They say love is blind…and marriage is an institution. Well, I’m not ready for an institution for the blind just yet.

Mae West

 
 
 
 
 
Tác giả: Marina Fiorato
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Glassblower Of Murano
Dịch giả: Thiên Nga
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1363 / 19
Cập nhật: 2015-09-15 07:34:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20: Mắt Người Già
eonora đứng bên ngoài Đại học Ca’ Foscari ở Dorsoduro. Cô đã đến gặp Giáo sư Padovani, mối liên hệ duy nhất với gia đình cô, với quá khứ của cô trong thành phố.
Cô đã trở về nhà đêm trước, từ cảnh tượng tại xưởng, xao lãng và buồn bực. Cơn buồn nôn vẫn còn trong cô khi rời Murano. Ngay cả khung cảnh chào đón của đèn đêm San Marco cũng chẳng làm được gì nhiều để xoa dịu tâm trạng cô. Cô rời con thuyền của đảo ở Ferrovia và chờ, vì cô hiếm khi làm, vaporetto số 82 đưa cô lên Kênh Lớn đến Rialto. Khi chiếc vaporetto hụ lên dừng lại, và người gác cổng thuần thục buộc thuyền lại, cô nghĩ đến cha mình lần đầu tiên trong nhiều tuần qua. Sự hiện diện của ông nơi đây, chính sự tồn tại của ông, có vẻ thoáng qua so với mối quan hệ của cô với Corradino, đã mất trước đó nhiều thế kỷ. Giờ đây cô cảm thấy rất rõ là mình đã dựa vào Coradino nhiều biết bao, cảm thấy niềm tự hào về ông và cả tình yêu đối với ông. Cô chắc cũng không cảm thấy tan tác hơn vì những lời kết tội phản bội nếu chúng có nhằm vào chính cha cô. Cô cảm thấy cha mình là ai đó chỉ thuộc về một mình mẹ cô thôi. Leonora chưa hề thấy mặt ông và Bruno chưa hề thấy mặt cô. Mối liên hệ của họ chỉ thuần là sinh học.
Với mình thì sự liên hệ của mình với Corradino, thật nghịch lý, dường như thực hơn nhiều.
Thế nhưng Roberto del Piero đã đánh vào ngay những gốc rễ của mối ràng buộc xuyên thế kỉ ấy. Cô cảm thấy bị tổn thương, không được che chở. Ngay đến cảnh những dinh thự lộng lẫy ánh bạc ngủ im trong bóng chiều chạng vạng dọc kênh cũng không đem lại cho cô cái dỗ dành mọi khi. Mùa thu đang ở đây, và mặt tiền thân thiện của những tòa nhà đã khoác lấy cái vẻ im ngủ khi huyết mạch ngành kinh doanh du lịch đang rút dần khỏi bộ mặt của chúng như một sắc hồng đã nhợt nhạt. Mấy cánh cửa trang hoàng nhìn cô, những con mắt giờ vô hồn và xấu xí. Cô tự hỏi không biết Corradino có phản bội lại tất cả ấy không, những cuộc thảo luận bí mật nào ông đã tham gia, những cuộc gặp gỡ nào ông đã có mặt trong chính tòa nhà này. Khi cô rời thuyền ở Rialto và cúi đầy đi xuôi những calle tối mờ về Campo Manin, những cảm giác bất an của cô tăng lên gấp bội. Cô bắt đầu thấy mình bị săn đuổi, bị theo dõi, bắt đầu nghe lóng những tiếng bước chân êm trong những bóng tối. Cô cảm thấy bị hoen ố vì lời vu khống Corradino.
Nếu ông đã làm chuyện này, thành phố sẽ nhớ và kết tội cả mình nữa.
Leonora cảm thấy bị cự tuyệt bởi những viên đá mới đây thôi đã hoan nghênh cô. Ngay cả khi cuối cùng bước vào Campo Manin, cô cũng cảm thấy bị theo đuổi. Cả những cái bóng đẹp đẽ cũng có thể ẩn chứa cái xấu xa.
Giờ thì đừng nhìn…
Cô quở mình. Vì không phải một hình người hung đỏ thấp nhỏ làm cô sợ, mà là Roberto del Piero. Cô đã kết liễu sự nghiệp của hắn tại xưởng, và nghề của dòng họ hắn. Hắn có thể, dĩ nhiên, làm việc ở nơi nào khác nhưng chính cô là người đã dụ hắn ra khỏi cái tổ của hắn.
Cô chạy băng qua những phiến đá vẫn còn ấm trên campo và mò tìm chìa khóa. Trong một trò chơi con trẻ cô cảm thấy mình đang chạy nhanh hơn những kẻ sát nhân vô hình.
Chỉ cần mình đến được cửa…
Khi tra chìa vào ổ khóa, cô tưởng sẽ thấy một bàn tay giật cánh tay áo mình, hay thậm chí còn tóm lấy cổ họng cô… Vật lộn với cái chốt cửa, cô giật mạnh cánh tay cửa ra và sụp vào bên trong. Cô đóng cửa lại và gập người trong bóng tối, thở mạnh. Mấy giây sau cô giật mình khi điện thoại bắt đầu reo. Run rẩy, cô vào bếp và nhấc ống nghe lên. Nhưng đó không phải là những âm điệu khào khào vẫn thường thấy trong mọi phim kinh dị. Là anh.
"Alessandro!"
Cô chìm trong ghé dựa và bật đèn lên. Khi vũng ánh sáng trải ra và cô lắng nghe giọng nói chờ đợi đã lâu, những bóng tối ác mộng ban ngày lẩn mất.
Anh cười sự nhiệt tình trong câu chào hỏi của cô.
"Điều tra viên Bardolino nói chuyện với em đây."
"Anh đã thi đậu rồi!"
"Phải." Hãnh diện trong giọng nói. "Anh có một tuần học định hướng ở đây và rồi anh sẽ bắt đầu tại khu vực, trở lại Venice."
Cô chẳng thể làm nguội lạnh sự hăng hái của anh bằng những rắc rối của riêng mình. Il Gazzettino là một tờ báo địa phương, và tin tức về sự sỉ nhục đối với cô hay thanh danh của Corradino sẽ chưa thể tới Vicenza. Còn rất nhiều thời gian để nói chuyện đó trực tiếp. Cô bỗng thấy mệt mỏi vô cùng, và hơn nữa, một chút cảm giác hổ thẹn nằm ngay dưới trái tim sẽ không để cô kể cho người đàn ông này về việc ông tổ bị bôi nhọ của mình. Trong khi Alessandro kể về những tuần đi xa và kì thi của mình, Leonora cảm thấy nỗi sợ hãi và hoang mang vơi đi. Cô thấy tự tin trong vòng chuyện trò với anh như thể được số tử vi của anh che chở. Dĩ nhiên Corradino không phải là kẻ phản bội. Điều đó không đúng. Đó là một lời đồn đại xấu xa mà đối thủ của ông cứ lan truyền. Và dù sao thì điều đó có gì quan trọng? Corradino đã chết từ lâu, và công trình của ông vẫn sống mãi để làm chứng cho ông.
Nhưng điều đó quả là quan trọng. Mình muốn biết cho riêng mình, muốn tìm hiểu cho chắc.
Cái gì đó Alessandro đã nói trôi về từ ký ức. "Khi lần đầu mình gặp nhau, anh đã nói là anh có thể giúp em tìm hiều thêm về gia đình của em… cha em." "Vâng, em rất muốn thế, nếu anh có thể có vài gợi ý?"
Alessandro ngẫm nghĩ. "Khi mẹ em và cha em bên nhau ở Venice, họ có bạn bè hay đồng nghiệp nào có thể vẫn còn ở đây không?"
"Có một ai đó. Một giảng viên đại học Ca’ Foscari. Em đã gặp ông ấy hồi em còn bé xíu."
"Em có nhớ tên ông ấy không?"
"Là Padovani. Em nhớ vì mẹ em đã giải thích tên ông ấy nghĩa là "từ Padua đến". Mẹ đã dạy em một vần cũ…"
"À, phải, Veneziani gran signori, Padovani gran dottori…"
"Vicentini mangia gattti, Veronesi tutti matti." Leonora đọc nốt. "Em luôn thắc mắc tại sao người Vicenza lại ăn thịt mèo trong vần đó. Nhưng em cho là như thế vẫn còn hay hơn là điên, như người Verona."
"À, phải, nhưng thứ tuyệt vời hơn cả là làm một quý ông, như người Venice." Alessandro cắt ngang hãnh diện.
"Dù sao, Giáo sư Padonavi vẫn còn gửi thiệp Giáng sinh cho mẹ em. Nhưng em không biết ông ấy có còn ở Ca’ Foscari không nữa."
Cô có thế nghe thấy anh duỗi mình ở đầu dây bên kia. Anh rõ ràng là đã mệt, nhưng giọng anh vẫn tỉnh táo và cô vẫn thấy được khuyến khích vì anh vẫn còn chú ý đến những câu hỏi của cô với sự sốt sắng. "Thế thì anh nghĩ việc cần làm là nói chuyện với ông này, nếu ông vẫn còn ở đấy. Ông ấy dứt khoát sẽ biết cái gì đó về cha em. Đây có vẻ là một điểm xuất phát đúng. Mai em đi đi," anh nói với sự khẩn trương thường lệ, "vì Chủ nhật anh sẽ về một ngày và bọn mình sẽ làm cái gì đó, nếu em rảnh."
Cô nắm chặt ống nghe mà vui, cảm thấy như một cô bé. Nhưng với cố gắng tuyệt vọng tìm sự độc lập, cô vẫn tiếp tục đề tài của mình. "Anh thật sự cho là em có thể tìm hiểu về ông ấy sao, sau bao nhiêu năm ấy?" Và cô muốn nói Corradino.
"Dĩ nhiên rồi. Ông ấy chỉ mới mất vào, năm nào nhỉ? 1972? Và, em biết đấy, nếu em muốn tìm hiểu cái gì, em nên có một Điều tra viên trong phe của mình đấy." Cô có thể nghe thấy anh cười toe toét trong điện thoại khi anh chào tạm biệt với lời hứa gặp lại cô hôm Chủ nhật.
Leonora bỗng cảm thấy một quyết tâm phải làm sáng tỏ điều bí ẩn về Corradino, và cảm thấy Giáo sư sẽ là một khởi đầu tốt. Cô nóng lòng chờ đến ngày mai. Cô không thể tự giải thích cho chính mình tại sao cô đã không hoàn toàn thật với Alessandro, đã để anh tưởng là cô chủ yếu muốn tìm hiểu về cha mình.
Cô ngủ không ngon giấc, và sáng hôm sau lại buồn nôn. Thần kinh, cô nghĩ.
Nhưng mình biết đó không phải là thần kinh.
Từ Calle della Foscari Leonora bước vào cánh cổng bên giản dị nhất dẫn vào khuôn viên Đại học. Vào đến bên trong rồi, Leonora ù cả tai vì những trò đùa nghịch đang diễn ra xung quanh. Dù lúc này là sáng thứ Bảy, một ngày học đối với hầu hết sinh viên, hình như có một kiểu Rag nào đó đang diễn ra ở đây – Leonora đã nhận ra cũng sự vô tổ chức ấy, cũng tinh thần vô chính phủ ấy, thứ đã khiến cô ăn mặc như y tá và giúp đẩy một giường bệnh xuống đường Charing Cross trong tuần lễ Rag 1 tại St Martin’s.
Trứng và bột bay khắp nơi, và cô nhiều lần phải né nhanh khi băng qua bãi cỏ tan nát.
Chắc họ đang tốt nghiệp. Mình đã đọc được ở đâu đó là sinh viên Ý nghĩ rằng đem mình ra làm bánh là một cách phù hợp để đánh dấu sự chuyển đoạn qua Doltore của họ. Chẳng bao lâu nữa tất cả họ sẽ đi khỏi, như du khách.
Cô đọc kỹ danh sách khoa trên cái bảng thông báo bọc kính, với niềm hy vọng phôi phai dần, nhưng cuối cùng Leonora cũng nhận ra. "Giáo sư Ermando Padovani."
Ông là trưởng khoa ngành "Storia del Rinascimento". Lịch sử Phục Hưng. Có lẽ mình gặp may. Quả đúng là "Padovani gran dottori".
Cô bước lên mấy bậc cầu thang xưa và đi lần dọc hành lang vắng, đọc tên trên những cánh cửa khoa sử. Ở đây tiếng la hét và đùa vui bên ngoài nhỏ lại. Cô cảm giác như không có ai trên những tầng cao này cả, nên khi cuối cùng cô tới trước cửa phòng Giáo sư, Leonora cảm thấy ít có hy vọng là ông đang ở trong Nhưng khi cô gõ cửa và nghe thấy một tiếng "Mời vào" khẽ, nhỏ lại vì lớp gỗ sồi, lòng cô nao nao khi biết rằng người đàn ông trong căn phòng này có thể có một số câu trả lời mà cô tìm kiếm. Khi Leonora bước vào, cảnh tượng cô trông thấy gần như đã khiến cô quên mất tại sao mình đến đây. Trước mặt là một ô cửa sổ trang hoàng lộng lẫy thật lớn, được tạo thành từ bốn khung cửa Ma-rốc toàn bích, tinh tế nhất mà Venice rất đỗi tự hào. Và bên kia – cảnh đẹp không tin nổi của bờ San Marco bên Kênh Lớn, mặt nước lung linh dưới chân những dinh thự lộng lẫy, như thể khẩn khoản mời đến vẻ đẹp tráng lệ của chúng. Leonora ngây ngất trong cảnh đẹp đến độ tiếng nói hướng vào cô gần như làm cô choáng váng khi nghe thấy.
"Một trong những đặc quyền được dạy học ở đây trong ba mươi năm là tôi có được phòng làm việc đẹp nhất trong khoa. Một trong những trở ngại là, đôi khi tôi thấy khó mà bắt tay vào làm cho xong một việc gì. Chắc cháu đã đến bằng ngõ sau, qua cổng? Đáng tiếc. Đó không phải là khung cảnh đẹp nhất ở nơi này."
Leonora quay lại ông già, người vừa xuất hiện từ sau sách vở và bàn của mình với sự giúp sức của một cây gậy. Hiền lành, râu bạc, ăn mặc đẹp và cặp mắt sắc sảo, ông trông có chút thích thú. Cô xin lỗi. "Nhưng đẹp quá, so với một…"
"Cháu định nói so với một trường đại học à? Nhưng nó không phải trước nay vẫn vậy đâu. Ca’ Foscari khi xưa là một cung điện được xây cho các Giám mục thành Venice, và cháu biết các vị Giám mục thích ăn ngon mặc đẹp ra sao rồi. Và dĩ nhiên, chẳng phải cháu có những trung tâm học hành thật đẹp ở nước mình sao? Oxford hay Cambridge?"
Leonora giật mình. Cô đã tự hào là giọng Anh của mình đã mất rồi. Nhưng cô chưa được gọt giũa – hình như đây là người đàn ông thông minh phi thường, không gì có thể giấu ông được. Xem ra càng có khả năng là ông có thể giúp cô. Cô hít vào thật sâu. "Giáo sư, tôi xin lỗi vì quấy rầy ông. Cháu muốn hỏi ông một vài… câu hỏi về lịch sử, nếu ông có chút thời gian."
Ông già mỉm cười, đôi mắt sáng của ông hằn nếp nhăn ở khóe. "Dĩ nhiên rồi," ông nói. "Tôi có thể dành nhiều thời gian hơn thế cho cô con gái của bà bạn cũ Elinor Manin của mình mà. Cháu khỏe không, Nora yêu quý của chú? Hay," đôi mắt già nua long lanh thái quá, "phải chăng giờ là Leonora khi mà cháu đã trở nên… đồng hóa."
Leonora nhạc nhiên về sự nhanh trí của Giáo sư. Ông không chỉ nhớ ra cô ngay mà ông còn đã đoán ra được, chỉ trong một vài giây ngắn ngủi, cô đã thay đổi cuộc đời mình và tên mình. Cô mỉm cười.
"Chú nói đúng. Cháu là Leonora. Và cháu ngạc nhiên là chú vẫn còn nhớ cháu. Chắc cháu… sao nhỉ… năm tuổi?"
"Sáu," Padonavi phản đối. "Lúc ấy là tại một bữa tiệc rượu của Đại học ở London. Cháu đã hãnh diện khoe với chú đôi giày mới toanh. Nó đẹp hơn đôi cháu đang mang bữa nay." Mắt ông đưa qua đôi giày thể thao Conserve mòn vẹt Leonora đang mang mà cô ngượng ngùng xê dịch trên sàn gỗ. "Và, cháu biết không, cháu chẳng nên khen ngợi sự minh mẫn của chú quá thế. Cháu đã trở nên có phần… trứ danh… từ khi cháu đến đây, phải thế không?"
Il Gazzettino. Dĩ nhiên. Tờ báo này được hầu như mọi gia đình ở Venice đọc.
"Nhưng những thứ còn lại ở cháu thì trưởng thành rất tốt. Chú cho là ta không phải đòi hỏi quá thế. Nàng Xuân, đúng không? Phong cách của Bolticelli giống cháu nhiều hơn là cái tư thế kiểu Titian mà họ để vào cháu ấy. Nhưng chú cho là cháu đã được nghe điều này nhiều rồi, từ những người đàn ông trẻ hơn chú."
Được vẻ quyến rũ thời xa xưa của ông khuyến khích, Leonora đi ngay vào vấn đề. "Cháu muốn hỏi chú vài câu về gia đình cháu… nếu chú có chút ít thời gian."
Giáo sư mỉm cười. "Ở tuổi chú, thời gian là mênh mông." Ông ra dấu về cửa sổ, nơi có xếp bốn cái ghế bành dành cho các dịp phụ đạo. "Thế thì ngồi đi. Chú định ngồi đây, cháu cũng nên ngồi đi."
Họ ngồi trước khung cảnh có một không hai, mấy cái ghế dễ chịu, nhưng không đủ ấm cúng để gây cơn buồn ngủ ở nhà học giả thong dong. Yên vị rồi, Giáo sư bắt đầu, "Có nguy cơ nghe có vẻ như nhân vật phản diện trong phim tồi – họ luôn có vẻ là Anh, phải thế không, cháu yêu? Chú tự hỏi tại sao – chú đã chờ cháu. Chú hiểu là Elinor không biết cháu đang ở đây."
Leonora lắc đầu. "Không. Ý cháu là, mẹ biết cháu ở Venice, nhưng mẹ không biết cháu đến nói chuyện với chú."
Giáo sư gật đầu. hai bàn tay xương xẩu của ông vỗ vỗ lên đầu gậy. "Chú hiểu. Thế thì trước hết, chú phải nói với cháu, là chú sẽ không tiết lộ bất cứ gì mẹ cháu đã chia sẻ riêng với chú. Còn lại thì, chú sẽ cố giúp hết sức." Giáo sư nhìn thẳng Leonora, chờ đợi. Mấy ngón tay cô vân vê trái tim thủy tinh cô đeo trên sợi ruy băng – dĩ nhiên rồi, một dấu hiệu căng thẳng. Ông nghĩ món trang sức là đầu mối cho biết cô sẽ hỏi về người thân nào trước. Và điều đó đã được chứng minh.
"Chú biết gì về Corradino Manin?"
"Corradino Manin là người thổi thủy tinh giỏi nhất thời ông, và bất cứ thời nào khác. Ông thoát được cuộc sát hại gia đình mình và trốn ở Murrano, nơi ông được dạy cách làm thủy tinh và trở thành một thợ cả. Ông ấy đặc biệt tài nghệ trong việc làm gương, và trở nên nổi tiếng về ngành đó. Người ta nói thủy ngân làm gương cuối cùng đã giết chết ông, cũng như nó đã giết nhiều người."
"Vậy ông ấy chết ở Murano sao?"
"Chú không biết chắc. Nhưng hình như là thế."
Leonora thở ra nhẹ nhõm, nhưng vẫn chưa chịu thôi.
"Chú có biết gì về chuyện ông ấy có thể đã sang Pháp không?"
Lần đầu tiên trong suốt buổi nói chuyện, Giáo sư trông lung túng. "Có, chú đã đọc tiết lộ đó. Đồng nghiệp của cháu xem ra ôm mối thù hiềm ghê gớm. Chú muốn biết "Nguồn Sơ cấp" mà anh ta nghĩ mình có là gì. Chú nghĩ là cháu sẽ không cảm thấy thoải mái nếu tự mình tiếp xúc anh ta?"
"Tuyệt đối không có chuyện Roberto sẽ nói cho cháu nghe bất cứ gì, đừng nói là giúp cháu giải tội cho Corradino. Y căm giận cháu đến mức cháu sợ y. Cháu cứ tưởng sẽ thấy y trong bóng tối mà phục kích cháu." Cô cố cười, nhưng có thể thấy Giáo sư không tin chắc. Ông không tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về nỗi sợ của cô, mà đi tiếp.
"Còn cô bạn ở tòa báo? Có thể tiếp cận cô ta không?"
Leonora lắc đầu. Cô đã gọi đến Il Gazzettino ngay khi đọc được các tiết lộ của Roberto. Cuối cùng cô cũng được nối máy với một giọng lãnh đạm nghe như của Vittoria, người đã bỏ tất cả những vờ vịt thân thiện. Cô ta xin lỗi, nhưng các tài liệu chứng minh cho các nguồn của cô ta là tối mật, nhất là trong trường hợp này khi ông Roberto del Piero đã yêu cầu phải như vậy. Có khả năng là họ sẽ làm một bài báo tiếp theo, trong đó nguồn sẽ được sử dụng lại, và cô Manin có thể chờ chuyện đó.
"Hừm." Padonavi nhún vai biểu cảm. "À, thôi được. Một trong những điều tuyệt vời trong nghiên cứu lịch sử là không bao giờ chỉ có một nguồn nhất định, mà nhiều nguồn. Nếu các dữ kiện là kim cương thì nguồn của ta là các mặt cắt, mỗi mặt được đặt ở một góc cạnh riêng biệt để tạo thành toàn thể viên đá quý. Chú cháu ta có thể thực hiện một cuộc khám phá của riêng mình, và tìm ra những mặt cắt kia."
Sử dụng từ "chú cháu ta" khích lệ Leonora trong khi lời nhắc đến khám phá làm cô ấm lòng khi nghĩ đến Alessandro.
"Có thể là Corradino đã ra nước ngoài. Nhưng khó có khả năng như vậy. Thật ra là ngành làm gương của Pháp đã có một bước nhảy vọt lớn vào cuối kỷ thứ mười bảy, bằng chứng là Palais de Versailles 2, cái đã trở thành lá cờ đầu trong thế kỷ Khai sáng. Một số người nói họ đã có được kiến thức từ nước ngoài. Số khác bảo họ có được những phương pháp này qua tiến hóa hội tụ."
"Tiến hóa hội tụ?" Leonora hỏi.
Giáo sư giải thích. "Ở châu Phi, từ lớp phủ nguyên sinh của chất lỏng nguyên thủy đơn bào đã tiến hóa nên một loài voi răng mấu khổng lồ có đôi tai to mà giờ ta gọi là voi Phi châu. Ở Ấn Độ, với cùng cách thức ấy, một sinh vật giống hệt như vậy về mọi phương diện đã tiến hóa, trừ kích thước đôi tai của nó. Cả hai sinh vật tiến hóa độc lập, cách nhau bởi bờ biển và đất liền, bởi kiến tạo học, cuối cùng cũng đến cùng một nơi. Chẳng con nào "sao y" con nào. Chúng chỉ có cùng một tổ tiên xa lắc, cũng như tất cả đồ thủy tinh có cùng một mẹ: cát. Chúng đã trải qua sự tiến hóa hội tụ."
Leonora thúc ép thêm ở điểm này. "Giáo sư, vì sao chú có thể nói rằng rất ít khả năng là Corradino đã sang Pháp?"
"Bởi lẽ Hội đồng, cơ quan cầm quyền của Consiglio Magglore, hết sức chống lại việc thợ thủ công của mình bỏ trốn. Hội đồng đe dọa giết gia đình của họ nếu các thợ thủ công mang bí quyết của mình ra các cường quốc nước ngoài. Bản thân Murano đã gần như một nhà tù, dù có lẽ có ít hơn đối với một người như Corrado, người sở hữu một tài năng phi thường và được ban cho sự miễn trừ để vào thành vì công việc của ông."
Leonora cắt ngang bằng câu hỏi cô thấy dường như hiển nhiên. "Nhưng thưa Giáo sư, sao Hội đồng lại có thể tiếp tực đe dọa Corradino, khi mà cả gia đình ông đều đã chết?"
"Vì, cô gái trẻ yêu quý của tôi ơi, không phải cả nhà ông đều đã chết. Chú chỉ có một hiểu biết sơ sài về sinh học, nhưng chú cũng biết rằng, nếu tất cả họ đều đã chết thì sẽ không có con cháu như là cháu đây, cháu yêu ạ. Corradino có một người con gái."
Leonora úp mặt vào khăn lau, chẳng bận tâm là bao nhiêu bàn tay bẩn của sinh viên đã lau ở đấy rồi. Cô cảm thấy như một con ngốc – chạy ra khỏi phòng Giáo sư như thế, và lướt vào nhà vệ sinh gần nhất để nôn vào bồn cầu gần nhất. Sao sự tiết lộ này lại là một cú sốc đối với cô như vậy? Nếu cô quả đã nghĩ thấu đáo một cách có logic thì hẳn phải có một ai đó khác, một thế hệ khác, nếu không làm sao cô có mặt ở đây được? Làm sao cô có trái tim thủy tinh mà Corradino truyền lại thẳng đến tay cô? Cô nắm trái tim để can đảm khi run rẩy bước về hành lang và rụt rè vào lại phòng của Giáo sư. Padonavi lịch sự đứng lên, vẻ quna tâm trong ánh mắt. Cô ngồi xuống và lại xin lỗi.
"Xin thứ lỗi cho cháu, cháu… không khỏe… đã vài ngày nay rồi."
Giáo sư gật đầu và tiếp tục câu chuyện. "Con gái của Corrado cũng có tên là Leonora. Cô bé là kết quả của một kết hợp không hợp pháp giữa Corrado và một phụ nữ quyền quý, Angelina dei Vescovi, người đã chết khi sinh con. Leonora được đưa đến viện mồ côi Pietà và được dạy nhạc. Cô bé được mang họ Manin, nhưng cái họ đó đã không bao giờ được dùng trong viện mồ côi. Mấy cô gái ở Pietà luôn được gọi tên theo nhạc cụ họ chơi – "cello, violino" – để duy trì tình trạng vô danh của con hoang của một số gia đình quyền quý. Cô bé đã luôn là Leonora della viola, và là một nhạc công tài hoa. Không ai đã có thể biết được mối quan hệ của cô bé với Corradino, hay đến cả sự tồn tại của cô bé trừ phi chính ông ấy nói điều đó. Ngay cả Hội đồng cũng phải tôn trọng các bí mật của Pietà, vì tổ chức này có thế lực của nhà thờ và các luật về nương trú. Sau cái chết của Corradino, Leonora được một người anh họ xa tìm ra – một người Milan tên là Lorenzo Viscotin-Manin – người đã thử truy lần các mảnh khác nhau của dòng họ mình. Cả hai người phải lòng nhau và cưới nhau, và cô ấy một lần nữa lại được thừa hưởng tên hợp pháp của mình. Dòng họ Manin một lần nữa đã trở thành một lực lượng hùng mạnh ở Venice, và hậu duệ của họ là Lodovico Manin đã trở thành Tổng trấn, vị Tổng trấn cuối cùng của Venice trước khi nước Cộng hòa sụp đổ."
Đầu Leonora quay cuồng, nhưng cơn buồn nôn của cô đã qua khi niềm hy vọng giờ đã xâm chiếm cô. "Vậy là Corradino có thể đã không ra đi, vì lo cho sự an nguy của con gái mình."
"Không." Giáo sư nói. "Đó không phải là điều chú muốn nói. Hội đồng đã không biết gì về đứa trẻ, bởi cô bé đã được ông ngoại giấu ở Pietà và không ai biết cha cô là ai. Angelina không bao giờ nói ra tên kẻ quyến rũ bà, và mang theo bí mật xuống mồ. Chú chỉ muốn nói là chú nghĩ không có khả năng Corradino rời Venice trong khi Leonora còn sống. Những chuyến đến thăm đứa con gái ở Pietà là mạo hiểm, nhưng không phải là không thể. Và chú nghĩ sự cám dỗ sẽ khó mà cưỡng lại được."
Leonora im lặng, lĩnh hội điều này,
Vậy là câu chuyện kể về sự phản bội vẫn có thể là thật, nếu không chắc có thật. Và về nhân vật mới này, cô gái mất tích có tên giống tên mình và ngoài Pietà ra thì không có gia đình và chỉ có âm nhạc là bạn. Ít nhất cuối cùng cô ấy cũng đã tìm thấy tình yêu.
Cô hỏi, "Mình có thể tìm hiều thêm bằng cách nào? Liệu chú cháu ta có làm sao biết chắc được Corradino có rời Venice hay không?"
"Cháu có thể thử tìm hiểu ở thư viện lớn ở San Marco – Sansoviniana. Họ có các ghi chép về phường hội và cả những bút lục sinh, tử, trở lui nhiều thế kỷ. Nhưng chú đã kể cho cháu nghe tất cả những gì chú biết về tiểu sử của Corradino rồi, và đây là câu chuyện chú đã kể cho Elinor." Giáo sư đứng lên để duỗi bên chân yếu. "Một gợi ý duy nhất nữa của chú là thử tìm cái gì đó từ phía nước Pháp. Chú có ít mối quan hệ ở Sorbonne có thể giúp cháu."
Leonora đón nhận gợi ý của ông và đứng lên. "Cháu có thể đến gặp chú nữa không? và chú có liên lạc cháu không nếu chú nghĩ ra được thêm bất cứ điều gì?"
"Dĩ nhiên. Và cháu có thể nhắc đến tên chú khi cần tra cứu các bộ sưu tập sách hiếm ở Sansoviniana."
Mình nhớ ngày đầu tiên của mình ở đây, khi họ gần như chỉ cho mình đi qua cửa trước ở Sansoviniana. Giờ thì mình sẽ được phép vào khu vực bên trong.
Giáo sư đi qua bàn để ghi xuống các số điện thoại và tên các bộ sưu tập tài liệu khác nhau có thể có ích. Leonora ngoáy nhanh số điện thoại của mình và khi các mẩu giấy được trao thì Padovani thắc mắc có thật là Leonora sẽ ra về mà không hỏi về Manin kia không. Nhưng cuối cùng cô nói: "Còn cha cháu? Chú có biết cha cháu không?"
Giáo sư lắc đầu, niềm cảm thông trong ánh mắt. "Cũng như cách của một phụ nữ trẻ đang yêu, Elinor ít gặp gỡ bạn bè và giữ Bruno lấy cho mình. Chú chỉ nghe tin về cái chết của ông qua tin tức địa phương." Khi nghe nhắc đến tên cha trong tình huống này, Leonora cảm thấy tràn ngập hổ thẹn là mình đã chẳng buồn hỏi thăm về ông trước, là mình chỉ chăm chăm nghĩ đến mỗi Corradino.
"Còn người nhà nào khác ở Venice không?"
"Chú không biết. Elinor có nhắc là bố mẹ của Bruno sống ở Venora, nhưng họ đã mất lâu rồi."
Leonora đã biết điều này nhưng trước đây đã không nghĩ nhiều đến sự mất mát – về gia đình trực hệ vẫn được xem là đương nhiên: ông bà. Họ đã mất – mà không có bất kỳ lần gặp gỡ thường tình nào, áo len, thanh sô cô la, đi chơi ngày lễ. Cô trấn tĩnh lại. Cô biết mình phải chia tay Giáo sư, và nóng lòng bắt đầu nghiên cứu các tài liệu ông đã gợi ý, nhưng cảm thấy mình còn cả ngàn câu hỏi nữa.
Khi cô ra đến cửa, khe khẽ lời cảm ơn và hứa trở lại, Giáo sư ôm Leonora nồng hậu. Nắm hai cánh tay cô, ông nói, "Còn một điều nữa. Ngày mai là lễ Các Linh Hồn, Festa dei Morte, ngày tất cả dân Venice tỏ lòng kính trọng người thân đã khuất của mình. Nếu cháu muốn gặp cha, ông ấy được chôn cất ở San Michele ấy. Có lẽ cháu sẽ đi thăm ông. Cả ông ấy nữa cũng cần được để tang."
Leonora cảm nhận được cái ý quở trách, nhưng cả sự trìu mến nữa.
Mình biết mình nên đi thăm mộ cha. Cuối cùng thì cha con sẽ gặp nhau. Mình sẽ rủ cả Alessandro đi nữa.
Cô bước vào hành lang và sắp đến cầu thang. Giáo sư gọi, "Leonora!"
Cô quay lại. ông già nhìn thẳng vào mặt cô, và nói dịu dàng, "Có một số chuyện một lão già có thể thấy mà một thanh niên thì không. Hãy tự chăm sóc mình đấy nhé."
"Cháu sẽ làm thế," cô đáp.
Cánh cửa gỗ sồi khép lại và cô bước xuống cầu thang.
Mình lấy làm lạ làm sao ông biết?
Chú thích
1 Tuần vui chơi được tổ chức tại các đại học Anh quốc vì mục đích từ thiện.
2 Cung điện Versailles.
Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano - Marina Fiorato Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano