Trên mỗi ngọn núi đều có những lối đi mà khi đứng dưới thung lũng, bạn không thể nhìn thấy được.

James Rogers

 
 
 
 
 
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3609 / 92
Cập nhật: 2015-07-15 23:34:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tramontana, Cơn Gió Chướng Lạ Kỳ
ôi thấy cậu ta chỉ một lần ở Boccacio, một câu lạc bộ 1 bình dân ở Barcelona, vài giờ trước cái chết khốn khổ của cậu ta. Lúc đó là hai giờ sáng, cậu ta đang bị một đám trai trẻ Thụy Điển toan tính chèo kéo cậu ta cùng đi để tận hưởng buổi party ở Cadaqués. Có mười một chàng trai Thụy Điển và thật khó phân biệt giữa người này với người kia, vì tất cả bọn họ, đàn ông và đàn bà, trông đều giống nhau: xinh đẹp với hông thon và tóc dài vàng tươi. Cậu ta không lớn hơn hai mươi tuổi. Đầu cậu ta phủ đầy tóc quăn đen xanh mướt, cậu ta có làn da mịn màng, vàng nhạt của dân Caribê đã được mẹ họ dạy bảo phải đi trong bóng mát và đôi mắt Ẳ Rập đủ khiến cho các cô gái Thụy Điển phải mê điên lên và có lẽ cả một số các chàng trai nữa. Bọn họ đặt cậu ta lên cái xà ngang, giống như hình nhân của một người nói tiếng bụng và đang ru cậu ta với những bài dân ca theo nhịp vỗ tay, bởi vì bọn họ đang cố khuyến dụ cậu ta cùng đi vào cuộc vui. Hoảng hồn, cậu ta cố giải thích lý do tại sao mình không thể đi được. Có người can thiệp vào, la lên là bọn kia nên để cho cậu ta yên và một trong các chàng trai Thụy Điển, tiếng nói như bị tắt đi vì cười, sừng sộ với người kia.
"Hắn là của chúng tôi", chàng trai đó la lên. "Chúng tôi đã lượm được hắn từ giỏ rác ra đấy".
Tôi bước vào đúng một thời gian ngắn trước đó với một nhóm bạn, sau khi dự cuộc hòa nhạc cuối cùng của David Oistrakh trong Cung âm nhạc, và tôi nổi da gà với tính khinh mạn của đám thanh niên Thụy Điển. Bởi vì lý do của cậu thiếu niên nọ có tính cách thiêng liêng. Cậu ta đã sống ở Canaqués nơi cậu ta đã được thuê để hát những bài ca vùng Antilees ở một quán rượu thời thượng, cho đến mùa hè năm trước, khi ngọn gió phương bắc đã làm cậu ta ngã gục. Cậu ta tìm cách chạy trốn vào ngày hôm sau và nhất quyết không bao giờ trở lại, dầu ngọn gió phương bắc quái ác đó còn hay không và tin chắc rằng nếu có lúc nào cậu ta trở lại, cái chết sẽ đợi cậu. Đó là một xác tín của người vùng Caribê, khó mà hiểu được với nhóm người duy lý, đang bốc lên bởi mùa hè và rượu Catalan rất nặng của thời đó; men rượu bốc lên trong nắng hè thường gieo vào lòng người những ý tưởng cuồng phóng.
Tôi hiểu chàng trai hơn bất kỳ ai khác. Cadaqués là một trong những thành phố đẹp nhất dọc theo bờ biển Costa Brava và là một trong những thành phố cổ được trang trọng giữ gìn nét dáng đẹp xưa của nó nhất. Điều này một phần là do bởi con đường đến đó rất hẹp, quanh co uốn lượn bên bờ vực sâu không đáy và người ta cần có thần kinh thép lái xe hơn năm mươi kilômét một giờ trên con đường giữa những vách đá cheo leo đó. Các căn nhà cổ thường quét vôi trắng và thấp theo lối kiến trúc cổ truyền của những làng đánh cá ven bờ Địa Trung Hải. Các nhà mới được xây dựng bởi các kiến trúc sư danh tiếng muốn tôn trọng sự hài hòa nguyên sơ. Vào mùa hè, khi cái nóng thiêu người chừng như ùa đến từ sa mạc Phi Châu, đổ lên các đường phố, Cadaqués trở nên một thứ tháp Babel địa ngục, nơi đó, trong ba tháng các du khách từ mọi ngóc ngách của Châu âu đến giành giật với dân bản xứ và với những người ngoại quốc khác đã may mắn mua được một căn nhà với giá rẻ khi điều đó còn có thể, để kiểm soát thiên đường. Nhưng vào mùa xuân và mùa thu, lúc Cadaqués trở nên hấp dẫn nhất thì không ai có thể thoát khỏi ý nghĩ kinh hoàng về gió phương bắc (tramontana), một thứ gió lục địa dai dẳng, khắc nghiệt, mang theo mầm mống của sự điên rồ, theo lời dân bản xứ và một số nhà văn đã từng trải qua bài học kinh nghiệm đó.
Cho đến khi ngọn gió phương Bắc tràn lên, phủ lên đời chúng tôi khoảng mười lăm năm trước, tôi từng là một trong những du khách trung thành nhất của thành phố đó. Một ngày chủ nhật nọ vào giờ ngủ trưa, với linh cảm không giải thích được về một điều gì đó sắp xảy ra, tôi cảm nhận được cơn gió trước khi nó đến. Thần trí tôi bỗng dưng rơi tuột xuống, hụt hẫng, tôi cảm thấy lòng buồn vô cớ và tôi có ấn tượng là hai đứa con tôi, lúc đó đều còn kém mười tuổi, đang trừng trừng những ánh mắt thù nghịch theo dõi tôi khắp căn nhà. Không lâu sau đó, người gác dan đến nơi với một hộp đồ nghề và dây đi biển để giữ chặt các cửa cái, cửa sổ và ông ta không hề ngạc nhiên khi thấy vẻ u sầu nản chí nơi tôi.
"Cơn gió phương bắc sắp thổi đến rồi đấy", ông nói. "Độ chừng non tiếng nữa thôi".
Ông đã già rất già, nguyên là thủy thủ vẫn giữ cái áo jacket đi mưa của dân thủy thủ, mũ bê rê, ngậm píp, và làn da đã tẩm đủ thứ nước mặn trên khắp mặt địa cầu. Trong những giờ rỗi rảnh ông chơi lăn bóng chì ở quảng trường với các cựu chiến binh từ bao cuộc chiến trước đây và uống rượu mìn với các du khách trong các quán rượu dọc bờ biển. Với thứ tiếng Catalan của một chàng pháo thủ, ông có biệt tài làm mọi người hiểu mình qua bất kỳ ngôn ngữ nào. Ông tự hào đã đặt chân lên khắp các hải cảng trên hành tinh, nhưng lại chưa từng biết đến các đô thị lớn trong lục địa. "Ngay cả kinh đô hoa lệ của nước Pháp, vốn lừng danh đến thế kia", hình như ông từng nói thế. Vì ông không tin vào bất kỳ phương tiện vận chuyển nào mà không giương lên cánh buồm.
Trong ít năm gần đây khi tuổi già đã trở thành gánh nặng khe khắt, ông ít khi ra phố nữa. Đa số thời gian, ông ở trong phòng dành cho người gác dan, sống thui thủi một mình. Ông tự nấu nướng thức ăn trong cái ca nhôm đặt trên đèn cồn nhưng đó là tất cả cái mà ông cần để khiến chúng tôi thích thú với các món khoái khẩu của một nghệ thuật bếp núc bậc thầy. Vào lúc rạng đông, ông bắt đầu một ngày bằng việc chăm sóc các người thuê phòng, từ căn nhà này đến căn khác, ông là một trong những người dễ sống gần nhất mà tôi chưa từng gặp, với lòng độ lượng tự nguyện và tấm lòng dịu dàng được thể hiện qua vẻ cộc cằn bên ngoài của người Catalan. Ông rất ít nói, nhưng cách nói của ông trực tiếp và đi thẳng vào điểm chính. Khi không có việc gì khác để làm, ông ngồi hàng giờ để điền vào các bảng dự đoán kết quả các trận bóng đá nhưng chỉ thỉnh thoảng mới gởi đi.
Ngày đó, trong khi cột chặt lại các cánh cửa lớn và cửa sổ để dự phòng tai biến, ông nói với chúng tôi về ngọn gió phương bắc như một người đàn bà đáng ghét nhưng nếu không có người đàn bà đó, đời sống ông sẽ mất đi ý nghĩa. Điều làm tôi ngạc nhiên là một thủy thủ lại tôn vinh một ngon gió lục địa đến thế.
"Đây là một trong những làn gió cũ", ông nói.
Ông tạo cho ta ấn tượng là năm của ông không phải được chia thành ngày và tháng, nhưng thành những khoảng thời gian mà ngọn gió bắc thổi qua. "Năm rồi, khoảng ba ngày sau khi làn gió bắc thứ nhì thổi qua, tôi bị cơn bệnh viêm thành ruột kết hành hạ đau muốn chết", có lần ông bảo tôi thế. Có lẽ điều này giải thích niềm tin của ông là người ta bị già đi mấy tuổi sau mỗi lần ngọn gió phương bắc độc địa kia thổi qua. Ám ảnh đó nơi ông thật ghê gớm, khiến ông truyền sang chúng tôi nỗi khát khao muốn thể nghiệm điều đó chừng như cơn gió kia là người khách viễn phương mà định mệnh đã an bài sẽ cuốn hút ta theo.
Chúng tôi chẳng phải đợi chờ lâu, ngay vừa khi ông già rời đi chúng tôi nghe tiếng huýt gió dần dần trở nên sắc cạnh hơn, mãnh liệt hơn, rồi bùng nổ thành tiếng sấm sét của một trận động đất. Rồi cơn gió bắt đầu. Đầu tiên là những cơn gió giật liên hồi, càng lúc càng dồn dập hơn cho đến khi một trong những cơn gió giật đó chững lại, bất động, vần vũ không ngừng nghỉ với uy lực và sự bạo tàn dường như siêu nhiên. Ngược lại với tập quán vùng Caribê, căn nhà chúng tôi ở xứ này lại đối diện với núi có lẽ do ý thích kỳ quặc của những người Catalan nệ cổ, họ yêu biển nhưng không thích nhìn vào biển. Và do đó mà ngọn gió thổi đập trên đầu chúng tôi, đe dọa bứt tung đi xa những sợi dây ràng các cửa sổ.
Điều lạ lùng nhất là trong lúc đó thời tiết trời vẫn đẹp vô song với nắng vàng tươi rực rỡ và bầu trời trong vắt không một vẩn mây. Đến nỗi tôi quyết định dẫn đám trẻ ra ngoài phố để đi ngắm biển. Dù sao thì bọn trẻ cũng đã từng lớn lên giữa những trận động đất ở Mexico và những cơn cuồng phong vùng Caribê và như thế, thêm hay bớt một cơn gió chẳng phải là điều đáng bận tâm nhiều.
Chúng tôi nhón gót đi ngang qua phòng gác dan, thấy ông già ngồi trước đĩa đậu và xúc xích, nhìn cơn gió quay cuồng bên ngoài qua cửa sổ. Ông không thấy chúng tôi ra ngoài.
Chúng tôi tìm cách đi men theo phía chắn gió của căn nhà, nhưng khi chúng tôi đi đến chỗ góc trống trải, chúng tôi phải bám vào một trụ đèn để không bị cơn gió mạnh cuốn đi. Tại đó, chúng tôi đứng lại, nhìn ngắm say mê mặt đại dương bất động, trong xanh, yên lành, giữa cơn đại biến, cho đến khi ông già cùng vài người láng giềng đến tiếp cứu chúng tôi. Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng cách hành động hợp lý duy nhất là ở yên trong nhà cho đến khi Chúa muốn khác đi. Và không ai có được ý niệm dầu mong manh nhất, khi nào điều ấy xảy ra.
Đến lúc cuối của hai ngày liền, chúng tôi có cảm tưởng cơn gió đáng sợ kia không phải là một hiện tượng tự nhiên mà là một cuộc đối đầu cá nhân của một kẻ nào đó nhắm đến chúng tôi và chỉ chúng tôi thôi. Ông già gác dan đi thăm chúng tôi nhiều lần trong ngày, quan tâm đến trạng thái tinh thần của chúng tôi, ông mang đến trái cây đang mùa và kẹo bánh cho trẻ con. Vào buổi ăn trưa, ông đãi chúng tôi món thỏ và ốc, món tuyệt phẩm của nghệ thuật nấu nướng xứ Catalan mà ông đã nấu trong cái hộp thiếc làm bếp của ông. Thật là một bữa tiệc giữa cảnh tượng kinh khủng của đất trời.
Vào thứ tư, khi chẳng có gì xảy ra ngoài cơn gió quay cuồng, là ngày dài nhất trong đời tôi. Nhưng hẳn là một điều gì đó giống như bóng tối trước bình minh vì sau nửa đêm, tất cả chúng tôi đều thức dậy cùng lúc, bị tràn ngập bởi sự tĩnh lặng tuyệt đối, một sự im lặng đáng sợ của nỗi chết không rời vây quanh. Không một chiếc lá nào trên cành cây lay động. Chúng tôi bước ra đường phố trước khi phòng trực lên đèn, say mê ngắm nhìn bầu trời trước lúc bình minh với tất cả những vì sao đang lấp lánh và biển chấp chóa ánh lân tinh. Mặc dầu chưa đến năm giờ sáng, nhiều du khách đã ùa ra bãi biển lởm chởm đá để đón mừng một ngày đẹp trời sau mấy hôm bị giam hãm co ro trong nhà vì cơn cuồng phong, và các thuyền buồm lại được trang bị để lướt sóng sau ba ngày ẩn náu tránh phong ba.
Khi chúng tôi ra ngoài, chúng tôi đã không để ý đến sự kiện là phòng trực vẫn tối om. Nhưng khi chúng tôi trở về nhà, không khí cũng lấp lánh ánh lân tinh như mặt biển và căn phòng vẫn còn chìm trong bóng tối. Tôi thấy điều đó hơi kỳ quặc, tôi gõ cửa hai lần. Không có tiếng trả lời, tôi đẩy cửa vào. Tôi tin rằng mấy đứa trẻ đã thấy ông già trước tôi và chúng la lên kinh hoàng. Ông già, với huy hiệu thủy thủ xuất sắc đính trên ve áo jacket kiểu thủy thủ, bị treo cổ lên xà ngang, vẫn còn đu đưa trong cơn giật cuối cùng của ngọn gió phương bắc.
Giữa kỳ nghĩ, chúng tôi bỗng nôn nao niềm hoài hương dự tưởng và quyết tâm bất khả vãn hồi sẽ không bao giờ trở lại, chúng tôi đã rời xa nơi chốn đó sớm hơn dự định. Các du khách đã trở về các đường phố, âm nhạc nổi lên ở quảng trường nơi các cựu chiến binh đã bị xuống tinh thần quá mức không còn lăn nổi các hòn bi chì cho chúng cụng vào nhau. Qua những cửa sổ mờ bụi của quán rượu Đại Dương, chúng tôi bắt gặp những cái nháy mắt chào hỏi của bạn bè sống sót và đang bắt đầu cuộc đời trở lại trong mùa xuân rạng rỡ. Giờ đây mọi chuyện đó đã thuộc về quá khứ.
Đó là lý do tại sao, trong những giờ buồn tênh trước buổi rạng đông ở Boccacio, không ai hiểu rõ hơn tôi nỗi kinh hoàng của một người nào đó đang từ khước việc trở về Cadaqués vì tin rằng về đó mình sẽ chết. Nhưng không có cách nào khuyên giải đám thanh niên Thụy Điển đang kéo lê chàng thanh niên kia đi theo họ, với ý định người Âu châu cưỡng bách chữa trị cho cậu bé thiếu niên nọ thoát khỏi niềm mê tín kiểu Phi châu của mình. Trước sự cổ vũ ồn ào bằng vỗ tay và la hét của một đám đông bát nháo, bọn họ vừa đẩy vừa đạp cậu bé vào một chiếc xe tải nhỏ lúc nhúc một đám người say bí tí, vào cái giờ khắc muộn màng đó, còn phóng xe trên đường dài đến Cadaqués.
Sáng hôm sau, chuông điện thoại reo vang đánh thức tôi dậy. Tôi đã quên buông các mành sáo xuống khi tôi từ buổi dạ hội trở về nhà, và không còn ý niệm nào về giờ giấc nữa, nhưng căn phòng ngủ tràn ngập ánh sáng rực rỡ của mùa hè. Giọng nói đầy lo sợ trên điện thoại mà tôi không thể nhận ra ngay là của ai, đã kéo tôi ra khỏi giấc ngủ.
"Anh còn nhớ thằng bé mà đêm qua bọn kia lôi đi Cadaqués không?"
Tôi không cần phải nghe thêm lời nào. Ngoại trừ nó có thể còn bi thảm hơn điều tôi đã tưởng tượng. Thằng bé, với việc bị cưỡng bách trở về Cadaqués, đã lợi dụng một phút sơ hở của đám thanh niên Thụy Điển ngông cuồng kia, trong một cố gắng để trốn thoát cái chết không thể nào tránh khỏi, đã lao mình từ trên chiếc xe đang chạy vun vút, xuống vực thẳm hun hút dưới chân đèo.
Tháng giêng 1982.
Truyện Ngắn Marquez Truyện Ngắn Marquez - Gabriel Garcia Márquez Truyện Ngắn Marquez