Freedom is not given to us by anyone; we have to cultivate it ourselves. It is a daily practice... No one can prevent you from being aware of each step you take or each breath in and breath out.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 287 / 20
Cập nhật: 2020-04-04 20:31:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ến lần này, Mác-tư-nốp thấy bí thư tỉnh ủy A-lếc-xây Pê-tơ-rô-vích Crư-lốp nếu không phải là có vẻ hơi uể oải thì cũng có phần nghiêm nghị hơn và khách khí hơn trước. Nói chung trong năm tháng Mác-tư-nốp không gặp Crư-lốp, ông già đi trông thấy, nước da hơi tái đi, mặt phị ra. Hồi mùa đông ông bị ốm, đau tim, các bác sĩ bắt ông tạm bỏ cái hình thức nghỉ ngơi mà ông ưa thích: đi săn và câu cá. Trong lúc nói chuyện, có lần Crư-lốp đứng lên, rời khỏi bàn, đi trong phòng làm việc dừng lại cạnh cuốn lịch, xem lịch và lẩm bẩm: “Hôm nay là thứ bảy” và buông một tiếng thở dài nặng nề. Trong giây lát, mắt ông thoáng lộ vẻ chán ngán và mệt mỏi. “Đồng chí ấy nhớ những ao hồ và những chỗ vắng vẻ trong rừng của mình”, - Mác-tư-nốp nghĩ.
Ngoài ra, Mác-tư-nốp nhận thấy Crư-lốp có vẻ vững tâm hơn hay đang đi tìm sự bình tĩnh.
- Những nghị quyết tuyệt vời về nông nghiệp mà chúng ta hằng mong mỏi nay đã có rồi, đây là cái mà mấy năm trước tôi với đồng chí chỉ có thể mơ ước, đồng chí Mác-tư-nốp ạ, - Crư-lốp nói. - Riêng việc giảm thuế và giảm phần nghĩa vụ cung cấp của các nông trang viên cũng đã giá trị lắm! Chúng ta không dám đả động gì đến việc ấy, dù chỉ nói là lấp lửng thôi, vậy mà không cần chúng ta phải thỉnh cầu, chính phủ đã làm việc đó. Lại còn những nghị quyết hay tuyệt về cán bộ, về việc cung cấp vật tư và kỹ thuật! Đồng chí có thể cho rằng tôi mắc bệnh lạc quan tếu, nhưng thực sự là hiện nay chúng ta có đầy đủ lý do để nhìn cuộc sống với tâm trạng vui vẻ hơn nhiều!
- Tôi chưa bao giờ nhìn cuộc sống bằng con mắt bi quan, - Mác-tư-nốp nói.
- Tôi không hài lòng về báo chí của chúng ta, - Crư-lốp nói tiếp. - Giở một tờ báo của tỉnh thì thấy ba phần tư là những bài phê bình. Nào là khuyết điểm, nào là những hiện tượng vô tổ chức, nào là những tội lỗi. Không thể trình bày cuộc sống một chiều như thế. Ta hãy nói thẳng rằng trước Hội nghị Trung ương tháng Chín, khó tìm thấy ở nông thôn những gương mẫu tốt cả trong công tác Đảng cũng như trong việc lãnh đạo kinh tế. Nhưng từ bấy đến nay, đã khá nhiều thời gian rồi. Đã có những chuyển biến lớn. Hiện giờ, đối với chúng ta phê phán khuyết điểm không cần bằng khẳng định cái mới, cái tốt đã xuất hiện trong nước ta!
- Đồng chí Crư-lốp ạ, qua thực tế làm báo của tôi, - Mác-tư-nốp nói, - tôi thấy rằng rất khó tách rời hai việc đó với nhau: phê phán khuyết điểm và khẳng định cái tốt. Hai việc đó liên quan với nhau, chẳng hạn tôi không bao giờ viết được một bài về cái gì tốt mà lại không nổi giận với cái xấu đang ngăn cản cái tốt ấy phát triển tốt hơn nữa.
Mác-tư-nốp đưa mắt nhìn quanh, xem xét phòng làm việc của bí thư thứ nhất tỉnh ủy. Anh đến đây không nhiều lắm, trong thời gian công tác ở Tơ-rô-ít-xcơ, lần này mới là lần thứ ba anh ngồi ở đấy. Những rèm lụa màu thiên thanh buông nửa chừng che ánh nắng chiếu thẳng vào cửa sổ, làm cho ánh sáng bị khuếch tán, dịu hẳn đi. Một tấm thảm dày, rất rộng, gần như choán hết mặt bằng của căn phòng, đặt chân lên thấy có cảm giác bập bềnh dễ chịu, dường như đây là đất ở một mỏ than bùn cũ đã khô lại. Trong góc phòng, con lắc bằng đồng đen của chiếc đồng hồ lớn tích tắc khe khẽ, đu đưa một cách chậm chạp sau tấm kính của hộp đồng hồ. Có tiếng vu vu khe khẽ của hai cái quạt: một chiếc trên cái tủ sắt, chiếc kia đặt trên bàn. Nhưng ngoài hai cái quạt đó, chắc còn có những dụng cụ điện gì không rõ làm lạnh không khí: trong phòng làm việc mát như trong những gian phòng bằng đá hoa cương ở dưới mặt đất của đường xe điện ngầm Mát-xcơ-va... Và Mác-tư-nốp chợt nhớ có lần ở mặt trận, (hồi ấy anh chỉ huy một đại đội bộ binh), anh đang ở tuyến đầu, gần như đang tham gia một trận đánh thì được gọi thẳng về ban tham mưu sư đoàn để nhận nhiệm vụ mới. Anh cạo râu, đánh ủng cho sạch, đính một tấm lót mới vào cổ áo sơ mi, nhưng không còn chiếc va-rơi dự trữ nào đã giặt sạch, và anh đến ban tham mưu với tấm lưng trắng xóa mồ hôi muối, với những vệt nâu trên tay áo, đây là vết máu của đồng chí chính trị viên phó đã chết trên tay anh và được mai táng hôm qua. Ban tham mưu sư đoàn đóng trong một cái khe có những cây sồi non, trong những hầm tránh pháo đào trên sườn dốc. Chiến tranh cũng có mặt cả ở đấy, những máy con ve kêu vo vo, các sĩ quan vẻ mặt lo ngại chạy từ hầm này sang hầm khác, mang theo những bọc gì không rõ và những tấm bản đồ, thỉnh thoảng đạn pháo cỡ lớn của quân Đức rót cả xuống đây, và trong ngày, mấy lần có tiếng báo động của những người quan sát: “Máy bay!” Nhưng dù sao, ở đây vẫn yên tĩnh hơn nhiều, không như ở trong chiến hào trên tuyến đầu của bộ binh, nơi lúc nào cũng nồng nặc mùi mồ hôi lính, mùi khét của vỏ đạn đã bắn, mùi phân và mùi của vật gì thối rữa ở phía trước được gió đưa tới từ phía bên kia hàng rào giây thép gai. Tham mưu trưởng uống trà không phải bằng ca nhôm hay bằng vỏ đồ hộp, mà bằng cái cốc thực sự có đĩa lót bằng bạc. Trong hầm của trưởng ban liên lạc sư đoàn, thậm chí Mác-tư-nốp còn nhận thấy dưới gậm giường có một cái bát tráng men để dùng vào một việc đặc biệt trên đậy một tờ báo. Qua những câu hỏi ngây ngô của một số sĩ quan trẻ tuổi về việc ở đây đã xảy ra chuyện gì, Mác-tư-nốp hiểu rằng trong số những quân nhân diện quân phục bảnh bao và có tư thế rất chỉnh này, một số người chỉ có quan niệm lờ mờ về một trận đánh thực sự, về cuộc chiến tranh thực sự... nhưng đối với sư đoàn trưởng thì không thể nói như thế được. Khi Mác-tư-nốp đứng trước vị tướng, ngay từ những câu đầu tiên của ông, anh đã cảm thấy rằng anh đang nói chuyện với một con người đã cùng ăn với binh lính không phải chỉ một pút muối và hẳn là đã nhìn vào mặt cái chết một nghìn lần. Điều đó không có gì là lạ. Hồi mới bắt đầu phục vụ trong quân đội, ông là lính thường trên mặt trận Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, rồi ông được lên binh nhất, hạ sĩ, trong cuộc nội chiến ông chỉ huy đại đội kỵ binh. Trong cuộc chiến tranh Phần Lan ông là trung đoàn trưởng, và cuối cùng, đến năm thứ ba mươi của tuổi quân, ông được thăng cấp tướng. Nhưng ngay ở cấp bậc này, hàng ngày ông vẫn có mặt trong các đơn vị, trong các chiến hào ở tuyến đầu ít nhất là ba, bốn tiếng đồng hồ, để khỏi quên đời sống binh lính và không xa rời cuộc sống ấy; ông vẫn nghe thấy những tràng súng máy nã rất gần trước mặt mình và ngửi thấy tất cả mùi vị của tuyến đầu, nơi đã trở thành chỗ ở quen thuộc của chiến sĩ trong cuộc phòng thủ lâu dài, tóm lại là ông nghe thấy và ngửi thấy tất cả những gì ông đã nghe thấy và ngửi thấy hồi ông còn là binh nhì. Rõ ràng vị tướng này không chỉ là một người lính dũng cảm, mà còn là một người tinh khôn, và ông biết rằng nếu trong một thời gian lâu, người chỉ huy xa rời những khó khăn mà chiến sĩ phải chịu đựng ở tuyến đầu thì có khi khả năng nắm bắt tâm trạng của chiến binh một cách nhạy bén sẽ nhụt đi, những sợi giây tinh thần vô hình ràng buộc ý chí, tình cảm, ước vọng của người đó với tình cảm và ý chí của binh lính dưới quyền sẽ bị cắt đứt.
Crư-lốp nói:
- Chúng ta đã có được tất cả những gì chúng ta xin cũng như những gì mà chúng ta không xin. Bây giờ cần làm việc! Nói ít hơn nữa, làm nhiều hơn nữa! Huyện đồng chí lên xuống thất thường một cách khá lạ lùng. Khi thì huyện các đồng chí ở trong số năm huyện đứng đầu về công việc đồng áng và cung cấp sữa, khi thì bỗng nhiên lại tụt xuống thứ mười hay thứ mười hai. Vậy mà hiện nay, các đồng chí lại có đủ điều kiện để chiếm một cách vững chắc địa vị đứng đầu hay một trong những vị trí hàng đầu trong tỉnh. Bí thư huyện ủy trẻ tuổi, cương nghị, chủ tịch nông trang là những cán bộ tốt, cớ sao các đồng chí lại không đủ sức đảm đương một nhiệm vụ như thế? Xin lỗi, tôi vẫn quên rằng trong mấy tháng gần đây đồng chí không làm việc. Này, sức khỏe đồng chí hiện nay ra sao? vẫn phải đi nạng ư?,
- Sức khỏe thì bình thường. Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ bỏ nạng... Thế đồng chí không nghĩ rằng vẫn còn nhiều vấn đề nông nghiệp chưa giải quyết được ư? Đây tôi đã viết xong một tài liệu có thể gọi là “Những lá thư gửi từ nông thôn”. Tôi bắt đầu viết từ lúc nằm ở bệnh viện, hôm qua mới viết xong ở nhà. Đồng chí xem đi, - Mác-tư-nốp đặt lên bàn trước mặt Crư-lốp một cái cặp bìa giấy khá dày.
- Được, để lúc nào rảnh việc tôi sẽ đọc, - Crư-lốp mở cái cặp giấy, giở mấy trang. - Trong thời gian gần đây, nhiều người viết thư cho chúng ta. Cả những người vắt sữa, cả những người nuôi lợn, đều viết cho chúng ta. Mỗi người đều có những đề nghị, những ý kiến đóng góp có tầm quan trọng quốc gia.
- Tôi cho rằng nhân dân viết nhiều thư cho chúng ta là điều tốt. Chỉ cần lá thư có một ý nghĩ xác đáng là cũng quý lắm rồi.
- Cố nhiên viết thư như thế không phải là dở, nhưng cũng cần làm công việc thực tế... Như đồng chí chẳng hạn, đồng chí viết cái này mất bao nhiêu thời gian làm việc?
- Tôi nằm bệnh viện, - Mác-tư-nốp nhắc.
- Xin lỗi, tôi quên... bốn mươi tám trang. Theo đồng chí, đấy là tất cả những vấn đề chưa giải quyết phải không?
Crư-lốp đóng sập cái cặp lại, gạt nó ra mé bàn.
- Đồng chí vẫn cứ quanh co lựa chiều thế nào ấy, đồng chí Mác-tư-nốp ạ. Nói đi, đồng chí có điều gì không bằng lòng? Đồng chí còn cần gì nữa?.. Bây giờ nên bớt bận tâm với những dự án hão huyền đi, mà nên dựa trên cơ sở thực tế hiện có ở địa phương ta, phấn đấu làm cho nông nghiệp tiến bộ vượt bậc. Trong số chúng ta, người nào làm được nhiều sữa, nhiều thịt, nhiều ngũ cốc hơn thì người ấy sẽ là nhà tư tưởng triết học giỏi hơn và là người có nhiệt tâm hơn với Nhà nước! Đấy là cái hiện nay chúng ta cần có để đem lại phúc lợi cho nhân dân! Công việc thực tế cụ thể, chứ không phải là những mơ ước hão huyền được nói lên thành lời về cuộc sống tươi đẹp!
Mác-tư-nốp cúi đầu một cách bực bội, nghe Crư-lốp nói và cảm thấy máu dồn lên má, anh đỏ mặt, nhưng không phải đỏ mặt vì xấu hổ.
- Tôi không tách biệt vấn đề con người với việc sản xuất ngũ cốc và sữa, tất cả những cái đó đều nhằm làm cho các nông trang vươn lên! Không phải bản thân huyện ủy cày ruộng và vắt sữa bò...
- Ngoài cặp tài liệu này, đồng chí có mang theo cái gì đến không? - Crư-lốp nói một cách gay gắt đến nỗi Mác-tư-nốp bất giác ngẩng đầu lên. - Đồng chí viết trong thư rằng đồng chí muốn nói về tình hình trong huyện. Tình hình ở huyện các đồng chí như thế nào?
“Chính đồng chí Crư-lốp này, vẫn trong căn phòng này, có lần đã nói chuyện với ta một cách khác hẳn! - Mác-tư-nốp chợt nảy ra một ý nghĩ, - Hồi đó đồng chí ấy đã ủng hộ ta hết sức mạnh mẽ, khi Gô-lúp-cốp báo cáo về ta, làm như ta đã phá hoại cuộc họp đảng viên nòng cốt! Hồi ấy, ta nói chưa hết câu đồng chí ấy đã hiểu ta, đồng chí ấy đã tức giận ghê gớm khi nói về “những nhà kinh điển” của thói nói dóc ở cơ quan tỉnh của mình! Đồng chí ấy đã giúp ta suy nghĩ thấu đáo cái mà ta mới chỉ đoán ra... Đồng chí ấy làm sao thế? Tuy rằng xét về tâm trạng con người thì tất nhiên có thể hiểu được đồng chí ấy. Đã hơn mười năm làm bí thư tỉnh ủy, ở các tỉnh khác và ở tỉnh ta, và bao giờ cũng gặp hoàn cảnh khó khăn. Đồng chí ấy muốn mau mau được thấy khắp mọi nơi đều có quy củ đâu ra đấy, và hoàn toàn sung túc. Đồng chí ấy muốn đọc cuốn “Người được thưởng huân chương Sao vàng” mới, có điều là viết hay hơn và viết về thời nay. Thế mà ta lại nêu lên những việc chưa làm xong, những vướng mắc, những chuyện va chạm. Tất cả những cái đó làm đồng chí ấy chán ngấy hơn cả củ cải đắng!.. Đồng chí ấy mệt mỏi rồi ư? Con ngựa đã kiệt sức vì leo dốc núi cheo leo chăng?..”
- Đồng chí Crư-lốp ạ, - Mác-tư-nốp lên tiếng, - tôi đến đây thứ nhất là để đề nghị đồng chí mau mau giải quyết vấn đề bí thư thứ hai của chúng tôi. Đồng chí đã nghe nói ở huyện tôi có cuộc họp toàn thể huyện ủy như thế nào rồi chứ?
- Tôi có nghe nói. Người ta đã báo cáo tôi rồi. Cuộc họp kỳ dị.
- Đúng thế. Tôi cũng nói hệt như vậy khi được biết quyết định của cuộc họp đó. Các huyện ủy viên không đủ mạnh dạn để đưa đồng chí Mét-vê-đép ra khỏi chức vụ bí thư. Một quyết định nửa vời.
- Thế ý kiến đồng chí nên đưa Mét-vê-đép ra khỏi cương vị bí thư chăng?
- Đúng thế, nói chung lẽ ra không nên đưa anh ta lên làm công tác Đảng.
- Lại thêm một người nữa không vừa ý đồng chí ư?
- Đúng thế! - Mác-tư-nốp lắc đầu. - Bây giờ tôi sẽ không sợ điều đó nữa! Đồng chí muốn nghĩ gì về tính nết của tôi thì nghĩ, bổn phận của tôi vẫn là phải chăm lo đến huyện, bởi vì tôi vẫn còn là bí thư huyện ủy. Vì lợi ích của công việc, tôi có thể chịu đựng được những điều khó chịu cho cá nhân tôi. Trước đây, tôi giống như một cô tiểu thư quá giữ kẽ, không dám nói với đồng chí về Mét-vê-đép, để đồng chí khỏi nghĩ không hay về tôi, nhưng bây giờ tôi sẽ không làm như thế nữa!
Crư-lốp rời khỏi bàn, chuyển sang ngồi chiếc đi-văng rộng bọc da và mời Mác-tư-nốp ngồi cạnh mình.
- Đến ngồi đây. Ngồi hai bên bàn nói chuyện không tiện. Đồng chí nói khẽ, tôi nghe không rõ. Người anh em ạ, tôi cũng đang ốm đây. Các bác sĩ bắt tôi uống đủ mọi thứ thuốc vớ vẩn. Bây giờ tai tôi lúc nào cũng có tiếng ù ù, cứ như thể vừa ra khỏi máy bay... Vậy thì đầu đuôi ra sao? Thực ra Mét-vê-đép có lỗi gì? Vì sao cuộc họp toàn thể đả kích anh ta? Anh ta là người như thế nào? Cố thể nhận xét vắn tắt về anh ta như thế nào?
- Vắn tắt ư?..
Mác-tư-nốp thuật lại chuyện Mét-vê-đép làm việc như thế nào khi anh chưa vào bệnh viện, khi ở huyện ủy, Mét-vê-đép chỉ là bí thư thứ hai, và khi anh nằm viện thì Mét-vê-đép làm việc ra sao - theo lời các đảng viên kể lại, - anh ta đã làm bản báo cáo như thế nào tại cuộc họp toàn thể và các chủ tịch nông trang đã đập lại anh ta ra sao.
- Từ ngày cái anh giáo đồng thời là thuyết trình viên có học vấn ấy trở thành bí thư huyện ủy, anh ta đột nhiên quên hết mọi từ, ngoài những lời: “Tôi không thể để như thế được!”, “Tôi không thể dung thứ”, “Tôi sẽ đuổi cổ!”. Hẳn đồng chí cũng đồng ý rằng cái vốn từ vựng như thế hơi ít đối với việc lãnh đạo huyện.
- Ờ được... Nhưng dù sao đồng chí làm việc với anh ta đã khá lâu, tại sao đồng chí không giáo dục anh ta, ít ra cũng làm cho anh ta trở thành một bí thư thứ hai tốt?
- Cái đó thì tôi không thể hiểu được! - Mác-tư-nốp phản đối. - Việc gì chúng ta lại phải mất công giáo dục một người thành bí thư huyện, khi người đó có lẽ không có tư chất gì để giữ cương vị đó? Chúng ta phạm sai lầm, một người ngẫu nhiên lọt vào danh sách cán bộ lãnh đạo của Đảng, rồi sau đó chúng ta phải nát óc làm cho đối tượng sai lầm của chúng ta trở thành một bí thư ít nhiều xứng đáng ư? Để làm gì? Chúng ta không còn cách nào khác chăng? Chúng ta không có người chăng?,. Đồng chí Crư-lốp ạ, tôi không đề nghị những biện pháp khắc nghiệt nào cả. Tôi chỉ đề nghị đưa anh ta ra khỏi công tác lãnh đạo Đảng, nói cho đúng hơn là giải thoát cương vị đó khỏi tay anh ta. Hãy để anh ta làm việc ở một vị trí nào mà anh ta có thể đem lại lợi ích gì đó cho xã hội. Cũng xin nói thêm rằng sau cuộc họp đó, anh ta không hề đến huyện ủy nữa. Anh ta ốm, ngồi nhà chờ quyết định của các đồng chí. Ở địa vị anh ta, cũng không thể nghĩ ra cách gì hay hơn được.
Mác-tư-nốp nói thêm:
- Tôi vẫn chưa quên rằng có lần chính ở đây, đồng chí đã kể cho tôi nghe một số kẻ có đầu óc tiểu tư sản tầm thường ở tỉnh ủy của đồng chí, những kẻ coi công tác Đảng như một chức nghiệp, như con đường tiến thân.
- Như vậy thứ nhất là đưa Mét-vê-đép ra khỏi chức vụ bí thư thứ hai phải không? Được. Ngày mười lăm chúng tôi sẽ họp thường vụ, đồng chí sẽ cùng đến với Mét-vê-đép, hai người sẽ báo cáo về cuộc họp toàn thể của huyện. Chúng tôi sẽ thảo luận. Quái quỷ thật! Dù là các đồng chí họp hội nghị toàn thể huyện ủy hay họp đảng viên nòng cốt, những cuộc họp đó đều vào loại biến cố phi thường!.. Thế còn vấn đề thứ hai?
- Thứ hai là tôi đề nghị cho tôi thôi giữ trách nhiệm bí thư thứ nhất.
- Cái gì?
- Đấy là vì lợi ích của huyện, đồng chí Crư-lốp ạ. Hiện nay ở đấy có một người có thể lãnh đạo tổ chức huyện tốt hơn tôi. Như vậy nghĩa là người đó sẽ có thể mau chóng làm cho nông nghiệp tiến vượt bậc... Ở huyện tôi sắp có hội nghị Đảng. Nếu các đại biểu được quyền bầu bí thư huyện ủy ngay tại hội nghị và cấp trên không giới thiệu ai, tức là các đại biểu tự bầu lấy người mà mình coi là xứng đáng đứng đầu tổ chức, thì lập tức người đó sẽ được đề cử. Tôi tin chắc như thế. Các đảng viên ở huyện tôi hết sức kính trọng đồng chí đó. Có thể là các đồng chí sẽ đề cử cả tôi nữa, nhưng tôi sẽ xin rút lui. Tôi không thể ganh đua với người đó được. Thật ra nên để người đó làm bí thư thứ nhất huyện chúng tôi.
- Đồng chí nói về ai thế?
- Về Đôn-gu-sin, trưởng trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca.
Crư-lốp nhìn Mác-tư-nốp một cách chăm chú, có ý ngờ vực.
- Này, đồng chí đã tìm được một chỗ khác tốt hơn phải không? Muốn quay trở lại nghề làm báo chăng? Muốn về Mát-xcơ-va, làm việc ở tòa báo chăng? Viết thư lên Ban chấp hành Trung ương rồi chứ gì? Được ưng thuận rồi phải không?
- Trước kia cũng như hiện nay, tôi chẳng đi tìm chỗ nào khác cả. Tôi sẽ làm việc ở bất cứ nơi nào tôi được cử đến, dù có đưa tôi về huyện Gri-a-dơ-nốp-xki, làm bất cứ công tác gì tôi cũng đi. Hoặc tôi sẽ ở lại Tơ-rô-ít-xcơ. Để Đôn-gu-sin làm bí thư thứ nhất, còn tôi làm bí thư thứ hai... Tuy rằng, thành thực mà nói, cách này có lẽ ít thú vị đối với tôi nhất.
- Thế thì tôi không thể hiểu được đằng sau toàn bộ sự việc ấy có điều gì bí ẩn..
- Chẳng có điều gì bí ẩn cả, đồng chí Crư-lốp ạ.
- Nhưng tại sao đồng chí lại muốn nhường chỗ của mình cho Đôn-gu-sin?
Mác-tư-nốp nhún vai.
- Đấy không phải là chỗ của tôi, không phải tôi đã giành được cái chỗ ấy suốt đời. Nó được chuyển từ người này sang người khác, tùy theo các đảng viên bầu ai lên. Và bây giờ tôi thấy trong huyện có một người giữ chỗ ấy thì thích hợp hơn.
- Cái kiểu lãng mạn gì trong công tác Đảng thế này? Kiểu tinh thần hiệp sĩ! - Crư-lốp ghé sát đến gần Mác-tư-nốp, nhìn vào mắt anh. - Đồng chí Mác-tư-nốp, nói chung đồng chí không thuộc loại các hiệp sĩ Đông-ki-sốt đấy chứ?
Cửa mở ra, trên ngưỡng cửa xuất hiện cái thân hình phục phịch của Ma-xle-ni-cốp.
- Vào đây, vào đây, đồng chí! - Crư-lốp gọi ông ta. - Chúng tôi đang nói với nhau một câu chuyện lý thú. Đồng chí ngồi xuống đây. Mác-tư-nốp đề nghị chuyển đồng chí ấy sang huyện khác.
- Thật ư? - Ma-xle-ni-cốp lấy một chiếc ghế ở sát tường, đặt chiếc ghế trước đi-văng và ngồi xuống, - Lý do vì sao? Cần thay đổi hoàn cảnh phải không? Đã làm chuyện gì dại dột ư? Về khoản đàn bà chứ gì? Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích, hình như ở đấy đồng chí có chuyện gì với chị Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na Boóc-dô-va phải không?..
Mác-tư-nốp nổi nóng.
- Đồng chí đi hết huyện này sang huyện khác để thu thập thông báo và những chuyện ngồi lê đôi mách phải không? Rõ thật là một việc làm đẹp mặt!
Crư-lốp giơ một tay lên có ý can ngăn.
- Này thôi, sao lại gay gắt thế? Ma-xle-ni-cốp nói đùa đấy thôi mà!
- Một kiểu đùa thiếu thông minh!
Ma-xle-ni-cốp mỉm cười gượng gạo, đặt một tay lên ngực.
- Xin lỗi đồng chí Mác-tư-nốp, nếu như tôi đã xúc phạm đến đồng chí! Kể thì chuyện đó cũng chẳng lấy gì làm lạ. Vừa rồi, trong cuốc họp thường vụ hôm qua, chúng tôi đã chuyển một cán bộ ở Ma-lê-ép-ca sang huyện khác cũng vì lý do ấy.
Crư-lốp nhăn mặt có ý không bằng lòng.
- Đừng vội suy đoán. Hãy nghe nốt đi đã. Mác-tư-nốp cho rằng trong huyện có một người có thể gánh vác trách nhiệm bí thư thứ nhất huyện ủy tốt hơn đồng chí ấy. Ở huyện đồng chí ấy sắp có hội nghị Đảng, đồng chí ấy đưa vấn đề ra trao đổi trước với chúng ta. Đồng chí có biết Mác-tư-nốp giới thiệu ai làm bí thư không? Đôn-gu-sin, trưởng trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca, ông bạn của đồng chí đấy.
- Cái gì? Đôn-gu-sin à? Mà lại làm bí thư à? - Ma-xle-ni-cốp chớp chớp mắt một cách ngỡ ngàng. - Còn bản thân đồng chí ấy thì sao? Xin đi học ư?
- Chẳng xin đi đâu cả. Đồng chí ấy sẵn lòng làm việc ở bất cứ nơi nào đồng chí ấy được điều đến.
- Tôi không hiểu... Tự mình giới thiệu người khác lên thay chỗ của mình,
- Đúng. Mà lại chính là Đôn-gu-sin.
- Hiện nay Đôn-gu-sin đang làm trưởng trạm máy kéo. Sao lại đưa ông ta lên huyện ủy được?..
- Rất đơn giản thôi. Được các đảng viên bầu lên, đồng chí ấy sẽ trở thành bí thư huyện ủy, - Mác-tư-nốp nói.
Ma-xle-ni-cốp nghĩ ngợi một lát và xua tay.
- Chuyện tào lao! Không có người nào lại tự ý xin đi khỏi một huyện tốt để về một huyện kém. Trong thực tế công tác của tôi, tôi chưa hề thấy trường hợp nào như thế. Họ mưu mô cái gì đấy, đồng chí Crư-lốp ạ! Đôn-gu-sin đã thao túng được tất cả bọn họ... Một tay kỳ dị! Đáng phải cho y một bài học từ lâu rồi! Một kẻ trâng tráo, thô lỗ, hoàn toàn không thừa nhận bất cứ một quyền lực nào đối với mình! Khi nói chuyện riêng với nhân viên trạm máy kéo, y phê phán công tác của tỉnh ủy. Đúng thế đấy! Tôi có cả một cặp bìa lưu trữ những báo cáo của bí thư khu vực. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu, định đưa đồng chí xem, đồng chí Crư-lốp ạ, tôi muốn bắt Đôn-gu-sin phải ra trình bày trước thường vụ, nhưng không có cớ gì để hạch hắn được! Hắn đạt được những chỉ tiêu rất cao. Khu vực của hắn là khu vực khá nhất trong huyện. Cái gã người Mát-xcơ-va này làm việc ranh mãnh lắm!..
Ma-xle-ni-cốp phá lên cười, ngả nghiêng trên ghế.
- Ha-ha-ha! Giới thiệu Đôn-gu-sin làm bí thư huyện ủy! Không, đây là đồng chí bày ra một trò gì để làm cho thiên hạ vui cười đấy thôi, đồng chí Mác-tư-nốp ạ! vả chăng, Đôn-gu-sin có thái độ hằn học đối với tất cả cán bộ Đảng! Nói chung, y chống lại các cấp bộ Đảng!
- Đồng chí ấy chống lại những kẻ bẻm mép và những tên cơ hội chui vào cấp ủy Đảng chứ không chống lại chính các cấp ủy Đảng! - Mác-tư-nốp không nén lòng được nữa.
Và giữa anh với Ma-xle-ni-cốp bắt đầu diễn ra một cuộc đối đáp mà có lẽ chưa bao giờ những bức tường ở phòng làm việc của bí thư thứ nhất tỉnh ủy được nghe thấy.
- Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã! - Mác-tư-nốp nói. - Đồng chí căm ghét Đôn-gu-sin, nhưng lại ủng hộ Mét-vê-đép, vì chính đồng chí là Mét-vê-đép! Cũng như Mét-vê-đép, đồng chí là kẻ đốc thúc công việc, chứ không phải là bí thư! Đồng chí hoàn toàn hài lòng về khả năng suy nghĩ của Mét-vê-đép. Biết quát tháo mọi người, thế là được rồi. Đồng chí không còn biết gì hơn ngoài việc đòi hỏi ở người bí thư huyện ủy, bởi vì năng khiếu tổ chức của đồng chí chỉ có thế thôi. Khô-lô-đốp cũng đã nhận được sự ủy nhiệm của đồng chí ở đấy phải không? Đồng chí có quan tâm đến các bí thư khu vực không? Đồng chí đã chọn anh chàng cán bộ điều tra ấy về những vụ án đặc biệt để đưa sang làm công tác Đảng phải không? Đồng chí cần có những ma-nơ-canh ở trong huyện, chứ không cần những con người sống, có tim óc! Những trạm trung gian để truyền đạt chỉ thị, thế thôi, dưới mắt đồng chí, các huyện ủy là như thế đấy, đồng chí Ma-xle-ni-cốp ạ. Ở các huyện, đồng chí thích những kẻ nhìn đồng chí bằng con mắt thèm ước, và lặp lại nguyên si những lời đồng chí nói như những con vẹt chẳng suy xét gì hết. Đồng chí căm ghét Đôn-gu-sin bởi vì đồng chí ấy không phải là cái ma-nơ-canh, mà là con người sống. Đồng chí ấy là một người lãnh đạo có tài, chúng ta cần tìm kiếm những tài năng như thế ở khắp mọi nơi, vui sướng khi tìm được họ, như Lê-nin vui sướng về những người có tài năng và tạo cho họ điều kiện hoạt động rộng rãi! Nhưng tất nhiên, người như đồng chí không thể biết quý trọng tài năng của người khác, bởi vì trên cương vị người lãnh đạo, đồng chí là kẻ bất tài!.. Hiện nay đồng chí tức giận, bởi vì đồng chí cảm thấy: thời thế gay go đã đến với những người như đồng chí! Những người lãnh đạo hiện đang đứng trước những nhiệm vụ phức tạp. Chỉ bằng những mệnh lệnh chung chung và hò hét thôi thì không đi xa được. Nhưng đồng chí không thể lãnh đạo cách nào khác. Không thể gạn lọc được gì hơn nữa ở đồng chí! Đấy là tất cả những gì đồng chí có khả năng làm được! Bây giờ đồng chí sẽ tự cải tạo như thế nào để chuyển sang những phương pháp khác thì tôi không biết. Chính đồng chí cũng không biết. Và đồng chí không thể tự cải tạo được. Điều đó không nằm trong phạm vi khả năng của đồng chí! Tình cảnh của đồng chí thật khốn đốn...
Thoạt tiên Ma-xlê-ni-cốp bàng hoàng sửng sốt, bối rối đưa mắt nhìn Crư-lốp, mong chờ Crư-lốp yêu cầu Mác-tư-nốp phải có thái độ đúng mức và thậm chí có thể còn mời Mác-tư-nốp ra khỏi phòng làm việc. Nhưng Crư-lốp làm thinh.
- Nói chuyện kiểu gì thế, - cuối cùng Ma-xle-ni-cốp bật dậy, - Tôi đang được nghe ai nói tất cả những điều đó? Tôi không tin ở tai tôi nữa!..
- Nhưng đồng chí nên tin, tai đồng chí không đánh lừa đồng chí đâu. Tôi có thể nhắc lại từ đầu, đầy đủ hết.
- “Những ma-nơ-canh”! “Huyện ủy là những trạm trung gian truyền đạt chỉ thị”! Đó là sự vu khống độc ác đối với tổ chức Đảng lành mạnh và giàu khả năng chiến đấu của tỉnh ta.
- Tôi nói: chính đồng chí coi các huyện ủy như những trạm trung gian chuyển tiếp.
- “Những kẻ cơ hội”! “Đồng chí căm ghét những người có tài”! Chúng tôi sẽ ghi lại tất cả những điều đó, đồng chí Mác-tư-nốp! Và đồng chí có phép đâu nói năng với các bí thư tỉnh ủy bằng cái giọng như thế?
- Với một bí thư thôi. Tất cả những điều đó là nói với cá nhân đồng chí. Đừng có xuyên tạc, đồng chí Ma-xle-ni-cốp!
Crư-lốp rời khỏi đi-văng sang ngồi chiếc ghế bành sau bàn và không can thiệp vào cuộc đấu khẩu, chỉ bình tĩnh nghe, ông đặt hai tay lên ghế và nhìn ra chỗ nào ở bên ngoài cửa sổ, vẻ mặt có phần tư lự, mệt mỏi.
Chuông điện thoại réo, Crư-lốp nhắc ống nghe lên.
- Đồng chí có biết rằng trước kia, nói năng như thế thì tai vạ như thế nào không?
- Tôi biết.
- Khẽ chứ! - Crư-lốp nói. - Các đồng chí làm tôi không nghe thấy gì cả. Có điện từ huyện ủy Rúp-txê-vô gọi đến. Điện thoại của họ làm sao thế nhỉ? Cứ líu ríu như lũ gà con trong buồng ấp!..
Trong lúc Crư-lốp nói chuyện bằng điện thoại, Mác-tư-nốp và Ma-xle-ni-cốp ngồi im không nói năng gì, thở hồng hộc như hai võ sĩ quyền Anh trong giờ nghỉ giữa hai hiệp đấu, hằm hè ném cho nhau những cái nhìn rực lửa, phải khó khăn lắm mới nén được để khỏi quặc nhau lại. Crư-lốp một tay cầm ống nghe và với tay qua bàn, rót cho mỗi người một cốc nước khoáng “bô-rơ-giơm”.
- Này, đồng chí Ma-xle-ni-cốp, - nói chuyện xong với huyện ủy Rúp-txê-vô, Crư-lốp đưa mắt nhìn đồng hồ nói. - Ba phút nữa, tôi sẽ có điện thoại của bộ trưởng Bộ y tế. Tôi muốn nói chuyện với bộ trưởng về trường đại học y khoa. Hôm qua đồng chí có họp thường vụ, đồng chí biết chuyện gì rồi đấy. Đồng chí hãy đi nhận điện và nói chuyện với bộ trưởng từ phòng làm việc của đồng chí. Còn cái cuộc... - ông ngọ nguậy một ngón tay, tìm cách diễn đạt, - cuộc trao đổi những lời ân cần này của đồng chí với Mác-tư-nốp thì để sau này đồng chí sẽ tiếp tục nốt.
- Được, - Ma-xle-ni-cốp đứng lên. - Nhưng tôi không bỏ qua việc này đâu! Đồng chí đã nghe thấy hết và tôi đề nghị đồng chí rút ra những kết luận. Anh ta phải chịu trách nhiệm về những lời lăng nhục ấy! Tôi sẽ viết thư khiếu nại ra thường vụ!
Và lúc đi ra, ông ta giật mạnh cửa, mở toang cửa ra, dường như định dập cửa đánh thình một cái, nhưng ông ta kịp thời nén được, vì nhớ ra rằng mình đang ở trong phòng làm việc của ai. Ông ta ngoảnh lại nhìn Crư-lốp như có ý xin lỗi, ra ngoài rồi khép cửa lại, khép một cách thận trọng, không có tiếng động, như mọi khi.
- Đồng chí đến là nóng nảy, Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích, - Crư-lốp nói sau khi Ma-xle-ni-cốp đi khỏi. - Dù sao, nếu sau này ở một nơi nào đó, đồng chí bị sái cổ vì va vào một chướng ngại gì thì tôi vẫn cứ lấy làm tiếc cho đồng chí.
- Đồng chí Crư-lốp! Các cấp ủy Đảng là cái quan trọng nhất đối với chúng ta! Tất cả sự lãnh đạo, toàn bộ phương hướng trong đời sống của chúng ta đều từ đó mà ra. Làm sao có thể dung thứ cho những kẻ như thế ở trong các cấp ủy Đảng? Một kẻ đê mạt và ngu xuẩn ở trong cấp ủy thì đáng sợ gấp mười lần so với việc y công tác ở một cơ quan nào khác! Bởi vì ở cấp ủy, y nắm trong tay những quyền hành lớn.
- Này, anh bạn ạ, dù sao cũng nên lựa lời một cách thận trọng hơn! Đồng chí nói về Ma-xle-ni-cốp ư? Muốn gì thì muốn, ông ta vẫn là bí thư tỉnh ủy, ông ta chưa bị cách chức. Và chỉ riêng tiếng nói của đồng chí trong hội nghị thì chưa đủ quyết định số phận ông ta!..
Rõ ràng Crư-lốp suýt nổi cáu thực sự, nhưng Mác-tư-nốp có đủ bình tĩnh để im lặng một lát và Crư-lốp cũng im lặng, gõ mấy ngón tay xuống bàn, rồi ông bình tĩnh lại, bắt đầu nói với Mác-tư-nốp bằng giọng mềm mỏng hơn.
- Ban nãy đồng chí gọi Ma-xle-ni-cốp là kẻ đốc thúc công việc. Chính tôi cũng biết giá trị của ông ta. Tôi không hề phóng đại tài năng của ông ta. Nhưng đồng chí hãy tưởng tượng xem, vẫn cần có những người như thế trong cơ quan tỉnh ủy. Đồng chí không biết tình hình của tỉnh và có lẽ đồng chí tưởng nơi nào cũng như huyện đồng chí, đồng chí đo mọi vật bằng cái thước của mình. Đồng chí lấy mình làm chuẩn để xét đoán về các cán bộ khác ở địa phương. Nhưng đồng chí Mác-tư-nốp thân mến ạ, đáng tiếc rằng trong tỉnh ta vẫn còn không ít những bí thư huyện ủy thực sự cần được đốc thúc. Đồng chí tưởng rằng bây giờ đã đến lúc không cần nhắc nhở các bí thư huyện về những chân lý ai nấy đều biết, như phải nhổ củ cải kịp thời nếu không thì chúng ta sẽ mất một nửa số hoa lợi, hoặc trong kỳ gặt hái, bỏ lỡ một ngày thì chúng ta sẽ mất hàng nghìn tấn ngũ cốc, hay cần cày đất bỏ hóa vào tháng Năm chứ không phải là tháng Sáu - đồng chí tưởng thế ư? Nhầm rồi! Phải nhắc đi nhắc lại! Như hiện nay, chúng ta cần đào nhiều hố trong mùa hè để ủ số lượng thức ăn tươi mà chúng ta sẽ thu được. Ở tất cả mọi nơi, các bí thư huyện ủy đều là những người trưởng thành, không phải là những người mới tập sự trông nông nghiệp, họ đều biết rằng thức ăn tươi chăn nuôi không lên men chua trong thùng như bắp cải, và nếu đầu vụ thu hoạch thức ăn tươi cho gia súc, chúng ta không chuẩn bị hố ủ thì bao nhiêu công sức của chúng ta để bảo đảm cơ sở thức ăn cho gia súc đều đi tong. Đồng chí nghĩ thế nào, nếu việc đó ta để mặc cho người ta muốn làm thế nào thì làm, không đốc thúc, không ra lệnh, không đe dọa trừng phạt? Đồng chí tưởng làm như thế chúng ta sẽ vẫn có hố ủ thức ăn cho gia súc phải không? Những lời cam kết và hứa hẹn, đấy là những cái chúng ta sẽ có, chứ không phải là những hố ủ thức ăn tươi. Đồng chí không biết rõ cán bộ của chúng ta! Có những bí thư huyện ủy và chủ tịch Xô-viết huyện chỉ bắt đầu nhúc nhích khi bị cảnh cáo hay bị khiển trách. Và ngay hiện nay, chúng ta vẫn còn những trưởng trạm máy kéo như thế nào! Hôm kia, tôi có đến trạm máy kéo Dai-txê-vô, xem công việc sản xuất ở đấy ra sao, và mặc dù tôi không ưa cái lối chửi mắng, tôi đã gọi trưởng trạm máy kéo Xu-scốp là kẻ khốn kiếp và phá hoại. Y đi lại ở sân, hai tay bỏ túi, đứng chơi không, say rượu từ sáng, mặt béo múp, đỏ gay, và chẳng biết tình hình ở trạm của mình ra sao: tại sao ở nông trang “Bình minh”, hôm nay là ngày thứ tư đội máy kéo không làm việc, đã có bao nhiêu máy liên hợp sửa chữa xong, tháng trước có phát lương cho công nhân không. Suýt nữa thì tôi lên cơn nhồi máu cơ tim, khi tôi xem đến máy móc thiết bị. Ở khu vực của trạm máy kéo, mọi thứ đều dồn thành một đống: cả máy gặt, máy trồng khoai, cả lưỡi cày, tất cả đều bẩn thỉu, không được lau chùi, bôi dầu mỡ gì cả. Trong các máy liên hợp thu hoạch củ cải, vẫn còn cả củ cải năm ngoái đã thối ra. Tài sản chẳng có ai bảo vệ. Trẻ con trong làng tháo đai ốc của máy để làm chì đi câu, lấy những bánh xe của loại máy gì không rõ để làm xe đẩy chân. Ngoài khu vực trung tâm, còn máy móc thiết bị ở đâu nữa, loại gì, bao nhiêu cái, tình trạng hiện nay như thế nào, ai chịu trách nhiệm bảo quản, - chẳng ai biết điều đó, cả giám đốc, cả kỹ sư trưởng, cả kế toán trưởng đều không biết. Tài sản của trạm máy kéo được đánh giá là mười lăm triệu! Và ngần ấy triệu bạc của Nhà nước được giao cho một thằng thộn như thế! Chúng ta sẽ đưa hắn ra tòa, đây sẽ là một vụ án tiêu biểu. Kiểm sát trưởng đã phái nhân viên điều tra đến, chúng ta sẽ tính kỹ từng đồng cô-pếch, xem số máy móc hắn để hư hỏng tính ra là bao nhiêu triệu đồng! Nhưng gã Xu-scốp ấy làm trưởng trạm ở đấy đã năm năm và nếu như trạm máy kéo vẫn cày đất, gieo hạt, thu hoạch lúa mì, thực hiện được nghĩa vụ cung cấp lúa mì thì chỉ là vì có người nào vẫn bám sát gót Xu-scốp, tay lăm lăm cái gậy, giải thích cho hắn biết rằng cần sửa chữa máy kéo, cần cày sâu như thế, xới đất bỏ hóa đã mọc đầy cỏ dại. Không, chúng ta vẫn cần những người đốc thúc công việc! Đừng có duy tâm!.. Chính vì thế chúng ta vẫn cần những người như Ma-xle-ni-cốp. Trong tình hình như vậy, đây cũng là một loại tài năng! Phái ông ta về một huyện và trao cho một nhiệm vụ cụ thể nào đó, ông ta sẽ làm việc chết thôi, sẽ huy động mọi sinh lực và mọi phương tiện và sẽ làm tròn nhiệm vụ. Ông ta có khả năng không ngủ suốt ba ngày đêm liên, cho đến khi tự ông ta kiểm tra xong cả các máy gặt hay máy liên hợp trong mỗi nông trang. Mỗi tuần làm việc sáu ngày thì Ma-xle-ni-cốp của chúng ta có lẽ chỉ ngồi đây hai ngày ở phòng làm việc của mình, còn tất cả những ngày khác đều đi công cán. Chúng tôi vẫn nói giễu ông ta rằng chiếc ô-tô của ông ta như con ngựa già đã được huấn luyện thuần thục. Đến xã là tự nó rẽ về nông trang. Bắt những kẻ biếng nhác phải hoạt động lên, tạo nên trong huyện một tình trạng căng thẳng xung quanh một mùa vụ nào đó, việc này không ai có thể làm được như ông ta. Cũng phải biết quý trọng khả năng ấy!..
Mác-tư-nốp đã nóng lòng muốn bác lại ý kiến của Crư-lốp từ lâu, nhưng mỗi lần anh mở miệng toan nói thì ông lại ra hiệu ngăn lại.
- Trước đây tôi đã đề nghị đồng chí về công tác ở tỉnh ủy, đồng chí không chịu. Thế thì bây giờ cũng đừng trách tôi về Ma-xle-ni-cốp! Ông ta được điều từ tỉnh N. Về làm việc với chúng tôi. Tôi biết người chúng tôi lấy về là người như thế nào, tôi đã nói chuyện với một bí thư tỉnh N. Đồng chí ấy cho tôi biết một nhận xét rất đúng về Ma-xle-ni-cốp: một người thừa hành, ngoài ra không có khả năng gì hơn, không có sáng kiến. Nếu như hồi ấy đồng chí ưng thuận, thì chúng tôi có thể không nhận Ma-xle-ni-cốp. Thế nhưng đồng chí không chịu về làm việc ở tỉnh ủy, mà ở đây tôi cũng cần có người giúp tôi chứ. Tỉnh thì rộng.
- Đồng chí Crư-lốp ạ, nói thực là tôi không về tỉnh làm việc vì tôi sợ chính điều đó: tôi sợ đồng chí chỉ cần đến tôi như một viên chức thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt mà đồng chí giao cho, - Mác-tư-nốp trả lời.
- Nói vớ vẩn! Tôi biết tôi có thể đòi hỏi cái gì ở ai chứ. ở đây, đồng chí có thể làm những việc quan trọng hơn.
Cả hai cùng im lặng, vẻ mặt Mác-tư-nốp tỏ ra rằng anh vẫn một mực không đồng ý với những điều mà bí thư tỉnh ủy đã bày tỏ với anh suốt nửa tiếng đồng hồ với thái độ khá kiên nhẫn.
- Không, - Mác-tư-nốp lắc đầu, - dù sao đồng chí vẫn không thuyết phục được tôi, đồng chí Crư-cốp ạ. Nếu như hiện nay chúng ta vẫn còn những bí thư huyện ủy mà ta không thể tin rằng tự bản thân họ, không cần ai thúc giục, cũng sẽ không bỏ phí thời giờ trong vụ gặt hái, và ta không thể trông mong rằng họ có khả năng tự nghĩ ra cái điều đơn giản là muốn ủ thức ăn tươi cho gia súc thì cần có hố ủ, nếu ta vẫn còn những bí thư như thế thì chỉ cần đưa họ ra khỏi những cương vị mà họ đang giữ! Cái lô-gích của đồng chí hơi kỳ lạ. Hóa ra là tỉnh ủy cần Ma-xle-ni-cốp bởi vì ở các huyện cũng có những Ma-xle-ni-cốp như thế: đây là những cán bộ thừa hành đã mất thói quen suy nghĩ độc lập hay chưa bao giờ biết làm việc bằng đầu óc của mình, đây là những người mà lúc nào ta cũng cần góp ý và thúc sau lưng!.. Nói thực tình, mong đồng chí bỏ qua cho, tôi cố cảm giác rằng đồng chí đã hơi mệt mỏi. Đồng chí đã chán ngấy tình trạng xáo trộn cán bộ, đồng chí muốn có một sự ổn định nào đó. Xét lại một lần nữa những bí thư huyện ủy ư? Lại rút ra một số người trong các cơ quan của tỉnh ư? Lại thuyết phục, tranh cãi, lại những bi kịch gia đình? Vâng, biết làm thế nào được, củng cố đội ngũ cán bộ cơ sở là việc khó khăn nhất, nhưng phát lệnh báo an bây giờ hãy còn sớm. Việc đó cần được tiếp tục. Và có lẽ trong việc này, không bao giờ có sự ổn định, bao giờ cũng cần có sự sửa đổi khi thì ở chỗ này, khi thì ở chỗ kia... Tôi nghĩ rằng nên tìm các bí thư huyện ủy không chỉ riêng trong các cơ quan tỉnh, ở một huyện nào đó, có lẽ nên để các đảng viên bầu một đồng chí ở địa phương làm bí thư huyện ủy: một chủ tịch nông trang hay một trưởng trạm máy kéo ưu tú nhất.
- Chuyển vận hai chiều ư? - Crư-lốp mỉm cười. - Đưa các cán bộ nòng cốt của huyện về làm cán bộ nông trang, còn bây giờ lại lấy người trong số các chủ tịch nông trang để đưa về huyện à?..
- Ở đây chẳng có gì mâu thuẫn hết, hai việc đó gắn bó với nhau rất hài hòa! - Mác-tư-nốp hăm hở bày tỏ ý kiến. - Trong số các cán bộ nòng cốt của huyện, chúng ta đưa những mười, mười lăm người về làm chủ tịch nông trang, còn đây chỉ là nói về một người thôi, một người có tầm cỡ lớn. Hoàn toàn không giống sự vận chuyển hai chiều!
- Đồng chí Crư-lốp, - Mác-tư-nốp nói tiếp. - Tôi phải trình bày thật rõ với đồng chí mới được. Ban nãy tôi đã nêu vấn đề về Đôn-gu-sin. Đây không phải vì tôi có thiện cảm riêng với ông ta. Nói thực, tôi không lấy gì làm thích thú lắm - khi tôi thấy rõ rằng trong khu vực của mình, Đôn-gu-sin lãnh đạo các nông trang tốt hơn nhiều so với những gì mà tôi đạt được. Không phải vì có tình cảm đặc biệt với Đôn-gu-sin mà bây giờ, tôi nói rằng nên để đồng chí ấy làm bí thư huyện ủy Tơ-rô-ít-xcơ. Không phải tôi tán dương đồng chí ấy, mà là tôi bảo vệ nguyên tắc! Cấp ủy Đảng là những cơ quan do đảng viên bầu lên. Và có lẽ ở đây ít cần đến sự chuyên môn hóa nhất. Đúng, hôm qua tôi là bí thư huyện ủy Tơ-rô-ít-xcơ. Hôm nay, các đảng viên cho rằng trong tổ chức Đảng có một người xứng đáng hơn, và họ bầu Đôn-gu-sin làm bí thư huyện ủy. Tuy trước đây đồng chí ấy chưa bao giờ làm công tác Đảng, nhưng điều đó có hề gì? Có lẽ còn tốt hơn là đằng khác... Đồng chí Crư-lốp, đồng chí hãy tưởng tượng xem: trong huyện, các đảng viên bầu một trưởng trạm máy kéo hay một chủ tịch nông trang ưu tú nhất làm bí thư huyện ủy. Tất nhiên đây không phải là một ông chủ tịch khó khăn lắm mới viết được họ của mình trên tấm séc. Kể thì vẫn có những cán bộ kinh tế có tài năng tự phát như thế, nhưng hoàn toàn không có học, thậm chí không đọc được báo. Tôi không nói về một người như thế. Tôi nói về một người có học, có trình độ chính trị và văn hóa. Bây giờ, người đó sẽ trở thành bí thư huyện ủy, đấy là một người có kinh nghiệm thực tế, có uy tín trong công cuộc xây dựng nông trang, đã nhiều năm làm cho sản lượng thu hoạch ở nông trang mình đạt mức không chê vào đâu được, giá trị ngày công hết sức phong phú. Như thế người đó có kinh nghiệm để khuyên bảo chủ tịch nông trang, khi người đó về thăm nông trang. Bản thân người đó trước đây đã bắt đầu gây dựng lại nông trang từ chỗ không có gì, người đó biết cái gì có thể làm được, cái gì không thể làm được trong hoàn cảnh như thế. Chắc chắn cái người mới làm công tác Đảng ấy sẽ đem đến một cái gì mới trong hoạt động của cấp ủy Đảng. Người đó sẽ không chịu nổi thói ba hoa, nói dóc, thói quan liêu giấy tờ. Đây là con người của công việc. Bản thân người đó có lần đã cảm thấy chán ngán khi dự những cuộc hội họp của chúng ta, bản thân người đó đã từng bực tức vì cứ bị gọi lên huyện, mất bao nhiêu thời giờ làm việc! Khi còn làm chủ tịch nông trang, ở dưới cơ sở, người ấy đã thấy được toàn bộ công tác của huyện ủy, của các phòng chuyên môn và của các cán bộ chỉ đạo, người đó biết cần phải sửa đổi cái gì và sửa đổi như thế nào, để khỏi xảy ra tình trạng tất cả những bánh xe ấy quay không tải. Không, đồng chí Crư-lốp ạ, nếu chúng ta muốn làm cho công tác của các huyện ủy thực sự được nâng cao thì cần có những người như thế ở các huyện ủy! Và cũng cần làm thế nào để các đảng viên được tự do hơn trong việc bầu các cán bộ lãnh đạo cao nhất của cấp ủy, tức là các bí thư. Đương nhiên, hiện nay chúng ta có cả quyền bỏ phiếu bí mật, cả quyền bãi miễn. Nếu khi bầu huyện ủy viên, người nào có tên trong danh sách mà không trúng cử thì sau này không thể lên được nữa. Nhưng trong phiên họp đầu tiên sau hội nghị Đảng, chúng ta thường cũng chỉ bàn về những người được tỉnh ủy giới thiệu. Tự do bầu cử, nhưng chỉ được chọn trong một nhóm nhất định, nhỏ hẹp: “những người chuyên môn” công tác Đảng, những người bằng cách này hay cách khác đã được coi là có tên trong danh sách các cán bọ lãnh đạo. Nhưng biết đâu một người không chuyên môn lại là một bí thư tốt hơn thì sao? Cần mở rộng nhóm đó! Cần tin cậy các đảng viên ở cơ sở nhiều hơn nữa. Lợi ích thiết thân của họ khiến họ quan tâm không kém gì tỉnh ủy đối với việc làm sao cho những người đứng đầu tổ chức Đảng của họ là những người đứng đắn. Khi vấn đề cán bộ lãnh đạo của tổ chức Đảng được giải quyết tốt thì mọi việc trong đời sống đều được tổ chức đúng đắn, vấn đề các giám đốc xí nghiệp cũng sẽ ổn, tình hình các trường phổ thông cũng sẽ tốt, và ở cửa hàng người ta sẽ không mời người mua ăn bánh mì với nước lã. Ở tất cả mọi nơi trong công tác kinh tế, chúng ta đều áp dụng chế độ bổ nhiệm, nhưng ở đây cần có chế độ bầu cử thực sự. Những người nắm trong tay việc bổ nhiệm các loại chức vụ phải là những người được bầu lên! Và nếu không có sự giúp đỡ của đảng viên thì chính đồng chí cũng không bao giờ tìm được những bí thư tốt cho tất cả các huyện, đồng chí Crư-lốp ạ!..
Sau khi trình bày hết ý kiến của mình, Mác-tư-nốp ngừng lời và bằng một cứ chỉ giản dị theo lối công nhân, anh đưa tay áo vét-tông lên lau vầng trán đẫm mồ hôi, lấy bao thuốc lá trong túi ra, toan châm thuốc hút, nhưng thấy tấm biển nhỏ bằng chất dẻo trên tường có chữ để: “Không hút thuốc ở đây”, anh lại cho điếu thuốc vào bao.
- Cứ hút đi, - Crư-lốp gật đầu với anh. - Đồng chí còn ở đây bao lâu nữa?
- Tôi chẳng còn công việc gì ở đây.
- Hôm nay đừng về vội. Hãy nghỉ đêm ở khách sạn. Rồi tôi sẽ gọi điện cho đồng chí từ văn phòng này. Còn bây giờ thì đi đi. - Crư-lốp đứng lên và chìa tay qua bàn cho Mác-tư-nốp. - Đồng chí chiếm mất của tôi hai tiếng đồng hồ, thực ra cuộc nói chuyện rất bổ ích, nhưng còn những việc khác cần làm. Những người xây dựng nhà máy nhiệt điện trung tâm của chúng ta sắp đến gặp tôi, họ hứa sẽ báo cáo về việc hoàn thành công việc xây dựng vào ngày mồng một tháng Năm, bây giờ lại xin hoãn đến ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười. Đồng chí bảo tôi nên nói chuyện với họ như thế nào? Có thúc ép hay không thúc ép? Giục hay không giục? Có lẽ không nên giục gấp chăng? Đưa nước trà với bánh mì cặp nhân ra mời họ, hỏi thăm về sức khỏe, về con cái họ, rồi để cho họ yên ổn ra về chăng? Bởi vì họ là người lớn, không phải là trẻ con, họ cũng có lương tâm, tự họ hiểu được rằng họ càng mau chóng cung cấp năng lượng cho công nghiệp của chúng ta thì càng hay... Thôi được, đi nghỉ đi, rồi ta sẽ nói chuyện sau.
Khi rời khỏi tỉnh ủy, lúc đã ở ngoài đường, Mác-tư-nốp chạm trán với Boóc-dốp ở gần cổng. Boóc-dốp già đi trông thấy, nước da cháy nắng, đi đôi ủng bụi bậm, đầu không cạo trọc như trước, mà húi cua. Họ chào hỏi nhau.
- Người anh em, nom bộ dạng anh dường như anh vừa ra khỏi nhà tắm! - Boóc-dốp nói. - ở đấy ra phải không?
Anh ta đưa mắt nhìn lên cửa sổ tầng ba phía trên cổng, tức là phòng làm việc của bí thư thứ nhất.
- Tôi vừa ở đấy ra.
- Bị xạc phải không?.. Trước đây tôi cũng đã đến đấy bao nhiêu lần rồi, - anh ta lại đưa mắt nhìn lên trên, - bị mắng ra trò! Còn anh thì về chuyện gì? Về việc sửa chữa máy liên hợp phải không?
- Không, không phải tôi vừa ở thường vụ ra. Thường vụ họp ở đây hôm qua. Tôi đến có việc, về vấn đề cán bộ.
Họ lùi ra xa cửa một quãng để khỏi làm vướng những người ra vào tỉnh ủy.
- Này, anh được nghe nói về tôi rồi chứ, - Boóc-dốp vừa hỏi vừa mỉm cười mỉa mai, - anh có biết tôi được giao một cương vị quan trọng như thế nào không? Chủ tịch một nông trang lớn nhất ở huyện Bô-ri-xốp-ca, nông trang “Đất nước Xô-viết”. Thế đấy! Không đến nỗi là cái đuôi chó! Điều này cần cảm ơn anh. Cảm ơn sáng kiến của anh!
- Không dám! - Mác-tư-nốp đáp. - Chẳng lẽ anh cho rằng không có sáng kiến của tôi thì sự thể không đến nông nỗi ấy phải không?
- Không, tôi nói đùa đấy. Tất nhiên là phải như thế thôi. Cần có người nào đưa nông trang ra khỏi chỗ bê bối... Tôi ở nông trang tháng này đã là tháng thử tư. Tên nông trang đó là “Đất nước Xô-viết”. Cũng hơi giống tên nông trang của Ô-pi-ôn-kin, “Chính quyền của các Xô-viết”. Nhưng về mặt kinh tế thì chẳng giống gì hết! Khi điều tôi về đấy, người ta khuyến khích tôi: “đồng chí Boóc-dốp, nên biết rằng đây là một nông trang rất có triển vọng! Bao nhiêu là đất, tài sản rất nhiều!” Ừ đúng, triển vọng thì có, ngoài ra không có gì hơn. Cái mà tôi tiếp nhận được ở tay chủ tịch cũ cũng chi toàn là những triển vọng. Bắt đầu từ đâu, bấu víu từ cái gì, tôi không tài nào nghĩ ra được. Không có chỗ nào để bấu víu, không có một ngành nào cho thu nhập để có thể ngay bây giờ thực hiện sự quay vòng vốn. Anh có đi bắt cá bao giờ không? Có bao giờ anh dùng tay bắt cá tuyết ở sông không? Sờ vào nó thấy nó trơn trụi, chẳng có vẩy gì cả, chỉ có chất nhớt, nắm được nó là nó truội đi. Thế thì nắm vào cái gì mà lôi đi được?
- Tôi nghĩ rằng phải móc vào mang, - Mác-tư-nốp nói.
- Phải, móc vào mang! Nhưng đầu nó rúc dưới thân cây gỗ chìm dưới nước! Không, cả anh cũng không thể khuyên tôi điều gì xác đáng. Tôi muốn đến gặp Ô-pi-ôn-kin, ai chứ anh ta thì có thể dạy tôi được đôi điều... Anh ạ, khi tiếp nhận nông trang, tôi định lập tức làm một cuộc đảo lộn hoàn toàn trong việc làm ăn của nông trang. Nông trang chúng tôi ở ngay gần Bô-ri-xốp-ca, đi hai ki-lô-mét là đến đường sắt, một đầu mối giao thông lớn, xe lửa từ nhiều nơi đi qua đây. Cả đường ô-tô cũng qua Bô-ri-xốp-ca. Những điều kiện hết sức phong phú để tiêu thụ sản phẩm, vậy thì cách làm ăn của nông trang cũng phải tổ chức lại cho phù hợp với điều kiện đó. Tôi đã nói điều đó ở huyện ủy chúng tôi và đã đến trình bày ở phòng nông nghiệp tỉnh từ tháng Hai. “Hãy giúp chúng tôi trang bị những nhà ấm trồng cây, cho chúng tôi vay tiền và cung cấp vật liệu cho chúng tôi, cho chúng tôi hai chiếc ô-tô và bớt đi cho chúng tôi một phần cây lương thực và cây công nghiệp, như vậy trong một năm tôi sẽ làm cho nông trang trở thành nông trang triệu phú! Đồng chí phân phối cho cả huyện phải trồng rau, ở những nông trang xa, người ta không muốn trồng rau bởi vì không thể tiêu thụ được hoa lợi, hãy phân phối cho chúng tôi con số diện tích đó. Cần biến nông trang chúng tôi thành nông trang trồng rau hoa quả, gây vườn non. Còn những năm đầu có thể trồng dâu, trồng khoai giữa các hàng cây trong vườn. Vườn rau, vườn quả và chăn nuôi, đây chính là cái chúng tôi cần phải tập trung lực lượng vào làm, xét theo hoàn cảnh của chúng tôi. Nhưng chăn nuôi thì không thể đưa lên ngay được, các trại chăn nuôi của chúng tôi chưa có chuồng tốt, chưa có đàn gia súc giống, phải đầu tư nhiều vốn vào đấy thì mới có nhiều sản phẩm tốt. Vườn rau chóng đem lại thu nhập cho chúng tôi hơn. Năm nay, tôi sẽ tập trung toàn bộ lực lượng vào việc trồng rau, sang năm chúng tôi sẽ bắt đầu phát triển chăn nuôi”. Kế hoạch của tôi là như thế. Với một tay bí thư như tay bí thư huyện tôi thì làm việc thế nào được? Ôi chao, cái ông Gu-xép bí thư huyện tôi thật thộn hết chỗ nói! “Nhưng nếu đồng chí cắt giảm kế hoạch thì số lúa mì và củ cải đường ấy chúng tôi biết giao cho ai được? Đây là những loại cây bắt buộc phải trồng, chúng tôi không có quyền rút bớt số lượng về những loại cây đó”. - “Đồng chí hãy giao thêm kế hoạch về những loại cây đó cho những nông trang nào trồng rau không có lợi. Hay ít nhất đồng chí cũng hãy đặt vấn đề với tỉnh rằng trong một số nông trang ở gần thành phố, thực sự cần giảm bớt diện tích trồng ngũ cốc và hãy trình bày cho rõ rằng như thế sẽ chỉ có lợi thôi”! - “Không, tôi không thể nhận lãnh một trách nhiệm như thế”. Đó, quyền tự do đặt kế hoạch là như thế đấy!
Boóc-dốp lấy trong túi ra bao thuốc lá “Ca-dơ-bếch”, mời Mác-tư-nốp, tự mình rút lấy một điều. Họ châm thuốc hút.
- Sao anh lại nhìn bao thuốc lá của tôi như thế? Tôi sống một thân một mình, lương chủ tịch nông trang đủ cho tôi chi dùng, trước kia ở huyện ủy tôi hút loại thuốc lá như thế nào thì ở nông trang tôi cũng hút loại thuốc lá như thế. Trong tình cảnh tôi hiện nay, điều quan trọng nhất là đừng để cho mình suy sụp về tinh thần!..
- Ừ thì làm việc cần phải có kế hoạch, đúng thôi! - Boóc-dốp nói tiếp. - Người ta đã cho chúng ta đôi cánh, chúng ta vỗ cánh mãi mà không bay lên được, chân còn mắc bao nhiêu vật nặng, cái bệnh quan liêu trời tru đất diệt ấy!.. Anh biết tôi đấy, nghị lực thì tôi có đủ, tôi không thích ngồi không. Đã đưa tôi về một nông trang thì hãy cho tôi có dịp thi thố hết năng lực của tôi! Nếu cũng lại như tay chủ tịch trước, tôi phải tính toán những đồng cô-pếch và những gam thóc thảm hại ấy, phải đi lượm lặt mỗi năm mười lăm quả trứng của con gà mái đẻ thì tôi sẽ chết vì buồn chán mất! Lao đầu vào chỗ nào cũng vấp, thôi thì cái này không thể được, cái kia không được phép, cái nọ còn phải trao đổi để thống nhất với nhau. Lần này là lần thứ ba tôi đến đây vì cái máy lô-cô của nhà nước, đấy là cỗ máy của mạng lưới tưới nước vẫn chưa xây dựng xong. Một số bộ phận đã bị tháo đi, máy đang bị han rỉ dần, nhưng vẫn có thể sửa lại và đem ra dùng. Tôi đề nghị cho tôi cỗ máy lô-cô đó, chúng tôi có một trữ lượng than bùn bất tận, có cối xay, chúng tôi sẽ trang bị một nhà xay. Một mặt các nông trang viên của chúng tôi cũng cần xay hạt, mặt khác, chúng tôi có thể kiếm thêm được một nghìn rúp là ít. Không, không ai dám nói với tôi một câu duy nhất: “Cứ lấy đi”. Thà để máy hỏng hoàn toàn còn hơn là cho phép dùng nó không đúng công dụng. Còn tình hình cung cấp của chúng ta hiện nay ra sao? Nông trang hoàn toàn không có phương tiện vận tải, ngoài mấy chiếc xe ngựa. Trong thời đại chúng ta, không có ô-tô vận tải thì sống thế nào? Chúng tôi phải chở bã thải của nhà máy đường về cho gia súc, chính cái bã thải đó thì rẻ mạt, nhưng chúng tôi phải trả công chuyên chở hàng nghìn rúp cho đoàn ô-tô. Nhưng người ta còn nợ chúng tôi một chiếc ô-tô đấy chứ! Năm ngoái, đáng ra hợp tác xã tiêu dùng phải trả cho nông trang một chiếc ô-tô vì đã mua sữa của nông trang. Thế mà mãi cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được! Anh ạ, tôi cho rằng ở ta hiện nay, việc này vẫn chưa được tổ chức đúng đắn. Đây là thứ của bố thí, không phải là hàng cung cấp! Đồng chí Crư-lốp về một nông trang, nếu ở nông trang đó người ta năn nỉ cầu xin thì đồng chí ấy cho mấy trăm tấm lợp mái hoặc một chiếc ô-tô, như thể làm phúc làm đức. Như vậy là khi về nông trang đồng chí ấy mang theo trong cặp một số thứ dự trữ để phân phát cho những kẻ túng thiếu: đây là kỷ niệm về chuyện viếng thăm nông trang của bí thư thứ nhất tỉnh ủy. Cái đó chẳng hay ho gì. Chẳng đẹp đẽ gì! Đấy không phải là một hệ thống. Thế còn những nông trang mà đồng chí ấy không đến thăm thì thế nào? Thì đấy, đồng chí ấy chưa hề đến nông trang chúng tôi lần nào và có lẽ năm năm nữa cũng chưa đến. Vậy thì chúng tôi sống bằng cách nào được? Chúng tôi lấy gì lợp mái chuồng bò, chúng tôi lấy gì chở lúa mì đi làm nghĩa vụ cung cấp cho Nhà nước?
Từ chuyện mới họ lại chuyển sang chuyện cũ.
- Này, bây giờ ở Tơ-rô-ít-xcơ như thế nào? Ru-đen-cô làm việc ở nông trang ra sao? Glô-tốp, Gri-bốp, Nê-chi-pu-ren-cô ra sao?
Mác-tư-nốp kể cho anh ta nghe.
- Chán lắm, anh ạ, - Boóc-dốp phẩy tay, - từ khi tôi có dịp quan sát các bí thư huyện ủy khác và chính tôi chịu sự lãnh đạo của họ, còn bây giờ tôi làm việc ở nông trang thì thực tình, tôi thấy tôi không phải là một bí thư kém nhất! Người ta đấm tay xuống bàn nạt tôi, và tôi cũng đấm tay quát lại; người ta thúc ép tôi và tôi cũng thúc ép lại. Còn về kế hoạch thì trước đây chúng ta đã được giáo dục như thế này: cứ thực hiện đi và đừng có bàn luận về việc kết quả sẽ như thế nào! Tôi nhớ, ngay từ hồi ở huyện Lu-giư-ni-cốp, tôi làm bảng cân đối lúa mì làm thức ăn chăn nuôi và một vị đại diện chức quyền rất to đã nạt nộ tôi: “Cái gì? Đồng chí làm bảng cân đối à? Ai cho phép đồng chí làm cái đó? Dùng hạt nuôi lợn à? Định cho lợn ăn lúa mì à? Đại mạch cũng là lúa mì! Đồng chí là thằng ngốc hay là kẻ phá hoại?” Đương nhiên, khi người ta đặt ra câu hỏi như thế thì chẳng thà cứ nhận mình là thằng ngốc còn hơn. Nhưng không có hạt thì làm thế nào có mỡ được? Thế thì nuôi lợn bằng gì, nếu ta thực sự chăm lo đến việc chăn nuôi? Nuôi bằng rơm ư? Sự thể là thế đấy. Anh tưởng tôi không đau lòng khi có lần tôi bắt nông trang phải đưa hạt thuần giống đi nộp thóc nghĩa vụ ư?.. Mới đây tôi có đọc trong các tạp chí: ở một số biển của chúng ta, người ta đã đánh hết cá, đến nỗi bắt cả cá con. Anh ạ, điều đó còn tệ hơn là để cho nông trang không có lúa mì trả công cho nông dân. Ở nông trang thì tình hình còn liên quan đến mùa màng, đến thiên nhiên, còn ở biển thì mưa đá cũng như hạn hán đều không gây trở ngại gì cho việc sinh đẻ của cá. Không cần cày đất, không cần gieo hạt, chỉ cần biết giữ gìn những gì thiên nhiên đã cống hiến cho ta, bằng không thì sẽ đi đến kết quả như thế này: “Cứ làm đi, làm tới đi!..” Dù sao cái hậu quả mà thời gian vừa qua tôi phải chịu đựng cũng hơi vô lý, - Boóc-dốp nói tiếp. - Cũng giống như trong một trận đánh, lúc tấn công tôi bị trượt ngã gãy chân. Tôi bị thương không phải vì viên đạn, không phải vì mảnh đạn, mà vì sự thiếu thận trọng của chính mình. Nếu như không có câu chuyện dớ dẩn về Mu-khin thì tôi có làm sao đâu, hiện giờ tôi lại không còn là bí thư huyện ủy? Tôi làm việc kém Gu-xép ư? Tôi không thay đổi được ư?
Nhưng đến đây, Mác-tư-nốp đã chán không muốn nghe nữa và anh bắt đầu từ biệt.
- Nhìn chiếc nạng của anh, tôi biết anh mới ở bệnh viện ra. - Boóc-dốp giữ tay Mác-tư-nốp trong tay mình và nói. - Tôi có nghe nói anh bị tai nạn, suýt thì mất mạng. Còn bây giờ thế nào? Sau khi ra viện, anh sẽ về làm việc ở đâu? Về vị trí cũ chăng?
- Có lẽ tôi sẽ được điều sang huyện khác, - Mác-tư-nốp đáp, sau một lúc im lặng.
- Thật ư? Sang huyện khác à? Có dự kiến như thế ư?.. Còn Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na thì thế nào? - Boóc-dốp hỏi, không có ý tứ chút nào.
- Có lẽ chị ấy sẽ được cử làm trưởng trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca.
- Thế kia à?.. Tôi không ngờ người vợ cũ của tôi lại có tài năng như thế! Liệu có làm nổi không?
- Trong thời gian qua, ở đây có một người đáng là ông thầy để chị ấy học tập. Đồng chí không biết ông ta đâu, ông ta là Đôn-gu-sin. Ông ta được cử đến làm trưởng trạm máy kéo ở huyện chúng tôi sau khi đồng chí đã đi rồi.
- Thế còn Đôn-gu-sin thì sao, sẽ chuyển đi đâu?
- Đại khái là cũng đang có dự kiến, - Mác-tư-nốp trả lời vu vơ.
- Này, anh ạ, kể thì câu chuyện cũng cũ rồi, - Boóc-dốp nói, - tôi phải thành thật thú nhận với anh rằng tôi đã nghĩ xấu về anh và về Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na. Kể ra thì cô ấy không thờ ơ với anh, điều đó thì tôi không nhầm, vả chăng, chính cô ấy cũng nói với tôi như thế. Nhưng tôi tưởng rằng anh cũng có tình ý với cô ấy... Bây giờ tôi thấy tôi nghi ngờ anh là lầm. Một số đồng chí ở Tơ-rô-ít-xcơ mà tôi có dịp gặp gỡ đã nói cho tôi biết rằng giữa hai người chẳng có chuyện gì cả. Tôi nhờ anh một việc: anh làm ơn nói với cô ấy rằng một tuần nữa, tôi sẽ đến gặp cô ấy. Tôi sẽ xin nghỉ phép hai ngày. Nếu cô ấy không muốn để tôi ở nhà cô ấy thì tôi sẽ ở nhờ một nhà nào ở Na-đê-giơ-đin-ca, ở đấy tôi có mấy người quen. Tôi rất nhớ các cháu, tôi muốn gặp chúng nó!.. Giá như anh có thể khuyên cô ấy nhường thằng Mi-sa cho tôi!
- Tôi sẽ nói lại với chị ấy tất cả những gì anh đã nói với tôi, anh ạ, nhưng tôi không dám cam đoan rằng sẽ thuyết phục được chị ấy. Anh hiểu đấy, việc này là việc ta không có thể khuyên bảo và cũng không bắt buộc được.
- Tối muốn bàn với cô ấy là các cháu ở với cô ấy một thời gian rồi tôi lại đưa chúng nó về ở với tôi;.. Cũng không phải là một lối thoát, Như vậy, chúng nó sẽ có hai gia đình. Vả lại, tôi cũng không có người trông nom các cháu. Hiện giờ tôi sống đơn độc một mình. Ni-na học đại học ở Lê-nin-grát từ năm ngoái... Ngót năm mươi tuổi rồi vậy mà cuộc đời lỡ dở. Mọi việc đều chẳng ra sao cả. Thật là đáng sợ khi nghĩ đến sau này sẽ như thế nào khi các con đã lớn lên? Chẳng lẽ mình với chúng nó lại trở thành những người xa lạ ư?.. Cái ả Ta-ma-ra ấy, cô ả chung sống với tôi ở Bô-ri-xốp-ca ấy mà, hóa ra ả là một kẻ hết sức đê tiện. Tự dưng trong nhà sinh ra những chuyện lời qua tiếng lại mà hồi chung sống với Ma-ri-a tôi không hề phải nghe bao giờ: “Anh đâu có đáng mặt là chủ tịch Xô-viết huyện! Ông chủ tịch của huyện mà lại không thể cho vợ đi an dưỡng bằng tiền quỹ bảo hiểm xã hội của huyện ư?” Hay: “Cựu chủ tịch Rưn-đin thì cứ gần đến ngày mồng một tháng Năm và ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười là bao giờ cũng đem về nhà hai làn. thực phẩm lấy ở cửa hàng thực phẩm và lấy không trả tiền. Còn anh thì cái gì cũng phải xì tiền ra!”. Tôi nói: “Em thân mến! Boóc-dốp có lỗi với Đảng về nhiều mặt, nhưng có một điều Boóc-dốp không hề sai phạm: không bao giờ móc túi của Nhà nước!” Tôi đã tống cổ ả đi.
Lúc mười một giờ đêm, Crư-lốp điện về khách sạn cho Mác-tư-nốp và bảo anh đến tỉnh ủy.
- Đồng chí Mác-tư-nốp ạ, hình như đồng chí đánh giá thấp khả năng trí tuệ của Ma-xle-ni-cốp, nhưng hôm nay ông ta đã nghĩ ra một điều khá láu cá, - Crư-lốp mở đầu câu chuyện, - Khi tôi kể với ông ta rằng đồng chí tin chắc là khi bầu bí thư, nếu ta giới thiệu cả hai người thì các đảng viên sẽ bầu Đôn-gu-sin chứ không bầu đồng chí. Ông ta đề nghị làm như sau: “Thôi được, để thử xem thế nào, ta có thể giới thiệu với hội nghị toàn thể huyện ủy hai người ra ứng cử, cho họ tự chọn lấy người nào họ ưng ý hơn”. Đồng chí thấy thế nào? Theo tôi thì ông ta ranh đấy chứ. - Crư-lốp ném lên Mác-tư-nốp một cái nhìn nhanh, có ý dò xét. Làm như vậy cốt là để đồng chí rời khỏi huyện phải mang cái tiếng là một bí thư không trúng cử.
Mác-tư-nốp muốn nói điều gì, nhưng có cái gì vướng trong họng, anh hắng mấy tiếng và để che giầu sự bối rối, anh cúi thấp xuống gần bàn. Crư-lốp phá lên cười.
- Ấy là ông ta trả thù đồng chí về cuộc đối đáp hôm nay đấy! Rõ ràng là ông ta ghét đồng chí còn hơn ghét Đôn-gu-sin. Thôi được, đừng lo, cố nhiên chúng tôi không làm như thế đâu, nhưng đồng chí thấy đấy, Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích thân mến! - Crư-lốp nói với giọng châm chọc. - Như vậy, dù sao tỉnh ủy cũng phải lãnh đạo việc bầu các bí thư huyện ủy chứ gì? Không được để mặc cho việc bầu cử đó diễn ra một cách tự phát chứ gì? vẫn cần lãnh đạo việc bầu cử bằng cách nào đó, để khỏi xảy ra sự bất ngờ mà đồng chí cũng như chúng tôi đều không muốn có, phải không? Ý kiến đồng chí thế nào? Nếu không thì sau này ai có thể hiểu được cái động cơ có thể là hết sức trung thực của đồng chí được? Không thể ghi toàn bộ cái tinh thần lãng mạn ấy vào lý lịch công tác được, sẽ chỉ ghi vắn tắt mấy chữ: “Không trúng cử”, có thế thôi!
Tiếp đó họ vừa đi vừa nói chuyện. Crư-lốp phải ngồi suốt ngày đã phát chán, ông đẩy dịch chiếc ghế bành, rời khỏi bàn. Mác-tư-nốp cũng đứng lên.
- Thôi được, cứ cho rằng Đôn-gu-sin có tất cả mọi phẩm chất xứng đáng để được bầu làm bí thư huyện ủy Tơ-rô-ít-xcơ...
- Đồng chí Crư-lốp, đồng chí nên trực tiếp làm quen với Đôn-gu-sin. Đừng tin lời Ma-xle-ni-cốp. Đồng chí nên nói chuyện riêng với Đôn-gu-sin. Lúc đầu, đồng chí có thể không ưa ông ta, ông ta thẳng tính, không chịu tìm cách làm vừa lòng cấp trên, chưa biết chừng ông ta còn nói với đồng chí những câu châm chọc là đằng khác, nhưng đồng chí đừng để cho cái cảm tưởng ban đầu chi phối mình, đồng chí hãy bước qua sự khó chịu đó và đi thẳng đến cái thực chất con người của ông ta.
- Tôi cũng đã học được điều đó qua những cuộc nói chuyện với đồng chí. Này, nếu Đôn-gu-sin làm bí thư huyện ủy thì chúng ta sẽ bố trí các cán bộ khác như thế nào? Đồng chí nghĩ kỹ rồi chứ? Đồng chí đi đâu?
- Tôi đã nghĩ kỹ rồi. Tôi có thể làm trưởng trạm máy kéo thay cho đồng chí ấy. Công tác kinh tế là việc quen thuộc đối với tôi, tôi đã từng làm cả chủ tịch nông trang. Ngay khi làm việc ở huyện ủy, tôi. Cũng không xa rời công tác kinh tế.
- Nhưng nếu không đưa đồng chí về làm trưởng trạm thì sao? Có thể cử ai được.
- Nếu vậy thì ở đây có một nữ đảng viên tốt, Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na. Hiện giờ chị ấy làm bí thư Đảng ở trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca.
- Tôi có nghe nói về chị ấy.
- Chị ấy sẽ làm được việc, đồng chí Crư-lốp ạ! Tôi chỉ không biết bằng cấp của chị ấy ra sao. Chị ấy đã tốt nghiệp trường phổ thông buổi tối rồi không học thêm nữa, không có trình độ học vấn kỹ thuật. Nhưng chị ấy có nhiều kinh nghiệm thực hành. Trước kia chị ấy đã từng lái máy kéo. Thêm nữa, Đôn-gu-sin vẫn ở trong huyện, đồng chí ấy sẽ giúp Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na. Đồng chí ấy biết cách giúp đỡ mọi người. “Chị ấy sẽ làm được việc”, tôi nói câu ấy không đúng lắm. Tôi giới thiệu chị ấy không phải vì không còn ai nữa. Tôi tin chắc rằng Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na sẽ trở thành một trưởng trạm tốt.
- Thôi được... Thế còn đồng chí đi đâu? Bản thân đồng chí thì thế nào, đồng chí tự coi mình là “cán bộ chuyên môn” về công tác Đảng à?
- Không. Trong lý lịch tôi ghi: làm báo... Nhưng tôi yêu mến công tác Đảng,
- Về vấn đề huyện Gri-a-dơ-nốp-xki thì đồng chí không nói đùa đấy chứ? Tay bí thư ở đấy làm việc kém, đó là một vấn đề gay cho chúng ta.
- Tôi không nói đùa đâu.
- Đây là một huyện bị bỏ lơi, nhưng cần phải nói với đồng chí rằng nó rất có triển vọng.
Mác-tư-nốp chợt nhớ tới chuyện ở nông trang Boóc-dốp được tay chủ tịch cũ bàn giao cho “rặt những triển vọng”, và anh mỉm cười.
- Đồng chí cười cái gì? Huyện đó có thể trở thành huyện giàu nhất tỉnh! Không nơi nào có nhiều đất như ở các nông trang trong huyện Gri-a-dơ-nốp-xki. Kể thì không có cây cối, bụi cây gì cả, thảo nguyên trơ trụi, nhưng diện tích gieo trồng thì không chê vào đâu được! Đồng chí đâu có cần phong cảnh, mà cần lúa mì kia chứ! Hiện giờ tình trạng thừa đất như thế thậm chí còn làm khổ các nông trang, họ không đủ sức làm công việc đồng áng cho tốt. Nhưng nếu ta thực sự cơ khí hóa việc làm đồng thì lại khác! Chúng ta sẽ đưa thêm máy móc về và nếu sử dụng máy móc một cách hợp lý thì huyện đó sẽ trở thành vựa lúa của tỉnh ta! Ở đây có thể nuôi cơ man nào là lợn, điều kiện chăn nuôi lấy sữa hết sức tốt!..
- Đồng chí Crư-lốp ạ! - Mác-tư-nốp nói, - nếu tôi về Gri-a-dơ-nốp-xki thì đồng chí có biết tôi sẽ bắt đầu từ việc gì không?
- Từ việc gì?
- Tôi sẽ gửi đơn lên Xô-viết tối cao, xin đổi tên trung tâm huyện và tên huyện. Không thể làm việc tốt, khi huyện có cái tên không đẹp như thế. Gri-a-dơ-nốp-xki, Sê-la-pu-ti-nô, Ô-blu-pi-khi-nô, ở những xã như thế chỉ riêng cái tên cũng phần nào làm cho người ta bẽ bàng!
- Đúng, nên đổi tên huyện... Nhưng đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ, nếu làm như thế này thì liệu có trái với những nguyên tắc của đồng chí không, - mắt Crư-lốp lại lóe lên những tia sáng ranh mãnh, - một đại diện của tỉnh ủy sẽ đưa đồng chí về Gri-a-dơ-nốp-xki, coi đồng chí như “một cán bộ chuyên môn về công tác Đảng” và giới thiệu để đồng chí được bầu làm bí thư huyện ủy. Đồng chí thấy thế nào? Thì ra ở đấy họ không có người của họ à? Vậy thì “tự do bầu cử” ở chỗ nào? A-ha! Đồng chí không nói gì! Chính đồng chí lúng túng với những nguyên tắc của đồng chí ư?.. Thôi được, tôi sẽ giúp đồng chí thoát khỏi chỗ bí. Này, đồng chí Mác-tư-nốp ạ, không có gì là không tốt khi tỉnh ủy giới thiệu một người để tổ chức Đảng bầu làm bí thư. Việc giới thiệu thì nên làm, có thế chúng tôi mới là cơ quan lãnh đạo của Đảng chứ. Tất cả vấn đề là ở chỗ giới thiệu như thế nào! Thực sự là giới thiệu, chứ không phải là ép buộc. Tỉnh ủy đề nghị các đồng chí chú ý đến một người như thế, còn việc thảo luận, quyết định là tùy các đồng chí, có thể các đồng chí đã nhắm một người xứng đáng hơn. Hãy trình bày lý do của các đồng chí đi, chúng ta sẽ bàn bạc, cân nhắc mọi tình tiết. Cần phải làm như thế, chứ không phải là thúc ép, như đôi khi các cán bộ đặc phái của tỉnh ủy vẫn gây sức ép với cuộc họp nông trang viên: họ đưa một chủ tịch mới ở huyện về và làm cho nông dân phát ngán lên, bắt bầu đi bầu lại đến mười lần, cho đến khi trong số năm trăm người đến họp thì còn lại có năm chục người. Năm chục người ấy giơ tay lên: “Nhất trí!..” Chính tôi sẽ đưa đồng chí về Gri-a-dơ-nốp-xki. Tôi sẽ không làm cái lối mang con mèo trong bị, mà sẽ kể cho các đảng viên nghe tất cả những gì tôi biết về đồng chí. Đồng chí là người như thế nào, làm việc ở Tơ-rô-ít-xcơ ra sao, tại sao đồng chí chuyển công tác, đồng chí có những ưu điểm gì, khuyết điểm gì. Tôi sẽ không ép buộc. Ưng thì bầu, không ưng thì tôi lại đưa về. Thế được không?
Mác-tư-nốp lặng lẽ gật đầu.
- Thế ngoài việc đổi tên huyện, đồng chí sẽ còn khởi đầu từ việc gì nữa?
- Tôi vẫn chưa biết huyện đó, đồng chí Crư-lốp ạ, chưa biết những đặc điểm của nó... Tôi sẽ bắt đầu từ việc tìm người. Từ các tổ chức Đảng của các nông trang, Từ các cán bộ nòng cốt. Tôi sẽ tìm những cán bộ nòng cốt thực sự, chứ không phải là những hình nhân bằng giấy, đấy phải là những người quý trọng công việc của nông trang như chính cuộc đời của mình. Tôi sẽ kết nạp những người như thế vào Đảng: căn cứ vào những vết chai trên hai bàn tay, chứ không phải là những vết chai trên lưỡi. Không có những đảng viên bình thường thì chúng ta không thể động viên quần chúng nông trang viên được. Như vậy là phải bắt đầu từ các đảng viên... Tôi nghĩ rằng đến chỗ mới, tôi sẽ làm việc tốt hơn. Ở Tơ-rô-ít-xcơ cuộc sống đã dạy tôi nhiều điều. Tôi sẽ không vấp hai lần vào cùng một mô đất.
- Đừng cho rằng mọi việc đã giải quyết xong rồi, - lúc chia tay, Crư-lốp báo trước cho Mác-tư-nốp. - Có thể nói tôi thử cân nhắc xem nếu những đề nghị của đồng chí được chấp nhận thì sự thể sẽ ra sao, nhưng tôi chưa dứt khoát đâu. Câu chuyện này mới chỉ chúng ta biết với nhau thôi. Đừng nói gì với ai. Chúng tôi sẽ còn đem ra bàn ở thường vụ. Về nhà, đồng chí cứ làm việc bình thường, như thể không hề có dự định gì về việc thuyên chuyển đồng chí và đồng chí sẽ làm việc ở Tơ-rô-ít-xcơ cho đến cuối đời... Nếu Mét-vê-đép ốm và nằm lỳ ở nhà sau khi bị khiển trách thì cứ mặc anh ta. Đừng làm phiền gì anh ta, cho đến khi họp hội nghị. Cũng không còn bao lâu nữa. Vắng anh ta ở huyện ủy, đồng chí cũng chẳng lấy gì làm buồn lắm phải không?
- Chẳng lấy gì làm buồn... Nhưng đồng chí Crư-lốp ạ, dù sao đồng chí cũng nên đọc những mơ ước hão huyền của tôi về cuộc sống tươi đẹp.
- Đồng chí giận à? Được thôi, tôi sẽ đọc.
- Bí thư huyện ủy không phải là ông thần, và cái gì vượt quá sức của anh ta. hay anh ta không đủ quyền hạn thì anh ta không thể làm được. Cứ việc đòi hỏi ở chúng tôi, nhưng hãy giúp đỡ chúng tôi. Trước mặt chúng tôi vẫn còn cả một quả núi những vấn đề mà chúng tôi không thể tự giải quyết được. - Mác-tư-nốp nhớ đến câu của Boóc-dốp về đôi cánh và những vật nặng. - Hôm nay một chủ tịch nông trang có nói với tôi một câu rất đúng: người ta cho chúng ta đôi cánh, nhưng ở chân còn vướng bao nhiêu vật nặng của thói quan liêu, chúng ta vẫy cánh mãi mà không bay lên được!,.
Mùa hè, Mác-tư-nốp ít khi ở nhà vào chủ nhật. Chủ nhật không co họp hành gì. Ở huyện ủy không có khách chờ anh, và anh thường đi về các nông trang từ sáng. Nhưng hôm chủ nhật đầu tiên sau khi ở tỉnh ủy về, anh không đi đâu và rủ vợ đi chơi cả ngày với mình quanh các vùng lân cận Tơ-rô-ít-xcơ. Anh đã bỏ nạng, thay bằng cái gậy và khi đi, chỉ hơi tì vào gậy. Bác sĩ đã cho phép anh đi dạo chơi, miễn là vừa đi vừa nghỉ, đừng làm mệt sức quá.
Họ đem theo bánh mì cặp nhân và nước uống, rời khỏi thành phố, đi bộ ra cánh đồng, đi về phía đầu nguồn khe Bu-tốp. Theo lời thuật lại của Đi-ma, - suốt mùa hè, thằng bé sống ở trại thiếu niên - Mác-tư-nốp biết rằng đây là chỗ rất đẹp, nhưng chính anh chưa đến đây lần nào.
Con đường đất bụi bặm uốn cong hình chữ “C”, chạy lên chỗ đất cao. Hai bên đường là những cánh đồng cao thấp không đều nhau, nhấp nhô đồi to đồi nhỏ: đồng lúa mì đã gặt, đồng lúa kiều mạch, cánh đồng trồng kê (kê thân thấp nhưng mọc sát dày như răng bàn chải). Sương mù bao phủ bầu trời sau trận mưa hôm qua đã tan hết, nắng chói chang, như đổ lửa. Cun cút kêu vang trong ruộng kê. Trên bầu trời xanh, một con diều hâu - thứ chim không thể thiếu trong cảnh trí của thảo nguyên - đang chao liệng, đôi cánh chỉ hơi động đậy.
- Em chẳng thấy ở đây có cái gì đẹp, - Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na vừa nói vừa rũ đá dăm lọt vào đôi giày không mũi. - Thảo nguyên trơ trụi. Chúng ta chọn chỗ không đúng rồi. Đáng lẽ nên ra đồng cỏ, ra sông, hay vào rừng.
- Cứ thong thả, rồi ra sẽ đến chỗ đẹp. Đi-ma bảo rằng ở đây có nhưng hẻm vực như ở vùng sông Cô-lô-ra-đô bên Mỹ. Làm như hố đã sang Mỹ không bằng!
Mác-tư-nốp dừng lại bên cái cột cây số có ghi số “2”.
- Ồ, mà nó bảo đến cái cột ấy thì nhìn về bên phải. Ta hãy nhìn xem ở bên phải có cái gì. Kìa, trên đồng lúa mạch có những bụi cây gì không rõ. Không, đấy không phải là bụi cây, mà là những ngọn cây. Xem kìa, em! Nom như đâm thẳng từ dưới đất lên. Hẳn là khe bắt nguồn từ đấy.
Họ đi tắt ngang qua cánh đồng kiều mạch. Đã qua hết cánh đồng và khi họ đi được ba mươi mét trên cỏ thì đột nhiên, trước mặt họ hiện ra một cái vực ở ngay dưới chân. Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na thậm chí lùi lại.
- Ái chà chà! - Mác-tư-nốp vừa nói vừa đưa tay ra ngăn để vợ đừng đến gần bờ vực. - Đúng là Cô-lô-ra-đô! Ai có thể ngờ rằng đi trên thảo nguyên lại có thể gặp một cái gì như thế này!
Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na không còn chán ngán cảnh thảo nguyên đơn điệu, buồn tẻ nữa, chị trố mắt ngắm cái cảnh tượng hiện ra trước mặt... Ở phía dưới là một cái hẻm sâu thăm thẳm, do nước tuyết tan và nước mưa xói nước nhiều năm đào thành. Nếu đứng ở dưới đáy nhìn lên thì hẻm này có vẻ âm u không kém gì hẻm Đa-ri-an. Chỉ thiếu có sông Tê-rếc ở vùng bắc Cáp-ca-dơ. Đáy hẻm khô ráo, và trên những sườn dốc của nó có những lùm cây bụi, thỉnh thoảng có những cây bạch dương, cây sồi con. Từ lòng chính, những chi nhánh ngoằn ngoéo tỏa về các phía. Đây là đầu nguồn của hẻm vực. Xa hơn nữa, xuống gần sông, hẻm rộng ra, biến thành một cái khe rộng.
- Đẹp, nhưng đáng sợ, - Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na nói, - Mùa đông, khi bão tuyết, nếu lạc đường, có thể rơi thẳng xuống cái khe này!
Họ tiếp tục đi trên bờ vực, tìm lối xuống phía dưới. Con đường đất được san bằng máy mà họ vừa rời bỏ cách đây một quãng không xa thì ở đấy đã chạy lên đến đèo. Từ trên gò cao, họ nhìn thấy quang cảnh những vùng xung quanh trong vòng hai mươi ki-lô-mét: cánh đồng với những ngọn đồi nhấp nhô, làng mạc, những khoảnh rừng con.
- Này, anh ạ, chúng ta đang ở điểm cao nhất của vùng cao Trung Nga. - Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na xoay Mác-tư-nốp quay mặt về phía cái chòi cao trên đèo. - Dấu hiệu kia kìa. Anh xem đi để mà biết. Một cán bộ chuyên môn về địa hình đã nói cho em biết điều đó.
- Một địa điểm khác thường! - Mác-tư-nốp đồng ý. - Tên cũng đáng chú ý: “Vùng cao Trung Nga!” Ở phía này, phía họ từ đó ra đi, thị trấn Tơ-rô-ít-xcơ - một thị trấn nhỏ của người Nga - nằm trên bờ sông Xây-mơ, giữa đám cây thưa thớt trong các khu vườn, những cây thập tự mạ vàng trên các tháp chuông lấp lánh dưới nắng. Họ nhìn thị trấn đó, mỗi người một tình cảm riêng. Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na chưa biết gì và chỉ ngắm cảnh
đẹp. Còn Mác-tư-nốp từ biệt cái góc nhỏ này của trái đất, nơi đã trở nên thân thiết với anh trong bốn năm qua.
- Chính thị trấn của chúng ta không đẹp bằng các vùng xung quanh của nó, - Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na nói. - Các vùng lân cận thật là tuyệt diệu, phải không anh? Hợp với bất cứ sở thích nào! Ai muốn ra cánh đồng, nghe tiếng chim cun cút thì đi như chúng ta đi như thế này. Còn đi về hướng tây thì đến đồng cỏ xanh tươi ở đằng kia. Đi về phía bên kia sông Xây-mơ thì có khu rừng, những cây sồi cổ thụ. Mùa xuân, ở đây quạ kêu ầm ĩ từ sáng đến đêm. Một sổ người không thích tiếng quạ kêu, thậm chí còn phá tổ quạ, trên cây ở gần nhà, còn em lại thích nghe tiếng quạ kêu!.. Thiên nhiên của nước Nga chúng ta đẹp biết bao! Rất là nhũn nhặn, không quấy rầy người ta. Thích thì ngắm, nếu như ta hiểu được cái đẹp thực sự, không hiểu thì cứ việc đi. Em nhớ hồi còn bé, lần đầu tiên em cùng với bố đi xa nhà, ra Hắc Hải. Bố con em ở đấy chừng hai tháng. Thoạt tiên cái gì em cũng thích: cả biển, cả hoa, cả rừng ở đấy, cả cọ, mộc lan, thủy tùng. Rồi sau em chán ngấy. Có lần, ở thành phố Át-lê, gần một cái chợ, em thấy một con bò cái gại mình vào cây cọ để gãi ngứa, thế là em chán ghét tất cả mọi thứ, nhìn những cây cọ ấy em không thể nào chịu được. Vừa về đến nhà, ngay hôm ấy, em chạy vào rừng ở vùng nhà, tuy rằng lúc bấy giờ ở quê nhà đã là mùa thu, trời lạnh, lá hạch dương đã rụng, và hôm ấy trời mưa, nhưng em vẫn chạy vào rừng và ngồi ở đấy một lúc lâu, dưới gốc cây sồi, nghe mưa rơi rì rào trong lá...
Họ đi ngược lên trên một quãng nữa, tìm thấy một cái dốc thoải dẫn xuống đáy khe; Dưới đáy khe lạnh lẽo và ẩm ướt. Ở một số nhánh sâu và hẹp của hẻm, tia sáng mặt trời không bao giờ dọi đến và vào khoảng đầu tháng sáu này, khi màu xanh cây cỏ đã bao phủ khắp nơi, những cây sồi và cây bạch dương đã ra lá xum xuê, mặt đất đã lên cỏ thì ở đây vẫn toát ra khí ẩm giá buốt. Trong một cái hẻm tăm tối như thế Mác-tư-nốp tìm thấy một hang cáo. Họ thử hun khói cho cáo chạy ra, nhưng không ăn thua gì, khói không luồn vào hang. Họ theo đáy khe đi xuống phía dưới, nhằm hướng ra sông. Khe mỗi lúc một rộng, hai sườn khe mở dần ra, xung quanh sáng lên, lại bắt đầu có cảm giác thoảng đãng ở nơi đồng ruộng. Từ đám cỏ dại cao, cách con đường mòn không xa, một đàn gà gô vụt bay lên, tiếng ồn ào kinh động một vùng, khiến Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na hết hồn.
- Cứ cho cáo ăn thịt hết chúng mày đi! - chị quát lên, ném theo chúng một hòn đá.
Ở xóm Xtơ-rê-lét-xcai-a bên bờ sông Xây-mơ họ hỏi mượn một chiếc thuyền của người đánh cá. Họ bơi thuyền sang bờ bên kia, rồi vào khu rừng sồi. Ở đấy, Mác-tư-nốp đốt một đống lửa trên bãi trống. Họ nướng bánh mì với xúc xích. Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na đi hái dâu và nấm trong rừng, còn Mác-tư-nốp kiếm cành cây, xếp thành một chỗ nằm trong bóng rợp dưới gốc cây và chợp mắt chừng một tiếng đồng hồ.
- Ở đây thú vị thật, điều đó khỏi phải bàn gì nữa! - Anh thở dài một tiếng rồi nói, khi vợ anh đã trở lại, ngồi xuống cạnh anh trên đám cành cây và chìa ra cho anh mấy quả dâu tây đất trên lòng bàn tay. - Em này, vậy ra em không thích thảo nguyên ư?
- Thảo nguyên thì có gì hay? Trống rỗng, có thế thôi. Không, thiên nhiên như ở đây đẹp hơn nhiều! Có cả rừng, cả hồ, cả thảo nguyên, và cái gì cũng vừa phải, không có cái gì làm ta chán ngấy. Có điều, anh không biết nghỉ ngơi. Bao nhiêu lâu nay mới lại có dịp đi dạo chơi với anh. Lúc nào anh cũng đi xuống các nông trang. Lẽ ra anh nên sắm một chiếc thuyền, một khẩu súng, cần câu. Chiều thứ bảy, khóa cửa phòng làm việc lại và đi săn, đi câu cho đến thứ hai. Và nên cho cả Đi-ma cùng đi với chúng ta. Anh nghỉ ngày chủ nhật thì ai trách móc gì anh? Có thể gắn cả động cơ vào thuyền nữa. Ở cửa hàng “Đi-na-mô” của chúng ta hiện có bán loại động cơ treo như thế.
- Bây giờ thì chẳng sắm thuyền làm gì nữa, - Mác-tư-nốp buột miệng nói.
- Tại sao?..
- Em ạ, có lẽ chúng ta sẽ đến một huyện chẳng có rừng, cũng chẳng có con sông nào ra hồn. Toàn thảo nguyên trơ trụi.
- Lại đi nữa ư? - Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na thốt lên một cách chua xót.
- Ta lại đi. Hãy thu dọn những tấm thảm, những bức tranh của em lại, xếp các thứ lặt vặt vào va-li.
Mác-tư-nốp kể hết cho vợ nghe. Anh nói rất lâu. Cả việc anh đã để ý đến Đôn-gu-sin như thế nào ngay từ trước khi anh nằm bệnh viện, và khi nằm viện anh được người ta cho biết những gì về Đôn-gu-sin, mới đây anh đã cùng Đôn-gu-sin đi về các nông trang ra sao, và đột nhiên anh đã có một quyết định như thế nào.
- Trong khu vực của trạm máy kéo có mười hai nông trang, còn trong huyện có ba mươi nông trang, làm sao anh có thể ở đây làm bí thư huyện ủy được, khi anh thấy rằng tình hình đã như vậy thì anh nên về trạm máy kéo, còn Đôn-gu-sin thì nên đưa lên làm việc ở huyện ủy? Em nên hiểu rằng đấy là điều rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta: làm thế nào cho con người giữ một vị trí tương xứng với khả năng của mình. Có lẽ đấy là điều quan trọng nhất!..
Anh kể tỉ mỉ về chuyến đi lên tỉnh ủy, về cuộc nói chuyện với Ma-xle-ni-cốp và Crư-lốp, về cuộc gặp gỡ Boóc-dốp. Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na nghe anh nói, đầu cúi thấp, lần lượt điểm lại những bông hoa trên vạt váy; khi thì chọn những bông hoa cúc ra khỏi những bông hoa mua và hoa chuông, khi thì nhập cả lại, khi thì chỉ nhặt riêng ra những bông hoa chuông.
- Sao em không nói gì? - Mác-tư-nốp hỏi.
- Em nghĩ rằng ở địa vị như anh, không mấy người hành động như thế...
- Nhưng vẫn cần có người nào hành động như thế chứ!.. Này, em nói đi, anh làm như thế có đúng không? - Anh nhỏm dậy, ngồi lên, chân co gập lại.
Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na buông một tiếng thở dài.
- Nhưng nếu vậy, thì ít nhất cũng nên chọn một nơi nào khác, chứ đừng về cái huyện Gri-a-dơ-nốp-xki ấy!..
- Đúng, đây là một huyện có nhiều khó khăn. Trung tâm huyện cũng kém hơn Tơ-rô-ít-xcơ, không phải là thị trấn, mà là làng quê. Nhưng làm cho huyện đó trở thành một huyện khá là việc hoàn toàn tùy thuộc ở ta. Em nghĩ sao?..
Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na đặt một tay lên vai Mác-tư-nốp, kéo anh quay mặt về phía mình, chăm chú nhìn vào mắt anh hồi lâu bằng cái nhìn nghiêm trang.
- Có lẽ anh không bao giờ biết mệt. Anh hoàn toàn không đổi khác chút nào. Vẫn y như hồi em biết anh lần đầu tiên... Nhưng tại sao anh không nói với em chuyện đó, khi anh lên tỉnh ủy? Tại sao anh phải giấu?
Mặt trời đã ngả dài bóng. Phía tây, mây đen cuồn cuộn bốc lên. Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na đưa thuyền về xóm Xtơ-rê-lét-xcai-a, cột thuyền vào chỗ cũ, trả mái chèo cho chủ thuyền và bơi trở lại bờ bên kia, một tay giơ cao trên đầu chiếc áo dài vo gọn lại. Mác-tư-nốp hoàn toàn không biết bơi. Họ quyết định trở về nhà bằng con đường khác, đi bên này sông Xây-mơ qua đồng cỏ và qua cầu phao, và sẽ đến ngay dưới chân thị trấn.
Quang cảnh trên đồng cỏ cũng đẹp. Cỏ đã hái xong và cỏ khô xếp thành đống. Nhìn những đống cỏ xếp sát gần nhau, có thể biết rằng mới đây thôi, ở nơi này cỏ vẫn còn cao đến ngang lưng. Nhưng Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na không còn để ý đến mùi cỏ khô mới hái và không cúi xuống gần mặt đất xem có vật gì sột soạt dưới chân. Hai người lẳng lặng bước đi, mỗi người mải mê với những ý nghĩ riêng tư của mình.
Khi họ đến gần cầu phao thì đã về chiều. Vầng dương đã khuất sau những đám mây đen từ lâu. Trời tối như thể mặt trời đã lặn hẳn. Nhưng trên bờ sông vẫn còn nhiều người đi dạo chơi ngày chủ nhật. Có những người ngồi trên cầu câu cá, buông thõng hai chân trên mặt nước, trẻ em vẫn còn tắm trên bãi sông, ở nhà thuyên, người thường trực gọi loa giục những chiếc ca-nô đã đi quá khúc sông quanh co quay trở lại.
Mác-tư-nốp và Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na ngồi lên chiếc thuyền đánh cá lật úp ở ngay sát mặt nước.
Trời tối nhanh. Gió nổi lên, dồn đuổi mây đen. Khu rừng sồi lâu năm sau lưng họ cất lên tiếng ào ào bực bội. Một đám mây đen nặng nề từ phía tây kéo đến, bao phủ nửa bầu trời. Nước sông ở phía bên kia, bên dưới đám mây đen, nom như hắc ín. Có tiếng thở nặng nhọc, đều đều của cái động cơ đi-ê-den ở trạm phát điện. Trong thị trấn phía bên kia sông, đèn đã bật sáng.
Khi trời đã tối gần như đêm, trong đám mây đen ở phía tây, ngay trên đường chân trời, bỗng trổ ra một cái cửa sổ, và mặt trời, hóa ra vẫn chưa lặn, tròn to và đỏ rực, phóng những tia sáng như lưỡi dao găm qua cái cửa sổ ấy và những tia sáng lao vút đi gần sát mặt đất. Trong khoảnh khắc, mọi vật xung quanh bừng sáng. Đêm lùi bước. Trên mặt nước, trên các ngọn cây, trên các mái nhà trong thị trấn, lấp lánh những vệt ánh sáng. Bóng cái cột neo thuyền bên nhà thuyền đổ dài đến tận giữa sông. Chim chóc trong rừng ríu rít vui vẻ đòn chào sự xuất hiện của mặt trời. Ở phần bầu trời quang quẻ phía đối diện, một đám mây trắng bé nhỏ, đơn độc hồng lên như trong buổi rạng đông.
- Mặt trời! Ôi, đẹp quá! - Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na reo lên. Và òa khóc...
Mác-tư-nốp im lặng, không biết làm cách gì an ủi vợ.
- Nhưng điều đó vẫn chưa được quyết định dứt khoát, em ạ. Hay có thể ở Gri-a-dơ-nốp-xki, người ta sẽ không bầu anh. Sự thể sẽ ra sao, vẫn chưa biết rõ gì cả, - anh nói.
- Vẫn chưa biết ư? - Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na quay về phía anh. - Thế anh có muốn biết rồi đây sẽ ra sao không? Để em bói cho, - Chị đã nói đùa qua hàng nước mắt. Mặt trời đã lặn, lần này thì lặn hẳn. Trời lại tối đi, chẳng nhìn thấy gì trên tay Mác-tư-nốp cả và chị cũng không nhìn tay anh, chị nhìn vào mặt anh, vừa lắc đầu vừa mỉm cười. - Hỡi con người trung hậu, đẹp trai, hạnh phúc, để em đoán cho. Người đàn bà Di-gan sẽ nói hết sự thật. Em thường đi lại ở sau rừng, gạn sương sớm ban mai hái cỏ bùa, nấu cỏ bùa trong chảo mật ong, - chị nói bằng giọng du dương như hát. - Em sẽ ra cánh đồng quang quẻ, đứng ngoảnh mặt về hướng đông, quay lưng về hướng tây. Anh báu ngọc, để em bói cho! Về nhà cửa, về công việc, về tình cảm, em sẽ nói hết sự thật. Anh là người có phúc, sinh ra đã quần lượt áo là, nhưng chết không có cái quần mà mặc. Anh sẽ sống lâu, cho đến tận lúc chết. Vợ anh yêu anh, con cháu anh sẽ yêu anh. Còn những kẻ thù của anh sẽ ốm đau bệnh tật. Chẳng bao lâu nữa, anh sẽ có một cuộc nói chuyện trong ngôi nhà của Nhà nước, rồi tiếp đó sẽ là một chuyến đi xa!
- Như vậy là không thể nào tránh khỏi ư? - Mác-tư-nốp bật cười.
- Không thể nào tránh khỏi, anh vàng ngọc ạ! Chúa đã cho anh trí tuệ, nhưng không ban cho anh cách suy nghĩ hợp lý. Anh sẽ không giàu có, không trở thành giáo sư, không trở thành viện sĩ, suốt đời anh sẽ phải luôn luôn lên đường đi xa!..
Ánh đèn lung linh trên mặt nước dập dềnh những con sóng nhỏ: ánh phản chiếu của thị trấn. Tiếng hai đứa trẻ gọi nhau ở bờ bên kia: một tiếng ở ngay gần mặt nước, tiếng kia đáp lại, từ một nơi nào trên núi vang đến.
- Mi-sa-a-a, mày có lấy đôi dép của tao không?..
- Khô-ông! Xem ở chỗ mày cởi ra ấy!..
- Thế cái giây xâu cá của mày đâu, Mi-sa-a?..
- Mày cần làm gì? Ở đây chỉ toàn cá con nhỏ xíu!
- Tao muốn đem về cho con mèo nó ăn!
- Tìm ở đấy, dưới gốc liễu ấy!
- Tối quá, tao sợ!..
Sóng trên sông đã biến thành sóng nhỏ, nước vỗ ì oạp vào bờ. Ở phía dưới sông Xây-mơ, một đoàn tàu tốc hành lao ầm ầm trên chiếc cầu đường sắt, tiếng còi ngân dài. Trong một xóm ở gần thị trấn, các cô gái hát những bài dân ca, tiếng kèn ác-mô-ni-ca rè rè. Một chiếc ô-tô-buýt từ ga chạy về, các ô cửa sổ sáng ánh đèn, nó chở những sinh viên về nhà nghỉ hè và cán bộ đi công tác về Tơ-rô-ít-xcơ. Một người câu cá đêm ngồi trên cầu phao, mặc chiếc áo mưa, không hề sợ cơn mưa đã kéo tới, chốc chốc lại bấm đèn pin, soát lại những chiếc phao nhảy nhót trên mặt nước nổi sóng.
Chuyện Thường Ngày Ở Huyện Chuyện Thường Ngày Ở Huyện - Va-Len-Tin Ô-Vet-Skin Chuyện Thường Ngày Ở Huyện