Nghịch cảnh là thước đo giá trị của một con người. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn sau những khủng hoảng trong cuộc sống.

Lou Holtz

 
 
 
 
 
Tác giả: Jack Kerouac
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: On The Road
Dịch giả: Cao Nhị
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2023-06-22 21:34:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
[11]
ôi đang ở cái tình trạng thảm hại ấy thì Dean mò đến, rốt cuộc thì hắn cũng nghĩ rằng tôi đáng được cứu vớt. Hắn cho tôi về ở nhà Camille. “Marylou đâu rồi, anh bạn?”
“Con đượi biến rồi.” Camille xem ra tử tế hơn Marylou nhiều; một phụ nữ trẻ có giáo dục, lễ độ và nàng hiểu sự thật là mười tám đô Dean gửi cho nàng từ túi tôi mà ra. Nhưng em đi đâu rồi hỡi Marylou ngọt ngào? Tôi nghỉ lại nhà Camille dăm ngày. Từ cửa sổ phòng khách trong căn nhà gỗ ở phố Liberty, có thể nhìn thấy quang cảnh San Francisco rực sáng ánh đèn xanh đỏ trong đêm ẩm ướt. Trong mấy ngày tôi ở lại đấy Dean đã kiếm được một việc ngớ ngẩn nhất trong sự nghiệp đi làm của mình. Việc của hắn là đi giới thiệu một loại nồi áp suất mới. Chủ hàng giao cho hắn một lô hàng mẫu và quảng cáo. Ngày đầu tiên, Dean hăng hái như một cơn lốc. Tôi theo hắn đi đến các cuộc hẹn gặp khách hàng khắp thành phố. Mẹo của hắn là làm cách nào để người ta mời mình đến dự tiệc rồi nhảy phắt ra trình diễn công dụng của nồi áp suất. “Trời ạ,” Dean kêu lên phấn khích, “thế này còn kỳ quặc hơn thời tôi còn làm cho Sinah nữa. Sinah bán từ điển bách khoa ở Oakland. Không ai có thể từ chối hắn được. Hắn nói rất dai, nhảy lên nhảy xuống, hắn khóc, hắn cười. Một lần hắn đột nhập vào một gia đình Okie trong lúc cả nhà đang sắp sửa đi đưa đám ma. Sinah bèn quỳ mọp xuống cầu nguyện cho linh hồn người chết. Thế là cả nhà khóc ré lên và hắn tiêu thụ hết số từ điển mang theo. Hắn là thằng khùng nhất trên đời. Tôi không biết hiện nay hắn ở đâu. Bọn tôi từng sán lại gần mấy cô con gái xinh xắn của khách hàng rồi đưa vào bếp giở trò mèo chuột. Chiều nay mình vừa cưa cẩm được một em rất kháu ngay trong bếp nhà cô ta... thế là một tay quàng lấy người đẹp, còn tay kia trình diễn nồi áp suất. A! Hum! Chà chà!”
“Cứ tiếp đi, Dean,” tôi nói. “Có thể một ngày kia ông sẽ trở thành thị trưởng San Francisco không chừng.” Bài diễn văn bán nồi áp suất của hắn đã có tác dụng; tối nào hắn chẳng tập trước tôi và Camille.
Một buổi sáng khi mặt trời lên, hắn ra đứng trước cửa sổ, chẳng mặc gì, để ngắm nhìn phố xá. Trông hắn có vẻ như một ngày nào đó sẽ là thị trưởng phi tôn giáo của San Francisco thật. Nhưng nhiệt tình của hắn nguội dần. Một buổi chiều mưa gió, viên đại diện đến xem thử Dean làm ăn ra sao. Dean đang nằm dài trên đi văng. “Cậu không đi bán hàng nữa à?”
“Không. Tôi có việc khác rồi?”
“Thế thì những mẫu hàng này dùng để làm gì?”
“Tôi đâu biết được.” Trong im lặng chết chóc, viên đại diện thu dọn mấy cái nồi đang nằm đó im lìm rồi mang đi hết. Tôi chán ngấy mọi thứ, và Dean cũng vậy.
Thế nhưng một đêm nọ cả hai đứa nổi cơn điên, rủ nhau đi tìm Slim Gaillard trong một hộp đêm nhỏ ở Frisco. Slim Gaillard là một gã da đen cao, gầy với đôi mắt to buồn bã, lúc nào cũng nói, “Ăn tiền đấy – orooni*” và “Ông nghĩ sao về một ly whisky ngô - orooni?” Ở Frisco, có hàng đàn thanh niên bán trí thức luôn nô nức kéo đến mọp dưới chân gã để nghe gã chơi đàn piano, ghi ta và trống bongo. Khi bốc lên, gã cởi bỏ hết cả sơ mi lẫn áo lót ra để trổ tài. Gã cứ nghĩ thế nào thì nói và làm ngay như thế. Gã hát, “Máy trộn xi măng, put-ti, put-ti” rồi bỗng chậm nhịp lại và mơ màng trên mặt trống, gõ nhẹ như lướt đầu ngón tay lên đó, và mọi người cứ phải ngỏng cổ lên nín thở mà nghe; ai cũng tưởng hắn chỉ làm vậy trong một phút, nhưng không, những đầu móng tay cứ gại gại trên mặt trống cả giờ đồng hồ, tạo ra những âm thanh rất nhỏ, mỗi lúc một nhỏ, cho đến khi không nghe thấy nữa và chỉ còn tiếng đường phố ồn ã tràn qua cánh cửa vào phòng. Rồi gã chậm rãi đứng lên, cầm lấy mic, “Orooni-vĩ đại... ovauti-tuyệt hảo... xin chào-orooni... whisky ngô-orooni... mọi thứ orooni... các chàng trai ngồi hàng trước đong gái thế nào thế-orooni... orooni... ovauti... oroonirooni.” Cứ thế mười lăm phút liền, tiếng nói mỗi lúc một nhỏ dần cho đến khi không ai còn nghe thấy gì nữa. Cặp mắt to và buồn lúc đó mới ngước lên nhìn đám đông.
Dean đứng ở cuối phòng, thốt lên, “Lạy Chúa! Đúng thế!” và nắm tay lại cầu nguyện, đổ mồ hôi đầm đìa. “Sal này, tay Slim này hiểu thời gian, hắn nhận thức được thời gian.” Slim ngồi vào đàn piano và gõ hai nốt nhạc, hai nốt đô, rồi lại hai nốt đô nữa, rồi một, rồi lại hai, rồi bỗng tay bass bự con choàng dậy sau một giấc mơ, biết Slim đang chơi bản “Jam Blues - giọng đô” và thế là hắn chọc ngón trỏ to tướng vào dây đàn để gảy lên những cung bậc ngất ngây, và mọi người bắt đầu lắc người nhưng Slim vẫn buồn như thế. Họ chơi nhạc jazz trong vòng nửa tiếng đồng hồ, và rồi Slim như lên cơn, lao đến mấy cái trống bongo, điên cuồng đập những tiết tấu Cuba dồn dập, gào thét đủ thứ bằng đủ mọi thứ tiếng, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, thổ ngữ Peru, tiếng Ai Cập, bằng mọi ngôn ngữ hắn từng biết qua - phải nói là hắn biết rất nhiều thứ tiếng. Cuối cùng buổi trình diễn dài hai tiếng đồng hồ kết thúc. Slim Gaillard ra đứng tựa lưng vào cây cột, buồn bã nhìn qua đầu những người đi đến chuyện trò với hắn. Ly whisky ngô trượt khỏi tay gã. “Whisky ngô-orooni... Cám ơn-ovauti...” Không ai biết Slim Gaillard hiện đang ở đâu. Một lần, Dean nằm mơ thấy mình sắp đẻ con, bụng hắn cứ to phình mãi lên và chuyển sang màu xanh lơ khi hắn nằm bẹp gí trên bãi cỏ một nhà thương ở California. Slim Gaillard đang ngồi với một nhóm người da màu dưới một gốc cây. Dean ngước nhìn hắn với cặp mắt tuyệt vọng của một người mẹ. Slim nói, “Thế đấy-Orooni.” Giờ Dean đã tiếp cận được gã, tiếp cận được Chúa của mình; hắn nghĩ Slim là Chúa, hắn lê lết đến nghiêng mình trước gã, mời gã nhập bọn với chúng tôi. “Ăn tiền đấy-orooni,” Slim nói, gã có thể nhập bọn với bất cứ ai nhưng không thể bảo đảm sẽ toàn tâm toàn ý. Dean lấy một bàn, trả tiền rượu và ngồi nghiêm trước mặt gã. Slim mơ màng nhìn qua đầu hắn. Mỗi lần Slim nói, “Orooni,” Dean lại nói, “Đúng.” Tôi ngồi cùng với hai tên khùng này. Không xảy ra chuyện gì cả. Với Slim Gaillard thì cả thế giới này chỉ là một cái orooni lớn mà thôi.
Cũng trong đêm ấy, tôi đến gặp Lampshade ở góc phố Fillmore và Geary. Lampshade là một gã da đen to con chuyên mặc áo măng tô, đội mũ, đeo khăn lui tới các hộp đêm ở Frisco, nhảy lên bục dành cho dàn nhạc và hát; trán gã nổi cuồn cuộn mạch máu. Gã cong người phát ra một giai điệu blues với âm lượng của tiếng còi tàu từ tim ruột. Gã vừa hát vừa gào lên với khán giả xung quanh, “Chẳng việc gì phải chết để được lên thiên đường, hãy bắt đầu bằng Doctor Pepper* và kết thúc bằng whisky!” Tiếng gã vang như sấm. Gã nhăn nhó, quằn quại, gã làm đủ trò. Gã đến gần bàn chúng tôi, cúi xuống nói, “Đúng thế!” Rồi lảo đảo ra đường, khật khưỡng tạt vào một hộp đêm khác. Sau đó chúng tôi gặp Connie Jordan, một thằng khùng khác mỗi khi hát lại khoa chân múa tay, và cuối cùng mồ hôi chảy đầm đìa đến trôi cả người nghe, đá bay mic rồi gào lên như phụ nữ. Người ta có thể gặp hắn rất khuya, mệt nhoài, đang ngồi lặng nghe những bản jazz hoang dã ở tiệm Jamson’s Nook, mắt mở to, vai rũ xuống, cứ trân trân nhìn vào khoảng không với vẻ ngớ ngẩn và cái ly đặt trước mặt. Tôi chưa từng thấy những nhạc sĩ quái đản như vậy bao giờ. Ở Frisco mọi người đều cuồng nhiệt. Đây là vùng đất tận cùng lục địa, người ta bất cần. Dean và tôi cứ lang thang suốt như vậy ở San Francisco cho đến khi tôi nhận được lần trợ cấp cựu chiến binh tiếp theo và thu xếp hành lý để quay về nhà.
Kết quả chuyến đi Frisco này ra sao, tôi đâu có biết. Camille chỉ mong tôi xéo nhanh cho rảnh nợ. Với Dean thì chuyện tôi đi hay ở đều không thành vấn đề. Tôi đi mua ổ bánh mì và thịt chuẩn bị làm mười cái sandwich để một lần nữa đi xuyên Mỹ; có khi chúng sẽ hỏng hết trong túi tôi trước khi tôi tới Dakota. Đêm cuối cùng, Dean nổi con điên và vớ được Marylou ở nơi nào đó trong khu trung tâm, thế là tất cả trèo lên ô tô, phóng sang tận Richmond bên kia vịnh, đến những quán ổ chuột phục vụ nhạc jazz của bọn da đen trong dãy nhà nhóp nháp. Khi Marylou sắp ngồi xuống, thì có một gã da đen kéo cái ghế ở đít nàng ra. Bọn lesbian túm lấy nàng trong toa lét gạ gẫm. Tôi cũng bị gạ gẫm. Dean toát mồ hôi hột. Thế là đủ rồi, tôi muốn ra khỏi đây.
Sớm dậy, tôi ra chuyến xe khách đến New York, chào từ biệt Dean và Marylou. Họ liếc trộm vào mấy cái bánh sandwich. Tôi nói là không được đâu. Một giây phút tồi tệ. Tất cả chúng tôi đều nghĩ là sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa nhưng bất cần.
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường