Cuộc chiến thật sự là giữa những gì bạn đã làm, và những gì bạn có thể làm. Bạn so sánh bạn với chính mình chứ không phải ai khác.

Geoffrey Gaberino

 
 
 
 
 
Tác giả: Khuyết Danh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 200 / 10
Cập nhật: 2019-12-06 09:02:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chúa Rừng, Bác Thợ Đóng Thùng Và Con Sói Thọt
một làng nọ có một bác phó mộc chuyên nghề đóng thùng. Bác phó là người hay lam hay làm, chỉ phải cái là keo bẩn quá. Có xin rỏ máu mắt ra cũng đừng hòng bác cho lấy một xu. Tiền chất đầy rương, nhưng bác phó cứ tối ngày cặm cụi, cưa cưa, đục đục, đóng hết thùng lớn đến thùng bé.
Về tướng mạo, bác phó trông cũng khó coi. Vì tối ngày cứ gò lưng cúi cổ bào đục nên trên lưng bác nổi lên một cái bướu to tướng. Mắt thì mỗi bên nhìn đi một nơi. Mũi thì lúc nào cũng có một giọt mồ hôi đọng vĩnh cửu trên đó. Áo quần, bác vận chẳng khác gì áo quần thằng bù nhìn giữ dưa, trong khi tiền bạc bác dư sức sắm lấy hai tá đồ ra trò. Rách rưới, hở da hở thịt cũng mặc, bác không lấy đó làm ngượng, miễn không phải lấy đồng nào trong cái rương đánh đai thép ra là tốt rồi. Đêm đến, khi những người lương tiện ngủ ngon lành sau một ngày làm việc thì bác phó lấy chăn che cái cửa sổ con lại, rồi ngồi xổm bên cái rương quý báu của mình để tính toán hoặc đếm lại tiền.
Một hôm, trời vừa sáng, bác phó đã mò vào rừng kiếm cành liễu để làm đai thùng. Bác nhào vô một bụi liễu khá lớn, loáng cái đã cắt được một ôm đầy những cành liễu tốt, rồi chuẩn bị ra về. Bỗng bác nghe thấy đâu đây vang lên tiếng tù và như thể phường săn gọi chó. Tiếng tù và rất kỳ lạ: nó âm vang khắp rừng rồi vỡ ra thành hàng ngàn những tiếng nhỏ, tắt đi ở mãi tận rừng sâu.
Đột nhiên, tiếng tù và im bặt. Sau đó, khắp rừng có tiếng ầm ầm như tiếng chân một đàn thú lớn chạy nước đại. Nhìn đi nhìn lại, bác phó mộc đã thấy xung quanh có một đàn sói đông vô kể. Con nào con nấy lưỡi thè ra đỏ lòm, nanh nhọn hoắt, chìa ra như những răng bừa. Bác phó sợ tưởng chết đi được. Nhưng chạy thì chạy đâu bây giờ? Không kịp suy nghĩ, bác phó leo thót lên cây sồi gần nhất, bám chặt vào một cành cũng lớn lớn một chút, rồi nấp sau cành lá, đợi xem chuyện gì xảy ra.
Các con sói từ khắp nơi chạy đến, tụ lại thành bầy trên bãi cỏ, lưng con nọ sát lưng con kia, mắt đỏ ngầu như lửa. Một con sói thọt lê đến sau cùng. Con này vừa ngồi xuống thì từ rừng sâu, một lão lùn lùn râu ria xồm xoàm bước ra. Một tay lão cầm quyền trượng, một tay lão cầm tù và. Lão lùn bước ra trước bầy sói, đếm từng con một như kiểu mục phu đếm cừu vậy. Thấy tất cả đã đủ, lão nói:
― Ta gọi các anh đến đây như mọi ngày để phân việc cho từng người. Anh Ka-sói, anh hãy chạy về hướng mặt trời lặn, xé cái xác con lợn lòi đêm đêm thường mò vào ruộng khoai của nông dân ra cho ta. Anh Lơ-khơ-mat-tưi, hãy chạy đi bóp chết con hoẵng đang nằm dưới bụi dương xỉ trong rừng dẻ cho ta. Con này trong khi ăn cỏ ba lá đã can tội dẫm chết một con rắn. Các anh biết đấy, ta rất nghiêm khắc. Không hiểu tại sao những con kia cứ gây nên những nỗi bất hạnh vô lý cho kẻ khác thế không biết? Anh Iu-nét, anh phải chạy vào rừng Láp-ren-chi-ép. Ở đó có một con thỏ bị thương đang nấp trong bụi cây. Nó ăn lúa mạch non nên béo lắm. Anh sẽ được một bữa ăn ngon lành đấy. Anh Khi-rét, ta giao cho anh một nhiệm vụ khó khăn hơn. Anh phải lẻn vào chuồng ngựa lão gác rừng, xé xác con chó cái của lão ra cho ta để lão hết xua nó cắn ta mỗi khi ta đi dạo.
Con sói nào được sai cũng chạy đi ngay, con thì vào rừng, con thì ra đồng. Cuối cùng, chỉ còn lại mỗi con sói thọt. Lão lùn bảo sói thọt:
― Còn ông già, hôm nay ông không phải đi đâu hết. Ông cứ ở đây, ăn thịt cái lão đóng thùng keo bẩn đang ngồi trên cành sồi kia cho ta. Lão sống cũng bằng thừa, chỉ bo bo một mình, chẳng đem lại niềm vui cho ai.
Nói dứt lời, lão lùn kéo sụp cái mũ đỏ xuống tận mắt, trông như một cái nấm, rồi biến mất, như thể đã chui tọt vào lòng đất vậy.
Nghe những lời lão lùn, bác phó run cầm cập, răng đánh vào nhau côm cốp, chân tay rụng rời, ngồi không vững nữa. Bác phó rơi xuống như một chiếc lá[6]. Bác cảm thấy như đang rơi tuột vào miệng con sói.
[6] Nguyên văn: « Rơi xuống như tổ quạ ».
Đáng lẽ thì đúng như thế thật. Nhưng may sao, bác phó lại quờ tay, vớ được một cành cây ở dưới, đu được người lại. « Tí nữa thì tiêu rồi! » ― Bác phó nghĩ bụng. Bác trèo lên một cành cây, ngồi đấy. Nhưng vẫn chưa thể mừng được. Bác nghĩ: « Một hai giờ còn có thể ngồi. Chứ ngồi riết chịu sao nổi. Rồi thế nào cũng rơi xuống, làm mồi cho cho nó thôi ».
Nghĩ thì nghĩ thế, nhưng dù răng có đánh côm cốp thì cũng cố bám thật chặt lấy cành cây.
Nửa ngày trôi qua, rồi trời đã nhập nhoạng tối. Bác phó vẫn ngồi trên cây cao nhìn xuống. Con sói thì ngồi phía dưới ngước lên. Hai bên rình nhau hoài. Bên nào cũng nghĩ kẻ nào lì hơn, kẻ đó thắng.
Cuối cùng, con sói không đủ kiên nhẫn nữa, nó đứng lên nói:
― Lão già bần tiện không muốn chết tự nguyện hả? Được rồi, ta cho sống thêm một thời gian nữa. Trước sau gì cũng không thoát khỏi tay ta đâu.
Sói đứng lên, ngoắt đuôi tru một tiếng khiến bác phó sởn cả gai ốc, rồi chạy đi.
Bác phó ngồi hưởng một giờ sung sướng trên cây sồi chờ xem con sói xám có quay lại nữa không. Sau đó, không thấy động tĩnh gì, bác mới nhảy xuống, ngã nhào cả vào một bụi gai, rồi vắt chân lên cổ, dông thẳng về cái túp lều của bác.
Từ đó trở đi, bác phó thùng cứ nơm nớp sợ chó sói rình ăn thịt, nên tuyệt không dám đi đâu, cứ ở lỳ ở nhà. Chẳng cành liễu thì đừng chứ bác phó quyết không dại gì mà vào rừng một lần nữa. Thế nào con sói xám cũng rình bác ở trong ấy.
Một tuần tra lễ trôi qua. Rồi lại một tuần nữa. Bác phó cặm cụi đã đóng được khối thùng rồi. Đã đến lúc phải chở đi tỉnh bán lấy tiền. Đường đi tỉnh phải đi qua rừng. Nhớ đến con sói bác phó còn ớn xương sống. Bác bèn bảo anh thợ phụ:
― Không hiểu sao, tao thấy buồn ngủ quá. Tao chui vào cái thùng này chợp mắt một tí. Đường xa đấy. Mày liệu mà chạy lẹ lẹ lên.
Bác phó chui vào cái thùng lớn nhất nằm. Chàng trai, người làm thuê cho bác phó kiếm bữa cơm bữa cháo, đậy nắp thùng lại rồi đánh xe lên đường.
Xe vừa đến rừng thì một mụ già tóc hoa râm từ sau các bụi cây bước ra hỏi:
― Con ơi, cho già đi nhờ với. Ta đã già rồi mà chân lại đau, đến tối cũng không về đến nhà mất thôi.
Ban đầu, chàng trai từ chối lấy lý do, nào là xe chật, nào là ngựa mệt. Nhưng bà già nài nỉ mãi, chàng trai cũng động lòng thương, anh bảo:
― Thôi bà leo lên đi nào. Nhưng mà đừng có ngồi lên thùng của người ta đấy. Ngủ gật là té liền đó, nghe. Mà thôi, đây có cái thùng đựng vang, sâu như cái giếng. Chủ tôi đã ngồi trong đó rồi, nhưng bà cứ vào đi, đủ chỗ cho hai người đấy. Mà ngồi hai cho nó vui.
Mụ già cảm ơn rồi trèo lên xe, chui tọt vào thùng nhanh như chớp vậy[7].
[7] Nguyên văn: « Nhanh nhẹn như đã làm việc ấy hàng chục năm rồi ».
Chàng trai đậy nắp thùng lại rồi đánh xe đi tiếp.
Đến trạm ba-ri-e đầu tỉnh, anh dừng ngựa, định bụng sẽ đánh thức hai ông bà già dậy. Vào tỉnh mà để các vị ngồi trong thùng như dưa chuột muối thế này coi sao tiện.
Anh vừa mở nắp thùng một cái, một con sói thọt nhảy vọt ra. Con sói băng qua hào, luồn nhanh vào các bụi cây rồi lẩn tuốt vào rừng.
Chàng trai nhìn vào trong thùng xe thì chẳng thấy còn tí dấu vết gì của ông chủ nữa, như thể ông ta đã chui qua đáy thùng biến mất vậy. Chàng trai lúc ấy mới biết, anh đã cho ông chủ một bà bạn đồng hành như thế nào. Nhưng anh buồn cũng không lâu, dĩ nhiên là như thế rồi ― Thanh niên mà lại!
Anh đánh xe vào chợ, bán hết số hàng trên xe, rồi trở về với một túi tiền to.
Bác phó thùng không có ai thừa kế. Thế là tất cả những gì trong nhà bác đều thuộc về chàng trai. Anh là người tốt, vị tha. Vì thế, chẳng ai còn thương bác phó thùng ngày trước nữa.
Truyện Cổ Dân Gian Ba Lan Truyện Cổ Dân Gian Ba Lan - Khuyết Danh Truyện Cổ Dân Gian Ba Lan