A book that is shut is but a block.

Thomas Fuller

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
iọng ông Costes trên điện thoại rối lên như khi đài phát thanh nhiễu sóng và tôi phải khôi phục lại các từ. Tôi không biết ông nói gì, thậm chí tôi có cảm giác ông hơi mê sảng nhưng cũng thấy rõ sự nài nỉ. Cuối cùng tôi hỏi xem ông có muốn tôi đến không. “Chỉ cần cậu muốn đến,” ông nói với giọng mệt mỏi mà qua đó tôi thấy có vẻ khẩn cấp.
Vất vả lắm tôi mới tìm lại được con đường dẫn đến ngôi biệt thự. Cuối cùng tôi bắt gặp con đường khi sắp nản lòng và tôi ngoắc chiếc xe đạp vào hàng rào sắt.
Tôi phải kiên nhẫn đợi một lúc ở phòng khách trong khi Suzanne cạo râu và mặc quần áo cho ông. Tôi nghe thấy giọng nói bình thản của họ, một lời phản ứng, một lời nhắc nhở. Bà đẩy ông đang ngồi trên chiếc ghế bành đến chỗ tràng kỷ, ông dựa vào bà đứng dậy rồi lại từ từ ngã xuống, vụng về, vào những chiếc gối dựa. Ông lọt thỏm trong chiếc áo vest lông lạc đà, túi nhỏ màu vàng hợp với khăn quàng vàng; nhưng ấn tượng về sự già nua, về sự yếu ớt mạnh đến mức không còn chỗ cho vẻ lịch lãm nữa. Có lẽ người ta không thể mặc quần áo tử tế hơn được cho một xác chết.
Ông chìa bàn tay gân guốc xanh xao về phía tôi. Tôi lại ngồi quỳ, ở tư thế thấp hơn ông, phải ngước mắt để nhìn thấy khuôn mặt nghiêng của ông: cái mũi Ấn Độ của ông nổi bật giữa các nếp nhăn do sắp cận kề cái chết.
“Cậu đã đọc Người Mỹ trầm lặ̣ng chưa?
- Ông Costes, có thể cháu không hiểu rõ qua điện thoại, nhưng cháu cứ nghĩ rằng ông có chuyện khẩn phải nói với cháu...
- Cậu đã đọc cuốn đó chưa?”
Tôi thở dài lắc đầu.
“Cậu có nhớ bầu không khí Sài Gòn một hai năm trước khi người Pháp thất thủ mà Greene miêu tả quá đúng không? Những quả lựu đạn nổ ấy, những cuộc mưu sát ấy, những cái chum gạo có thể chứa chất nổ ấy, những ‘thùng diêm’ trong đó người ta chuyên chở súng cối ấy, những cái giỏ hoa phủ kín đạn dược ấy, cái chu trình hết đêm lại đến ngày ấy, giữa tất cả những cái đó là sự hối hả hưởng thụ, cơn điên loạn kiếm tiền, trong khi biết rằng những thứ đó đang mất đi, tan đi và sẽ kết thúc. Đúng - tất cả như một gã biết rằng mình sẽ chết vào rạng đông và tiếp tục đêm đó tại sòng bạc với hy vọng vơ hết tiền của nhà cái. Thời điểm tôi quay trở lại đúng là như vậy đấy, một nhà thổ gớm ghiếc và ghê tởm, đồng thời lại là thiên đường cho những kẻ mù quáng. Người ta húc đầu vào tường, người ta đã ở đó rồi nhưng người ta cóc quan tâm, người ta còn tăng tốc nữa. Đã xa rồi cái thời Leclerc và thậm chí cả những điều về tướng de Lattre, khoảng thời gian ngắn ngủi mà họ lại tin rằng mình có mặt ở đó để làm được việc gì đó, tất cả đều đã bị chôn vùi như Leclerc, như de Lattre và con trai ông, trung úy Bernard do chính de Lattre tự tay mang xác về. Đấy: tất cả đều kết thúc, vẫn còn một vài lời khiến người ta cười khẩy, những người sáng suốt im lặng, lòng nhiệt huyết, sự hy sinh, chủ nghĩa cộng sản, tự do, tất cả đã trở thành trò múa rối thê thảm mà trong đó cả tôi một lần nữa cũng chấp nhận đóng vai của mình.
“Tôi ngỡ là ở Paris đã từng nghe nói về một chiến dịch quân sự hiển hách sẽ được tiến hành tại một nơi hẻo lánh tên là Điện Biên Phủ, nhưng đó có thể là ảo ảnh khi nhìn về quá khứ. Tôi biết rằng người ta sử dụng những tổng tư lệnh và cao ủy và rằng mỗi người, vào mỗi thời, đều có chính sách ‘của mình’, chiến lược ‘của mình’, nhưng tất cả những thứ đó được thực hiện uể oải, cộng thêm vụ tai tiếng về tiền bạc và chính trị. Trong số các loại thuốc phiện thuộc địa, người ta chỉ còn hút xái, cái thứ cặn bã gây bệnh nhưng mang lại chút xúc cảm. Thỉnh thoảng, chính phủ gửi tới một phái đoàn để ghi nhận các tổn thất và đưa ra khuyến cáo: trong lúc chờ phái đoàn quay lại, chính phủ ấy đã bị lật đổ và chính phủ tiếp theo, bao gồm gần như toàn các bộ trưởng cũ, long trọng cam kết không mắc phải những khuyết điểm hiển nhiên đó nữa. Ôi! Cái thời hạnh phúc của Chủ tịch Queuille(4) với sự khôn khéo tột bậc: ‘Vấn đề nào sau một khoảng thời gian dài cũng sẽ có cách giải quyết.’ Khi nào thì chúng ta có thể rời Việt Nam? Khi nào có thể diệt trừ nạn khủng bố và khi nào thì một chính phủ dân chủ, được giáo dục trong truyền thống hành chính và chính trị vô song của chúng ta, có thể chín muồi để lãnh đạo một đất nước hiện đại.
“Tại Paris, tôi đã gặp lại tay nhà báo mà tôi từng quen tại Hà Nội, là bạn của bố cậu: với kiểu tác nghiệp thường lệ của người Anh, hắn gọi đó là sức sống của nền dân chủ Pháp. Tôi thì từ lâu đã hiểu rằng tất cả những cái đó đều thoái hóa, và tôi kiên trì với sự khôn khéo của tôi, cũng là của cha Blum: tôi đã tiếp tục, cố gắng vui đùa mà không gây ra thiệt hại. Đó là những năm mà những người kháng chiến thực thụ ngồi yên giữ im lặng trong khi những kẻ nói khoác đãi chúng ta những câu chuyện tuyệt vời. Khi người ta hỏi tôi là ai, làm những gì, tôi rụt rè trả lời: ‘như những người khác: những gì tôi có thể.’ Tôi ngưỡng mộ ngài Romain Gary tuyệt vời mà tôi chỉ gặp đôi ba lần, ông cho rằng việc kể ra những chiến công của mình thể hiện sự thiếu lịch sự. Với tuổi tác, cậu thấy đấy, tôi đã kém đi: trong lúc sơ xuất tôi đã để mình được trao Bắc đẩu Bội tinh. Hẳn là tôi đã khiến nhiều bạn bè phải khổ tâm...”
Một lần nữa tôi lại thấy sốt ruột. Tôi lắng nghe câu chuyện của ông nhưng ông rất hay bị lạc đề so với câu chuyện mà tôi tìm kiếm - đấy là cứ cho rằng ông còn nhớ lý do tôi có mặt tại đây.
“Vậy là ông quay trở lại Việt Nam...”
Có lẽ ông nhận ra vẻ mệt mỏi chán chường ẩn chứa trong giọng nói của tôi.
“Tha lỗi cho tôi, André. Tại sao cậu không cắt lời khi tôi lạc đề?
- Bởi vì nếu ông ngừng nói ngoài lề thì ông sẽ không nói nữa...
- Ái chà, tôi thích điều này đấy! Đúng là như thế! Đấy. Bảy năm rồi tôi không gặp bố cậu. Katia quay về Pháp vài ba lần và tôi đã gặp cô ấy một lần tại New York. Cô đưa tôi đi xem một vở kịch của Noel Coward vào buổi sáng và rạp hát đầy phụ nữ trung tuổi, chếnh choáng hơi men, cười ré lên sau mỗi lời đối thoại. Cuối cùng cô kể cho tôi nghe về mối diễm tình của họ tại Hà Nội, các bức thư của cô không có phúc đáp, cuộc gặp gỡ lỡ dở của họ tại Sài Gòn năm 1949. Cô nói rằng thế là hết, gia đình Garnier thuộc về quá khứ, nhưng tôi hoài nghi và tôi nói điều đó với cô. Cô cố gắng cười nhạo nhưng tôi thấy rõ rằng đôi mắt hạnh nhân đen láy tuyệt đẹp của cô không cười - mà chất chứa đau buồn và hy vọng. Cô khẳng định mình chẳng còn chờ đợi gì ở ông ấy nhưng tôi cảm thấy rằng cô chia tay nhưng không cắt đứt quan hệ với ông ấy. Cô có những người tình thoảng qua và tôi ghen với họ còn hơn với bố cậu, bởi lẽ nếu tôi không thể là mối tình lớn của đời cô thì ít ra tôi cũng phải là một trong những mối tình nhỏ của cô chứ? hay một dòng chú thích cuối trang trong câu chuyện của cô? nhưng ngay cả điều đó cũng chẳng được đoái hoài, dù tôi chỉ hơn cô ít tuổi, tôi vẫn thuộc về một thời đại khác, có lẽ đối với cô như thế có chút hương vị loạn luân nào chăng, và tôi phải thấy hạnh phúc khi được làm bạn với người đàn bà đẹp và biết ăn mặc ấy, khoác tay tôi, vẻ bí ẩn, bước vào các nhà hàng ngon nhất Paris.
“Khi đó tôi ở ba phòng trên tầng cao nhất của khách sạn Hòa bình, trên đảo Saint-Louis. Cậu cứ kiểm tra đi: khách sạn vẫn còn đó, nhưng với giá phòng một đêm hiện nay, khi ấy ta có thể sống cả tháng... Tôi có một chiếc thuyền neo ở bến, có những người bạn là triết gia, trộm cắp, nhà văn, nhà tâm lý học - có lẽ cậu biết hầu hết tên của họ - chúng tôi cùng nhau uống rượu whisky vào ban đêm, theo khả năng và ý thích của chúng tôi: quá nhiều. Tuổi trẻ của chúng tôi kết thúc muộn bởi lẽ chúng tôi đã trở nên già quá sớm.
“Tôi từng nói với cậu rằng tôi được cử đi công tác; nói đúng hơn thì chính Katia là người đã thuyết phục tôi. Cô ấy vẫn làm việc cho hãng Reuters và bấy giờ cô đã có một mạng lưới thực sự. Cô biết có những mối liên hệ tại Sài Gòn giữa những người Pháp và những người bạn Việt Minh, nhưng mọi chuyện rầy rà một chút. Với tư cách là ‘người Pháp đầu tiên bắt tay Chủ tịch Hồ Chí Minh’, liệu tôi không thể đóng một vai trò nào được sao? Cả tôi cũng biết các cánh cửa và nút chuông ở đâu: hai chúng tôi gặp lại nhau trên chuyến bay của hãng Hàng không Pháp. Đó là vào cuối năm 1951, có thể là đầu năm 52. Tôi khiến cô ấy mỉm cười khi kể lại giai thoại của những năm Sainteny. ‘Tôi không được phép gặp bất kỳ ai một cách chính thức, tôi không được phép cam kết bất kỳ điều gì dù là nhỏ nhất.’ Cô cười. ‘Đó là tình cảnh tốt nhất, dù thế nào đi nữa thì đó cũng là tình cảnh khiến anh vui nhất, Costes ạ - sự tự do hoàn toàn của quyền lực vô biên: - Đúng hơn hãy gọi đó là phi quyền lực. - Chính vì lý do đó mà quyền lực không có giới hạn.’
“Tôi ở sát gần bên cô - xin lỗi nhé, lẽ ra tôi nên biết mình đang nói đến mẹ cậu và phải thay đổi cách nói, nhưng tôi không làm được - và tôi đã không thể ngăn mình nhắc lại với cô về khoảnh khắc ấy, tại công viên Buttes-Chaumont, nơi làn môi chúng tôi sượt qua nhau. Trước chiến tranh... Cô vừa mỉm cười vừa nhìn các đám mây trên cao mà chúng tôi đang bay qua. ‘Đó là một cuộc đời khác, François ạ, anh biết rõ mà.’ Thế rồi cô tử tế cầm tay tôi lên hôn. Tôi biết tỏng là cô nghĩ đến bố cậu: đã ba năm rồi họ chưa gặp nhau.”
Tôi cảm thấy có người sau lưng. Suzanne đang ngồi nghe chúng tôi. Tôi viết “chúng tôi” cứ như thể tôi đã tham gia vào cuộc trò chuyện chứ không chỉ gật gù, thở dài hay hắng giọng; nhưng tôi cho rằng mình tương đối giỏi im lặng và sự im lặng này cũng có giá trị trong cuộc đối thoại mà ở đó duy nhất một nhân vật đảm nhiệm tất cả các vai và tất cả các lời thoại.
“Chúng tôi đến ở khách sạn Continental, và tôi bắt đầu có những cuộc tiếp xúc còn Katia thì săn tin. Về bầu không khí thì tôi đã kể cho cậu nghe rồi. Một buổi tối, chúng tôi được mời xem phim tại câu lạc bộ Sĩ quan Hải quân trên đại lộ Charner. Chuông nguyện hồn ai - cậu có hình dung được tính biểu tượng của lựa chọn này không! Chúng tôi đến đó là có lý do, chẳng hề vì điện ảnh chút nào. Khi bộ phim kết thúc, chính tôi là người đầu tiên nhìn thấy bố cậu từ buồng chiếu đi ra và tôi đã hỏi xem ông ấy làm gì ở chỗ các lính thủy đánh bộ, và tôi gọi Katia, và một lần nữa, cả ba chúng tôi gặp lại nhau. Tôi nói ‘một lần nữa’ bởi trong câu chuyện xa xưa của chúng tôi, ông ấy chiếm vị trí của ông nội cậu còn tôi luôn luôn ở vị trí đó - vị trí của thằng ngốc. Thôi được, như Katia nói, đó là một cuộc đời khác. Chúng tôi ăn tối tại Gia Định, rồi đến hộp đêm tại Đa Kao. Khi đó có gió mùa: rạng sáng, mấy cụ già bắt được vài con cá trê gầy guộc trong ổ gà đường ray tàu điện.
“Tôi đã từng đóng một vai trong bộ phim này những năm trước. Katia nhìn bố cậu... Trời ơi, như Héloïse nhìn Abélard vậy! Và ông ấy đã trưởng thành mà chưa thực sự chín chắn, ông ấy từng có nhiều đàn bà và chiếu tất cả những bộ phim ấy nhưng lúc nào cũng có cái gì đó cháy bỏng trong ông, một khát vọng vừa bao la vừa hủy diệt ông, một hoài bão về những điều không thể, một cách tự tiêu hủy rất riêng vì những giấc mơ không thể hiện hữu, một khát khao tột cùng muốn ở nơi khác ngay cả khi ông có mặt ở chính nơi đó. Ông nội cậu có lối ngôn từ và sự nhạy bén riêng, nhưng ông lại không có sức mạnh - ông chưa bao giờ tự tin vào khả năng vừa là người vừa là nhạc sĩ của mình; còn bố cậu thì có sức mạnh và sự nhạy bén, nhưng ông bị giằng giật giữa quá nhiều ngôn từ, buộc ông phải nín lặng. Hơn nữa, cả hai đều không thể yêu và để cho mình được yêu. Tình yêu của người phụ nữ ấy, nếu như bố cậu chỉ cần đơn giản tiếp nhận thì chắc cuộc đời ông ấy sẽ khá sung sướng; nhưng với tình trạng lúc đó, chỉ là có thêm một lý do để nghĩ rằng cuộc sống không thể chịu đựng được.
“Mọi chuyện hỏng bét khi chúng tôi muốn đến nhà ông ấy: bấy giờ ông ấy ở phố Chasseloup-Laubat, một ô nhà gần trường trung học Pháp. Ông ấy tỏ ra lưỡng lự khi dẫn chúng tôi về nhà và việc đó khiến Katia bật cười: ‘Anh không muốn cho bọn em xem chỗ trú ẩn của anh sao? Anh sợ bọn em thấy cuộc sống xa xỉ mà anh náu mình trong đó, sợ bọn em thấy các thành quả cướp bóc của anh? các nô lệ xinh đẹp của anh ư?’ Cô không ngờ mình nói trúng phóc: khi chúng tôi đến nơi, một thiếu phụ và một đứa trẻ đang ngồi trong căn phòng phía trước. Ông ấy không có một điệu bộ, một lời nói nào dành cho họ, và bảo chúng tôi rằng đó là người giúp việc. Cô ta trông không giống một người giúp việc, cô có đôi mắt không xếch như một người châu Á thường vẫn thế, một vẻ đẹp tĩnh lặng, và cô mặc toàn đồ cô tông màu đen, theo kiểu phụ nữ nông thôn. Đứa trẻ - một bé gái - được đặt trên chiếc ghế tre và nó cũng im ắng, điều hơi lạ đối với một đứa trẻ chừng hai tuổi. Căn phòng tối tăm và chật hẹp đó quá im lìm trong khi bên ngoài nước chảy xối xả. ‘Người giúp việc’ pha trà cho chúng tôi còn bố cậu rót một ly whisky. Ông khô khốc bảo họ đi chỗ khác và cô lui ra không nói một lời. Ông ấy đứng lên, lại gần chỗ tôi, tay cầm ly rượu, vẻ thách thức.
“Katia phải vỗ vào vai ông để ông bình tĩnh lại nhưng tôi bỏ đi ngay tắp lự, cả đêm đó tôi thấy ghê tởm cái tình cảnh mà ông ấy sa vào. Khi ông ấy mạo hiểm với Inès xinh đẹp thì vẫn còn có sự vô tội trong ông; bây giờ ông ấy sắp đặt, có thể cả tính toán nữa. Mẫu hình của tôi, khi đó vẫn còn là Gary, người chỉ phải tự trách mình trong các mối quan hệ với phụ nữ - ông ấy nói - vì đã thiếu tế nhị: một lần công khai khoe khoang đã có được một cô, quả đúng là ngay sau khi có được một cô... Vậy là khía cạnh hai mặt của cuộc sống, tình duyên, sự dối trá - nói chung tất cả những gì tôi đã đoán ra trong cảnh tối tăm của căn phòng hay trong cái ánh vàng hổ phách của ly rượu whisky - tôi đủ kinh nghiệm để biết rằng chuyện đó là một phần của tấn trò đời nhưng không: không phải chuyện đó, không phải ông ấy, không phải tôi. Cậu thấy đấy, lúc nào tôi cũng ghen như vậy.”
Đôi khi Costes ho những tiếng ngắn rồi nói vội vàng khiến tôi không nghe được hết, nuốt đến nửa câu làm tôi phải vớt lại. Đôi khi ông nói to, cứ như ông đọc diễn văn không micro trước cử tọa, và đôi khi ông lại nói nhỏ đến mức tôi phải ghé sát miệng ông. Trong lồng ngực ông có tiếng tạp âm, như hơi thở của một chiếc cát xét cũ kỹ.
“Tuần cuối cùng, tôi đi chuyến khứ hồi đến Hà Nội. Tôi có một vài cuộc gặp gỡ kín đáo - rủi thay tôi chẳng gặp được ai trong số những người bạn cũ, đặc biệt là Hồ Chủ tịch. Họ di chuyển liên tục, và có lẽ phải mất hàng tuần, có thể hàng tháng mới đi được đến tận một trong những căn cứ địa của vùng núi rừng Pác Bó. Với lại tôi thừa biết rằng chuyến công cán của mình không phải là một chuyến công cán, chính phủ của tôi không phải là một chính phủ. Tôi biết rằng đôi khi ngoại giao đơn giản là làm sáng tỏ những uẩn khúc, mắc mớ, nhưng trong trường hợp này, cả câu chuyện cũng chẳng có nội dung gì đối với tôi. Khi trở lại Sài Gòn, tôi quyết định dành chút ít thời gian ở một mình. Tôi đi dạo dọc những con kênh, suy tư dưới gốc cây đề... Thế giới thượng lưu, các tiệm hút, những người Tàu mại bản, tất cả bối cảnh mà Bodard đã kể, khi ấy tôi có cảm giác rằng đó chỉ là những ẩn dụ kiệt quệ nơi chẳng còn chút sinh khí nào tồn tại; tôi lạnh lùng với những gì khiến người khác choáng ngợp.
“Một buổi sáng, tôi suýt va vào bố cậu khi ông ấy bước từ phòng Katia ra. Chúng tôi chào nhau như những người xa lạ trong thang máy, chỉ có điều chúng tôi không phải là những người xa lạ và chúng tôi đang không ở trong thang máy. Tôi thích đưa ra những phân tích về giới trẻ thuộc thế hệ ông ấy (đừng quên rằng tôi sinh năm 1914, nên ngay cả dưới con mắt của những người sinh ra giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, tôi vẫn thuộc một thời đại khác): nếu như họ có được chút can đảm và danh dự thì có lẽ chúng ta không có cái cảm giác khó chịu rằng chúng ta chiến đấu chẳng vì mục đích gì. Tôi phóng đại lên thôi bởi lẽ ông ấy đã làm những gì có thể và ông tiếp tục theo cách riêng của mình. Nhưng cậu biết rõ tại sao tôi lại nghiêm khắc rồi đấy. Tôi đã lên máy bay cùng với Katia mà không gặp lại ông ấy. Còn cô thì ủ rũ, khép mình.
“Chúng tôi bị rung lắc khá nhiều trong chuyến bay trở về - thậm chí có đôi lúc máy bay đột ngột giảm độ cao đến vài trăm bộ. Chúng tôi được mời uống rượu cognac để bình tĩnh lại. Katia kể cho tôi nghe về tình yêu cô dành cho ông ấy mà cô không hy vọng được đáp lại, và cô cũng chẳng chờ đợi điều gì. ‘Chỉ thiếu chút nữa, tôi vui vẻ đùa, là cô chết trong vòng tay tôi rồi.’ Cô lịch sự nói với tôi rằng suốt giai đoạn khó chịu ấy, có lẽ đó là khoảnh khắc hạnh phúc trọn vẹn nhất. Tôi sung sướng thấy mình còn sống, sau khi có một thoáng cảm tưởng cơ thể mình tan thành triệu mảnh. Chuyện đó khiến cô trở nên tư lự. Cô nói với tôi rằng cô đã già - tôi đang nói với cậu về cái thời mà một phụ nữ chỉ ba mươi tuổi đã đến ngưỡng tàn phai - và rằng cuộc đời cô thế là hết. Cô nói với tôi về ông ấy, về những gì ông đã nói với cô, về cảnh nguy khốn ập xuống cuộc sống của ông ấy mà ông ấy không nhận thấy, về hoàn cảnh khó chịu với người đàn bà mà ông không yêu ấy nhưng không thể ruồng bỏ vì đứa con gái chung...
“Khi chiếc máy bay DC3 đến Orly, tôi đã bị tình yêu của người đàn bà si mê này chinh phục và tôi chỉ muốn những điều tốt đẹp cho cô ấy cùng những người thân của cô ấy. Nói với cậu thế nào nhỉ, tôi thậm chí còn nghĩ rằng Pierre có thể thay đổi... Ngay hôm sau cô đi New York và cô đề nghị tôi không được tiễn cô. Paris là thành phố mà bây giờ cô thấy sợ, thành phố của những mơ ước tuổi trẻ, thành phố của cha con Garnier đã mất. Vì vậy, đó không còn là thành phố yêu dấu của những người biệt xứ, những người lưu vong trên trái đất này nữa (có thể là một truyền thuyết, được những người từng vượt qua sự vô tình cao xa của thành phố này sáng tác ra). Cô muốn thuê một phòng trong một khách sạn xa hoa nhưng tôi thuyết phục cô rằng tôi có phòng xa xỉ nhất tại khách sạn Hòa bình nơi tôi sắp rời xa - có cả các triết gia, những tên trộm, những người chơi ném bi và chiếc đò buộc trên bến của tôi.
“Đêm đến, chúng tôi không ngủ được, chúng tôi cầm tay nhau, khoác eo, dạo quanh đảo Saint-Louis: cô ấy biết rằng đằng sau đam mê của mình chỉ ẩn chứa những khổ đau và đằng sau vẻ duyên dáng vũ nữ của mình là sự vững vàng đã lôi cuốn cuộc đời ông ấy mà không trói ông ấy lại, trừ phi ông ấy muốn điều đó. Cô đã quyết định trở lại Sài Gòn làm phóng viên nếu hãng Reuters chấp nhận, nếu không thì làm nhà báo tự do, và thậm chí ‘chẳng là gì hết’, cô nói không chút xúc cảm, bởi vì lần này cô sẽ ở lại với ông ấy, để chia sẻ những gì có thể, hy vọng bằng cách này hay cách khác dành trọn cuộc đời để chiếm được trái tim ông, gạt bỏ những con quỷ trong ông. ‘Tôi biết việc đó ngu xuẩn đến tuyệt vọng, François ạ. Tôi biết cả danh sách dài những người phụ nữ muốn cứu một người đàn ông và họ đã thất bại. Thế nhưng - chẳng có gì làm tôi mong muốn hơn thế.’ Cô theo ông ấy đến khi ông ấy quẳng cô đi. Cô không hề hối tiếc và sẽ chẳng bao giờ hối tiếc, cô chẳng sợ việc không được ông ấy đáp lại.
“Bên dòng nước đen ngòm của sông Seine, với hình bóng nhà thờ Đức Bà Paris phía sau, và tiếng bước chân chúng tôi vang lên trong đêm, tôi chìm vào một bản tình ca thực thụ - nhưng đó không phải là bản tình ca cho tôi. Cô nói với tôi rằng đêm ấy thật khác lạ, rằng đêm ấy dành riêng cho chúng tôi mà không có hy vọng lặp lại hay nghĩ đến tương lai - liệu tôi có hiểu những gì cô muốn nói không? Liệu tôi có từ bỏ mọi ý đồ với cô? Cô đợi tôi nghiêm túc trả lời và cô hôn tôi... Chúng tôi đã già thêm gần mười lăm tuổi, cậu thấy đấy, nhưng tôi vẫn giữ mùi vị làn môi cô trên đôi môi tôi. Tôi bế cô, nhẹ bẫng, đến tận bậc cửa khách sạn, rồi vừa đưa cô lên qua các tầng vừa nói với cô những lời ngu ngốc mà cô thứ lỗi cho tôi từ trước. Qua cửa sổ, tôi chỉ cô xem tôi tin vào điều gì, có thể là ‘chữ M tĩnh mạch của dòng Seine’ mà qua đó tác phẩm Aurélien của Aragon đã bóp nghẹt trái tim chàng trai trẻ là tôi và gieo vào đó sở thích nhớ nhung quá khứ không thể chữa khỏi. Tôi thú nhận rằng đôi khi tôi thấy trái tim mình - chỉ hiếm khi thôi... - rung động trước những phụ nữ trẻ thoảng qua, nhưng chưa bao giờ như với cô lúc đó: lần đầu tiên mà tôi biết - đồng thời cũng là lần cuối cùng. Trước khi đi ngủ, cô cần cả một bài tập thể dục phức hợp mà cô trần truồng thực hiện cho tôi xem, vừa tập vừa cười vì cô không quen. Điệu nhảy cô dành cho tôi là Hồ Thiên Nga và toàn bộ lịch sử vũ ba lê (tôi chưa từng xem vở nào trong đời), với cảnh bài trí đẹp nhất thế giới bên ngoài cửa sổ - và tôi thấy cảnh đó đến như nó qua đi, tôi cố giữ lại những hình ảnh trong ký ức mình. Thế rồi cô trườn vào trong tấm mền giường tôi, nép sát bên tôi. Cô có tấm thân thật mảnh khảnh... Tôi không dám động cựa. Cô bắt tôi hứa không được động vào cô và tôi đã hứa. Và rồi cô bắt đầu thở gấp và chúng tôi đã làm tình: hai người trẻ tuổi khao khát nhau từ lâu và biết rõ rằng tất cả đang mất, mất đi rất nhanh, và suốt một ngày trời chúng tôi không còn phân biệt được sáng tối, mà cũng chẳng thèm để tâm đến điều đó, trong khi màn đêm dần buông xuống, từng xăng ti mét một, và cứ qua mỗi khoảnh khắc, chúng tôi lại muốn cầu xin đêm đừng trôi nhanh quá.
“Buổi sáng, khi tôi đi taxi cùng cô, chỉ khi đó cô mới nói với tôi rằng cô đang mang thai.”
Tôi giật nẩy mình. Suzanne không nhúc nhích.
“Cậu có vẻ không bằng lòng rồi. Từ góc này tôi thấy rõ nét mặt ấy của cậu. Cậu coi tôi là tiểu thuyết gia ba xu, chộp lấy thời cơ thuận lợi để tạo những cảnh bất ngờ ư? Tôi không có thời gian đâu, André ạ - chưa kể là việc đó hẳn làm cậu khó chịu, và chẳng cần phải làm thế. Không phải cô ấy có bầu với tôi đâu, ngốc ạ, đương nhiên là với ông ấy rồi. Nếu lời nói của tôi chưa đủ trọng lượng thì còn có câu ‘giỏ nhà ai quai nhà ấy’, cậu quên điều đó rồi sao?”
Quả là tôi đã quên sự giống nhau giữa tôi và bố. Vào khoảnh khắc này, tôi chắc chắn rằng tôi giống ông ấy. Bức ảnh chưa bao giờ có thể được chụp - bức ảnh của ông nội Louis, bố tôi và tôi, hẳn là thể hiện ba khuôn mặt khác nhau, nhưng đó là cái khác trong chừng mực ba tấm gương phản chiếu các nét khác nhau của cùng một con người. Khuôn mặt dài, má hõm, ánh mắt đen nhìn chằm chằm đến lo ngại, và đằng trước, bàn tay với những ngón thanh mảnh nhưng mạnh mẽ trông như nhện chăng tơ. Một niềm vui len lỏi giữa những cảm giác khó chịu trong tôi, cùng với sự tò mò chưa bộc lộ: vậy là tôi được sinh ra như thế đấy, kết quả của hai lần thụ thai, tinh trùng của người cha đẻ, người chắc hẳn không biết đến sức mạnh của chính mình, được tinh trùng của cụ già này tiếp sức, người mà nhờ may mắn sống sót, suýt thì trở thành cha tôi, vì cứ cố đeo đuổi.
Một tiếng cười vui vẻ khiến tôi trở lại với chính mình. Suzanne đứng dậy khỏi ghế.
“Đến giờ uống thuốc rồi, bà hào hứng nói.
- Đưa cho tôi con rùa này thì hơn.
- Việc đó không giúp ích được đâu.
- Vậy điều gì có thể giúp ích được?
- Chẳng có gì.
- Thế thì làm sao đây?
- Thế thì đến giờ uống thuốc rồi.”
Tôi chẳng phải tìm hiểu xem giữa họ có chuyện gì. Đôi khi tôi đoán thấy vết rạn của sự không thấu hiểu gần như là hận thù; và đôi khi có một tình yêu thầm lặng, lòng tận tụy vô biên giữa họ với nhau.
“Tôi nói sắp xong rồi,” ông quay mặt về phía tôi nhưng hầu như không nhìn thấy tôi. “Những điều ít ỏi mà tôi biết sau đó là những mẩu rời rạc: họ tới Paris cùng với cậu, tôi đồ là vào quãng mùa thu năm 1954, ngay trước hay sau hiệp định Genève, tôi gặp cha cậu vài lần. Tôi muốn giúp đỡ họ và cái mặc cảm tội lỗi nào đó trong lòng năn nỉ tôi giới thiệu cha cậu với những người có thể tìm được việc làm cho ông ấy, và dồn toàn bộ tình thân ái hữu hiệu mà phi vụ lợi cho cả hai người. Có chuyện không ổn giữa họ - ông ấy khắc nghiệt và tỏ giọng đanh thép với cô, điên cuồng và bỉ ổi. ‘Cô đừng lo, tôi nói với Katia khi cả hai chúng tôi cùng uống cà phê, ông ấy đi đã được mười năm rồi. Ông ấy sẽ tái thích nghi.’ Cô nhìn tôi chăm chú mà không trả lời và tôi không dám nói tiếp: tôi tự cảm thấy mình là người ngu ngốc nhất, bởi lẽ trong câu chuyện này, tôi và ông ấy cùng lúc đánh mất cô. Mọi chuyện giữa họ không kéo dài lâu và khi tôi biết điều đó, cô đã ra đi và cả ông ấy cũng vậy. Đúng, tôi hơi bị tổn thương bởi vì cô đã không gọi cho tôi, biệt vô âm tín - và rồi tôi đã hiểu rằng chuyện là như vậy. Cô đã nói với tôi tất cả những gì phải biết ngay cả trước khi chuyện xảy ra. Tôi tưởng rằng cậu ở cùng với cô ấy.
“André, chuyện này khiến tôi đau lòng hơn cậu nhưng tôi đã nói tất cả. Như người bạn thân thiết Gary của tôi đã viết, vượt qua giới hạn ấy, tấm vé của bạn không còn giá trị nữa... Tôi đã kể câu chuyện và cuối cùng nhận ra rằng mình đã can dự vào bao nhiêu chuyện và có thể đó là nơi mỏ vàng, kho báu mà cậu tìm kiếm đang trú ngụ... Nhưng thôi nào, cậu phải để tôi nghỉ thôi: tôi mệt rồi, đã đến giờ uống thuốc, và chỉ duy nhất Suzanne là người có đặc quyền ở bên tôi trong những lúc này.
“Cậu đi đi.”
Tôi đứng dậy và Suzanne ra cùng tôi. Tôi vẫn còn nghe thấy giọng của ông nhỏ dần như thể ông đang trôi dạt trên chiếc đò trong khi chính tôi là người ra về.
“Cậu đã cho tôi, ông nói, một niềm vui sâu lắng.”
Ông già ranh mãnh, tôi nghĩ, chính ông là người đã nói ra hết - ông ca ngợi lời tán dương của chính mình.
Ấy thế nhưng, niềm vui đó được hoàn lại cho tôi và ở bên tôi.
***
Đêm ấy, tôi lôi trong ngăn tủ ra các tổng phổ của ông nội và bắt đầu đọc các nốt nhạc.
Tôi thừa hưởng chuyện đó từ gen gia đình - hay từ những bài học về âm nhạc mà bà nội quyết dành cho tôi: các ngón tay tôi dễ dàng đặt đúng vị trí và làm theo trí nhớ, ở đây ý thức và kỹ thuật không đóng vai trò gì. Một trong những tổng phổ là khúc biến tấu về chủ đề Dies irae của Tchaïkovski, chính là biến tấu đã ám ảnh Rachmaninov khi sáng tác bản giao hưởng đầu tiên của ông, tác phẩm đã nhanh chóng đẩy ông vào địa ngục khi bốn nốt nhạc về chủ đề ấy lặp đi lặp lại hết sức nhức nhối, không chịu nổi... Tác phẩm lấy cảm hứng từ bản giao hưởng đó được ông nội tôi sáng tác nghe thật thống thiết và sâu lắng, nhưng ông đã làm nổi bật cái mà người ta có thể gọi là sự êm ái “kiểu Pháp”, cứ cho là từ này có nghĩa. Chỗ mà Rachmaninov đã gò chủ đề đến mức thành không thể chấp nhận được thì ông nội tôi tô điểm, che đậy để khiến nó nổi bật, trần trụi và mong manh, khi người ta không ngờ tới nữa. Tôi không thể ngăn mình tự hỏi liệu có phải ông đã viết ra những dòng này vào khoảng thời gian gặp gỡ với Katia, kết hợp hai truyền thống - Nga và Pháp - theo kiểu kết thúc không có hậu.
Khi đọc xong bản nhạc, dù còn đôi chỗ băn khoăn và đọc sai nốt nhưng căng thẳng bởi cảm giác mãnh liệt do sự khám phá ra sâu thẳm con người mình mang lại, tôi cảm thấy một khoảnh khắc gắn kết với tất cả những gì xung quanh tôi, với những gì có trước tôi, vượt lên trên ý muốn của tôi, nhờ một sự tiếp nối mềm mại, mạnh mẽ được các mạch máu sáng bừng truyền đi trong tôi. Việc này chẳng hề làm tôi buồn chán mà ngược lại, nó giúp tôi thanh thản, ý thức mình thuộc về một mối quan hệ thân thiết mà ở đó vai trò của tôi không cần thiết nhiều hơn hay ít hơn người khác và ngẫu nhiên từ thế hệ này sang thế hệ khác mối quan hệ ấy có thể bất chấp thời gian và biểu lộ qua những chuỗi nốt nhạc và có lẽ cả những chuỗi ngôn từ nữa.
Trước khi qua đời ít lâu, bà nội tôi đã để các túi ni lông quanh giường, trong đó bà cất giấu ký ức thời trẻ, những đồ vặt vãnh, những thư tín mà các từ ngữ đã quay trở lại trạng thái âm tiết. Ban đêm, khi hầu như không thể đi lại thì bà nhỏm dậy sắp xếp chúng và khi Mireille đến ngó bà, hỏi bà đang làm gì thì bà trả lời rằng bà đang chuẩn bị “hành trang” Argos(2). Khi đó tất cả chúng tôi đều lâm vào cảnh tuyệt vọng, vắng bóng vị Chúa mà chúng tôi chẳng còn mấy tin tưởng, tuy vậy vẫn có thể có những khoảnh khắc chân trời mở ra. Trước khi sang Việt Nam, tôi đã đọc một cuốn truyện kể dân gian. Một trong số đó kể lại câu chuyện của hai vì sao, Ngưu Lang và Chức Nữ, sao Hôm và sao Mai, mặc dù yêu nhau nhưng không bao giờ có thể gặp được nhau. Mỗi năm hai lần những con quạ làm thành chiếc cầu bắc qua sông Ngân để giúp họ đến với nhau: tôi cảm thấy sợi dây liên kết giữa những người trước và sau tôi là vì lẽ đó: không thể nhưng vẫn cần thiết, mắt hướng về phía bầu trời, chờ đợi đàn quạ. Câu chuyện này có trong rất nhiều cuốn truyện và thi ca Việt Nam dưới hình thức này hay hình thức khác, và khi thấy câu chuyện được kể đi kể lại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, ta chỉ có thể cảm thấy gần gũi với một dân tộc ca tụng nỗi buồn dai dẳng về cuộc hội ngộ chỉ có trong mơ thế nhưng sự cần thiết của nó không bao giờ ngừng đeo đuổi chúng ta.
Tất cả các nhân vật trong câu chuyện của tôi hiện ra như vậy, và tôi - con quạ cô đơn cố biến thành cả một cây cầu - nối họ lại với nhau.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước