Nguyên tác: The Glassblower Of Murano
Số lần đọc/download: 1363 / 19
Cập nhật: 2015-09-15 07:34:16 +0700
Chương 21: Đảo Người Chết (Phần 1)
C
hiếc vaporetto số 41 đến đảo San Michele nom tựa vườn hoa. Ngày hôm ấy, lễ Các Linh Hồn, mọi người dân Venice đều dâng hoa tưởng nhớ người đã khuất của mình, và ra nghĩa trang trên đảo San Michele. Leonora bị ép sát vào Alessandro, nhưng bên kia cũng bị ép gần như vậy bởi một mệnh phụ khá to béo ôm một bó hoa cúc to. Leonora nhìn chằm chằm những đóa hoa khổng lồ xấu xí, và ngửi mùi hương khử trùng hăng hăng của chúng. Cô chưa bao giờ thích hoa này – không chỉ vì các nhạy cảm thẩm mỹ, mà còn vì cô liên hệ chúng với sự chết chóc. Nhìn quanh con thuyền, cô có thể thấy là, cũng giống như ở Pháp, hoa cúc quả thật là hoa được những người để tang chọn.
Leonora và Alesssandro đã bắt kịp chiếc tàu từ Fondamenta Nuove. Đó là một chuyến qua sông ngắn. Nghĩa trang với những bức tường đỏ và những cánh cổng tách biệt bao quanh thực ra có thể nhìn thấy rõ từ những hòn đảo thành phố. Leonora mừng vì chuyến đi chỉ ngắn thôi. Vì người chen chúc và mùi nhiên liệu của thuyền, cơn buồn nôn của cô đã trở lại. Cô nhích sát vào Alessandro hơn và anh để một nụ hôn trấn an lên đầu cô. Như anh sẽ làm thế với một đứa trẻ, cô nghĩ. Cô đã nói là dù sao anh cũng muốn thăm mộ bà mình. Cô biết điều đó chỉ đúng một phần thôi – là anh có mặt để khuyến khích cô và việc cô gặp cha. Cô cảm thấy lòng biết ơn nồng ấm thế chỗ cho cái cảm giác buồn nôn trong đám rối dương của mình. Khi anh ở bên, cô tin tưởng ở anh. Cô gần như đã bắt đầu cảm thấy yên lòng, rằng họ có gì ấy như một mối quan hệ.
Họ xuống thuyền cùng đám đông, và bước vào những cánh cổng sắt của nghĩa trang. Alesssandro hướng dẫn Leonora đến một gian hàng người ta có thể mua một tấm bản đồ khu vực nghĩa trang.
"Ở đây có ba nghĩa trang", Alessandro nói "tất cả đều do các Cha dòng Fraxico trong nom, như từ xưa đến nay vẫn vậy. Dù là như em sẽ thấy, mấy mảnh đất của Thiên chúa giáo được chăm lo nhiều hơn ở hai khu kia – Tin lành và Chính thống Hy Lạp’, anh cười nhếch mép. "Vậy nên cha em và bà của anh may mắn đấy".
Leonora để ý thấy cái tính chất ghê tởm thiếu nghiêm trang ở anh và cho rằng đó là cách anh cư xử với người đã khuất. Cô thấy tò mò về hòn đảo lạ lùng này nơi chỉ có người chết trú ngụ. Cô có cảm tưởng là mình sẽ không thích sống dọc Fondamenta Nuove, nơi sự tưởng tượng có thể dẫn dắt bước chân người ta đến bên cửa sổ một buổi chiều hôm để rình xem nhưng đốm ma trơi từ biển bay lên. Cô lắc đầu nhẹ với mình và hỏi, "Đảo này trở thành nghĩa trang khi nào vậy?"
"Vào thời Napoleon. Trước đó, người chết được đưa đến Sant’Ariano, nơi giờ chỉ còn là một cái hang chứa hài cốt xưa."
"Một cái gì?"
"Đảo xương". Alessandro có vẻ nhâm nhi từ này, như thể nghiền ngẫm tựa đề cho một cuốn tiểu thuyết giật gân. "Khi thời gian dành cho các xác chết ở đây hết, chúng sẽ được dời đi để nhường chỗ cho xác chết mới".
"Ý anh có thể là sao?"
Alessandro dẫn cô lên lối đi được xén tỉa đến khu vực Thiên chúa Giáo. "Ý anh là dân Venice chỉ được phép chôn ở đây trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó họ bị đào lên và dời đi". Anh bắt gặp vẻ mặt của Leonora. "Phải vậy thôi. Vì chỗ mà – nó chỉ có hạn thôi". Anh nhún vai, nhẫn tâm.
"Anh không có ý nói là…"
"Ồ, anh hiểu rồi. Ý em là em nghĩ ông ấy có thể không còn ở đây nữa? Còn chứ. Ta có được bốn mươi năm, anh nghĩ vậy. Và nếu người thân của ta trả tiền, ta có thể nằm lại lâu hơn".
Leonora bỗng cảm thấy giận dữ khi đi theo Alessandro qua những vuông sân câm lặng. Cô thấy không có sự vĩnh cửu, không có sự yên nghỉ cho những con người này. Nhưng khi cô nhìn những người để tang bước lặng lẽ giữa những ngôi mộ, như nước chảy luôn tìm thấy đường đi của mình giữa và quanh những chướng ngại vật của nó, cô nguôi đi. Cái đích này, sự nghỉ ngơi mà chưa phải là yên nghỉ cuối cùng này, là một cái đích xứng hợp cho những kẻ đi biển luôn di động, nay đây mai đó. Dân Venice sống cuộc đời mình băng từ đảo này qua đảo nọ, từ Rialto đến San Marco, Giudecca qua Lido, Torcelio tới Murano. Sao lại không tiếp tục sau khi chết, sự dịch chuyển liên tục không ngừng nghỉ này, biển như chiến mã của ta? Còn gì có thể hay hơn cho những lái buôn và quân chữ thập ấy, những kẻ đã lên thuyền ở Zateere rồi cập bến tại Constantinople? Và cả với cha cô nữa, người đã nhảy phóc từ bờ qua thuyền, từ thuyền lên bờ, để kiếm sống trong suốt quãng đời thanh niên của mình. Leonora nhận ra nước mắt mình đang lăn dài xuống hai má.
Ngốc à. Mi thậm chí còn chưa thấy mặt cha nữa.
Thế nhưng đến khi đó rồi, khi Alessandro dẫn cô đi qua các dãy mộ gần như kiểu lính, và cô được đối diện tên cha cô khắc rõ ràng trong đá, co không cảm thấy gì ngoài sự trống rỗng khô khốc. Cô không cảm thấy muốn khóc. Alessandra nói khẽ là anh sẽ đi tìm bà rồi biến mất, nhưng Leonora hầu như không nhận thấy.
BRUNO GIOVANNI BATTISTA MANIN 1949 – 1972
Cha mới chỉ hai mươi ba tuổi khi cha mất.
Cô không biết phải làm gì. Cô đang viếng những miếng xương của một người đàn ông hai mươi ba tuổi. Một người đàn ông cô chưa hề gặp, một người đàn ông vẫn còn kém bản thân cô đang còn sống đây đến mười tuổi.
Và mãi mãi sẽ không….
Những lời – nhớ mang máng từ hồi đi học và lễ Chủ nhật, ngân nga đoạn điệp khúc trang nghiêm trong đầu cô. Cô lúng túng. Cuối cùng, cô đặt tặng vật của mình lên mộ - những bông hoa cúc trắng dung dị. Hãy mua thứ hoa em ưa thích, đừng cố đoán thứ hoa ưa thích của ông ấy, Alessandro nói, và anh đã đúng. Rồi cô ngồi xuống cỏ, nhìn những chữ cái và chữ số bình dị lần nữa, rồi chỉ nói: "Chào cha, con là Leonora".
Alessandro tìm thấy bà mình ngay, và đặt hoa hồng lên mộ bà. Giờ chắc chắn anh không còn nhớ được bà, nhưng dù ký ức trọn vẹn đã rời xa anh, những nét chính vẫn còn. Anh nhớ trang phục đen của bà, mặc hàng ngày từ khi ông mất. Anh nhớ món tagliatalle con burro e salvia 1 của bà, thứ mà chưa bao giờ, theo ý anh, có nhà hàng Ý nào làm ngon hơn. Anh nhớ tình yêu hoàn toàn bất ngờ của bà dành cho Vicenza Calcio. Một tình yêu đã khởi đầu bằng nỗi ám ảnh suốt đời của chính anh với đội bóng, và bản thân môn bóng đá. Anh không thấy đau buồn, chỉ niềm yêu, khi anh khom xuống nhổ những túm cỏ khô nơi vuông đất của bà và lần ngón cái dưới một diềm địa y. Anh thẳng người dậy tìm kiếm Leonora, và nhận ra ngay đầu tóc sáng của cô, cúi xuống, mặt cô khuất dưới vầng tóc. Lúng túng, anh nghĩ có lẽ cô đang khóc, thế rồi, anh thấy môi cô mấp máy, cô đang cầu nguyện. Anh làm dấu thánh giá, nhưng mắt Leonora mở, và cử chỉ giản dị hơn, thoải mái hơn một người đang cầu nguyện. Anh nhận ra rằng, lần đầu tiên, cô đang có một cuộc trò chuyện với cha mình.
Cô không biết mình đã nói bao lâu. Cô đã bắt đầu từ đầu, kể hết cho cha nghe về đời mình: tuổi thơ của cô, nghệ thuật của cô, Stephen, tình trạng vô sinh, vụ li hôn, dọn đến Venice, Murano, ngôi nhà ở Campo Manin và Alessandro. Cô kể về Corradino, về sự trìu mến lạ lùng mà cô dành cho ông tổ của cô – của họ. Cô nói về vết nhơ phản bội mà cô chỉ mới được biết, về Roberto, Vittoria, và Giáo sư Padovani. Cô cùng kẻ về Elinor, mối quan hệ trúc trắc giữa họ, và hỏi về Elinor mà Bruno biết – Elinor khác của ngày xưa ấy, Elinor lãng mạn và táo bạo, rất khác với người đàn bà dè dặt và cay đắng mà Leonora biết. Cô thuyết phục mình ngừng, và cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Cuối cùng cô ngẩng lên, duỗi hai chân e ẩm, và ra hiệu cho Alessandro đang đứng quẩn quanh là họ có thể về. Khi anh bắt đầu đi về phía cô, cô quay lại để nói một lời tạm biệt riêng tư. Cô trìu mến để bàn tay lên đá ấm. "Tạm biệt, con sẽ trở lại".
Và mình sẽ trở lại.
Alessandro và cô đi bộ về bến vaporetto và chuẩn bị vượt sông Styx lần nữa. Nhưng lần này sông sẽ đưa họ từ vùng đất của người chết trở về mảnh đất của người sống. Cô đã tìm thấy chút bình yên nơi đây. Cô vẫn còn phải tìm cho ra sự thật về Corrdino. Nhưng việc liên lạc với cha cô – gia đình trực hệ của cô – đã giúp cô trước hết. Và ông thì rất dễ để trò chuyện cùng. Cô đã kể cho ông nghe mọi thứ. Tất cả, trừ một chuyện.
Mình chưa nói cho cha nghe là mình đã có thai.
Chú thích
1 Món mì ống bản dẹp, bơ với lá xô thơm.