Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Lưu Chấn Vân
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đông Mai
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 12
Cập nhật: 2023-03-26 23:05:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
hủ tịch huyện Trịnh Trọng mới đến nhận chức vỏn vẹn có ba tháng. Trong số các cán bộ lãnh đạo từ trên xuống dưới ở huyện, duy có Trịnh Trọng còn chưa được “nếm” sự lợi hại của Lý Tuyết Liên. Chưa biết tới sự lợi hại của Tuyết Liên cũng không phải do ngày trước ông không biết cô là “Rau cải thìa” đương đại. Ai chẳng biết chỉ vì vụ kiện cáo của cô mà từ Chủ tịch thành phố đến Chủ tịch huyện, rồi Chánh án và cả loạt người có liên quan đã bị cách chức. Chính vì biết ông ta mới cảm thấy mấy vị lãnh đạo từ trên xuống dưới đều có kiểu Một lần bị rắn cắn cả chục năm sợ dây thừng, nhát đến mức trông cây cỏ cũng phát sợ. Các cấp chính quyển từ thành phố đến huyện lỵ, sao có thể để một người đàn bà nhà quê đe dọa hay nắm thóp chứ? Một khi để kẻ khác nắm được thóp, siết chặt điểm yếu trong tay chúng, vậy mình sẽ chẳng còn đường lùi và mọi người chẳng năm nào được yên ổn cả. Ổn định vẫn phải ổn định, hài hòa vẫn phải hài hòa, nhưng không thể duy trì ổn định hoặc xây dựng sự hài hòa theo cái kiểu như thế này được, Giống như việc đối phó với phần tử khủng bố, mình không được nhượng bộ. Nếu nhượng bộ chúng sẽ đưa ra những điều kiện mới tệ hơn và mãi mãi không có điểm dừng. Đàm phán không phải là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi việc. Ông cảm thấy lãnh đạo từ trên xuống dưới quá mềm yếu, lúc cần mạnh tay đáng lẽ vẫn phải mạnh tay. Chuyện gì phải đến thì cứ để cho nó đến. Phần tử khủng bố muốn nổ súng cứ để chúng nổ súng. Tất nhiên việc cách chức từ Chủ tịch thành phố đến Chủ tịch huyện, từ Chánh án đến một loạt người liên quan 20 năm trước đây là tấm gương để lãnh đạo nhìn vào. Nhưng chính vì 20 năm trước đã từng xảy ra nên giờ không phải sợ nữa. Trên quan trường nơi nào đã từng cách chức sẽ không cách chức nữa, cũng như trên đời này nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất.
Ngoài những thông tin kể trên, còn phải nói thêm rằng khi Trịnh Trọng làm phó Chủ tịch thường vụ ở một huyện khác, cũng từng xử lý một vụ dân chúng lên gặp cấp trên kiện cáo nên có kinh nghiệm thực tế hơn. Tình hình của huyện kia nghiêm trọng hơn vụ kiện cáo của Tuyết Liên nhiều. Chẳng là trên huyện muốn xây dựng khu công nghiệp nên thu hồi hơn 200 mẫu đất của một thôn nọ. Nhưng chính quyển và người nông dân mãi không đạt được thỏa thuận trong việc bồi thường. Hơn một nghìn nông dân ở thôn này tụ tập lại, đủ cả già trẻ gái trai đến ngồi biểu tình trước cổng Ủy ban huyện. Chủ tịch huyện họ Hùng đàm phán với đại biểu nông dân cả chục lần nhưng vẫn không có kết quả, vậy là người đến tụ tập trước cổng Ủy ban huyện ngày một đông. Chủ tịch huyện Hùng xin chỉ thị của Chủ tịch thành phố Mã Văn Bân, hỏi xem có thể dùng vũ lực không. Nhưng Mã Văn Bân chỉ đáp lại vỏn vẹn có bốn chữ: “Giải quyết thỏa đáng.”
Trên dưới cùng gây sức ép khiến Chủ tịch huyện Hùng lo nghĩ đến mức phải nhập viện. Ông vừa đổ bệnh thì mọi chuyện đều đổ hết lên đầu Trịnh Trọng. Trịnh Trọng biết lão Hùng giả ốm để trốn tổ ong vò vẽ này, nhưng ông ta có cách nghĩ của riêng mình. Sau khi Trịnh Trọng tiếp nhận vụ này, không xin chỉ thị của bất cứ ai mà gọi mấy đại biểu nhân dân cầm đầu gây chuyện vào phòng hội nghị ủy ban huyện, tiến hành đàm phán lần thứ 11. Đại biểu nông dân vừa bước vào phòng họp đã thấy cảnh sát đứng đầy bên trong. Cảnh sát không nói lời nào liền ập đến vây lấy mấy đại biểu nông dân cầm đầu gây chuyện, tra tay vào còng, bịt mồm lại, áp giải đi theo lối cửa sau Ủy ban huyện. Nghe tin đại biểu của mình bị cảnh sát bắt, hơn một nghìn nông dân trước cổng Ủy ban càng nổi loạn hơn. Cả đám người xông vào Ủy ban huyện đập cửa sổ nhà làm việc, lật đổ ba chiếc ô tô đậu trước khu nhà rồi châm lửa đốt. Trinh Trọng chỉ đợi đến lúc ấy để ra tay. Ngay sau đó, đám dân chúng đang đánh đập cướp phá thì chợt phát hiện ra từ bốn phía ủy ban huyện cảnh sát đã bắt đầu bao vây. Cảnh sát đến càng lúc càng đông, khoảng bốn năm trăm người, nhiều cây súng đã lên đạn, có người tay lăm lăm cầm dùi cui. Trịnh Trọng đã triệu tập toàn bộ lực lượng bốn năm trăm cảnh sát của huyện đến. Nông dân và cảnh sát xảy ra xung đột. Trịnh Trọng lệnh cho cảnh sát nổ súng chỉ thiên. Tiếng súng vừa vang lên, đám nông dân lập tức như chim vỡ tổ. Hai phát đạn lạc khiến hai nông dân bị thương, rồi sự việc cứ như thế dẩn lặng đi.
Mây đại biểu tới đàm phán bị bắt được thả ra. Bảy tám tên cầm đầu tham gia đánh, đập, cướp, đốt bị bắt lại và kết vào “tội gây rối loạn trật tự xã hội”, “tội gây trở ngại cho việc thi hành công vụ”, “tội cố ý phá hoại tài sản nhà nước”, lần lượt bị khép vào các mức phạt tù ba năm đến năm năm. Chính phủ vẫn bồi thường cho người nông dân theo mức giá quy định ban đầu. Dân làng cũng nhận số tiền ấy, không ai dám gây chuyện nữa, vậy là khu công nghiệp được khởi công ngay sau đó. Vì nổ súng gây thương tích cho người dân nên Trịnh Trọng bị cảnh cáo kỷ luật trong nội bộ Đảng. Ngày trước, Chủ tịch thành phố Mã Văn Bân không thân với Trịnh Trọng. Qua vụ việc này, bắt đầu coi trọng Trịnh Trọng hơn. Việc coi trọng ở đây không phải vì tán thưởng cách Trịnh Trọng cho nổ súng gây thương tích đến dân, mà là cách hắn không xin chỉ thị, dám tự mình làm chủ những ca khó như thế này. Nói cách khác, đó là tinh thần dám làm dám chịu trách nhiệm. Một năm sau, Chủ tịch huyện Lý Tuyết Liên bị điều đi, mặc dù Trịnh Trọng đang chịu kỷ luật nhưng Chủ tịch thành phố Mã Văn Bân vẫn quyết định điểu ông ta đến huyện này làm chủ tịch huyện. Khi Chánh án Công Đạo báo cáo với Trịnh Trọng tính tình của Tuyết Liên, lo sợ năm nay mụ ta vẫn tiếp tục đi kiện cáo, nét mặt Công Đạo khi nói như đưa đám, song Trịnh Trọng lại coi như không có chuyện gì, Công Đạo nói: “20 năm rồi, mụ đàn bà này ngày càng khó đối phó. Mụ càng nói không kiện em càng không yên tâm, chẳng biết mụ ta đang toan tính cái gì.”
Trịnh Trọng: “Không biết thì đừng làm bừa, cứ để cô ta kiện đi.”
Công Đạo vội xua tay: “Chủ tịch, anh vừa đến nên không rõ. Thật không dám để cô ta đi kiện.”
Trịnh Trọng: “Điều nào trong Hiến pháp quy định công dân không được kiện cáo chứ?”
Công Đạo: “Cô ta đâu đến tòa án huyện mình kiện, nếu đến tòa án huyện mình thì em cũng chẳng sợ gì. Cô ta đã kiện là kiện ở Bắc Kinh. Bình thường đi Bắc Kinh mình cũng không sợ, nhưng ở đó lại sắp diễn ra Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Cô ta mà xông vào Đại lễ đường lần nữa, từ Chủ tịch đến anh, rồi đến cả em, lại phải mất chức thôi.”
Trịnh Trọng mỉm cười, giảng giải cái lý lẽ chính. Bởi 20 năm trước đã cách chức một loạt người nên giờ sẽ không cách chức ai nữa. Nào ngờ Công Đạo không đồng ý: “Chủ tịch, em nói một câu khó nghe anh đừng để bụng, em hiểu cái lẽ Sông có khúc người có lúc. chính vì mỗi lúc mỗi khác nên tâm tư của lãnh đạo cũng giống tâm tư của Tuyết Liên vậy. Mình cũng không đoán chuẩn được đâu anh à. Anh tưởng cách chức cán bộ, lãnh đạo sẽ đau lòng sao? Cái gì Trung Quốc cũng thiếu, chỉ mỗi cán bộ là không thiếu. Cách chức cả loạt càng tiện thể để người ta nhân cơ hội ấy thay hết thành loạt người của mình.”
Câu này của anh ta là vấn đề Trịnh Trọng chưa từng nghĩ tới. Ông ta ngả người lên lưng ghế: “Cách chức thì cách đi, đúng lúc tôi chẳng muốn làm nữa đây.”
Công Đạo lại như muốn nổi cáu: “Chuyện này cũng không phải do anh nói là được. Anh không muốn làm, nhỡ đâu Chủ tịch thành phố vẫn còn muốn làm nữa thì sao?”
Rồi lại cúi đầu nói tiếp: “Hơn nữa, em vẫn còn muốn làm tiếp.”
Trịnh Trọng nhận thấy Vương Công Đạo là người thật thà, bất giác phì cười: “Thế các cấp chính quyền bị một mụ đàn bà nhà quê bắt chẹt như vậy sao?”
Công Đạo: “Chứ lại không, hai chục năm rồi, năm nào cũng vậy.”
Lại nói: “Phiến phức còn ở chỗ, nếu như chỉ mình mụ ta còn dễ đối phó. Trên thực tế, giờ mụ ta đã biến thành ba người rồi.”
Trịnh Trọng thắc mắc: “Ý cậu là sao?”
Công Đạo: “Chúng ta đã biết mụ là ‘rau cải thìa’, chồng trước nói mụ là Phan Kim Liên, mụ lại bảo mình oan như Đậu Nga. Vậy chẳng phải thành ba người à? Ba người đàn bà ấy, người nào cũng chẳng phải tay vừa. Chỉ chọn ra một người thôi đã chẳng dễ đối phó rồi. Ba người như thế phối hợp lại với nhau, lại chẳng thành ra ba đầu sáu tay rồi. Giống hệt như đi luyện công với Bạch Nương Tử(8) luyện tới hai chục năm, lại chẳng sớm thành tinh rồi.”
“Để dỗ dành mụ, 20 năm nay em cũng chẳng dám để mụ thiếu thốn cái gì. Chỉ riêng giò heo, em đã tặng cho mụ đến 17-18 cái.”
“Toàn thấy mọi người biếu xén sếp, ai đời sếp lại phải đi biếu xén một mụ nhà quê?”
Liến thoắng chán Công Đạo lại quay sang trách: “Nhà nước cũng họp Đại hội đại biểu Nhân dân nhiều quá. Mỗi năm họp thường kỳ một lần, năm năm lại đại hội một lần. Năm nay còn khác các năm trước ở chỗ mở đại hội để bầu ra Ban lãnh đạo cấp cao nhiệm kỳ mới. Sao chúng ta dám để mụ ta đi làm loạn được? Thật không dám sểnh ra chút nào. Chẳng trách gì khác, chỉ trách sự tình đảo điên. Chẳng thể nào ngờ được, một mụ nhà quê thoắt cái đã gắn liền với việc quốc gia đại sự.”
Trịnh Trọng: “Chính bởi các cậu làm như vậy nên mới khiến mụ ta sinh ra thói hư hỏng.”
Công Đạo: “Chủ tịch, đây là hiện thực trước mắt. Chức em bé, không nói nổi. Chủ tịch chức cao hơn, hay anh nói chuyện với mụ ta xem sao?”
Trịnh Trọng cười, biết ngay Công Đạo muốn đẩy việc lên cấp trên để tránh khỏi tổ ong vò vẽ này. Thoạt nhìn cứ tưởng hắn thật thà, ai dè trong lòng cũng đẩy mưu mô. Nhưng Trịnh Trọng không tính toán việc này mà đổi sang hướng nghĩ khác hỏi: “Sao không điều tra một chút xem người đàn bà này còn chuyện gì khác không? Ví dụ như trộm cắp, đánh nhau, cờ bạc, hay mấy chuyện phạm pháp khác”
Công Đạo hiểu ý của Trịnh Trọng bèn đáp: “Cũng mong mụ ta có, nhưng thực tế nếu mụ có phạm tội khác thật thì em đã bắt mụ từ lâu rồi. Như vậy em cũng nhẹ lòng và cho công an làm việc với mụ.”
Song Công Đạo lại gãi đầu nói: “Em cũng để ý mụ hai chục năm nay, nhưng cái giống nhà quê như mụ, muốn phạm tội thì không có gan, muốn cờ bạc lại không có tiền.”
Trịnh Trọng gạt phăng rằng: “Theo như lời cậu nói, người ta đã không có gan ấy. Vậy là chứng tỏ phẩm chất người ta tốt đấy chứ.”
Rồi lại nói: “Hoặc là nếu nghĩ theo cách khác, ta có thể làm công tác tư tưởng cho chồng mụ, để hắn tái hôn với mụ được không? Nếu như họ tái hôn, chẳng phải sẽ không còn chuyện kiện cáo sao?”
Công Đạo: “Hướng này, em theo đã hai chục năm qua, công tác tư tưởng cũng làm mấy trăm lần rồi. Nhưng chồng cũ của mụ cũng là con lừa cứng đầu, hắn bảo nếu mụ không gây sự hai chục năm nay, chuyện tái hôn còn có thể xem xét. Chính vì đã gây sự hai chục năm nên cho dù thiên hạ chỉ còn mình mụ là đàn bà, hắn cũng không bao giờ tái hôn với mụ. Hơn nữa, hắn đã cưới vợ, con trai riêng cũng sắp 20 tuổi. Nếu như tái hôn với Tuyết Liên, hắn còn phải ly hôn trước đúng không ạ? Hơn nữa, Tuyết Liên muốn tái hôn với chồng trước của mụ, cũng không phải vì muốn sống với hắn, mà để sau khi tái hôn tiếp tục ly hôn. Nói trắng ra đơn thuần chỉ vì muốn giày vò chồng và để chứng minh mụ không phải Phan Kim Liên.”
Công Đạo than thở tiếp: “Mụ đâu có giày vò chồng cũ của mụ mà đang giày vò chúng ta. Hai chục năm rồi đấy Chủ tịch ạ! Có lúc em buồn, thật sự muốn từ chức Chánh án này đi làm ăn buôn bán nhỏ quách cho xong.”
Trịnh Trọng phì cười: “Thấy cậu bị ép đến mức này, vậy tôi sẽ gặp mụ một lần.”
Công Đạo lập tức đứng dậy: “Vậy mới phải chứ Chủ tịch. Dù nói trên trời dưới biển gì, anh cũng phải dỗ dành mụ ta một chút cho qua cái tháng này, đợi Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc diễn ra xong, mụ muốn đến đâu kiện thì cứ việc đến đó. Chỉ cần qua được giai đoạn then chốt này, mình không phải sợ nữa.”
Trịnh Trọng lắc đầu: “Cậu nói xem cái huyện này, sao lại sinh ra con mụ Phan Kim Liên như vậy chú?”
Công Đạo: “Ngẫu nhiên, hoàn toàn là do ngẫu nhiên thôi.”
Sáng hôm sau, Chủ tịch huyện Trịnh Trọng đến thôn của Lý Tuyết Liên tìm cô, đi cùng có cả Chánh án Vương Công Đạo. Trịnh Trọng đi tìm Tuyết Liên không phải vì một loạt các lý lẽ hôm qua của Công Đạo, mà bởi vì sau khi anh ta đi về, Chủ tịch Mã Văn Bân đã gọi điện cho ông, bảo mười ngày sau, ông ấy là đại biểu Đại hội Nhân dân toàn quốc, phải đi Bắc Kinh tham dự Đại hội, huyện Trịnh Trọng có người phụ nữ tên là Tuyết Liên, 20 năm trước đã từng gây chuyện tại Đại lễ đường, sau đó năm nào cũng kiện cáo và nhắc nhở Trịnh Trọng chú ý. Mã Văn Bân nói: “Tôi đã đi Bắc Kinh tham dự Đại hội rồi thì Tuyết Liên không cần đi nữa.”
Công Đạo nói trên trời dưới bể, Trịnh Trọng có thể để tâm có thể không, nhưng cuộc điện thoại này của Mã Văn Bân khiến ông ta không thể không chú ý, cũng không dám không chú ý. Ông ta cũng muốn gặp Tuyết Liên xem mụ ta tài cán cỡ nào mà giày vò mọi người từ trên xuống dưới suốt hai chục năm nay. Đến khi gặp được Tuyết Liên, ông ta mới thấy hóa ra cũng chỉ là người phụ nữ nông thôn bình thường, tóc hoa râm, eo thô như cái thùng phuy và giọng nói ồm ồm. Tuyết Liên cảm thấy kỳ lạ nhìn thấy Công Đạo: “Không phải hôm qua cậu đến rồi à? Sao hôm nay lại đến nữa làm gì?”
Công Đạo: “Chị họ, hôm qua là hôm qua chứ. Hôm nay và hôm qua khác nhau mà.”
Đoạn chỉ sang Trịnh Trọng rồi nói: “ Đây là anh Trọng, Chủ tịch huyện mình. Chức em bé, hôm qua không thuyết phục được chị. Hôm nay em mời Chủ tịch huyện đến.”
Khi mọi người đã ngồi yên vị dưới gốc cây táo trong sân nhà. Trịnh Trọng mới nói: “Bà chị, em thích đi thẳng vào vấn đề, mình nói ngắn gọn thôi. Đại hội đại biểu Nhân dân sắp diễn ra rồi, chị còn đi kiện nữa không vậy?”
Tuyết Liên chỉ qua Công Đạo: “Hôm qua tôi nói với cậu ta rồi mà. Năm nay tôi không đi.”
Trịnh Trọng hỏi y hệt những gì hôm qua Công Đạo đã hỏi: “Sao lại không đi?”
Tuyết Liên cũng trả lời hệt hôm qua: “Những năm trước tôi nghĩ không thông. Năm nay tôi nghĩ thông rồi.”
Công Đạo đập tay cái bốp: “Chị càng nói vậy, lòng em càng không yên tâm. Chị nói vậy là vẫn muốn kiện cáo tiếp.”
Trịnh Trọng lấy tay ngăn Công Đạo lại rồi nói với Tuyết Liên: “Chánh án Đạo đây không tin chị nhưng em tin chị. Nếu đã nghĩ thông rồi, vậy chị viết cho em một giấy cam kết đi.”
Tuyết Liên ngạc nhiên: “Giấy cam kết là cái gì?
Trịnh Trọng: “Là đảm bảo chị sẽ không kiện cáo nữa, rồi ký tên chị lên đó.”
Tuyết Liên: “Ký tên vào rồi có tác dụng gì?”
Trịnh Trọng: “Nếu như lại kiện cáo thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”
Tuyết Liên: “Vậy tôi không viết.”
Trịnh Trọng ngẩn người: “Nếu đã không kiện, tại sao chị không dám viết giấy cam kết?”
Tuyết Liên: “Không phải không dám. Nhưng chuyện nào ra chuyện đó, đâu thể để việc nọ móc sang việc kia được. Tôi có oan tôi không kêu oan nữa là một chuyện, nhưng không thể viết giấy cam kết cho cậu được. Viết giấy cam kết cứ như thể tôi sai vậy. Nhất thời sai thì không sao chứ tôi mà viết như thế chả phải đã thừa nhận sai cả hai chục năm nay rồi sao?”
Trịnh Trọng lại ngây người nhận ra rằng người đàn bà nhà quê này không tầm thường. Cái lý lẽ mụ nói trong sự việc này Trịnh Trọng chưa hề nghĩ tới. Trịnh Trọng vội nói: “Bà chị, chuyện không nghiêm trọng vậy đâu, chỉ là hình thức thôi.”
Tuyết Liên lắc đầu: “Bây giờ là hình thức nhưng sau này xảy ra chuyện, mấy người cầm tờ giấy đó là có thể bắt tôi lại rồi.”
Trịnh Trọng cuối cùng cũng nhận ra đây không phải người dễ đối phó. Lý Tuyết Liên - không hổ danh là Lý Tuyết Liên. Cái vỏ bề ngoài ông ta dựng lên đã bị cô nhìn thấu. Trịnh Trọng vội giải thích; “Bọn em không có ý đó, chỉ vì để mọi người yên tâm thôi, nếu không chỉ nói miệng suông một câu, sao mình có thể đạt được thỏa thuận chứ?”
Công Đạo rút một tờ công văn tư trong cặp tài liệu ra, đánh sẵn mấy hàng chữ ở trên đó. Công Đạo: “Chị họ, em đã dự thảo giúp chị bản cam kết này rồi. Hôm nay, Chủ tịch huyện cũng ở đây, chị ký đi.”
Rồi lấy từ túi áo ra một cây bút máy: “Chị ký xong rồi sau này em sẽ không đến làm phiền chị nữa.”
Ai ngờ Lý Tuyết Liên gạt phăng chiếc bút máy của Công Đạo đi, nói: “Vốn dĩ năm nay tôi không định kiện cáo nữa. Nếu các người đã ép tôi như thế thì tôi nói cho các người biết, tôi đổi ý rồi, năm nay tôi vẫn phải đi kiện.”
Trịnh Trọng sững sờ ngồi đó. Còn Công Đạo nhặt chiếc bút máy từ dưới đất lên, đập đập vào tờ giấy cam kết trong tay: “Biết ngay mà, cuối cùng cũng nói thật rồi nhé!”
Tôi Không Phải Phan Kim Liên Tôi Không Phải Phan Kim Liên - Lưu Chấn Vân Tôi Không Phải Phan Kim Liên