There is a temperate zone in the mind, between luxurious indolence and exacting work; and it is to this region, just between laziness and labor, that summer reading belongs.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Maurice Druon
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Tistou Les Pouces Verts
Dịch giả: Nguyễn Văn Quang
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 149 / 5
Cập nhật: 2019-12-06 09:01:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20 - Vì Sao Cuối Cùng Người Ta Biết Tix-Tu Là Ai
hiều ngày em bận tâm tới nó; nó thu hút mọi sự trìu mến của em; giờ em chỉ còn nghĩ tới nó thôi. Nó là ai, là gì? Cái thang!
- Tix-tu đang dựng một cái thang. Việc đó chắc sẽ đổi không khí cho cậu ấy. - Dân Mi-rơ-poan xì xào với nhau.
Người ta không biết gì hơn. Làm thang để làm gì? Đặt thang ở đâu? Vì sao làm thang chứ không phải một cái tháp hay một cái đình nở hoa?
Tix-tu đâm ra là người khó hiểu.
- Tôi muốn làm một cái thang, chỉ vậy thôi.
Em chọn chỗ đặt thang chính giữa bãi cỏ.
Bình thường, đóng thang là việc của thợ mộc. Nhưng Tix-tu không dùng gỗ đã cắt.
Thoạt tiên, em cắm khá sâu hai ngón tay cái xuống đất, khoảng cách giữa hai ngón là một sải tay.
- Phải làm sao cho rễ cái thang này thật vững chắc. - Em phân trần với con pô-nây Thể thao vẫn thích thú theo dõi công việc của em.
Hai cái cây rất đẹp mọc lên, cành khít, thân thẳng. Chưa đầy một tuần, chúng đã cao ba mươi mét. Trung thành với những lời dạy bảo của bác Râu-mép-dài, mỗi buổi sáng Tix-tu đều trò chuyện với chúng. Phương pháp này dẫn đến những kết quả tốt đẹp nhất.
Hai cây ấy thuộc loại rất hiếm. Thân cây nom duyên dáng như bạch dương I-ta-li-a, nhưng rắn như hoàng dương hay thanh tùng. Lá có khía răng cưa như lá sồi, quả mọc đứng thẳng có những hình nón nhỏ như quả thông.
Khi cây cao quá sáu mươi mét, lá khía răng cưa biến đi, nhường chỗ cho những lá hình kim xanh lơ, sau đấy xuất hiện những cái chồi bóng lộn, chính do những cái chồi này mà anh Ca-rơ-luyx bảo rằng hai cây của Tix-tu thuộc một loại rất phổ biến ở quê anh, gọi là cây lê đá.
- Thế mà là lê đá à? – Bà làm bếp A-mê-li kêu lên – Anh không thấy bây giờ bắt đầu nảy những chùm hoa trắng thơm ngát hử? Đây là cây kim hợp hoan, tôi bảo anh thế đấy. Tôi quen loại cây này, bởi dùng hoa của nó để làm bánh be-nhơ mà lị.
Cũng như Ca-rơ-luyx, bà A-me-li chẳng đúng cũng chẳng sai. Mỗi người đều tưởng đấy là loại cây mình yêu thích nhất. Thực ra chúng là những cây không tên.
Chưa bao lâu, chúng đã cao quá một trăm mét, và những ngày sương mù, người ta không nhìn thấy ngọn.
Nhưng bạn xem, hai cái cây dù rất cao, cũng chẳng bao giờ đủ để tạo nên một cái thang.
Chính lúc ấy xuất hiện một dây đậu tía, loại đặc biệt, lại được cây hoa bia bện vào nên rất chắc. Dây đậu tía có đặc điểm là chỉ đâm ngang, quấy lấy hai cây. Nó quấn chặt vào một thân cây, rồi vươn sang ngang, quấn ba vòng thật chặt xung quanh cây kia, cuộn mình lại thành một cái nút, leo lên cao một chút rồi lại quấn lấy thân cây và vươn thẳng sang ngang theo hướng ngược lại. Cứ vậy các bậc thang hiện hình dần.
Sự kì diệu là cây đậu tía đột ngột nở hoa. Lúc ấy hình như có một giải màu hoa cà từ trên trời đổ xuống.
- Nếu quả thật bác Râu-mép-dài ở trên ấy như người ta khăng khăng bảo tôi, - Tix-tu tâm sự với con Thể thao - chắc chắn bác ấy sẽ lợi dụng cái thang này để xuống, chỉ nhoáng cái là đến đất thôi mà.
Con pô-nây không trả lời.
- Tôi không ăn không ngủ được vì không thấy bác ấy… Vì không biết tại sao bác ấy không về… - Tix-tu nói.
Cái thang cứ cao lên mãi. Người ta chụp ảnh nó và đăng lên các báo in chữ màu với dòng tin: “Cái thang hoa ở Mi-rơ-poan là kỳ quan thứ tám của thế giới”.
Giá như người ta hỏi bạn đọc bảy kỳ quan kia là những cái gì, hẳn họ sẽ lúng túng khi trả lời. Muốn biết rõ, bạn hãy hỏi ngay bố mẹ bạn câu hỏi ấy.
Cái thang và tin tức về nó trên báo chí cũng không mời được bác Râu-mép-dài trở lại.
Tix-tu quyết định. Em chờ ba sáng nữa, sau đó em sẽ biết phải làm gì.
Sáng thứ ba đã đến.
Mặt trăng đã lặn, mặt trời chưa mọc, sao bắt đầu buồn ngủ rụng dần, Tix-tu ra khỏi giường. Đêm đã tan nhưng ngày chưa đến.
Tix-tu mặc áo sơ-mi trắng dài.
“Giày păng-túp của mình đâu nhỉ?”, em tự hỏi. Em đi tìm và thấy một chiếc dưới gậm giường, một chiếc trên tủ com-mốt.
Em trượt xuống theo tay vịn cầu thang, rồi nhón chân đi ra khỏi nhà và đi đến chiếc thang ở giữa đồng cỏ. Con Thể thao cũng đang ở đây. Nó có vẻ buồn, tai cụp, bờm rối.
- Bạn dậy rồi kia ư? – Tix-tu hỏi nó.
- Đêm qua tôi không về chuồng. - Con pô-nây đáp - Tôi phải thú thực với bạn là suốt đêm tôi loay hoay gặm gãy hai chân thang nhưng gỗ quá cứng. Răng tôi đành chịu thua.
- Bạn muốn hạ cái thang đẹp của tôi à? – Tix-tu thốt lên. – Sao thế? Để ngăn tôi trèo lên?
- Phải! – Con pô-nây đáp.
Sương bắt đầu lấp lánh trong cỏ. Cùng lúc ấy, trong ánh bình minh nhợt nhạt, Tix-tu thấy nước mắt con pô-nây trào ra, những giọt nước mắt to tướng.
- Kìa Thể thao, đừng khóc to, bạn làm mọi người giật mình thức dậy đấy! Vì sao bạn lại lo buồn? Bạn biết rằng tôi không chóng mặt. Tôi leo lên rồi lại xuống. Tôi phải xuống và về nhà trước khi anh Ca-rơ-luyx ngủ dậy…
Nhưng Thể thao vẫn khóc.
- Ôi, tôi biết… tôi biết rằng chuyện đó sẽ đến… - Thể thao trả lời.
- Tôi sẽ cố gắng mang về cho bạn một ngôi sao nhỏ. – Tix-tu nói để an ủi Thể thao - Tạm biệt Thể thao nhé!...
- Vĩnh biệt! – Con pô-nây đáp.
Nó nhìn Tix-tu leo lên các bậc thang dây đậu tía.
Tix-tu leo lên bình thường, nhẹ nhàng, khéo léo. Chả mấy chốc, cái áo sơ-mi mặc đêm của em chỉ còn như một cái khăn mùi xoa.
Thể thao vươn cao cổ. Tix-tu nhỏ dần, nhỏ dần, như một hòn bi, một hạt đậu Hà Lan, rồi một mũi kim, một hạt bụi. Khi không nhìn thấy em được nữa, con Thể thao buồn bã bỏ đi, ra gặm cỏ ngoài thảo nguyên, dù nó chẳng đói chút nào.
Nhưng đứng trên thang, Tix-tu còn nhìn thấy mặt đất.
“Kìa, - em nhủ thầm - các đồng cỏ đều xanh”.
Em dừng lại giây lát. Nhìn xuống, em thấy các vật bên dưới đều khác hẳn. Ngôi-nhà-lấp-lánh vẫn chói sáng nhưng nom giống một tia sáng phát ra từ kim cương.
Gió thổi phồng áo sơ-mi của Tix-tu.
“Ta hãy bám lấy nào”. Và em tiếp tục leo lên. Đáng lẽ sẽ thêm khó khăn phức tạp, việc trèo lên mỗi lúc một dễ dàng.
Gió đã lặng. Những gì ồn ào đều ngưng bặt. Mặt trời chói lọi như một bó đuốc khổng lồ, nhưng không thiêu cháy gì cả. Quả đất chỉ còn là một cái bóng, chẳng còn là gì nữa.
Tix-tu không cảm nhận thấy ngay rằng cái thang cũng không còn nữa. Em chỉ nhận ra điều đó lúc em biết mình đã đánh rơi mất đôi giày păng-túp và đang đi chân không. Thang không còn nhưng em vẫn leo lên chẳng khó nhọc gì. Một cái cánh trăng mênh mông chạm vào em.
“Buồn cười thật. - Em nghĩ - Không có chim mà lại có cánh này!”
Đột nhiên, em bước vào một đám mây khổng lồ, trắng nhờ, bồng bềnh như bong, từ trong nhìn ra chẳng thấy gì cả.
Đám mây gợi cho Tix-tu nhớ lại một cái gì… phải, một cái gì cũng trắng cũng mướt như thế này; đám mây gợi cho em hai dải râu mép của bác Râu-mép-dài, nhưng to rộng gấp hàng triệu lần. Tix-tu đang đi trong một bộ râu mép mênh mông như một cánh rừng.
Lúc ấy, em nghe rõ một tiếng nói giống hệt tiếng của bác Râu-mép-dài, nhưng vang hơn nhiều, trịnh trọng gấp bội, tha thiết hàng vạn lần hơn. Em nghe tiếng ấy bảo:
- A, con đấy hả, con…
Rồi em vĩnh viễn biến mất trong cái thế giới vô hình mà ngay người viết truyện cũng không biết gì hết.
Nhưng mẹ em, bố em, ông Tru-na-đix, anh Ca-rơ-luyx, bà A-mê-li, cùng tất cả nhưng ai quý trọng em đều sắp cuống cuồng lên, âu lo và thất vọng. Con Thể thao tự thấy mình có trách nhiệm giải thích cho họ biết bao điều kỳ diệu xung quanh em cho họ yên lòng. Như chúng tôi đã thưa với các bạn, con pô-nây hiểu biết rất nhiều.
Cho nên, Tix-tu vừa khuất hẳn, nó liền bắt đầu gặm cỏ. Dù nó chẳng đói. Nó gặm xoàn xoạt, xoàn xoạt, một cách rất lạ, dường như nó muốn vẽ hình gì lên đồng cỏ. Nó gặm đến đâu, ở đó mọc ngay những đoá khuy vàng chi chít. Xong việc, nó đi nghỉ.
Khi những người trong ngôi-nhà-lấp-lánh đi ra và tìm gọi Tix-tu khắp nơi, họ nhìn thấy giữa đồng cỏ hai chiếc giày păng-túp nhỏ và dòng chữ kết bằng những đoá khuy vàng rực rỡ:
TIX-TU LÀ MỘT THIÊN THẦN!
Dịch nguyên bản tiếng Pháp
“Tistou les pouces verts”
Nhà xuất bản GP. Pa-ri 1972
Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh - Maurice Druon Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh