Outside of a dog, a book is man's best friend. Inside of a dog it's too dark to read.

Attributed to Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ôi đề nghị cô bé trầm lặng ấy ở lại nhà tôi.
Tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ phải xa cô bé. Tôi biết cháu ra khỏi nhà vào giờ nào buổi sáng, và nếu về muộn, vào những tối Marie đi xem phim, cháu sẽ gọi điện báo trước để tôi đợi. Cháu kể tôi nghe thằng bé ăn những gì, nói những gì và vẫn bằng cái cách thức ấy, cháu đưa một bộ mặt khác của bố tôi vào cuộc đời tôi, cháu đưa hình bóng vẫn còn mong manh của con trai tôi vào cuộc đời tôi và làm cho tôi cảm thấy rằng có thể mình vẫn còn chưa mất thằng bé.
Tôi kể cho cháu về Carraz và lời hứa của bố tôi cách đây năm mươi năm.
“Ông có cách của ông, cô bé nói, cách riêng của ông, ông đã luôn nhất quán với lời nói của mình.
- Và cháu cũng có cách của cháu, mà chẳng biết cháu là tương lai của ông ấy, chính cháu đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời ông ấy.
- Vâng, có thể. Hoặc chỉ đơn giản là: vì ông cháu đã làm những gì mà bất kỳ ai cũng có thể làm.”
***
Ông mở cửa cho tôi cứ như ông đang đợi tôi đến thăm.
“Tôi cứ tưởng chúng ta nói chuyện xong rồi, ông lẩm bẩm.
- Cháu không biết. Cháu không thể nhớ được bác là người đã ngừng nói hay cháu là người ngừng đặt câu hỏi. “
Chúng tôi đi dọc hành lang đến phòng khách phủ đầy vải lên đồ đạc.
“Dù sao thì có thể là tôi chưa nói hết. Hoặc là tôi đã nói xong nhưng cậu muốn biết thêm chứ gì.
- Có lẽ vậy.
- Cũng có thể là cậu thấy tôi nói chuyện hay nữa.
- Có thể ạ.
- Nhưng có thể không phải vậy.”
Tôi cười.
“Cháu có phải năn nỉ bác không ạ?”
Ông không trả lời “có thể”. Thực ra, đằng sau tâm trạng cáu kỉnh đó có vẻ ông thấy được an ủi.
“Tôi đến Hà Nội vào đầu năm 1954. Lồng ngực tôi đầy mầm bệnh và ký sinh trùng, rồi cả cảm giác tức giận nữa... Có thể chừng ấy thời gian sống ở miền núi đã khiến tôi thực sự trở nên gàn dở, có thể là vì đã giết chóc quá nhiều, hoặc là đã thấy cả đống xác chết... Thử tìm hiểu nhé. Tôi đã phải nhanh chóng tháo lui: chúng tôi cắm chốt cho đến khi nếu ở thêm một ngày nữa thì sẽ là tự sát. Tôi thu xếp hành trang vào ban đêm - thế rồi bye-bye những người Xê Đăng và những ngọn núi của tôi. Chúng tôi đã hứa bảo vệ họ và những con người ngốc nghếch đáng thương đó đã tin tưởng chúng tôi. Khi họ trông thấy những chiếc xe tải đến, chẳng cần phải học Bách khoa mới hiểu được sắp có chuyện gì xảy ra. Ở một số nơi, họ ẩu đả lẫn nhau và phải đánh hoặc kéo họ ra thì họ mới chịu buông nhau. Họ biết chuyện gì đang chờ đợi mình... Người của tôi để cho chúng tôi đi mà chẳng nói năng gì, hai cánh tay buông thõng, và như thế còn tệ hơn là nếu họ chửi rủa tôi hoặc nếu tôi có phải đánh nhau với họ. Chính tôi mới là người phải cụp mắt xuống. Chính tôi ấy!
“Mười năm sau, cũng lại chuyện ấy xảy ra tại Algérie. Tôi thuộc đội đặc nhiệm Georges và chúng tôi đã lập ra tất cả các đơn vị lính bản xứ ở đó. Ối trời, lũ ngu xuẩn! Nếu mà có một đường dây điện thoại kết nối với người Xê Đăng thì có lẽ chúng sẽ kể cho họ nghe những điều như thế này: ‘Đừng tin lũ Pháp đểu giả! Chúng ngậm cái cu vấy máu của các người rồi ngày một ngày hai các người lại rơi vào cảnh đơn độc, như lũ ngốc, chỉ với lũ chó đói khát trên sa mạc để mút cu các người.’ Đám lính ngụy của chúng tôi, chúng chẳng hiểu gì sất, chỉ biết rằng chúng tôi đã hứa là chúng sẽ có chỗ trên tàu thủy của chúng tôi nếu có lúc phải nói lời từ biệt. Nhưng làm gì có chỗ trên tàu. Và chúng tôi phải hát cho chúng nghe: ‘Trong cuộc đời không nên lo lắng, các chàng trai ơi, vậy thì đừng lo lắng nhé... Chúng tôi đã ký kết một hiệp định tuyệt vời tại thành phố có tên là Évian và nếu các anh biết được việc này đã khiến chúng tôi lo lắng đến nhường nào, các anh bạn Ả Rập có làn da đẹp ơi, thì các anh sẽ cảm ơn chúng tôi. Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận tuyệt hảo cho các anh: không có sự trả thù, xin hứa đấy. Không có sự trả thù sao? Điều đó nghĩa là gì? Ái chà, thế là tôi biết những ai đã không được lợi gì từ một thế kỷ giáo dục của Pháp... Đơn giản lắm, chàng trai ạ: điều đó nghĩa là chính phủ của TÔI sẽ ngậm miệng trong khi chính phủ của ANH tra tấn anh đôi chút và tiến hành tàn sát ngay khi chúng tôi vừa quay lưng bước đi... Nếu anh không hài lòng thì cũng vậy thôi. Không, nhưng hãy biết ơn!’ Mà nhớ cho kỹ nhé, những kẻ có cơ may lên tàu cùng chúng tôi đều bị để chết mục trong các doanh trại, các trại tị nạn, chẳng được ai biết đến, bị khinh bỉ, bỏ rơi, bởi vì chúng tôi cảm thấy có lỗi nên càng không nhớ những cái mặt xấu xí và những kẻ mất dạy như họ, hừ... Cậu biết sao không, André? Tôi không xấu hổ về những gì mình đã làm, bởi vì đó là chiến tranh... Nhưng chuyện đó... chuyện đó làm tôi phát điên... Tôi đã thấy tất cả lũ mặt chuột ấy, người Xê Đăng, người Ả Rập, người Berber, và tôi muốn hét lên - hét lên rằng tôi xin lỗi, rằng đất nước tôi lẽ ra phải quỳ gối xin họ tha thứ và xin được trả giá. Trong lịch sử đất nước này, chuyện đó giống như cuộc tàn sát những người da đỏ và tình trạng nô lệ của người da đen tại châu Mỹ - nhưng với họ, họ nói về điều đó, họ viết về điều đó, họ cố gắng không chôn vùi chuyện đó. Còn chúng tôi, chúng tôi cho rằng cứ ngậm miệng thì rồi thời gian cũng sẽ xóa nhòa mọi chuyện. Nhưng sự đời đâu có như vậy! Khuôn mặt họ quay trở lại ám ảnh chúng tôi trong cơn ác mộng, con trai con gái họ lớn lên trong hận thù và phỉ nhổ vào mặt chúng tôi.”
Ông nghẹt thở vì giận dữ và đau buồn, khuôn mặt ông xám ngoét và ông giậm chân xuống nền nhà như muốn đập tung nền.
“Tôi đã khóc, con trai ạ, những giọt nước mắt lớn lăn trên má, nước mũi nước dãi chảy ròng ròng. Chuyện đó thật ghê tởm, tôi khóc vì chẳng thể nói hay làm gì được, chỉ biết cụp mắt xuống và cuốn xéo. Vợ tôi muốn nói điều gì đó nhưng tôi la hét át đi. Tôi còn nhớ tất cả những trò tôi đã làm để nói với bố cậu về cái người muốn làm vua. Cậu đã xem bộ phim đó chưa? Khi mấy tay bị đem đi nướng, họ đã nhảy luôn xuống vực ấy? Này, đó có thể chính là tôi đấy. Chúng tôi đã để thằng bé lại cho ông bà ngoại, lẽ ra tôi nên để cả mẹ nó lại bởi vì đi cùng với tôi đâu có gì hay... Cô ấy có thể làm gì ở Hà Nội, rồi sau đó là ở Pháp, cô sơn nữ bé nhỏ của tôi? Cô ấy sẽ tàn lụi, như khi tôi nhổ một cây cỏ mọc giữa vách đá rồi đem về trồng ngoài ban công nhà mình.”
Ông lặng im một lúc.
“Cậu đâu có quan tâm tới những chuyện đó.”
Ông vẫn nói bằng giọng giận dữ và tôi nhẹ nhàng trả lời:
“Cháu nghĩ rằng nếu không quan tâm thì cháu đã không có mặt ở đây.
- Ừ, đúng thế, hãy diễn Ramona(1) cho tôi xem...”
Giọng ông dịu lại.
“Tôi nói rằng cậu chẳng quan tâm. Chỉ vì bố cậu nên cậu mới tò mò. Tôi thông cảm với cậu... Tôi đã gặp lại ông ấy, vào những năm cuối. Ông ấy làm bên dân sự. Hết đợt tòng quân này đến đợt tòng quân khác, ông ấy đi hết cuộc đời quân ngũ của mình mà chưa bao giờ tham chiến. Ông ấy nói với tôi rằng ông ấy kinh doanh, và chuyện đó khiến tôi phá lên cười. Có thể là loại hình kinh doanh thê thảm nào chứ? Ông ấy buôn bán cái gì tôi chẳng biết, ông ấy mở một rạp chiếu phim ở Sài Gòn, cả một tòa báo nữa, và ông ấy ‘cung cấp dịch vụ’: ông ấy soạn diễn văn cho các chính trị gia sở tại. ‘Thế đổi lại thì mày được gì? tôi hỏi. Được tiền, được gái à?’ Ông ấy không trả lời. Ông ấy đưa danh thiếp cho tôi: Pierre Garnier. Xuất-nhập khẩu. Dịch vụ. 26, phố Pierre-Leroux (không tưởng). Tôi bắt đầu bông đùa về những dịch vụ mà ông ấy có thể cung cấp cho tôi. Ông ấy bảo với tôi là mình có một cậu con trai còn nhỏ và tôi nói với ông ấy: ‘Nhưng tao tưởng là con gái cơ mà?’ và ông ấy bật cười: ‘Tao cũng có một đứa con gái nữa.’ Tôi đã nhắc lại với ông ấy về núi rừng, về lời hứa của ông ấy. ‘Tao tưởng lúc ấy mày say rượu rồi chứ’, ông ấy nói. ‘Tao say. Chính vì thế mà tao bắt mày hứa được.’
“Ở Hà Nội chúng tôi cũng làm như ở Sài Gòn. Quầy bar, xúc xắc, những ly rượu... Cách đó bốn trăm cây số có cái trận chiến Điện Biên Phủ ấy, và có lẽ đó là một hành tinh khác. Chúng tôi nghe tin tức, lúc nào cũng là những tin xấu hoặc tin sai. Chuyện đó làm chúng tôi ngày càng khó chịu: chúng tôi biết chuyện, có những thằng thoát hiểm từ chiến dịch đường số 4, có những thằng tham chiến liên tục suốt từ năm mười bốn tuổi và vậy là chúng tôi biết rằng chẳng có sự khác biệt lớn giữa sống sót và bị giết. Chúng tôi nghe thấy tiếng cánh quạt của những chiếc trực thăng Dakota, tiếng máy bay Packet vù vù ngay trên đầu. Khi chúng tôi hô ‘súng cối’, ‘tiểu liên’, ‘pháo calip 105’, thì đó là thứ âm nhạc mà chúng tôi từng biết, âm nhạc của chiến tranh. Hơn nữa chúng tôi có những người bạn ở đó, và nếu chúng tôi không có thì cũng vậy thôi. Ngay cả đối với tôi, con trâu trắng của rừng núi, kẻ vẫn giễu cợt hết thảy mọi người, thì ở nơi đó, họ vẫn là những người anh em thân thiết của tôi.
“Chúng tôi thổi phồng tin đồn, và chúng tôi lái dư luận theo hướng mới. Cậu biết đấy, đến một giờ nào đó và đến số chén nhất định, tất cả chúng tôi đều thành tướng năm sao, với những chiến lược, kế hoạch, những đòn phản công... Đến sáng, những gì còn lại từ những câu chuyện ngu xuẩn đó chỉ là cái cảm giác rã rời... Chẳng cần trí tưởng tượng phong phú cũng biết thực tế nó như thế nào: những kẻ ở Paris chẳng muốn đóng góp thêm gì, ngoài hàng tỷ đô la người Mỹ đã chuyển cho họ. Chuyện đó thì họ chẳng lấy làm phiền. Cậu mà được nói chuyện trực tiếp với bất kỳ gã khốn nào trong số đó thì hẳn hắn sẽ nói với cậu rằng cuộc chiến này chúng ta không thể thắng đâu, tất cả những gì chúng ta có thể làm, đó là không để thua... Đấy, cậu thấy không, ngay cả chuyện đó... Trong khi chờ đợi, chiến tranh vẫn mang lợi lại cho hàng đống người, chiến trận, tiền đô la, tiền phơ răng, và thậm chí cả những đồng bạc trứ danh...”
Tôi ho và không thể ngăn mình ngắt lời ông.
“Nhưng bố cháu, bác đã nói rằng bố cháu làm ‘kinh doanh’...
- Ông ấy là cạ của tôi. Tôi không muốn hỏi để phải nghe những câu trả lời khó chịu. Ông ấy phải trở về Sài Gòn để giải quyết công chuyện nhưng ngày nào cũng bảo để mai đã, và ngày nào tôi cũng nói với ông ấy rằng tùy mày, cứ thoải mái tận hưởng thời gian, nhưng tôi biết ông ấy đang tự hủy hoại sức khỏe. Vậy là chúng tôi uống thêm một ly, chuyện trò thêm hai tiếng nữa và càng chuyện trò, chúng tôi càng thấy rằng sự nghiệp thất bại ấy, chính là sự nghiệp của chúng tôi.
“Điện Biên Phủ, chúng tôi không hay nhắc đến từ này, chẳng cần thiết. Chúng tôi gọi là ‘ở đó’. Những gì mấy tay ở đó phải chịu đựng, ngay cả những kẻ hèn nhát cũng biết mà chẳng có nhiều người hèn nhát, vài tên sĩ quan đỏm dáng, một vài thằng đểu nhảy cẫng lên ngay khi có tiếng pháo nổ - và đa số là những tay súng người Sénégal, Ả Rập và những tên nhà quê(2)...”
Tôi giật nẩy mình hay đã tái dại đi. Ông hướng về phía tôi cái nhìn đầy giận dữ đã được kìm chế đôi chút.
“Đừng làm bộ dạng đó. Nếu không thích những cái tên tôi gọi, thì cậu cứ tự nhủ đó là người ta gọi như thế và chỉ thế thôi... Tôi không phán xét họ bởi vì đa số họ không muốn đánh nhau ở Điện Biên Phủ - nếu như có một nơi mà ta khám phá ra rằng họ không chiến đấu vì máu thịt họ mà vì máu thịt của chúng ta, thì đúng là nơi đó đấy, trong ‘con phố không niềm vui’, như sau này một tay đã viết.
“Những người anh hùng, đúng, chúng ta có anh hùng. Thậm chí chúng ta còn biết cả biệt hiệu của họ: ‘tay Pierre’ để chỉ Langlais, ‘Bruno’ để chỉ Bigeard, ‘Dédé’ để chỉ Botella, và cứ như vậy... Họ có khuôn mặt xương xương, và đó là những kẻ lắm mồm, mặt thộn, như chúng ta, chỉ khác là họ được làm bằng đá hoa - một bản mẫu bị hỏng. Nếu những gã ấy tin vào điều đó thì cậu cho rằng chính chúng tôi mới là những người phải mất lòng tin sao? Ấy thế mà tất cả sắp kết thúc, sự im lặng sắp bao trùm lên chúng tôi và có lẽ chúng tôi sẽ bị chôn vùi như những xác chết dưới bùn lầy Điện Biên Phủ. Người ta cóc quan tâm đến lý do, dù xác đáng hay không, và chẳng có cao ủy nào đến thăm viếng, chẳng một quốc vụ khanh đang nhởn nhơ nào còn dám phỉnh phờ chúng tôi nữa. Dù tướng Navarre và Cogny không bắt tay nhau nữa, chúng tôi không biết điều đó, mà nếu có biết thì chắc chúng tôi cũng chẳng thèm quan tâm. Còn khi có chỉ thị, luôn là phải ‘giữ vững’, thì cậu có thể nhớ dần xem tay chân mình thừa thiếu thế nào là vừa. Chúng tôi ‘giữ vững’ bởi vì ngu và vâng lời. Trong đường hào tuyệt vọng, cậu đào và đào nữa, càng ngày càng sâu, và cái hố của cậu bị lấp không biết bao nhiêu lần, nhưng cậu vẫn cứ đào, và chỗ thì vẫn có đấy. Có lẽ không phải cho người mà là cho chuột, đúng vậy, một ngọn cỏ, một hòn đất.”
Thỉnh thoảng, ông rướn ngực lên và nói như thác lũ; hay như từng tràng đạn. Ông dường như nghẹt thở - thế rồi ông lại bắt đầu theo từng đợt, đột nhiên dừng lại để hít thở.
“Đi lấy cho ta một ly nào, con trai. Và làm ơn đừng bỏ thêm gì khác vào nhé.”
Tôi xuống bếp lấy chai whisky của ông. Tôi rót kha khá vào chiếc cốc duy nhất mình tìm thấy - một chiếc cốc in hình quảng cáo bằng nhựa màu vàng. Tôi trở lại phòng khách. Ông nhấp một ngụm, có vẻ hít thở tốt hơn.
“Vậy là chúng tôi trò chuyện, bố cậu và tôi, và một buổi tối chúng tôi đã quyết định với nhau. Ai là người đầu tiên có ý tưởng đó? Tôi không biết và điều đó cũng không quan trọng vì tư tưởng lớn thường hay gặp nhau. Từ cuối tháng Ba, những chiếc Dakota không hạ cánh xuống Điện Biên Phủ nữa, và việc nhảy dù ngày càng khó khăn... Nhưng có một số gã xung phong, lúc nào cũng có người xung phong... Một buổi sáng, cậu đi tìm một người bạn và anh ta chẳng còn ở chỗ đó nữa. Trong đầu, cậu cầu nguyện cho anh ta, ngay cả khi cậu không tin vào những lời cầu nguyện lắm. Hãy gọi cái đó là lễ Thánh ban cho những kẻ ngu xuẩn, Agnus dei(3) của những thẳng đểu, nhưng chúng tôi muốn tin vào Thượng đế của tổ tiên chúng ta, chúng tôi cầ̀n điều đó. Thế rồi khỉ thật, cờ hiệu của trung đoàn chúng tôi được ban phép lành tại Mont-Saint-Michel, và vào cái thời kỳ xa xưa tốt đẹp trước đó, Chúa chẳng hề sợ khi cho chúng tôi sử dụng đao kiếm. Tha lỗi cho tôi, già đi tôi lại đâm khoa trương, hồi hai mươi tuổi tôi không có cái kiểu ấy mà luôn bận rộn, trong khi bây giờ tôi thoải mái thời gian. Chỉ đơn giản thế này thôi: trong số bạn bè chỉ còn lại mỗi chúng tôi.
“Và thế là chúng tôi xếp hàng trong danh sách lính xung phong (một cái hàng kiểu Pháp: cả một mớ) gồm năm mươi thằng khốn cùng một giuộc với chúng tôi, khẳng định đã nhảy cả sáu lần nhưng hiềm một nỗi là đã đánh mất chứng chỉ. Những vụ nhảy dù thì họ đã từng thấy, hừ, nhưng là trên phim ảnh... Sự thực, tôi xin nói thẳng với cậu: nhảy dù đêm lần đầu, từ trên máy bay ở độ cao 250 mét so với mặt đất và nhiều khả năng rơi vào phòng tuyến của Việt Minh hay vào hàng rào thép gai. Tôi đã nói với cậu rồi đấy, chúng tôi rặt là những tên ngốc. Cậu biết người Pháp mà: lúc nào cũng càu nhàu, hở ra là gian lận. Ấy vậy mà đây thì chúng tôi lại còn chơi gian để xếp trước những tên kia. Với tính chất nhiệm vụ của mình - nhất là bố cậu - chúng tôi không có nhiều cơ hội được chọn; thế là chúng tôi gian lận... Tôi quen một sĩ quan ở bộ phận tuyển chọn và tôi đã tán hươu tán vượn với ông ta, chẳng còn nhớ thế nào nữa: tóm lại chúng tôi được đưa lên đầu danh sách. Chúng tôi chờ ở phố Hàng Đào, may một bộ quần áo truyền thống của người Việt: chúng tôi muốn tỏ vẻ là những nhà hiền triết già đời nhưng chúng tôi lại giống như một cặp rối. Thế rồi, giờ phút tòng quân đã đến: chúng tôi xuất phát ngay trong đêm đó.
“Đó là ngày 10 tháng Tư. Tôi biết vì tôi vẫn nhớ khi Béatrice(4) thất thủ - tôi không bao giờ muốn kiểm tra xem cái giai thoại đó có đúng không, cái giai thoại kể rằng những quả đồi tại Điện Biên Phủ được đặt theo tên các cô nhân tình của chỉ huy cứ điểm - gã đại tá de Castries đàng điếm. Có những lúc tôi thấy chuyện đó thật buồn cười nhưng có lúc tôi thấy thực sự tởm lợm.
“Chúng tôi bước vào phòng làm việc của binh đoàn trưởng. Ông ta thở dài đánh thượt khi thấy chúng tôi: ‘Cả hai cậu, tôi không biết làm thế nào mà các cậu tới được đây, nhưng giờ thì các cậu đã ở đây rồi. Liệu tôi có phải hỏi các cậu có tự tin vào bản thân không?’ Bố cậu và tôi, không chê vào đâu được, chẳng hề chớp mắt. Ông ta đưa cho chúng tôi một tờ giấy và chúng tôi ký ngay lập tức. ‘Coi như các cậu đã đọc trước khi ký,’ ông ta làu bàu, khá tử tế. ‘Các cậu có biết đọc không hay tôi phải đọc cho các cậu nghe? - Không, cảm ơn, thưa ngài trung tá, chúng tôi sẽ đọc.’ Buổi tối hôm đó, tôi đã phải hết mực tôn trọng nguyên tắc thứ bậc trong quân đội Pháp... ‘Tôi tuyên bố đã xung phong nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ... Tôi là người đã đọc, quyết tâm và ký tên.’ Cả hai chúng tôi vẫn khăng khăng và ký tên, thế rồi chúng tôi vui vẻ vỗ vai nhau ra về. Khi chúng tôi quay lại chỗ trú quân, gã đại úy chỉ huy tôi đang chờ với tờ lệnh cấm tôi nhảy dù. Chưa bao giờ trong đời, tôi lại rơi vào tâm trạng gần như muốn đập vỡ mõm một cấp trên như vậy. Tôi la hét và phản kháng, nhưng vô ích, không có cách gì. Nhưng tên khốn đó cần tôi, họ không muốn đùng một cái mất tôi, đối với họ tôi là người quý giá nhất trên đời - cậu không tin hả...
“Chúng tôi uống một ly với nhau ở nhà. ‘Ít nhất một trong hai đứa sẽ đến đó’, bố cậu nói, chẳng hề cay nghiệt, nhưng tôi như muốn bứt đầu ông ấy.
“Cuộc hẹn được ấn định vào 23 giờ, lúc những chiếc xe tải GMC phải chở họ đến Bạch Mai để cất cánh vào quãng nửa đêm và nhảy dù vào khoảng 3 giờ sáng. Phải nói với cậu rằng tôi giận điên cả người... Tôi thì... Còn bố cậu, tôi chưa bao giờ thấy ông ấy bình tĩnh đến thế. Bố cậu lúc nào cũng hay băn khoăn này nọ nhưng tôi đảm bảo với cậu rằng hôm đó ông ấy chẳng băn khoăn gì. Ông ấy lấy làm tiếc cho tôi nhưng bảo tôi là tôi sẽ phải gặp lại cạ cứng thôi, cuối cùng cũng đến lượt tôi thôi: biết đâu hai hôm nữa tôi sẽ được nhảy dù, và chúng tôi sẽ gặp lại nhau ở nơi đó.
“Tôi bực mình vì bị từ chối nhưng cũng vì có ra sức nói về bạn về bè thì tôi cũng sắp đánh mất người bạn đích thực duy nhất có được trong cuộc chiến tranh khốn kiếp này. Tôi không lường trước chuyện gì xảy ra: tôi đã tự chọn cho mình một thằng em trai mới và gã Cửng-cu trong số hai thằng em của tôi ấy không biết điều đó mà cũng không thể, ông ấy sẽ không nhảy dù mà không có tôi. Tôi đã nhắc lại với ông ấy lời hứa: ông ấy tưởng có một đứa con trai sau một đứa con gái thì sẽ được giải thoát khỏi những nghĩa vụ thiêng liêng đã hứa với Trâu Núi Trắng sao? Ông ấy phá lên cười: tao không chỉ có một đứa con ư? hai đứa hẳn hoi ấy chứ, nếu ông ấy vẫn còn nhớ? Nhưng cách ấy không qua được mắt tôi: với tôi, mọi chuyện không như thế, và nếu còn muốn ra vẻ ngốc thì ông ấy sẽ thấy đang nói chuyện với ai. Chúng tôi làm vài vòng quanh Cột Cờ, rồi vòng vèo khắp thành phố. Trông thì cứ như chúng tôi là hai gã say khướt nhưng không, họ có thể nốc cái gì họ muốn, chuyện đó chẳng thay đổi được gì. Ông ấy nói: ‘Mày không thể tước đi điều sáng suốt đầu tiên trong cuộc đời tao suốt mười năm nay, điều đầu tiên tao chắc chắn, điều đầu tiên mà với nó tao không bị dằn vặt vì chuyện đạo đức, về những gì phải làm hay không phải làm, với nó, không sợ hãi gì và không hung hăng cư xử như một thằng đểu hay một thằng hèn.’ Ông ấy bảo: ‘Mày không thể muốn làm điều đó, không thể nói rằng làm điều đó là đúng đắn và không thể đòi ngăn tao, chính tao đây, chỉ vì mày ghen tị và tức giận, bởi ở một nghĩa nào đó mày quan trọng hơn tao, quý giá hơn tao, và vì họ muốn giữ mày lại trong khi lại đồng ý quẳng tao xuống đó, với một khẩu P-M và ba trăm ống đạn.’ Tất cả những gì ông ấy nói đều đúng, và tôi không giận ông ấy vì đã nói ra điều đó, và nếu như ông ấy còn nói về con cái nữa thì hẳn tôi cũng phải công nhận rằng các con ông ấy giá trị chẳng hơn kém gì so với các con tôi, rằng ‘lời hứa’ hồi ở Tây Nguyên là tầm phào. Vấn đề là chuyện đó chẳng thay đổi gì... Dần dần, ý nghĩ đó hình thành trong đầu tôi nhưng tôi gạt đi khi biết rằng đã quá muộn: kẻ cứng đầu cứng cổ là tôi và rồi sẽ biết chuyện gì xảy ra.
“Tôi không thể nói với ông ấy về điều đó bởi hẳn là ông ấy sẽ không nhất trí và tôi không có cách nào thuyết phục ông ấy, chẳng có gì để giải thích, đó chẳng qua chỉ là một trong những khoảnh khắc của cuộc sống mà thôi. Tôi làm như chấp nhận tình cảnh, làm như mình đang buông xuôi. Dù sao, tôi cũng không quá sốt sắng bởi hẳn là ông ấy sẽ lo lắng nếu Trâu Càu Nhàu lại bỏ đi như thế. Ông ấy bắt đầu kể về con trai - về cậu đấy - ông ấy nói yêu thằng bé lắm, ông ấy chẳng hiểu sao lại yêu thằng bé từ giây phút ẵm nó trong vòng tay, yêu nó hơn bất kỳ người đàn bà nào, có khi ông ấy bật dậy lúc nửa đêm, vén màn, áp mặt lên ngực con trai để nghe nhịp thở của nó, chẳng có gì khiến ông ấy yên lòng hơn, chẳng có gì tuyệt vời hơn, chẳng có gì tươi đẹp hơn. Ông ấy nhớ nụ cười đầu tiên của cậu và có thể miêu tả lại rõ nét. Nhưng việc vừa là cha của cậu con trai và cũng đồng thời là cha của cô con gái thì có nghĩa gì, ông ấy vẫn chẳng có một chút ý tưởng nào. Ông ấy có thể yêu chúng đến mức làm chúng nghẹt thở, đúng, nhưng liệu yêu có phải là như vậy không? Thà rằng cuối cùng sống và làm tròn một việc gì đó có tính quyết định, có tính thực tế, một việc gì đó thể hiện bản chất con người mình khiến chúng nhớ đến nếu mình ra đi và khiến chúng tự hào về mình còn hơn. Một sự hy sinh. Tôi đã hét lên để cứu vãn thể diện rằng đó toàn là những điều ngớ ngẩn lãng mạn và tự phụ, không ai, không nơi nào có thể nói rằng các bà mẹ không cần đến chồng, anh em trai không cần đến chị em gái và - nhất là - con cái không cần đến cha mẹ. Ông ấy lắng nghe rồi nói: ‘Thế còn mày, cũng như tao, mày không báo tin tức cho mẹ mày từ bao giờ mày cũng chẳng nhớ nữa, mày đã mất liên lạc với em trai, bố mày đã chết và bố tao cũng vậy, mày có một thằng con mà mày chẳng bao giờ thăm hỏi, mày sắp bỏ rơi vợ mày, thế mà mày có thể nói với tao những lời đó sao? Mày là người bảo đảm trật tự thế giới à? Hãy để tao yên và câm ngay những lời bậy bạ của mày đi.’
“Lúc đó tôi đã táng cho ông ấy một phát vào mõm. Tôi không nổi giận, không hề, tôi chỉ đợi đúng lúc để đập bể hàm ông ấy thôi. Bởi vì làm ông ấy bất tỉnh thôi thì chưa đủ, hừm, ai mà biết được, hẳn ông ấy có thể tỉnh dậy mà gào lên: phải tống hắn ra quân. Đó là một đêm mưa phùn. Tôi kéo ông ấy vào chỗ trú để ông ấy không bị ướt quá: với ông ấy, có thể nói tôi là một người mẹ. Tôi đến đúng lúc để trèo lên chiếc xe tải và tôi thấy vui vui khi điểm danh hộ ông ấy. May mắn thay, tôi chẳng biết ai trong tiểu đội nhảy dù, và dù sao đi nữa thì người nào cũng cô đơn với chính mình và với da thịt quý giá của mình. Trong suốt thời gian ô tô chạy đến Bạch Mai, tôi không thèm quan tâm đến hậu quả, tôi chỉ sợ bố cậu tỉnh dậy báo động, để ngăn tôi nhảy dù. Về phần ông ấy, như vậy là đã giải quyết xong: không ai có thể phái một thằng dở hơi vỡ hàm nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Cậu tưởng tượng xem, bác sĩ Grauwin tốt bụng và cô Geneviève yêu quý, thiên thần của Điện Biên Phủ, đang tự nhủ có phải người ta giễu cợt họ hay không khi phái thương binh từ Hà Nội tới trong khi thương binh chỗ họ đang chất đống trong cái ổ chuột mà người ta vẫn quen gọi là ‘bệnh viện’?
“Nếu họ nhận ra trò gian dối của tôi lúc tôi nhảy dù thì tôi cũng không hình dung được Langlais hay người nào khác lại cho tôi vào tù - giả dụ có một nhà tù ở đó. Nếu tôi từ đó trở về, tôi sẽ phải giải trình với bố cậu, và sẽ đến lượt tôi nhận một cái tát... Kể cả khi tôi chìa thêm má trái cho ông ấy: cậu xem, tôi trở thành tín đồ Cơ đốc giáo và dại dột.
“Tới Bạch Mai họ dẫn chúng tôi đến khu chứa máy bay và ở đó vài lính nhảy dù trong nhóm hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng hai chiếc dù, chỉnh đai, xếp túi sắc và vũ khí, cùng toàn bộ những thứ khác... Tôi dễ dàng ghi nhớ tất cả, cứ như tôi đã được mụ dạy trong giấc mơ, và tôi nhớ từng quy trình cho đến lúc nhảy dù. Sau đó... tất cả những gì tôi biết là tôi phải xuống đồi ‘Épervier’(5).
“Chúng tôi cất cánh quá nửa đêm một chút. Tôi là người số một trong nhóm bảy người nhảy đầu tiên. Tôi biết phải nhảy không chần chừ ngay sau tiếng ‘Go’ đầu tiên bởi vì chiếc máy bay DZ bé đến mức chỉ cần một giây chậm trễ là cả lũ sẽ đi nghỉ mát vĩnh viễn tại lãnh thổ của ông Giáp. Tôi gần như đờ người ra trong suốt hơn hai giờ bay. Tôi không thể nói với cậu rằng tôi có nghĩ mình sắp chết hay không. Tôi chẳng quan tâm, tôi đã làm những gì phải làm và bố cậu cũng vậy: việc nào ra việc ấy. Khi ánh đèn trắng bật lên, tôi móc đai bật tự động vào dây cáp và sẵn sàng trong tư thế đứng bên cửa. Phía dưới chẳng khác nào không khí ngày Quốc khánh: hệ thống phòng không, pháo sáng, đạn vạch đường, tất cả hiện dưới quầng vàng của chiếc máy bay đom đóm trứ danh bay ở độ cao 3.000 mét. Đèn xanh bật lên cùng lúc với tiếng còi: Go!
“Một chút sáng suốt sót lại. Tôi vẫn nhớ lời của sĩ quan huấn luyện: ‘Cậu từ từ đếm đến ba. Nếu vẫn mất cân bằng thì cậu kéo nắm bên phải.’ Một, hai... sốc khi dù bật mở. Lơ lửng trên không trung, phía trên chữ T mờ ảo được hình thành từ những ngọn lửa đỏ trong các chậu cát có xăng.
“Đồng đội, cha cậu, tôi quên hết.
“Tôi đã nghĩ chuyện chẳng tệ đến thế.
“Thế rồi tôi chạm đất, không mạnh như vẫn tưởng. Lăn trên mặt đất, mở khóa cài. Một hơi thở, một tiếng nổ: một trái pháo 105 lăn tới. Tôi không biết mình đang ở đâu, tôi rút la bàn ra. Đồi Épervier ư? Lời nhắn nhủ đến từ kiếp trước: cần phải đến đồi Épervier. Những người khác đâu? Tôi chẳng thấy gì. Ánh sáng, âm thanh. Trước mặt tôi, một mạng lưới đường hầm trống trơn, dây thép gai. Tôi đi đến đó. Thế rồi một tia sáng mờ mờ, mái của một cái lều trú ẩn. Một số gã đang ngủ: một đống người. Một gã cụt tay hỏi xin tôi lửa. ‘Cậu từ đâu chui ra vậy?’ Tôi giải thích với anh ta. Không ôm hôn chào hỏi gì. ‘Cậu đến đồi Épervier phải không? Đúng chỗ rồi đấy. Để tôi dẫn cậu đi.’ Và tôi đến Tiểu đoàn dù số 8 như vậy đó - ‘Pierrot’ nói.”
Carraz lắc đầu nhiều lần, như bị mắc vào những suy tư dữ dội, đau đớn mà ông không thể chia sẻ cùng ai.
“Đêm hôm đó - đêm ngày 10 tháng Tư - chúng tôi thoát khỏi trận chiến điên cuồng để chiếm lại đồi Éliane 1(6) do Bigeard chỉ huy, súng phun lửa trên đầu. Ôi, các quả đồi Éliane, các quả đồi Éliane khốn kiếp, đánh chiếm, bị mất, tái chiếm và lại mất - những con đĩ mà cậu căng ra mới chiếm được và chừng nào còn chưa được sở hữu thì cậu đặt cho chúng những cái tên ấy, còn khi cậu chiếm được rồi thì chúng dúi cậu vào giữa hai chân, chúng bị cày xới, phá hủy, cưỡng hiếp, trở nên gai góc, và khi cậu để mất chúng, cậu vẫn cứ nghĩ về chúng... Thực ra đặt tên con gái cho những quả đồi này là một ý tưởng xuất thần, người ta có thể vừa yêu vừa ghét, vừa đắm mình trong đó rồi chết vì chúng.
“Ngày hôm sau có lễ Phục sinh và tôi, người vốn chẳng tin vào điều gì, lại thấy hài lòng khi có mặt ở đó và thầm thì cầu nguyện, việc mà tôi không làm nữa từ khi còn nhỏ. Đúng, thật dễ chịu khi nói những câu Pater Noster(7) dù có thiếu mất một nửa...
“Rồi sau đó...
“Sau đó, tôi biết nói gì với cậu đây. Trong phim của Schoen, đó là lúc chỉ còn mỗi bóng tối và ánh sáng, những tiếng ọ ẹ trên loa truyền thanh. Tôi muốn nói: chẳng còn lịch sử nữa, tất cả đã thất bại, tất cả vụn ra từng mảnh. Theo tôi, đúng là như vậy: chúng ta không thể nói nhiều hơn. Chúng ta không muốn nói nhiều hơn. Nếu cậu nói những từ: hầm, bùn, súng cối, điều đó chẳng có nghĩa gì. Chúng tôi nhớ những câu bông đùa chẳng còn làm ai cười được nữa: đường hầm chúng tôi gọi là ‘tàu điện ngầm’. ‘Đổi tàu ở Châtelet, hướng Château-de-Vincennes.’ Chúng tôi nhớ những chiếc dù giá một trăm nghìn quan trở thành ga trải, khăn lau, vải liệm... Đó là những mẩu, đoạn, thậm chí chẳng phải là kỷ niệm, mà cậu khắc sâu trong lòng và cậu chỉ có thể chia sẻ với gã nào cũng từng trải qua những chuyện tương tự. Nếu không, chuyện đó trở nên... thô bỉ... Tôi không đến dự những cuộc họp cựu chiến binh, thậm chí tôi chẳng đi nhận chứng chỉ nhảy dù (nói riêng với cậu, phải mất hai năm gây gổ với chính quyền mới được công nhận có chứng chỉ đó, bởi chúng tôi đã nhảy qua sáu lần, cậu hiểu chứ...): đã bốn mươi chín năm rồi tôi không nói chuyện này với ai.
“Vậy nên, tôi chỉ nói với cậu rằng mùa hè ập xuống đầu chúng tôi: trời bắt đầu mưa và hầm đầy nước. Trước đây bùn ngập đến mắt cá chân; bây giờ thì nói thẳng là bơi trong sình lầy. Chúng tôi bỏ mặc những kiện hàng từ mấy đợt thả dù mới nhất ở nguyên nơi chúng rơi xuống bởi vì không còn sức đi lấy và khuân chúng về nữa, xác người cũng bị bỏ lại nguyên đó với đám nhặng vo ve xung quanh. Khắp nơi bốc mùi phân và da thịt thối rữa. Sau này, tôi đã đọc một cuốn sách và có câu này đập ngay vào mắt tôi: ‘ngạc nhiên khi thấy mình còn sống’... Tôi không biết gã ấy muốn nói gì nhưng tôi biết điều đó có nghĩa thế nào với mình. ‘Ngạc nhiên khi thấy mình còn sống’, thật là khác thường! Cậu xem, Điện Biên Phủ chính là nơi dạy cho tôi tất cả về triết học. Và tôi còn có bằng ấy chứ, không phải sao: tôi đã sống sót.
“Chúng tôi thấy một sĩ quan hay một ai đó khác - Bigeard hoặc Langlais chứ không đời nào là đại tá de Castries - đi đến giữa chúng tôi, mũi khoằm, mắt sáng, và thế là đủ cho chúng tôi cả ngày hôm đó. Đôi khi Langlais phái người chuyển cho chúng tôi một két rượu vang Vinagel với đường, thứ đó giá trị như rượu sâm banh. Chúng tôi yêu họ, những sĩ quan đó, và họ cũng yêu mến chúng tôi: không được bắt chúng tôi nói xấu họ nhé.
“Đêm trước ngày thất trận, phía Việt Minh phát bài Khúc ca giải phóng(8) trên đài phát thanh: Bạn ơi, bạn có nghe tiếng đàn quạ đen bay trên đồng bằng của chúng tôi... Bạn ơi, bạn có nghe tiếng gào âm thầ̀m của đất nước bị xiềng xích... Khi nghe bài hát được sáng tác dành cho chúng tôi, mười năm trước, niềm tự hào của chúng tôi bị phủ một lớp đắng cay mà chúng tôi, mỗi người một góc, chịu đựng một mình. Đó là điều mà tôi oán giận quân Việt Minh, phải - tôi thông cảm với họ và thậm chí có chút ngưỡng mộ họ, nhưng dù sao tôi cũng oán giận họ. Họ đã đánh bại chúng tôi, đồng ý, nhưng chẳng cần giáng một đòn chí tử đến thế.
“Điều điên rồ nhất là chúng tôi tin vào chiến thắng, cho đến ngày cuối cùng, cho đến sáng ngày 7 tháng Năm khi chúng tôi nhận được lệnh cắm súng xuống đất rồi bắn hết đạn trong khi nghe thấy một tiếng nổ mới, sau này trở nên nổi tiếng trong tất cả các cuộc chiến tranh, thứ vũ khí do người Nga cung cấp: dàn pháo của Staline.
“Trên các đài phát thanh chúng tôi lại nghe thấy những lời kêu gọi cuối cùng: ‘Bruno de Brèche, chấm dứt rồi... Bruno de Dédé, kết thúc rồi...’
“Chúng tôi nghe thấy tiếng la hét rồi thấy họ tới, những con người nhỏ bé mặc quần áo màu xanh lá cây, tay cầm vũ khí, không bắn, bước qua các xác chết, những mảnh tử thi người Việt và người Pháp hỗn độn, đôi khi chồng đống như những bao cát.
“Tôi thấy một đàn quạ bay lên: chúng bay kín bầu trời, bay qua thung lũng từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Hay có lẽ chỉ là trời tối đen.
“Thế là im lặng bao trùm...”
Carraz đột ngột đứng lên, để tôi một mình trong phòng khách. Hai đứa trẻ da đen kéo cung điểm giờ. Carraz quay lại với một chai rượu - vẫn là chai whisky ấy: tôi không thích thứ này nhưng không nỡ lòng nào từ chối.
“Cậu biết tại sao lại dễ dàng câm lặng về chuyện đó không? Chẳng ai muốn biết. Dường như trong cuộc sống cần phải ‘tiến lên’, trong khi những câu chuyện như vậy níu chân cậu lại. Khi cậu quay lại nơi đó, những người mà cậu cùng uống bia và tếu táo lại chính là những người Việt dẫn cậu đi tham quan. Đó là những người duy nhất có ý tưởng về câu chuyện, bởi vì từ phía bên kia, theo kiểu khác, nó cũng chẳng ghê gớm gì.
- Bác đã quay lại nơi đó chưa?”
Carraz cười phá lên.
“Du lịch theo đoàn ư... đoàn bay riêng và xe bus trọn gói... Không, cảm ơn, cái đó không dành cho tôi. Dù sao đi nữa thì lúc nào tôi cũng quay trở về nơi đó, đêm nào tôi cũng đến đó miễn phí. Và cậu biết gì không? Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa từng thấy điều gì tệ hơn, nhưng cũng chưa từng thấy điều gì tốt đẹp hơn. Cậu có hiểu không đấy?
- Có thể...
- Ái chà cậu giỏi hơn tôi bởi vì tôi thì chẳng hiểu gì. Chuyện đó vượt quá sức tôi. Nhưng chuyện là như vậy.
- Chuyện gì xảy ra sau đó?
- Cậu không chán ngấy cả câu chuyện này à?
- Khi nào chán cháu sẽ bảo bác. Nếu không thì cháu sẽ đứng dậy và bỏ đi.
- Trải qua chừng ấy thời gian với tôi, cậu cũng trở nên đáng yêu như tôi vậy.”
Ông nhấp một ngụm whisky, chùi mồm bằng nắm tay.
“Sau đó, họ dẫn chúng tôi đến doanh trại. Doanh trại là vài ngôi nhà sàn lợp tranh, giữa rừng, chúng tôi bị lèn chật ních, chẳng có gì ăn, uống thì uống thứ nước lờ lợ và chẳng có thuốc men để chữa bệnh. Khi chúng tôi đến nơi, có hai thằng láu cá hài lòng vì thấy không có rào thép gai - chắc chắn chúng nghĩ rằng tất cả chúng tôi đang diễn trong bộ phim Cuộc vượt ngục vĩ đại. Họ không chăng dây thép gai vì họ không cần đến nó. Chúng tôi đã kiệt sức vì cuốc bộ hàng trăm cây số, và khắp xung quanh là khu rừng ẩm ướt, dày đặc. Thế mà những anh chàng láu cá của chúng tôi đã thử trốn trại. Vài ngày sau, bộ đội Việt Cộng đem về được một gã, họ để xác anh ta lên cái mễ giữa doanh trại: anh ta đã bị một con dã thú ăn thịt và hàng tỉ con ruồi cãi vã chia nhau phần còn lại. Họ để anh ta cho chúng tôi hai ngày để mặc niệm, rồi họ ra lệnh cho chúng tôi dùng xẻng chôn anh ta ở chỗ khác. Sợ sệt như thế mà chúng tôi còn tìm cách đào cho anh ta một cái hố và cầu nguyện cho anh ta.
“Trước đây tôi thường gặp ác mộng và giờ thỉnh thoảng cơn ác mộng đó vẫn trở lại. Tôi mơ thấy mình tỉnh dậy vào nửa đêm, xuống thang và đi qua trại; tất cả lính gác đều thức, họ hút thuốc, họ nói chuyện với nhau và họ phá lên cười để cho tôi đi... cứ như họ nói với tôi: ‘Đi đi, anh bạn, cứ đi dạo một lát đi...’
“Cậu xem, chiến tranh đã đành một chuyện, nhưng các trại... Những gì mà cậu đã nhìn thấy, cậu còn không muốn kể ra. Kể ra để làm gì? Để đầu độc cuộc sống mọi người à? Đó là đói khát, bệnh tật, giọng nói của tuyên truyền viên, mùi hôi, tiếng ồn, cáu ghét... Nhất là cảm giác đã ở dưới đáy hố... Sau đó cậu chờ đợi họ, những gã muốn kể cho cậu nghe những câu chuyện về nhân loại và tiến bộ. Cậu biết nhân loại là gì, cậu biết nhân loại có thể làm gì để sống sót và việc đó chẳng đẹp đẽ gì. Đương nhiên có những người trung thành, thậm chí khá đông. Trong Kinh Thánh, chỉ cần có một người công minh chính trực là đủ để cứu cả nhân loại; trong cơn ác mộng đó, chỉ cần một thằng đểu là đủ để điều khiển cả nhân loại.
“Cậu xem, đối với một gã không bao giờ đọc sách và chẳng tin vào điều gì... Tôi định nói là mình đã tiến bộ, nhưng cậu cũng có thể gọi cái đó là sự lẫn cẫn. Tôi đọc Kinh Thánh, dù có thiêng liêng hay không, tôi tìm thấy ở đó những câu chuyện nhớ đời. Khi tôi ra đi, người ta sẽ có thể chế tạo một gã không quá tệ với bộ xương của tôi.
“Tôi đã nói với cậu rằng tôi chẳng muốn nói chuyện với ai nhưng không phải thế. Tôi có một đứa con trai. Tôi không nói đến đứa kia, đứa con rừng núi của tôi, mà là đứa đầu, đứa mà trước đó tôi chưa từng gặp. Khi chúng tôi gặp nhau, nó lên mười tuổi. Lần đầu tiên nó gọi tôi là ‘ngài’... Chúng tôi chưa từng sống cùng nhau, thậm chí tôi nhớ chúng tôi chưa bao giờ cùng ngủ dưới một mái nhà: tôi chẳng biết thế nào là tình cảm thân thương của đứa trẻ cùng mình chạy trong khu rừng hay thăm các lâu đài sông Loire. Và thế đấy: sang năm con trai tôi sáu mươi tuổi. Thậm chí tôi không thể nói rằng nó đã bỏ rơi ông bố già ngu ngốc. Không, cứ ba tháng nó lại đến thăm tôi rồi chúng tôi đi ăn pizza và uống Valpolicella(9) và chúng tôi ngán ngẩm ngồi nói chuyện bóng đá. Thỉnh thoảng tôi bặm môi lại vì nhớ đến một cuộc tấn công, và tôi nhớ rất rõ những chuyện vô tích sự - tỉ số, bốn/hai, của một trận đấu giữa Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn-Chợ Lớn, ngày 27 tháng Ba năm 1946, bảng giờ nhà tắm hơi, phố MacMahon, từ 16 giờ đến 19 giờ dành cho đàn ông, hàng chục cái tên, địa chỉ, quảng cáo, những số điện thoại, v.v... Thế là tôi nhận ra rằng con trai tôi, con trai lớn tuổi của tôi, đang có mặt ở đó, nó có cái vẻ lo âu đến buồn cười: ‘Bố không ổn à?’ (cậu xem, chúng tôi đã tiến bộ, mất nửa thế kỷ để chuyển từ ‘ngài’ sang ‘bố’.) Không, con trai ạ, không ổn chút nào, cuộc đời bố là cuộc đời chó má và ngay cả với con - người quý giá nhất mà bố có trên đời này - bố cũng không thể nói được ra những gì bố muốn. Có phải một người cha không nên cởi mở lòng mình với con trai không? Có phải con trai không nên năn nỉ cha chuyện trò với mình không? Liệu sau này nó có hối hận không? Khi nằm dài một mình trong bóng tối, tôi đặt ra những câu hỏi đơn giản với những câu trả lời giản đơn: có, có, cái gì cũng có. Nhưng khi tôi ở trước mặt nó, suýt nữa thì chính tôi gọi nó là ‘ngài’... vâng, tôi mắm môi lại để không nói gì, có những đoạn cầu nguyện từ thời thơ ấu dâng lên cổ họng: ‘bây giờ và vào giờ phút cái chết của chúng ta’ và vào giờ phút cái chết của tôi, mỗi khoảnh khắc, mỗi khoảnh khắc tôi lại khuôn mình theo nhịp độ chậm lại, bị một cú sốc, mỗi khoảnh khắc anh lính gác người Việt mỉm cười với tôi và tôi bung ra thành từng mảnh sáng dưới đạn lửa, rồi tôi ngã xuống và có thời gian nghĩ đến nỗi đau đớn mà không còn cảm nhận nổi. Tôi có cả một loạt những nỗi hối tiếc dữ dội không kịp đặt những cái tên hay những khuôn mặt cho nó, chỉ một cơn sóng cảm xúc bao trùm lấy tôi, đè lên tôi, tôi nghẹt thở, và nếu mở miệng thì tôi còn nghẹt thở hơn nữa, vậy là tôi nín lặng và tôi để con trai trả tiền bởi vì tiền nó kiếm được trong một tháng nhiều hơn tôi kiếm cả đời.
“Tôi trở về nhà, giam mình trong phòng vệ sinh, nhắm mắt lại trong vòng một tiếng đồng hồ bởi vì tôi đau bụng và cơ thể già cỗi của tôi cọt kẹt, phản kháng và tôi nhớ lại cách diễn đạt hồi còn ở trại, ‘xuống chuồng trâu’, bởi vì nếu bị phạt chúng tôi phải ngủ qua đêm dưới gầm nhà sàn, cùng với trâu và lợn, nhưng chúng tôi không xuống ‘chuồng lợn’ mà xuống ‘chuồng trâu’, rồi cậu sẽ biết tại sao như vậy. Những chi tiết quay trở lại, cái nhà ngủ ấy nơi chúng tôi nằm sát sạt nhau đến nỗi khi có một người trở mình thì tất cả những người khác cũng phải đồng thời trở mình, chúng tôi trở thành những con sâu, đói khát, ốm yếu. Tuần đầu tiên có một tuyên truyền viên người Việt và chúng tôi học bài ‘Bây giờ các ông hãy nhắc lại lời tuyên bố: ‘chúng tôi khinh bỉ thực dân Pháp đã buộc chúng tôi tàn sát nhân dân Việt Nam... Chúng tôi tha thiết yêu cầu một nền hòa bình chính đáng, tôn trọng tự do của dân tộc Việt Nam... Chúng tôi biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chia sẻ nguồn thực phẩm của nhân dân Việt Nam để đối xử nhân đạo với chúng tôi’...’ Gã không thể làm được gì nhiều với chúng tôi và thế là gã bị thay. Tôi mất năm phút để hiểu rằng đó là Garel, bạn của bố cậu. Tôi nhớ ra ngay vì biệt danh mà trước đây tôi đã thấy buồn cười: cá khôn. Khôn lanh, gã khôn lanh hơn những kẻ ngu xuẩn khác. Gã nói rằng gã hiểu nỗi thống khổ của chúng tôi, rằng chúng tôi là nạn nhân của những nhà chính trị và của một liên minh quốc tế vĩ đại vì lợi ích tư bản. Gã gọi các bài giảng của gã là ‘những cuộc trò chuyện’. Trong số các tù nhân, phần lớn ghét cay ghét đắng mình nhưng cũng có những người mặc kệ - nói thực ra không phải điều gì gã nói cũng ngu xuẩn, chỉ là cái khung cảnh nói chuyện không ổn thôi. Khi nói đơn giản thì gã rất thuyết phục, nhưng luôn có những lúc gã sử dụng những từ ngữ khoa trương và khi đó, chúng tôi phải bịt tai lại. Để mua vui bạn bè, tôi nói với họ biệt danh của gã, và lần nào cái mẹo đó cũng phát huy tác dụng. Một hôm, khi máy đo sự ngu dốt của gã chạm vạch đỏ, có một kẻ hét lên từ cuối lớp: ‘Này, cá khôn!’ và gã đỏ bừng mặt như một thiếu nữ, gã tháo kính ra rồi lau kính, sau đó tiếp tục giảng bài. Gã không bao giờ nhẫn tâm và không bao giờ hành xử tồi tệ vì những gì chúng tôi nói - cần phải thừa nhận rằng chúng tôi chẳng nói gì to tát, trừ một nhóm nhỏ tình nguyện tham gia chuẩn bị cho cuộc cách mạng toàn cầu, vì hòa bình thế giới cho muôn đời sau.
“Một hôm tôi nhận ra một gương mặt phía sau gã: đó là Bằng Sơn. Anh ta và tôi lẳng lặng nhìn xung quanh, nhưng không có nhiều những người trước đây tham gia đoàn hành quân của Sư đoàn Thiết giáp số 2. Buổi tối, tôi lên cơn hận. Trong trại có một người mà tôi có thể gây ảnh hưởng - một kẻ còn sợ hãi hơn cả tôi. Đương nhiên, anh ta đã có thể nói với họ mình từ đâu đến; nhưng anh ta không thể nói tất cả với họ và trong các giấc mơ tôi có ý nghĩ rằng mình có thể làm hại tên phản bội này.
“Trong các buổi trò chuyện chính trị, tôi tập căm thù đến tận xương tận tủy Bằng Sơn. Căm thù chẳng phải việc gì khó khăn khi lũ bạn cậu đã chết, khi những người khác quấy rầy cậu với những bài diễn văn của họ, khi cậu lúc nào cũng đói bụng. Rồi có những câu chuyện họ kể cho chúng tôi nghe, chẳng rõ là thật hay dối trá, rằng chính phủ bỏ rơi chúng tôi và thậm chí không cho cả tổ chức Chữ Thập Đỏ chuyển hàng cứu trợ đến cho chúng tôi, có những tuyên bố mà chúng tôi phải ký vào, có những khúc hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, có hy vọng hèn nhát nảy sinh khi chúng tôi nghe nói rằng những danh sách tù nhân đầu tiên có thể được trả tự do đã được lập và chúng tôi tự nhủ: tôi là người đầu tiên, tôi đã chẳng nói điều gì xấu, và tôi đã không có thái độ tồi, tôi đã không nổi giận, tôi đã không yêu sách, không như Lopez hay Lastin; tôi cảnh giác cao độ, ngay cả khi chúng tôi đã ký tất cả các giấy tờ, thì hẳn là họ vẫn quan sát chúng tôi, thằng khốn Garel ấy sẽ chọn ra ai là người chân thành và ai đóng kịch, liệu tôi có nên nói với gã rằng tôi là bạn của Garnier không? Khốn nạn thân tôi, chắc gã biết tên tôi và với câu đùa ‘cá khôn’ chắc chắn gã đã nhận ra tôi và trả đũa tôi, gã đã bỏ tên tôi ra khỏi danh sách - thế rồi tôi thấy cái nhìn của Bằng Sơn, đờ đẫn dán vào tôi, vì vậy mà trong tôi nảy sinh một suy nghĩ khiến người tôi nóng bừng lên còn máu thì sôi sùng sục: chắc chắn tôi có thể giết chết hắn ngay khi họ trả khẩu P-M và băng đạn cho tôi.
“Tiếp đó có Blondeau. Blondeau là lý do cho niềm tin tưởng của chúng tôi, lý do để chúng tôi giữ phẩm cách. Ông kể với chúng tôi rằng khi ở trong trại tập trung tại Đức, một nhà văn bảo tất cả mọi người cứ tưởng tượng cảnh có một cô gái ở giữa họ và ý tưởng đó khiến chúng tôi thích thú, thế là chúng tôi tạo ra một phụ nữ. Cô nàng thay đổi tên, lúc thì tên là ‘Đức Bà Rượu vang rởm và Khoai tây chiên’, ‘Đức Bà Lầu xanh’, lúc thì chỉ tên là ‘Đức Bà’, và đêm đến chúng tôi gán vào đó gương mặt những giấc mơ của chúng tôi, chúng tôi thủ dâm hoặc cầu nguyện. Blondeau là sĩ quan, vì vậy ông ấy sẽ không nằm trong danh sách những người đầu tiên được trả tự do - vả lại lẽ ra ông không nên ở cùng chúng tôi, mà phải ở cùng với những Bigeard, những Langlais, những ngôi sao, nhưng ông đã xoay xở để ở lại với chúng tôi. Blondeau có thể trạng ốm yếu nhưng tinh thần ông bình thản đến lạ thường, chỉ để lộ sự đau đớn do chứng co giật làm biến dạng khuôn mặt. Ông đã đánh mất mái tóc màu đen, ông xanh xao, nhưng vẫn tìm được những lời nói đem lại hạnh phúc trong ngày cho cậu. Tôi nói với ông về Bằng Sơn và ông bảo cũng vẫn nhớ anh ta. Tôi nói với ông về những ảo ảnh giết người và ông bảo mình cũng có những ảo ảnh như vậy. ‘Nhưng cậu biết không, ông nói với tôi, khi cậu là con người và nếu gặp dịp thì hẳn sẽ thật tuyệt khi chỉ bằng một lời cậu có thể cho giết một gã, tra tấn gã - hoặc gây cho gã những điều phiền muộn nhất. Cậu thực sự có thể làm điều đó. Cậu hình dung rằng việc đó có thể - và thẳng thắn mà nói nó làm cậu dễ chịu. Thế rồi càng ngày cậu càng nghĩ đến việc đó và cậu hiểu rằng mình sẽ không làm việc đó. Không phải bởi vì việc đó là ‘xấu’ - cậu cóc quan tâm việc đó là tốt hay xấu. Không, mà vì cái lý do lạ thường này: vì khi cậu không làm việc đó, cậu còn cảm thấy nhẹ nhõm hơn nữa.’ Chúng tôi còn nói chuyện lâu và tôi biết rằng ông rất sùng đạo nhưng không dạy đời, ông nói với tôi những điều mà tôi có thể hiểu được.
“Một câu hỏi cháy bỏng trên môi mà tôi không dám hỏi: ông có phải là thầy tu không? Nếu ông là thầy tu, tôi không biết, có thể điều đó khiến tôi cảm động; còn nếu không phải, điều đó cũng làm tôi cảm động theo một cách khác. Thực ra, hai việc đó cũng hệt như nhau.
“Khi ông sắp chết, tôi và Garel đã cãi nhau một lần duy nhất. ‘Một đống phân như mày thì có ích gì khi một vị thánh như ông ấy đang hấp hối?’ Garel rụt rè và gã rất phiền lòng - tôi thấy gã chân thành buồn đau. Hầu như không có thuốc men, gã biện hộ, nếu chính gã bị ốm, thì gã cũng không có nhiều thuốc hơn Blondeau. Tôi tin gã, tôi không điên tiết nữa - nhưng cái gã này vẫn là một đống phân. Bây giờ Blondeau nằm li bì suốt cả ngày và tôi là y tá của ông. ‘Cậu đừng nóng, ông nói, còn nếu cậu không thể tránh cơn giận, thì cố gắng đừng có lúc nào cũng nổi đóa. Tôi xin cậu đấy.’ Tôi nói về Garnier, về những gì mình đã làm cho ông ấy, Blondeau bảo tôi: ‘Đó là một con người không hoàn hảo nhưng cậu ấy đã biết thể hiện ra phần tốt nhất của mình. Có thể điều đó là thực nhưng có thể chỉ là kết quả trí tượng tượng của cậu thôi - nhưng cũng chẳng quan trọng gì. Hãy giữ cái phần tốt đó trong trí óc cậu.’ Ông chết, đôi mắt mở và tôi khóc, khóc như một đứa trẻ, khóc vì tất cả những người đã rời xa tôi và những người tôi đã rời xa, chiến tranh và cả cuộc đời - khóc vì con người tử tế ấy.
“Đêm hôm sau, tôi lại nghĩ đến Bằng Sơn và tôi tin chắc rằng mình sẽ giết hắn. Mẹ kiếp, thằng nào đó phải trả giá. Liệu bản thân Chúa có thể không trả thù không? Thế rồi tôi lại nghĩ đến những gì Blondeau đã nói với tôi: đúng, giết hắn thì sẽ thấy thật dễ chịu, nhưng tôi sẽ không làm điều đó. Nghe có vẻ ngốc nhưng hiệu quả. Tôi cảm thấy tràn ngập lòng vị tha, niềm an ủi, cứ gọi như thế nếu cậu muốn. Tôi lên cơn sốt... vì lòng tốt... Tôi nghĩ đến vị ấy, Chúa Jesus, và tôi tự nhủ: một vị Chúa đặc biệt làm sao... Như một ảo ảnh và ở giữa đó có bố cậu - bố cậu, phần tốt nhất của tôi, như Blondeau đã nói. Những ký ức trong tôi lẽ ra tản mát thì chúng tập hợp lại, chúng mang một ý nghĩa và tôi hiểu. Mỗi hành vi tự do mà tôi thực hiện đều là một phần của vũ trụ; tôi là Chiến sĩ và nhà Bảo hộ. Điều mà nước Pháp đã không biết làm, hoặc đã không đủ tha thiết, thì tôi, Vincent Carraz, nhờ ơn Chúa và sự can thiệp của các thiên thần Blondeau và Garnier của Chúa, tôi sẽ làm tròn việc đó. Tôi là tên Thực dân vẻ vang chinh phục những Trái tim.
“Không cần nói với cậu rằng trong tình trạng mê sảng như thế, tôi nằm trên chiếu, không ăn uống gì nữa, và bạn bè cho rằng tôi sẽ là người đi tiếp vết xe đổ của những người chết sau Blondeau. Càng mê sảng sâu, tôi càng nghĩ đến bố cậu và - tôi thấy mình nực cười khi nói ra điều đó - tôi càng có cảm giác ông ấy chuyện trò với tôi. Ông ấy nói với tôi đại loại như: ‘Carraz, đừng có tỏ ra ngu ngốc. Tao không oán giận mày vì cú đấm vào mặt tao, tao không oán giận mày vì mày tự cho mình quyền làm điều này điều kia với tao, nhưng bây giờ đến lượt tao. Mày tưởng mày chẳng có ai trên đời nhưng mày không có quyền nghĩ như thế. Mày phải quay về và mày phải sống.’ Và khi ông ấy nói với tôi điều đó, tôi thấy gương mặt của Bằng Sơn cúi xuống bên tôi, cho cái gì đó vào trong miệng tôi rồi dựng tôi ngồi dậy, bắt tôi ăn, uống. Đám bạn ngồi trong một góc, chăm chú nhìn đàn gián, tự vấn chuyện gì đang xảy ra, nhưng họ đã quen với cuộc viếng thăm này và hiểu rằng gã người Việt nhỏ bé đã quyết định cứu tôi, vì một lý do mà họ chấp nhận chứ không tìm kiếm những điều dơ dáy ẩn giấu phía sau. Ngay khi tôi quay trở lại thế giới của người sống, chúng tôi cũng không chuyện trò với nhau, Bằng Sơn và tôi không trao đổi với nhau nửa lời, và cũng như vậy trong các cuộc nói chuyện chính trị. Tôi không cố hiểu tại sao và như thế nào. Và cái ngày mà chúng tôi được trả tự do, khi mà một hàng xác chết dựng đứng được đưa ra khỏi khu rừng ấy, tôi không thấy anh ta, không có những lời vĩnh biệt ngao ngán, thậm chí chẳng có một cái bắt tay: chỉ có một bóng ma do cơn mê sảng ấy tạo ra và có thể theo thời gian do tôi sáng tác ra, người bạn lạ thường ấy của bố cậu đã cứu tôi thoát khỏi vương quốc của những hồn ma, nhân danh một nghĩa vụ vô danh mà tôi không bao giờ có thể hiểu thực sự...”
Màn đêm đã buông xuống từ lâu và tôi chợt nhớ đến cái hình bóng gặp trong ngôi chùa tại Hà Nội ấy. Nếu nhất thiết phải có một cái tên thì hình bóng đó có thể tên là Bằng Sơn; và dù thế nào đi nữa, nhờ có hình bóng ấy, tôi biết rằng ranh giới giữa người sống và người chết, giữa những người bằng da bằng thịt với những người đã tan ra mây khói, là rất mờ ảo. Ngay vào giờ khắc này, trong phòng khách có nhiều đồ vật thời thuộc địa, nhưng cũng là nơi các đồ đạc và ghế bành lúc nào cũng được phủ vải trắng, chính chúng tôi làm thành một cuộc họp của những bóng ma và các bức tượng nhà mồ Gia Rai cao lớn, các bức mặt nạ Phi châu, các con rối và các bức tượng nhỏ cứ như của một nhà hát sẵn sàng nhộn nhịp và sáng lên trong khi chúng tôi - ông già này và tôi - biến mất.
“Đừng lo, tôi sắp kể xong rồi. Cậu có thấy buồn cười không? Tôi thì có đấy.
- Cháu hài lòng là bác đã thay đổi ý kiến.
- Thay đổi ý kiến về chuyện gì?
- Khi bác không muốn kể...
- Tôi kể á? Tôi đã kể à?
- Bác buồn cười thật.
- Dù sao thì mọi người cũng cóc quan tâm.
- Lúc nào bác cũng nói như thế, nhưng cháu thì đang lắng nghe bác đấy thôi.
- Chẳng qua là cậu lịch sự thôi. Một anh chàng được giáo dục tốt.
- Hoặc có thể là cháu lắng nghe, chỉ vậy thôi.
- Hoặc là cậu làm ra vẻ như vậy.
- Carraz, tại sao bác không cho qua đi, ít nhất là một lần thôi?”
Ông bẻ các ngón tay kêu răng rắc, vươn vai, làu nhàu nói. Một ngụm whisky, một tiếng thở dài.
“Cậu biết đấy, tôi đã viết cho bố cậu. Một bức thư. Tôi không biết ông ấy ở đâu và tôi giữ bức thư bên mình, để nếu gặp lại ông ấy...
- Bác đã viết gì cho bố cháu?
- Tôi viết cho ông ấy rằng tôi xin ông ấy tha thứ. Cậu tưởng tượng được không? Một bức thư xin lỗi... Của tôi... Một tài liệu có giá trị lớn...
- Tại sao lại ‘có giá trị’?
- Bởi vì tôi đã làm mất lá thư hoặc là đã quẳng vào sọt rác. Và rồi nhiều năm sau đó tôi gặp lại bố cậu. Chúng tôi nói với nhau vài ba lời cần thiết - không hơn không kém. Theo thời gian, chúng tôi còn gặp nhau nữa và chúng tôi đi nhậu nhẹt, hai gã già xỉu trong một quán rượu và vừa uống vang đỏ vừa làu nhàu vừa thở. Nếu cậu ghi âm những lời đó, thì cậu sẽ thấy kỳ lạ lắm đấy... ‘Hễ còn sống thì còn hy vọng’, hai lão già nói, như triết lý dân gian. Nhưng khi không còn hy vọng nữa mà ta vẫn còn sống, thì cái đó gọi là gì nhỉ? Hy vọng chết vào năm 1940 rồi chết vào năm 1946 rồi chết vào năm 1954 còn chúng tôi, chúng tôi chết giữa những người chết vây quanh chúng tôi - ấy thế mà chúng tôi vẫn còn sống. Chúng tôi ám ảnh các cậu bởi vì những người chết - bạn bè và kẻ thù, những người anh em và những bóng người mà chúng tôi đã bắn giữa cánh đồng - ám ảnh chúng tôi. Liệu tôi đã nhắm trúng hay bắn trượt? Không thể biết được: tất cả những gì tôi nghe thấy, đó là tiếng tõm ở đằng kia trong vũng bùn. Sự dốt nát và sự coi thường đã gần như kết liễu chúng tôi nhưng không phải tất cả chúng tôi đều chết và đó chính là vấn đề, chúng tôi cố bám vào cuộc sống nhưng chết dần chết mòn, những gã hề và những kẻ từ từ thối rữa.
“Trên các đường phố Paris năm 1944, khi người ta đốt cháy những cột đèn giao thông và người ta cho chúng tôi thuốc lá, những két bia, chúng tôi đã có được một khoảnh khắc tự do; trong chốc lát chúng tôi những tưởng thoát khỏi gánh nặng và rằng tai họa đã qua đi, rằng chúng tôi có thể làm những gì mình muốn trong cuộc đời. Thế rồi bong bóng vỡ tan. Chúng tôi tưởng đã mang theo được thứ gì đó đến Đông Dương và tất cả những gì chúng tôi thấy, đó là những giấc mơ bất khả, những người phụ nữ không tồn tại, trong một đất nước mà chúng tôi không còn có vị trí gì nữa - có thể là chưa bao giờ có. Và chúng tôi trở lại để ban phát chết chóc, đốt phá làng mạc, cưỡng hiếp phụ nữ và chọc ghẹo bọn trẻ con vốn đã sợ chết khiếp khi thấy chúng tôi đi qua. Và cuối cùng, chúng tôi thất trận, bị bỏ rơi, bị giam giữ, bị khinh bỉ, bị ngược đãi. Khi trở về - chúng tôi biết trước điều đó nhưng chúng tôi không thực sự tin - không ai trả lại danh dự hay tha lỗi cho chúng tôi, không ai chào hỏi chúng tôi... Có lẽ chúng tôi sống trong cảnh chôn vùi, đất phủ lên đầu, đất đỏ của đồi Dominique(10), đất vàng đồi Éliane, nghìn lần bị giày xéo: chúng tôi mãi mãi ở cuối đường hầm, phải tạ ơn vì đơn thuần là còn sống. Thế là chúng tôi đã biến cuộc đời của mình thành những trận chiến không ngưng nghỉ và lúc nào cũng thất bại, những quả đồi chiếm được, thất thủ rồi tái chiếm để cuối cùng bỏ đi cho rừng phủ xanh lên đó. Trong những cơn ác mộng của chúng tôi, những đôi chân đi ủng của đồng đội từ nơi đó trở ra. Ê này! Ê này! Pierrot chăn trâu đấy ư? Hết rồi. Có ai nghe thấy ai không? Chẳng nghe thấy gì hết: chỉ có tiếng gió trong các bụi chuối.
“Tôi đã nói với cậu rằng tôi không thích người Mẽo lắm, nhưng tôi ngưỡng mộ họ: họ khoét sâu vào vết thương của mình và cào xé cho đến tóe máu mủ ra. Còn chúng tôi, có một người giơ tay lên là tất cả mọi người đều chạy biến đi, đó là những tiếng hét ghê rợn. Thế là chúng tôi ngậm miệng lại và đó là những gì mà họ cho các cậu biết, các cậu sống và chết với những điều đó và sắp tới đây sẽ chẳng còn gì và chẳng còn ai. Nhưng nhất là, con trai ạ, đừng lo: hễ còn sống...
“Một lần tôi ở trong hành lang bệnh viện, tất cả các cánh cửa đều mở toang và tôi thấy những hình bóng chen chúc ấy, những cái chân tím ngắt ở cuối giường, tôi nghe thấy những tiếng kêu la rên rỉ và tôi không thể chịu đựng được, cậu thấy đấy, tất cả những người tuổi chưa cao mà đã già ấy sắp hết đời, tôi muốn chửi rủa họ, cảm giác họ quẳng vào mặt tôi toàn bộ câu chuyện của họ mà tôi không muốn, tôi là con ngựa bị sung huyết chân trong bài hát ấy, có thể muốn đơn độc mà thanh thản, nhưng đấy, người bạn ở cuối hành lang - một gã như tôi, chỉ khác là ông ấy đã trở nên điên khùng. Làm sao tôi biết được điều đó? Ồ, chúng tôi biết những chuyện đó, chúng đến với chúng tôi luôn, như thời gian và địa điểm chôn cất. Đối với cuộc sống chúng tôi bỏ rơi nhưng đối với cái chết, cậu có thể tin tưởng vào tôi. Tôi ngồi cạnh ông ấy và lắng nghe ông ấy kể những điều ngu ngốc. Ông ấy bị kẹt ở chỗ rẽ, ông ấy nói: ‘Chúng tớ đang trong quán rượu ở cây số 143 trên đường Đà Lạt. Bên phải tớ là Tikhomirov, người Nga da vàng, nhà báo hạng xoàng, một người đồng chí; bên phải anh ta là Carraz, to lừng lững, muốn luồn tay dưới mông cô nàng Olga. Chúng tớ ăn bốc khoai tây chiên. Bên trái tớ, ngồi ngay sát, có Katia, lâu rồi tớ không nói chuyện với cô ấy nữa và bên cạnh cô ấy, trong bóng tối, một người Việt. Anh ta có muốn giết chúng tớ không? Tikhomirov nói với anh ta: ‘Thế nào? Mày muốn giết bọn tao à?’ Và cậu có biết anh ta trả lời gì không? Anh ta đáp: ‘Tao chẳng cách gì giết được tụi mày. Tụi mày đã chết rồi.’
“Đến lần thứ mười, rốt cuộc tôi đã tìm thấy một bác sĩ nhưng không đúng lúc. Ồ cậu biết đấy, tôi không còn là một người lính nữa, tôi là một lão già phiền phức rụt rè hỏi khi nào bác sĩ quay lại, ông có phải là người thân trong gia đình không? Ít nhất là tôi đã phản xạ tốt khi nói rằng tôi là anh ông ấy và chính như vậy mà tôi bịa ra rằng cậu sẵn sàng đón ông ấy và như thế tiện cho họ, cậu xem, và họ không tự đặt cho mình quá nhiều câu hỏi, bởi vì những người chẳng có ai chăm sóc như vậy thì có cả đống, nên khi thu xếp được cho một người, hừm, thì hệ quả là có thêm được một cái giường trống trong khu lão khoa... Cậu sẽ nói với tôi rằng thật là đểu giả, hừ, cậu sẽ nói với tôi rằng, hừ, rõ là từ cha đến con, chính tôi vẫn cứ là người quyết định những điều hệ trọng trong gia đình Garnier. Cậu sẽ nói với tôi những gì cậu muốn nhưng tôi thì tôi không biết. Có thể là tôi đã cứu ông ấy mà cũng quá làm phiền ông ấy và có thể là tôi đã cứu ông ấy lần thứ hai, có thể là sứ mệnh của tôi, như người ta vẫn nói trong các bộ phim truyền hình, đó là làm thần bản mệnh của ông ấy cũng như ông ấy từng là thần bản mệnh của tôi, hai tâm hồn què quặt dựa vào nhau và cùng nhau đến gần cái chết. Trong cơn mê sảng ông ấy lặp đi lặp lại: ‘Bên trái tớ, ngay gần trái tim...’ Liệu con người đó có đáng để ta đau khổ không? Tôi chẳng biết. Nhưng với tôi người ấy rất đáng.”
Ông chìa nắm tay cho tôi để tôi giúp ông đứng dậy. Chúng tôi khập khiễng đi dạo loanh quanh cho đến tận bếp nơi ông rót cho chúng tôi hai ly whisky. Đó là một căn bếp được trang bị đầy đủ, từng bị bỏ hoang và chưa bao giờ thực sự được đưa vào sử dụng, căn bếp nơi ông ăn uống cô độc và không đảm bảo, có thể là ăn trực tiếp ngay trong hộp.
“Nhiều lần tôi đến ngồi trên băng ghế trên đại lộ Simon-Bolivar. Cậu không biết tôi: một ông già ngồi sưởi ấm trên ghế băng ngay cả khi trời không lạnh, như thế thì có thể làm được gì nữa? Tôi nhìn thấy cả hai - ông ấy và cậu - đi ra, hoặc là ông ấy với cô gái, tôi biết giờ giấc của ông ấy và cậu, biết cách cậu giữ cánh tay ông ấy, tôi biết ông ấy và cậu đi đến đâu và gặp hai người ở đâu trong công viên Buttes-Chaumont, bên bờ cái hồ nhỏ, nơi có góc nhìn đẹp nhất về phía ngôi đền và nơi mà khoảng 11 giờ sáng là ánh mặt trời chiếu thẳng vào mắt.
“Lúc đầu chỉ thỉnh thoảng thôi bởi dù sao thì đi vòng quanh Paris cũng chỉ vì chuyện đó... Thế rồi thành quen. Tôi đến ngồi xuống băng ghế và, ngay cả khi ông ấy với cậu không đến, đó vẫn là một cách rất hợp để khuấy động các ký ức trong tôi. Chẳng có gì để nói với ai, chẳng có cuộc trò chuyện nào phải chịu đựng, chẳng phải đưa ra lý do gì, chẳng có câu hỏi nào về sự tra tấn, chẳng có những ‘nhưng sao cơ, các ông biết mình tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa ư?’ Không, chỉ là sự nghiền ngẫm không đầu không cuối và nghe tiếng chim hót, và chờ đợi người em trai thân thiết của tôi ngang qua mà không thấy tôi. Việc này có lẽ kéo dài đến tận cuối đời tôi: chẳng có gì hay hơn, khi tạm thời biết là không có những cách tiêu khiển nghiêm túc.
“Ngày ông ấy chết, tôi ngồi lịm đi trên băng ghế và tôi thấy cậu mở cửa sổ tầng trên cùng. Tôi muốn đi lên đó nhưng nếu tôi rời chiếc ghế thì sẽ là rời nó mãi mãi. Thế là tôi chờ trời tối, chờ đến khi mình bị lạnh và thấy mình ngu ngốc, tôi chẳng khác một kẻ vô gia cư là bao. Tôi quay về nhà mà không ra hiệu cho cậu, không nói chuyện với cậu. Đó chỉ là một cuộc đời ra đi, bớt đi hai mươi mốt gam, trọng lượng của một linh hồn siêu thoát. Khi tôi xuống nhà cậu ở miền Nam, số huân huy chương mà tôi đem đến lễ tang không phải là của ông ấy, ông ấy không có huân huy chương, mà chúng là của tôi, để tất cả ra đi cùng ông ấy bởi vì tôi cóc quan tâm đến tất cả những thứ đó. Cuối cùng tôi cóc quan tâm bởi vì cậu thấy đấy, đối với một gã chẳng muốn nói gì, rõ ràng là... Thực ra, tôi luôn chờ ở băng ghế đối diện nhà cậu: nhưng ông ấy không còn nữa, chỉ có cậu thôi.”
Tôi tợp một hớp hết ly whisky và bắt tay ông. Ông không níu kéo: không biểu lộ cảm xúc vô ích.
Chỉ khi ra đến ngưỡng cửa, chính tôi mới là người ôm chặt ông vào lòng, con người có cơ thể vẫn còn gợi lại sức vóc của con trâu núi trắng. Ông run rẩy.
Khi đi qua cái sân đã đóng băng nối các tòa nhà, tôi quay lại nhìn về phía cửa sổ nhà ông. Về đến nhà, tôi ngồi xuống băng ghế nơi ông từng ngồi và cố gắng nhìn những gì ông đã thấy, cái đêm bố tôi qua đời và tất cả những ngày trước đó, khi ông chờ đợi và run rẩy đôi môi. Tôi thọc tay vào túi quần lấy ra ba con xúc xắc đã mòn, trắng bệch như xác chết. Tôi thả chúng lăn trên vỉa hè.
Tám mươi mốt, rất nhanh.
Đó là lòng tin, một lòng tin thực sự.
Trong nhà tôi, đèn vẫn đang thắp sáng.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước