Số lần đọc/download: 15124 / 295
Cập nhật: 2015-03-10 12:00:57 +0700
Chương 20 -
N
hà hát thành phố An Hải tối nay đã chật cứng người. Tôi xem đồng hồ, chỉ còn mười lăm phút nữa là đồng chí bí thư tỉnh ủy và quan khách từ bàn tiệc khách sạn sẽ tới đây. Các cô phục vụ, tiếp tân lấy từ đoàn văn công tỉnh cô nào cũng xinh như mộng, má phấn môi son, dáng người thon thả bay lượn hết ý, trong chiếc áo dài dân tộc, phơi phới như bướm lượn hướng dẫn số ghế cho mọi người. Họ phát tặng phẩm cho khách tới dự một tập thơ Đêm mặt trời của tác giả Hoài Bão tức đồng chí Tràng Giang, bí thư tỉnh ủy, kèm một phong bì số tiền là một trăm đồng với hàng chữ in trên phong bì thật đẹp: Xin vui lòng dùng một ly cà phê để thức với Đêm mặt trời .
Vì là tặng phẩm quý, lại có tí kim ngân nên các cô tiếp tân phát thứ tự sợ có ai bị phát nhầm hai ba lần. Hai Kỷ, vừa được đề bạt lên quyền trưởng ban tuyên huấn tỉnh, bước lên diễn đàn với bộ com-lê không có cà-vạt, vừa vỗ tay đôm đốp lập lại trật tự vừa nói:
- Thưa các đồng chí của khối tư tưởng, khối văn hóa và toàn thể anh em văn nghệ sĩ của tỉnh nhà thân mến. Chỉ một chốc nữa đồng chí bí thư tỉnh ủy và quan khách báo chí, phát thanh truyền hình sẽ tới đây. Tôi đã hội ý với đồng chí khối trưởng của các khối, đêm dạ hội thơ này, ban tổ chức xin phát động một phong trào thi đua vỗ tay giữa các khối, vì thuận tiện là chúng ta ngồi theo đội hình cơ quan và theo từng khối riêng. Vậy các đồng chí có đồng ý thi đua không? Nếu đồng ý, xin tập thể cho một tràng pháo tay kéo dài, chỉ khi nào tôi ngừng vỗ tay thì các đồng chí mới ngừng nghe chưa. Nào xin toàn hội trường vỗ tay, một hai ba, vỗ. Tiếng vỗ tay như động đất, như nổ tung cả hội trường. Sau cuộc vỗ tay tập dượt khá lâu, Hai Kỷ nói:
- Vừa nãy chúng ta đã vỗ rất tốt nhưng chưa thật đồng đều. Khối trường đảng vỗ tay hơi yếu. Nào, đồng chí Lê Thị Mộng Ruộng đâu rồi. à, yêu cầu đồng chí châm ngòi nổ cho hay một chết nữa. Còn khối văn hóa lại vỗ tay to quá, toàn là tay của các bạn lực sĩ cả, vỗ to quá mà không đều, có mấy đồng chí vỗ tay kêu ngang với súng bắn, sợ đồng chí bí thư giật mình hoặc điếc tai. Tôi yêu cầu chúng ta tập dượt lại.
Mọi người vỗ có lẽ đã rát cả tay. Hai Kỷ lại nhắc:
- Yêu cầu khối văn công đừng nên hăng quá, vỗ trước cả hiệu lệnh, các đồng chí bớt bớt tả khuynh đi một chết nữa. Sao các đồng chí bên tuyên huấn lại vỗ tay rời rạc như cơm nguội vậy? Nào, ta tập dượt lần cuối cùng, lần này yêu cầu từng khối vỗ tay riêng xem mèo nào thắng miểu nào. Trước lúc đồng chí bí thư và khách truyền thông mêđia tới: Haí Kỷ phổ biến kinh nghiệm vỗ tay của mình, vì ông sợ mọi người đau rát tay hết:
- Tôi đã có kinh nghiệm suốt đời về nghệ thuật vỗ tay, xin các đồng chí thử coi. Muốn hai bàn tay khỏi rát và vỗ giòn như cà pháo, các đồng chí thử thoa vào lòng tay một chết nước miếng coi, biết nhau liền. Có vỗ đến một năm bàn tay vẫn cứ tốt, vẫn giòn hơn bắp rang.
Tám Lợi, giám đốc nhà xuất bản tỉnh lên dặn dò mọi người về một số điều cần thiết và bảo cáo nghị trình làm việc. Ông ta được cử làm chân giới thiệu chương trình. Hai Kỷ ngồi xuống cạnh tôi nói nhỏ:
- Ba Hưng thấy chưa, có tí vật chất kích thích là biết nhau liền, vỗ tay cứ như búa bổ.
Tôi chép miệng:
- Cái gì chả vậy, có tí phong bì vẫn hơn nói suông. Ta không nên làm mãi nhà chính khách nước miếng. Cần phải học.. cách làm chính trị bằng phong bì như tối nay, ăn lắm, dù chỉ một trăm bạc. Mình nghèo nên hay nói chuyện ghét tiền, chứ cái giống kim ngân này như thiên hạ nói tiền là tiên là Phật, là sức bật cuộc đời, là tiếng cười tuổi trẻ, là cái mẽ tình yêu là cái niêu hạnh phúc là gì.
Hai Kỷ chỉnh:
- Coi chừng ông lạc sang quỹ đạo của tư bản đó. Chúng nó có tiền, còn chúng ta có chính nghĩa.
Tôi im lặng. Cái lý của ông Hai Kỷ là cái lý của một thời. Làm như sự giàu có và chính nghĩa là hai cực đối lập vậy. Mục tiêu chủ nghĩa xã hội là hạnh phúc cho mọi người và mỗi người. Nhưng hạnh phúc chỉ đi kèm với sự giàu có. Nhưng lý luận của ông Hai Kỷ thì chính nghĩa cần phải xa lánh sự giàu có mà cụ thể là tiền bạc. Vậy thì khác gì học thuyết của Chúa Kitô: Kẻ giàu vào nước thiên đàng khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Cứ nghèo khổ đi, rách như xơ mướp và tổ đỉa đi, các bạn sẽ đạt được nước thiên đường. Nhưng trời ơi, thực tế đã chứng minh rằng khi cái dạ dày của con người lép kẹp, chính nghĩa hay chân lý đối với nó là bất cứ thứ gì, bất cứ vật gì có thể tống vào miệng để khỏi chết đói.
Đúng giờ hẹn, linh hồn của buổi họp báo, buổi ra mắt và dạ hội thơ nhân tập thơ ra mắt đã tới. Đi đầu đoàn người tất nhiên là đồng chí bí thư tỉnh ủy và vợ tức Thùy Linh. Tràng Giang mặc áo vét đen, giày đen, dáng điệu bệ vệ quan cách. Thùy Linh diện chiếc áo dài đỏ như muốn đốt cháy cả nhà hát. Theo sau hai ông bà dĩ nhiên là thư ký thứ hai Võ Nghiêm Quát và một người như võ sĩ quyền Anh chính là anh cán bộ lái xe kiêm bảo vệ cho bí thư tỉnh ủy. Anh vệ sĩ có võ rất ghê, đi đâu súng lục cũng sẵn sàng trong túi quần này tên là Hồ Bán Thiên, cháu gọi bà Hồ Lệ Thùy Linh bằng cô ruột. Theo sau đó là các đồng chí phó bí thư, đồng chí chủ tịch tỉnh và các nhà báo cùng phóng viên phát thanh và truyền hình. Họ vừa từ khách sạn Hào Hoa dự bữa cơm dưa muối với đồng chí bí thư, mừng cho tập thơ của đồng chí hôm nay ra mắt. Khi mọi người vỗ tay đã tới mức có thể rụng hết ngón, Hai Kỷ mới khoát tay cho ngừng. Tám Lợi lên đọc bài diễn văn giới thiệu quá sức long trọng soạn sẵn và đầy rẫy những từ hoa mỹ. Tiếp đó là diễn văn của Hai Kỷ chúc mừng tập thơ của tăc giả Hoài Bão phát hành từ đêm nay. Sau đó, Tám Lợi giới thiệu tôi, nhà văn nổi tiếng Trần Hưng, từng để bao nhiêu năm nghiền ngẫm, tìm hiểu giá trị tập thơ khi nó còn là bản thảo. Tôi bước lên diễn đàn như bước vào vai kịch đẹp nhất của đời mình: đọc bài viết sẵn nói lên giá trị nội dung và nghệ thuật của tập thơ Đêm mặt trời.
Qua ánh đèn sáng không thua kém gì mặt trời, tôi nhìn thấy các vị đại biểu mặt mũi toát mồ hôi vì phải vỗ tay nhiều quá, mặc dù hàng chục cái quạt tran đang làm công tác một cách điên dại. Bản báo cáo của tôi mang tựa đề: Đêm Mặt Trời, một giai điệu tuyệt đẹp của bản giao hưởng xã hội chủ nghĩa. Tôi xin lấy danh dự nhà văn ra thề với các bạn rằng: nếu trên thế giới có nơi nào mở trường đại học về khoa nịnh thần, chắc chắn bài bình thơ tối nay của tôi sẽ đạt bằng tiến sĩ loại ưu. Trước khi đọc ở nhà hát tối nay, tôi đã để cả tuần tập dượt cách đọc trước gương, lấy một cái cây giả làm micrô để luyện giọng và sắc mặt. Hai Kỷ đã giúp tôi luyện giọng bằng cách cho mượn cái máy ghi âm của tuyên huấn. Vì thế, lúc này tôi đọc hay quá, qua cái liếc mắt, tôi biết bí thư tỉnh ủy hết sức sung sướng hài lòng. Cứ mỗi đoạn xuống dòng, tôi ngẩng đầu lên để giao lưu ánh mắt, giao lưu tình cảm với khán thính giả theo kiểu bình thông nhau. Có lúc tôi gặp ánh mắt của Ruộng ngồi bên dưới với sự trìu mến đầy ý nghĩa như thầm bảo: rán đi ông, đọc cho hay hơn để hỗ trợ giúp em vào tỉnh ủy. Tôi đã thành công tới không ngờ, như một nghệ sĩ xuất sắc trình bày tài năng đi mây về gió, chứ không còn thuần túy là nhà phê bình thơ nữa. Khi tôi bước xuống, Hai Kỷ bèn đứng lên bắt nhịp cho cả hội trường vỗ tay lớn quá, khiến tôi ù cả tai, hoa mắt, ngực thon thót, đầu giần giật chỉ một tẹo nữa là lăn đùng ra làm hề cho cả tỉnh. Vinh quang nhiều khi cũng thật là nguy hiểm. Tràng Giang từ hàng ghế danh dự vội đến bắt tay tôi, đỡ lấy vai tôi và ôm hôn đánh chụt vào má. Tôi vênh mặt lên tận hưởng vinh dự và đột nhiên bắt gặp cái ánh mắt thằng Hoàng Thi cười cười. Tôi ngầm bảo hắn: giờ hơn mày con ạ. Bỗng một tia mắt khác từ phía bên phải thằng rắn độc như nọc của con rắn cái vừa đẻ phóng thẳng vào mắt tôi, khiến tôi cụt hứng, giật mình. ấy chính là cái nhìn của con gián điệp Ngọc Hương, kẻ đã dùng mỹ nhân kế để tước đoạt cuộc đời tôi, ăn cướp chức tổng biên tập báo của tôi cho bồ nó. May mà lúc đó bà chị Hồ Lệ Thùy Linh với cái áo dài làm đêm tối cũng phải bốc khói đi về phía tôi, nói lời chúc mừng kèm theo bông hồng tặng nhét vào tay tôi. Tôi ngây ra một khác, nhìn xuống hàng ghế có vợ tôi ngồi, thấy ánh mắt của bà ta long lên sòng sọc. Tôi thất thểu đi về chỗ mình, ôm cái phần thưởng lớn lao là bông hồng của bà đệ nhất phu nhân tỉnh vừa tặng với tâm trạng mịt mờ khó tả. Tôi biết vinh quang này sẽ là gánh nặng của tôi đêm nay. Bà vợ tôi rồi sẽ dạy cho tôi cái giá bông hồng của một người đàn bà uy quyền lẳng lơ chim chuột nhất tỉnh vừa tặng tôi, với đôi mắt để ngỏ cửa kia, sẽ đất đến mức nào. Tôi cũng nhận ra ánh mắt của con yêu tinh Ngọc Hương nhìn tôi khi nhận món quà của bà vợ ông bí thư, vừa như giễu cợt, vừa ngầm cảnh cáo rằng coi chừng nhá anh chàng Ba Hưng cù lần tội nghiệp. Tôi ngồi vào ghế của mình như một ông đầu rau đang ôm niềm tự hào cay đắng, một thứ vinh quang chết người. Khi anh lên tới đỉnh cao của danh vọng là lúc phải coi chừng nhất, vì chỉ một tí sẩy chân là rơi ngay xuống vực. Khi Tám Lợi giới thiệu mục ngâm thơ thì Hai Kỷ ghé vài tai tôi khen: Ông hùng biện ngang Thánh Thán. Tôi hoảng hồn với cách so sánh nguy hiểm của ông. Thánh Thán chết chém vì lộng ngôn. Còn tôi chưa từng lộng ngôn dù ở trong mơ mà. Chỉ cần hình dung sơ sơ ra cảnh đao phủ dẫn mình ra pháp trường, ấn vai mình bắt quỳ xuống, trói vào cọc, tôi đã nghẹt thở chứ chưa nói gì đến nghệ thuật chém treo ngành của những đao phủ cha truyền con nối. Tôi lấy hết nghị lực ra để cố thoát khỏi ám ảnh Thánh Thán nhưng không được. Cái sự đọc sách báo hại tôi. Tôi thương ông Thánh Thán với tài bình thơ nghiêng trời lệch đất, nhưng không đi thấu được cái lẽ của thanh gươm. Có lẽ nhờ nét đẹp duyên dáng và giọng ngâm thơ thánh thót của nữ nghệ sĩ Nhụy Đào, đưa tôi vào lại tập thơ của bí thư tỉnh ủy với bài thơ Bài ca hạnh phúc, tạm thời quên đi ông Thánh Thán và Tây Sương ký đời xưa. Tôi xin trích một đoạn trong bài thơ Nhụy Đào đang ngâm:
Ôi cuộc sống vô cùng thời đại
Hạnh phúc làm ta tưởng thực là mơ
Có thể nào tin được đất nước bây giờ
Đang tiến bước vào thiên đường cộng sản
Ta để bỏ qua chuyện cơm no áo ấm
Để tới thời ăn suớng, mặc sang
Sau chiến tranh xây đất nuớc đàng hoàng
Cả thế giới đang nhìn ta ghen tị
Việt Nam đó, mộl thiên tài thế kỷ
Những tầm nhìn đi trước cả hành tinh
Những con người tự nguyện thắp bình minh
Thao thức bao đêm dẫn đường hạnh phúc
Ôi đất nước hành quân hay đám rước?
Trăm giấc ông cha mơ chưa gặp cái bây giờ
Làm chủ tập thể là cả một trời thơ
Mà nhân loại nghìn sau còn học hỏi
- Rằng Việt Nam ơi, người là hoa hay là trái?
Người mọc lên từ bùn đất máu xương
Hạnh phúc lớn lên như Thánh Gióng phi thường
Hãy đi tới ngày mai bằng con tàu vũ trụ
Hỡi công nông, hõi những ngưòi làm chủ
Có xã hội nào tốt đẹp như ta
Trên đất này hạnh phúc hóa bài ca...
Lại vỗ tay thác đổ. Lại bí thư tỉnh ủy bắt tay và ôm hôn, rồi bà vợ tặng hoa cho diễn viên ngâm thơ. Hơn mười bài thơ na ná thế, hơn mười giọng ngâm na ná thế, hơn mười lần bắt tay ôm hôn và tặng hoa na ná thế. Chỉ tội các vị đại biểu vỗ tay mệt phờ râu tôm. Hai Kỷ ghé tai tôi bình: Thơ bí thư nghe hơi giống thơ Tố Hữu, tài thật. Tôi nghĩ cùng một dòng hô hào đại ngôn, bên anh, bên em, đại loại thế. Cuối cùng đến lượt bí thư tỉnh ủy lên diễn đàn. Tràng Giang tuy tên vậy nhưng khi nói năng không đến nỗi đại hải cho lắm. Vẫn giọng điệu lên lớp, dạy bảo thiên hạ của típ người lãnh đạo lâu năm thuộc thế hệ ông chưa hề biết khiêm nhường là gì. Suốt cuộc đời ông chỉ học một bài giáo điều để đi dạy mọi người hàng nghìn bài về đời sống. Phần cuối của bài huấn thị là một loạt điều chung chung về làm chủ tập thể, về đạo đức cách mạng, về công ơn của Đảng, về thiên đường cộng sản và bản chất tốt đẹp của xã hội ta hơn hẳn các chế độ đàn áp đói nghèo Bắc Mỹ, Tây âu và Nhật Bản. Đoạn cuối, Tràng Giang hô hào:
- Hỡi các đồng chí văn nghệ sĩ tỉnh nhà, nhiệm vụ thiêng liêng và vinh dự của các đồng chí là xây dựng những hình tượng con người mới xã hội chủ nghĩa. Con người mới này hiện nay là đa số, là thắng thế, là xu thế trong cuộc đi lên phơi phới tự do hạnh phúc của tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung. Con người mới là con người theo tiêu chuẩn Bác đã đề ra: đó là người dám hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi tập thể, khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ, là đày tớ trung thành tận tụy của dân, sống thanh bạch chẳng màng danh lợi, khiêm tốn chí công vô tư. Những con người sáng quắc tắm gương thời đại ấy chính là nguờn cảm hứng vô tận cho chúng ta sáng tác. Sao các đồng chí lại ít viết về họ. Hay những con người mới xã hội chủ nghĩa này ít tốt đẹp chăng? Tôi xin chúc các đồng chí ngày nào sống cũng là ngày hạnh phúc sáng tươi, phơi phới tin tưởng, đêm nào ngủ cũng là Đêm mặt trời.
Tràng Giang bước xuống trong tiếng vỗ tay của cả hội trường ào ào đứng dậy. Hàng chục cô văn công vây lấy đồng chí bí thư kính mến của mình để tặng hoa. Sau đó nhiều văn nghệ sĩ lên phát biểu phụ họa cho bài nói của bí thư và tìm cách khen bằng được tập thơ Đêm mặt trời. Chợt một người mặc áo bộ đội bạc màu, đi dép cao su, từ hàng ghế cuối cùng xin lên phát biểu cảm tưởng. Bỗng Hai Kỷ bảo tôi: ấy chết, thằng Trần Khuất Nguyên. Tôi hơi lạ hỏi lại: Ai mời anh ta tới đây nhỉ?. Hai Kỷ im lặng theo dõi khi Trần Khuất Nguyên với dáng cao gầy, mắt to sâu, miệng rộng, tóc bồng đã đứng trước micrô. Cả hội trường lặng tờ như đang chuẩn bị nghe thông báo về cuộc chiến tranh thế giới. Trần Khuất Nguyên nâng micrô lên cao một chút cho vừa với mình, đoạn cao giọng làm một màn kính thưa rất phép tắc. Anh ta tự giới thiệu tên mình. Rằng anh ta ba mươi ba tuổi, thương binh loại bốn trên tám, từng là đảng viên, là hội viên nhà văn, nhưng đảng thì mới bị khai trừ, đang bị cấm in báo in sách, mặc dù đã có nhiều tập thơ xuất bản và đạt được nhiều giải thưởng văn học. Cả hội trường rộ lên rào rào như ong vỡ tổ. Trần Khuất Nguyên nói tiếp:
- Trước hết, về tập thơ Đêm mặt trời thiết tưởng các đồng chí đã nói nhiều và cạn lẽ. Tôi chỉ nêu vài suy nghĩ về bài nói của đồng chí bí thư tỉnh ủy vừa nãy. Trước hết tôi thấy hiện nay giữa văn học và cuộc sống có một khoảng cách quá lớn, nếu không muốn nói là trái ngược nhau. Văn học chỉ cốt tô hồng, quét nước sơn hạnh phúc lên sự bất hạnh của đám đông, cắm hoa hồng lên nỗi đau của quần chúng. Thứ hai, cuộc sống với đồng lương diễu cợt của cán bộ công nhân viên chúng ta không nên nói là quá thấp nữa, mà phải nói là một thí dụ về sống, về ăn. Ví như tôi, từng là thương binh đánh Mỹ, với đồng lương hiện nay, nếu ăn xôi sáng cho no cũng chưa đủ. Vậy thì phải kiếm việc gì để làm mà sống, nếu không có khả năng ăn hối lộ, móc ngoặc hoặc ăn cắp của công. Vì vậy, tối nào tôi cũng phải thuê xích lô đạp, kiếm thêm tiền ăn bữa trưa và bữa tối, đặng có sức mà phục vụ đất nước. Nhưng văn học chúng ta quay lưng lại tất cả những điều ấy, lại toàn đi ba hoa nói về những điều không có thật. Những điều chỉ thuần là bánh vẽ. Tôi nghĩ rằng, phàm bất cứ ai, bất cứ chính thể nào chối bỏ sự thật, xóa nhòa ranh giới giữa thiện ác tốt xấu, quyết không thể tiến bộ được. Một điều ai cũng thấy, nhưng báo chí và văn học chúng ta làm ngơ là xã hội hiện nay đang bất công khủng khiếp. Chúng ta hy sinh hàng triệu người để làm cách mạng xóa bất công, tại sao lại đẻ ra cả một giai tầng đặc quyền đặc lợi? Điều này ở tỉnh ta, xin các đồng chí cứ ngó vào các khu sang trọng, các biệt thự dành cho ông lớn bà lớn và khu lao động khu dân nghèo, khu cán bộ công nhân viên thì rõ. Điều cuối cùng tôi hoàn toàn nhất trí với đồng chí bí thư tỉnh ủy là chúng ta phải viết về con người mới xã hội chủ nghĩa, những con người khổ trước nhân dân, sướng sau nhân dân. Vậy tôi xin đồng chí bí thư tỉnh ủy chỉ cho tôi xem trong hàng ngũ cán bộ cao cấp của tỉnh ta hiện nay, ai, những ai là con người mới xã hội chủ nghĩa? Nếu đồng chí bí thư chỉ được, tôi sẽ tìm đến cái địa chỉ của con người cán bộ cao cấp đồng thời là con người mới xã hội chủ nghĩa để làm mẫu nhân vật, viết một cuốn sách về con người tốt đẹp đó để cho mọi người noi theo.
Cả hội trường ồ lên kinh ngạc, trước một kẻ liều mạng dám nói ra cái sự thật nguy hiểm ấy. Tràng Giang không phải tay vừa, quyết không chịu ê mặt trước thằng lỏi con không biết sợ đang bắt bí mình trước cả tỉnh. Ông ta liền bán cái cho thuộc cấp, bằng cách đứng lên vui vẻ:
- A, tốt thôi, những người mới xã hội chủ nghĩa này có đồng chí trưởng ban tuyên huấn nắm rõ.
Hai Kỷ lên giành lấy micrô và nói, khiến Trần Khuất Nguyên phải bước xuống trong tiếng la ó phản đối của nhiều cán bộ, có nhiều người hô bắt lấy thằng phản động. Tôi thấy Trần Khuất Nguyên vẫn bình thản đi xuống. Tôi biết cậu ta vừa đùa với súng. Cái tội bị quy là phản động của cậu ta là dám đi tới tận cùng sự thật phũ phàng, khiến cho bí thư tỉnh ủy không sao đối đáp, làm mất uy tín đồng chí bí thư trước bàn dân thiên hạ, thiết nghĩ chỉ còn tù là thượng sách. Hai Kỷ tức có phát nghẹn, một lúc mới nói được:
- Trần Khuất Nguyên, anh không có quyền chất vấn đồng chí bí thư tỉnh ủy nghe chưa? Ai là người mới xã hội chủ nghĩa thì tự họ biết, việc gì tới anh nào?
Bí thư tỉnh ủy bị tên nhà thơ phá thối kia làm cho quê quá, bèn dẫn vợ ra về. Mọi người cũng giải tán. Hai Kỷ bực quá gắt ầm lên. Thế là hỏng hết cả đêm thơ và cái sự vào thường vụ tỉnh ủy của ông ta coi như nguy rồi. Tuy vậy, ông cũng đứng lên xin bế mạc đêm ra mắt tập thơ Đêm mặt trời, cảm ơn tất cả, nhất là đồng chí bí thư và phó bí thư, chủ tịch tỉnh đã đến dự. Trần Khuất Nguyên lẫn vào đảm đông mất đâu rồi. Tôi có linh cảm là kẻ uống mật gấu này sẽ bị bắt. Tôi thấy mặt Tràng Giang tái mét, nhưng vẫn giả bộ cười cười bắt tay ban tổ chức, rồi lên cái xe Vonga đen bóng đến gương còn phải lạy.