Số lần đọc/download: 7834 / 17
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 22 -
V
ừa tới hành lang dẫn vào phòng bà Điệp ở, Phong và Thi đã nghe những âm thanh chát chúa.
- Hai mươi mấy năm trước tôi đã để yên cho cô không mang tiếng với gia đình chồng, để cô yên ổn ra đi. Không ngờ bây giờ cô quay trở lại, dùng đứa con rơi ấy bắt xác chồng tôi. Hừ! Cô... cao thâm thật. Nhưng tôi không để tài sản được chắt chiu làm nên bằng mồ hôi nước mắt ấy rơi vào tay mẹ con cô đâu.
Thi sốt ruột đẩy đại cửa bước vào với Phong. hai người đến bên bà Điệp và cùng nhìn chằm chằm vào vị khác mà Thi đoán chắc là bà Trinh, vợ Ông Thuần.
Bà Trinh cũng nhìn hai anh em cô rồi hằn học:
- Con... mén này đấy à? Hừ! Coi chừng tao cho cả mẹ lẫn con nếm mùi đòn ghen đó!
Phong gằn giọng:
- Bà nói đủ chưa? Mời bà đi cho, nếu không tôi sẽ yêu cầu bảo vệ khách sạn tống khứ bà đấy!
Vừa nói anh vừa sấn tới đứng chống nạnh trước mặt bà ta, đúng lúc một bóng người hối hả bước vào.
Bà Trinh tái mặt nhưng vẫn gào lên:
- Ối giời ơi! Rõ rồi nhé! Ông còn chối nữa thôi.
Ông Thuần nhỏ nhẹ:
- Bà về nhà đi!
Bà Trinh vẫn tru tréo:
- Chắc gì nó là con của ông? Người ta sẵn sàng gài ông vào bẫy vì tiền đấy.
Bà Điệp hất mặt cười nhạt trước thái độ của bà Trinh làm ông Thuần bối rối.
Bước tới bên vợ, ông quát to:
- Về ngay!
Bà Trinh giật mình, sững người lại ôm mặt khóc hu hu rồi chạy ra khỏi phòng.
Minh Thi có cảm giác như đang mang một khối sắt trên ngực, nặng nề, đen đúa. Cô nhìn bà Điệp và ông Thuần rồi hét lên:
- Tại sao lại như vậy? Tại sao lại như vậy?
Bà Điệp ấp úng:
- Con... con đã biết gì?
Thi rã rời đáp:
- Con biết tất cả, nhưng con không chấp nhận sự thật đó đâu. Ngoài ba mẹ có tên trong khai sanh, con không còn ba mẹ nào khác. Dì thật là ích kỷ khi muốn con đi Mỹ, trong khi dì chưa hề nuôi nấng chăm sóc con lấy một ngày, ngay cả việc nhìn con là con ruột dì cũng không dám.
Môi nhếch lên chua chát, Minh Thi nói tiếp:
- Con quyết định ở lại là đúng với đạo lý làm người và với ý nguyện của con...
Bà Điệp khổ sở:
- Minh Thi! Hãy nghe dì... à mẹ giải thích! Cũng vì hoàn cảnh nên lâu nay mẹ phải nhờ dì Loan nuôi con. Hai mươi năm nay mẹ luôn sống trong sự dày vò khi nghĩ tới con.
Minh Thi nhìn lại hai người rồi gằn:
- Dì nghĩ tới ông ấy thì đúng hơn. Con tới để nói rõ lập trường của mình. Xin dì và ông đừng đặt lại vấn đề này với ba mẹ con!
Bà Điệp xụ mặt:
- Mẹ con bảo với con như thế à?
Phong vội chen vào:
- Mẹ không có nói gì hết. Chính Phước đã cho tụi con biết chuyện này. Suốt đêm qua nhỏ Thi chỉ khóc chớ chẳng ngủ được chút nào.
Ông Thuần kêu lên thảng thốt:
- Thằng khốn... tại sao nó lại làm thế? Làm sao Minh Thi lại chịu đựng nổi cú sốc này, khi con bé chưa được chuẩn bị về mặt tinh thần?
Ngừng một chút như để lựa lời. Ông Thuần nói tiếp:
- Ba mới được biết mình có một cô con gái xinh đẹp, thông minh cách đây không lâu. Nếu ngày xưa mẹ con cho ba biết sự hiện hữu của con, chắc chắn con đã được sống chung với ba, được ba lo lắng, thương yêu trong nhung lụa, chứ đâu phải cực khổ vừa bán quán phở vừa đi học như vầy. Càng nghĩ ba càng khổ tâm. Con không đi Mỹ thì về ở với ba, để ba được bù đắp cho con.
Minh Thi cười chua chát:
- Bù đắp à? Cháu không cần đâu. Làm con một người nổi tiếng nhiều mặt như ông quả thật cháu không dám. Nếu ông thật sự thương cháu, xin hãy để cháu yên với những gì cháu đang có. Mẹ cháu là người buôn bán, cháu chỉ mong bác gái không đến tận tiệm phở nhà cháu quậy phá, để mẹ cháu làm ăn.
Tim ông Thuần thắt lại đau nhói, ngộp thở. Nhìn con gái, ông nài nỉ:
- Thỉnh thoảng ba sẽ đến thăm con chớ?
Nhớ tới Lâm, Minh Thi nghẹn lời:
- Tốt nhất ông đừng đến. sự hiện diện của ông chỉ làm khổ nhiều người.
Nhìn Phong, cô cố ghìm nước mắt:
- Mình về anh Ba!
Minh Thi đi rồi mà ông Thuần vẫn còn đứng ngây ra như tượng. Lâu lắm ông mới ôm trái tim già nua ca cẩm:
- Con bé không chịu nhận cha nó. Ôi đúng là quả báo. Quả báo!
Quắc mắt nhìn bà Điệp, giọng ông khàn đặc:
- Như vậy em đã hả dạ chưa Ngọc Điệp?
Bà Điệp thản nhiên:
- Câu hỏi của ông cũng là câu trả lời.
Ông Thuần liếm đôi môi khô:
- Em không cần đứa con do mình sanh ra sao?
Bà Điệp trả lời:
- Không! Vì tôi đã có với chồng mình một đứa con trai. Tôi đưa Minh Thi đi Mỹ vì muốn nó có điều kiện giúp đỡ chị Loan. Nó không chịu thì thôi.
Ông Thuần lắc đầu:
- Lòng dạ đàn bà thật nham hiểm. Tôi không hiểu nổi em đang nghĩ gì về đứa con của mình.
Bà Điệp mím môi:
- Tôi nghĩ rằng anh sẽ không bao giờ có được Minh Thi...
Ông Thuần thều thào:
- Bà đúng là độc ác!
Mặt bà Điệp đanh lại:
- Hừ! Hãy về mà ôm lấy gia tài của ông đi! Minh Thi không màng những thứ ấy đâu...
Đứng dậy bà đuổi khách:
- Tôi có việc phải đi ngay đấy!
Ông Thuần thất thểu bước từng bước rời rạc khỏi khách sạn. Ngoắc chiếc taxi ông nói địa chỉ nhà rồi ngả người ra ghế mệt mỏi, rã rời. Lần đầu tiên trong đời ông chua xót nhận ra mình đã già, và đã thua cuộc. Niềm khao khát có được một đứa con của ông thế là hết. Tất cả cũng tại thằng con nuôi trời đánh và bà vợ tham lam mà ra. Nếu không vì thói ích kỷ của họ, ông đã có thời gian gần gũi hơn nữa với Minh Thi, và biết đâu kết cuộc sẽ có hậu hơn nhiều.
Càng nghĩ tới vợ con, ông càng tức thở. Trái tim từng hoạt động nhiều vì yêu bỗng chốc như muốn ngừng đập. Ông cố gắng hít từng hơi dài trong chiếc taxi ngột ngạt vì máy điều hòa...
Cuối cùng xe cũng ngừng trước nhà. Ông máy móc trả tiền rồi máy móc bấm chuông chờ mở cổng theo quán tính.
Bước vào phòng khách, ông uể oải hỏi:
- Không có ai ở nhà cả à?
Người giúp việc đáp:
- Dạ! Bà đi từ sáng tới giờ vẫn chưa về. Lúc ông đi, cậu Phước có ghé nhà chừng một tiếng rồi cũng đi.
Ông Thuần bực bội:
- Hừm! Mai mốt không cho nó vào nhà nghe chưa!
- Dạ! Tại ông không dặn nên tôi không biết. Nhưng, lúc nãy cậu Phước cũng có nói là sẽ không bao giờ về nữa.
Ông Thuần rít lên:
- Được lắm! Đồ mất dạy.
Dằn gót ông vào phòng mình. Vừa đi tới đi lui trong phòng, ông nghĩ vẫn chưa ra lý do tại sao lúc nãy Phước lại điện thoại cho ông biết bà Trinh tới khách sạn để đánh ghen. Khi ông đi, nó lại mò về nhà...
Linh tính cho ông biết có gì đó không ổn. Hối hả, ông mở tủ ra và chết sững người khi 10,000 đô để bên trong đã biến mất.
Với ông số tiền đó không phải là lớn, nhưng vẫn đủ để ông xây xẩm mặt mày, rũ rượi tay chân vì giận. Đúng là nuôi ong tay áo mà!
Ông muốn la to cho vơi tức, nhưng hàm cứng ngắt. Xung quanh trời đất tối sầm lại. Ông Thuần ôm lấy ngực ngã vật xuống sàn nhà...
Phong thất vọng não nề khi nhận được cái lắc đầu của đám bạn quen trong vũ trường. Mấy hôm liền anh tìm Phước, nhưng hắn đã lặn mất tăm hơi cùng chiếc Citi của anh. Anh tìm tới tận nhà Phước hỏi mới được biết hắn đã không ở đó cả tháng rồi.
Phong tức muốn điên lên được. Anh giận mình dễ tin người nên mới bị lừa một vố. Phen này không biết phải ăn sao, nói sao với ba mẹ đây nữa.
Ngoắc chiếc Honda ôm, anh leo lên ngồi như mất hồn. Dạo này đúng là xúi quẩy, xe thì mất, tới các bar lại không bà nào chịu bao mới hẻo chớ. Có lẽ đã tới lúc anh bỏ nghề rồi cũng nên, không có xe khó chen chân vào chốn phù hoa đó lắm.
Về tới nhà, Phong hơi khớp khi thấy ba mẹ, dì Út ngồi trong phòng khách như để chờ mình.
Anh giả vả:
- Chà! Tối này sao đông vui vậy? Chắc định mở tiệc tiễn dì Út về Mỹ hả?
Vừa nói anh vừa nhanh lẹ bước lên cầu thang. Nhưng mới lên được ba bước, Phong đã nghe giọng ông Ninh:
- Xuống đây bảo.
Phong gãi đầu:
- Có chuyện gì không ba? Con phải học.
Bà Loan gắt gỏng:
- Đừng kiếm cớ thằng quỷ.
Phong chưa kịp ngồi xuống ghế, bà Loan đã ào ào:
- Xe mày đâu?
Phong lẽo lự:
- Con đã nói thằng Phước con bác Thuần mượn rồi mà. Dầu gì nó với con bé Thi cũng anh em, con nói sao để từ chối đây?
Ông Ninh vỗ bàn:
- Hừm! Anh em gì cái thằng đó! Biết nó chơi ma túy mà giao xe, vậy khác nào mày giao trứng cho ác?
Phong vẫn gân cổ lên:
- Vậy ở trường hợp con, ba sẽ từ chối cách nào khi Phước đã tới nhà mình vì Minh Thi? Hắn rất thành thật khi nhận con bé là em. Lẽ nào khi hắn mượn xe, con lại lắc đầu?
Bà Điệp từ tốn:
- Điểm cần phải nói ở đây là con đã quen Phước từ trước, trong vũ trường. Con thừa biết nó là đứa ăn chơi trác táng, bởi vậy nếu Phước không tới đây vì Minh Thi, con cũng cho nó mượn xe, vì hai đứa đồng hội đồng thuyền.
Phong gượng gạo:
- Trời ơi! Sao dì lại nói vậy?
Bà Điệp nghiêm giọng:
- Chớ không phải sao? Mày chuyên môn tới vũ trường, cặp với các bà già sồn sồn để kiếm tiền. Đúng không?
Phong chối phắt:
- Làm gì có! Con tới đó vì thích nhảy.
Ông Ninh ngắt lời:
- Nhưng nhảy mà được tiền càng thích hơn chứ gì? Hừm! Không ngờ trong nhà này có một đứa bỉ ổi như mày. Tao sắp chết vì nhục nhã rồi đây! Bắt đầu tháng sau, tao đã xong công trình, không phải đi xa nữa. Tao sẽ về nhà để sắp xếp lại mọi thứ trong ngoài. Nếu cảm thấy cách sống của gia đình này không thích hợp vì đơn sơ, nghèo nàn quá, mày cứ chọn cách sống khác, không cần học hành, không cần tương lai. Trên đời này có rất nhiều cách sống, lao vào lửa như con thiêu thân cũng là một cách. Băng rừng lội suối như tao cũng là một cách. Mày cứ tự lo, tao không ngăn cấm hay ép buộc đâu.
Thấy Phong ngồi gục đầu, bà Loan vội bênh:
- Ông làm gì mắng con dữ vậy? Đứa nào lại không ham vui vì trẻ người non dạ. Rồi từ từ nó sẽ tu tỉnh lại mà.
Ông Ninh quát:
- Nói như bà thảo nào nó không đi thâu đêm tới sáng. Một mình bà ở nhà với bầy con, xảy ra đủ chuyện. Tôi thật chán quá!
Bà Loan nhẫn nhục làm thinh. Bà Điệp liền lên tiếng:
- Anh không nên bắt chuyện nọ xọ chuyện kia. Khi anh chị nhận nuôi Minh Thi thì phải biết trước sẽ có ngày này.
Ông Ninh bực bội:
- Nhưng nó không thể xảy ra như vừa rồi. Thật đáng buồn khi Minh Thi biết thân thế của mình từ miệng một người như thằng Phước. Suốt một tuần qua, con bé ngơ ngơ ngẩn ngẩn như mất hồn. Thấy mà xót!
Bà Điệp im lặng nghe ông chì chiết tiếp:
- Có lẽ con bé thấy mình là đứa bất hạnh, bị mẹ ruột bỏ rơi từ buổi mới lọt lòng. Ông bố lại là một người phóng đãng, quan hệ bừa bãi không có đạo đức.
Bà Điệp nhăn mặt:
- Anh đừng mai mỉa nữa! Nếu không muốn bù đắp cho con bé, tôi đã không năm lần bảy lượt năn nỉ nó đi, thậm chí mất tiền cọc vì lo cho nó...
Ông Ninh khinh bỉ:
- Điều ấy chứng tỏ được cái gì ngoài sự ích kỷ của bản thân dì? Minh Thi tuy nhỏ, nhưng cái nhìn của nó sâu sắc lắm.
Bà Loan xua tay:
- Thôi! Cho tôi xin. Chuyện muốn giấu đã lộ ra cả rồi. Chúng ta ai cũng ray rứt vì Minh Thi, và muốn đem những điều tốt lành đến cho nó. Tôi nghĩ dù thế nào đi chăng nữa, dì cũng phải khuyên con bé chấp nhận ba ruột của nó. Nhìn thấy ông Thuần đầu tóc bạc phơ mà phải khổ vì con nuôi lẫn con ruột tôi thật bất nhẫn quá!
Bà Điệp ngập ngừng:
- Bữa nay em tới đây vì muốn gặp con bé...
Ông Ninh nhún vai:
- Nó trong phòng. Dì cứ vào mà gặp. Nhưng đừng làm con bé phải khóc nữa đấy.
Bà Điệp gượng gạo đứng dậy. Tới phòng Minh Thi bà nói vọng vào:
- Dì vào được không?
Minh Thi ra mở cửa rồi lặng lẽ ngồi ở mép giường, bà Điệp ngồi xuống cái ghế đối diện. Hai người bỗng lúng túng không biết phải nói gì với nhau.
Bà Điệp lên tiếng trước:
- Ngày kia dì về Mỹ, và có lẽ lâu lắm mới có dịp trở lại thăm con, do đó dì muốn nói với con những điều dì chưa bao giờ nói với bất cứ ai
Minh Thi im lặng nhìn đôi bàn tay, bà Điệp nuốt tiếng thở dài trước khi bộc bạch lòng mình:
- Mẹ lấy chồng rất sớm. Với mẹ đó là một cách tự giải phóng. Gia đình bà ngoại quá nghèo, không đáp ứng được nhu cầu của mẹ về mọi thứ. Nhờ có chút nhan sắc mẹ đã lấy được người giàu có, lớn hơn mẹ cả một con giáp. Mẹ đã có được những vật chất mẹ cần. Sanh được cậu con trai đầu lòng, mẹ càng được chồng cưng yêu. Nhưng sau đó, chồng mẹ đã vượt biên với lý do để lo cho mẹ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở lại một mình với đứa con nhỏ, mẹ như chết đi một nửa. Đang lúc buồn nhất, mẹ gặp ông Thuần, ông ấy là anh rể của dì Tuyên bạn mẹ. Cũng từ dì Tuyên, mẹ càng ngày càng thân với ông ta hơn.
Minh Thi không nén được bất bình:
- Nhưng ông ta đã có vợ con, lại lớn hơn dì rất nhiều...
Bà Điệp chép miệng:
- Mẹ biết. Nhưng tình yêu càng ngang trái càng có nhiều cám dỗ. Mẹ và ông Thuần đã không vượt qua được bản thân.
Thi nhíu mày:
- Nhưng sau đó tại sao dì lại đem cho con cơ chớ?
Bà Điệp im lặng như ngẫm nghĩ, lâu lắm bà mới nói:
- Khi đến với ổng, mẹ nghĩ rằng ổng rất yêu mẹ, sẵn sàng bỏ tất cả để sống với mẹ. Nào ngờ dần dà mẹ nhận ra ông Thuần là hạng trăng hoa, ông ta sẵn sàng ôm vào lòng bất cứ người đàn bà nào ông ta với tay tới. Mẹ đã nhận ra điều đó với cái bào thai lớn dần trong bụng. Thay vì cho ông ta biết, mẹ đã im lặng...
Minh Thi nhếch môi:
- Sự im lặng đầy thù hận phải không?
Bà Điệp cắn môi khổ sở:
- Ngày ấy mẹ còn quá trẻ để có thể rộng lượng bao dung. Sự ghen tuông đã khiến mẹ mù quáng đem con cho người khác, thay vì giao cho ông Thuần để trả thù.
- Bây giờ dì không còn trẻ nữa, dì cũng có rộng lượng bao dung đâu. Dì muốn đưa con đi Mỹ là để ông Thuần đau đớn, chớ đâu phải vì dì yêu thương con. Hồi đó, nếu mẹ Loan không năn nỉ người ta xin lại con, ngày nay dì đâu có cơ hội dùng con để trả thù ông Thuần.
Bà Điệp lắc đầu:
- Mẹ không hề có ý như con nghĩ. Nhưng chắc mẹ nói sao con cũng không tin. Mẹ có lỗi với con, suốt khoảng đời còn lại mẹ sẽ sống trong ăn năn vì không được con tha thứ. Mẹ chỉ muốn nói với con rằng, ông Thuần rất khao khát được con gọi tiếng ba, với con ổng không có lỗi gì cả. Mong rằng sau này con suy nghĩ lại và thường đến thăm ông ấy hơn.
Minh Thi nhấn mạnh:
- Con không muốn! Thật lòng con không muốn!
Bà Điệp kêu lên:
- Tại sao vậy? Dầu gì ổng cũng là ba con mà.
Thi òa lên nức nở:
- Con không muốn có ông bố như thế.
Bà Điệp sững sờ nhìn Thi khóc rồi ấp úng:
- Nếu đã vậy, mẹ không đề cập tới ông ấy nữa. Cuộc đời còn rất dài, rồi con sẽ nghĩ lại. Mẹ hy vọng là như thế!
Buồn bã đứng dậy, bà nói tiếp:
- Mẹ về đây! Đến hôm mẹ đi, con ra sân bay tiễn chớ?
Thi gượng gạo lau nước mắt:
- Vâng! Con sẽ tới với điều kiện không có ông Thuần.
Bà Điệp trầm giọng:
- Ông ấy không biết ngày mẹ đi, cả dì Tuyên cũng thế. Mẹ đã quá mệt mỏi với mối quan hệ này rồi. Mẹ không muốn gặp lại họ.
Ra tới cửa bà quay lại:
- Lâm là người tốt. Bi kịch của đời nó là có một bà mẹ quá tệ. Bà ta phản bội chồng, phản bội bạn, nhưng vẫn còn chút tình mẫu tử. Con sẽ hạnh phúc với người cùng từng bị khổ bởi cha, bởi mẹ. Hơn ai hết, hắn ta hiểu và thông cảm với con.
Minh Thi thẫn thờ ôm gối. Lâm có hiểu và thông cảm với cô không? Hay anh cũng đến với cô vì hận thù? Cả tuần nay Lâm tìm Thi mấy lần, nhưng cô từ chối không gặp. Không biết anh Quang có nói với Lâm lý do lẩn tránh của cô chưa mà Lâm vẫn kiên trì chờ, chờ tận khuya lắc khuya lơ mới chịu về. Anh Quang có vẻ bực cô. Ảnh bảo rằng trốn như thế không phải cách. Nếu phải chia tay chia chân thì cũng cần hai mặt một lời trước đã, chớ không thể dựa vào lời mắm muối của Phước rồi giận.
Dù Thi không dựa vào lời mắm muối của Phước, cô cũng không tha thứ cho Lâm. Anh có tội biết mà im lặng. Thi giận anh là đúng, là đúng!
Nhắm mắt lại, cô âm thầm khóc. Mãi đến khi nghe tiếng gõ nhẹ vào cửa, cô mới ngẩng lên nhìn. Mắt cô mở to, long lanh nước khi thấy Lâm. Anh xót xa nhìn gương mặt phờ phạc của cô.
Ngồi xuống kế bên, Lâm cô dằn để đừng ôm cô vào lòng. Anh nói:
- Mới mấy ngày không gặp mà em gầy thế kia.
Thi vẫn im lặng, Lâm bóp nhẹ tay cô, giọng tha thiết:
- Nói gì với anh đi! Em im lặng thế này làm sao anh chịu nổi?
Minh Thi bậm môi, đầu cúi xuống, nước mắt hoen mi. Lâm thở dài:
- Em giận vì những lời của Phước à? Thú thật khi Quang kể lại những lời Phước nói với em và Phong, anh tức không chịu được. Càng tức, anh càng đau lòng vì em tin hắn hơn tin vào tình yêu của anh.
Minh Thi nói:
- Em không muốn tin cũng không được. Rõ ràng anh biết quan hệ của em và ông Thuần nhưng anh lại im lặng. Lẽ nào anh chấp nhận con gái của người anh căm ghét nhất? Em từng nghe những lời phẫn nộ của anh khi nói đến ông Thuần. Em không tin là anh sẽ quên.
Lâm phân trần:
- Con người ai cũng có lý trí và trái tim. Anh thật sự choáng khi biết em là con gái của dượng Thuần. Suốt thời gian ấy anh đã quyết định phải quên em, nên đã cố tình không gặp, dù em đã tới nhà, đã chuyện trò và lấy được tình cảm của ba anh. Khoảng thời gian đó anh ngẩn ngơ y như thất tình, lòng thì đau nhưng không thổ lộ được với ai, ngay cả với ba mình. Rồi chính trái tim anh đánh bại lý trí. Anh đã gạt phăng mọi suy nghĩ xuẩn ngốc để tới với em bằng tình yêu chân thật của mình.
Minh Thi rưng rưng:
- Bác trai không đời nào bằng lòng đâu!
Xoay người Thi lại, Lâm vội vàng nói tiếp:
- Chúng ta vô tội mà Minh Thi. Ba không bao giờ để lỡ tình yêu của chúng ta đâu. Biết em không chịu gặp anh, ông dự định sẽ đến thăm em đó.
Giọng cô vẫn nghẹn ngào:
- Dù vậy em vẫn không tha thư cho anh. Vì anh đã giấu em chuyện hết sức trọng đại.
Lâm hơi nheo mắt:
- Anh giấu em vì anh yêu em. Chính bác trai và bác gái cũng giấu em kia mà. Lẽ nào em cũng không tha thứ cho hai bác?
Minh Thi hơi khựng lại:
- Hừ! Anh mồm mép lắm! Thế... ai cho anh lên tận phòng em?
Lâm siết chặt cô trong tay:
- Là bác trai chớ ai.
- Ba em à?
- Bác trai là người rất hiểu chuyện. Bác đâu muốn em khóc một mình mà không có người dỗ.
Gạt tay Lâm ra, Thì hờn mát:
- Ai thèm anh dỗ!
Giọng Lâm bỗng nghiêm lại:
- Suốt thời gian " không thèm anh dỗ" vừa qua, em đã nghĩ gì mà xanh xao, xấu xí thế này?
- Em bị dằn vặt bởi những bất ngờ dành cho em. Em giận bản thân, ghét người đã tạo ra mình. Em nhớ anh và cũng giận anh, khổ vì những lời Phước nói về anh, rồi khóc...
Bóp nhẹ đôi bàn tay nhỏ nhắn của cô. Lâm dịu dàng:
- Bây giờ còn khổ hết? Nếu còn, anh sẽ chia sẻ với em.
- Anh không chia sẻ với em được đâu.
- Tại sao không?
Minh Thi chớp mắt:
- Anh có nỗi khổ của anh, giờ lại thêm nỗi khổ của em nữa, em không đành. Với lại cuộc đời đã dành cho mỗi người một số phận. Số phận của em là như thế, sao lại để người khác chia sẻ chớ?
Lâm dài giọng:
- Nhưng hình như em đâu bằng lòng với số phận của mình.
- Sao anh lại nói vậy?
- Vi em đâu chấp nhận dượng Thuần.
Minh Thi phản ứng:
- Anh cũng đâu chấp nhận dì Tuyên.
Lâm lắc đầu:
- Em nghĩ thế là lầm. Anh chỉ không chấp nhận cách sống của mẹ, chớ chưa khi nào anh phủ nhận mẹ của mình.
Minh Thi bướng bỉnh:
- Tại anh không thể lựa chọn được.
Lâm xoa cằm:
- Thế em thì lựa chọn được sao? Dù em đã tuyên bố chỉ có ba Ninh và mẹ Loan, nhưng thật ra em vẫn còn...
Minh Thi ôm đầu:
- Anh đừng nói nữa.
Giọng Lâm rành rọt:
- Nếu chấp nhận sự thật, em sẽ thấy dễ chịu hơn.
Thi xụ mặt:
- Anh cố tình gặp cho được em để nói chuyện này à?
Lâm lơ lửng:
- Chuyện anh cần nói vẫn chưa nói...
Minh Thi tò mò:
- Anh muốn nói chuyện gì?
Lâm chép miệng:
- Dượng Thuần lên cơn đau tim hiện vẫn còn hôn mê trong bệnh viện.
Ngực Thi chợt đau nhói một cái, cô ấp úng:
- Nhưng... nhưng tại sao?
Lâm thở dài:
- Dượng ấy bị đau tim lâu rồi, dạo này lại thường bị xúc động mạnh. Phước lại quá tệ, hắn mở tủ lấy trộm tiền rồi bỏ nhà trốn mất. Cú sốc này khiến dượng Thuần quỵ luôn.
Minh Thi im lặng thật lâu. Lâm không đoán được cô đang nghĩ gì. Một lát sau anh nghe cô hỏi nhỏ.
- Liệu ông ấy có tỉnh lại không?
Lâm đáp:
- Anh không biết. Ngoài đời đâu phải như trong phim để đạo diễn có thể cho bệnh nhân chết đi sống lại bất cứ lúc nào. Nghe cô Trinh nói nếu tỉnh lại, dượng Thuần cũng khó đi đứng bình thường.
Minh Thi thảng thốt:
- Bị bán thân bất toại à?
Lâm thở dài:
- Vậy vẫn còn hơn là cứ nằm mê đi như hiện giờ.
Thi xốn xang đứng dậy bước tới cửa sổ. Mới ít phút trước đây, cô còn dửng dưng, căm ghét khi nghe nhắc tới ông Thuần. Sao bây giờ Thi lại sốt ruột thế? Lẽ nào máu chảy ruột mềm?
Không biết trút hết những mâu thuẫn trong lòng với ai. Cô quay sang chì chiết Lâm
- Ông Thuần bị như thế chắc anh mừng lắm vì không ai tranh chức giám đốc công ty với anh?
Lâm nhíu mày:
- Ai nói với em vậy?
Thi đáp cụt ngủn:
- Anh Quang! Chắc ảnh không nói sai chớ?
Lâm giải thích:
- Chức giám đốc công ty trước kia là của ba anh, khi ba ở tù, ông Thuần đã lên thay. Bây giờ đã tới lúc ông ấy trả lại chức vụ đó. Nếu dượng Thuần không bệnh, công ty đã họp cổ động để bầu giám đốc mới rồi.
- Giám đốc ấy là anh đúng không?
Lâm cười nửa miệng:
- Em không chấp nhận dượng Thuần chuyện ai sẽ thế chỗ dượng ấy đâu liên quan tới em.
Minh Thi dẩu môi một cái:
- Nhưng liên quan tới anh.
Lâm lại cười. Nụ cười nhiều ẩn ý của anh làm Thi nóng mặt. Cô giận dỗi chống tay lên bệ cửa sổ nhìn xuống phố. Lâm lững thững bước tới đứng phía sau và vòng tay ôm ngang eo cô.
Giọng anh thật nhẹ rơi vào tai Thi
- Em đúng là cô bé bướng bỉnh. Nhưng em có thể vì anh một lần hay không?
Thi ngần ngừ:
- Em phải vì anh như thế nào đây?
Lâm nói:
- Em hãy đến thăm dượng Thuần...
Minh Thi chua cay:
- Anh bỗng dưng tốt với ông ấy từ hồi nào vậy?
Lâm nhỏ nhẹ:
- Anh chỉ tốt với em thôi!
- Bộ anh đã hết thù bác ấy rồi hả?
Hôn lên trán cô, anh trầm giọng:
- Khi quyết định không để mất em, anh đã thôi nghĩ đến hận thù, mà anh nghĩ đến tương lai. Trong tương lai đó có em và những người thân của em. Yêu một người đâu phải chỉ biết mình người ấy. Cha mẹ của chúng ta đều không có hạnh phúc. Họ sống quá nửa đời trong thù hận. Anh đã hiểu ra lòng hận thù sẽ hủy diệt tất cả, nó đã biến mẹ anh thành người khác. Nó khiến dì Điệp đem cho em, thay vì trao em cho cha ruột mình.
Ngừng một chút, Lâm nói tiếp:
- Chúng ta yêu nhau chân thật, chúng ta sẽ sống khác cha mẹ mình. Tình yêu sẽ xóa hết mọi vết hằn thù hận. Nếu biết tha thứ, khoan dung, chúng ta sẽ hạnh phúc.
Minh Thi tựa vào ngực Lâm. Những lời anh vừa nói khiến cô bớt căng thẳng khi nghĩ tới dì Út, tới ông Thuần.
Suy cho cùng, cô không chịu gọi hai người là ba mẹ vì cô hận. Lòng thù hận khiến cô đau đớn khôn nguôi, đã vậy nó còn khiến những người thân yêu của cô lo lắng, buồn phiền theo. Thi đúng là ích kỷ khi làm khổ những người xung quanh mình. Càng nghĩ cô càng thấy mình nông nổi trẻ con. Hôm trước Thi nói với ông Thuần nhiều câu ác quá. Nếu vì những câu đó mà ông suy tim dẫn đến tình trạng hiện tại thì tội của cô đúng là trời tru đất diệt.
Ngước lên nhìn anh, giọng Thi chùng xuống:
- Em biết phải xử sự ra sao khi đến thăm dượng Thuần của anh đây? Em rất ngại gặp người nhà của ông ấy?
Lâm vội nói:
- Giữa cha con với nhau em không phải ngại gì cả. Vả lại dượng ấy đang ốm nặng, ai nỡ cấm đoán con đến thăm cha cơ chứ.
Chớp đôi mi dài, Minh Thi khẩn khoản:
- Anh sẽ đi với em nha.
Lâm mỉm cười khoan khoái:
- Không thành vấn đề.
Vừa nói anh vừa cúi xuống. Minh Thi bâng khuâng khép mi và thấy dường như khoảng trời cao chao nghiêng ngoài cửa sổ.