Nguyên tác: The Godfather’S Returns
Số lần đọc/download: 3191 / 128
Cập nhật: 2016-05-03 19:52:17 +0700
Chương 21
1920 -1945
Người ta cho rằng trẻ sơ sinh mang thời vận riêng của chúng đến cho gia đình, và điều ấy cũng đúng với Michael Corleone. Nhà Corleones thưở ấy đang sa lầy trong nghèo túng, sống trong phòng nhà bếp của Chung cư Địa ngục. Những toa xe lửa chạy ngay giữa đường. Suốt ngày đêm, những chuyến tàu hàng rầm rập chạy qua, chở đầy gia súc đến các lò giết mổ. Bọn nhóc tì la hét ầm ĩ khi có cơ hội chơi trò cao -bồi cưỡi ngựa và gào thét để xua bộ hành tránh đường cho các hiệp sĩ tí hon chạy đi bắt cướp. Tuần nào cũng có vài người mang thương tật vì nặng tai, chậm chân không kịp tránh đường và do vậy, được tội với các vị tiểu anh hùng và bị ngựa đá!
Kể từ khi sinh Santino mười năm trước đó, Carmela đã bị sẩy thai bốn lần. Đứa bé còn sống sót, Frederico, đau ốm liên miên trong năm năm đầu đời. Vito phải làm việc sáu ngày mỗi tuần nơi một tiệm tạp hóa ở góc đường của bố mẹ nuôi. Cùng thời mạt vận xui khiến, ông lại đi theo hai người bạn Clemenza và Tessio đánh cướp một xe tải, chỉ để gặp một anh chàng láng giềng ưa hăm dọa và bức hại người khác tên là Fanucci chờ đợi chia một phần tiền thu được, và mặc dầu chẳng tốn chút công sức nào trong vụ làm ăn kia nhưng y lại đòi phần sư tử cho mình, nếu không sẽ tố cáo cho đi tù cả lũ. Quá ức lòng, Vito đành phải khử hắn ta thôi. Mấy tuần trước khi Michael ra đời vụ Vito giết Fanucci - bị nghi ngờ rộng rãi nhưng chỉ bị bàn cãi thoáng qua - đã mang lại cho Vito sự kinh nể của hàng xóm láng giềng, họ biết ơn ông vì đã trừ khử giúp họ một kẻ ưa bắt nạt, hống hách, ức hiếp người yếu đuối, cô thế. Rất kiệm lời, ông bắt đầu dàn xếp, giải quyết những vụ xung đột và bảo vệ các chủ tiệm khỏi bọn vô lại và đám cảnh sát ưa nhũng nhiểu.
Việc sinh Michael không hề đau đớn như chưa từng có trước đây. Cậu bé có nước da ngà, lông mi dài và đen và một đầu tóc bóng láng, sáng mượt tự nhiên. Khi bà đỡ phát vào mông cậu, cậu bé hít một hơi thở sâu nhưng không khóc. Bà ta thở dài giống như cô gái trong một phim của Valentino. Đến khi bú vú mẹ thì Mike là đứa con cưng nhất của bà. Vito mới vừa bước chân qua ngưỡng cửa phòng thì đã nhận ra ngay những nét qúi tướng của Michael. Cậu bé là hình ảnh chính bố của Vito, người đã chiến đấu bên cạnh vị anh hùng dân tộc Garibaldi. Vito qùi xuống và khóc vì hạnh phúc.
Ngày hôm sau, những ý tưởng về khu vườn olive yêu quí của bố mình xưa kia gợi cảm hứng cho Vito đi vào ngành kinh doanh dầu ô -liu. Tessio và Clemenza sẽ là những người phụ trách mại vụ cho ông. Việc cấm rượu - vốn cung cấp việc sử dung có lợi khác cho những xe tải giao hàng của họ - là một cơ hội may mắn khác đến với họ hầu như cùng lúc với sự chào đời của Michael. Chẳng bao lâu sau họ đều trở nên giàu có.
Trong thời thơ ấu, thân nhiệt của Michael không bao giờ vượt quá chín mươi tám độ (Farenheit). Thường thường là mát hơn. Cậu ta có niềm tin nơi bản thân mình, cứ như thể là cậu biết người ta sẽ yêu mến cậu và làm những gì cần được làm và thấy không cần phải nhặng xị ầm ĩ hay phải quan trọng hóa. Bữa tiệc mừng sau lễ đặt tên thánh cho cậu được tổ chức trong đường phố có cảnh sát giữ trật tự như một ân huệ cho nhà nhập khẩu trẻ tuổi hào hiệp. Dường như mọi người Ý ở New York đều có mặt.
Bố đỡ đầu của Michael, Tessio - người thường ngày vốn buồn rầu ủ rủ - đã dành suốt buổi chiều làm mặt hề để chọc ghẹo làm vui cho cậu bé và cậu bé đã biết mỉm cười đáp lại. Đó là nụ cười của Vito nhưng không có nét đe dọa.
Sau độ khoảng một năm, những cậu lớn trong nhà thấy rằng Michael đã tiếm vị mình và trở thành đứa con cưng được cha mẹ yêu chiều nhất. Fredo phản ứng bằng cách bỏ chuột vào trong nôi em bé và, một thời gian ngắn, quay lại với thời kỳ đái dầm. Có lần cậu còn đi đến trường và loan truyền với mọi người rằng em trai của cậu đã bị cắt đứt làm hai khúc bởi cái khung gạt trước đầu chiếc xe lửa chở hàng ở Đại lộ Mười Một.
Sonny hành động táo bạo hơn, làm rối rắm thêm yêu sách của Michael đối với tình cảm yêu mến của bố bằng cách mang về nhà một kình địch mới do chính Sonny chọn - một chú nhóc ốm yếu và bẩn thỉu mà bố mẹ đã chết vì rượu. Ở tuổi mười hai chú nhóc đã lang thang hè phố, kiếm sống bằng những trò trí trá mà hóa ra, rất là đáng nể. Chú ta tên là Tom Hagen. Sonny nhường chiếc giường hẹp của mình cho người bạn côi cút và ngủ trên sàn nhà. Không ai bàn luận về chuyện biến sự thu xếp đó thành thường xuyên. Nhưng giống như phần lớn công việc của Ông Trùm, một nhu cầu xuất hiện và được giải quyết với tối thiểu ngôn từ.
Kí ức sớm nhất của Michael là ngày mà gia đình cậu dọn về Bronx. Lúc đó cậu mới lên ba. Mẹ cậu còng lưng xuống, ôm từ biệt hàng xóm láng giềng, khóc lóc chẳng kém gì cô bé Connie. Tom và Sonny đã lên trước ở căn hộ mới. Michael ngồi trong xe với bố và người tài xế. Fredo đứng nhìn về hướng các đoàn tàu. “Có gì vậy con?” Vito kêu lớn. Fredo muốn chơi trò cao -bồi cưỡi ngựa bắn súng. Sonny đã chơi trò đó ít ra là cả hàng trăm lần rồi. Fredo thì chưa từng được chơi lấy một lần thế mà giờ đây cả nhà dời đi, xa rời láng giềng. Vito nhìn thấy vẻ buồn khổ trên mặt Fredo. Ông bèn một tay bế Michael, tay kia dắt Fredo và đi xuống con phố hẹp. Người đàn ông với con ngựa nhìn thấy Vito, và một lát sau Fredo đã ngồi trên yên ngựa, chờ chuyến xe lửa đến. Khi có một chuyến xuất hiện ở xa xa Vito công kênh Michael lên vai mình. Fredo cưỡi ngựa băng qua các đường mòn và đường ray, thích thú la lớn những lời cảnh bào: “Tránh ra, tránh ra cho ngựa cậu chạy qua!”, thấy vui sướng và không hề sợ hãi.
Căn hộ mới của nhà Corleones nằm trong khu Belmont của Bronx, trên tầng hai của một cao ốc gạch đỏ tám tầng. Chính căn hộ thì khá khiêm tốn nhưng có một ngăn làm đá mới, hệ thống sưởi tốt, và đủ không gian cho mọi người. Vito sở hữu nguyên cả cao ốc đó nhưng một cách rất kín đáo nên ngay cả cảnh sát trưởng ở đó cũng không biết. Với cậu bé Michael, Belmont dường như chốn thiên đường. Các đường phố đầy những cậu bé đang chơi khúc côn cầu và tiếng rao mời chào của những người bán hàng rong với những chiếc xe đẩy chất đủ thứ các cái linh tinh. Không khí lung linh với hương vị của hành tỏi tỏa mùi ngào ngạt và làn sương mỏng mang vị ngọt béo của bánh mì bơ đường được nướng lên. Sau bữa ăn chiều, đám đàn bà mang ghế ra vỉa hè túm năm tụ ba tán chuyện cà kê dê ngỗng cho qua buổi hoàng hôn. Cánh đàn ông trao đổi với nhau những lời trêu ghẹo thân thiện. Có nhiều người Ý ở Belmont hơn là ở khu phố họ vừa rời đi. Trong cái khu hành chánh này của Thành phố New York thì hầu như đi đâu họ cũng gặp người quê ta cả.
Bên ngoài căn hộ của nhà Corleone là một lối thoát khi hỏa hoạn. Vào những đêm trời nóng nực họ ngủ
nơi đó cho đến khi gió xoay chiều và gửi đến mùi vị từ Vườn Bách Thú Bronx tỏa xuống Đại lộ Arthur. “Đủ rồi,” Vito sẽ nói với những đứa con đang càu nhàu. “Cái vườn Bách thú ấy à? Nó đã được những người Ý xây dựng nên. Những gì các con đang ngửi thấy là thành quả lao động của họ. Làm thế nào mà một đứa con của bố lại từ chối thành quả vốn là một quà tặng từ Chúa? Những đứa khác đôi khi vẫn còn cằn nhằn nhưng Michael thì không. Ở trong sở thú đó cũng có những con sư tử. Michael thích sư tử vì nhà cậu là Corleones, tức Những Người Mang Trái Tim Sư Tử - Những Kẻ Hùng Tâm Dũng Chí.
Gia đình Corleones rất nhiệt tình với nhà thờ mới. Lúc đầu, cả Vito cũng năng đi lễ nhà thờ. Fredo đi dự lễ Mi -sa với mẹ hầu như hàng ngày. Khi lên mười, trong một bữa ăn chiều, cậu đứng lên và thông báo rằng cậu đã có một cuộc nói chuyện với Cha Stephano, cha chủ lể ưa thích của mẹ mình và cũng là huấn luyện viên quyền Anh của cậu, và cậu quyết định trở thành một linh mục. Cả nhà nổ ra những tràng hoan hô chúc tụng. Đêm đó, Michael ngồi trên lối thoát hỏa hoạn và nhìn theo mẹ đang đi khoe Fredo với hàng xóm (đối với các gia đình Công giáo, nhà nào có người đi tu làm linh mục thì rất lấy làm vinh dự và tự hào chẳng khác nào người ngoại mà gia đình có người thân làm đến quận trưởng, tỉnh trưởng vậy! Chú thích của Ng,d.). Lúc Fredo trở về nhà mặt cậu đầy những dấu môi hôn.
Ở trường, khi các bạn của Michael thực hành cái nghi lễ thành niên là khoe khoang tâng bốc bố mình, Michael tránh ra xa. Cậu đã được gia đình giáo dưỡng là không được khoác lác huênh hoang. Cậu cũng không có nhu cầu làm thế. Ngay cả những đứa ưa bắt nạt nhất trong trường cũng biết rằng ông bố lầm lì của Michael là một nhân vật đáng nể. Khi Vito Corleone đi xuống phố, người ta cúi gập người xuống chào ông, cứ như thể ông là vua không bằng!
Một đêm nọ, vào bữa ăn tối, lúc Michael lên sáu, bỗng nghe tiếng gõ cửa. Đó là Pete Clemenza. Ông xin lỗi vì làm rối bữa ăn tối của gia đình và yêu cầu nói riêng với Vito đôi lời. Một lát sau, từ phía sau cửa phòng khách được khóa lại bên trong, Vito bắt đầu la lối bằng phương ngữ Sicily mà Michael nghe được nhưng không hiểu hết. Cơn giận của bố có lí do khá rõ. Mẹ vẫn yên lặng ngồi cho bé Connie ăn ô-liu và calamari và làm bộ như không nhận thấy gì. Tom cười khảy và lắc đầu “Lại Sonny,” Tom nói. Sonny không có mặt trong bữa tối - điều này đã trở thành càng ngày càng ít có vẻ bất thường hơn - nhưng tiếng cười khảy của Tom dường như hàm ý rằng không có gì thực sự trầm trọng xảy ra.
Tuy vậy, Michael vẫn hoảng sợ. Chỉ có Sonny - và nhiều năm sau nữa, Michael - là từng khiêu khích Vito Corleone đủ “đô” để làm tiêu tan tính kham nhẫn và cẩn trọng đã trở thành huyền thoại của ông. Không có thước đo nào dò được chiều sâu của tình phụ tử mà ông dành cho họ. Nếu như người chết còn có thể nói được thì nhiều người sẽ làm chứng rằng chính tính kham nhẫn và cẩn trọng của Vito là những điều mà người ta nên gờm nhất.
“Anh ấy làm gì vậy?” Michael hỏi.
“Một vài trò nguy hiểm để đùa vui đấy thôi,” Tom nói. “Đúng kiểu Sonny.”
Tom và Sonny đều là sinh viên lớp Dự bị Đại học Fordham. Nhưng họ hoạt động với những đám đông
khác nhau. Tom ở trong đội tennis của trường và là một sinh viên danh dự. Có lẽ vì chàng ta không thực sự là một thành viên của gia đình, có lẽ vì do lòng biết ơn, nên anh chàng đã lặng lẽ trở thành đứa con hoàn hảo nhất nhà - đứa khôn ngoan nhất, đứa trung thành nhất, ngoan ngoãn nhất, có tham vọng nhất, và, đồng thời cũng là đứa khiêm cung nhất. Đứa học trò nhiệt tình nhất của bộ qui tắc ứng xử mà Vito đặt ra, chàng ta nói tiếng Ý giống như người bản ngữ, và trong mọi mặt, trừ huyết thống, là kẻ mang tính chất Sicilian điển hình nhất.
Còn về Sonny chàng ta đã bị loại ra khỏi đội bóng đá nhà trường sau khi cãi nhau lớn tiếng với huấn luyện viên (khi Sonny yêu cầu bố can thiệp, Vito đã tát cậu con và không nói gì). Cậu cả quê độ bèn lẳng lặng chôm mấy chai gin loại rượu lậu và chuồn vào mấy quán bar ở khu Harlem để nghe nhạc jazz và uống rượu cho đỡ quê! Ngay khi mới mười sáu, Sonny đã thành danh là “con thú cưng của qúi bà “chứ không chỉ riêng của các nàng cùng trang lứa.
“Trò nguy hiểm để đùa vui thuộc loại gì vậy?” Michael hỏi Tom.
“A rubar poco si va in galera, a rubar tanto si fa carriera.” Ăn trộm vặt phải đi tù, ăn trộm lớn thành đại nghiệp! “Sonny và hai thằng ngốc mà anh ta nghĩ là bạn mình đã thực hiện một vụ cướp có súng -”
“Ah - ah - ah!” Carmela dùng hai tay bịt tai Connie. “Đủ quá rồi đấy!”
Cửa phòng khách mở ra. Vito đang lắc đầu, mặt đỏ bừng, rõ là đang giận sôi lên. Ông và Clemenza rời khỏi nhà không nói tiếng nào. Connie khóc thét lên. Michael tự buộc mình không làm theo lẽ thường.
Nhiều năm sau, Michael mới biết được rằng Sonny đã đánh cướp một trạm xăng vốn được bảo kê bởi Gia đình Maranzano, mặc dầu Sonny không biết điều đó. Vụ đánh cướp chỉ là một trò vui đùa liều lĩnh mạo hiểm. Đêm đó Vito đích thân đi thương lượng với Maranzano và phái Clemenza đi tìm Sonny. Mấy giờ sau, Pete tìm thấy cậu cả đang đú đởn với một chị đàn bà vắng chồng thèm trống tơ, và lôi cậu về văn phòng Công ty Dầu Ô -liu Nguyên chất Genco để đối mặt với cơn thịnh nộ của bố Vito.
Khi Vito đốp chát Sonny về hành vi thiếu suy nghĩ của cậu con thì Sonny chỉ tự biện hộ bằng cách nói rằng cậu đã thấy bố giết Fanucci. Vito ngồi xuống, nặng nề, bại trận, không còn biết phải dạy bảo con mình như thế nào. Khi Sonny yêu cầu được nghỉ học để giúp việc gia đình, Vito nguội đi và gọi đó là... số mệnh!
Vito tin rằng bản thân mình đã làm điều mình phải làm trong một thế giới chỉ dành rất ít cho một người trông giống như ông và đến từ nơi như ông đến. Ông kiên quyết với niềm tin rằng cuộc sống sẽ khác đi đối với con cái của ông. Ông tự hứa với lòng rằng không để đứa nào trong số con cái của mình, kể cả con nuôi là Hagen, đi theo bước chân của mình. Đó là lời hứa duy nhất mà Vito Corleone đã phá vỡ.
Tuy vậy, vào thời đó, Michael chỉ biết rằng, lần đầu tiên trong đời mình, cậu đã thấy ông bố khắc kỉ của mình đánh mất tự chủ, và rằng một cách nào đó Sonny đã gây ra chuyện đó. Một lát sau khi Vito và Clemenza đi khỏi, Tom, lộ vẻ chán ngán, xin lỗi và hướng đầu về phía cửa. “Má cần gì không? Con
xin phép đi dạo một lát.”
Bà không nói gì. Mặt bà xám đi và khô lại.
Michael nắm vào cửa chính trong khi Tom đang đóng lại và theo chân anh xuống cầu thang. Khi hai đứa xuống đến phố, trời đổ mưa. Một trận mưa lớn như trút nước. Tom tựa vào cửa kính, chần chừ.
“Hãy cho em biết chuyện gì xảy ra, Tom,” Michael nói. “Em có quyền biết. Chúng ta là trong gia đình cả mà.”
“Bé học ở đâu mà nói năng như thế?”
Michael gằn mạnh cách diễn đạt trong mức độ cậu có thể.
Tom liếc qua vai mình. Tay sĩ quan cảnh sát và vài người thuê nhà đang lòng vòng gần đó. “Không phải chỗ này.” Chàng ta di chuyển đến một chỗ vải bạt che cửa cách đó mấy căn. Hai đứa chạy ào tới đó.
Mười sáu tuổi Hagen chưa biết hết mọi chuyện. Nhưng chàng ta biết cách đọc Sonny, và chàng ngưỡng mộ Vito, vì vậy chàng ta biết nhiều hơn bất kỳ người nào có thể đoán. Những chuyện mà chàng ta kể lại cho Michael tối hôm đó, dưới tấm bạt có sọc, phía trước cửa hàng thịt Racalmuto là thành thật và đúng thật.
Từ ngày đó trở đi, Sonny trở thành một trong những người kè kè theo bên Vito khắp nơi. Chàng ta thường về nhà trễ, nhiều khi chẳng thèm về. Khi chàng ta ở nhà, chàng âu yếm cậu em kế Fredo, cu cậu này nhìn chàng theo cách mà Michael nhìn Tom. Vào dịp sinh nhật lần thứ bảy của Michael, Tom tặng cu cậu chiếc áo đánh tennis. Michael mặc áo bó quanh cổ, theo kiểu của Tom.
Trong vòng mấy tuần sau đó, Sonny rời khỏi nhà và kiếm một căn hộ riêng ở Manhattan, ngay phố Mulberry, và Tom chuyển vào ở ký túc xá Đại học New York. Không biết vì do hai cậu lớn ra đi hay do chính sự trưởng thành của mình, Fredo nổi lên một cách không ngờ, ở tuổi mười ba, như một chàng trai mạnh mẽ, có uy. Mặc dầu hơi thấp người, cậu vẫn chơi vai hậu vệ trong đội bóng khối lớp sáu. Sau vài năm bị đấm ngã đây đó, cậu thắng trong một giải quyền Anh nhỏ của Hội Thanh niên Công giáo. Cậu đang đạt được những đẳng cấp tốt hơn và xuất sắc trong việc học giáo lí dưới sự hướng dẫn của Cha Stefano. Fredo vẫn còn mắc cỡ trước con gái, nhưng với các cô sự mắc cỡ đó bỗng nhiên lại có vẻ dễ thương, một nét quyến rũ càng trở nên “thú vị tình thâm” hơn bởi các nàng đều biết rằng anh chàng Fredo muốn trở thành linh mục.
Michael đã không thể đánh dấu chính xác thời đoạn mà mọi chuyện này thay đổi, khi sự vụng về lúng túng của Fredo trở thành một cái gì tối tăm hơn, khi tính tự túc trở thành tính vị kỉ u ám. Hiện tượng này hẳn là phải xảy ra dần dần, qua nhiều cấp bậc, nhưng với Michael, hình như là có lúc thì Fredo là một người yếu đuối về tinh thần, lúc khác là một chàng trai mạnh mẽ, nghiêm túc, và lúc khác nữa anh ta lại khóa mình trong phòng riêng hàng giờ, chìm trong trầm tư mặc tưởng hay những độc tưởng,
hoang tưởng gì đấy nào ai biết được. Năm mười sáu tuổi Fredo thông báo điều mà mọi người, trừ mẹ chàng, đã tiên đoán: chàng ta không còn muốn trở thành linh mục nữa. Chàng bắt đầu bỏ lớp học đi chơi. Chàng có những cuộc hẹn hò, nhưng chỉ vì các cô gái thấy chàng vô hại. Chẳng bao lâu sau chàng cũng tham gia công việc của bố, mặc dầu Vito chỉ giao cho cậu thứ những chuyện lặt vặt: truyền các tin nhắn, chè lá điếu đóm cho các cụ, xuống hàng số dầu ô -liu thực thụ.
Vito Corleone tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, và đôi khi, ban đêm, ông và Michael ngồi trên lối thoát hỏa hoạn và mơ những giấc mơ lớn về tương lai của cậu bé. Vito cũng từng có những cuộc chuyện trò như thế với những cậu trai khác, và chỉ có Tom - người sắp bắt đầu học luật ở Columbia - là đã tốt nghiệp trung học. Michael yêu kính bố mình, nhưng cậu ta e rằng đến năm mười sáu tuổi, giống như các anh mình, có cái gì đó trong huyết quản sẽ đưa đẩy mình vào cái thế giới mà Tom đã kể cho cậu.
Hiểu biết của Michael về thế giới đó vẫn chỉ mới là hiểu biết của một đứa bé mười một tuổi. Trong suốt mùa hè khi Michael từ trường về nhà, bố cậu - chắc chắn là vào những ngày mà ông hy vọng là không có biến cố lớn lao nào - thỉnh thoảng đem cậu theo khi ông “vi hành”. Vito dường như chủ yếu là đi từ bữa ăn này đến bữa ăn khác, tại nhiều câu lạc bộ xã hội khác nhau, các nhà hàng và các quán cà-phê, bắt tay người này người kia, nói rằng ông đã ăn rồi, nhưng sau đó vẫn ngồi xuống ăn. Ông sẽ rời đi mà hình như chẳng điều hành chỉ dẫn công việc gì cả, trừ phi là bằng cách nào đó, tất cả được thực hiện qua những lời thì thầm ngắn gọn.
Vào một ngày nọ Vito bỗng nhiên được gọi đến gặp mấy người nào đó ở nhà kho của Công ty Genco. Ông bảo Michael đợi bên ngoài. Michael nhìn thấy một quả bóng chày trong thân xe và đi vào lối đi nhỏ để ném nó vào tường. Khi cậu đến đó, một cậu bé khác mà trước nay cậu chưa từng thấy, đã đang làm cùng việc đó. Cậu bé mang những nét đặc trưng của dân Ái nhĩ Lan rất rõ.
“Đây là con đường của ta,” Michael nói, mặc dầu cậu cũng không biết cái gì khiến cậu nói như thế.
“Nói bậy rồi,” cậu bé kia nói. “Chẳng phải của riêng ai cả.” Cậu ta chiếu ra một nụ cười trắng bóng, dòn tan. Tiếng cười hơi giống tiếng lừa kêu be be nhưng lại khiến cho Michael thấy dễ chịu.
Thế rồi hai đứa không nói gì hơn một lúc lâu. Chúng đứng bên nhau nơi lối đi nhỏ đó rồi mỗi đứa ném quả bóng trầy sướt của mình vào tường cho quả bóng bật nẩy lại và cứ thế, ganh đua nhau làm được nhiều lần hơn đứa kia, mặc dầu không có đứa nào là cầu thủ bẩm sinh.
“Bạn biết không,” cuối cùng cậu bé Ái nhĩ Lan nói, vì đã mệt thở không ra hơi nên phải dừng lại một lát để thở, “bố mình là chủ của tất cả những xe tải đàng kia kìa, và bạn biết những gì trong đó, phải không?”
“Một số những xe tải kia là của bố tôi. Tất cả những chiếc mang dòng chữ’ Genco Pura Olive Oil.”
“Likkah!” Giọng của cậu bé nghe giống giọng Katherine Hepburn: không hẳn là Mỹ cũng không hẳn là Anh mà là cả hai. Phải mất một lúc Michael mới nhận ra rằng cậu ta nói liquor (rượu). “Đủ rượu để
làm cho cả New York say tối nay, và thêm một nửa New Jersey nữa.”
Michael nhún vai. “Bảng ghi dầu ô -liu.” Mặc dầu cậu biết hầu hết những chiếc xe tải kia chở rượu. Cậu đã nhìn thấy bên trong chúng trước đây. “Bạn học nói kiểu đó ở đâu vậy?” Michael hỏi.
“Mình có thể hỏi bạn cùng điều ấy đấy,” cậu bé nói. “Bạn là dân Ý, đúng không?” “Mình không nói giống như bất kỳ cái gì.”
“Chắc là bạn không rồi. Nghe này, bạn có biết tại sao đám cớm không đến đây ngay lúc này để tóm mọi người vì bán rượu lậu không? Bạn biết không?”
“Bạn mất trí rồi. Tất cả những xe tải kia đều chở dầu ô -liu trong đó thôi.”
“Bởi vì bố mình hối lộ cho mọi anh cớm ở New York!” cậu bé hứng chí nói để khoe mình biết được chuyện người lớn. Michael nhìn lên nhìn xuống lối đi nhỏ. Không có ai trong tầm nghe, nhưng cậu vẫn không thích cậu bé kia nói lớn đến thế về những chuyện như thế. “Bạn nói dối,” Michael nói.
Cậu kia bèn giải thích tỉ mỉ chuyện bố mình hối lộ mấy anh cớm như thế nào. Cậu nói bằng những biệt ngữ về những cuộc giết chóc và đánh đập cần thiết để kiếm lợi từ việc bán rượu lậu. Hoặc là cậu ta có trí tưởng tượng phong phú hoặc cậu ta đang nói sự thật.
“Bạn phóng đại quá đấy!” Michael nói.
“Người của bạn còn ghê hơn, theo những gì mình nghe được.” “Bạn chỉ thổi phồng quá đáng. Bạn chẳng biết cái quái gì đâu.”
“Bạn muốn nghĩ sao thì nghĩ,” cậu kia nói. “Trong khi đó, tôi đố bạn dám đi lấy một chai rượu khỏi chiếc xe và đem về đây rồi hai đứa mình cưa đôi. Dám hông?”
Chuyện này chưa bao giờ xảy ra với Michael, nhưng cậu hùng dũng gật đầu khi nhớ mình là Corleone - Người Mang Trái Tim Sư Tử - và đi ngay. Anh Fredo đang giúp người khác xuống hàng một xe tải. Michael bảo họ là bố muốn gặp họ. Khi họ vừa quay đi, Michael thón ngay một chai Whisky Canada và trở lại lối đi nhỏ.
“Mình nghĩ cậu run như gà con,” cậu kia nói.
“Bạn nghĩ sai rồi. Có lẽ tư duy không phải là điểm mạnh của bạn.” Michael mở chai rượu và làm một ngụm. Nóng cháy cổ, nhưng cậu không ngán. “Này bạn tên gì nhỉ?”
“Jimmy Shea,” cậu kia đáp lại, cầm lấy chai rượu. Cậu ta tu một hơi dài và rượu liền lãy cò một cơn ho sặc sụa. Cậu ta khụy gối xuống và bắt đầu nôn mửa.
Một lát sau, hai ông bố đến nắm đầu hai cậu quí tử, đều mới mười hai tuổi mà đã dám bẻ cổ chia hai một chai whiskey giữa thanh thiên bạch nhật, vào đúng cao điểm của thời Cấm Rượu, một việc làm, nếu là người thành niên, phải trả giá bằng cả... địa ngục. Hai đứa bé - mặc dầu cuộc đời chúng sau này sẽ song hành nhau - nhưng không bao giờ nói chuyện trực tiếp với nhau lần nữa.
Khi Luật Cấm Rượu bị bãi bỏ, Vito Corleone lại đối diện ngã ba đường. Ông đã - mà không một lần bị bắt bớ tù đày - tạo được một sản nghiệp nho nhỏ, đủ để lo cho gia đình và sống những ngày còn lại của đời mình trong tiện nghi thoải mái. Nhưng thay vì thế ông đã chọn cách tìm kiếm sự đối tác với Salvatore Maranzano, đầu sỏ thế giới ngầm của New York. Phải chăng đó là định mệnh của Vito Corleone? Hay là một hành động gặp thời thế thế thời phải thế? Hay là ông làm điều ông đã làm đơn giản chỉ vì ông xuất sắc trong việc làm đó? Có lẽ Vito không có lựa chọn. Sonny và Fredo là những chàng trai trẻ ít học và cũng không nhiều tài năng. Để cho hai cậu tự xoay xở, chắc chỉ chừng độ một năm thôi là các cậu... đuối! Vả chăng, có hay không những công cuộc kinh doanh hợp pháp để một người giàu có, xuất sắc như Vito có thể đem tất cả sở tồn làm sở dụng?
Nếu từng có một thời cơ cho nhà Corleones chuyển về Las Vegas và trở thành hợp pháp, thì chính là lúc này đây.
Nhưng thay vì thế, những gì xảy ra lại là chất liệu cho lịch sử!
Maranzano đã cười nhạo cái ý nghĩ trở thành một đối tác đồng đẳng với Vito Corleone và chế diễu cái đề nghị “đĩa đeo chân hạc” của anh chàng gối rơm mà không biết yên phận gối rơm này. Và chính thái độ cao ngạo phỉ báng kia của Maranzano đã châm ngòi nổ cho cuộc chiến Castellamare - cuộc đại chiến thứ nhất trong lịch sử Mafia Hoa kỳ. Đồng minh của Maranzano là Al Capone ở Chicago gửi hai phụ tá cao cấp đến New York để hạ sát Vito Corleone. Một trong hai tay đó là Willie Russo Lạnh Như Băng, anh ruột của Ông Trùm tương lai Louie Russo Mặt Đéo. Tài năng của Vito Corleone trong việc phái sinh quyền lực từ những kẻ không quyền lực (to derive power from the powerless) một lần nữa lại tỏ ra đắc dụng. Một công nhân khuân vác đường sắt ở Chicago gửi thông tin về chuyến xe lửa mà các sát thủ kia sẽ lên, và một công nhân ở New York dẫn hai tay sát thủ vào một chiếc taxi mà người tài xế làm việc cho Luca Brasi. Brasi trói hai người này lại, và trong khi họ vẫn còn sống hắn ta chặt chân tay họ bằng một cái rìu của lính cứu hỏa và ung dung ngồi rung đùi nhìn họ chảy máu đến chết. Đợi lúc họ sắp chết hắn mới vung rìu chém bay đầu họ. Còn Tessio chờ đúng đêm Giao thừa đi vào một nhà hàng và bắn Maranzano. Vito nắm lấy tổ chức của Maranzano, sắp xếp lại các lãnh địa quyền lơi khác ở New York và New Jersey thành Năm Đại Gia như ta biết ngày nay và trở thành capo di tutti capi(Thủ lĩnh của mọi thủ lĩnh/Thống lĩnh). Ông đã làm được điều đó mà rất ít gây đổ máu và hầu như không bị nêu tên trên bất kỳ tờ báo nào.
Cậu thiếu niên Michael Corleone đã để ý thấy đám vệ sĩ của bố mình nhiều hơn thường lệ và bố mình đi ra ngoài buổi tối thường hơn. Ngoài những chuyện đó ra thì cuộc biến động kia không ảnh hưởng gì mấy đến cái cao ốc căn hộ ở khu Bronx. Nhiều năm sau khi biết được về những gì đã xảy ra, chàng ta rất ngạc nhiên. Chàng ta hồi tưởng giai đoạn đó như là thời gian tốt đẹp của gia đình. Sonny có vợ. Tom tốt nghiệp trường luật. Connie có được con ngựa tơ đầu tiên. Michael được bầu làm trưởng lớp.
Fredo đã ra khỏi vỏ ốc của mình và thường dẫn Michael đến thành phố để chơi pun. Michael là một người có năng khiếu tự nhiên, có thể thấy các góc của bàn như trong một thị kiến. Fredo là một tay chơi có tài nhưng lại không phải là kẻ giỏi xoay xở, có khả năng nhìn thấy những góc ẩn dụ từ nhiều bước trước nhưng không nhìn thấy những con cá mập nguy hiểm nhất. Bất kỳ kẻ nào đánh giá thấp cậu bé lặng lẽ và điềm tĩnh và người anh khả ái, nhỏ nhẹ của cậu, đều sẽ phá sản khi rời khỏi bàn. Lần duy nhất mà Fredo và Michael bị trấn lột Sonny đi tìm hai tay thua cay cú đã làm vụ đó và nện bọn họ đến chết ngay giữa thanh thiên bạch nhật, ở giữa phố 114 và bỏ họ lại đó. Vụ giết người đó được giao cho một thám tử ăn lương nhà Corleones điều tra. Một tay cho vay nặng lãi bất lương bị kết tội về vụ đó. Michael chẳng biết tí gì về tất cả chuyện đó cho đến khi chàng ta nghe ra câu chuyện, nhiều năm sau, từ chính Sonny. Anh ta vẫn nghĩ toàn bộ câu chuyện này chỉ là một... trò cười không mấy vĩ đại! Tại sao họ nghĩ họ đã chỉ bị trấn lột có một lần?
Trong hơn mười năm thiên hạ thái bình. Xứ sở loạng choạng qua cuộc Đại Suy thoái (1929) nhưng rồi đã đứng lên để chiến đấu cho một cuộc chiến chính nghĩa. Trong những thời buổi khó khăn đó, Vito Corleone vẫn tiếp tục tích lũy quyền lực và của cải. Ông mang một đoàn thợ cắt đá từ Sicily đến Mỹ để xây dựng những lăng mộ cho những người chưa từng có mặt trên đời, những lăng mộ thực ra là những nơi chốn rộng thênh thang đến ngạc nhiên để giữ hàng triệu triệu đô-la tiền mặt. Nhà Corleones vẫn tiếp tục sống giản dị, bình thường như một gia đình trung lưu khá giả mà thôi.
Ngày nọ, khá lâu sau khi nền hòa bình này vẫn đang diễn tiến, Michael đang đứng nơi bảng đen trong giờ hình học thì nghe tiếng gõ cửa. Đó là Fredo. Anh nói với thầy giáo là gia đình có việc khẩn cấp. Fredo không nói điều gì cho đến khi hai đứa vào trong xe. “Liên quan đến bố,” anh nói. “Chúng bắn bố. Vào ngực. Bố sắp ổn thôi, họ nói thế, nhưng -”
Michael chỉ nghe loáng thoáng. Chiếc xe vẫn còn đậu phía trước trường nhưng Michael cảm thấy như nó vừa băng qua một ổ gà lớn trên đường. “Kẻ nào bắn bố?”
“Đám chuột nhắc thôi,” Fredo nói. “Một băng côn đồ Ái nhĩ Lan quá ngốc nghếch để biết đươc sự khác nhau giữa Bố với một tên vô danh tiểu tốt nào đó mà người ta đụng độ trong một cuộc chiến đường phố. Cái tên Mick ngu xuẩn nọ xông thẳng đến Bố ngay trên đường phố và bắn bố, và chỉ một giây sau anh và những người khác đã đồng loạt khai hỏa vào người hắn.”
“Bắn Bố. Bọn chuột nhắc? Chiến tranh đường phố? Băng đảng?Chưa ai từng nói những chuyện này trước mặt Michael.
“Cái gì? Thôi đừng có ngốc nữa Mikey.” Fredo vô số và vọt xe đi. “Chúng ta đi đâu đây?”
“Về nhà. Bệnh viện quá đông người.”
Quá đông người chỉ là một uyển ngữ. Michael không rõ lắm uyển ngữ đó thay cho cái gì và cũng không hỏi tới.
Carmela tỏ vẻ dũng cảm trước mặt các con, nhưng Michael nhìn thấu qua đó. Sau khi mọi người lên giường cậu có thể nghe mẹ xuyên qua tường của phòng mình. Bà đang cầu nguyện khi cuối cùng, mòn mỏi, cậu rơi vào giấc ngủ và cả khi cậu thức dậy. Cậu vội vàng đi vào nhà bếp để làm bữa điểm tâm cho cả gia đình nhằm tránh cho mẹ gánh nặng nho nhỏ này. Bà nạt cậu ra khỏi bếp, nhưng trên đường cậu đi ra bà ôm hôn cậu và bắt đầu ca hát cái gì đó bằng tiếng Latinh mà cậu không hiểu.
Sau đó trong buổi sáng, khi Fredo nói là đã đến lúc đi bệnh viện, Michael từ chối. “Bố sắp ổn rồi, phải không?” Michael hỏi.
“Đúng rồi,” Fredo trả lời.
“Vậy thì em sẽ gặp Bố khi bố về nhà.” Mặt của mẹ cậu xụ xuống.
“Con có bài kiểm tra phải làm,” cậu nói. “Bao lâu mà Bố ổn thì con nên đi học.” Nghe thế, mẹ cậu vỗ nhẹ vào má cậu và khen cậu ngoan, rằng Bố sẽ tự hào về cậu.
Sáng hôm sau, Michael cũng từ chối đi bệnh viện. Fredo bảo mẹ đem Connie theo và đợi ở trong xe. Rồi anh kéo Michael qua một bên và hỏi cậu đang cố chứng tỏ cái đếch gì vậy.
“Em không biết,” Michael nói. “Chẳng có gì.” “Chẳng có gì? Thôi nào.”
“Có lẽ ông ấy đã làm chuyện đó xảy ra,” Michael nói. “Ông ấy cái gì? Chú mày thấy có gì không ổn?”
“Chẳng có gì không ổn với tôi cả. Ông ấy là tội phạm. Những tội phạm thường bị bắn. Ông ấy may mắn lắm nên trước nay chưa bị bắn. Tất cả mấy người đều như thế.”
Nắm đấm của Fredo tống thẳng vào gò má cậu em. Michael ngã vào chiếc ghế bành bố hay ngồi và nghe một tiếng đổ vỡ trầm đục. Đó là cái gạt tàn lớn bằng sứ với nàng tiên cá trên một hòn đảo nước gợn lăn tăn ở giữa. Cái gạt tàn vỡ thành hai mảnh gọn gàng, ngay chính giữa.
Michael vẫn từ chối đến bệnh viện thăm bố. Fredo bỏ mặc. Khi keo dán khô đi, đường vỡ ngay giữa cái gạt tàn hầu như không còn nhận thấy.
Ngày Vito xuất viện, Carmela đã thức dậy từ sớm tinh mơ, nấu bữa ăn thịnh soạn để đón ông trở về.
Toàn thể gia đình đến đón mừng: Sonny và cô vợ mới cưới Sandra, Tom và vị hôn thê, Theresa, tất cả mọi người. Vito trông có vẻ mệt mỏi hơn là suy yếu. Ông tỏ ra đặc biệt yêu thích Michael. Không hề có lời nào trách cứ việc Michael không đến bệnh viện thăm ông.
Trong khi các tour rượu cứ xoay vòng 360 độ yêu liên miên và các ly rượu được nâng lên cao để chúc mừng rồi uống cho cạn ly đầy để lại rót cho đầy ly cạn, thì một cơn giận dâng lên trong lồng ngực của chàng trai trẻ Michael Corleone. Cậu còn một năm nữa mới đến sinh nhật thứ mười sáu và vẫn còn sợ rằng mình sẽ bị lôi kéo làm việc cho bố mình. Ngay cả trong thời gian hòa bình và thịnh vượng của cái thế giới mà bố cậu điều hành, Vito vẫn không bao giờ an toàn tránh khỏi vô số người nghĩ rằng họ sẽ được lợi từ việc giết ông. Michael yêu gia đình mình với tất cả chiều sâu và chiều rộng của tâm hồn cậu, tuy vậy đồng thời cậu lại muốn thoát li khỏi nó: căn hộ này, hàng xóm láng giềng này, thành phố này, cuộc đời này. Cậu muốn đi đâu, điều ấy cậu cũng chưa có ý niệm thực sự nào. Tại sao cậu muốn làm như thế đó là chuyện vượt quá mọi tính toán.
Chỉ khi nào người ta đã già dặn tuổi đời, kinh lịch đã nhiều, suy nghĩ đã chín người ta mới đủ khôn ngoan để nhận ra sự ngông cuồng khờ khạo của việc cố thử đoán mò tại sao một người nào đó lại làm một chuyện gì đó.
Khi Carmela gật đầu ra hiệu cho Connie giúp bà dọn bàn để dùng món tráng miệng, Michael dùng muỗng gõ leng keng ly rượu của mình. Cậu đứng lên. Từ đầu bữa ăn đến giờ cậu không uống rượu nhiều. Michael không nhìn ai khác ngoài bố. Ông đang cầm chiếc nĩa nửa chừng xâm xuống món bánh tráng miệng. Khi đôi mắt bố con gặp nhau, ông bố hơi mỉm cười. Nhìn thấy bố mỉm cười như thế trong khi lòng chàng đang bị chấn thương sâu sắc khiến cho Michael càng giận sôi lên.
“Tôi thà chết,” Michael nói, nâng cao ly lên, “hơn là lớn lên để trở thành một người như ông.”
Yên lặng sững sờ trùm lên bàn ăn như một tấm vải liệm nặng nề. Từ chỗ Michael đứng, mọi người đã biến đi. Chỉ còn trơ trọi hai con người đối mặt nhau trong thế giới mênh mông này.
Vito ăn miếng cuối cùng của chiếc bánh gà hình vỏ sò và bỏ chiếc nĩa xuống. Ông với lấy cái khăn và lau mặt, một cách hầu như thanh lịch, dễ thương, rồi đặt cái khăn xuống, và, với ánh mắt lạnh đến nhức buốt chưa từng bao giờ hướng đến bất kỳ ai trong gia đình mình, ông trừng mắt nhìn xuống cậu út trong nhà.
Cổ họng Michael nghẹn lại. Cậu nắm chặt ly rượu. Cậu vẫn đứng, nhưng chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng chờ ông bố cười nhạo mình hay ngọt nhạt mỉa mai về con đường dài mà cậu cần phải trải qua để trở thành một người giống với bất kỳ ai. Hay sẽ nổi cơn thịnh nộ sấm sét trút xuống đầu cậu.
Nhưng thay vì thế, bố vẫn tiếp tục trừng mắt chiếu bí cậu.
Michael cảm nhận những luồng run rẩy chạy qua người, và đôi chân bắt đầu run. Những khớp tay nơi bàn tay phải của cậu trắng bệch bên ly rượu. Cái ly vỡ ra. Rượu, máu và mảnh vỡ thủy tinh rơi xuống bàn, và vẫn không ai nói lời nào. Michael cố không lay chuyển nhưng cậu vẫn đang lắc lư ngoài ý
muốn.
Cuối cùng, Vito Corleone vươn tay cầm lên ly rượu của mình.
“Ta chia sẻ ước nguyện của con,” ông nói, giọng chỉ cao hơn tiếng thì thầm một tí.
Uống một hơi cạn ly, ông khẽ khàng đặt lại ly xuống bàn. “Chúc con may mắn,” ông nói, và thu lại tia nhìn.
Đôi gối của Michael oằn xuống. Cậu ngồi xuống.
“Làm ơn.” Vito chỉ vào đống miểng ly. “Hãy giúp đỡ má con. Dọn sạch chỗ đó đi.”
Michael làm như được bảo. Em gái Connie và mẹ đứng lên lau dọn mọi thứ khác và ăn tráng miệng nhưng không ai nói lời nào. Món sfogiatelle và cà-phê được bày lên bàn và những âm thanh chỉ còn là tiếng muỗng khuấy và tiếng nhai. Michael lấy khăn quấn quanh bàn tay chảy máu của mình và ăn, đầu cúi xuống. Ngay cả Fredo cũng không tìm cách giảng hòa và làm cho mọi chuyện bớt vẻ ảm đạm.
Những người con khác trong nhà Corleone dường như không bao giờ toan tính nổi loạn chống lại bố. Santino giống một con chó quyết liệt trung thành với chủ. Fredo thì tìm kiếm sự chấp thuận của bố một cách nô lệ. Còn Tom mặc dầu không phải là máu mủ nhưng vẫn tìm kiếm sự chấp thuận của Vito với nhiệt tình không kém gì Fredo và cuối cùng lại thành công hơn. Connie cô út và là con gái duy nhất trong nhà, thụ hưởng vai trò “con gái rượu” ngoan hiền, được cưng chiều, cả sau khi bố chết một thời gian lâu. Chỉ có Michael cảm thấy nhu cầu nổi loạn - như, oái ăm thay, đứa con được yêu thích nhất của mọi gia đình vẫn thường có khuynh hướng đó.
Đó là cuộc nổi loạn của “đứa con Ý tốt lành”. Không hề có chút gì chống lại mẹ. Michael quá quyến luyến mẹ đến độ có một thời Vito lo lắng về tính nam nhi chi chí của cậu con út. Cậu không làm gì gây bối rối cho gia đình. Chẳng phải là cậu không vâng lời cha mẹ, thế nhưng mỗi lựa chọn của cậu dường như đều được tính toán để thể hiện một thứ đối đầu với bố mình.
Chẳng hạn, khi Fredo lần đầu bảo Michael rằng bố họ từng đặt câu hỏi về tính đàn ông của Michael thì Michael liền ngưng đem bạn gái về nhà, nhằm làm cho gia đình thêm mù mờ về mình. Khi Sonny đề nghị đem một em gà tơ hạng sang làm quà cho sinh nhật thứ mười bảy của cậu, Michael nói rằng chàng không nghĩ là bạn gái mình thích chuyện ấy, và khi Sonny hỏi, “Bạn gái nào?” Michael bèn xuất hiện trong buổi ăn tối Chủ nhật với một cô nàng tóc vàng ngực nở nang mà chàng ta đã hẹn hò đi chơi với nhau nhiều tháng rồi. Chàng bắt đầu, cứ độ vài tuần lại mang một bạn gái mới về nhà. Nhưng không có cô nào người Ý. Lần duy nhất mà bố từng nói với chàng về chuyện đó, Michael bảo rằng chàng yêu quí mẹ mình, nhưng trong cả thế giới này không hề có người phụ nữ nào khác giống bà và sẽ không bao giờ có. “Đó không phải là chuyện của bố,” Vito sau đó rỉ tai cậu con, nhưng rõ ràng là với sự đồng thuận. Michael không mang cô gái nào khác về nhà trong bảy năm liền, cho đến khi chàng mang Kay như là khách mời của mình đi dự đám cưới Connie.
Michael thi vào Đại học Princeton và Đại học Columbia và đậu vào cả hai nơi. Chàng chọn học Columbia vì anh Tom đã học trường Luật ở đó. Đang học đến nửa học kỳ thứ nhất, chàng được biết rằng bố mình đã hiến tặng một khoản tiền lớn vào quỹ phát triển tài năng của đại học. Chàng đi gặp Tom, rủ đi ăn trưa ở Plaza Hotel và bảo với anh ta rằng chàng bỏ học ở Columbia. Chàng hỏi liệu mình có thể ở với anh Tom và chị Theresa sau khi chàng làm như vậy hay không. Tom đang làm việc ở thị trường chứng khoán Wall Street và hai vợ chồng có một căn hộ ở trung tâm thành phố. “Cần có thầy phụ đạo,” Tom nói. “Rất nhiều người đua tranh nhau trong năm đầu.”
“Em đang có toàn điểm A,” Michael nói. Chàng giải thích với Tom tại sao chàng muốn bỏ học. “Nếu tất cả các sinh viên tại đó mà bố họ ở vào vị thế có thể hậu thuẫn cho nhà trường.”
“Em không cần quan tâm đến ai khác. Em muốn mình được học ở đó là do chính khả năng, trình độ của mình.”
“Em quá ngây thơ mà anh không biết phải giải thích với em thế nào nữa.” “Vậy là đồng ý?” Michael nói. “Em chắc là anh còn phải hỏi chị Theresa.”
Tom lắc đầu và nói, không, anh có thể bảo Theresa nghe. Nếu Michael muốn phạm lầm lỗi lớn nhất đời mình, Tom cũng không ngăn cản đâu.
Đến cuối học kỳ, Michael với toàn điểm A, lại bỏ một trường đại học danh tiếng và cố đi tìm việc làm. Thất bại, cuối cùng, trong một bữa ăn tối, chàng hỏi Tom là mình có thể mượn đủ tiền để theo học ở City College hay không. Khi Tom bảo chàng rằng nếu phải mượn tiền đi học thì nên mượn để theo học ở Columbia, Michael không nói gì.
“Đấy chính là điều mà ông cụ sẽ làm,” Tom nói. Anh ngưng lại, nhưng Michael không hỏi anh có ý nói gì. Tom chỉ trả lời bằng yên lặng.
Và Michael bảo lưu. Theresa dọn bàn trước khi bất kỳ ai nói thêm bất kỳ lời nào. “Bạn không thể chạy thóat khỏi con người mà bạn là,” Tom nói.
Michael cười lớn. “Đây là nước Mỹ, anh bạn mồ côi thân mến ạ.” chàng ta nói. “Chạy khỏi con người mà chúng ta là, đó là con người mà chúng ta là.” (Running from who we are is who we are. Ý muốn nói là bản chất đích thực của chúng ta là luôn muốn vượt thoát con người hiện đang là của chúng ta, luôn muốn từ bỏ hiện thể - con người mà ta đang là - để vươn đến nhiệm thể - con người mà ta mong muốn là. Nhưng đây chỉ là suy diễn chủ quan của người dịch, không bảo đảm đúng hay sai, chỉ là nhân tiện ngứa nghề nên góp một lời bàn bên lề, thế thôi!)
Trong một lát, đôi mắt của Tom ánh lên sắc giận. nhưng anh trấn tĩnh lại. “Chú muốn tiền, chú dư biết chú có thể lấy đủ số tiền chú cần ở đâu, cho bất kỳ chuyện gì. Tôi không xen vào giữa chuyện này
nhiều hơn những gì tôi đã làm.”
Michael rơi vào bẫy. Chàng ta có thể thách thức những kỳ vọng của bố mình bằng cách yêu cầu được tham gia vào công việc của gia đình, điều không thể bàn cãi. Đến trường, học hành chăm chỉ và trở thành một bác sĩ, một luật sư, một giáo sư: đó là những gì mà bố chàng mong muốn. Ông muốn Michael theo con đường hoàn toàn khác. Nhưng có con đường nào Michael có thể theo mà chàng lại chẳng thấy đã được ghi dấu ấn sáng chói bởi bàn tay vô hình của bố mình? Song phần lớn các con đường sẽ không sáng rực đâu. Chúng bị đêm tối bao trùm, được các đèn rọi chiếu sáng và có những lan can cứng cáp ở hai bên.
Chàng có thể đi đâu?
Bố chàng đang xây một căn nhà ở Long Island (Đảo Dài), và đến mùa xuân gia đình sẽ dọn đến đó - Connie, tất nhiên rồi, lên mười sáu, và cả Fredo, vẫn còn ở nhà với bố mẹ. Sonny và Sandra vừa mới có cặp gái song sinh và có căn nhà ngay kế bên. Trên bản thiết kế cho căn nhà của bố chàng là một căn phòng được ghi là “Phòng ngủ của Michael.” Khi thấy nó chàng có cùng cảm giác nghẹt thở như khi chàng nghĩ công việc làm ăn của gia đình sẽ đòi hỏi chàng phải dính líu vào, ở tuổi mười sáu.
Michael đã làm mồi cho lời nguyền đó của tuổi trẻ; chàng chỉ biết điều gì mình không muốn mà không biết mình muốn gì. Một đời sống bị điều khiển bởi sự tránh né thì cũng giống như một đội bóng cố không để bị thua. Giống như người chơi trò nhảy dù thể thao cố tiếp đất bất kỳ nơi nào trừ ngọn cây đàng kia. Giống như đôi tình nhân trần truồng ở thiên đường được tự do để làm bất kỳ chuyện gì, ngoại trừ.
Thế nên Michael đã làm điều mà hàng ngàn người trẻ tuổi hoang mang của những năm 1930s đã làm: gia nhập những Đoàn Chí nguyện Dân sự.
Phần lớn những người khác trong đoàn, hẳn nhiên rồi, là những người kém may mắn, không có cơ hội nào, những người kể các câu chuyện về tình trạng nghèo khổ đến tuyệt vọng khiến Michael, mặc dầu từng nghe bố mẹ kể chuyện đã sống trải qua những tình huống tương tự, không thể hiểu được trước đó. Chàng được điều đến Thung lũng Sông Winooski, bang Vermont. Chàng đã trồng vô số cây và chuyển không biết bao nhiêu là tấn đất. Không giống những người Ý khác, chàng ăn những thực phẩm nhạt nhẽo vô vị mà không hề than phiền. Tên của chàng thường xuyên bị phát âm sai nhưng chàng không bao giờ sửa sai ai. Chàng tình nguyện giúp các thầy giáo đến để dạy các lớp đêm và không lâu sau đó chàng điều hành chương trình giáo dục của trại. Chàng dạy cho hàng trăm người biết đọc, phần lớn là những người Ý chỉ mới biết đọc tiếng Ý một cách vất vả khi Michael bắt đầu làm việc với họ. Giống như mọi người khác, chàng được trả ba mươi đô-la mỗi tháng mà hai mươi bốn đô trong đó được tự động trích ra để gửi về nhà cho gia đình. Buổi tối Michael nằm trên chiếc giường hẹp và cố tưởng tượng ra khuôn mặt của bố mình mỗi tháng khi tấm chi phiếu đó đến nhà. Chỉ trong thời kỳ tán tỉnh những người vợ của mình, Kay (người vợ thứ nhì nhưng lại là cuộc tình thứ nhất) và Apollonia (người vợ thứ nhất, cuộc tình thứ nhì) là những khoảng thời gian mà Michael chưa bao giờ hạnh phúc hơn.
Trong trại của anh có khoảng một ngàn người. Phần lớn chỉ mới một hay hai thế hệ rời khỏi gốc rễ ở
châu Âu. Tuy vậy, nếu có một điều kết hợp họ với nhau đó là niềm tự hào được làm người Mỹ, một niềm tự hào được tăng cường bởi nhiệm vụ chung được chia sẻ hàng ngày. Vậy nên khi Đức sáp nhập Tiệp khắc, những người đến tứ Đức không cảm nhận sự thù oán từ những bạn đồng trại người Tiệp hay người Slovak. Tương tự như vậy, nhiệt tình dân tộc chủ nghĩa duy nhất gây xúc động nơi thung lũng Winooski bởi cuộc xâm lăng của Ý đối với Albania và cuộc chiến tranh Nga - Phần lan là một nỗi khiếp sợ được chia sẻ về những gì có thể xảy ra tiếp theo và sẽ ảnh hưởng đến nước Mỹ như thế nào.
“E rằng sẽ khác đối với chúng ta đấy,” một đêm nọ Joe Lucadello nói. Chàng ta cũng là một thầy giáo. Họ là những người cuối cùng rời lớp học và khóa cửa lại. “Những người Ý. Hẵng đợi đấy.”
Những người của Joe đến từ Genoa qua ngã Camden, New Jersey. Anh từng mong ước làm một kiến trúc sư, nhưng gia đình anh đã mất tất cả trong cuộc sụp đổ thị trường chứng khoán. Hiện nay anh thiết kế những tường chắn và những lều trại dã ngoại. Người gầy nhom nhưng khôn khéo như một quan chức đảng chính trị, Joe là người bạn tốt nhất của Michael ở trong đoàn.
“Mình cũng từng băn khoăn giống như bạn”, Michael nói. Nếu nước Mỹ bị lôi kéo vào cuộc chiến ở châu Âu, mọi người gốc Ý sẽ bị nghi ngờ.
“Các bạn người Đức trông như thể là...” “Tôi biết,” Michael nói. “Bạn nghĩ đúng.”
“Đừng cười, nhưng tôi từng tham gia vào một kế hoạch hạ sát Mussolini.”
“Hay đấy,” Michael cười lớn. “Này tráng sĩ!Bạn làm thế nào để hành thích bạo chúa?”
“Mình không nói là mình biết phải làm thế nào. Mình chỉ nói là mình đang làm việc cho một mưu đồ thiên nan vạn nan nhưng không phải là hoàn toàn bất khả thi.”
Joe quả là một kết hợp hiếm hoi: một người vạch kế hoạch dồi dào tài năng chuẩn bị để hành động. Bình thường anh ta cũng thực tiễn nhưng anh ta có bản chất mê lí tưởng.
“Bạn không thể lại gần Mussolini trong vòng năm dặm. Không ai có thể.”
“Hãy suy nghĩ chuyện này đi. Bạn đã đọc nhiều sách lịch sử. Chưa từng có bất kỳ ai - người anh hùng nào hay kẻ đê tiện nào, ông vua nào hay nhà lãnh đạo nào - lại không thể giết được.”
Đó là một ý tưởng nghiêm túc. Michael từng suy nghĩ về chuyện này và chàng nhìn nhận rằng có lẽ Joe có lí. “Tôi giả thiết rằng khi bạn đã làm được vệc đó với Mussolini thì bạn sẽ nghĩ đến Hitler.”
“Tôi biết là mình chỉ đang mơ mộng thôi,” Joe nói. “Tôi không phải là đứa ngông cuồng dại dột. Tôi biết mình không thực sự là con người có thể đơn thân mang con chủy thủ vào nơi hiểm địa. Nhưng thật đau lòng khi nhìn thời thế đảo điên mà ta lại không thể làm gì để góp phần ngăn chận tai họa cho muôn
người.”
Về điểm này thì họ nhất trí. Mối bất hòa từ xưa giữa người Ý miền bắc và người Ý miền nam không gây hiệu ứng gì trên tình bạn của hai người hay trên sự khinh miệt cùng chia sẻ của họ đối với Mussolini. Họ sợ chiến tranh. Nhưng đồng thời - vì chiến tranh có thể sẽ nghiền nát Mussolini và đồng thời có thể sẽ là cơ hội cho những người như họ được một lần và cho mãi mãi chứng tỏ mình trong con mắt của người dân Mỹ - họ lại mong muốn nước Mỹ tham chiến.
Lại nữa, còn có vấn đề về Ustica. Gần như cùng lúc với việc Mussolini kí kết hiệp ước lập Trục Berlin -Rome với Hitler, ông ta ra lệnh cho quân đội của mình ở Sicily bố ráp mọi phần tử Mafiosi dầu là đã biết chắc hay chỉ khả nghi và cầm tù họ trên một đảo nhỏ ở Ustica (Vito Corleone vẫn tiếp tục nhìn Mussolini như một kẻ đàn áp đầy hư vinh khác -just another vainglorious oppressor - mà thời vận cũng đến rồi đi thôi). Khi Michael và Joe nói về những con người bị cầm tù ở Ustica họ than trách việc thiếu những thủ tục theo qui định như ở Mỹ. Michael không để lộ ra mối liên hệ của bố mình với những con người kia. Joe chỉ biết gia đình Corleones là những người nhập khẩu dầu ô -liu. Có rất nhiều kệ để món hàng đó trong nhà bếp của trại.
Vào tháng sáu năm 1940, khi nước Ý tuyên chiến chống lại Đồng minh, Joe Lucadello nảy ra một kế hoạch. “Chúng ta qua Canada,” chàng ta nói.
“Có gì ở Canada vậy?”
Joe rút ra một mảnh cắt từ báo. Theo bài báo thì Không lực Hoàng gia Canada đang tìm kiếm những phi công Mỹ có kinh nghiệm. Một phi công cừ khôi thời Đệ nhất Thế chiến tên là Billy Bishop - “chàng Eddie Rickenbacker của Canada,” như bài báo gọi ông ta - sẽ đích thân trông coi việc huấn luyện của họ.
“Hay quá,” Michael nói, “tiếc rằng chúng ta đâu phải là những phi công có kinh nghiệm.”
Joe đã có cách xoay xở. Chàng ta có một người bạn, một anh chàng Do thái -Ba lan ở Rhode Island, từng là phi công chuyên đi xịt nước chống cháy rừng và xịt thuốc DDT để diệt muỗi và các loại côn trùng có hại khác. Joe nhờ anh chàng này chỉ dẫn những bài học về lái máy bay rồi ba chàng cùng qua Ottawa để đầu quân. Joe đã chạy được những mảnh bằng lái máy bay cho anh ta và cho Michael. Lúc đầu họ đều được chấp nhận. Hai ngày sau, Billy Bishop đích thân đi vào trại và yêu cầu gặp Michael Corleone (mà ông phát âm đúng theo kiểu Ý - một điềm chỉ có chuyện gì đó đã xảy ra). Ông ta đòi xem bằng phi công của Michael. Có nhiều người trong phòng đó không có bằng lái, có người chỉ là nông dân, người là diễn viên lưu động vậy mà mấy tháng sau cũng tự tay lái máy bay chiến đấu, tranh tài giữa không trung với các phi công Đức, Nhật. Bằng cấp không phải là điểm chính. Nhưng với linh cảm, Michael biết, không hiểu bằng cách nào đó, bố chàng đã đoán ra là chàng đến đây. Bây giờ mà sử dụng bằng lái giả thì chẳng còn nghĩa lí gì mà có thể còn làm liên lụy đến Joe nữa. Thế nên chàng nhanh chóng quyết định. “Xin lỗi ngài,” Michael nói với Billy Bishop. “Tôi không có bằng lái.”
Michael lên xe buýt trở về trại và làm việc lại. Sáu tháng sau, chàng ta lên chiếc xe buýt khác, hướng
về New York để dự lễ sinh nhật ngạc nhiên dành cho bố, khi người tài xế nghe tin tức về vụ Nhật tấn công Trân châu Cảng (Pearl Harbor). Lắc đầu, anh ta với người tới và vặn lớn radio lên. Cuối cùng, họ ra khỏi xe, xuống đường lại. Michael đi thẳng từ trạm cuối xe buýt đến Quảng trường Thời đại (Times Square). Quảng trường đông nghịt người với những anh chàng đang khoác lác về cuộc chém giết mà họ sắp lao vào. Michael sắp hàng để đăng kí nhập ngũ không quân, nhưng trong khi anh chờ một sĩ quan đi theo hàng quân và bảo mọi người ai có chiều cao dưới năm feet mười thì nên đầu quân vào binh chủng khác. Michael hụt đòi hỏi về chiều cao độ một inch. Thủy quân Lục chiến cũng hấp dẫn lí tưởng của anh. Một đạo quân chiến đấu ngon lành, ác liệt hơn những binh chủng khác với thời kỳ huấn luyện gian khổ và một bộ luật danh dự thiêng liêng. Binh chủng này cũng có đòi hỏi về chiều cao tương đương, nhưng xúc động đang dâng cao, và Michael với viên trung úy ghi danh cho anh đăng kí nhập ngũ trao đổi nhau một tia nhìn và họ hiểu nhau và anh được chấp thuận. Michael bắt chiếc taxi trở về nhà bố mình.
Đứa con cưng chiều nhất của Vito Corleone là người cuối cùng đến bữa tiệc sinh nhật của ông để nói” Ngạc nhiên chưa!”
Vito tỏ ra khắc kỉ khi nghe những tin tức liên quan đến Michael. Ông đặt những câu hỏi mà bất kỳ người cha yêu thương và quan tâm nào cũng làm thế. Rõ ràng là ông không chấp thuận, mặc dầu ông không bao giờ nói thế.
Trong những ngày tiếp theo, chính quyền Mỹ bao vây các công dân Mỹ gốc Ý trên khắp biên giới nước Mỹ và giam giữ họ như tù nhân chiến tranh. Thêm nữa là hơn bốn ngàn công dân Mỹ mang tên Ý cũng bị bắt giữ. Bố mẹ của Theresa Hagen cũng nằm trong số này, mặc dầu họ không bị kết án và nhanh chóng được phóng thích. Hàng trăm người khác với tình trạng pháp lí mập mờ hơn bị giam giữ lâu hơn
- nhiều tháng, nhiều năm - mặc dầu họ cũng chẳng bị kết tội gì.
Trước lễ Giáng sinh, chính quyền ban hành sắc lệnh hạn chế sự tham gia của công dân Mỹ gốc Ý vào những ngành công nghiệp liên quan đến chiến tranh. Trên khắp xứ sở nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ vật lộn với sóng gió để kiếm sống, nhiều công nhân các hãng xưởng và nhiều thư kí đánh máy dân sự cũng bị sa thải.
Vào lúc đó, Michael đang ở Đảo Parris, bò, trườn như một loài bò sát qua một bãi đậu xe được phủ lên bằng lớp vỏ sò được giã nát.
Bốn phần trăm dân số Mỹ đến từ Ý. Nhưng họ tạo thành mười phần trăm những công dân Mỹ chết và bị thương trong chiến tranh.
Mọi thứ mà chính phủ cấp cho Michael Corleone đều quá lớn - mũ đội đầu, đồng phục và cả giày lính. Nhưng anh không để ý lắm. Anh tự hào là Thủy quân Lục chiến và anh nhìn những gì anh muốn nhìn. Nhưng lần đầu mẹ anh thấy tấm hình cậu út của bà tóc cắt ngắn, mặc bộ quân phục rộng thùng thình, bà không cầm được nước mắt và không ngừng thổn thức suốt ba ngày liền. Sau đó bà để tấm hình lên giá lò sưởi. Mỗi lần đi ngang qua đó nước mắt bà lại trào ra. Mặc dầu vậy không ai dám đem cất tấm hình đi.
Trung đội của Michael Corleone ở Đảo Parris có bốn mươi bảy người, tất cả đều dân miền Đông, với sự phân chia khá đều giữa dân Bắc và dân Nam. Trước đây Michael chưa từng bao giờ ở phía Nam (nước Mỹ). Anh biết nhiều về sự đối địch giữa Bắc Nam ở Ý hơn là sự đối địch ở đây và anh ngạc nhiên biết bao khi thấy hai sự đối địch đó lại tương tự nhau đến thế. Từng sống ở Nam Ý và ở Bắc Mỹ, anh có thể thấy cả hai chiều. Và những lí lẽ tranh cãi nhau là về những chuyện không đâu. Chẳng hạn, về âm nhạc. Người Nam thích thứ mà người Bắc gọi là âm nhạc “sến”. Người Bắc thích Cole Porter, Johnny Mercer, những loại nhạc mà họ có thể nhảy theo. Mặc dầu Michael từng biết Johnny Fontane suốt cả đời mình, anh vẫn giữ riêng điều đó cho mình trong suốt những cuộc tranh cãi nổi lên về âm nhạc của anh ta. Bất kỳ khi nào có những cuộc cãi vã chí chóe về những chuyện lặt vặt làm cho người ta, dầu cho chỉ là trong khoảng thời gian ngắn, quên đi kẻ thù thực sự, thì anh chàng trung sĩ huấn luyện viên sẽ làm cho họ phải hối tiếc về chuyện đó - bằng cách trở thành kẻ thù thực sự. Tất cả mọi người đi đến chỗ sợ nhất là mình lại sợ hãi, sợ không hoàn thành nhiệm vụ khi thời điểm đến. Một giờ sau, họ lại sợ Trung sĩ Bradshaw hơn bất kỳ cái gì. Michael là một người lính trầm lặng, có khả năng, nhưng anh đã trải qua những ngày với niềm tin rằng vào bất kỳ lúc nào tay huấn luyện viên cũng có thể giết anh. Buổi tối, chàng nằm đổ mồ hôi trong chiếc giường hẹp, suy nghĩ miên man về thân phận người lính trong cuộc chiến.
Sự nghi ngờ của Michael - rằng yêu cầu về chiều cao của các binh chủng được đặt ra có phần là để ngăn chận người Ý không vào được những lực lượng tinh nhuệ - nảy sinh khi anh phát hiện rằng chỉ có một người gốc Ý khác trong trung đội của mình. Tony Ferraro, cũng đến từ New York, là một cầu thủ, thấp người, chắc nịch, đầu hói. Giống như Michael, anh ta đã tình nguyện đầu quân ngay khi nghe tin về biến cố Trân châu Cảng, nhưng điều anh ta thực sự muốn là đến Ý và gửi Mussolini xuống địa ngục.
Tony và Michael là hai người thấp nhất trong trung đội. Họ đi chậm và là những xạ thủ yếu, nhưng họ đã đến Philippines trong tình trạng thể lực tốt hơn phần lớn những người khác - và thấy hạnh phúc, bởi vì mọi điều mà họ từng nghe về trận địa Thủy quân Lục chiến đều đúng. Những con người ngã xuống, nôn mửa và cả mửa ra máu. Michael đã học cách yêu thích điều đó. Anh thấy tiếc cho những trung đội mà các huấn luyện viên cho họ trở về trại chỉ sau bốn giờ hành quân trong cát ngập sâu đến đầu gối thay vì tám giờ như Trung sĩ Bradshaw bắt trung đội anh làm. Khi khóa huấn luyện tân binh kết thúc, anh ta nói chuyện với trung đội và lần đầu tiên gọi họ là các chiến hữu.
Mọi chiến sĩ trong đơn vị lúc ấy đều yêu mến anh ta. Nhiều người tuôn ra những giọt nước mắt mà không hề thấy xấu hổ.
Michael không tuôn đổ cái gì nơi trại huấn luyện, chỉ sụt mất vài kí và ngạc nhiên thích thú về sức chịu đựng phi thường của mình.
Mấy tháng sau, Tony Ferraro đến tiếp viện một hòn đảo nhỏ xíu không tên và cũng chẳng có lợi ích chiến thuật gì thì bị một tay bắn tỉa Nhật bắn anh một phát ngay tim.
Trước rạng đông, mọi người vác súng trường, vai khoác ba -lô và đứng nghiêm bên một dãy xe tải
đang nổ máy ở số không. Một viên hạ sĩ, giọng Nam đặc sệt, gọi tên và nhiệm sở. Anh ta đọc sai tên Corleone, điều này Michael đã chờ đợi. Tuy vậy, anh lại bị sốc về những gì mà viên hạ sĩ nói tiếp theo đó.
Trại Elliott. Súng M1, bộ binh. Michael Corleone sắp đi về phía Thái bình dương. Giấc mộng góp phần giải phóng Ý đại lợi thế là tan vỡ. Nhưng những gì anh sắp làm là do sự tác động từ xa của bố anh, thông qua vị Hạ nghị sĩ thân thuộc của gia đình.
Michael không lộ ra điều gì. Một Thủy quân Lục chiến đi đến nơi nào mà mình đã nhận lệnh để đi. Dứt khoát không thắc mắc, không khiếu nại.
Một anh chàng miền Nam đã ở trên chiếc xe tải Camp Elliott đưa tay ra. “Chào mừng lên đàng, chàng Dago!” chàng ta nói, vừa kéo tay Michael lên.
Dago, đó là cái tên mà đám Thủy quân Lục chiến gọi thành phố San Diego (Nhưng độc giả chắc cũng nhớ rằng Dago cũng là cách gọi mỉa mai người Ý ở Mỹ của những nhóm chủng tộc khác). Michael cũng biết anh chàng kia có ý đùa mình theo cái nghĩa ám chỉ kia, nhưng anh không bị mắc mớp. Họ là Thủy quân Lục chiến, là huynh đệ chi binh, ra chiến trường sống chết có nhau mà, đó mới là điều quan trong trước tiên. Thứ nhì, họ đều là công dân Mỹ, cùng mang niềm tự hào là người dân của xứ sở Hiệp chủng quốc. Còn bất cứ cái gì khác đều chỉ là thứ yếu, đều chỉ là chuyện vặt.
Trước giờ Michael chưa hề thấy Miền Tây. Anh dành phần lớn thời gian trong cuộc hành trình ngồi ở cửa sổ của chuyến xe lửa chở quân, và như bị thôi miên. Đó là một cách rất tốt để nhìn những gì mà anh chiến đấu cho. Không gì có thể giúp ta hình dung ra tầm cỡ bao la, vẻ hùng vĩ và mỹ lệ của xứ sở này cho bằng một lần “tận mục sở thị”. Càng đi xa về hướng Tây anh càng thấy si mê cái vẻ hùng liệt sắc sảo đến phi thường của giang sơn miền Viễn Tây này.
Họ dừng lại để dự một khóa huấn luyện sa mạc tại một địa điểm cách Las Vegas khoảng ba mươi dặm nơi mà sòng bạc lớn đầu tiên đã mở cửa mấy tháng trước đó. Đêm đó Michael giết một con thỏ với đôi tay trần và ăn thịt nó nơi con kênh lạnh giá, mắt đăm đăm gởi mộng về muôn ánh hoa đăng rực rỡ của thành đô hoa lệ với những giai nhân nằm khoe lõa thể mà những con người có tầm nhìn xa giống như anh đã quyết tâm biến đổi thành một nền công nghiệp không khói sẽ còn tồn tại mãi ở đó, ngày càng thịnh vượng, lâu, rất lâu sau sự sụp đổ của các cường quốc khối Trục, của Đế chế Anh và của Liên sô, sau khi phần lớn các hãng xưởng và các nhà máy thép của Mỹ bị vỡ nợ hoặc dời sang Đông nam Á.
Tại San Diego, Michael trải qua mấy tuần huấn luyện khác, nghe một số bài thuyết trình về chính trị, quân sự, học những miếng đánh cận chiến thực tiễn, bơi lội, kỹ năng mưu sinh thoát hiểm... Nhưng đến khi nhận công tác, tim anh lại chùng xuống. Anh được phân công vào nhóm canh gác doanh trại. Vô thời hạn. Không được ra trận.
Ngay khi có được cơ hội đầu tiên, anh tìm đến một điện thoại trả tiền liền và gọi Tom. Gia đình Hagens đang ăn tối. Một em bé đang la khóc ở phía sau.
“Tôi sắp hỏi anh một chuyên đây, Tom à. Nếu anh dối gạt tôi, tôi sẽ biết. Và mọi chuyện sẽ không bao giờ còn như cũ giữa chúng ta.”
“Bất kỳ câu hỏi nào mở đầu như thế,” Tom nói,” là thứ câu hỏi mà người ta không nên đặt ra.”
Michael còn trẻ và không nao núng. Có lẽ đến một lúc nào đó anh sẽ hiểu ra rằng Tom mới vừa trả lời cho câu hỏi mà Michael sắp đưa ra: “Có phải Bố đã tác động vào việc phân công của tôi?”
“Phân công chú làm gì?” Tom hỏi.
Michael hạ thấp giọng. “Tôi không gia nhập binh chủng này để làm một anh cớm.” “Chú là anh cớm?” Hagen buông giọng lửng lơ.
Chán quá, Michael gác máy. Mấy ngày sau, Michael đi tuần trên bãi biển và đứng trên các cầu tàu, súng trường quàng vai, nhìn những người anh tin yêu khi chung đời quân ngũ bước xuống tàu ra khơi đến những chiến trường xa xôi mà lòng họ rất phơi phới, hăng hái huênh hoang về chuyện diệt thù, thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời. Những con người ra đi với hào khí chất ngất sẵn sàng gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao. Và Michael chẳng bao giờ còn thấy lại bóng dáng những “tráng sĩ nhất khứ bất phục hoàn” đó nữa.
Công việc chán ngắt nhất của phiên hiệu lính canh là làm sao cho những người dân sự tuân thủ luật tắt đèn phòng không (the blackout law). Người ta cứ ưa nghĩ rằng những tình huống của mình là đặc biệt và thật khó mà nói chuyện lí lẽ với họ được. Những đêm đầu khi đi thi hành luật này, nhiều lúc bực mình quá Michael chỉ muốn nện báng súng vào những khuôn mặt phì phị, vênh váo tự cho mình là quan trọng của những kẻ đáng ghét đó, nhưng anh nhanh chóng nảy ra một ý tưởng hay hơn. Viên sĩ quan chỉ huy của anh, người vẫn có một định kiến miệt thị hơn đối với đám dân sự, nghĩ rằng ý tưởng của anh thật xuất sắc. “Tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ nói điều này với một anh chàng người Ý,” viên sĩ quan chỉ huy nói,” nhưng anh bạn có lẽ là mang máu sĩ quan từ trong huyết quản.”
Michael mang theo hai người khác và đi đến kho chứa xăng dầu phía bắc thành phố, ngay trên bờ biển. Hai bồn chứa xăng lớn, cả hai đều trống. Đó là một sự thay đổi chiến thuật hay để tránh khỏi phải nhọc công nói chuyện phải quấy với đám dân sự ưa lải nhải cằn nhằn và cũng để có cơ hội ứng dụng khóa huấn luyện mà anh đã trải qua về chất nổ.
Ngày hôm sau, báo chí và đài phát thanh (mà nguồn vô danh là chính Michael, tự cho là Sĩ quan Chỉ huy) đưa tin là những bồn xăng bị nổ tung kia là do tàu ngầm của Nhật bắn trúng mà - vì những ánh đèn bất hợp pháp trong đô thị - nên chẳng gặp trở ngại gì khi nhắm mục tiêu.
Sau đó việc tắt đèn phòng không được áp dụng dễ dàng hơn rất nhiều.
Michael đi lên dãy phòng chỉ huy ở Trại Elliott, cố gắng xin được phân công lại. Anh đăng kí học lái
máy bay. Vào lúc bắt đầu cuộc chiến, muốn làm phi công phải tốt nghiệp cao đẳng, nhưng rồi qui định đã thay đổi để bất cứ ai có được 117 điểm trong kỳ thi nhập học cao đẳng đều có thể dự tuyển. Michael thi trắc nghiệm, được 130 điểm, nhưng không gì xảy ra. Sau một trong nhiều lần đứng nghiêm trong một ca bốn tiếng bên ngoài văn phòng Đô đốc King, Michael tìm cách để thưa chuyện với ông. Vị Đô đốc hứa sẽ đích thân xem xét trường hợp của anh. Ông còn có vẻ lạc quan về việc chuyển sang kịch trường châu Âu. Nhưng rồi vẫn không có gì xảy ra. Michael ở đó một năm mà tưởng chừng như mười năm.
Cuối cùng, anh thấy rõ rằng tay chánh văn phòng của đô đốc xem xét mọi giấy tờ trình cho ông và kí phần lớn giấy tờ đó. Michael tìm hiểu thị hiếu âm nhạc của tay chánh văn phòng và thu xếp mấy ghế ngồi hàng đầu ở Hollywood Bowl cho vợ chồng anh ta để thưởng thức buổi trình diễn độc nhất của danh ca Johnny Fontane tại đó.
Mấy ngày sau, Michael được tái phân nhiệm vào một tiểu đoàn chiến đấu.
Tiểu đoàn xuống tàu trên một con tàu chở khách sang trọng được chuyển đổi công năng thành tàu chiến, sơn lại màu xám và thay đổi thiết kế để bố trí các ụ súng. Đoàn quân được chất lên chiếc tàu đó trong chuyến hải hành kéo dài nhiều tuần lễ. Hầu như họ sắp cập cảng trước khi có bất kỳ một thông báo chính thức nào rằng họ sắp lên bờ ở Guadalcanal (nằm trong quần đảo Solomons ở Nam Thái bình dương).
Cuộc chiến đấu diễn ra trong nhiều tháng. Các tuần dương hạm của Nhật vẫn còn tiến vào bãi biển ban đêm và vẫn còn những ổ kháng cự với hàng trăm người trong những địa đạo chằng chịt, nhưng trên đại thể, cuộc chiến đã ngã ngũ với ưu thế nghiêng hẳn về phía Mỹ.
Bãi biển ở Guadalcanal là một bãi phế liệu ngổn ngang những xe cộ bị bắn cháy đủ loại - xe tăng, jeeps, xe chở quân... - nhưng khi Michael lần đầu tiên để mắt vào nơi này, với tất cả những rặng dừa xanh và cát trắng mịn, hòn đảo này đối với anh vẫn giống như một thiên đường vùng nhiệt đới, chỉ tiếc là thiếu bóng dáng thướt tha các nàng tiên nga hậu duệ xinh đẹp của bà Eve!
Michael trèo từ trên tàu xuống một chiếc thuyền nhỏ Higgins. Anh nghe tiếng pháo nổ ở xa xa nhưng không ai bắn vào anh lúc họ đổ bộ lên bờ. Khi bước chân lên bãi biển, anh trượt chân vào một thứ gì mềm nhũn và loạng choạng bay người đi. Anh đứng lên và chạy vào hàng cây. Anh lặn xuống để tìm chỗ nấp gần một đống dây kẽm gai rối tung lộn xộn và một đống xác chết thâm đen. Mùi hôi thối của da thịt người bị đốt cháy rồi đang phân rã xộc thẳng vào mũi và đi sâu xuống cổ họng, đọng lại thành cảm giác nhờn nhờn đến ghê người! Michael nhìn lại bãi biển và nhận ra rằng vật mà anh vừa trượt chân vào cũng là một xác người.
Quân Nhật để cho những binh sĩ chết trận tự thiêu thối hoặc trôi ra biển. Những tử thi này là những xác chết đầu tiên mà anh từng thấy ngoài nhà táng.
Những tay Thủy quân Lục chiến đã mặn mà với muối biển đón chào đoàn quân mới trông anh nào cũng dơ dáy, râu ria xồm xoàn và mỏi mệt như nhau. Họ lầm lì ít nói. Tất cả cuộc nói chuyện to tiếng mà
những người mới đến tạo ra trong những bộ đồng phục sạch sẽ, thẳng thớm bỗng nhiên trông giống như những cậu thiếu niên đang chơi trò cao -bồi và Da đỏ. Còn những người kia là những chiến binh (warriors). Khi họ dẫn Michael đi tuần lần đầu, anh giật mình thủ thế mỗi lần nghe tiếng lá sột soạt. Họ chỉ cười nhạo và tiếp tục băng rừng lướt bụi. Khi họ nhào xuống đất, Michael cũng làm theo. Anh có thể chắc chắn là không đến một giây sau sẽ có những viên đạn vạch đường, đạn pháo hoặc bom - những thứ nhắm giết ta.
Ngày thứ nhì ở Guadalcanal, anh đứng gác chu vi của đường băng. Anh nghe một máy bay đang đến. Một chiếc Trực thăng Hải quân đang vướng vào các ngọn cây và xì khói mù mịt. Phi công xoay xở cho máy bay tiếp đất cách khoảng một trăm yards. Máy bay bốc cháy. Michael chạy vọt như tên bắn đến đó, cố gắng giúp viên phi công thoát ra khỏi máy bay. Vào lúc đó hai chiếc xe jeep chở đầy người phóng tới nơi và viên chỉ huy trung đội của Michael, Trung sĩ Hal Mitchell la lớn bảo anh quay lại. Lửa cháy quá nóng. Chiếc xe cứu hỏa của họ đã bị ném bom trúng. Thiết bị mà họ dùng thay thế chỉ có thể dập tắt một đống lửa trại. Michael có thể thấy bên trong buồng lái. Viên phi công, bị mắc kẹt và đang kêu gào, nhìn thẳng vào Michael và xin được bắn chết. Michael nắm lấy súng trường, nhưng viên trung sĩ không ra lệnh nào. Tiếng gào thét ngưng hẳn ngay sau đó. Michael cần được điều trị vết phỏng vì đứng quá gần.
Khoảng một tuần sau, chiến thắng được công bố ở Guadalcanal. Những Thủy quân Lục chiến nào đã tham chiến tích cực tại đó được luân phiên nghỉ phép, được về thăm nhà hoặc ít nhất là vài kỳ Nghỉ ngơi & Giải trí ở New Zealand. Các đạo quân thay thế được để lại phía sau để bảo đảm an ninh cho đảo. Trên bản đồ Guadalcanal chỉ là một cái chấm nhưng thật ra đảo dài cả trăm dặm và rộng khoảng hai mươi dặm, nhiều rừng râm và đất khô cằn sỏi đá và sự tàn phá để lại phía sau bởi trận chiến kéo dài nhiều tháng. Chưa kể đến bao nhiêu là hang động.
Các hang động là cả một cơn ác mộng. Những xác người chết không đếm xuể, những khe sâu đầy chất thải, những đoàn quân kiến mà mỗi con dài cả một inch, những con chuột có kích cỡ bằng gấu trúc Mỹ. Từng nhóm bốn Thủy quân Lục chiến cùng một chú chó Doberman đi lục soát các hang động. Michael lúc đầu cũng yêu thích một chú chó nhưng sau khi vài cặp chó bị nổ tung xác bởi những tử thi có gài bẫy mìn, anh không còn dám theo sát chúng nữa.
Trong một lần lục soát hang động Michael bắt được một lính Nhật gầy yếu và gần chết. Anh xốc hắn ta đứng lên. Người lính Nhật chỉ vào lưỡi lê của Michael. Anh ta ra dấu Michael đâm vào bụng mình. Michael không muốn làm điều đó. Anh ta trông bớt căng thẳng và vẻ mặt dần trở lại nét thanh thản.
Lúc đầu, giống như hầu hết những người trong nhóm đi lục soát các hang động, Michael coi công tác này như một chiến dịch tận dụng đồ phế thải. Anh học cách lột đôi giày ống khỏi một tử sĩ Nhật nhanh hơn người ta có thể rút chiếc đồng hồ từ trong túi mình ra để coi giờ. Trở về doanh trại, thị trường những đồ đạc này tràn ngập, và những thứ tốt nhất rời khỏi đảo với những chàng Thủy quân Lục chiến dạn dày trận mạc nơi đây nhất. Nhưng một con người có máu kinh doanh có thể tìm thấy một con đường. Với Michael Corleone, con đường đó hướng về người bản địa. Bất cứ thứ đồ gia dụng nào đều có thể đem bán dễ dàng tại địa phương này. Michael đem phần lớn những gì anh tìm được để đổi lấy các loại hải sản tươi sống như cá, tôm, cua, sò, mực vv... Mọi Thủy quân Lục chiến đều khoái chiến
hữu nào có khả năng cải thiện bữa ăn đơn điệu tẻ nhạt trong sinh hoạt quân ngũ bằng những món lạ để thay đổi, đem lại hứng thú cho khẩu vị, nhất là trong khu vực chiến sự.
Tuy nhiên, một sáng nọ, Michael thức giấc và thấy con thú cưng của anh, một con vẹt mào mà anh đã lấy một tút thuốc lá để trao đổi với người bản xứ, bị nuốt trọn bởi một trong những chú chuột khổng lồ kia. Anh đuổi con chuột ra khỏi lều, và khi làm như thế anh nhìn lên và bắt gặp một mạng nhện lớn chưa từng thấy, giăng giữa hai cây dừa. Con nhện đã bắt được một con mòng biển vào trong mạng và đang vừa đánh chén con chim nọ vừa như đang gật gù tự khen thưởng cho thành quả lao động của mình! Ngày khác lại có thêm mấy chú chó banh xác vì bẫy mìn. Có những ngày trôi qua như thế. Họ sắp sửa cho nổ tung một hang động cuối cùng và trở về doanh trại căn cứ khi Michael để ý thấy một hình vẽ bằng bút chì trên mặt đất. Anh thấy quả là kỳ dị khi một chàng lính Nhật nào đấy đi ngang qua đây và dành thời gian để tô màu một bức tranh. Michael cuối xuống nhìn. Có nguyên cả một xấp tranh vẽ. Bức trên cùng vẽ một phi cơ đang bay giữa trời với một viên thịt ở bên hông và nhiều người đứng trên mặt đất đang tươi cười vẫy tay lên chào. Một bức khác vẽ một gia đình ngồi ở bàn ăn nhưng có một ghế để trống, một bức tranh vẽ nàng công chúa và nhiều tranh vẽ ngựa. Đúng là một cô gái nhỏ bình thường vẽ những bức tranh bằng nét bút hồn nhiên trẻ thơ để gửi đến cho người cha đang chinh chiến ở một phương trời xa xôi nào mà cô không hình dung ra, và có lẽ đã tử trận khi lao vào một cuộc chiến mà tiến trình của nó ông không thể thay đổi theo hướng này hay hướng kia. Michael đem những bức vẽ ra ngoài rồi ra hiệu làm nổ hang động.
Anh trở về doanh trại và nghe tin Sicily đã được giải phóng. Michael Corleone sẽ không bao giờ còn lấy bất kỳ thứ gì khỏi kẻ thù nếu như thứ ấy không thực sự tối cần thiết cho sự sống còn của anh.
So với bao nhiêu tiểu đoàn khác thì tiểu đoàn của Michael đã dễ dàng hơn nhiều khi đặt chân lên Guadalcanal. Họ cũng đã tiến hành tốt những trận đánh lẻ tẻ trên một số đảo nhỏ lân cận.
Nhưng khi đến Peleliu thì lại là một câu chuyện khác. Bởi tiểu đoàn của anh đi đầu trong việc đánh chiếm hòn đảo này. Đại pháo dập tưng bừng phía trước để mở đường.
Đoàn xe đi xuống tàu để đánh chiếm đảo trông giống như đoàn xe Okies tiến về miền Tây. Mỗi inch của sàn xe được nhét đầy người và máy móc, chất cao và phủ lại bằng vải nhựa chắp mảnh. Khí hậu nóng không chịu nổi, một trăm mười độ (Farenheit) ban ngày và chín mươi độ ban đêm. Không có đủ chỗ ngủ cho mọi người. Họ chen chúc nhau trên boong tàu, trong hoặc dưới các xe tải, bất kỳ nơi nào họ có thể tìm được bóng râm. Michael chỉ làm bộ như ngủ thôi. Ngay cả những chiến binh dạn dày trận mạc nhất trên tàu trông cũng nhợt nhạt và nao núng.
Vào lúc Peleliu hiện ra trong tầm nhìn thì tất cả những gì để nhìn chỉ là một bức tường khói lửa. Hàng chục thiết giáp hạm nghiền nát hòn đảo với đạn pháo mười sáu inches liên tục vang rền như hàng đoàn xe lửa tốc hành rầm rập nối đuôi nhau không dứt. Các tuần dương hạm rải đạn súng cối như mưa rào. Chẳng mấy chốc âm thanh của mọi loại súng đang oanh tạc Peleliu trở thành những tràng sấm rền điếc tai khiến người ta có cảm giác như cả cái khối lượng khổng lồ của bao nhiêu những tiếng động ghê hồn kia đồng loạt đổ ập xuống người mình, đè nặng lên đầu lên ngực mình. Toàn bộ chiếc tàu nhô lên thụt xuống phập phồng theo nhịp áp lực của tiếng động đó. Không khí ngửi đặc quánh mùi dầu diesel. Lực
lượng xâm chiếm chất đống trong những xe tải lưỡng hành (amphibious tractors, xe có thể chạy trên bộ và lội nước) và những xuồng cao tốc Higgins và ngồi xổm dưới các giá súng.
Họ xông thẳng vào giữa chiến trường. Không khí đầy những tiếng rít của đạn đạo. Khói dày đến độ Michael không thể tưởng tượng làm thế nào người tài xế biết chạy đến đâu. Anh cảm nhận chiếc xuồng va quệt vào rặng san hô ngầm. Trung sĩ Mitchell hô to lệnh xông vào bờ biển. Michael nhảy ra khỏi thuyền và chạy tới. Mọi thứ chìm trong làn khói mịt mù và hỗn mang. Anh ý thức được là có những người ngã xuống chung quanh mình và những tiếng kêu rên đau đớn, nhưng anh tiếp tục cúi thấp đầu và sẵn sàng hành động cùng hai Thủy quân Lục chiến khác đàng sau một thân cây ngã. Trên và dưới bãi biển xe cộ nổ tung, bốc cháy và những con người khấp khiễng, lê lết ra khỏi xe để rồi bị cắt nát thành những mảnh vụn bởi hỏa lực súng máy. Michael chứng kiến những cái chết của ít nhất là hàng trăm anh em đồng đội của mình. Những con người mà anh yêu mến và tin cậy, mặc dầu anh không phải là người dễ tin ai. Nhưng tất cả những gì anh cảm nhận chẳng có cái gì rõ ràng mà chỉ lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Bản thân anh cũng bị thương, một viên đạn sượt qua cổ. Chỉ là một vết xước qua nhưng máu vẫn tuôn chảy ròng ròng. Michael chẳng có ý niệm gì cho đến khi người bên cạnh anh, một hạ sĩ đến từ Connecticut tên là Hank Vogelsong, hỏi anh có sao không.
Trong chiến đấu, không ai thực sự biết được điều gì đang xảy ra. Ở một nơi nào đó sau lưng họ xa là một đại tá phụ trách tất cả mặt trận này nhưng ông ta chẳng biết mũi súng của đám quân dưới quyền mình đang chỉa về hướng nào. Một người nào đó mà Michael chưa hề biết và ông ta có lẽ cũng không bao giờ để mắt đến anh, đã quyết định rằng anh có thể hy sinh. Không phải riêng cá nhân Michael. Không có vấn đề cá nhân, riêng tư ở đây. Mà đó là chiến tranh. Và Michael chỉ là quân tốt đen. Ở Peleliu, anh chỉ cố làm sao để khỏi chết. Chẳng có gì là tinh khôn hay dũng cảm cả. Chỉ có điều là anh may mắn hơn hàng ngàn chàng trai trẻ khác trong sư đoàn của anh đã tử trận ngày hôm đó.
Một khi có đủ quân số băng qua bãi biển, họ có thể tiến vào đất liền và bắt đầu chất đá và những mảnh vỡ làm công sự che chắn và nhờ đó họ có thể bắn trả. Hỏa lực địch chậm bớt lại, thưa dần nhưng nguyên đêm đầu tiên đó Michael vẫn bị ghim xuống sát đất. Hình như quân địch bỏ ý định tấn công mở đường máu mà Michael từng được huấn luyện để đối đầu và như vậy bên anh không có cơ hội để tàn sát chúng.
Trời vừa rạng đông, Trung sĩ Mitchell tổ chức cuộc tấn công lên dãi đất hẹp trên đỉnh đồi nơi phần lớn hỏa lực của địch tuôn về phe ta. Michael và mười chiến sĩ khác chạy ào lên đến một mô đất với bụi cây còi cọc lơ thơ cách khoảng năm mươi yards. Hai chiến sĩ bị địch bắn hạ và hai người nữa bị thương trước khi họ đến được nơi đó. Một xe tăng Mỹ tiến về phía bên kia của dãi đất và khai hỏa theo cách mà xe tăng vẫn thường làm. Sau đó hỏa lực địch ngưng bặt. Quân Mỹ còn cách đỉnh cao của dãi đất khoảng hai mươi bộ. Hal Mitchell điều ba người với súng trường tự động và hai với súng phóng hỏa tiến lên đỉnh. Khi họ sắp sửa đốt cháy nó thì quân Nhật khai hỏa. Trung sĩ Mitchell ra lệnh cho Vogelsong và Michael giúp anh ta khiêng người bị thương ra khỏi nơi đó và rút lui. Trong khi Michael che chắn cho họ, Vogelsong và Trung sĩ Mitchell khiêng một trong những chiến sĩ bị thương trở lại nơi Michael đứng. Trong khi họ trở lại để khiêng tiếp người kia thì một quả đạn pháo 80 li giết chết người bị thương và làm bị thương Vogelsong và Mitchell.
Về sau, khi được hỏi về những gì anh làm tiếp theo - cả bởi thượng cấp và sau đó bởi một phóng viên tạp chí Life - Michael không thể giải thích những gì đã ám ảnh anh khiến anh phải đi cứu các đồng đội của mình hoặc làm thế nào mà anh đã thoát hiểm và sống sót. Có lẽ vì có quá nhiều bụi san hô từ đạn cối. Có lẽ quân địch nghĩ chúng đã giết sạch đám bộ binh nên chúng hướng tiêu điểm về phía chiếc tăng mà chúng làm nổ banh xác trong khi Michael tấn công boong -ke của chúng. Michael chưa hề được huấn luyện để sử dụng súng phóng hỏa. Anh chụp đại lấy nó mà không suy nghĩ, mò mẫm bắn đại và giật mình lùi lại khi một cái lưỡi lửa dài và rộng trùm lên dãi đất hẹp trên đỉnh đồi.
Một luồng đạn súng máy từ một hang động túa đến bên phải anh và Michael cảm thấy như một cẳng chân của mình đã bị dứt lìa ra. Anh ngã xuống và trườn đi để tìm chỗ nấp - một mình nơi đỉnh cao của dãi đất, một cái đích dễ dàng bị bắn hạ, một con người hoàn toàn không thể phòng vệ, một miếng mồi quá dễ nuốt cho bất kỳ viên đạn bắn tỉa nào. Mùi thịt người được nướng lên bởi bom napalm quả là... không thơm ngon chút nào! Ngửi nghe phát ớn! Anh lãnh một viên đạn vào đùi và một viên khác đi xuyên qua bụng chân.
Ngay trước mặt anh là sáu binh lính địch mắt lồi ra, môi cháy đen. Da họ bị lột đi hầu hết. Xương thịt họ trông giống như một bộ xương trong sách khoa học.
Michael bị ghim xuống đất chỉ trong hai mươi phút trước khi đám quân Nhật trong hang động đó bị triệt hạ và một đồng đội người đầy máu từ đầu đến chân chạy đến kéo Michael khỏi chỗ đó. Anh đã sống qua bao nhiêu năm và thấy còn nhanh hơn hai mươi phút kia.
Anh không còn nhớ chút gì về chuyện bằng cách nào anh đã từ đó đến được Hawaii.
Ý tưởng đầu tiên khi anh tỉnh lại đó là chắc mẹ mình đã lo lắng đến sinh bệnh. Anh viết cho mẹ một bức thư dài và năn nỉ cô điều dưỡng kiếm cho anh một thứ gì để làm quà gửi kèm với bức thư. Cô điều dưỡng chọn một cốc uống cà-phê với bản đồ quần đảo Hawaii vẽ trên đó. Ngày mà Carmela Corleone nhận được thư và quà - cùng với cái tin con bà đang trên đường trở về nhà - bà rót đầy rượu vào cái cốc ấy, nâng cốc lên và cám ơn Trinh nữ Mary đã đáp ứng những nguyện cầu của bà. Từ đó trở đi, mỗi lần đi ngang qua tấm hình của Michael đặt trên mặt lò sưởi, Carmela lại cười mãn nguyện.
Michael và Hal Mitchell cả hai đều bình phục. Hank Vogelsong không được may mắn như thế. Ngay trước khi chết anh nói với chỉ huy là anh muốn Michael Corleone giữ chiếc đồng hồ của mình. Khi nhận chiếc đồng hồ, Michael cũng chỉ biết qua về chủ nhân nó, đã viết thư cho bố mẹ Vogelsong, kể lại với họ Hank dũng cảm như thế nào giữa chiến trường mưa bom bão đạn và đề nghị gửi cho họ chiếc đồng hồ. Họ viết thư trả lời, cám ơn anh nhưng nói rằng họ mong anh giữ lại kỷ vật đó.
Trong khi còn nằm viện, Michael nhận được tin vui là anh đã được chấp thuận theo học khóa huấn luyện thành phi công. Anh cũng được đặc cách thăng cấp lên thiếu úy. Nhưng việc thăng cấp này rồi ra chỉ là tượng trưng và anh cũng không bao giờ đi đến trường bay. Đó là đoạn kết cuộc chiến thứ nhất của Michael Corleone.
Ngay trước khi Michael giải ngũ, một phóng viên từ tạp chí Life đến phỏng vấn anh. Michael nghĩ rằng
chuyện này đã được dàn dựng bởi bố mình, cám ơn chàng phóng viên về sự quan tâm của anh nhưng nói rằng chàng là một con người thích riêng tư. Chàng đã được thưởng một huân chương và đích thân Đô đốc King gắn lên ngực chàng với đầy đủ lễ nghi quân cách trọng thể.
Michael được chụp hình trong một bộ đồng phục được sửa lại rất vừa vặn với chàng. Câu chuyện về chiến công của chàng được đăng trong một số đặc biệt. Audie Murphy nằm trên trang bìa. Còn nơi trang đối diện là James K. Shea, tổng thống tương lai của Hoa kỳ.