Người khôn ngoan nhất không phải là người gặt hái được nhiều thành công, mà là người biết biến thất bại thành những lợi thế nhất định.

Richard R. Grant

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 287 / 20
Cập nhật: 2020-04-04 20:31:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ại sao lại xảy ra tình trạng là Mét-vê-đép, một người lãnh đạo trẻ và chưa có kinh nghiệm của tổ chức Đảng, lập tức học đòi tất cả những gì xấu xa nhất có thể học đòi được ở những người lãnh đạo khác có kinh nghiệm, nhưng hoàn toàn không đáng bắt chước? Anh ta vẫn chưa biết cách giải quyết công việc. Nếu đơn giản hóa vấn đề đi một chút, có thể giả định rằng cả việc xấu lẫn việc tốt, anh ta đều chưa biết làm, anh ta còn cần phải học làm hai loại việc đó. Vậy thì tại sao anh ta tiếp thu cái xấu nhanh hơn và có hiệu quả hơn tiếp thu cái tốt?
Khi con người mua cho mình một bộ quần áo ở cửa hàng đồ cũ thì người đó chọn trong số quần áo của người khác bộ nào vừa với mình. Chắc chắn, trong đời Mét-vê-đép đã gặp những người lãnh đạo khác nhau, cả người tốt lẫn người xấu. Hẳn là anh ta đã thấy cả những người mà ưu điểm và khuyết điểm lẫn với nhau như lúa mì với cỏ bìm bìm trên cánh đồng có cỏ dại. Có những bản chất phức tạp như thế. Một người có tài tổ chức, biết cổ vũ và động viên mọi sinh lực cũng như mọi phương tiện vào một việc quan trọng nào đó, vậy mà lại là một kẻ chuyên chế thô bạo, háo danh. Một người thường biết quyết định và hành động một cách mạnh dạn, nhưng hoàn toàn không bao dung được những người mạnh dạn và có đầu óc độc lập khác ở cạnh mình. Một cán bộ văn hóa quần chúng, một diễn giả xuất sắc, một gã trai vui tính (khi nói chuyện với nhân dân tại các cuộc họp), nhưng khi ở trong bốn bức tường văn phòng của mình thì lại là kẻ đàn áp phê bình và bóp nghẹt sáng kiến. Một người thực sự thù ghét chế độ “chuyên chế” và kiên quyết chống lại nó trong tất cả mọi việc, trừ phạm vi hoạt động của chính mình. Một người bản thân không phải là kẻ quỵ lụy và xu nịnh, nhưng không chống lại sự xu phụ và nịnh hót của cấp dưới. Chính trong số “những cái phức tạp” ấy của một số cán bộ lãnh đạo mà Mét-vê-đép quen biết, có lẽ anh ta đã chọn lấy những gì anh ta có khả năng bắt chước, những gì dễ bắt chước hơn. Như vậy, những khuyết điểm được đề cao, chiếm địa vị hơn hẳn, còn những ưu điểm của nguyên bản được sao chép bị bỏ rơi hoàn toàn. Bị bỏ rơi bởi vì muốn học tập những ưu điểm ấy, dù chỉ là một phần, cũng cần có chút tài năng nào đó.
Bởi thế, sau khi trở thành người đứng đầu tổ chức Đảng của huyện, Mét-vê-đép đã tiếp thu những tật xấu ít nhiều phổ biến của những bí thư huyện ủy tồi, nhưng thậm chí vẫn được coi là những bí thư tốt, và trong số những thói xấu ấy thì thói xấu tai hại nhất là thái độ thờ ơ với mọi người. Đối với anh ta, các chủ tịch nông trang và trưởng trạm máy kéo không phải là những đồng chí trong công tác, mà chỉ là những đòn bẩy trung gian để tạo sức ép với quần chúng, và nhờ sức ép đó mà thực hiện những chỉ thị từ trên đưa xuống. Còn về các nông trang viên bình thường thì chẳng nói làm gì: anh ta coi họ chỉ là kẻ có lỗi về việc không thực hiện cái này, cai kia.
Mới qua đợt gieo hạt vụ xuân, Mét-vê-đép đã nổi tiếng khắp nơi về sự thô bạo của mình, đến nỗi trong các nông trang, các bà mẹ đã dùng anh ta để dọa con.
- Liệu đây, bao giờ cái chú đeo kính gọng, vàng vẫn quát mắng bà con ở ngoài đồng đi xe “Pô-bê-đa” màu lá mạ đến đây, mẹ sẽ mách chú ấy là con hư thế nào!..
Lúc đầu, ông già Glô-tốp có tính phớt đời, trưởng trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca, được Mét-vê-đép coi là người hiền lành. Sau mấy lần đả Đôn-gu-sin nhưng thất bại, (Đôn-gu-sin là người biết ứng đối mau lẹ và khi bị đả kích bất công ông lập tức đập lại ngay), Mét-vê-đép bắt đầu nhắm vào Glô-tốp nhiều hơn, anh ta năng đến các nông trang của trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca hơn. Ông già tiếp thu chỉ thị của Mét-vê-đép, không tranh cãi công khai nếu Mét-vê-đép ra lệnh bừa đất ướt để gieo vụ thu. Ông cũng ra lệnh cho đội trưởng điều chỉnh máy và cho máy chạy, nhưng chiếc “Pô-bê-đa” của huyện ủy vừa khuất sau gò là ông bắt máy kéo dừng lại và tiếp tục làm mọi việc theo ý mình. Thợ máy kéo là loại người tinh ý, họ gọi những hành động như thế của ông trưởng trạm từng trải việc đời, giàu kinh nghiệm của mình là “chiến thuật bất tuân lệnh một cách hòa bình”. Có những trường hợp còn tệ hại hơn. Nếu Mét-vê-đép nhất định đòi phải bắt đầu gieo kê hay ngô xuống đất lạnh, dọa sẽ trừng phạt bằng mọi cách nếu như để chậm trễ, Glô-tốp chỉ thị cho các đội trưởng cho máy gieo chạy một lượt trên các khu ruộng rồi tạm dừng lại, còn ông bảo lên huyện rằng đã gieo được ba mươi - bốn mươi héc-ta (để có thể ghi vào báo cáo thống kê và làm cho Mét-vê-đép yên tâm phần nào), rồi sau đó ông không gieo gì nữa, dừng lại mấy ngày chờ thời tiết ấm. Đó là đấu tranh với sự phạm tội bằng phương pháp phạm tội, nhưng là sự phạm tội không gây hậu quả tai hại cho mùa màng như gieo hạt của loại cây trồng muộn xuống đất hãy còn lạnh. Bằng những mưu kế này khác, ông già Glô-tốp, con người thản nhiên và bề ngoài có vẻ điềm tĩnh ấy, vẫn đảm bảo được chất lượng tốt trong việc làm đất và gieo trồng được tất cả các loại cây trong thời vụ tốt nhất.
Trong đợt gieo ngô, Mét-vê-đép đến nông trang “Tổ quốc”, chủ tịch nông trang này là Đô-rô-khốp, trước là người gác rừng. Bên con đường lớn xe cộ có thể qua lại được, trên một cánh đồng được xử lý tốt, người ta gieo ngô bằng một máy gieo chuyên dùng, có giây đo, đúng theo cụm ô vuông. Cả trưởng trạm máy kéo cũng có mặt ở chỗ gieo hạt. Trong thời gian gần đây, vì thường hay về các nông trang, Mét-vê-đép đã tập được thói quen ước lượng diện tích đất bằng mắt. Anh ta đưa mắt nhìn khắp cánh đồng.
- Nhưng đây chưa phải là toàn bộ diện tích trồng ngô của các đồng chí. Chỗ này chỉ khoảng năm mươi héc-ta. Còn gieo ở đâu nữa?
Đô-rô-khốp đưa tay chỉ.
- Ở đằng ấy, sau dải rừng kia kìa.
- Ta đến chỗ ấy đi.
- Hiện giờ không thể đi xe đến đấy được, - Glô-tốp ngập ngừng.
- Tại sao?
- Chiếc cầu nhỏ qua sông ở đấy bị hỏng, chúng ta có thể bị rơi xuống sông. Cần cho xe đi ngược trở lại, qua xã, đi đường vòng khoảng mười lăm ki-lô-mét.
- Nhưng kia có con đường bằng phẳng chạy thẳng về phía ấy. Xe chạy trên con đường ấy thì đi về đâu? Vết bánh xe còn mới.
Đô-rô-khốp đưa một trao đổi với Glô-tốp.
- Có lẽ cầu chữa được rồi. Ban nãy tôi vừa báo một đội trưởng...
Họ lên xe đi đến cánh đồng kia. Cầu đã chữa rồi, rõ ràng là đã chữa xong từ lâu, vỏ bào tươi trên mặt cầu và trên thành cầu đã sẫm lại. Cánh đồng này nằm khuất giữa các khe xói và dải rừng, ở đây ngô được gieo bằng máy gieo bình thường: khoảng cách giữa hàng rộng đúng mức quy định, nhưng hàng gieo liền, không thành cụm.
Mét-vê-đép đưa hai tay lên ôm đầu.
- Cái gì thế này? Nhưng ô vuông của các đồng chí đâu?..
- Xin đừng lo, đồng chí Mét-vê-đép ạ, - Glô-tốp trả lời. - Ô vuông ở đây sẽ còn tốt hơn ở cánh đồng kia. Xin hãy kiên nhẫn chờ đến khi xới lần thứ nhất.
- Sao lại phải kiên nhẫn?..
Đô-rô-khốp bắt đầu giải thích:
- Khi cây non đâm lên, chúng tôi sẽ cho máy xới chạy dọc ngang các luống. Lưỡi xới sẽ cắt những khoảng nằm ngang giữa hàng theo độ rộng cần thiết và những cây còn lại sẽ làm thành ô, ta sẽ được những ô vuông vắn.
Mét-vê-đép nhìn Đô-rô-khốp từ đầu đến chân bằng cái nhìn ăn sống nuốt tươi.
- Đây là sáng kiến riêng của đồng chí phải không?.. Đồng chí là người ngoài Đảng phải không, đồng chí Đô-rô-khốp?
- Tôi là người ngoài Đảng... Tôi đã từng là đảng viên từ năm 1936, đã bị khai trừ. Vấn đề của tôi ra sao thì đồng chí biết rồi đấy.
- Thôi được, chúng tôi sẽ đưa đồng chí ra xét xử về tội vi phạm thô bạo kỹ thuật nông nghiệp trong việc gieo ngô. Loại cây trồng cho hạt và thức ăn chăn nuôi quý giá nhất!..
- Khoan đã, đồng chí Mét-vê-đép, - Glô-tốp can thiệp. - Nếu xét xử đồng chí ấy thì nên xét xử tôi trước hết. Đây không phải là điều đồng chí ấy nghĩ ra. Chính tôi khuyên đồng chí ấy gieo như thế. Trước chiến tranh, cả vùng Cu-ban đều gieo ngô như thế và được những ô vuông tuyệt vời. Tôi biết rất rõ loại cây trồng này, tôi đã từng trồng loại cây này, tôi đã phụ trách một khu vực của nông trường quốc doanh ở Cu-ban trong ba năm. Hồi ấy chưa có máy gieo hốc vuông, người ta gieo bằng máy gieo hạt bình thường, gieo hàng liền, rồi sau cắt ngang bằng máy xới, tiếp đó lại xử lý theo chiều dọc và chiều ngang, vẫn những ô vuông như thế. Có điều, hồi ấy người ta gọi là tỉa cây chia nhóm.
- Đồng chí sẽ không thể tìm thấy cách làm như thế trong bất cứ quy tắc nông nghiệp nào!
- Đúng, không có trong quy tắc nông nghiệp, tôi không biết tại sao, nhưng đấy là cách làm tốt khi thiếu máy móc cần thiết, - Glô-tốp vẫn tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình, - chúng tôi đã chọn được lúc tốt nhất để gieo hạt và trong hai ngày, chúng tôi sẽ gieo xong toàn bộ cánh đồng này. Một tuần nữa, cây non sẽ đâm lên. Chứ còn gieo bằng tay thì sẽ kéo dài đến mười ngày, cho đến khi thời tiết khô ráo. Thực ra, ở đấy họ sẽ tốn thêm mỗi héc-ta bảy ki-lô-gam hạt. Nhưng hạt giống họ có sẵn. Ở nông trang “Tổ quốc”, từ lâu các nông trang viên đã gieo ngô ở các khu đất gia đình, hộ nào cũng có hạt giống, số hạt đã tập trung được thậm chí còn thừa là đằng khác. Nhưng còn về nhân công thì đối với họ là vấn đề gay đấy. Ở nông trang này, còn rất nhiều đất cần đến nhân lực. Và hiện thời họ cũng chưa đủ máy chuyên dùng để gieo theo cụm ô vuông. Họ vui lòng chịu tốn thêm mỗi héc-ta mười ki-lô-gam hạt, miễn là gieo kịp thời và không phải rút người đang làm tất cả các việc khác đưa đến đây để gieo trồng bằng tay. Hiện nay họ đã bắt đầu xây dựng với quy mô lớn, ngoài ra còn phải đào hố ủ thức ăn tươi chăn nuôi, lại còn phải có người vào rừng đốn cây.
- Như vậy là những ô vuông chỉ xuất hiện sau lần xới thứ nhất phải không?
- Sẽ có ô vuông, - Đô-rô-khốp cam kết. - Khi đồng chí Glô-tốp nói với tôi, tôi đã nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần: tất nhiên là sẽ được những ô vuông. Còn việc tốn thêm mười lăm tạ giống ngô thì chẳng đáng kể gì đối với chúng tôi so với số lao động phải đổ vào đây nếu trồng bằng tay. Đồng chí Mét-vê-đép ạ, hai tuần nữa xin mời đồng chí đến xem ở đây sẽ có những ô vuông như thế nào.
- Hai tuần nữa à? Nhưng hôm nay tôi phải báo cáo thế nào về việc gieo trồng này? Đồng chí biết quyết định của tỉnh ủy chứ? Toàn bộ diện tích trồng ngô phải được gieo bằng phương pháp cụm ô vuông. Hôm nay vẫn chưa có những ô vuông ư? Tôi phải viết trong báo cáo như thế nào?
- Đồng chí hãy viết: đã gieo được ngần ấy héc-ta bằng những ô vuông tương lai.
- Hình như đồng chí còn định bông đùa chăng, đồng chí Đô-rô-khốp? - Mét-vê-đép nói to bằng giọng dậm dọa.
- Đùa bỡn gì được, - Đô-rô-khốp đáp bằng giọng bực bội, quay đi, nhìn xuống dưới chân để khỏi bắt gặp luồng mắt Mét-vê-đép. - Chúng tôi gieo nhiều ngô, không có máy chuyên dùng thì sẽ vấp khó khăn lớn, đã thế đồng chí lại không cho chúng tôi suy nghĩ bằng cái đầu của chúng tôi, xem nên gieo như thế nào tốt hơn, như vậy thì chúng tôi còn bụng dạ đâu mà đùa nữa!..
- Thì ra ở đây đã nảy sinh ra cái lối như thế đấy! Vậy là ở đây các đồng chí có Hội đồng bộ trưởng riêng của mình phải không? Các đồng chí tự ra cho mình những nghị quyết có tính chất bắt buộc! Này, coi chừng đấy, các ông bạn thân mến ạ! Chúng tôi sẽ triệu tập cuộc họp toàn thể huyện ủy, lúc ấy chúng ta sẽ nói với nhau về tất cả mọi việc, sẽ tổng kết vụ gieo hạt! Xin lỗi đồng chí Đô-rô-khốp, tôi vẫn cứ quên rằng đồng chí không phải là đảng viên. Chúng tôi sẽ không mời đồng chí đến dự cuộc họp toàn thể. Nhưng còn trưởng trạm máy kéo là một đảng viên lâu năm! Lại đi dạy các chủ tịch nông trang không phải là đảng viên làm cái trò lừa bịp! Lừa dối huyện ủy! Ái chà, cầu của họ bị hỏng! Ở bên đường thì họ gieo ngô theo cụm ô vuông, còn ở đàng kia thì gieo tùy tiện, vì bí thư huyện ủy không thể đến đây được! Nhưng rồi chúng tôi sẽ có cách trị cả đồng chí nữa, đồng chí Đô-rô-khốp ạ! Ngay cả đồng chí, chúng tôi cũng không cho phép đồng chí làm bậy đâu! Chúng tôi sẽ thưởng công cho đồng chí một cách xứng đáng! Chúng tôi sẽ làm cho đồng chí phải biết thân biết phận, bởi vì đồng chí không có khả năng hiểu được chính sách của Đảng trong giai đoạn này!..
Cái cách đi xuống nông trang của Mét-vê-dép là như thế đấy. Một biểu hiện nhỏ nhặt của việc suy nghĩ độc lập cũng bị anh ta coi là sự vi phạm có ác ý đối với kỷ luật của Đảng và của Nhà nước. Bản thân anh ta không bao giờ dám mảy may làm khác với những chỉ thị của tỉnh, thậm chí anh ta không dám có ý nghĩ, dù là không nói với ai, rằng trong hoàn cảnh cụ thể, có thể có cách khác tốt hơn để giải quyết vấn đề.
Sau khi anh ta đi, các nông trang viên còn sửng sốt hồi lâu, lắc đầu:
- Với ông bí thư như thế thì sống làm sao được?..
Cho đến khi họp toàn thể huyện ủy, Mét-vê-đép đã có đủ thời gian làm cho tất cả các chủ tịch nông trang đều phẫn nộ với mình. Nhất định phải xảy ra chuyện gì, điều đó không sao tránh khỏi.
Cuối cùng, cuộc họp được triệu tập vào giữa tháng Sáu, trong thời gian nghỉ giữa vụ. Thoạt tiên nó có vẻ như một phiên tòa xét xử đúng một nửa số chủ tịch nông trang và trưởng trạm máy kéo. Trong báo cáo của mình, Mét-vê-đép vạch ra một cách rõ ràng tất cả những sai lầm và sơ suất mà bản thân anh ta và các cán bộ huyện ủy đã phát hiện thấy ở các nông trang trong đợt gieo trồng mùa xuân và trong đợt đầu của việc trừ cỏ. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của những sai lầm đã phạm phải, những người có lỗi bị gọi là “kẻ phá hoại ngầm”, “kẻ phá vỡ kế hoạch”, “kẻ phá rối tổ chức” và thậm chí là “kẻ phá hoại chế độ nông trang”; Đôn-gu-sin bị liệt vào loại “kẻ ăn hại Nhà nước”.
Mở đầu báo cáo, Mét-vê-đép nói về trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca và kết thúc báo cáo anh ta cũng nói về trạm máy kéo đó. Anh ta không đếm xỉa gì đến việc các nông trang thuộc khu vực trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca đã có ưu điểm nổi bật về mặt tổ chức chu đáo mọi công việc trong đợt gieo trồng mùa xuân, và chính những nông trang này đã đạt được những chỉ tiêu cao nhất về chăn nuôi, sữa, và về việc vỗ béo cho lợn. Mét-vê-đép nhắc lại với Đôn-gu-sin tất cả những tội lỗi của ông, kể từ ngày đầu tiên ông bước chân qua ngưỡng cửa phòng làm việc của trưởng trạm ở trong phòng hành chính của trạm máy kéo: nào là bội chi quỹ sửa chữa máy, nào là vụ hỏng động cơ đi-ê-den ở xưởng sửa chữa, nào là việc vi phạm quy tắc cất giữ nhiên liệu mà nhân viên thanh tra phòng hỏa đã lập biên bản, nào là dùng tiền của trạm máy kéo một cách bất hợp pháp để mua phân bón hóa học cho các nông trang, nào là cho bầu ban quản trị mới ở nông trang “Rạng đông” mà không được huyện ủy cho phép. Mét-vê-đép phê phán Đôn-gu-sin đặc biệt mạnh về một việc như sau: một tiểu ban chuyên trách đã phát hiện ra rằng trong thời gian gieo hạt, ở khu vực trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca đã có rất nhiều trường hợp phải cày và xới lại, duyên do vì làm đất ẩu.
- Nhà nước sẽ phải trả một giá đắt về lúa mì của đồng chí, nếu như mỗi khu vực đồng chí đều cày hai lần, đồng chí Đôn-gu-sin ạ! - Mét-vê-đép nói oang oang trên diễn đàn. - Ở Na-đê-giơ-đin-ca, đến giữa mùa hè, đồng chí đã dùng hết số nhiên liệu cho cả năm! Làm việc như thế thì phá sản mất!
Về việc này Đôn-gu-sin đã giải thích cho Mét-vê-đép rõ từ trước khi có cuộc họp toàn thể: tại sao ở trạm máy kéo lại có trường hợp phải cày lại như thế:
- Đồng chí tưởng rằng năm ngoái ở Na-đê-giơ-đin-ca, số đất cày hỏng ít hơn ư? Ở các trạm máy kéo khác, đất cày hỏng ít hơn ở chúng tôi ư? Không ít hơn đâu. Nhưng ở đấy đã hình thành những tập tục xấu: không vạch áo cho người xem lưng. Một đội trưởng của nông trang tiếp nhận đất cày ẩu, không lập biên bản về việc làm ẩu, bởi vì nếu làm cho thợ máy kéo nổi giận thì họ sẽ trả miếng: lần ấy máy đã phải ngừng việc nửa ngày vì thiếu nước, bữa nọ thì không đưa hạt giống đến, có lần lại không có thợ rơ-moóc. Sự ràng buộc lẫn nhau vì cùng vô trách nhiệm: cậu đừng động đến tớ, tớ sẽ không động đến cậu. Xung đột được dàn xếp theo kiểu gia đình: kẻ vi phạm kỹ thuật nông nghiệp tòi ra nửa lít rượu vốt-ca, thế là xong. Chúng tôi quyết định đưa những sự việc như thế ra công khai. Không thể để các nông trang chịu thiệt vì sự thiếu lương tâm của thợ máy kéo. Chúng tôi có lỗi, chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Chính chúng tôi lôi những kẻ làm ấu ra ánh sáng và các nông trang đòi hỏi không được nương nhẹ họ. Kỹ sư trưởng của chúng tôi ký biên bản cày lại. Nhưng từ đó không thể rút ra kết luận rằng trạm máy kéo làm việc kém hơn trước. Sản phẩm hỏng của chúng tôi bây giờ không nhiều hơn trước, mà ít hơn. Duy có điều, những trường hợp làm ẩu bị phát hiện ra nhiều hơn và kẻ có lỗi bị trừng phạt. Nhưng đây là hai việc khác nhau!
Cách giải thích đó không làm Mét-vê-đép hài lòng và trong cuộc họp toàn thể, anh ta nói suốt hai mươi phút về việc cày lại đó.
- Như vậy thì bất cứ ai cũng có thể đạt được năng suất cao, nếu như cày đất hai lần! Nhưng chúng ta sẽ phải trả giá như thế nào về cái sản lượng ấy? Hay do quy mô công tác trước kia của đồng chí ở Mát-xcơ-va, đồng chí đã quen ném hàng triệu đồng theo gió? Bậy thật! Không phải là làm việc, mà là làm bậy! Thế đến kỳ gặt hái, đồng chí sẽ lại xin thêm nhiên liệu chứ gì? Đối với đồng chí, Nhà nước là con bò sữa phải không?....
Cái nhọt nung mủ lâu ngày cuối cùng đã vỡ ra trong cuộc họp này.
- Con quỷ mà cắt lông lợn thì chỉ có nhiều tiếng eng éc, chứ lông thì chẳng được bao nhiêu, - Glô-tốp, con người vốn lãnh đạm đã nổi cáu, lên tiếng phát biểu trong cuộc thảo luận bằng những lời lẽ khác thường như thế. - Chúng tôi chán ngấy cái trò đó rồi, đồng chí Mét-vê-đép ạ! Quát tháo, la lối, hò hét: “Những kẻ làm hỏng việc!”, “Những kẻ phá hoại ngầm!”, cứ như thể là ở huyện này, chỉ có một mình anh bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nói chung là bảo vệ Chính quyền Xô-viết, còn tất cả chúng tôi đều thuộc loại kẻ thù của Nhà nước hoặc là những kẻ đần độn. Anh là người mới trong huyện, là một bí thư trẻ tuổi, vậy mà anh bám lấy cái cũ nó đã ăn ruỗng cả gan ruột chúng tôi rồi! Tại sao anh thù ghét đồng chí Đôn-gu-sin? Đồng chí ấy làm việc không tiếc sức. Đồng chí ấy làm trưởng trạm máy kéo chưa được một năm, vậy mà một người làm ruộng lâu năm và một cán bộ cơ khí hóa như tôi đã có những cái phải học tập đồng chí ấy! Trung ương Đảng lựa chọn những người như thế về giúp chúng ta. Năm 1930, giai cấp công nhân đã đáp ứng lời kêu gọi của nông thôn, và hiện nay cũng thế. Có điều, hồi ấy Đa-vư-đốp, một công nhân trong số hai mươi lăm nghìn người về nông thôn, là một thợ nguội bình thường, còn bây giờ thì Đảng cho chúng ta những kỹ sư. Cần phải hiểu cho đúng: đối với đồng chí Đôn-gu-sin, không phải là chuyện dễ dàng khi đã ngoài năm mươi, lại phá vỡ cuộc sống trước đây của mình, làm quen với nông thôn sau thời gian sống ở Mát-xcơ-va, bỏ nghề luyện kim chuyển sang học nghề làm ruộng. Vậy mà anh giúp đỡ, động viên tinh thần đồng chí ấy như thế nào? Với cách động viên của anh như thế, nếu đồng chí ấy non gan hay thuộc loại đảng viên chỉ cần tấm thẻ đảng để giành lấy phúc lợi của cuộc sống thì có lẽ đã từ lâu, đồng chí ấy viện cớ này cớ khác, tìm cách trở lại Mát-xcơ-va! Thì đây, bây giờ đồng chí nghe bản báo cáo của anh, vẻ mặt đồng chí ấy như người ăn phải xà phòng, cả tôi cũng cảm thấy ngao ngán. Lãnh đạo thế mà là lãnh đạo ư? Có lần, tôi đã đề nghị với anh: giúp chúng tôi chuyển sang chế độ sửa chữa máy quanh năm, chúng tôi không thể tự mình giải quyết vấn đề đó, cần phá vỡ thể lệ cũ về việc chi tiền sửa chữa và cung cấp phụ tùng cho chúng tôi. Nhưng anh đã làm gì? Anh có đặt vấn đề đó ra với tỉnh, với Bộ không? Anh có gọi điện, có viết giấy tờ đề nghị với cấp nào không? Anh chẳng làm gì hết! Thậm chí anh còn không dám tự mình nếu vấn đề đó lên! “sửa chữa quanh năm”, ngộ nhỡ đấy là chuyện nhảm nhí thì sao. Anh là viên giám thị và kẻ đốc việc, chứ không phải là người lãnh đạo, không phải là bí thư huyện ủy, thế đấy, Mét-vê-đép ạ!..
Ru-đen-cô cũng bức tức đến tột độ, ông nói:
- Bỏ cái lối ấy đi, Mét-vê-đép! Trước anh, đã có kẻ thử cai trị huyện bằng những phương pháp như thế và cách cai trị ấy đã dẫn đến kết quả là chúng tôi, những ủy viên thường vụ huyện ủy, phải về nông trang làm chủ tịch. Anh không quen Boóc-dốp, người đã làm bí thư huyện ủy ở đây bốn năm trời ư? Nhìn anh, tôi có cảm giác anh là em ruột ông ta. Những kiểu dọa dẫm và đe nạt, cái đó không có gì mới mẻ đối với chúng tôi, Glô-tốp nói đúng. Bây giờ phải có tác phong làm việc khác, Mét-vê-đép ạ: cần dạy người ta suy nghĩ bằng cái đầu của họ, cần giáo dục cho mọi người đức tính can đảm, trung thực đối với Đảng và với lương tâm mình. Nhưng không thể giáo dục lòng can đảm bằng cái gậy được. Anh lạc hậu với cuộc sống rồi! Kiểu làm việc của anh chẳng khác gì đi săn mà lại lần theo dấu vết cũ. Lần theo dấu vết ấy thì không thể săn được thỏ, đấy là dấu vết từ hôm kia rồi!..
Gri-bốp nói về việc lấy con số thống kê, làm báo cáo.
- Đồng chí gọi các chủ tịch nông trang là những kẻ phá hoại, nhưng chính đồng chí là người phá hoại mùa màng hơn ai hết, đồng chí Mét-vê-đép ạ! Các nông trang bị thiệt hại nặng vì những phương pháp lãnh đạo kiểu cai đội của đồng chí! Như tôi, Ru-đen-cô, Plốt-ni-cốp, Ô-pi-ôn-kin thì không sợ những lời đe dọa của đồng chí, đã biết gieo trồng mọi thứ đúng thời vụ. Nhưng ở những nông trang mà chủ tịch không đủ vững tâm, đi gieo ngô xuống đất lạnh thì bây giờ ra sao? Đồng chí hãy về đây mà xem. Đồng đất đen ngòm, từ thân cây này đến thân cây kia cách xa mười mét, hạt giống đã thối hết, cả những cây non cũng không lớn lên được. Người ta làm tất cả những việc đó chỉ cốt để nêu lên con số, để mau chóng báo cáo rằng đã gieo trồng xong, để khoe khoang, lấy thành tích. Thế bây giờ, trong báo cáo, chắc đồng chí không nêu ra những chỗ ngô đã bị chết hết đâu nhỉ? Diện tích trồng ngô đã được ghi vào báo cáo thống kê nhất thiết không được giảm đi! Đồng chí không cho phép các nông trang trồng lại cây khác, thay chỗ ngô bị chết. Đồng chí bắt người ta trồng ngô bằng tay trên những khu vực đã trụi hết cây. Làm như thế sẽ mất bao nhiêu thời gian? Các nông trang viên sẽ làm mất một tháng nữa bò lê trên đồng ruộng để gieo hạt! Mà bây giờ thì bao giờ số ngô ấy sẽ mọc? Kết quả sẽ được gì? Đấy mới thực sự là tội lỗi! Bằng những “mệnh lệnh” của mình, đồng chí đã hủy hoại hàng nghìn tấn hoa mầu!..
Nê-chi-pu-ren-cô nói:
- Chỉ riêng một bản báo cáo hay ho về đợt gieo trồng mùa xuân thì chưa giải quyết được gì hết, trước mắt còn cả một vụ hè! Vả lại gieo sớm chưa có nghĩa là gieo tốt. Đồng chí Mét-vê-đép, những bí thư huyện ủy như đồng chí bắt các chủ tịch nông trang phải thi nhau xem ai đóng ngựa nhanh hơn. Các người giáo dục những kẻ đánh xe ngang tàng, chứ không phải là giáo dục những người làm chủ! Người nào khéo tay làm nhanh, đóng ngựa cừ, đưa cỗ xe ngựa đến bậc tam cấp một cách duyên dáng thì người đó là “người tiền tiến”! Nhưng điều quan trọng hơn nhiều không phải là ai thẳng ngựa như thế nào, mà là ai chở được bao nhiêu hàng!..
Chủ tịch Xô-viết huyện Mi-tin nói:
- Đồng chí Mét-vê-đép, tôi e rằng chúng ta sẽ không còn ai giúp đỡ chúng ta nữa, nếu chúng ta cứ chỉ dùng những biện pháp hành chính. Nhân dân sẽ xa lánh chúng ta.
Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na Boóc-dô-va nói:
- Đồng chí Mét-vê-đép, hiện giờ đồng chí cũng làm tất cả những gì mà đồng chí Mác-tư-nốp trước đây đã làm: nào là triệu tập hội nghị những người lao động tiền tiến, nào là họp các cán bộ cơ khí hóa, nào là họp đảng viên nòng cốt, nhưng những cuộc họp đó chẳng có ích lợi gì cả! Báo cáo cũng như những lời phát biểu, tất cả đều đúng phép tắc, hình thức vẫn như thế, nhưng chẳng làm ai xúc động hết. Người ta ngồi nghe: “các đồng chí phải”, “các đồng chí có bổn phận”, “cần động viên”... Chỉ cốt để báo cáo với tỉnh ủy rằng đã tổ chức được ngần ấy cuộc họp. Nếu đồng chí không hứng thú với công tác Đảng thì tốt hơn hết là hãy thẳng thắn thừa nhận rằng đồng chí không thích công việc đó. Có lẽ đồng chí sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn nếu đồng chí đảm nhiệm một công việc gì không phải tiếp xúc với những con người bằng xương bằng thịt, mà tiếp xúc với những văn kiện, những tài liệu lưu trữ chăng? Chứ như thế này thì không được: thích chức vụ bí thư thứ nhất huyện ủy nhưng lại không thích công tác Đảng.
Cả Ô-pi-ôn-kin cũng lên tiếng:
- Đồng chí Đôn-gu-sin được nhân dân huyện ta yêu mến. Đồng chí ấy biết làm việc với mọi người, còn anh thì không biết làm việc như thế, Mét-vê-đép ạ. Cũng chỉ vì vậy mà anh căm tức đồng chí ấy. Nhưng đừng hòng! Chúng tôi sẽ không để cho anh đàn áp một trưởng trạm như thế đâu! Mà cũng không có lý do gì để đàn áp đồng chí ấy. Đến mùa thu, sản lượng thu hoạch sẽ cho biết đồng chí ấy làm việc như thế nào. Trong đời tôi, tôi đã gặp rất nhiều trưởng trạm máy kéo, có lẽ đây là người trưởng trạm chân chính đầu tiên mà tôi được biết, người trưởng trạm được các chủ tịch nông trang tuân theo mà không cần dùng đến mệnh lệnh. Chúng tôi tuân theo đồng chí ấy bởi vì trước khi đề ra việc gì với chúng tôi, đồng chí ấy bao giờ cũng hỏi ý kiến chúng tôi và động viên trí tuệ của chúng tôi. Huyện ta cần có những người như thế!..
Các đảng viên không còn chịu đựng nổi nữa - họ nhớ tới Boóc-dốp cũng như một số người trước Boóc-dốp. Bản báo cáo theo giọng “kiểm sát trưởng”, nặng tính chất quan liêu, nhẫn tâm (thậm chí những lời đe dọa anh ta cũng viết sẵn ra giấy và cứ thế mà đọc!), khiến tất cả mọi người phẫn nộ và cáu đến nỗi khi trưởng phòng tuyên truyền của huyện ủy lên trình bày dự thảo nghị quyết, thì lập tức anh ta bị chận lại bằng những câu hỏi:
- Bao nhiêu trang?
- Lại cũng y hệt như những điều chúng tôi nghe thấy trong báo cáo chứ gì?
- Không có gì mới ư?
Rư-giơ-cốp bí thư tổ chức Đảng của nông trang “Đấu tranh”, trước là bí thư huyện đoàn Côm-xô-môn đứng lên và đề nghị không dùng nghị quyết ấy, cái nghị quyết có lẽ do Mét-vê-đép chuẩn bị sẵn, mà căn cứ vào báo cáo của Mét-vê-đép, thông qua một nghị quyết khác ngắn gọn: “Khiển trách đồng chí Mét-vê-đép bí thư huyện ủy Tơ-rô-ít-xcơ, vì đã làm sống lại ở trong huyện những phương pháp lãnh đạo của Boóc-dốp đối với các nông trang”.
Hầu hết các ủy viên thường vụ biểu quyết tán thành đề nghị của Rư-giơ-cốp.
Hai ngày sau cuộc họp đó, Mác-tư-nốp được ra viện, anh chống nạng khập khễnh đến huyện ủy.
Buổi trưa nóng bức, trên các đường phố của thị trấn vắng tanh vắng ngắt. Mác-tư-nốp gặp Rư-giơ-cốp ở gần huyện ủy, một bên má Rư-giơ-cốp buộc băng, anh đến Tơ-rô-ít-xcơ, nhổ chiếc răng đau.
- Này, các ông bạn thông minh của tôi đã làm cái trò kỳ quái gì thế? - Mác-tư-nốp nhăn nhó hỏi anh ta. - Một cuộc họp toàn thể chưa từng có. Có lẽ chưa có ở đâu người ta thông qua những quyết định như thế căn cứ vào báo cáo của bí thư về đợt gieo trồng vụ xuân.
- Kể thì cũng đúng như thế thật, đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ, - Rư-giơ-cốp thanh minh một cách bối rối, - chúng tôi đã chán ngấy tất cả những cái đó rồi!
- Quyết định đó nói chung không đúng nguyên tắc lắm, một quyết định cụt lủn, - Mác-tư-nốp nhún vai. - Chưa nói hết mọi vấn đề... Sau này tổ chức Đảng sẽ xây dựng quan hệ với anh ta như thế nào? Các đồng chí có nghĩ rằng sau câu chuyện bất ngờ như thế, anh ta sẽ không thể làm việc ở đây nữa không?
- Chúng tôi chẳng nghĩ gì hết. Bây giờ để cho tỉnh ủy nghĩ!.. Mà có lẽ cũng không phải chúng tôi không nghĩ đâu, - Rư-giơ-cốp bỗng nháy mắt một cách ranh mãnh với Mác-tư-nốp. - Chúng tôi nghĩ chính như thế này: bây giờ, sau khi bị bẽ mặt như thế, anh ta sẽ không ở lại huyện ta!..
Mét-vê-đép không có mặt ở huyện ủy, anh ta đi đâu không rõ. Mác-tư-nốp không vào phòng làm việc, anh gọi điện từ chỗ Tơ-ru-bi-txưn về tỉnh ủy. Trong số các bí thư tỉnh ủy, anh chỉ gặp Ma-xle-ni-cốp. Anh báo cáo rằng anh đã ra viện, anh đã khỏi hẳn, chỉ hơi đau một bên chân, nhưng đã có thể đi nạng và đi xe, bác sĩ cho phép đi như thế. Anh hỏi: anh có cần bắt tay vào công tác ở huyện ủy không, hay có lẽ đã có quyết định khác về số phận của anh?
Ma-xle-ni-cốp trả lời rằng hiện giờ chưa có quyết định nào khác, nếu sức khỏe của Mác-tư-nốp cho phép thì cần bắt đầu làm việc ngay, sau khi làm thủ tục thông qua thường vụ huyện ủy về việc mình trở lại cương vị bí thư thứ nhất.
- Bắt tay vào việc đi, bắt đầu luôn đi! - Ma-xle-ni-cốp cất cao tiếng, lập tức lấy giọng thảo luận về công việc, không phải là nói với một người ốm, mà với một bí thư huyện ủy trở lại làm nhiệm vụ của mình. - Hãy đốc thúc mạnh việc cung cấp sữa! Trong năm ngày gần đây, huyện đã tụt từ hàng thứ tư xuống hàng thứ chín. Huyện Lu-ca-sốp đã vượt các đồng chí. Nhục nhã! Việc sửa chữa máy liên hợp của các đồng chí xoàng lắm. Ở huyện các đồng chí, Đôn-gu-sin luôn luôn bày ra đủ mọi cách đánh lừa chúng ta, lấy cớ đảm bảo chất lượng, làm như chúng ta không đòi hỏi phải sửa chữa máy cho tốt! Đương nhiên là phải sửa chữa máy vừa nhanh vừa tốt! Và trong mấy ngày sắp tới, phải tìm hiểu kỹ xem ở huyện đồng chí, những kẻ nào đang phá rối tổ chức Đảng, đồng chí Mác-tư-nốp ạ. Sao lại dám làm những việc như thế mà không có sự đồng ý của tỉnh ủy? Ai đưa ra đề nghị đó? Những ai biểu quyết? Họ đã biến cuộc họp toàn thể huyện ủy thành cuộc biểu diễn xiếc! Bậy bạ! Ấu trĩ! Thế mà chúng tôi cứ tưởng rằng ở Tơ-rô-ít-xcơ chúng tôi có một tổ chức Đảng trưởng thành! Tuy việc đó xảy ra trong lúc đồng chí vắng mặt, nhưng đồng chí không rũ trách nhiệm được đâu! Đấy là do sự giáo dục của đồng chí!
- Rồi chúng ta sẽ tìm ra được manh mối, đồng chí ạ, - Mác-tư-nốp trả lời. - Tôi cho rằng ở đây đã tích lũy nhiều cái mà bây giờ ta sẽ phải tìm hiểu đến nơi đến chốn. Còn về việc giáo dục thì đừng vội mắng tôi. Cần phải xét kỹ xem vì cớ gì mà mắng người ta! Khi các đảng viên phát biểu như họ đã phát biểu tại cuộc họp ấy, phê bình người bí thư mà tỉnh ủy chưa quyết định trước là sẽ cách chức, phê bình và không sợ nguy hại cho mình, nếu như người bí thư đó vẫn còn giữ chức, nói chung là không lo sợ cho lợi ích cá nhân mình thì tôi nghĩ rằng đấy là kết quả của sự giáo dục không đến nỗi tồi. Dù sao đi nữa, tôi vẫn hài lòng, nếu như đó là kết quả công tác của tôi. Như vậy là tôi đã sống bốn năm không đến nỗi uổng ở Tơ-rô-ít-xcơ.
Chuyện Thường Ngày Ở Huyện Chuyện Thường Ngày Ở Huyện - Va-Len-Tin Ô-Vet-Skin Chuyện Thường Ngày Ở Huyện