 932
Cập nhật: 2015-08-06 09:54:44 +0700
Chương 26
Ðùng một cái, chúng tôi bị chuyển phòng.
Buổi tối, chúng tôi còn đang chúi mũi vào ván cờ tướng thì bỗng giật mình nghe tiếng mở khóa. Ngẩng lên đã thấy Sứ giả hòa bình sừng sững đấy rồi. Không nhìn đến chúng tôi, cái mũi đỏ hất lên, anh ta nói:
- Chuẩn bị đồ đoàn (1)! Chuyển phòng.
Tù bị di chuyển từ phòng này qua phòng khác, từ khu này qua khu khác là chuyện thường ở đây. Mục đích của việc chuyển phòng, Thành giải thích, là để tránh tình trạng thông cung, làm cho người tù luôn bị động, không có thời gian chuẩn bị một cuộc trốn trại nếu như họ có ý định trốn. Ðôi khi đó là sự sắp xếp lại tù nhân trong một vụ. Việc chuyển phòng bao giờ cũng đột ngột, tù không được biết trước. Người có kinh nghiệm lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng. Anh ta không thể không sẵn sàng, bởi vì sự cập rập thường gây ra những tổn thất nặng nề - quản giáo ập vào đúng lúc mình không ngờ nhất, và thế là những vật quý giá chưa kịp cất giấu sẽ không mang theo được. Chưa kể khi chuyển phòng còn bị quản giáo loại, tịch thu các đồ vật bị cấm và thi hành kỷ luật.
Trong các thứ có thể bị mất quý nhất là con dao. Ðể làm một con dao người tù xà lim phải bỏ ra rất nhiều thời gian, nhất là thời gian tìm nguyên liệu. Sắt đai thùng, hoặc sắt nói chung, không phải chỗ nào cũng có, tìm được nó hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi. Sau đó mới tới việc chế tạo nó, thường mất cả tuần, cả tháng, có khi hơn, trong điều kiện quản giáo lỏng lẻo, anh tù khéo tay và may mắn.
Tôi chăm chú nhìn Sứ giả hòa bình. Y nói với ai? Với tôi hay với Thành? Hay với cả hai? Liếc sang Thành, tôi thấy anh cũng lo lắng không kém. Anh bước xuống đất, hai tay chắp lại, lễ phép:
- Báo cáo ông quản giáo, tôi? hay anh này?
Tim chúng tôi đập dồn, mặt chúng tôi căng thẳng chờ đợi lời phán quyết của viên quản giáo.
- Cả hai.
Sứ giả hòa bình hờ hững trả lời. Tim tôi đập rộn. Tôi sung sướng. Phải xa Thành, tôi đau khổ thật sự. Thành nhìn tôi, mắt long lanh. Anh cũng vậy, anh quen sống có tôi bên cạnh mất rồi. Chúng tôiquýnh quáng dọn đồ, mặt mày rạng rỡ.
- Ði!
Sứ giả hòa bình ra lệnh. Chúng tôi theo sau.
Có những tiếng động không bình thường vẳng ra từ những cánh cửa đóng kín - tiếng ho khan, tiếng đằng hắng. Ðó là các bạn tù nói lời chia tay với chúng tôi. Tuy không nhìn thấy nhau, những người tù hàng xóm láng giềng vẫn cảm thấy sự hiện diện của nhau, vẫn hình dung ra nhau căn cứ những dấu hiệu khó nhận thấy nhất. Bên phải chúng tôi là một ông già, hẳn rất gày còm, ông thường ho khan vào sáng sớm. Tối tối ông ngâm thơ, giọng ư ử như bị cảm lạnh. Bên trái là anh chàng không ngừng chiến đấu cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau (2)...Ngoài cái bài muôn thuở ấy anh ta không biết bài nào khác. Sát anh ta là một cán bộ thương nghiệp, chắc hẳn bị tội tham ô. Có lần anh đi lĩnh tiếp tế về, tôi nghe Hách nói với anh, giọng ghen tị: "Cán bộ thương nghiệp, hả? Vợ là nhân viên mậu dịch, hả?". Tôi đã thoáng thấy anh ta - người tầm thước, trắng trẻo, béo tốt, hơi gù. Ðàng xa, cuối hành lang, là anh tù tử hình đáng thương, trắng bệch và phù thũng vì ở trong phòng kín lâu ngày. Ðể đánh tín hiệu từ biệt, anh ta rống lên một câu vọng cổ thê lương đến nỗi Sứ giả hòa bình phải quát:"Này anh kia, có đậy ngay lập tức cái thượng môn của anh đi không hử?"
Khu xà lim chúng tôi được chuyển tới bề thế hơn khu chúng tôi vừa bỏ đi. Nó cách khu xà lim 3 chưa tới trăm mét tính theo đường chim bay, nhưng vì vòng vèo theo Sứ giả hòa bình qua mấy khu trại chung cho nên thấy xa hơn. Người ta tính toán chu đáo: cuộc di chuyển diễn ra lúc chiều tối, khi tất cả tù xưởng thợ, tù tự giác, đều đã bị lùa vào trong các nhà giam chung, chẳng ai nhìn thấy chúng tôi.
Chăn chiếu cắp nách, tay tòn ten bộ quần áo thay đổi, chúng tôi lững thững đi trên những lối hẹp ngoắt ngoéo vắng tanh vắng ngắt. Từ bên trong những nhà giam hình khối chữ nhật vẳng ra tiếng người rầm rì làm thành một tiếng ồn không dứt.
Trước khi vào ngôi nhà-hầm mộ kế tiếp, chúng tôi còn phải qua một cái cổng nhỏ không khóa, một mảnh sân hẹp.
Bên trong, khu xà lim mờ tối giống như một cái hang với những bóng điện đầy bụi bặm hấp hối trong những rọ lưới sắt. Nó giống một khoang tàu chở khách, loại tàu cổ lỗ từ đầu thế kỷ, với những cửa ca-bin đều tăm tắp ở hai bên hành lang. Con tàu chết máy, nó trôi dạt trên đại dương thời gian, còn hành khách thì ngủ mê mệt sau những cánh cửa đóng im ỉm. Chỉ ở đầu hành lang, gần cửa vào khu hầm mộ, có một xà lim để ngỏ. Tôi ngó thấy bên trong trống rỗng, mấy bức tường đen xì.
- Ðấy là xà lim ông Hoàng Văn Thụ. Ông ta nằm đây trước khi bị xử tử.- Thành giải thích - Khu này là xà lim 1. Còn gọi là xà lim án chém. Trong các xà lim án chém tường đều sơn một màu đen như thế. Ðến thời ta mới quét vôi lại, nhưng xà lim lưu niệm này giữ nguyên như cũ.
- Nghĩa là khu này cổ nhất Hỏa Lò?
- Tôi không dám nói chắc. Khu xà lim 3 ta vừa đi khỏi là khu mới được xây, thời tạm chiếm hay là thời mình tôi không rõ, anh không thấy phòng ở đấy hẹp hơn à?
Tôi quan sát nơi ở mới. Xà lim cũ hẹp hơn, trần cao hơn, nhưng ấm hơn vì kín gió. Không biết rồi tôi còn được du ngoạn qua bao nhiêu xà lim nữa?
Ngoài xà lim lưu niệm dành cho Hoàng Văn Thụ, không còn xà lim lưu niệm nào khác. Lịch sử cách mạng Việt Nam được trình bày như thể nó chỉ bắt đầu với sự ra đời của Ðảng cộng sản Ðông Dương. Các tổ chức cách mạng khác ít được nhắc đến, mà có nhắc đến thì cũng bằng giọng bề trên, kẻ cả.
-Ê bên này được cái thoáng hơn. - Thành nhìn quanh, nói.
Khác với xà lim trước, ở tường hậu phòng giam này có một cửa sổ to, chấn song và lưới thép bưng kín. Bụi bám đầy lưới, y như trong một kho hàng. Bên trên cửa ra vào có một khoảng cũng bít lưới như thế.
Không biết bằng cách nào những khách trọ cũ trong xà lim bẻ được cả một mảng lưới sắt, làm thành một lỗ thủng to bằng bàn tay, qua đó không khí bên ngoài ri rỉ chảy vào phòng. Người ta biết, nhưng chẳng buồn vá lại. Có vượt ngục được cũng còn lâu - sau tấm lưới là hàng chấn song sắt to gộc, sau chấn song là bức tường đá sừng sững, dây thép gai giăng mắc bên trên, ngày đêm đều có lính gác.
Chỗ ở mới có mùi khó tả. Mặc dầu vừa được quét dọn - trên sàn còn ướt những vệt nước - nó vẫn tanh tưởi và lạnh lẽo.
- Còn phải dọn nhiều. - Thành nói - Khí lạnh đây là tử khí đấy. Chắc có tù tử hình vừa đi.
Xà lim 1, Thành giải thích, bây giờ dùng để giam tù trọng án trong thời kỳ giam cứu là chính, chứ không phải cho tù tử hình. Nói chung, án tử hình bây giờ ít được tuyên, xử nặng nhất cũng chỉ đến chung thân, hai mươi năm. Nếu cải tạo tốt, được giảm án đều đều, sống được qua sóng gió nhà tù, người mang án chung thân có thể được ra sau mười hai, mười lăm năm, còn người mang án hai mươi năm có khi mới tám năm, chín năm đã được về.
Nếu tình hình hiện nay kéo dài thì khả năng tôi ra khỏi đây là ít. Chừng nào Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ còn sống. Mà họ còn sống lâu.
Thiên hạ đàm tiếu nhiều về chuyện quan hệ với phái yếu ở các nhà lãnh đạo cao niên. Ðó là đề tài ưa thích trong cuộc sống đơn điệu một thời ở miền Bắc. Tôi nghĩ người ta chẳng nói tới chuyện riêng tư của các vị làm gì nếu như các vị không lên mặt đạo đức, luôn miệng dạy dỗ thần dân lối sống khắc kỷ xã hội chủ nghĩa. Lời đàm tiếu là phản ứng ngược cho những lời rao giảng đạo đức giả. Các vị lang chạ với hết cô này cô khác thì không sao, cán bộ cấp thấp mới chỉ hơi dính dáng chuyện ăn nằm với phụ nữ là đã bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, bị thi hành kỷ luật rồi. Trong chuyện này Lê Duẩn là người hồn nhiên. Lê Duẩn không coi dư luận ra gì. Cái gì Lê Duẩn thích là Lê Duẩn làm. Thọ chẳng thua gì Duẩn, theo những người gần Thọ cho biết, nhưng kín đáo hơn. Mỗi lần cán bộ nữ đến cầu cạnh Thọ để xin lên chức, lên lương, thường được Thọ cho gặp riêng để đả thông tư tưởng. Họ ra về, mặt tươi nở. Ðược gặp anh Sáu là đời lên hương rồi.
Tôi là người duy lý. Tôi sẵn sàng chấp nhận những nhà lãnh đạo mắc bệnh tim la. Miễn họ đừng lạm dụng quyền chức gây đau khổ cho đồng bào.
Ðêm đến, qua lỗ thủng trên tấm lưới sắt nơi ở mới tôi có thể nhìn thấy những cành sấu trụi lá in những nét gãy lên nền trời tím đen với những vì sao yếu ớt run rẩy trong gió bấc.
Chiều hôm sau, lúc trời nhập nhoạng tối, chúng tôi đang nằm nghỉ sau bữa cơm chiều thì nghe tiếng chân người chạy thình thịch bên ngoài, tiếng mở cửa, đóng cửa, rồi sau đó mọi sự lại trở về yên lặng.
- Có tù mới đến, cậu ạ. - Thành nhận xét.
Ngày hôm sau anh bổ sung:
- Người này trong vụ các cậu.
Một nhận xét kéo dài hai ngày, hẳn nó phải chín chắn.
- Căn cứ ở cái gì mà anh cho là như thế? - tôi hỏi.
- Trước hết, nếu là tù thường, người ta không dọn dẹp xà lim trước khi cho vào. Hôm qua, khi ta mới tới, tôi nghe tiếng quét dọn, là một. Tiếp đến có giám thị hay là cấp to của nhà tù đến kiểm tra, là hai. - Thành phân tích - Sáng nay, đi qua tôi thấy cửa phòng hé mở, ngó vào thấy có cái giá gỗ mới tinh để trên phản, là ba... Tù thường, không phải tù đặc biệt, không được săn sóc như thế đâu.
- Hôm tôi bị đưa vào, người ta có dọn phòng không?
- Tôi đến trước cậu vài ngày. Phòng đã được dọn dẹp sạch sẽ rồi.
- Hừm, lạ nhỉ?
- Trong vụ các cậu có vẻ người ta còn lấn bấn, chưa dám quyết...
Hóa ra Thành biết nhiều anh em trong quân đội bị dính vào vụ này. Một vài người còn là bạn chiến đấu của anh. Sự có những người quen biết chung làm chúng tôi thêm gần nhau. Anh cám cảnh cho tôi lắm.
- Tình thế của cậu, nói thực nhé, chẳng lấy gì làm sáng sủa. - Thành vuốt mái tóc lòa xòa - Ðiểu tận thì cung tàng. Kể từ Cách mạng Tháng Tám tới nay tôi chưa từng thấy vụ nào tương tự. Lớn quá, lớn quá! Người ta dám làm thế là người ta quyết tâm lắm. Không dễ gì họ bỏ cuộc. Chơi nhau thế này là sát ván.
- Còn phải nói!
- Nhưng đúng là họ tuy quyết tâm, nhưng lại chưa dám quyết liệt trong hành động. Cách đối xử thế này tỏ ra họ còn một chút e ngại, một chút phân vân...Nếu triệt không được thì cũng phải có đường rút chứ.
- Tôi nghĩ họ vừa làm vừa nghe ngóng. Nếu thấy trong ngoài không phản ứng thì họ làm tới.
- Lại càng cần bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thật để mà chịu đựng. Thôi thì cứ coi như cậu chia sẻ nỗi khốn khó với ông cụ. Tội nghiệp ông cụ quá. Cậu còn sống lâu, còn có quyền hi vọng. Chứ ông cụ thì mất cả cuộc đời!
Tôi thở dài.
- Trong lịch sử nước ta chưa bao giờ xảy ra chuyện bắt nhiều công thần một lúc như thế.
Buổi chiều ra lấy cơm, Thành đưa mắt chỉ cho tôi cái xà lim có tù mới. Cánh cửa đóng im ỉm. Từ bên trong không một tiếng động nào vẳng ra.
Ngày hôm sau, khi ra nhận cơm trưa, tôi thấy cửa xà lim nọ khép hờ. Bên trong, một cái chăn đơn để bừa trên phản và dưới cái giá gỗ mộc mới đóng lỏng chỏng mấy hộp thuốc bên tuýp kem răng Hoa Mai.
- Anh đúng. Người đó trong vụ tôi.
- Cậu căn cứ vào cái gì?
- Nếu là tù khác, chăn để không gọn gàng thì quản giáo mắng, nhưng sáng nay lấy tù đi cung, chỉ nghe tiếng quản giáo mở cửa...Nói chung, họ đối với chúng tôi nhẹ nhàng. Họ biết quá, chúng tôi không sợ chết, nói gì sợ họ.
Thành gật gù rồi khen tôi:
- Cậu bắt đầu biết xét đoán việc trong tù rồi đó!
Trong khu xà lim 1 chúng tôi thoát được con chuột già nữa, nhưng lại phải chịu đựng nạn kiến hôi. Bộ lạc những con kiến li ti màu vàng nhạt này đông vô số kể. Chỉ có thể chạy trốn chúng chứ không thể giết chúng. Con kiến bé tẹo khi bị di chết tiết ra một mùi hăng khó tả, giống mùi hạt thu đủ bị bóp nát. Lũ kiến gan lì và kiên nhẫn không thể tả được. Chỉ một gói kẹo nhỏ thôi cũng đủ để chúng điên lên, lùng xục đủ mọi chỗ mà Thành có thể cất giấu. Ban ngày anh móc vào lưới thép cửa thông hơi. Ban đêm anh treo trên đình màn. Chỗ nào rồi chúng cũng tìm ra. Tìm được rồi chúng lăn xả vào, sẵn sàng chết chỉ để hút một chút xíu chất ngọt. Cái kẹo thế là không thể ăn được nữa. Nhưng chúng tôi lại quá nghèo để có thể vứt đi. Ðành phải rửa kỹ kẹo cho xác những con kiến trôi đi mà ăn vậy.
Lũ chuột cống ở đây không cần phải vào xà lim kiếm ăn. Thức ăn đã có sẵn ngoài sân. Ðó là phần cơm tù được nhà bếp gánh vào, thường là rất sớm. Leo lên cửa sổ ngó ra sân, tôi thấy những con chuột béo múp ngồi chễm chệ trên những tô cơm của chúng tôi. Tôi phải gạt bỏ phần cơm trên nguội ngắt, đè cảm giác ghê tởm xuống mà nuốt phần ít ỏi còn lại. Có hôm tôi bắt gặp Thành rơm rớm nước mắt bưng bát cơm lên miệng.
Trong các quản giáo chỉ có Sứ giả hòa bình là thông cảm với nỗi khổ tâm của tù xà lim trong chuyện ăn uống. Anh ta bao giờ cũng mở cửa cho tù ra nhận cơm ngay khi nhà bếp vừa gánh tới. Khốn nỗi, quản giáo làm việc luân phiên nhau, không phải ngày nào tù cũng được gặp Sứ giả hòa bình. Hách thuộc loại người khác hẳn. Mặt y lúc nào cũng vác lên theo hình mẫu lãnh tụ. Già nhưng đỏm dáng, y quan tâm tới nếp là quần áo hơn bữa cơm cho tù. Hách thường để cơm nguội tanh mới dẫn rượu vào khu xà lim. Lũ chuột thừa thời giờ ăn, ăn rồi còn ỉa cả vào những tô cơm tù.
Tôi quyết định nói với chấp pháp về tình hình cơm nước trong khu xà lim.
Hoàng nghe tôi chăm chú, im lặng một lúc lâu.
- Làm sao anh biết cơm bị chuột vầy?
- Tôi nhìn thấy.
- Anh trèo lên cửa sổ ngó ra?
- Phải.
- Anh trèo lên bằng cách nào?
- Bằng cách thông thường nhất. Như người ta thường trèo.
- Cửa sổ cao mà.
- Tôi có cách.
- Hừm, nghĩa là anh nhận anh vi phạm nội quy? Anh có biết làm như thế anh sẽ bị kỷ luật không?
Tôi cười khẩy.
- Tôi không còn gì để mất.
- Theo nội quy trại, anh có thể bị cùm một tuần lễ.
- Anh cứ cùm.
Hoàng không cùm tôi. Hôm sau tình hình được cải thiện - Hách phải đi theo nhà bếp để mở cửa. Cái giá phải trả được coi là rẻ - chúng tôi chỉ bị chuyển qua một phòng khác, cũng vẫn trong khu xà lim 1. Từ cửa sổ này tôi không nhìn ra sân được nữa.
Trong những lần ra rửa ráy, lấy cơm, trả bát tôi tò mò quan sát phòng giam Hoàng Văn Thụ. Nhân tiện ở đây tôi cũng muốn xem kỹ nó một tí. Thỉnh thoảng có đoàn tham quan vào, chắc họ tới viếng xà lim này.
Hoàng Văn Thụ cũng có lui tới nhà tôi trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám. Người hay nhắc tới Hoàng Văn Thụ nhất mỗi lần đến thăm cha tôi là một hàng binh có tên Việt là Chiến Sĩ, người Ðức (3). Ðược Hoàng Văn Thụ giác ngộ, từ một sĩ quan lê-dương Chiến Sĩ trở thành đảng viên cộng sản, tham gia tổng khởi nghĩa Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Mỗi khi nhắc tới Hoàng Văn Thụ giọng Chiến Sĩ bồi hồi, đôi mắt xanh của ông trở nên ướt. Ngồi nghe những người của thời trước, thời cách mạng chưa thành công, khi họ còn là những đồng chí thân thiết, tôi cứ ngẩn người ra mà ngắm - sao thời ấy họ đẹp thế!
Hàng ngày đi qua xà lim Hoàng Văn Thụ, tôi thường nghĩ về tình bạn giữa cha tôi và người anh hùng đã khuất với mối hoài nghi bất giác: nếu Hoàng Văn Thụ còn sống, liệu ông có trở thành một trong những tên đang hành hạ chúng tôi không?
Thành kể thời Pháp bức tường đá bao quanh Hỏa Lò không cao thế này. Vì nó thấp cho nên trong cuộc vượt ngục nổi tiếng trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám tù chỉ công kênh nhau đã leo được ra ngoài. Sửa chữa sơ hở của thực dân Pháp, chính quyền cách mạng đã bồi cao thêm chừng mét rưỡi nữa. Bây giờ vệt nối giữa bức tường cũ và đoạn được xây thêm trông còn rõ.
Từ trong xà lim 1 có thể nhìn thấy một mảng trời khá rộng với những cành sấu, cành me la đà nơi ngã ba Quán Sứ và Hàng Bông Thợ Nhuộm. Bên trong bức tường là mấy vọng gác gần khu trại nữ, trên đó mấy chàng lính trẻ chốc chốc lại cởi cúc quần ngẩn mặt ra thủ dâm trước những con mắt bị giam thèm khát màu xanh. Họ tưởng tù không trông thấy hay họ coi thường bọn tù trong xà lim, tôi không rõ.
So với xà lim 3, xà lim 1 đỡ vắng lặng hơn. Nó được dành riêng cho tù trọng án. Ðám tù này bất cần đời. Vào đến xà lim là họ hiểu họ không bị xử bắn cũng chung thân, nhẹ nhất là hai mươi năm. Khi buồn quá, họ hát ti tỉ, họ ngâm thơ, quản giáo có la hét thì họ vâng vâng dạ dạ tí chút rồi đâu vẫn hoàn đấy. Lại thêm một anh phi công Mỹ mới lạc loài vào, hẳn khu tù binh đã quá chật. Anh chàng này suốt ngày im lặng, thỉnh thoảng lại hứng lên ông ổng cất tiếng hát bằng giọng nam trầm, chẳng ra cái điệu gì. Hách xầm xầm chạy vào, mắng xa xả bằng tiếng Việt, người Mỹ cãi lại bằng tiếng Mỹ. Hai bên om xòm một hồi rồi chia tay, không bên nào hiểu bên nào.
Khu xà lim 1 còn tiếp giáp với trại nữ. Ban ngày trại nữ im ắng nhưng tối đến hoặc đang đêm lại ồn lên tiếng cãi lộn, những lời chửi bới thô tục. Thỉnh thoảng xảy ra một vụ đánh nhau, vẳng đến phòng chúng tôi tiếng gào the thé đến lạc giọng của những cô gáì:" Báo cáo bà quản giáo ạ, báo cáo bà quản giáo! Chúng nó đánh chết con rồi ạ!" Tù nữ ít khi đánh nhau, nhưng đã đánh nhau thì đánh dữ lắm, quản giáo không can nổi. Dẹp một vụ xô xát ở trại nữ mất cả tiếng đồng hồ. Phần lớn tù nữ là gái điếm, trộm cắp, còn lại là các thứ khác: buôn lậu, buôn bán tem phiếu (4), lừa đảo, đánh ghen vv...
Chúng tôi còn nghe thấy cả tiếng trẻ con khóc từ trại nữ vọng lại. Không hiểu có phải khi người mẹ đang cho con bú thì bị bắt nên người ta cho phép mang con vào theo, hay là tù sinh con trong trại. Thành trầm lặng hẳn khi nghe tiếng trẻ gào như mèo kêu trong đêm.
- Khốn nạn, vừa chào đời đã ở tù. Cũng là cháu Bác Hồ cả đấy, chẳng biết rồi ra nó sẽ là cháu ngoan hay là cháu hư? Hư là cái chắc. Ði qua nhà tù, mấy ai còn tử tế...
Trong đêm thanh vắng tôi nghe thấy tiếng người lao xao trên đường Hàng Bông Thợ Nhuộm vào giờ tan buổi chiếu bóng muộn. Có hôm, tôi còn nghe thấy tiếng một người quen. Hỏa Lò được thiết kế rất lạ: ở trong có thể nghe thấy tiếng bên ngoài, nhưng ở bên ngoài không thể nào nghe thấy tiếng người bên trong.
Chẳng bao lâu sau anh chàng Căn cũng theo chân chúng tôi qua bên này. Bằng cách nào không biết, chỉ một ngày sau anh ta đã biết sự có mặt chúng tôi ở đây. Ðể đánh tiếng cho chúng tôi biết, anh ta nghêu ngao bằng giọng khàn khàn vịt đực:
Em chờ anh tối qua
Suốt canh trường chẳng thấy anh ra...
Chú thích
1. Tại các trại giam mà tôi đã sống qua, thay vì gọi đồ đạc, người ta gọi đồ đoàn. Không rõ cách gọi này có xuất xứ từ đâu.
2. Lời một bài hát.
3. Tôi biết tên ông là Stefan, không nhớ họ.
4. Tem phiếu là từ chung dùng để chỉ các loại giấy phân phối các thứ hàng hóa từ gạo, thịt, đường, sữa...cho tới vải, xe đạp vv...Buôn bán tem phiếu cũng là một tội, chế tạo và lưu hành tem phiếu giả là tội rất nặng, có thể tới chung thân hoặc 20 năm tù ngồi.