In order to heal others, we first need to heal ourselves. And to heal ourselves, we need to know how to deal with ourselves.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ierre Garnier đến vào một buổi tối trên đoàn xe Dodge tiếp tế hằng tháng, cùng với muối, đồ hộp, quân nhu, thuốc kháng sinh và sunfamit, cùng một chai whisky tuyệt diệu. Cậu đeo túi da đựng máy chiếu phim, máy kích âm, bóng điện dự phòng và ba cuộn Nữ tù nhân trên sa mạc. Cục điện ảnh quân đội giữ vai trò chính trong chiến dịch “thu phục lòng người”.
Theo bản năng, Carraz không bao giờ ở ngôi nhà bên bìa rừng mà cùng vợ sống trong căn nhà sàn bằng gỗ, bên dưới nuôi một con trâu gầy và vài con lợn đen. Chỉ sau khi đến nơi y mới phát hiện ra một trong những chi tiết mà chính quyền không biết tới (hoặc được giữ tuyệt mật): trên núi, người ta gọi xóm này là “xóm hủi” bởi vì một bà xơ tốt bụng đã ở nơi này trước khi chết, cách đây hai năm, bà đã tận tình chăm sóc những người bệnh và tiếng đồn lan tỏa khắp các sườn núi đến tận các thung lũng lân cận, họ tiếp tục tới đây để điều trị.
“Con đĩ ấy đã gửi gắm linh hồn cho Chúa nhưng lại trút bọn hủi cho tao.
- Vậy mày xử lý thế nào?
- Mày còn muốn tao xử lý thế nào hả! Tao có phải là vua người Xê Đăng đâu, tao chẳng được danh tiếng gì khi phe phẩy cái bùa hay làm phép mầu. Tao chiến đấu vì họ, chúng ta giáng những trận đòn xuống kẻ thù truyền kiếp của họ, cũng là kẻ thù của chúng ta.
- Nhưng còn bọn hủi thì sao?
- Mẹ cái thằng củ cặc Pierre Garnier Cửng-cu! Bọn hủi ấy à, tao cho họ xem phim khi có thằng đần như mày ghé qua.
- Tao cũng thực sự hài lòng khi gặp lại mày đấy. Tao thấy mày khỏe mạnh ra phết.”
Lúc ở nhà thờ Kon Tum, vị linh mục đã kể cậu nghe về Trâu núi trắng, Pierre biết cậu sẽ gặp lại bạn mình. Bốn năm làm nghề chiếu phim đã đưa cậu đi từ các câu lạc bộ sĩ quan đến những ngôi làng hẻo lánh, từ dinh Norodom đến những doanh trại đánh nhau tán loạn. Theo thời gian, cậu ngày càng thích sự đơn độc trong công việc của mình và sự điên rồ dẫn cậu đi gần như khắp nơi chẳng hề sợ hãi. Cậu không thấy dịu đi - mà ngược lại - sự sôi sục trong lòng giúp cậu đi lại liên miên, bất chấp các quy tắc an ninh. “Họ tóm được tôi mà anh cũng gọi là bị bắt ư,” cậu giễu cợt khi một hôm Blondeau ân cần nhắc nhở cậu về những hiểm nguy bản thân cậu có thể gặp. “Họ có thể chiếu đi chiếu lại một bộ phim dở ẹc cho đến khi phim chảy cả ra.”
Khi hoài nghi, cậu nghĩ đến cái chết của Tikhomirov, đến thi thể thảm hại của Inès, đến vị tu sĩ điên trên cù lao giữa sông Mê Kông, đến cô gái run rẩy, đến biết bao người khác đã đi xa, cậu thử hình dung mình bị tra tấn và bị giết, hay bị bỏ rơi trong một trại tù binh - nhưng cậu chẳng cảm thấy gì khác ngoài sự lãnh cảm. Khắp nơi đi qua, cậu thích lượm lặt những đồ vật cầm vừa tay chẳng mấy giá trị: tượng nhỏ bằng gỗ được đẽo gọt một cách mộc mạc, đồ trang sức và bùa, những mảnh đá, những công cụ thô sơ không rõ dùng làm gì. Khi trở lại Sài Gòn, cậu kiểm tra kho sưu tập đáng giá hai xu của mình và mỉm cười nhận thấy rằng không có phúc đáp cho thông báo gần đây nhất của cậu trên tờ báo Quân đội - một tạp chí với ảnh đen trắng in trên trang giấy óng ánh, chẳng giá trị bằng tờ Tự do! cao quý và đáng thương của cậu: “Anh lính nghèo tìm mẹ đỡ đầu giàu có để có sự trao đổi hiệu quả với nhau.” Các cô không thấy cậu hài hước đến mức nào sao? Có thể chính là ở chỗ đó, sự lo toan của cậu trong cuộc sống - khiếu hài hước của cậu rất đặc biệt.
Trong cơ chế các động tác mà bây giờ cậu thực hiện, giác quan thứ sáu thức tỉnh, giúp cậu hòa hợp với tâm hồn của những người khác trong khi tâm hồn đó rung động trước hình ảnh ứng chiếu trên phông hay trên tường, với những tiếng cười và những tiếng la. Đương nhiên cần phải tập trung, thay băng đúng thứ tự, nhưng có những lúc cậu hoàn toàn lãng quên.
Phía bên kia vách ngăn mỏng manh, cậu nghe thấy tiếng sắp mâm cơm quen thuộc. Carraz đã cởi áo, và dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn nến duy nhất, lồng ngực y có vóc dáng to hơn người thường, anh hùng, nửa thần thánh nửa quái vật. Cậu chẳng mấy khó khăn đã hiểu được làm sao trong thời gian ngắn như vậy y lại có thể tạo nên danh tiếng giữa những người Xê Đăng. Y chơi với những quân xúc xắc, tung chúng lên không mệt mỏi, mong ngóng những điểm cao với sự kiên trì của một tay chơi chuyên nghiệp luôn luôn chiến thắng bởi y thường xuyên thỏa hiệp với ý nghĩ mất tất cả. Một cô gái trẻ đến phục vụ và y cảm ơn với thái độ dịu dàng bất ngờ so với khả năng của y. Cô cụp mắt xuống, bầu ngực căng phồng. Cô đang mang thai.
“Tao sắp phải lấy vợ hai rồi, Carraz nói trước mặt cô. Ễnh bụng chừng ấy tuần và mày vậy là chả làm ăn được gì nữa. Đúng thế không, hả? Chẳng làm gì được.”
Y độ lượng luồn tay xuống dưới mông cô. Cô lẹ làng lách ra và họ ngồi ăn trong im lặng, đối mặt nhau, ngồi bệt dưới đất trong tư thế mà Pierre chẳng thấy thoải mái như Carraz: vấn đề thói quen. Họ ứa nước mắt vì ớt đỏ. Bất chấp vẻ ngoài thô lỗ, Carraz vẫn có khả năng tỏ ra khéo léo khiến Pierre cảm thấy bối rối: y biết làm ra vẻ im lìm giữa một đêm ẩm ướt, và khi những dòng nước đầu tiên bắt đầu chảy ròng ròng dọc theo mái nhà xuống lá cọ, trong nỗi cô đơn sâu thẳm đó, trong nỗi cô đơn gần như tuyệt đối mà họ đang trải qua đó, y biết để cho sự im lặng hiển nhiên bao trùm, trao cho nó giá trị của khoảnh khắc trầm ngâm khi ta cảm thấy nội tâm lắng xuống. Đó không phải là những từ mà y có thể sử dụng - cũng chẳng phải những từ khác với những từ mà y vẫn thường xuyên sử dụng, cái đống từ dung tục, thô thiển và bậy bạ ấy - nhưng trong hai người thì hẳn y có lòng tin vào Chúa hơn cả.
“Thế nào, anh bạn, tình hình sao rồi?
- Vẫn thường thôi.”
Bàn tay Carraz tiến gần khuôn mặt Pierre đến nỗi cứ như y sắp tát vào mặt cậu, khiến cậu giật nẩy người ra đằng sau.
“Đừng coi tao là thằng ngu nhé. Đừng có nói rằng mày đến cái xứ sở hẻo lánh này để kể tao nghe những chuyện vớ vẩn.
- Tao không muốn nói đến chuyện ấy, chỉ thế thôi.
- Được, vậy thì đừng nói đến chuyện ấy. Nhưng cũng đừng nói với tao về cái cuộc sống thường thường vớ vẩn của mày. Thứ đó gọi là gì nhỉ? Sự tôn trọng. Hãy tôn trọng tao đi. Và hãy tôn trọng mày.
- Xin lỗi nhé.
- Mày đừng có mà xin lỗi. Mày ngu quá đi mất.”
Pierre thích bạn không đối xử khéo léo với mình. Đúng là cậu cảm thấy không thể nói - chưa thể. Đả kích về cái gì cơ chứ? Những trận đánh thảm hại mà tin đồn chạy dọc theo đường 1 vào đến tận Sài Gòn ư? Chuyến viếng thăm của Katia cách đây một năm và những lá thư của nàng ư? Cuộc sống của cậu trở nên bung bét trước cả khi bắt đầu ư?
“Nào, y nài nỉ, hãy nói đi, nào...”
Pierre ngả xuống chiếu, quên đi sự thiếu tiện nghi và cái đau âm thầm cứa dưới lưng. Cậu lắng nghe bạn kể chuyện, cố gắng hình dung ra lưỡi kiếm và cái bóng của nó, hình dung ra lưỡi kiếm run rẩy vì cái cuộc đời này đang tan biến đi mà những mảnh đời vẫn còn bám vào thanh kim loại. Qua khe giữa hai tấm ván, cậu thấy một dây đom đóm giữa màn đêm. Cậu chìm vào giấc ngủ, một cơn ác mộng bị những tiếng hét ngắt quãng, những cơ thể chịu nhục hình bị cắt chặt, bị băm vằm và từ đó cậu ghê tởm thò lên nhìn Carraz bị cái bóng trùm kín.
***
Nơi chiếu phim chỉ đơn giản là một nền đất đắp cao giữa các mái nhà tranh, phía dưới có thể thấy hai thửa ruộng bậc thang được đào vào núi, cái đại dương xanh-đen ấy bị xé toạc bởi tiếng những con ve sầu khổng lồ kêu ra rả, tiếng khỉ gào hú và chim kêu giữa tiết trời nóng ngột ngạt. Có một thác nước ở phía trên ngôi làng, và theo thói quen, Pierre từ chối không để ai hộ tống, kiên nhẫn yêu cầu được đến đó một mình, nhảy qua những phiến đá bằng để đến áp chặt vào vách đá, ngược lại dòng nước đang phun ra mát mẻ và mạnh mẽ từ một nguồn mở vô hình, rồi chảy ròng ròng xuống các mỏm đá và những loài tầm gửi. Tiếng ầm ầm đinh tai và cậu cảm thấy nước bao quanh rồi quất mạnh vào mình như những vết châm thấu qua da đến tận xương. Để đứng vững hơn, cậu dang tay ra, nhắm mắt lại, đờ đẫn như võ sĩ quyền Anh, say sưa, ẩn mình trong sự cô đơn mà không gì có thể kéo cậu ra ngoại trừ chính sức mạnh của nước. Cậu ngây dại bước ra khỏi thác nước và một phút bất cẩn, cậu trượt từ tảng đá này sang tảng đá khác rồi nằm sóng soài. Cậu đập đầu vào đá và khi muốn đứng lên, cơ thể cậu lại không tuân theo. Tay vấy máu và cậu có cảm giác mình sắp ngất đi. Cậu cưỡng lại, căng người ra và lấy hết ý chí để không ra đi, để còn cố mở mắt giữa bầu sương mù ẩm ướt và lóng lánh đó mà nay là cả thế giới quan của cậu. Tiếng ầm ào của dòng thác đã lùi lại phía sau và tiếng ù ù trong tai dường như phát ra từ trong đầu. Sau đó cậu cảm thấy mình được xốc nách lên rồi cậu phó mặc: cậu không làm gì hơn được nữa. Những bàn tay rắn rỏi sờ vào đầu cậu rồi cậu để mặc họ làm thế lần nữa. Nguy cơ mê sảng lùi xa dần, cậu thoát ra và đứng lên được. Cậu đi vài bước trên con đường mòn rồi ngồi xuống, vẫn còn ngây ngây.
Chỉ lúc đó cậu mới nhận ra Carraz.
“Mày làm gì ở đây thế? cậu ấp úng.
- Tao cứu mày, Cửng-cu đẹp giai ạ.
- Làm thế nào mày biết tao ở đây?
- Thế còn mày, chắc mày chẳng bỗng nhiên quên rằng tao là vua xứ này chứ? Ngay cả cây cối cũng đến báo cáo cho tao.
- Mày đắp cái gì lên đầu tao thế?
- Lá cây.
- Bây giờ mày làm cả y thuật thần bí nữa sao?
- Chớ kêu ca về bàn tay của tao khi nó mềm mại. Nó vẫn có thể bẻ gãy cái cổ cứng của mày nếu mày thiếu tôn trọng tao.”
Họ chậm chạp bước về làng. “Vết thương chiến tranh... đầu tiên của mày à?” Carraz quyết định đề xuất tặng cậu huy chương quân công. Y cài kim băng có gắn mẩu giấy vàng như giấy gói kẹo sô cô la hiệu Poulain lên túi ngực cậu và Pierre chấp thuận không chút hổ thẹn. Tự diễn lại ý nghĩa trò nực cười của chính mình thì chẳng vì thế mà mất danh dự.
Tầm chiều tối, khán giả bắt đầu đến từ mọi ngả trên núi.
“Làm sao họ biết được? Pierre hỏi.
- Đầu tiên tao gửi giấy mời đích danh rồi sau đó gửi rượu cocktail. Có thể hoang dã đấy, nhưng bọn tao thích lễ nghi.”
Họ im lặng nhìn cậu lắp đặt thiết bị, mắc máy tăng âm và máy chiếu vào máy phát điện. Sau đó cậu nhận thấy bóng điện bị cháy và lục trong va li tìm bóng thay thế. Khi định vặn chặt, cậu nhận ra cái đui đèn không cùng đường kính. Cậu đấm một quả vào chiếc va li.
“Có chuyện gì thế? Carraz hỏi.
- Hỏng rồi, tao không kiểm tra bóng điện dự phòng trước khi đi.
- May là mày không phụ trách quân nhu tại đây. Nếu không thì toi đời.”
Pierre bắt đầu thu đồ lại và Carraz túm tay cậu.
“Mày làm cái chó gì thế?
- Mày còn muốn tao làm gì nữa? Tao thu dọn đồ.
- Không, mày không được thu dọn đồ. Tất cả lũ đần kia đến đây để xem phim và sẽ phải chiếu phim.
- Tao biết mày có mối quan hệ với các thế lực trên rừng dưới suối, nhưng trong trường hợp này, mày phải huy động mối quan hệ với Vua Bóng đèn.
- Mày cứ chuẩn bị đi.
- Carraz ơi, cầu Chúa rủ lòng thương, sẽ không lên hình đâu!
- Đừng hét to hơn cả tao thế, đồ muỗi đực! Hãy làm theo lời tao đi.”
Pierre cho cuộn phim đầu tiên vào trong máy chiếu.
“Bộ phim tên là gì nhỉ?
- Nữ tù nhân trên sa mạc.
- Được rồi.”
Lúc âm nhạc bắt đầu ngân lên, Carraz đến khu vực giữa sân khấu rồi đứng trước tấm vải mà Pierre dùng làm phông.
“Thưa các quý bà quý ông, y hét lên, tối nay chúng tôi vui mừng và tự hào giới thiệu với các quý vị phát minh mới khiến cả thế giới sân khấu phải ghen tị - đó là phim nói trực tiếp, sự kết hợp diệu kỳ của điện ảnh với sân khấu. Và đây, chương trình bắt đầu!” Khán giả lặng im, chẳng hiểu lấy nửa lời những gì y nói.
“Còn đối với những ai trong số quý vị muốn khiếu nại thì xin mời đi chỗ khác: vì các vị có phải trả gì đâu nên đừng có mà quấy rầy chúng tôi.”
Trong suốt một tiếng rưỡi sau đó, Carraz điều khiển sân khấu, thực hiện những động tác của cao bồi, thổ dân da đỏ, ngựa, bắt chước điệu bộ những cuộc ẩu đả và làm tình, mũi tên và hòn đạn, chỉ ngừng lại khi có những ca khúc mà John Ford đã nhân từ lồng vào trong phim. Sau đoạn ngạc nhiên ban đầu, khán giả bắt đầu vỗ tay, hét, cười, chạy ra đằng sau màn hình và thậm chí nhảy lên sân khấu với y khi có vũ điệu hay cuộc rượt đuổi trên sa mạc. Đến cảnh cuối, cả núi rừng dường như vang lên tiếng vọng của tiếng súng khi Carraz phát động cuộc tấn công cuối cùng để giải phóng nữ tù nhân - chính là vợ y, trước đó y đã buộc cô vào một chiếc ghế, và cô đã ngoan ngoãn chờ được giải thoát trong suốt thời gian diễn ra bộ phim.
Cuối cùng, Carraz liên tục cúi chào để nhận những tràng pháo tay, sau đó từ sân khấu đi xuống hướng về phía Pierre.
“Đây là bộ phim hay nhất họ từng xem và sẽ không bao giờ xem lại, Pierre nói, tao đưa mày đi lưu diễn vòng quanh thế giới rồi chúng ta sẽ giàu to.”
Tuy Carraz còn mệt bở hơi tai, nhưng vẫn giúp cậu tháo dỡ thiết bị bằng chiếc thang gỗ dẫn lên lán trại của y.
“Nào, Cửng-cu, bây giờ mày đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vậy mày có thể nói tao biết có chuyện gì không ổn không?
- Là sự hỗn mang... Điều duy nhất hay ho trong cuộc đời này, đó là tao không bao giờ ngừng di chuyển. Cứ như thể tao chỉ đạo đội quân du kích nhỏ bé của bản thân mình. Ngoài ra thì mày muốn tao nói với mày chuyện gì nữa? Tao thấy bình tâm khi ngồi giữa cặp đùi một cô gái bởi vì ở đó ít ra đầu óc tao cũng ngừng quay cuồng - mặc dầu không phải lúc nào cũng vậy.
- Thế còn cô gái?
- Cô gái nào?
- Cô người Nga ấy.
- Cô ấy quay trở lại và thật tệ bởi vì tao đang trong cảnh khốn cùng và tao đã khiến cô ấy thất vọng, rồi cô ấy nói rằng sẽ ở lại nếu tao muốn, còn tao thì nói là không, tao muốn sang châu Mỹ với cô ấy hơn, nhưng chưa phải lúc này, mọi chuyện thật thảm hại và tao cũng thật thảm hại, rốt cuộc tao nói với cô ấy rằng không nên ở với một gã như tao và cô ấy nói rằng cô ấy không hiểu, tao có cái gì mà đặc biệt thế? và cô ấy có lý, dù sao cô ấy cũng đã bỏ đi, quay lại châu Mỹ, vẫn viết thư nhưng tao không trả lời, thậm chí đa phần tao còn chẳng bóc ra xem nữa.
- Đúng là vớ vẩn quá.
- Mày thạo quá còn gì.”
Carraz lôi két bia chở đến cùng đoàn xe của Garnier ra rồi lấy răng cậy nắp một chai.
“Tao tưởng mình có thể đánh đấm: nhưng tao không biết. Tao tưởng mình biết viết: nhưng tao không biết. Lĩnh vực duy nhất tao giỏi - thiên hướng thực sự - đó là âm nhạc, nhưng tao gạt bỏ bởi vì đó là thế giới của ông già tao và tao không muốn dây dưa gì với tất cả những thứ đó. Tất cả những gì còn lại với tao là một cuốn sổ tay cũ kỹ đã mủn ra từng miếng...
- Ái chà, Garnier, mày thực là ngu quá...
- Đừng nói thế nữa. Nhưng trên thực tế, tao là một kẻ tầm thường, nhưng không tầm thường đến nỗi không nhận ra điều đó, như những thằng ngu khác.
- Cô ấy có lý...
- Có lý khi bỏ đi ư? Mày đùa chắc...
- Có lý khi hỏi xem mày có cái gì mà đặc biệt đến thế, đến nỗi ngay cả cái tầm thường của mày cũng không như cái tầm thường của những người khác. Một kẻ bất tài - nhất trí - nhưng Ngài Cửng-cu của những kẻ bất tài thậm chí không phân biệt được bóng đèn điện với quả xoài thối.”
Rốt cuộc Pierre cười tươi.
“Đúng vậy, tao đúng là như thế.
- Còn tệ hơn thế.
- Tệ hơn thật. Tao cho mày biết tao thích gì nhé. Tao rất thích đi cùng bọn lính - thêm một hai nữ tu sĩ thật điệu đà vào nữa.
- Mày kể chuyện các nữ tu đi.”
Pierre cảm thấy ghê tởm và ngớ ngẩn. Cậu nói về các nữ tu hay không thì có khác gì. Kỳ cục thật.
“Cả mày nữa, kể chuyện gì đi, cậu năn nỉ.
- Mày cũng như bọn tao thôi, Garnier ạ - chẳng tệ hơn cũng chẳng khá hơn.
- Tao không thể ra đi, không thể nhổ rễ được. Những chuyện ngu ngốc mà tao đã kể với mày, và còn nhiều chuyện khác nữa, toàn là những chuyện ngu ngốc thôi. Tao lại đăng lính thêm mười tám tháng nữa. Tao đã đánh dấu ngày 1 tháng Chín năm 1952 vào sổ tay đồng thời dám chắc rằng mình không bằng lòng nhận sự tự do cao đẹp đó. Garel, mày còn nhớ thằng Garel không, mày có quen nó không nhỉ?”
Carraz lắc đầu.
“Nó làm thay Tikhomirov ở tòa soạn. Tao gọi nó là ‘cá khôn’.
- Thằng Tikho thì tao nhớ. Cái thằng lố bịch nực cười, chúng tao gặp nhau một lần ở Đà Lạt.
- Ả Olga!
- Một con đĩ. Thế còn chồng ả, cái gã làm bếp, hắn tên là gì nhỉ? Mẹ nó chứ! Ả Olga, mẹ kiếp, tiếc là ả không có em gái.
- Mày đã hỏi ả câu đó, thế là thằng chồng suýt nữa nổi đóa lên.
- Mày thấy đó! Mày đi với một cô ả ăn mặc hở hang rồi sau đó còn yêu sách lịch lãm nữa. Nếu ả có em gái thì tao sẽ tẩn nó cho ra trò.
- Nhưng là vì ả chẳng có.
- Mày chẳng có bóng đèn thay thế mà vẫn xem phim hay ra phết đấy thôi... Mọi chuyện đều có thể nếu mày có đ. mẹ niềm tin. Đĩ thõa như thế thì ả có thể có một cô em gái lắm chứ, giấu trong bếp...
- Carraz, tao đang nói với mày về Garel.
- Garel, ờ. Nó có em gái không?
- Thằng ngu này...
- Nói với tao tử tế vào, thằng Cửng-cu. Đừng quên là hôm nay tao đã cứu mày thoát chết hai lần đấy. Chính thế mà tao ở trong cái xứ sở chết tiệt này đấy: để cứu cái thằng xấu xa như mày.
- Cái thằng Garel mà tao nói với mày ấy, cố nhớ lại đi, rốt cuộc nó đã biến mất. Nghe nói nó chạy sang phía bên kia, giảng dạy chính trị, thực hiện chương trình phát thanh vì hòa bình cho Đài tiếng nói Bạch Mai.
- Bản chúng tao bị các vị thần lãng quên rồi, Garnier ạ, và các luồng văn minh không đến được chỗ chúng tao đâu.
- Nếu có khi nào nghe thấy chương trình phát thanh vì hòa bình, mày chỉ cần nói rằng mày biết nó, đó là bạn của một người bạn.
- Nếu có khi nào tao gặp thằng đểu đó...”
Y lấy bàn tay làm hiệu cắt cổ. Pierre nhăn mặt.
“Ôi, tao chẳng biết gì, tao cóc quan tâm, nó cũng có chuyện riêng của nó, mày còn muốn tao nói gì nữa đây. Tao không muốn giảng đạo đức cho nó. Đấy, con người chẳng khác gì những bộ phim: mày xem xong phim này rồi chuyển sang phim khác. Mày còn muốn làm gì khác nữa?
- Cái thái độ tồi tệ này của mày với tao là kiểu gì thế hả? Triết lý sống mới của mày đấy à?
- Tao đã nói gì nhỉ?
- Tao không biết chuyện gì xảy ra với mày, Cửng-cu ạ. Trước đây tao gặp một thằng đần ngây ngô đến thế mà nay tao gặp lại một thằng tinh quái biết quá nhiều.
- Hãy cho tao biết tao đã nói điều gì trầm trọng đến vậy.
- Mày chẳng nói gì hết. Có điều mày làm tao bực mình đếch chịu được. Mày không phải là người như vậy và chỉ thế thôi.
- Tao như thế nào?”
Carraz không trả lời. Garnier tự bực bội với câu hỏi của mình. Không, rõ ràng là Carraz không trả lời những câu hỏi ngu ngốc. Y mở thêm một chai bia rồi đưa cho cậu.
“Garel hả, phải không? Mày thấy tao quá dễ dãi với nó hả?
- Nếu tóm được nó, tao sẽ xẻo dái nó rồi cho nó đeo lên ngực.
- Buồn cười thế. Mà tao nghĩ như vậy mới chỉ là đoạn khởi đầu.
- Người Xê Đăng sẽ làm gì khi tóm được một thằng? Cả người Hré, ngay cạnh đây nữa? Cả người Thái ở phía Bắc? Cả người Gia Rai nơi tao ở trước đây? Cả người Việt nữa? Họ chẳng ngu gì mà ngồi ngắm linh hồn những thanh kiếm cùng những kẻ mang tên Nguyễn Bình đâu! Họ làm với hắn những gì hắn sẽ làm với họ khi ở vào vị trí của họ. Tao bây giờ á, khi họ bắt được một tên, tao xéo đi và chỉ có thế thôi. Chúng ta ở đây để mang văn minh đến cho họ và chính họ cho chúng ta những bài học, và bài học đầu tiên là: hãy tự xoay xở lấy! Bài học thứ hai là: hãy giết kẻ thù trước khi chúng giết mình hay hãy làm với kẻ thù những gì ngươi không muốn chúng làm với ngươi. Mẹ kiếp cái ý thức của những tên khốn! Mày tưởng rằng cái ý thức ấy sẽ cứu trong bụng ĐÀN BÀ mang thai khi người ta thả bom napan đốt cháy cả ngôi làng nơi CÓ THỂ có những tên khủng bố ư? Tao từng một lần tranh luận với một gã chính trị viên. Không phải một kẻ mang tên Nguyễn Bình, hừm, một gã thực sự cơ: một gã nhìn thẳng vào mắt mày và mày có thể tra tấn hay giết gã cũng chẳng hề làm gã biến sắc - rốt cuộc dù sao gã cũng ngậm miệng lại. Bọn họ biết lý do tại sao mình có mặt ở đây còn chúng ta thì không: tinh thần cao cả của chúng ta, cuộc chiến của phương Tây chống lại chủ nghĩa đế quốc cộng sản ư, chúng ta cần cái đếch gì. Chính vì thế mà họ sẽ chiến thắng. Các chính trị gia phía họ có thể đúng là những tên đểu cáng hơn cả lũ chính trị gia phe ta, thậm chí đểu cáng hơn rất nhiều, nhưng họ sẵn sàng hy sinh để giành chiến thắng trong khi đối với các chính trị gia của chúng ta, hy sinh một nội các đã là quá đắt. Ngày mày tham chiến, trong khi từng người, từ thủ trưởng đến tên lính trơn đều không sẵn sàng hy sinh thì cuộc chiến đó rất mệt mỏi, tao nói là cuộc chiến của mày ấy. Vấn đề không phải là biết xem cuộc chiến đó có chính nghĩa hay không. Đó thực sự là cái giá mà mày muốn trả. Và cuộc chiến này làm bằng đô la Mỹ và da thịt của những thằng ngu như chúng ta: ta chẳng là gì hết.
- Thế tại sao mày còn cà khịa với Garel, kẻ hiểu rõ logic của mày và muốn chấm dứt chiến tranh?
- Bởi vì tao là một thằng đại ngu, Garnier ạ, tao luôn ở bên Tổ quốc right or wrong(1), như cái gã người Ăng lê bạn mày vẫn nói ấy, đúng không? Với một tình cảm thắm thiết đặc biệt khi Tổ quốc nhầm lẫn: chính cái đất nước chết tiệt và những người bạn đần độn của tao sẽ luôn luôn ở gần bên tao chứ không phải là những tên đần độn của phe đối phương. Đó là điều hiển nhiên.”
Carraz đột ngột im lặng, run lên vì những cơn giận đầy mâu thuẫn trong mình, đánh bật những cơn giận như người ta tìm đống ruột xổ ra từ cái bụng bị mổ phanh. Y móc xúc xắc ra và gieo nhiều lần.
“Chơi nhé?”
Họ chơi nhiều ván, chẳng trao đổi gì ngoài những lời cần thiết: “tám mốt hai lần”, “hai mặt một năm ở dưới”, “sáu sáu mươi tư tao giữ”, “cô ả”, “ba lần ba, một ván”... Các từ tản mát và dần dần cuộc sống chỉ còn gói gọn trong những biến tấu có thể giữa ba lần gieo xúc xắc. Lần nào Pierre cũng thua.
Carraz hồi tâm lại, khuôn mặt giãn ra.
“Mày thua bởi vì mày không có lòng tin. Cái mày thiếu chính là lòng tin.
- Sao mày cứ nhắc lại thế?
- Là vì mày không chịu lắng nghe.
- Tin vào xúc xắc ư? Xin lỗi nhé, tao không thể.
- Vậy mày muốn tin vào cái gì khác đây?”
Thêm một lần nữa, Pierre định nói với y về cù lao, về những gì đã xảy ra ở đó... Nơi ấy, cậu đã bắt đầu tin vào điều gì đó và thế rồi... Giờ đây, tất cả đã bị thiêu đốt và những gì còn lại đều thối rữa trong đống phân. Còn trong ngôi nhà chật hẹp của cậu tại Sài Gòn có một phụ nữ trẻ bụng mang dạ chửa không hề mở miệng...
“Tao không biết.
- Hãy tin vào cái gì đó - tao cóc cần biết đó là cái gì - rồi quay lại đây.
- Tao sẽ nghĩ đến điều đó.
- Sao bây giờ mày không buông ả Valda của mày ra?
- Tao sắp có con.
- Cả mày nữa à? Theo phong trào đây mà.
- Con lắc cho biết đó là con gái.
- Quá tốt!
- Tao không thể không quan tâm.
- Lại mất thời gian thôi. Dù mày có quan tâm hay không thì thay đổi được gì? Sẽ chẳng có gì thay đổi... Mày thấy vợ tao chưa? Mày không tin cô ấy biết rằng trong ba tháng hay ba năm nữa tao sẽ bị thủ tiêu ư? Sẽ lại có thêm một thằng nhóc khốn khổ trên vùng núi này, thế thôi. Nếu may mắn thì nó sẽ không giống tao.
- Chính mày bảo tao phải có lòng tin.
- Mày chẳng cho tao biết xem mày có hài lòng hay không. Mày chẳng bảo mày sẽ làm gì. Tất cả những gì mày nói với tao, đó là cái tinh thần bất ổn mà đếch ai thèm quan tâm của mày. Tao hiểu là như thế. Vậy mày hãy nói chuyện khác đi.”
Pierre chẳng nói gì. Lại một lần nữa, Carraz bắn trúng tim đen.
“Việc duy nhất đôi khi ả yêu cầu, đó là chiếu phim cho ả và các cô bạn của ả xem, một bộ phim yêu đương mà các ả chẳng hiểu gì sất, trừ những đoạn người ta hôn nhau và thế là tất cả cùng ré lên.
- Bằng cách chiếu phim cho ả xem mà mày làm ả chửa phải không?
- Là thế đấy.”
Sàn nhà kêu cọt kẹt và Pierre nhận ra rằng vợ Carraz quay trở lại và chắc hẳn có thể nghe được cuộc trò chuyện của họ. Cậu bối rối.
“Mày làm tao bực đếch chịu được, Carraz nói.
- Tại sao?
- Mày làm tao bực, thế thôi.”
Pierre lắc đầu, hoài nghi. Carraz lăn vỏ chai bia lên sàn và nó bị kẹt lại giữa hai tấm ván. Y đứng dậy giơ chân đá đi, rồi lại ngồi xuống như chẳng có chuyện gì xảy ra.
“Mày khác rồi, Garnier, mày không hiểu à? Trong mày có gì đó khang khác.
- Tao tưởng tao phải chấp nhận sự tầm thường của mình.
- Vớ vẩn! Mày biết rõ là không phải như vậy. Tao không biết đích xác chuyện gì nhưng chắc chắn mày có vấn đề. Mày sẽ không chuồn đi như những kẻ khác. Mày sẽ không cư xử như một thằng đểu. Mày sẽ chăm sóc con gái mày và sau này nó sẽ lại chăm sóc mày. Hứa đi.”
Sức nặng trong lời nói của Carraz có gì đó thật kinh khủng. Pierre có cảm giác là nếu cậu phản bác thì y sẽ đấm vỡ mõm cậu ra.
“Thế nào, mày hứa chứ?”
Carraz giơ tay lên với cử chỉ có vẻ như đe dọa. Không một lời, Pierre đập tay vào tay y rồi đứng dậy.
“Cái đó gọi là lời hứa phải không, Cửng-cu?
- Đúng.
- Thế thì được.”
Sau đó, Pierre đi xuống thang gỗ, tránh một con lợn rồi vừa đái vừa ngắm trời, tự vấn cái lời hứa lơ lửng trong đêm ấy có ý nghĩa gì.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước