There is no way to happiness - happiness is the way.

There is no way to happiness - happiness is the way.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Nguyễn Tuấn Anh
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 15124 / 295
Cập nhật: 2015-03-10 12:00:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22 -
ai Kỷ cho người mang xe đến mời tôi đến cơ quan ông để bàn công tác. Ông ta đề nghị tôi đứng tên làm chủ biên cho tập sách viết về tiểu sử và cuộc đời của các bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn Giang từ năm 1930 đến nay. Ông hứa khi hoàn thành cuốn sách, tôi sẽ được khoản thù lao kha khá, đồng thời sẽ tham gia đoàn cán bộ tỉnh đi nghỉ mát ở nước ngoài. Tôi nhận lời ông Hai Kỷ. Sau câu chuyện chính, Hai Kỷ giữ tôi lại uống cà phê nói chuyện lai rai. Ông vừa bóc bao Sàigòn xanh mời tôi hút vừa hỏi:
- Lâu rồi ông có gặp thằng Trần Khuất Nguyên không?
- Không, kể từ đêm hắn quậy buổi tối ra mắt tập thơ của anh Tràng Giang đến giờ. Ngồi với nhau một lúc, Hai Kỷ bảo:
- Ba Hưng ạ, thằng Trần Khuất Nguyên đã bị địch mua đứt
Tôi trố mắt kinh ngạc:
- Địch nào?
- Địch chứ còn địch nào. Thiếu cha gì địch xung quanh chúng ta. Tôi báo ông biết là địch nó đông như rươi ấy. Nào bọn gián điệp xưa Tây còn sót lại, nào là tụi CIA do Mỹ còn gài lại khắp nơi này, nào là điệp viên của bọn bành trướng Bắc Kinh này, bọn mật vụ Tàu Tưởng xưa còn rơi rớt do Đài Bắc chỉ đạo này, bọn Pôn Pốt cũng còn chân rết quanh ta nữa đấy, bọn gián điệp Thái Lan... ấy là tôi chưa kể bọn phản động trong nước âm mưu lập hội kín hội hở để phá ta. Liệu mà ăn nói giao du đấy ông nhà văn ơi. Cũng cần phải biết giữ mồm giữ miệng nữa ông ạ. Bất cứ lúc nào cũng có một thằng địch dòm ngó, tính dụ dỗ ta. Tôi cho rằng thằng Trần Khuất Nguyên đã bị bọn ma đầu phản động mua đứt.
Tôi buột miệng:
- Nếu địch nhiều và loạn như thế thì hóa ra ngành công an của ta bất lực à? Theo tôi biết thì nhân viên ngành an ninh của ta đông vô kể, tài vô song. Thật khó tin lắm ông Hai Kỷ ạ. Lại còn chuyện thằng Trần Khuất Nguyên nữa. Địch nào lại điên tới mức bỏ tiền ra mua một thằng bốc trời, một tay Đông Kisốt ấm a ấm ớ như vậy chứ?
Hai Kỷ xạc tôi liền:
- Ông là chúa có chủ quan. Bọn nhà văn các ông ngây thơ mắt cảnh giác bỏ xừ đi ấy. Các ông cả tin vào con người vừa vừa chứ. Trong nền văn học chúng ta, tuyệt nhiên không được có cái tính người chung chung như bọn phương Tây nghe chưa. Các ông chưa học được đức tính của giai cấp cầm quyền là phải biết cách nghi ngờ, biết cách lật tẩy bộ mặt thật của những con người giả vờ giả vịt. Chúng nó cười cười thề thốt trung thành với chúng ta như sấm, nhưng hãy coi chừng, chúng thủ dao găm sau lưng đấy. Vì vậy, người cách mạng dù khi ngủ, thậm chí khi yêu cũng phải hết sức cảnh giác. Có khi thằng địch nó nấp ở trong người các ông mà các ông không biết hay giả vờ không biết.
Tôi đành phải làm bài ngoan ngoãn vâng lời:
- Ông Hai nói có lý. Nhưng tôi còn khó hiểu cái chỗ là thằng địch nó mua thằng Trần Khuất Nguyên, tức nhiên là nó phải mua bằng tiền?
- Dĩ nhiên.
- Tôi hoàn toàn không bênh thằng Nguyên đâu, nhưng tôi biết hắn nghèo rớt cục mùng tơi. Đến xe đạp hắn còn không có mà đi nữa là. Chả lẽ thằng địch nó không giúp hắn mua một cái xe đạp loại thường thường như Hữu Nghị chẳng hạn để hắn đi hoạt động cho nhanh à?
- Ôi, tụi nó đóng kịch tài lắm ông ơi. Với lại cái thằng địch bây giờ nó cũng cáo lắm. Nó biết người biết của lắm, giá trị bằng nào thì nó trả đúng bằng ấy thôi, không hơn không kém một xu nhá. Như cái thằng Trần Khuất Nguyên này, thằng địch nó chỉ cần bỏ ra vài ly bia, dăm bịch đậu phộng, mấy điếu thuốc ba số là mua được liền. Nhưng ông đừng tưởng tụi nó mua thằng này bằng cái giá rẻ như vậy. Nó mua thằng Nguyên bằng những lời khen. Rằng ông thi sĩ Trần Khuất Nguyên bị chế độ độc tài vùi dập tài năng. Rằng ông là thiên tài, nếu ở phương Tây, giải Nô-ben văn chương là cái chắc. Rằng hậu thế sẽ đánh giá lại ông chính xác như từng đánh giá lại Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Cao Bá Quát. Lúc ấy, ông mà không bằng cụ Nguyễn Du, tụi tôi cứ xin đi đầu xuống đất. Đấy là cách nó mua thằng này hay nhất ông ơi. Mà tâm lý bọn nhà văn các ông thì suốt đời chỉ có thiếu những lời khen mà thôi.
Tôi im lặng như một linh hồn chắp tay trước tòa phán xét cuối cùng. Hai Kỷ hút một hơi thuốc dài rồi nói:
- Ông không tin thằng Trần Khuất Nguyên bị địch mua thì bằng chứng đây. Bên công an văn hóa có gởi sang tỉnh ủy hồ sơ về thằng này sau khi hắn bị khai trừ đảng. Họ đang đề nghị bắt hắn nhưng thường vụ còn do dự. Tôi chỉ xin rút mấy tờ nhỏ nhất trong hồ sơ mang bí số vụ án Z5. Xin ông giữ bí mật giùm cho, Z5 là bí số của Trần Khuất Nguyên do cơ quan an ninh đặt. Đây, tôi cho xem. Nếu ông hở chuyện này ra là cả hai ta đều tiêu đấy nghe chưa. Tụi nó đánh hơi thấy ta bám đuôi là bốc hơi liền, có trời chộp lại. Hai Kỷ rút từ trong tủ ra một cái cặp bìa cứng khá dày, lấy mấy tờ giấy đánh máy mang kỷ hiệu Z5 110 đưa cho tôi. Tôi cầm lên, đeo kính cẩn thận lại rồi đọc:
Ngày... tháng... năm... hồi... giờ... Trinh sát Ql từ sở thông tin văn hóa báo: suốt hai tuần nay, không thấy Z5 nói câu gì ở cơ quan. Cần phải đặt câu hỏi vì sao Z5 như cái bóng không hồn, không nói, không cười, không tụ họp. âm mưu gì đây? Ngày... hồi... giờ... Cơ sở của T18 báo: Z5 đi theo hai thương binh (của ta) vào một quán bia bên đường Trần Hưng Đạo. Ba người uống bia bốn mươi lăm phút thì Z5 đọc thơ, loại thơ chưa duyệt. Cơ sở nghe tiếng đực tiếng cái nên không biết thơ này phản động nhiều hay phản động ít. Z5 đọc xong ba bài thì đám ăn mày, đám bụi đời ngoài đường tấp vào nghe rất say mê. Sau khi họp giao ban, ban chuyên án đặt vấn đề cần tìm gấp xem thơ đó là thơ gì, phải chép cho được, thơ gì mà đọc ra lại làm mê bọn bụi đời và ăn mày. Loại thơ đó chắc chắn là thơ xấu. Ngày... hồi... giờ... Trinh sát B 22 báo: Z5 đi theo một cán bộ hưu trí tới nhà tên Hà Văn Nội là thương phế binh ngụy bị cụt giò hồi đánh nhau với ta ở Quảng Trị. Tên Nội dù cụt giò, ban ngày vẫn đi đạp xích lô, đêm nghỉ. Vợ Nội là Hẹn bán vé số, có năm con. Z5 vô nhà tên này một lúc thì thấy ngồi trên cái xích lô của Nội đạp đi. Z5 đạp đến i 5 phút mới quen. Trinh sát theo tiếp, sau khi điều tra được biết là Z5 mướn xích lô của Hà Văn Nội để đạp ban đêm, giá cả thuê mướn ra sao chưa được biết. B 22 theo sát Z5 để coi có đạp xích lô thật không. Z5 chở khách thật. Sau khi giao ban, ban chuyên án đặt vấn đề: Z5 là cán bộ, là nhà thơ, là thương binh cách mạng, lại đi mướn xích lô của một tên thương phế binh ngụy để đạp kiếm tiền. Như vậy Z5 đã mắc tội không phân biệt địch ta, đánh đồng thương binh cách mạng với thương binh ngụy. Tội thứ hai của Z5 là bêu xấu chế độ Ngày... hồi... giờ... Cơ sở của T18 báo: Z5 và Hà Văn Nội, thương phế binh cụt giò, đi nạng vào quán cà phê Ướt Mi. Z5 uống cà phê đen, Nội xài cà phê đá, hút thuốc Khánh Hội. Z5 và Nội nói với nhau rất bé, cơ cở không nghe rõ. Chắc hai bên bàn điều gì nguy hiểm lắm. Gần một tiếng đồng hờ, Z5 đang ngồi im lặng tự nhiên ứa nước mắt. Họp giao ban đưa ra vấn đề: Z5 thương binh ta, lại đi khóc với một tên thương phế binh ngụy. Bằng hành động này, hoặc là Z5 điên, hoặc là có ý làm nhục cách mạng. Sao lại khóc với địch nhỉ? Ngày... hồi... giờ... Trinh sát báo cáo: Z5 đến câu lạc bộ những người kháng chiến cũ và câu lạc bộ hưu trí, hai đơn vị sát nhau, chung một khuôn viên, chung một hội truờng. Người ngồi nghe Z5 nói chuyện và đọc thơ đông nghịt. Thành phần đi nghe: cán bộ hưu trí, thương bệnh binh (của ta), bộ đội xuất ngũ, sinh viên học sinh, đàn bà con gái chiếm đến một phần tư khán giả. Z5 được vỗ tay nhiệt liệt. Z5 đọc và nói rất to, vẻ hung hăng, không biết kiêng nể ai cả. Chủ đề cuộc nói chuyện đọc thơ mang tên: đừng quên cuộc kháng chiến trong ba tiếng đồng hồ, trinh sát có thu băng. Toàn phòng đã nghe cuộn băng này, thơ và nói nhưng chưa quy thành phản động được. Tuy nhiên ta vẫn có cớ để bắt lỗi Z5: có đọc những bài thơ mới viết chưa được duyệt, chưa được in. Đọc thơ tình đến 5 bài toàn kêu gợi yêu đương nhăng nhít. Giữa lúc ta đang gian khổ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Z5 lại đi hô hào chuyện trai gái giữa đám đông. Một kiểu chiến tranh tâm lý đánh lạc hướng quần chúng, xui mọi người lao vào chuyện mây mưa chim chuột mà xao nhãng công tác cách mạng. Ngày... hồi... giờ... Các cơ sở của T18 ở Hội văn nghệ, ở báo văn nghệ tỉnh báo: Z5 hay ra bờ hồ ngồi nhìn dông dài có khi ba bốn tiếng đồng hồ. Z5 thì thầm nói một mình như thể gọi vô tuyến điện thoại cho ai đó. Z5 tự đọc thơ cho mình nghe. Có khi Z5 khóc gọi tên bạn bè đã hy sinh trong rừng. Cần phải điều tra xem Z5 có âm mưu gì không? Có phải Z5 giả vờ làm ra vẻ ấm ớ, mát giây để đánh lừa ta? Về chuyện hay chảy nước mắt của Z5 cần phải xem xem có là hành động chiến tranh tâm lý? Giữa cuộc sống tốt đẹp này sao lại khóc. Vu cáo hay là ý đồ gì đây? Ngày... hồi... giờ... Trinh sát X3 báo cáo: Z5 viết ngoài cửa nhà mình là đi vắng, nhưng vẫn cứ một mình ở trong nhà. Suốt một năm trời Z5 đều chơi trò treo đầu dê bán thịt chó như vậy. Họp giao ban, đưa vấn đề: tại sao Z5 lại phải lừa bạn bè như vậy? Z5 làm điều gì trong nhà? Z5 ở trong đó có ai? Trinh sát có mở cửa nhà Z5 vào khám xét khi đương sự ở cơ quan, nhưng chưa tìm ra bằng chứng gì khả nghi. Ngày... hồi... giờ... Trinh sát Ql báo cáo: Z5 làm đơn kiện ban giám đốc sở văn hóa thông tin về cái gọi là tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, tội hủ hóa và tội trù dập cấp dưới. Z5 kiện lên Viện kiểm sát tỉnh và Viện kiểm sát tối cao. Tội của Z5: phanh phui bí mật của tỉnh ra ngoài khi chưa được phép. Ngày... hồi... giờ... Một cơ sở của T18 vốn là bạn thân của Z5 đã bí mật thu băng được cuộc nói chuyện của Z5 và cơ sở ngoài công viên. Băng ghi âm này ban chuyên án đang giữ. Trong câu chuyện với bạn mà Z5 không ngờ được đấy là tai mắt của công an, Z5 ca thán xã hội ta bất công, cán bộ tha hóa. Z5 còn nói một câu rất phản động: Nếu chúng ta cứ đẩy cuộc sống xuống vực như thế này thì có tội lớn với hàng triệu người đã hy sinh. Chúng ta đang phản bội xương máu của họ. Một câu châm chọc, dạy đời, nói kháy xã hội tốt đẹp của chúng ta cần lưu ý mà Z5 đã nói: Chúng ta (ám chỉ chế độ) cần phải học cách tin yêu con người. Không thể lãnh đạo đất nước nếu cứ nghi ngờ mọi công dân là địch cả.
Tôi rùng mình, tuy vẫn làm ra vẻ bình thản trước ông Hai Kỷ. Nếu mình tỏ ra sợ hãi, Hai Kỷ sẽ tự hỏi có tật giật mình. Đừng có đùa với quyền lực. Đó là kinh nghiệm xương máu tôi đã rút ra từ mấy chục năm nay. Tôi trao lại cho ông Hai Kỷ mấy tờ ghi chép trên rút từ hồ sơ vụ án Trần Khuất Nguyên. Hai Kỷ - Ba Hưng thấy chưa? Mọi hành vi của văn nghệ sĩ các ông không có gì qua mặt được công an đâu. Bên công an họ đề nghị bắt Trần Khuất Nguyên nhưng đồng chí Tràng Giang bảo thôi, khoan đã. Vì đồng chí bí thư tỉnh ủy vừa ra Hà nội họp, có gặp ông Chín Quang là cán bộ lãnh đạo văn hóa của trung ương. Ông Chín Quang hỏi bí thư tỉnh ủy rằng tỉnh Sơn Giang làm gì mà căng với thằng Trần Khuất Nguyên thế? Nó sai thì bảo cho nó sửa chứ, sao lại khai trừ đảng người ta? Rằng nó cũng kháng chiến, cũng thương binh, có đóng góp cho nền thơ, mới viết vài bài vớ va vớ vẩn vài câu nói có vẻ bất mãn đã chơi nó như quân hằn quân thù vậy. Rồi ông Chín Quang còn đai thêm với anh Tràng Giang nhà mình thế này chứ: các ông đối xử với người của chính mình còn nhẫn tâm như vậy, thì sao có thể thuyết phục được quần chúng về tinh thần nhân đạo cộng sản. Do đó, đồng chí Tràng Giang bảo không cần bắt hắn làm gì, bắt mang tiếng. Cái thằng nhà thơ ấy bị tâm thần, cứ nói sở y tế chữa giùm hắn một thời gian. Tôi hiểu, bí thư tỉnh ủy đã phán thế, cầm bằng số phận Trần Khuất Nguyên đã được định đoạt. Tràng Giang, một người sâu sắc và kỹ tính, lại nhớ và thù dai, chuyện gì cũng phải được sòng phẳng không trước thì sau. Nên câu hỏi phạm thượng, thái độ dạy dỗ cấp trên, ý định chơi xỏ làm cấp trên đuối lý phải tịt ngòi của Trần Khuất Nguyên tối phát hành tập thơ Đêm mặt trời, quả tình như một cái tát vào mặt bí thư tỉnh ủy. Mối thù đó ông ta vẫn cứ ghim lại đó, coi như tạm thời lờ hắn đi. Vì nếu ông trừng phạt hắn ngay, thiên hạ sẽ cười vào mũi rằng đồng chí Tràng Giang chấp vặt, đánh ai không đánh, đi đánh cái thằng tôm tép, cái thằng phổi bò dám uống mật gấu. Cho nên, cao tay là ông cứ để cho mày nhởn nhơ một thời gian con ạ. Sau đó, ông mới dạy cho mày cái giá hỗn láo với bí thư tỉnh ủy đắt như thế nào. Lúc đó, đến thánh cũng không thể ngờ được là đồng chí bí thư tỉnh ủy trả thù tên oắt con về tội phạm thượng Đêm mặt trời, vụ thằng Trần Khuất Nguyên dám chất vấn ông về chuyện cán bộ cao cấp trong tỉnh ai là con người mới xã hội chủ nghĩa.
Tôi toan xin phép ông Hai Kỷ ra về. Nhưng ông giữ lại nói tiếp:
- Ba Hưng ạ, bắt thì dễ nhưng thả ra mới khó. Đã bắt rồi có oan cũng ít ra phải ngồi tù vài ba năm, nếu thả ra nói vô tội thì miệng đời nó cười cho, rằng chúng ta bắt nhầm, bắt sai hả? Tôi nói vậy không phải để đe dọa ông đâu, mà để ông giữ mồm giữ miệng, giữ bút giữ mực, vì cái nghề của các ông nó bạc lắm. Một li nó đi một dặm ông ạ, bút có khi chửa kịp sa mà gà đã chết rồi.
Tôi lễ phép:
- Cám ơn ông Hai dạy bảo.
Hai Kỷ làm nghiêm mặt hỏi tôi:
- Ông Ba Hưng nghĩ thế nào về việc con gái ông hiện nay?
Tôi ngạc nhiên:
- Việc gì vậy ông Hai?
- Thôi, ông vờ vịt với tôi làm gì. Văn Nghệ sĩ các ông lúc chó nào cũng chỉ coi cuộc đời là một cái sân khấu. Thật tình tôi không biết. Cái vẻ yêu đương của con Vương Thi nhà ông hiện nay ai cũng biết. Vậy mà ông là cha nó mà không biết thì hơi kỳ.
- Tôi chỉ biết cháu hiện nay có người yêu, nhưng còn giấu tên chưa chịu khai trình với gia đình.
Hai Kỷ cười ruồi:
- Nếu vậy tôi thông báo luôn để ông biết nhá. Con Vương Thi nhà ông đang yêu thằng phản động Trần Khuất Nguyên đấy.
Tôi tái mét mặt, sợ hãi như thể vừa nghe tin con gái mình bị bắt vậy. Tôi kêu:
- Trời ơi, không có lẽ. Hai Kỷ đứng lên, mở tủ lục tập hồ sơ Z5 lúc nãy, lôi ra một phong bì ảnh rồi rút ra một tấm đưa tôi:
- Mời ông coi đứa con gái trong ảnh đang đi bên thằng Trần Khuất Nguyên này có phải là con Vương Thi nhà ông không? Tôi tối sầm cả mặt lại. Trời đang sập trên đầu tôi, đất đang lún dưới chân tôi. Tấm ảnh chụp chính diện con gái tôi đang cầm tay Trần Khuất Nguyên đi trên đường. Nhìn gương mặt hai đứa tươi như hoa mà tôi rầu đến méo cả mặt. Thì ra cái anh chàng vô danh hay ho mà con gái tôi đã kể, chính là tay nhà thơ đã bị cấm viết và chắc chắn sẽ bị nhốt này đây. Ôi, sao số phận cứ chơi khăm tôi hoài vậy. Dù rằng trong thâm tâm, tôi cảm phục Trần Khuất Nguyên thật, nhưng nếu để con gái tôi yêu và lấy hắn thì quả là tai họa. Một con người như Trần Khuất Nguyên không bao giờ được sống bình yên cả. Tôi trả tấm ảnh cho Hai Kỷ. Ông ta tình cảm:
- Vì ông với tôi là bạn bè, chứ không tôi xía vào chuyện gia đình ông làm gì. Ông hãy về dùng quyền làm cha ngăn cản nó đừng yêu cái thằng chống đảng ấy nữa.
Tôi từ biệt Hai Kỷ ra về. Xe của ông chở tôi tới cổng chung cư. Tôi xuống xe, lê bước với một tâm trạng của một người đang đi về phía trại học tập cải tạo. Tôi đang ngồi làm công tác chính trị với con gái thì vợ tôi từ cơ quan về. Lúc ấy là chín giờ tối. Ruộng đi xồng xộc vào căn trong, con gái chào không thưa, tôi hỏi cũng không nói. Đoạn bà ấy bước ra gian ngoài, ngồi đối diện với bố con tôi:
- Bố con nhà ông đang xầm xì bàn mưu tính kế gì đó?
Tôi bực quá gắt:
- Bà hay nói kiểu lãnh đạo với tôi quen mất rồi, có con gái lớn ngồi đây cũng phải biết nương nhẹ mềm mỏng một chết chứ.
Ruộng vẫn giọng kẻ cả:
- Ông đừng có mị dân. Nhà này có phép tắc chứ không có kiểu theo đuôi quần chúng vậy đâu nhé.
Tôi im lặng giả câm giả điếc. Cãi nhau với bà ấy chỉ có lỗ, thà cãi nhau với đầu gối còn hơn. Bà ấy nóng tính, suốt ba ngày nay gây gổ. Chung quy cũng chỉ tại chuyện yêu đương của con Vương Thi với thằng Trần Khuất Nguyên thôi. Hôm trước, con gái tôi dẫn Trần Khuất Nguyên về trình diện bố mẹ. Trần Khuất Nguyên thấy tôi, cu cậu ngạc nhiên đến lác mắt. Còn Vương Thi có bao giờ khoe với ai bố nó là nhà văn Trần Hưng, huống hồ với thần tượng thơ này thì văn chương của tôi chỉ làm cho nó thêm xấu hổ. Vương Thi tưởng tôi chưa biết tình nhân của nó là ai bèn lắc xắc giới thiệu. Tôi bảo nó chúng tôi quen nhau khi nó còn đi chập chững. Nó cũng ngạc nhiên đến dài mỏ ra không kém gì Trần Khuất Nguyên. Bữa đó, Trần Khuất Nguyên cực kỳ lễ phép, cứ một điều thưa bác, hai điều thưa bác. Hai đứa trình bày nguyện vọng xin phép bố mẹ cho chúng được lấy nhau. Tôi nghĩ bụng ngày xưa tôi đã bị tổ chức cấm yêu, cấm lấy Oanh để cuối cùng lấy Ruộng bao nhiêu năm sinh ra bi kịch cho tất cả. Giờ đây lẽ nào tôi lại cấm chúng yêu nhau, lấy nhau. Nhưng lời khuyên của Hai Kỷ và nỗi sợ trong tôi lớn hơn những ý nghĩ chân chính đó. Ruộng nghe con gái trình bày xong bèn hỏi:
- Có phải Trần Khuất Nguyên là nhà thơ không?
Trần Khuất Nguyên dạ lễ phép. Vương Thi phụ họa:
- Anh ấy là nhà thơ tài nhất trong lứa ba mươi bốn mươi đấy mẹ ạ. Anh ấy từng đi bộ đội chống Mỹ và là thương binh đấy ạ.
Ruộng gạt phắt, không nể nang gì người yêu của con:
- Biết rồi, cô khỏi giới thiệu. Ai thì tôi đồng ý chứ nhà thơ thì xin kiếu. Trong nhà tôi có một ông nhà văn là đủ khổ lắm rồi, cô còn tính rước thêm ông nhà thơ về làm gì nữa.
Vương Thi sửng cồ với mẹ. Hai mẹ con cãi vã nhau om xòm khiến tôi và Trần Khuất Nguyên phải can gián. Sau đó, Nguyên xin phêp ra về với một thái độ vẫn hết sức mềm mỏng, lễ phép. Vương Thi cũng bỏ đi luôn. Tôi nghĩ có lẽ con gái sẽ không về nhà nữa. Nhưng sau ba hôm, tối nay, cháu mang về cho bố mẹ bức thư của Trần Khuất Nguyên. Anh ta trình bày tình cảm của anh ta với con gái tôi một cách từ tốn lễ độ. Rằng vì không còn cha mẹ, anh em ruột lại ở ngoài Bắc, một lần nữa anh xin chúng tôi kết hôn, được làm hôn thú với Vương Thi. Khi chúng tôi đang bàn luận về bức thư này thì mẹ cháu về. Ruộng ngồi một lúc mới nói, lần này thì nhẹ nhàng hơn:
- Vương Thi, mẹ muốn nói chuyện với con.
Tôi toan đứng lên: Nếu bà muốn nói chuyện riêng với con thì để tôi đi.
- Xin ông cứ ngồi đó cho tôi nhờ.
Tôi ngồi lại, thu lu như ông bình vôi trên võng. Vương Thi tay chống cằm, mặt nhìn ra cửa, chân bắt chéo chữ ngũ. Ruộng vào phần mở bài:
- Ai đẻ ra con, Vương Thi?
Con gái lý sự lại:
- Con có yêu cầu bố mẹ đẻ con ra đâu. Lúc nào mẹ cũng hay nói cái giọng ấy. Làm như con được ra đời thì sung sướng lắm ấy.
- Ơi hay, chị nói hay nhỉ. Mang nặng đẻ đau, nuôi lớn cho ăn học nên người, trơn lông đỏ da rồi nói hỗn với mẹ hả?
- Con không hỗn. Tự mẹ mất lịch sự. Cái hôm con dẫn anh Nguyên về, mẹ làm con nhục nhã quá. May mà anh ấy hiểu đời thông cảm, như người khác lại không cười vào mũi con bảo rằng mẹ em sao làm phó giám đốc trường đảng gì mà thiếu văn hóa thế.
- Vâng, dù thiếu văn hóa tôi cũng đẻ ra chị. Mẹ bảo con này: không ai thương con bằng mẹ đâu. Đời mẹ đã không có hạnh phúc nên mẹ chỉ còn trông mong vào hạnh phúc của con thôi.
- Thế thì hiện nay con rất hạnh phúc. Chính ra mẹ phải mừng cho con có được người yêu là anh Trần Khuất Nguyên. Đằng này, khi con dẫn anh ấy về nhà giới thiệu, dù mẹ không bằng lòng anh ấy đi chăng nữa, mẹ cũng phải cần ăn nói cho ngọt nhạt, chứ không có cái kiểu mang té tát vào mặt người ta như vậy Tại sao mẹ lại không chấp nhận cho chúng con lấy nhau?
Ruộng hỏi lại con gái:
- Con có biết anh ta năm ngoái vừa bị khai trừ đảng, vừa bị cách chức không?
- Con biết.
- Con có biết Nguyên đã có một đời vợ, có một đứa con, bị vợ chê bỏ đi sống với người khác không?
- Con biết.
- Con có biết hiện nay Nguyên đang bị công an theo dõi ráo riết, bị cấm in thơ, in sách không?
- Con biết.
- Con có biết suốt một tháng trời, tối nào Nguyên cũng phải đi đạp xích lô để kiếm sống không?
- Con biết.
- Con có biết anh ta là tên nghèo mạt, khố rách áo ôm không?
- Không, mẹ nhầm đấy. Anh ấy rất giàu có, gia tài của anh ấy lớn hơn tất cả mọi người ở đây. Mẹ đánh giá con người theo kiểu thực dụng, kiểu Mỹ mà mẹ vẫn lên án trong bài giảng đấy. Trần Khuất Nguyên là người có nhân cách, một tâm hồn rất đẹp, một đức tính vị tha quên mình. Cái quan trọng là thơ của anh ấy chính là gia tài vô giá mà lịch sử văn học sau này sẽ đánh giá công bằng hơn. Anh ấy còn một đức tính nữa mà ngày nay nhiều người hoàn toàn không có: ấy là lòng chân thành, ghét mọi sự dối trá.
Ruộng nói kháy:
- Vâng, khi chị đã yêu thì xấu hóa ra tốt, nghèo hóa ra giàu sụ, chống đảng thành ra nhà cách mạng.
Vương Thi thách thức:
- Thì đã sao nào. Con yêu và con cho bồ hòn ngọt, trái ấu tròn đấy.
Ruộng hòa dịu:
- Con đừng có bướng. Mẹ đẻ con ra mẹ biết tính con lầm Vương Thi. Con chả chịu nghe ai rồi đời con khổ tàn mạt cho xem. Khắp cả tỉnh này, ai người ta cũng bảo Trần Khuất Nguyên là thằng hâm, là đứa mát giây. Bất cứ chuyện gì nó cũng xông vào, lúc nào cũng sôi sùng sục, đọc thơ lên là chảy cả nước mắt hệt như hề vậy. Nó lại chẳng biết sợ ai, nay kiện người này, mai tố kẻ khác. lúc nào cũng tìm cách nói hành nói tỏi lãnh đạo, làm thơ châm chích chế độ tốt đẹp của chúng ta. Con hãy nhìn vào gương xem, con đẹp đẽ xinh tươi như thế, thiếu gì đứa mê mà đi lấy cái thằng chống đảng ấy.
Vương Thi nghênh mặt lên, đanh đá:
- Mẹ đừng có xúc phạm đến người yêu của con nghe chưa. Cái thời gì mà điên đảo, người tốt bị gọi là xấu, người tỉnh táo bị cho là hâm, người cách mạng chân chính bị vu là phản động. Mẹ ạ, mẹ sống trong cái thế giới dối trá lừa lọc quen rồi, mẹ làm sao hiểu nổi một con người trung thực như anh Trần Khuất Nguyên.
Ruộng lấy quyền làm mẹ trấn áp:
- Láo, mày bảo ai sống trong dối trá. ừ, chính sự dối trá ấy đẻ ra mày đấy đồ con gái chưởi mẹ ạ. Tao cấm mày lấy thằng chống đảng ấy đấy. Tình yêu tình ghét gì, hôn nhân hôn nhiếc gì cũng phải có lãnh đạo, có tổ chức nghe chưa? Nhất là mày lại là con gái của một nữ tỉnh ủy viên khóa tới.
Vương Thi hăng lên:
- A nhưng mà mẹ cấm được nổi con không? Nên nhớ rằng con đã sống tự lập cả ba năm nay rồi nhá. Trái tim của con, con muốn tặng ai mặc con, mẹ không có quyền cấm. Con cứ yêu, con cứ lấy anh ấy đấy mẹ làm gì được con nào?
Ruộng nổi cơn tam bành:
- Nếu không có bố mày ngồi đây, tao đã đập cho mày một trận. Tao nói lời cuối cùng: một là mày từ bỏ nó, hai là mày từ bỏ tao.
- Con chả từ bỏ ai cả. Mẹ vẫn cứ là mẹ con và anh ấy sẽ vẫn là chồng con.
Ruộng đứng lên:
- Tao thách mày làm được hôn thú đấy.
Vương Thi cũng quyết liệt:
- Chúng con cũng cóc cần cả hôn thú. Trai chưa vợ, gái chưa chồng yêu nhau, ở với nhau ai bắt mà sợ.
Ruộng đe:
- Tao sẽ có cách làm cho thằng Trần Khuất Nguyên vào tù.
Vương Thi òa lên:
- ối trời ơi, sao mẹ lại ác thế. Mẹ giết con đi thì hơn này. Bố ơi, sao bố ngồi im vậy? Bố không biết thương con à?
Tôi can gián hai mẹ con, vỗ về an ủi Vương Thi. Nhưng Ruộng quát:
- Thôi đi, ông đừng có mị dân theo đuôi quần chúng như vậy. Còn con bất trị kia cút ngay. Tôi giữ tay con gái lại, nhưng nó đã chạy vụt ra cửa, vừa nói vừa sụt sịt:
- Vĩnh biệt bố mẹ.
Tôi đuổi theo con nhưng nó đã chạy vào đêm tối.
Ly Thân Ly Thân - Trần Mạnh Hảo Ly Thân