What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Clocks (1963)
Dịch giả: Trần Hữu Kham
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 298 / 22
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24
ời kể của Colin Lamb
Khi Sheila đã đi rồi, tôi băng qua đường về khách sạn, dồn hết đồ vào túi rồi gửi nó lại sẵn sàng ở chỗ người gác cửa. Đó là một loại khách sạn nơi người ta đặc biệt muốn khách trả phòng trước 12 giờ trưa.
Sau đó tôi lên đường. Lộ trình đưa tôi ngang qua đồn cảnh sát. Tôi ngần ngừ một lát rồi đi vào. Tôi xin gặp Hardcastle và ông có ở đó. Tôi thấy ông đang cau mày đọc một lá thư cầm trên tay.
“Tối nay tôi lại đi, Dick à,” tôi nói. “Trở về London.” Ông ngước nhìn tôi, có vẻ đăm chiêu suy nghĩ.
“Cậu có chịu nghe một lời khuyên của tôi không?”
“Không,” tôi trả lời ngay lập tức.
Ông chẳng thèm để ý. Người ta chẳng bao giờ để ý khi muốn khuyên can người khác.
“Là tôi thì tôi sẽ đi chỗ khác—và tránh xa ra—nếu cậu biết điều gì tốt nhất cho mình.”
“Không ai có thể phán xét điều gì là tốt nhất cho bất cứ ai khác.”
“Tôi nghi ngờ điều ấy.”
“Tôi sẽ cho ông anh biết một chuyện, Dick. Khi tôi giải quyết xong công việc hiện giờ được phân công, tôi sẽ nghỉ việc luôn. Ít ra là tôi nghĩ vậy đó.”
“Vì sao?”
“Tôi giống như một tu sĩ thời Victoria cổ hủ. Tôi đã có những điều nghi ngờ.”
“Hãy tự cho mình thời gian đi!”
Tôi không rõ Hardcastle muốn nói gì. Tôi hỏi ông đang có vẻ quá lo lắng về chuyện gì.
“Đọc cái này đi!” Ông chuyển sang cho tôi lá thư ông đang nghiên cứu.
Kính thưa ông,
Tôi vừa nghĩ đến một chuyện, ông đã hỏi tôi liệu chồng tôi có các dấu vết nhận dạng nào không và tôi đã nói không có. Nhưng tôi đã sai. Thực sự ông ấy có một vết sẹo ở sau tai trái, ông ấy đã cắt phạm bằng lưỡi dao cạo khi bị con chó của chúng tôi nhảy chồm lên người, và ông đã phải đi khâu lại. Vết khá nhỏ và không quan trọng nên hôm nọ tôi đã không hề nghĩ đến.
Kính thư,
Merlina Rival
“Bà ta viết chữ nhanh và đẹp,” tôi nhận xét. “Mặc dù tôi chưa bao giờ thích mực tím. Có phải người quá cố có một vết sẹo?”
“Đúng là có một vết sẹo. Ngay ở chỗ bà ta nói.”
“Có phải bà ta đã nhìn thấy cái sẹo ấy khi được cho xem xác?”
Hardcastle lắc đầu.
“Vành tai che kín hết. Cậu phải bẻ cong vành tai ra đằng trước mới có thể thấy.”
“Vậy là ổn rồi. Cộng tác tốt lắm. Ông anh còn băn khoăn gì nữa chứ?”
Thanh tra rầu rĩ nói vụ án này thật quỷ quái. Ông hỏi tôi có định gặp ông bạn người Pháp hay người Bỉ của tôi ở London hay không.
“Có lẽ sẽ gặp. Để làm gì hả?”
“Tôi đã đề cập đến ông ấy với cảnh sát trưởng, sếp bảo nhớ ông ấy rất rõ — vụ án mạng Nữ hướng dẫn viên ấy. Tôi phải đón tiếp nồng hậu, nếu ông ấy nghĩ đến việc xuống nơi này.”
“Ông ta không đi đâu,” tôi nói. “Con người ấy thực tế cứ ở lì một chỗ y hệt con sao sao bám vào đá vậy.”
Lúc mười hai giờ rưỡi tôi bấm chuông nhà số 62, Wilbraham Crescent. Bà Ramsay mở cửa. Bà ta hầu như không ngước mắt lên nhìn tôi.
“Cái gì thế?” bà hỏi.
“Tôi có thể nói chuyện với bà một lát không ạ? Tôi đã tới đây chừng mười ngày trước. Có lẽ bà không nhớ.”
Bà ta nhướn cặp mắt nhìn tôi để dò xét thêm. Cặp lông mày bà thoáng nhíu nhẹ.
“Ông đã đến cùng với ông thanh tra cảnh sát, phải không?”
“Đúng vậy, bà Ramsay. Tôi vào được không?”
“Ông muốn vào thì cứ vào. Người ta đâu có từ chối không cho cảnh sát vào chứ. Làm thế sẽ bị đánh giá rất tồi tệ.”
Bà ta dẫn đường vào phòng khách, đột ngột khoát tay về phía một cái ghế, sau đó ngồi đối diện với tôi. Giọng bà lúc trước hơi gay gắt, nhưng thái độ của bà giờ đây đã trở lại thờ ơ hờ hững mà trước đó tôi không để ý.
Tôi nói: “Hôm nay hình như ở đây thật yên tĩnh. Chắc hai con trai của bà đã trở lại trường rồi hả?”
“Vâng, quả có khác.” Bà nói tiếp, “Chắc ông muốn hỏi thêm về án mạng vừa qua, phải không? Cô gái bị giết trong buồng điện thoại.”
“Không, không hẳn. Thật sự tôi không liên quan đến cảnh sát, bà biết không.”
Bà ta có vẻ hơi ngạc nhiên.
“Tôi tưởng ông là trung sĩ Lamb, chẳng phải thế sao?”
“Tên tôi là Lamb, đúng vậy, nhưng tôi làm ở một bộ phận khác.”
Vẻ thờ ơ hờ hững chợt biến mất không còn thấy trong thái độ của bà Ramsay nữa. Bà liếc nhìn tôi thật nhanh, cái nhìn chằm chặp thẳng vào mặt tôi với vẻ khó chịu.
“Ồ,” bà ta nói, “vậy, chuyện gì thế?”
“Chồng bà vẫn đang ở nước ngoài chứ?”
“Vâng.”
“Ông ấy đi đã khá lâu rồi, phải không bà Ramsay? Và đi khá xa?”
“Ông biết gì về chuyện ấy?”
“À, ông ấy đã đi qua bên kia Bức Màn sắt rồi, phải không?”
Bà ta im lặng một lúc khá lâu rồi đáp với giọng bình thản vô hồn: “Vâng. Vâng, hoàn toàn đúng như thế.”
“Bà có biết ông ấy đi hay không?”
“Ít nhiều cũng có biết.” Bà ngừng lại một lát rồi nói, “Ông ấy muốn tôi cùng đến đó.”
“Có lúc nào bà từng nghĩ tới chuyện ấy hay không?”
“Cũng có. Mãi đến gần đây ông ấy mới nói cho tôi biết.”
“Bà không đồng quan điểm với ông ấy ư?”
“Có một lần như thế. Nhưng ông phải biết là đã qua rồi… Ông thường kiểm tra khá toàn diện về những chuyện như thế, phải không? Trở lui về quá khứ, tìm ra ai là kẻ đi đây đi đó, ai là đảng viên, tất cả những chuyện đại loại như thế.”
“Có lẽ bà đã bỏ sót những thông tin sẽ rất hữu ích cho chúng tôi,” tôi nói.
Bà ta lắc đầu.
“Đúng, tôi không thể nói. Tôi không có ý là sẽ không nói. Ông thấy đó, ông ấy chưa bao giờ nói với tôi điều gì rõ ràng. Tôi không muốn biết. Tôi đã chán chường mệt mỏi với toàn bộ chuyện ấy! Khi Michael bảo tôi ông ấy sắp rời khỏi đất nước này, thì thực sự tôi cũng không thấy quá ngạc nhiên. Khi ấy tôi đã quyết định mình phải làm gì.”
“Và bà đã quyết định không nhất thiết phải đồng tình với mục tiêu của ông ấy?”
“Không, tôi hoàn toàn không nghĩ như thế. Quan điểm của tôi hoàn toàn vì bản thân mình. Tôi tin cuối cùng với phụ nữ vẫn luôn là thế, dĩ nhiên trừ phi đó là một kẻ cuồng tín. Và rồi phụ nữ cũng có thể rất cuồng tín, nhưng tôi thì không. Tôi chưa bao giờ là gì khác ngoài một người theo cánh tả ôn hòa.”
“Chồng bà có dính líu gì với vụ Larkin không?”
“Tôi không biết. Chắc có thể có đấy. Ông ấy chưa bao giờ kể gì hay nói gì với tôi về chuyện ấy cả.”
Bà ta chợt nhìn tôi có vẻ sôi nổi hơn.
“Ông nên làm sáng tỏ hoàn toàn chuyện ấy đi, ông Cừu à. Hay là ông Sói đội lốt Cừu, hay ông là cái gì cũng thế thôi. Tôi yêu chồng tôi. Lẽ ra tôi đã yêu quý ông ấy đủ để cùng đi đến Moscow, dù tôi có đồng ý hay bất đồng quan điểm chính trị với ông ấy cũng thế. Ông ấy muốn tôi mang theo hai thằng bé. Tôi không muốn mang chúng theo. Đơn giản là thế thôi. Và thế là tôi quyết định ở lại với chúng nó. Liệu có bao giờ tôi gặp lại Michael hay không thì tôi không biết nữa. Ông ấy phải chọn cách sống của ông ấy, còn tôi cũng có cách sống của tôi. Nhưng bây giờ tôi đã biết đích xác một điều. Sau khi ông ấy bàn với tôi chuyện ấy. Tôi muốn hai thằng bé được nuôi dạy ở đây trong đất nước của chúng. Chúng là người Anh. Tôi muốn chúng được nuôi dạy như những thằng bé người Anh bình thường.”
“Tôi hiểu.”
“Và tôi nghĩ tất cả chỉ có thế,” bà Ramsay đứng dậy.
Lúc bấy giờ thái độ của bà bỗng dưng rất cương quyết.
“Chắc hẳn đã là một chọn lựa khó khăn,” tôi nói thật ôn tồn.
“Tôi rất tiếc cho ông.”
Tôi cũng rất tiếc. Có lẽ sự cảm thông chân thành trong giọng nói của tôi đã khiến bà ta cảm động. Bà cười nhẹ.
“Có lẽ ông thực sự là… Chắc trong công việc của mình ông phải cố gắng ít nhiều nắm được tẩy của người ta, biết họ đang có cảm giác gì và đang nghĩ gì. Gần như đã là một cú hạ đo ván đối với tôi, nhưng tôi đã vượt qua những gì tồi tệ nhất… Giờ đây tôi phải vạch ra những kế hoạch, phải làm gì, phải đi đâu, nên ở lại đây hay đi nơi nào khác. Tôi phải tìm việc làm. Trước đây có một dạo tôi đã quen làm công việc thư ký. Có lẽ tôi sẽ theo một khóa ôn luyện lại về tốc ký và đánh máy.”
“À, đừng có đi làm cho Phòng Cavendish nhé!” tôi bảo.
“Vì sao lại không chứ?”
“Hình như các cô gái đang làm công ở đó đều gặp chuyện không may.”
“Nếu ông nghĩ tôi biết được chút gì về chuyện ấy thì ông đã nhầm. Tôi chả biết gì đâu.”
Tôi chúc bà ta may mắn rồi đi ra. Chẳng tìm hiểu được gì từ bà ta cả. Thật ra tôi cũng không nghĩ sẽ tìm hiểu được điều gì. Nhưng người ta phải sắp xếp lại cho ổn những đầu mối còn lỏng lẻo.
Vừa ra khỏi cổng tôi suýt đâm bổ vào bà McNaughton. Bà ta đang xách một cái túi đi mua sắm và hình như rất loạng choạng, đứng không vững.
“Để tôi,” tôi nói rồi cầm lấy cái túi từ tay bà.
Ban đầu bà định giằng lại cái túi mua sắm, sau đó bà rướn đầu tới trước, chăm chú nhìn tôi rồi nới lỏng bàn tay đang nắm chặt.
“Anh là chàng trai trẻ từ đồn cảnh sát đây mà,” bà nói. “Mới đầu tôi không nhận ra anh.”
Tôi xách cái túi đồ đến cửa trước nhà bà và bà ta lảo đảo đi bên cạnh tôi. Cái túi nặng một cách rất đáng ngờ. Tôi tự hỏi có gì trong ấy. Những cân khoai tây?
“Khỏi bấm chuông,” bà bảo. “Cửa không khóa.”
Hình như ở Wilbraham Crescent không nhà nào khóa cửa cả.
“Và anh đang tiếp tục công việc thế nào?” bà ta hỏi kiểu buôn chuyện. “Hình như ông ta cưới người thấp kém hơn mình rất nhiều.”
Tôi không biết bà ta đang nói gì nữa.
“Ai vậy — tôi đã đi xa,” tôi giải thích.
“À, tôi hiểu rồi. Nấp bóng ai đó, tôi cho là như vậy. Tôi muốn nói đến bà Rival. Tôi đã tới dự buổi sơ thẩm. Một người đàn bà trông có vẻ quá đỗi bình thường. Tôi phải nói là bà ta dường như chẳng bối rối lắm khi thấy chồng chết.”
“Bà ta không gặp chồng đã mười lăm năm rồi,” tôi giải thích.
“Ông Angus và tôi kết hôn đã hai mươi năm.” Bà thở dài. “Đã lâu lắm rồi. Và ông ấy làm vườn quá nhiều, giờ đây khi không còn tới trường đại học nữa… Thật khó biết phải làm gì với chính mình đây.”
Ngay lúc đó ông McNaughton tay cầm cái xẻng từ góc nhà đi vòng ra.
“Ôi, em đã về rồi. Để anh xách đồ vô cho…”
“Anh đem vào trong nhà bếp đi,” bà chủ nhà bảo tồi, lanh lẹ thúc cùi chỏ vào tôi. “Chỉ có bánh bột bắp nướng, trứng và một trái dưa thôi mà,” bà nở một nụ cười rạng rỡ nói với chồng.
Tôi đặt cái túi lên bàn nhà bếp. Nó kêu leng keng. Bánh bột bắp nướng sao hả trời! Tôi để cho bản năng điệp viên làm nhiệm vụ. Bên dưới một miếng gelatine ngụy trang là ba chai whisky.
Tôi hiểu vì sao đôi lúc bà McNaughton quá tươi tỉnh và nói tía lia, vì sao thỉnh thoảng bà hơi loạng choạng không vững. Và có thể còn hiểu vì sao ông chồng lại từ chức giáo sư.
Đó là một buổi sáng dành cho các láng giềng. Tôi gặp ông Bland trong lúc đang đi trên đường Crescent hướng về đường Albany. Ông Bland có vẻ rất chừng mực. Ông nhận ra tôi ngay tức khắc.
“Cậu có khỏe không? Vụ án sao rồi hở? Đã nhận dạng được cái xác, tôi nghe nói thế. Dường như đã đối xử với vợ hắn khá tồi tệ. À này, xin lỗi cậu, cậu không phải người ở đây, đúng không?”
Tôi nói lảng đi, rằng tôi từ London tới.
“Thế Scotland Yard cũng quan tâm, phải không?”
“À…” tôi kéo dài từ này ra một cách vô thưởng vô phạt.
“Tôi hiểu rồi. Không được tiết lộ bí mật. Dẫu sao cậu không có đến dự buổi sơ thẩm mà.”
Tôi nói mình mắc đi nước ngoài.
“Tôi cũng thế, cậu ạ. Tôi cũng thế!” Ông nháy mắt với tôi.
“Paris phóng túng hả?” tôi hỏi, nháy mắt đáp lại.
“Tôi đã ao ước được đến đấy. Không, chỉ là chuyến đi một ngày đến Boulogne thôi.”
Ông thúc cùi chỏ vào hông tôi (rất giống bà McNaughton!).
“Không dắt vợ theo. Cặp kè cùng một cô bé xinh xắn. Tóc vàng. Số đo nóng bỏng.”
“Một chuyến đi công tác hả?” tôi hỏi. Cả hai cùng cười vang như mọi đàn ông trên cõi đời này.
Ông ta đi tới nhà số 61, còn tôi thì bước tiếp về phía đường Albany.
Tôi không thỏa mãn với chính mình. Như Poirot đã nói, đáng lẽ phải thu được nhiều hơn từ các nhà hàng xóm. Rõ ràng không hợp lẽ tự nhiên khi không một ai từng thấy gì cả! Có lẽ Hardcastle đã hỏi sai. Nhưng tôi có thể nghĩ ra câu hỏi nào hay hơn hay không? Trong khi rẽ qua đường Albany, tôi lập trong đầu mình một danh sách nhũng câu hỏi. Lần lượt những câu đó như thế này: ++“Ông Curry (Castleton) đã bị đánh thuốc mê — Khi nào? Người kể trên đã bị giết — Ở đâu? Ông Curry (Castleton) đã được đưa đến nhà số 19 — Như thế nào? Có người nào hẳn đã thấy gì đó! — Ai? Điều hắn thấy — Là cái gì?”
Tôi lại rẽ trái. Giờ đây tôi đang bước đi trên đường Wilbraham Crescent đúng y như đã bước đi vào hôm 9 tháng 9. Tôi có nên ghé vào nhà cô Pebmarsh hay không? Bấm chuông và nói — chà, tôi nên nói gì đây?
Viếng nhà cô Waterhouse? Nhưng tôi có thể nói cái quái gì với bà ta chứ?
Có lẽ là bà Hemming? Nói với bà ta chẳng có tác dụng gì nhiều. Bà ta có thèm nghe đâu, và điều bà đã nói, dù ngẫu nhiên và không liên quan, không chừng lại đưa đến một điều gì đó.
Tôi vừa bước đi vừa nhẩm trong đầu mình các số nhà như trước đây từng làm. Có phải ông Curry quá cố đã tới đây, cũng để ý đến số nhà, cho tới khi đến số nhà mình định viếng thăm?
Wilbraham Crescent chưa bao giờ trông có vẻ đạo mạo nghiêm trang hơn. Gần như tôi nghe tiếng chính mình đang kêu lên theo kiểu thời Victoria: “Ôi, giá mà hòn đá cũng biết nói năng!” Đó là câu trích dẫn được ưa thích nhất thời ấy. Hình như vậy. Nhưng mà đá đâu có nói, gạch và xi măng củng chẳng hơn gì. Thậm chí cả thạch cao lẫn vữa cũng thế. Wilbraham Crescent vẫn cứ im lìm là chính nó.
Kiểu dáng cổ xưa, cách biệt, khá tồi tàn và chẳng thèm trò chuyện. Tôi chắc chắn nó cực lực phản đối những kẻ lang thang đầu đường xó chợ thậm chí chẳng biết mình đang tìm kiếm cái gì nữa.
Chỉ có vài người quanh đó. Hai thằng nhỏ cưỡi xe đạp, hai người đàn bà xách túi đi mua sắm. Chính những ngôi nhà có thể đã được ướp như những xác ướp để giữ lại tất cả những dấu hiệu của sự sống có trong đó. Tôi biết tại sao lại thế. Đã đến rồi hay gần đến một giờ giấc thiêng liêng của người ta, một giờ giấc đã được truyền thống Anh thần thánh hóa để người ta tiêu hóa bữa ăn trưa. Trong một hay hai ngôi nhà tôi có thể thấy qua những cửa sổ không che màn một nhóm một hay hai người quanh bàn ăn, nhưng ngay cả chuyện ấy cũng cực kỳ hiếm hoi. Hoặc là các cửa sổ được phủ màn nylon che kín như đối nghịch với màn vải ren Nottingham đã có thời được dùng rất phổ biến, hoặc nhiều khả năng hơn nữa — bất cứ ai có ở nhà đều đang ăn trong bếp “hiện đại” theo tập tục của thập niên 1960.
Tôi trầm ngâm suy nghĩ, đó là khoảng thời gian trong ngày hoàn hảo cho một án mạng. Tôi tự hỏi kẻ giết người có từng nghĩ vậy không? Có phải đó là một phần trong kế hoạch của hắn? Cuối cùng tôi đã đến nhà số 19.
Cũng như quá nhiều thành viên khờ dại khác trong dân chúng, tôi cứ đứng ngó trân trân. Lúc bấy giờ chẳng thấy bóng dáng một con người nào khác. “Chẳng có láng giềng nào cả,” tôi buồn rầu tự nhủ, “chẳng có người xem thông minh nào.”
Tôi cảm thấy vai mình đau nhói. Tôi đã sai lầm. Ở đây có một láng giềng, đúng vậy, một láng giềng rất có ích giá như từng biết nói. Tôi đã dựa vào cột cổng nhà số 20 và cũng con mèo lông vàng cam to lớn tôi từng thấy trước đó đang ngồi trên cột cổng. Tôi dừng lại trao đổi vài lời với nó, trước hết gỡ cái móng vuốt tinh nghịch của nó ra khỏi vai mình.
“Giá mà mèo biết nói nhỉ,” tôi tặng nó vài lời để mở đầu câu chuyện.
Con mèo vàng cam mở miệng kêu to một tiếng meo meo du dương êm ái.
“Tao biết mày có thể mà,” tôi nói. “Tao biết mày cũng có thể nói lưu loát như tao. Nhưng mày đang nói không phải ngôn ngữ của tao. Có phải hôm ấy mày cũng ngồi ở đây? Mày có thấy ai đã đi vào hay ra khỏi nhà ấy hay không? Mày có biết tất cả những chuyện đã xảy ra hay không? Tao sẽ không để cho nó qua mặt mày đâu, miu à.”
Con mèo xem nhận xét của tôi là lời thoại của một vai diễn tồi. Nó quay lưng lại với tôi và bắt đầu ve vẩy cái đuôi.
“Xin lỗi bệ hạ,” tôi nói.
Nó ngoái đầu lại lạnh lùng nhìn tôi, rồi bắt đầu tự rửa ráy một cách siêng năng. Láng giềng ôi, tôi trầm tư suy nghĩ một cách đắng cay! Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, các láng giềng ở Wilbraham Crescent chẳng cung cấp được gì. Điều tôi đã muốn — điều Hardcastle đã muốn — là một lão phu nhân nào đó chuyên ngồi lê đôi mách, ưa nhòm ngó rình mò, có thời gian trĩu nặng trên hai tay. Lúc nào cũng mong nhìn ra và thấy điều gì đó xấu xa nhục nhã. Rắc rối là hạng lão phu nhân ấy ngày nay hình như chết hết cả rồi. Hết thảy các bà ấy vẫn ngồi túm năm tụm ba trong nhà dưỡng lão với mọi nguồn an ủi dành cho tuổi già, hay vào các bệnh viện đông người nơi giường bệnh là nhu cầu cấp thiết của những người thật sự đau ốm. Những người què quặt, khập khiễng và người già không còn sống trong nhà mình nữa, chẳng còn được một gia nhân trung thành hay một người bà con khờ khạo nào đó chăm sóc, vui lòng có được một ngôi nhà tử tế. Đó là một bước thụt lùi nghiêm trọng trong công tác điều tra hình sự.
Tôi ngó sang bên kia đường. Tại sao bên đó lại không thể có nhà láng giềng nào hết? Tại sao không thể có một dãy nhà sạch sẽ gọn gàng đối diện với tôi, thay vì một khối cao ốc bằng bê-tông vô hồn? Một kiểu tổ ong đầy ắp con người, không còn nghi ngờ gì nữa, trong ấy cư ngụ những ong thợ suốt ngày ra ngoài và chỉ trở về vào buổi tối để trông chừng mấy đứa con hay trang điểm dung nhan rồi ra ngoài gặp gỡ các chàng trai trẻ của mình. Tôi gần như bắt đầu có cảm tình với vẻ hào hoa phong nhã thời Victoria đã phai tàn của Wilbraham Crescent vì nó trái ngược hẳn với những căn hộ vô hồn ấy.
Mắt tôi bắt gặp một ánh chớp ở đâu đó nửa đường ngó lên cao ốc. Nó khiến tôi rối trí. Tôi ngó lên chằm chặp. Phải, nó lại đến nữa kìa. Một cửa sổ đang mở và một người đang nhìn qua đó. Một khuôn mặt bị vật gì đó giơ lên xóa nhòa đi một chút. Ánh chớp lại loé lên. Tôi thọc tay vào túi quần. Tôi thường giữ rất nhiều đồ vật trong các túi của mình, những món có thể có ích. Hẳn ta sẽ ngạc nhiên vì đôi khi có món đồ có ích. Một băng dính nhỏ xíu. Vài dụng cụ trông có vẻ hoàn toàn vô dụng nhưng lại có khả năng mở hầu hết các cánh cửa khóa chặt, một cái lon thiếc đựng bột xám có nhãn hiệu không đúng với nó cùng một cái bơm phun bột ấy để lấy dấu vân tay, và một hay hai đồ dùng nhỏ xíu hầu như người ta chẳng biết là cái gì. Trong số các đồ vật khác tôi có một ống kính ngắm chim bỏ túi. Không ngắm được quá cao nhưng sử dụng cũng khá tốt. Tôi lấy nó ra và nâng lên ngang tầm mắt.
Có một đứa nhỏ trong khung cửa sổ. Tôi thấy được một bím tóc dài phủ xuống một bờ vai. Cô bé có một cặp ống nhòm nhỏ dùng để xem opera và cô đang nghiên cứu tôi có thể nói là chăm chú nhưng chỉ để cho vui vậy thôi. Tuy thế, vì chẳng có gì khác để nghìn ngắm nên cũng có thể không phải chỉ để làm vui như trông có vẻ như thế. Vừa lúc đó ở Wilbraham Crescent lại có một trò tiêu khiển giữa trưa khác.
Một chiếc Rolls-Royce cũ mèm chạy tới nơi do một tài xế rất cao tuổi lái. Trông bác ta có vẻ đứng đắn nhưng khá chán đời. Bác đi ngang qua chỗ tôi với vẻ long trọng của cả đoàn xe hơi đang diễu hành. Quan sát viên nhí của tôi, tôi để ý thấy giờ đây đã chuyển ống kính sang bác tài. Tôi đứng đó, suy nghĩ.
Tôi vẫn luôn có niềm tin, hễ anh chịu khó chờ đủ lâu nhất định sẽ gặp được điều may mắn nào đó. Một điều anh không thể nào trông mong và chưa bao giờ nghĩ đến, nhưng vẫn xảy ra. Phải chăng có khả năng đây có lẽ là may mắn của tôi? Lại nhìn lên chung cư to vuông vức, tôi để ý thật kỹ lưỡng vị trí của cửa sổ mình đặc biệt quan tâm, đếm từ đó qua hai đầu chung cư và đếm từ dưới đất lên. Tầng ba. Sau đó tôi đi dọc theo con đường tới tận cổng chung cư. Bên trong có một con đường trải rộng vòng quanh cao ốc với những thảm hoa cách quãng nhau một cách gọn gàng ở những vị trí chiến lược trên bãi cỏ.
Tôi nhận thấy cứ theo dõi xuyên suốt tất cả các động thái lúc nào cũng tốt, vì vậy tôi bước ra khỏi con đường giữa vườn hoa ấy đi về phía chung cư, ngước nhìn lên phía trên đầu mình như thể giật mình kinh ngạc, cúi xuống bãi cỏ, giả đò lùng sục khắp nơi và sau cùng đứng thẳng dậy, rõ ràng chuyển cái gì đó từ bàn tay vào túi của mình.
Tôi cứ tưởng ban ngày hầu như lúc nào ở đây cũng có người gác cửa, nhưng vào thời khắc thiêng liêng từ một đến hai giờ, đại sảnh ở cửa vào vắng tanh. Có một cái chuông bên trên có tấm bảng lớn đề chữ GÁC CỔNG, nhưng tôi không bấm chuông. Có một thang máy và tôi đi tới đó, rồi bấm nút để lên tầng ba.
Từ bên ngoài tưởng chừng xác định vị trí một căn phòng đặc biệt có vẻ khá đơn giản, nhưng khi vào bên trong một cao ốc thì thật là rối rắm. Tuy nhiên trong đời mình tôi đã rất nhiều lần thực hành những tình huống tương tự nên tôi khá chắc chắn mình đã đến đúng cửa. Con số trên đó dù tốt xấu gì cũng là 77. “À,” tôi nghĩ, “những số bảy là may mắn. Cứ thử đi.” Tôi bấm chuông rồi bước lùi lại để chờ xem chuyện gì sẽ đến.
Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ - Agatha Christie Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ