Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.

Bertolt Brecht

 
 
 
 
 
Tác giả: Phượng ca
Thể loại: Kiếm Hiệp
Upload bìa: Tiên
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6081 / 145
Cập nhật: 2015-03-16 08:39:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22 - Thiên Cơ Hữu Nguyệt (6)
oa Thanh Uyên toát mồ hôi lạnh, hoảng sợ nói:
- Tả lão thật quá lời, Thanh Uyên tuyệt không có ý này.
Lương Tiêu thấy ông khó xử, bất giác sinh ngạo khí, ngẩng đầu nói:
- Hoa đại thúc, ông không cần phải khách khí với những lão già này, không cho ta qua thì ta đi đường khác.
Nói rồi xoay mình bước đi, có điều Đồng Chú tay như móc sắt, không thể thoát ra được mà đi. Đồng Chú cười nhạt nói:
- Ngươi không chịu nói thật thì đừng mong mà bỏ đi được.
Hoa Thanh Uyên thấy vậy cũng bó tay không biết làm sao. Đúng lúc đó Hoa Hiểu Sương đột nhiên bước lên một bước, níu lấy ống tay áo Đồng Chú nói:
- Chú công công, ông...ông thả Tiêu ca ca ra được không?
Đồng Chú nghiêm nghị hỏi:
- Tiêu ca ca à?
Quay đầu nhìn Lương Tiêu một cái, hiểu ra nguyên nhân liền lắc đầu nói:
- Như vậy không được …
Ông ta nói chưa hết câu đã thấy trong đôi mắt to của Hoa Hiểu Sương hai dòng lệ ứa ra, bất giác giật mình, ông ta tuy chẳng coi thể diện Hoa Thanh Uyên vào đâu nhưng lại hết sức yêu quí cô bé này, thấy vậy đành buông Lương Tiêu ra rồi xoa mặt cô bé, liên tục dỗ dành:
- Sương nhi ngoan … Sương nhi tốt, đừng khóc, đừng khóc, cháu nhìn kìa, chẳng phải Chú công công đã thả nó rồi sao?
Hoa Hiểu Sương nhoẻn cười sau làn nước mắt, thấy Lương Tiêu định bỏ đi liền vội níu nó lại nói:
- Tiêu ca ca, bộ anh không muốn học kiếm pháp sao?
Lương Tiêu giật mình, đột nhiên dừng lại, thầm nghĩ:
- Đúng vậy, ta tới đây để học bản sự, nếu học được kiếm pháp để đánh bại Tiêu Thiên Tuyệt thì sá gì một chút khuất nhục chứ?
Nghĩ vậy hai chân liền không rời đi thêm được nửa bước.
Hoa Hiểu Sương vừa cười vừa kéo Lương Tiêu vượt qua chỗ Đồng Chú, ông ta vô cùng ngạc nhiên:
- Thật là kỳ lạ, Sương nhi là một đứa trẻ thông minh, tại sao lại để ý đến thằng bé này chứ?
Lại thấy Lương Tiêu dương dương tự đắc, cố ý lườm nguýt châm chọc mình thì bất giác thở phì phì làm râu tóc tung bay. Hoa Thanh Uyên thấy vậy thở ra nhẹ nhõm, hướng về phía Đồng Chú vòng tay nói:
- Đồng Lão chắc đã nhìn nhầm, nó làm sao là đệ tử của Tiêu Thiên Tuyệt được?
Đồng Chú trợn mắt cười nhạt nói:
- Ai nhìn nhầm chứ? Lúc mà lão phu cùng Tiêu lão quái giao thủ thì ngươi vẫn còn trần truồng ôm đít chạy loạn lên ấy chứ.
Hoa Thanh Uyên bị ông ta nói mặt đỏ đến mang tai, ngập ngừng nói:
- Cái đó...cái đó...
Đồng Chú cười lạnh nói:
- Tốt lắm, ngươi đã bảo vệ cho nó, lão phu cũng không quản nữa. Hừ! Nó tuổi còn nhỏ, dù sao cũng chẳng thể gây ra sóng gió gì.
Ông ta phất tay áo, đi thẳng tới chân núi, một tay nắm giữ chiếc cần câu, một tay chuyển động cán cần câu, chân trái đạp vào mặt vách đá một cái phóng lên cao hơn một trượng, lại chuyển cán câu bay lên cả trượng nữa. Lên xuống nhấp nhô một lúc đã tới đỉnh núi, Đồng Chú hai tay chống nạnh, hướng về phía Đông cất tiếng hú dài.
Lương Tiêu nhìn thấy thế thì hứng thú, thầm nghĩ:
- Lão già này tuy hung ác nhưng cách lão leo núi rất đẹp mắt.
Trong lúc suy nghĩ, đột nhiên giữa hai ngọn núi một cỗ thuyền rồng từ từ xuất hiện, xuôi dòng tiến tới, chiếc thuyền này không giống với thuyền rồng bình thường, thuyền rồng bình thường thì đầu đuôi khác nhau, còn chiếc thuyền rồng này đầu thuyền đuôi thuyền đều hình đầu rồng, há miệng trợn mắt trông rất uy mãnh.
Một người khoảng bốn mươi tuổi đứng ở đầu thuyền, dung mạo thanh kì, hai tay nắm hai cái sừng trên đầu rồng, có điều không thấy y chèo lái gì, chiếc thuyền đó đang tự hoạt động, mỗi bên có sáu mái chèo nhịp nhàng chuyển động đẩy thuyền tiến tới. Hoa Thanh Uyên nhìn thấy thuyền rồng đã gần đến bờ, vòng tay cười nói:
- Diệp Chiêu huynh, phiền huynh đại giá, thật là ngại quá.
Người đó cười nói:
- Uyên thiếu chủ lại đùa rồi.
Hoa Mộ Dung ôm Hiểu Sương lên thuyền, Lương Tiêu cũng lên theo, lúc đặt chân xuống cố ý vận kình làm thuyền rồng chợt rung lên một cái. Diệp Chiêu bật cười nói:
- Tiểu huynh đệ, cậu định làm lật thuyền sao?
Hoa Mộ Dung trừng mắt nhìn Lương Tiêu một cái rồi nói:
- Nó thích sinh chuyện ấy mà.
Cô lại hướng về Diệp Chiêu cười nói:
- Diệp đại ca, chị nhà có khỏe không?
Diệp Chiêu cười ha hả nói:
- Khỏe lắm, khỏe lắm. Đã được Dung thiếu chủ quan tâm.
Y thấy mọi người đã lên thuyền hết liền xoay mình đi về phía đuôi thuyền, chuyển động gần mười cái trục. Đột nhiên sáu mái chèo bằng sắt hai bên thuyền đồng thời khoa lên, đẩy chiếc thuyền rồng cứ thế ngược dòng quay trở về, bất quá đuôi thuyền giờ đây biến thành đầu thuyền. Lương Tiêu thấy vậy cả kinh, chồm qua mạn thuyền ngó xuống xung quanh. Hoa Mộ Dung gọi nó:
- Ngươi làm gì vậy? Cẩn thận kẻo rơi xuống nước.
Lương Tiêu nói:
- Kì quái, phía dưới chẳng có ai chèo thuyền sao?
Hoa Mộ Dung bật cười nói:
- Đây là thiên lý thuyền do đại gia về toán học là Tổ Xung chế tạo từ thời xưa, thuyền này chỉ lúc phát động hay chuyển hướng mới phải cần tới nhân lực, sau đó hoàn toàn dùng sức nước để hoạt động.
Lương Tiêu nói
- Tổ Xung là ai? Võ công ông ta có giỏi không? Toán học là cái gì? Có phải là một loại võ công lợi hại không?
Hoa Mộ Dung cười gập cả người lại, lúc trước cô cãi lý với Lương Tiêu bị bị thua thiệt một trận vẫn ấm ức trong lòng, đến bây giờ mới có được cơ hội này, đúng lúc đang định buông lời trào phúng thì Hoa Thanh Uyên đã nói:
- Toán học tuy không phải là võ công nhưng thực ra rất ảo diệu. Tổ Xung là tông sư toán học thời Ngũ Hồ loạn Trung Hoa, ông ta đứng đầu sáng tạo ra kỹ thuật về hình tròn, tính ra tỉ số hình tròn, lại dựa vào sự vận hành của mặt trời mặt trăng mà làm ra lịch Đại Minh được dùng cho đến bây giờ. Chiếc thiên lý thuyền không dùng sức người này chính là do ông ta phát minh ra.
Lương Tiêu bỗng vỗ tay nói:
- Ta biết rồi, ông ta và Gia Cát Khổng Minh cùng một loại, đều là những người rất thông minh.
Hoa Thanh Uyên cười nói:
- Cậu nói đúng rồi đấy.
Trong lúc nói chuyện, thiên lý thuyền đã đi xuyên qua Oán Lữ song phong, tiến vào khu núi đồi thanh tĩnh, lòng sông hơi dốc lên nên nước chảy siết. Đột nhiên nghe tiếng nước rì rầm, sau khi chuyển qua một khúc quanh liền thấy trước mặt hiện ra sáu thác nước, xanh như quỳnh đẹp như ngọc, lại giống như sáu bức rèm thủy tinh mắc lên hai bờ vách núi cao, dưới chân thác sóng nước cuồn cuộn, gầm thét như sấm, nhiều tảng đá cũng không chịu đựng được bật tung lên. Có điều nước càng càng chảy siết thì sáu mái chèo cũng khua động nhanh hơn, đẩy thiên lý thuyền ngược dòng tiến tới.
Qua khỏi vùng thác nước, chiếc thiên lý thuyền thuận theo dòng suối quanh co đi vào một đạo hiệp cốc. Hai bên hiệp cốc là vách núi cao vút lõm vào bên trong, hình dạng như cái vỏ sò, càng lên cao thì càng hẹp lại; màu sắc vách núi rất đặc biệt, trong ngần sáng bóng như châu ngọc, đúng lúc này một tia sáng lúc chiều tà nghiêng nghiêng chiếu xuống mặt đá rồi lại được phản xạ, nhất thời không gian hiệp cốc màu sắc lung linh khiến người nhìn hoa cả mắt.
Ở trong hẻm núi hình con sò đầy màu sắc này được nửa thời thần, Lương Tiêu ngồi mãi không chịu được, bèn hỏi:
- Hoa đại thúc, chừng nào mới tới nơi?
Đúng lúc Hoa Thanh Uyên định trả lời, đột nhiên thiên lý thuyền ra khỏi hẻm núi, không gian phía trước bỗng mở rộng, nước suối từ trên núi đổ vào vào một hồ nước, ven bờ hồ là núi xanh bao quanh, mây mù vần vũ, khoảng chục con bạch hạc đang kêu lên thanh thoát, phiên nhiên bay lượn trong ánh hoàng hôn. Hoa Thanh Uyên đứng dậy, chỉ ra xa nói:
- Tiêu nhi, cậu nhìn, đó là Tê Nguyệt cốc của Thiên Cơ Cung.
Diệp Chiêu tay nắm chiếc sừng rồng, chợt cất tiếng ca:
“Thủy tiếp tây thiên vụ lý hoa
Vân phi hạc vũ thị tiên gia
Mộ san như tửu san nhân túy
Ha, nhất khúc cuồng ca động vãn hà.”
(Tạm dịch:
“Nước tiếp mây trời nơi Tây Thiên
Mây bay hạc múa chốn tiên gia
Núi có rượu sơn nhân cứ say
Ha, một khúc cuồng ca động chiều tà”)
Giọng ca mạnh mẽ và trong sáng, vọng lại giữa núi đồi mãi không ngừng.
Lương Tiêu cố dõi mắt nhìn ra xa, chỉ thấy nơi bờ hồ có ba ngọn thác như từ trên trời đổ xuống, ba cái vòng tròn lớn hình rồng đang từ từ xoay chuyển trước thác, kéo theo cả trăm nghìn cánh tay bằng đồng dài nhỏ chuyển động trong nước lúc ẩn lúc hiện như có vô số rồng rắn cuốn quýt. Lương Tiêu nhìn thấy ngẩn người ra, thất thanh la lên:
- Đó là cái gì vậy?
Hoa Thanh Uyên nói:
- Đó là Thiên Xu, Thiên Tuyền và Thiên Cơ. Ba cỗ đại luân này đã chuyển động như thế suốt ba trăm năm trước Tê Nguyệt cốc.
Lương Tiêu ngạc nhiên nói:
- Chúng dùng để làm gì?
Hoa Thanh Uyên mỉm cười nói:
- Chuyện này dài lắm! Từ từ rồi cậu sẽ hiểu.
Nước hồ chảy chậm, thiên lý thuyền từ từ cập bến, xuyên qua ba cỗ bánh xe tròn đang từ tốn xoay vòng, chỉ thấy trước mặt có hai vách núi chọc trời, sâm nghiêm đối diện, trên vách đá có hai hàng chữ thảo như được búa thần khắc vào. Bên phải là “Hoành tận hư không, thiên tượng địa lý vô nhất khả thị nhi khả thị giả duy ngã.” bên trái là: “Thụ tận lai kiếp, hà đồ lạc thư vô nhất khả cứ nhi khả cứ giả giai không.”
(Dịch:
Rộng tới vô cùng, chuyện trời đất không có chuyện nào mà ta không biết
Hiểu hết chuyện đời, lẽ biến hóa chẳng điều gì không thể không đoán ra)
Hai hàng chữ đó mạnh mẽ cứng rắn tuyệt luân, mỗi chữ tới mấy trượng vuông, nét chữ cuối cùng viết thẳng vào trong nước hồ, khí thế kinh người.
Côn Luân Côn Luân - Phượng ca Côn Luân